Các em thân mến,
Trong
những ngày làm việc tại tòa soạn báo Thiếu Nhi, chúng tôi thường xuyên
có dịp tiếp xúc với các em bằng điện thoại vì những vấn đề liên quan đến
tờ báo.
Nhiều
em đã nói chuyện bằng dây nói hết sức nhã nhặn và lễ phép, nhưng có một
ít các em đã dùng những lời nói cộc lốc, y như người bên kia đầu dây
nhỏ hơn mình hoặc là thuộc hạ của mình, lại cũng có em hỏi những chuyện
vẩn vơ, viển vông, không liên hệ đến tờ báo làm mất nhiều thì giờ cho
tòa soạn đang cặm cụi làm việc để báo ra đúng kỳ hạn.
Điện thoại hiện nay càng ngày càng được thông dụng ở nước ta nhất là ở đô thành Saigon, và vùng lân cận.
Còn gì thú vị bằng, ngồi tại nhà lại có thể nghe tiếng nói êm dịu của người bạn nơi xa xôi.
Còn
gì tiện lợi bằng chỉ cần nhắc ông điện thoại lên là mình có thể biết
được giá cả món hàng mình cần thiết ở bất cứ một hiệu buôn nào có điện
thoại, trong tỉnh, hỏi xem chú hay bác mình có ở nhà không để mình đến
thăm, bác sĩ giờ nào có ở phòng mạch để mình đến chữa bịnh...
Nhưng
cũng không có gì bực bội hơn ban đêm đang lúc chúng ta vừa thiu thiu
ngủ lại có tiếng điện thoại gọi lầm số hoặc hỏi những chuyện đâu đâu.
Nhiều
khi chúng ta mân mê chiếc điện thoại và cám ơn người phát minh ra nó,
nhưng cũng có lúc chúng ta muốn vứt bỏ nó cho rồi vì nó làm phiền cho
chúng ta không ít.
Chúng
ta không nên gọi điện thoại trong những giờ nghỉ ngơi hoặc đi ngủ.
Thường thường, nếu không có việc gì quá cấp bách, đừng gọi bất cứ người
nào sau 9 giờ 30 tối và trước 8 giờ 30 sáng. Riêng đối với những người
quá quen thuộc hay thân mật, mà chúng ta biết rõ giờ giấc của họ chúng
ta có thể gọi điện thoại buổi tối, nhưng phải tránh đừng làm phiền cho
họ.
Chúng ta cũng tránh gọi điện thoại cho ai trong giờ ăn, làm họ ăn mất ngon, lại có khi họ nuốt phải xương.
Ngoài
trường hợp nói chuyện lâu dài với người bạn thân ở xa, chúng ta nên vắn
tắt và chỉ nên nói những điều cần thiết mỗi khi dùng đến điện thoại.
Các
em nên nhớ mỗi lần các em dùng điện thoại là các em vào nhà người ta
một cách thình lình và các em làm rộn người ta ở bên kia đầu dây. Biết
đâu người ta đang say mê đọc một đoạn văn hay, đang thưởng thức một bản
nhạc du dương, đang lắng nghe vài người bạn thân kể chuyện... nghe tiếng
điện thoại của em, phải bỏ dở... để nghe em nói những chuyện không đâu.
Khi
dùng điện thoại, các em nên nói lễ phép như người đối thoại đang đứng
trước mặt mình. Khi các em đã quay số, nghe tiếng chuông reo, có người
nhấc ống nói, các em lúc nào cũng bắt đầu tự xưng danh tánh và xin nói
chuyện với ai: "A lô, cháu là X, con ông Y, cháu xin được nói chuyện với
ông S".
Đừng
bao giờ hỏi: "Ai ở đầu dây đó? Ở đó là ở đâu vậy?". Nhưng khi các em
nghi ngờ các em gọi sai số, các em nên hỏi lễ phép: "Dạ xin lỗi, không
biết ở đây có phải là nhà ông A không ạ?"
Người
lịch sự lúc nào cũng nên nghĩ rằng người nghe điện thoại không phải tay
sai của mình mà mình lại kéo họ dậy khi họ đang ngủ, bắt họ rời buồng
tắm khi họ đang chà xà bông, bắt họ ngưng mọi công việc đang làm.
Khi
các em cần xin số ở tổng đài hay một nơi nào khác, các em nên nói vắn
tắt: "A lô, xin vui lòng cho tôi xin số Bốn Hai Một Năm Hai (42152) chớ
các em đừng nói "... Bốn mươi hai ngàn một trăm năm mươi hai" người nghe
khó nhớ lắm. Nếu điện thoại có bốn số (2416) hoặc sáu số (421521) như ở
ngoại quốc, các em nên đọc số đôi. Hai mươi bốn Mười sáu (24-16). Bốn
mươi hai Mười lăm Hai mươi mốt (42-15-21).
Nói
điện thoại, các em đừng ra cử chỉ vô ích, đồng ý hay không phải nói rõ
ràng, chứ lắc đầu hay gật đầu người nghe làm sao thấy hiểu được.
Các em thân mến,
Trên
đây là những điều căn bản mà các em cần biết mỗi khi các em dùng điện
thoại để các em có thể tự hào các em là con nhà có giáo dục, các em tự
hào các em thuộc gia đình Thiếu Nhi.
Thân mến
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 24, ra ngày 23-1-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.