Thứ Năm, 19 tháng 1, 2023

QUÀ TẶNG ĐÊM GIAO THỪA - Nhật Tiến

  

Tính tới tính lui thì vẫn còn thiếu những ba chục nghìn. Lòng dạ Ngoan cứ mỗi lúc một nóng như lửa đốt. Nó hối hả nhìn lên những nóc nhà cao. Vạt nắng chói lọi trên từng mảng tôn sáng lóa cứ mỗi lúc một nhạt dần, trước nhìn còn thấy chói mắt, sau rồi cứ lịm dần đi, nó nhìn vào đấy chăm chăm mà chẳng còn thấy nhức nhối.

Quá chiều ba mươi rồi!

Chẳng còn mấy tiếng nữa là tới giao thừa. Lòng Ngoan quặn thắt lại. Dòng người quanh nó vẫn đang tiếp tục cuồn cuộn, xô đẩy với đủ loại âm thanh ồn ào, chát chúa, nhưng hầu như chẳng ai đoái hoài tới cái mẹt bánh rán nó đã cắp mỏi cả tay từ hồi sáng tới giờ. Ở bên túi trái của nó, cuộn giấy bạc nằm gọn dưới lớp kim băng vẫn còn ngoan ngoãn lắc lư theo nhịp bước bồn chồn, hối hả. Đi đâu bây giờ và kiếm đâu cho ra cái món ba chục nghìn mà nó đã tính chắc là còn thiếu đó. Chợt nó đứng sững lại ngẩn ngơ! In như có tiếng ai gọi nó ở đằng sau lưng:

– Bánh rán. Này con bé bán bánh rán ơi!

Ngoan quay phắt lại nhìn. Nó thấy rõ một bà to béo đang đứng ở một bực cửa vừa giơ tay, vừa réo gọi. Ngoan vội vã quay gót trở lại. Nó chìa cái mẹt ra với niềm vui rộn rã trong lòng. Bà ta mua luôn một lúc tới năm cái bánh. Lúc trả tiền, bà ta bỗng nhiên hỏi nó một câu:

– Mày có biết trèo không?

Ngoan ngơ ngác:

– Trèo lên đâu hả bà?

Bà chủ giơ một ngón tay múp míp và trắng nõn như ngó cần rõ ra là hạng người quanh năm chỉ ăn trên ngồi trốc, chỉ lên nóc nhà cao và nói:

– Lên đó đó. Kiếm cho tao cái xác con mèo. Nó bị điện giật chết đêm hôm qua, mà điều không biết nó rúc vào cái xó nào, tao chỉ nghe tiếng nó gào toáng lên hồi đêm qua rồi im luôn.

Ngoan ngước mắt lên, nhìn theo ngón tay chỉ của bà ta. Tòa nhà cao dễ tới bốn tầng. Ở tít trên cao đó, nó nhìn thấy chằng chịt những cây, những sào, những cột ăng ten và những búi dây điện nhằng nhịt. Thốt nhiên nó rùng mình:

– Ui chao, lên đó lớ quớ dây điện nó giật chết.

Giọng người đàn bà chợt cong cớn hẳn lên:

– Điện ở đâu ra mà sẵn sàng giật chết con người ta thế. Mấy cái búi dây đó, thợ điện đã gom tém vô một góc rồi. Mày chỉ cần chui dưới mấy cái máng xối thôi. Tao chắc con mèo chẳng chạy đi đâu ra ngoài mấy chỗ đó.

Cái Ngoan lý sự:

– Bà nói dây điện đã tém gọn rồi sao con mèo còn bị giật chết?

Lần này thì người đàn bà không còn kìm được vẻ giận dữ nữa. Bà lớn giọng tác xác như để trấn áp câu hỏi hữu lý của con bé:

– Tổ cha nhà mày, trứng còn đòi khôn hơn rận. Con mèo cái xác có bao nhiêu đó, nó chui rúc cho lắm vào thì làm chi mà chẳng đụng dây điện. Còn mày, mày ốm nhóc ốm nheo như thế có lòn nổi vô cái ngách có dây nối công-tơ không mà nói chuyện giật với không giật. Thôi, tao khoán hai chục nghìn, ưng hay không thì nói quách đi cho tao nhờ. Tổ cha cái thằng Tư đi biến đâu từ sáng tới giờ, nếu có nó ở nhà thì chẳng tới cái lượt mày.

Ngoan ngập ngừng:

– Thôi, hay bà chờ ảnh về đi.

Người đàn bà nhăn nhó:

– Chờ nó thì biết đến khi nào. Để qua đêm, giao thừa có mèo chết trên nóc, xui tận mạng cả năm!

Ngoan lại tần ngần thêm một vài giây nữa trước sự phát hiện ra cái cơn xui xẻo của người đàn bà. Ừ, nếu không phải giao thừa thì sức mấy bà ta phải nhờ tới mình. Bỗng nhớ tới cái món tiền đang cần tới, cái Ngoan tự nhiên bật ra một câu:

– Cho cháu ba chục đi. Ba chục thì cháu cũng liều.

– Mày cắt cổ tao sao mà đòi mắc dữ vậy! Nhà có cầu thang lên tới nóc, mày chỉ việc chèo lên mái có chút xíu thôi mà tính ăn những ba chục.

Ngoan nhún vai:

– Mà điều đâu phải mò lên tới đó là thấy ngay con mèo. Ngộ nó nằm chết rúi ở đâu đó, có mà kiếm hụt hơi.

Nghe nó nói có lý, người đàn bà dịu giọng xuống và không quên một lời mặc cả:

– Thôi được, tao chịu trả ba chục đó, mà điều lên đó điện điếc có làm sao, tao không chịu trách nhiệm đó nghe chưa.

Nhìn bầu trời đang ngả bóng chiều, đêm giao thừa cũng chẳng còn mấy chốc sẽ ụp tới, cái Ngoan đặt ngay mẹt bánh xuống sàn rồi xăng xái đi vào trong:

– Bà chỉ cho cháu. Cầu thang leo lên ở chỗ nào.

Người đàn bà đi theo bén gót nó:

– Được rồi, theo tao. Lên tới tầng chót thì có cái thang để trèo lên sân thượng. Tao chẳng biết trên đó có những cái gì nhưng cùng lắm cũng chỉ linh tinh vài thứ, đứng dưới này ngó lên cũng thấy.

Cái Ngoan ngước nhìn lên những bậc cầu thang cẩn bằng những viên gạch vuông có in hình hoa văn sặc sỡ chạy vòng theo cái tay vịn bằng gỗ cẩm lai được đánh bóng lộn. Lúc đặt chân lên bực thang đầu tiên, Ngoan chợt nhác thấy bóng một người đàn ông đang ngồi ruỗi dài trên một cái ghế xích đu ở căn phòng bên trong, trên tay đang cầm ly rượu. Hình như ông ta cũng đang liếc nhìn về phía con bé. Khuôn mặt của ông cũng mỡ màng, mầu nâu bóng, hai bên má hum húp đầy thịt, tuy nhiên cũng vẫn để lộ rõ hai con mắt thì sắc lẻm đến độ chỉ thoáng nhìn mà Ngoan cũng đã phát khiếp. Nó vội vàng bước vội lên thang lầu. Phía sau nó, bà chủ nhà đã đứng lại và dặn với:

– Cẩn thận đó nghe mày. Chỉ kiếm con mèo thôi, mấy cái đồ linh tinh thì chớ có táy máy, điện đóm thời buổi này, ai mà biết được!

Chỉ trong chốc lát, Ngoan đã len lỏi qua những cái linh tinh ấy trên mặt bằng của sân thượng. Đó là những cái thùng nhựa, thùng tôn chứa nước, những chậu trồng hoa bỏ không chất ngổn ngang đây đó, và nhất là những sào những cột mắc dây phơi chẳng hiểu ở đâu ra mà lắm thế, cả đám cứ tua tủa bao quanh những bờ tường đã ngả mầu rêu xám của những bồn chứa, cái thì để hứng nước từ ống giếng dưới nhà bơm lên, cái thì chứa nước mưa có đủ thứ máng xối quy tụ vào, lại có cả những cái bồn mà giam ở bên trong là những cái quạt thông hơi của đủ thứ máy lạnh, chắc là mỗi tầng lầu có một cái máy quạt như thế. Con mèo chết dúi ở đâu không thấy, nội chỉ có việc cúi gập người chui qua những lằn đây điện bắt ngang bắt dọc chẳng ra hàng ra lối gì hết cũng đủ làm cho con bé mệt đứt hơi. Mắt nó thao láo dòm săm soi đủ mọi ngõ ngách, hai tay thỉnh thoảng lại bám vào một cái xà gỗ sù sì bắt ngang một khoảng trống mà nhìn sâu xuống dưới, Ngoan chỉ thấy một khoảng không lọt thỏm, càng nhìn càng thấy sâu hun hút. Mới chỉ trong khoảnh khắc tìm tòi mà con bé đã vã mồ hôi hột, mặt đỏ bừng, đầu nó choáng váng, còn hai bên tai của nó thì có đủ thứ âm thanh của những nhà hàng xóm từ dưới vọng lên. Có chỗ thì đang chặt xương, băm thịt rộn rã. Có chỗ thì nghe tiếng nước xối rửa nhà, rửa cửa dội lên ùm ùm. Lại có chỗ thì mấy tay bợm nhậu đang bắt đầu ngà ngà, cả đám thi nhau to tiếng, người thì văng tục chửi thề, người thì cười nói oang oang như ống lệnh vỡ, và xen giữa những âm thanh ồn ào chát chúa ấy là những tiếng bát đũa lách cách cùng với những tiếng mời chào, thách thức nhau uống: “Dô! Dô!” nghe nhức cả đầu cả óc.

Chỉ riêng có mùi thịt chiên xào bốc lên là làm cho cái Ngoan thấy dễ chịu. Nó hít hà những hơi thật dài để nghe những mùi vị thơm thơm, bùi bùi, ngậy ngậy thấm sâu vào tận thớ phổi. Nó nhớ ra là từ trưa tới giờ chưa có hột gì vào bụng. Không phải nó tần tiện gì, nhưng mải mê với mọi sự tính toán trong một buổi chiều cuối năm, nó quên bẵng cả ăn.

Bỗng nhớ tới cái lo thắt ruột lúc chiều, thiếu những ba chục nghìn, cái Ngoan chợt thấy lòng thư thái hẳn lên. Bây giờ nó chỉ cần kiếm ra con mèo là mọi sự sẽ êm xuôi. Mà quái, cái con mèo xấu số chết tiệt này không biết trước khi nó nhắm mắt lìa đời thì nó đã chui rúc vào đâu. Theo bà chủ nhà thì nó bị điện giật. Mà săm soi chán vào đủ các thứ mối dây chằng chịt ở trên này, Ngoan đâu có thấy bóng dáng của nó. Cũng có thể sau khi bị điện giật thì nó chui vào cái ngách đâu đó để hấp hối. Nếu quả như vậy thì cũng thật là phiền đây. Trên cái khoảnh xi măng nằm chót vót trên bốn tầng lầu này, coi bộ cũng có đủ thứ lỗ hóc hiểm chứ chẳng phải chuyện chơi. Nhất là ở những khoảng nối từ tường nhà này qua tường nhà kia, từ chỗ tiếp giáp giữa tầng nhà ngoài với tầng nhà trong, đâu đâu cũng có thể có một khoảng trống vừa đủ cho một con mèo chui vào.

Ngoan lại mất thêm một số thời gian mệt bở hơi tai nữa để dùng một cái que củi nhỏ lùa vào mọi chỗ mong tìm cho ra tung tích của con mèo xấu số. Toàn thân Ngoan bây giờ cũng đã bê bết những vệt đất, vệt bùn, lại thêm cả những mảng rêu xanh dính nhếch nháp trên mặt, trên tóc của nó nữa. Trong làn hơi nóng phả lên từ nền xi măng đã được nung nấu từ sáng tới giờ, Ngoan đã vã hết cả mồ hôi để lần tìm không bỏ sót một khoảnh nhỏ nào ở đây, kể cả một cái chòi nhỏ bằng gỗ thùng được dựng lên một cách sơ sài mà hình như từ lâu đã không được dùng đến, bên trong còn sót lại cái gối và cái mền đã có vẻ mủn ra vì đóng nhiều mảng ẩm mốc. Vẫn chẳng thấy con mèo chui rúc vào cái xó xỉnh nào.

Trời đã nhập nhoạng tối xuống rồi. Nó mà không nhanh tay tìm cho ra thì mọi cố gắng đều trở thành xôi hỏng bỏng không. Chẳng lẽ đã vất vả xuôi ngược cả năm, đến khi năm hết tết đến, nó lại còn bị xui tận mạng nữa sao đây. Bỗng cái Ngoan sáng hẳn mắt lên khi nhìn thấy những lốt chân mèo in rõ trên một khoảnh gần cái cột gỗ chằng chịt dây điện. Đúng là cu cậu bị điện giật ở cái đùm dây đang chẩy võng xuống ngay gần mặt sàn. Rồi thì cu cậu bị hất văng lên cao và rơi tõm xuống một khoảng xi măng đã bám nhiều rêu xanh. Những lốt chân mèo vương tứ tung chẳng có hàng có lối gì hết ráo chứng tỏ nó đã giẫy giụa, vật mình vật mẩy dữ! Rồi thì dấu chân mất hút ở ngay bên thành cái bể hứng nước mưa! Ngoan đoán ngay ra là con mèo đã leo lên bể nước. Nó vội vàng xà mình lại thành bể và nhoài cả người xuống để nhìn vào bên trong. Ngoan mừng như vừa bắt được của. Xác con mèo với bộ lông mầu hung hung óng lên giữa ánh sáng lập lờ nhấp nháy ánh sáng phản chiếu của những tia nắng chiều còn yếu ớt sót lại.

Thế là Ngoan vội vã đi kiếm một cây sào. Công việc bây giờ của nó chẳng khác nào cái công việc của mấy năm trước thọc sào xuống vớt những đám bèo trôi lềnh bềnh trên mặt nước ao phẳng lặng để đem băm và trộn trong nồi cám heo. Đồng quê sau mấy trận thiên tai đã nghèo lại càng thêm xơ xác đến nỗi cả gia đình nhà nó phải bồng bế nhau lên tỉnh. Bố đi làm phu khuân vác ngoài bến xe, hay nơi cổng chợ. Mẹ đi làm phu hồ cho những công trình xây cất. Thành phố cứ thay da đổi thịt, buyn đinh, nhà lầu, biệt thự thi nhau mọc lên nhan nhản với tốc độ chóng mặt, nhưng đồng thời sức khỏe của mẹ nó, bố nó cũng cứ theo thời gian mà tàn lụi. Ai giầu sang, ăn nên làm ra ở đâu không biết, chứ cái thứ khố rách áo ôm như gia đình nhà nó thì quanh năm chạy mửa mật mà có lúc cũng không đủ cái ăn. Nhà có ba chị em. Ngoan lớn nhất nên tuy mới mười lăm tuổi mà đã cực kỳ vất vả. Một tay nó phải đôn đáo để bù đắp những cơn thiếu thốn trong gia đình mỗi khi bố ốm nằm liệt giường hay mẹ chầu chực cả buổi không có việc làm, tay xách nón cố che khuôn mặt méo xệu để cun cút bước vào nhà với tâm trạng của một kẻ tội đồ vì không lo được bữa gạo nấu cơm chiều. Bố nó thì lúc nào cũng lầm lì, sống u uất như một cái bóng trong nhà. Cho đến một hôm ông ngã gục dưới cơn mưa tầm tã ngay cổng chợ, trên đầu còn đội một sọt cải bắp nặng trĩu. Cái chết của ông được nhà thương xác nhận là trúng gió.

Lần đó mẹ của Ngoan phải đi bán máu để có tiền chôn cất. Sức khỏe của bà cũng suy sụp hẳn từ ngày ấy và trách nhiệm gia đình lại càng đè lên đôi vai còm cõi của Ngoan thêm nặng nề hơn. Nhưng nó là một đứa con gái đảm đang. Nhờ bà con chòm xóm mách bảo, người chỉ cho nó buôn cái này, kẻ mách cho nó làm cái khác. Thế là sáng đi bán xôi, trưa làm gánh chè, chiều tối có khi còn đèo thêm một mẹt bánh rán, hoặc thúng khoai chiên. Nó vẫn thường tự hào: hai đứa em chưa bữa nào bị đói. Chỉ nội cái thành tích ấy cũng đủ làm cho cái Ngoan lúc nào cũng nhoẻn được nụ cười.

Cuộc tính toán của Ngoan trong suốt mấy ngày cuối năm tuy không lớn lao gì nhưng đối với nó lại hết sức trọng đại. Con bé em phải có một cái váy đầm. Bởi mỗi khi Ngoan nhìn vào đôi mắt của nó khi nó thấy lũ con nhà ông Tư đầu ngõ mỗi khi lũ lượt đi qua, Ngoan cũng đủ thấy nó thèm thuồng cái váy biết là bao nhiêu. Còn thằng cu lớn phải có một một bộ đồ mới và một cái cặp da để mang đi học, chứ nhìn cái cảnh nó nhét mớ sách vở vào cái túi vải vừa nhớp nhúa vừa nhẽo nhèo, nom không ra dáng con nhà học trò chút nào. Chắc thằng bé cũng biết rõ điều ấy nên lúc nào nó cũng cúi gằm cái mặt xuống cả lúc đi cũng như lúc ở trường về. Ngoan còn cả gan dự tính giúp mẹ nó thực hiện ước mơ duy nhất trong cuộc đời của bà, đó là dành đủ tiền bốc được cái mộ của bố nó để đem về quê. Nhưng đó là chuyện ra giêng ngày rộng tháng dài. Nội hai món quà cho hai đứa nhỏ, sau cả tuần lễ rạc cẳng lang thang ngoài đường phố với gánh chè và rổ khoai mà nó vẫn còn thiếu tới ba chục nghìn. Vừa may, con mèo run rủi giúp nó vào đúng cái lúc năm cùng tháng tận, chẳng biết đào ở đâu ở giữa cái chốn người khôn của khó này.

Ngoan khoắng cái xào xuống nước một cách thiện nghệ và chẳng mấy chốc nó quơ được xác con mèo lại sát phía mình. Rồi chỉ cần nhoài người xuống một chút, roãi cho thẳng cánh tay là nó túm được một mớ lông ướt nhèo. Xác con mèo được vớt ra khỏi bể nước mưa, mình nó cứng như một khúc gỗ và nó để lại trên sàn xi măng một bãi nước lõng bõng mầu nhờ nhờ. Ngoan thì thào như nói với nó:

– Mày ráng leo lên thiên đàng nghe. Đừng có trở lại đây. Làm mèo hay làm người thì cũng thế thôi!

Khi mang cái xác mèo xuống tới đầu cầu thang, Ngoan reo to lên:

– Bà chủ ơi. Cháu tìm thấy rồi.

Giọng bà chủ nhà vừa mừng vừa sợ:

– Đừng có mang nó xuống vội. Để tao kiếm cái bao bố cái đã.

Một lát sau, con mèo được yên vị trong một cái bao tải nhỏ và bà chủ tay cầm túi, chân le te đi trước. Ngoan mệt mỏi rời rã theo sau, nhưng nó củng cố nhắc một câu:

– Bà phải thay cái bể nước mưa nhé. Cháu vớt nó ở trỏng đấy.

Bà chủ nhà vừa trao tiền cho nó vừa xuýt xoa:

– May quá. Suýt nữa thì tao lấy nước mưa để nấu trà cúng ông bà lúc giao thừa. Thôi năm nay cúng bằng nước suối “La vi”, có khi các cụ lại còn cho là theo kịp với thời mở cửa nữa kìa.

Nói rồi bà tự khen thưởng câu nói đùa có duyên bằng một chuỗi cười làm rung cả hai bên má nung núc những mỡ. Nụ cười của bà bỗng tịt ngẳng ngay lại khi con bé tiếp lời:

– Còn cái chòi nữa. Cháu thấy mục hết rồi, coi chừng sắp biến thành ổ chuột.

Mắt bà chủ chợt long lên:

– Của ổng ngồi luyện tắc luyện phép gì đó, mà điều kệ xác. Khi không ổng bỏ nhà biến đi, ai biết đâu mà tìm…

Ngoan chợt nhớ đến người đàn ông ngồi uống rượu trên ghế xích đu, nó buột mồm:

– Ủa, cháu tưởng ông chủ còn đang ngồi ở dưới nhà.

Bây giờ thì bà chủ nhà không còn nén được cơn giận dữ nữa. Bà củng lên đầu con bé một cái nên thân rồi nói giọng rít lên qua hai hàm răng:

– Nhãi con biết gì! Tao cấm mày bép xép cái mồm. Thôi cầm tiền rồi cuốn xéo ngay đi.

Ngoan sợ hãi, nhận mấy tờ giấy bạc trên tay bà chủ rồi xách cái mẹt bánh rán đi ra gần như chạy.

Chỉ gần ba mươi phút sau, nó đã mò tới được gian hàng của bà Năm ở phía sau một ngôi chợ gần nhà. Trời bây giờ đã tối hẳn, nhưng hình như thiên hạ đổ ra đường còn đông nghẹt hơn cả hồi chiều. Lý do là ai cũng chờ để đi mua của vét trong các chợ chiều cuối năm. Đông đúc nhất là ở khu chợ bán hoa. Hoa cứ theo bầu trời tối sập xuống mà hạ giá. Đến tám giờ tối thì giá hoa chỉ còn một nửa so với lúc ban ngày. Nếu ai chịu nhín chút nữa thì có thể còn mua được giá hạ hơn. Đến áp phút giao thừa thì chủ các xe hoa bỏ của chạy lấy người. Họ quăng hàng đống các sọt hoa héo vào một góc chợ mà ở đó xem ra cũng có nhiều đám dân ùa vào, chen lấn, vừa chọn lựa vừa giẫm đạp lên hoa để mong tìm được một giò hoa cũng gọi là đem trưng trong vài ba ngày tết cho có với người ta.

Riêng cửa hàng của bà Năm thì lúc ấy cũng hãy còn đông khách. Bà ta bán đủ thứ linh tinh từ quần áo, vải vóc cho đến bánh kẹo hay những loại đồ khô nấu nướng. Vừa thấy Ngoan, bà đã cất miệng mắng yêu:

– Mày đi chết giẫm ở đâu mà bây giờ mới vác mặt tới? Xém chút nữa thì tao bán luôn cả mấy thứ mày dặn rỗi.

Ngoan nhoẻn một nụ cười thật tươi rồi móc ở túi ra một cọc tiền. Nó hớn hở nói:

– Cháu có đủ trả cho bà đây. Đêm nay giao thừa, hai đứa nhỏ mà có mấy thứ này thì chúng nó vui phải biết.

Tuy đã mệt nhược hẳn người ra rồi, nhưng đến lúc bà Năm đặt vào tay nó một bọc giấy thơm phức trong có mấy món đồ đã dặn mua thì nó thấy người như tỉnh táo hẳn ra. Nó cám ơn bà rối rít và đi như muốn chạy như bay về nhà. Mẹ nó đang đứng chờ ở cửa với vẻ mặt đầy lo lắng. Ngoan vít cổ mẹ xuống, thì thào:

– Mẹ đừng mở ra cho chúng nó thấy vội. Cũng sắp giao thừa rồi. Để đến đúng giao thừa thì hãy mở. Coi như tiền lì xì, nghe mẹ.

Bà mẹ vừa ôm cái bọc vừa ghì con gái vào lòng, nước mắt rưng rưng:

– Ừ. Thôi đi tắm rửa và nằm nghỉ chút cho khỏe đi. Đến giao thừa làm lễ cúng, tao gọi dậy.

Sau một ngày mệt nhọc, nhất là những giờ phút lom khom vất vả dưới những cây sào chằng chịt dây điện, toàn thân của Ngoan như rũ liệt, rã rời. Nó chẳng còn đủ sức làm gì hơn là nằm vật xuống một cái chõng tre kê ở một góc rồi trong khoảnh khắc, nó đã thiếp đi lúc nào không hay.

Rồi thì những âm thanh đặc biệt của phút giao thừa bỗng vang lên rộn rã, tiếng người gọi nhau chào mừng í ới, tiếng ồn ào từ đài truyền hình bên hàng xóm oang oang lời chúc tết đầu năm, xa xa cũng có cả vài tiếng đì đẹt của nhà ai đó dám cưỡng lệnh nhà nước đem pháo ra đốt càn. Mẹ của Ngoan ngồi sụp xuống đất bên cạnh cái chõng tre. Nước mắt bà rưng rưng nhìn đứa con gái đang chìm trong giấc ngủ mệt nhọc. Trên khuôn mặt vêu vao của nó vẫn còn vương mấy cọng rêu ranh. Bà muốn đánh thức nó dậy để mở quà cho hai đứa nhỏ, nhưng thấy nó ngủ ngon lành quá nên bà cứ tần ngần. Bà cũng ngăn không cho hai đứa nhỏ làm rộn giấc ngủ của chị. Ít có thời gian nào trong một ngày, khuôn mặt thơ ngây của nó có được vẻ bình an như lúc này. Có thể nó đã tìm thấy sự bình an khi biết chắc hai em của nó sẽ có những món quà đúng như dự định. Còn về phần nó thì có cái gì? Chắc nụ cười sung sướng của hai đứa cũng thừa đủ là quà tặng của nó trong một đêm giao thừa.

  
NHẬT TIẾN         
(Tháng 12-2002)    


Không có nhận xét nào: