Bà
Tư khẽ thở dài khi nhìn ra bầu trời tối mù mịt của đêm 29 tết. Trong
nhà, đèn bật sáng choang, hoa trái, mứt kẹo đầy ắp trên chiếc bàn thờ kê
giữa nhà. Bà Tư buồn, không phải vì thiếu đồ ăn tết, hay vì một lẽ gì
khác, thật ra, mấy người con trai lớn của bà cũng không hiểu rõ nỗi buồn
của bà, một quả phụ giầu có, ăn mặc đầy đủ.
Ngồi nhìn ra ngoài một lúc lâu, bà Tư quay đầu vào bảo mấy người con trai:
- Tụi bây cứ để mặc tao nghe! Đến giao thừa thì cứ lễ bái rồi đem ra ăn trước đi.
Dặn xong, bà kéo chiếc ghế vải ra ngoài hiên. Nằm trên tấm vải dầy, ấm áp, bà lơ đãng ngó quanh quẩn trong xóm.
Xóm
bà Tư ở là một xóm của dân lao động, họ sống âm thầm trong những căn
nhà mái dừa xiêu vẹo. Con cái của những người quanh năm đầu tắt mặt tối
này là những đứa trẻ xanh xao, gầy còm, suốt ngày chui rúc trong hang
cùng ngõ hẻm của xóm để nô đùa hoặc nhặt nhạnh các thứ thừa thãi ở những
căn nhà lầu to lớn vứt ra.
Hồi
bà Tư mới về xóm này, dân ở đây còn thưa vắng lắm, chung quanh chỗ bà
Tư cất nhà, toàn là những ao tù, nước đọng, ruồi nhặng bay tứ tung. Sau
khi căn nhà lầu hai tầng của bà Tư được cất lên, bà Tư đã nghĩ ngay đến
việc lấp mấy cái vũng sản xuất vi trùng đó. Thế là, chỉ bỏ có hơn hai
trăm bạc tiền đất, bà Tư đã biến thành kẻ được kính trọng nhất xóm. Bà
Tư lại nhân từ, hay cho quà bánh các đứa trẻ con trong xóm. Bà làm việc
này là để khuây khỏa nỗi buồn từ lâu đã có sẵn trong lòng bà, đó là việc
bà không có đứa con nào nhỏ cả.
Từ
ngày ông Tư mất đi, để lại cho bà Tư một gia tài đồ sộ sau bao năm gây
dựng, mấy người con trai lớn của bà đã lập gia đình cả rồi, mỗi người ở
một nơi, nhưng hầu hết là xa bà Tư. Tết này, chỉ có hai người về ăn tết
với mẹ, để rồi mai mốt lại vội vã ra đi. Bởi vậy, tuy đầy đủ về vật chất
mà bà Tư vẫn thiếu thốn về tinh thần, bà mong mỏi có một đứa trẻ để an
ủi những lúc buồn rầu đơn chiếc.
Có
tiếng trẻ con ré lên làm bà Tư giật mình, nhìn ra ngoài ngõ, bà thấy
thằng Tâm - con bác Hai bán cháo - đang từ trong nhà vụt chạy ra, vừa
khóc ré lên từng hồi. Sau thằng Tâm là bác Hai, tay cầm một cái roi tre
dài đang lăm lăm đuổi theo, miệng hét:
- Tâm! Có về không? Tao mà cáu lên thì mày dừ xương đấy! Gớm, có con cái nhà ai mà hư như thế hả trời?!
Bà
Tư ngạc nhiên, mọi ngày bà vẫn thấy thằng Tâm ngoan lắm cơ mà, chẳng lẽ
hôm nay nó lại láo với mẹ nó đến thế? Còn đang nghĩ ngợi bà Tư đã thấy
thằng Tâm chạy thốc vào, hai cánh tay bé bỏng của nó ôm chặt lấy lưng
bà, mồm nó van xin:
- Bà Tư ơi! Bà cứu cháu với! Mẹ cháu đánh cháu đau lắm... hu... hu... hu...
Bà Tư nhìn thằng bé đôi mắt còn đang ướt nước mắt, nhẹ lấy chiếc khăn tay chùi cho nó, bà bảo:
- Được rồi, cháu cứ nín đi, để bà xin mẹ cháu tha cho.
Được
hứa hẹn che chở, thằng bé nín khóc, nhìn bà Tư bằng cặp mắt biết ơn.
Cùng lúc ấy, bác Hai chạy đến, thấy Tâm ôm chặt lấy bà Tư, bác hét:
- Tâm! Có bỏ bà ra không nào? Mày làm bẩn hết áo của bà rồi! Lần này thì đừng van xin nữa nhé, tao quật cho sưng đít thì thôi!
Thằng Tâm nghe mẹ nói thế, hoảng quá, mặt tái mét, nhưng nó lại càng ôm chặt lấy bà Tư hơn, như cầu xin một sự che chở hữu hiệu.
Bà Tư hỏi bác Hai:
- Có gì mà bác giận quá thế! Nói đi, tôi sẽ dỗ cháu Tâm cho, nó ngoan lắm mà, phải không Tâm?
Tâm gật đầu nhưng nước mắt vẫn chạy quanh. Bác Hai nghe bà Tư hỏi, vội vàng hạ cây roi xuống trả lời:
-
Dạ thưa bà, không có gì cả ạ! Nó hư cháu đánh nó đó thôi! Xin bà tha
lỗi cho cháu bé, nó còn nhỏ dại chẳng may làm bẩn áo... của... bà...
Những tiếng cuối cùng, bác Hai cúi đầu, giọng lí nhí.
Bà Tư vui vẻ bảo:
-
Không sao đâu, nhưng tại sao bác lại đánh cháu Tâm? Mọi hôm tôi thấy nó
ngoan lắm cơ mà! Cháu biết vâng lời ba má nữa, phải không Tâm...?
Bé Tâm lại gật đầu, đưa bàn tay nhỏ xíu lên chùi nước mắt.
Bác Hai ngập ngừng:
- Dạ không! Cháu bé nó không dám cãi lại tôi, nhưng...
Bà Tư lại giục:
- Bác cứ nói đi, việc gì mà ngại, tôi với bác bà con trong xóm cả mà...
Bác Hai đành thú thật:
-
Thưa bà, không phải cháu hỗn mà tôi đánh chau. Chẳng qua là tại vì hôm
qua, nó xin tôi may cho nó bộ quần áo để ăn tết, tôi cũng muốn may cho
nó với con chị nó, mỗi đứa một bộ, nhưng khốn nỗi, nhà nghèo không đủ
ăn, tiền đâu mà may mặc thêm cho chúng. Lại thêm hôm nay nữa, con cháu
Thu chẳng may bị nóng lạnh, có trăm bạc để dành may áo cho thằng Tâm và
chị nó phải đem mua thuốc cả rồi...
Thế
mà chiều nay, nó cứ lải nhải đòi quần với áo mãi, tôi nóng giận quá
mắng nó, nó khóc tỉ tê từ chiều đến giờ nên cực lòng tôi mới phải đánh
đuổi nó...
Bà Tư chăm chú nghe bác Hai nói từ đầu đến cuối. Sau khi bác Hai dứt lời, bà đã nói ngay:
-
Ối chào! Có thế thì việc gì phải đánh nó, cứ lại vay tôi có được không?
Tôi cũng đủ ăn, đủ mặc, vậy nếu bác có thiếu gì, cứ lại đằng tôi mà vay
mượn, bà con trong xóm cả mà...
Nói
xong bà thò tay vào túi móc luôn hai tờ giấy một trăm đưa cho bác Hai.
Bác Hai dụt dè đưa tay đón lấy, nhưng vẫn còn ngập ngừng, vì bác biết
rằng bà Tư nói là cho vay để bác dễ nhận, chứ thực ra, chẳng bao giờ bà
Tư đòi cả. Dù có muốn góp lại để trả, hầu hết dân trong xóm, chưa ai góp
nổi số tiền mà bà Tư đã nói là cho họ "vay" cả.
Đưa
tiền cho bác Hai xong, bà Tư quay vào trong nhà lấy thêm vài quả bưởi,
ít cam và một nải chuối đưa cho bé Tâm và bác Hai. Bác Hai bối rối từ
chối:
- Xin bà đừng cho cháu nữa, chúng nó có đủ rồi ạ...
Bà Tư cười xòa:
- Ồ, có rồi thì cũng cứ cầm về đi, tôi với bác cũng như hai chị em mà, mình giúp đỡ nhau là thường...
Nói
rồi, bà ấn các thứ vào tay bác Hai và bé Tâm. Không từ chối được, bác
Hai đành cám ơn rồi vội vã dắt bé Tâm trở về căn nhà lụp xụp cuối xóm.
Bà Tư nhìn theo, thở dài khoan khoái, và tự bằng lòng với việc làm của mình.
Quay
trở vào nhà, bà Tư dặn dò hai con và người giúp việc những điều cần
thiết, rồi vào thẳng buồng trong, bà lấy ra một cái làn to. Đem ra phòng
ngoài, bà để các thứ hoa quả vào chật làn rồi xách ra ngoài cửa.
Người con trai lớn của bà ngạc nhiên, hỏi vọng:
- Má mang mấy thứ đó đi dâu giờ này? Bộ má tính đem cho hả? Mà cho ai mới được chứ?
Bà Tư khép cánh cửa lớn lại, nói nhỏ với con:
- Tao đem cho mấy người hàng xóm nghèo!
Thông hiểu hành động của mẹ, người con trai quay vào, mặt hân hoan vui vẻ.
Nhìn
con đường gồ ghề, tối om trong xóm, bà Tư thấy hơi ngại. Nhưng sau bà
cũng chặc lưỡi xách chiếc làn đi mò mẫm trong đêm tối.
Căn
nhà đầu tiên mà bà Tư gõ cửa là nhà chú Sinh, người đàn ông rượu chè be
bét suốt ngày, lại hay đánh đập người con gái lớn chăm chỉ làm việc là
cô Lan.
Nghe tiếng gõ cửa, cô Lan ra mở, bà Tư đưa mấy trái bưởi và cam cho cô rồi sẽ nói:
- Cháu cứ cầm lấy, tôi có ít bưởi đem biếu ba cháu và các em cháu đấy, thôi tôi về đây.
Trước
khi cô Lan kịp mở lời cám ơn, bà Tư đã giả bộ bước về nhà. Nhìn thấy
cánh cửa nhà cô Lan đã đóng kín rồi, bà Tư mới quay trở lại, xách chiếc
làn còn nặng chĩu hoa quả đi đến các nhà lụp xụp cuối xóm. Mỗi nhà, bà
phân phát ít quà kèm theo đôi lời an ủi thân mật. Nhà nào, bà cũng nhận
được những lời cám ơn chân thành, cảm động. Sau khi chiếc làn đã vợi nhẹ
các thứ, bà Tư mới quay trở về nhà. Xách chiếc làn nhẹ bổng trên tay,
bà mỉm cười sung sướng khi nghĩ rằng nhờ ít trái cây, kẹo bánh mà bà
tặng cho, mỗi nhà sẽ hưởng một cái tết nghèo, nhưng vui vẻ. Con đường
tối om trước mặt, bỗng trở nên rạng rỡ, sáng sủa hơn khi nào hết.
VĂN HƯƠNG
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Quý Mão, 1963)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.