Mùi bánh thơm thơm nhà hàng xóm nào đó đang nướng trong lò bay sang gợi tôi nhớ tới những mùa xuân tuổi nhỏ. Hình như con nít giàu cảm xúc hơn người lớn. Đối với trẻ con, cảm tưởng/cảm xúc/cảm giác nào cũng bị phóng đại? Mở mắt nhìn ra ngoài khung cửa, tôi chợt thấy chiều nay, màu nắng hanh vàng nhè nhẹ như những ngày cận tết, khiến tôi bỗng thấy mình thả hồn về thăm lại những mùa xuân xưa. Kỷ niệm như bó hoa lily hồng thắm nồng nàn hương sắc, dù ta đã đem vất đi khi hoa đã úa tàn, nhưng dư hương cứ phảng phất quanh đây, không chịu tan biến.
Tết giống như một hộp mứt ngũ sắc, nhất là tết trong kỷ niệm/ký ức/dĩ vãng, đối với riêng tôi. Để cảm nhận được trọn vẹn cái tết, phải vận dụng cả năm giác quan, thiếu một giác quan nào cũng là không đầy đủ. Chẳng thế mà ngày nay tuy pháo đã bị cấm đốt, nhưng người ta lại chế ra những băng, dĩa nhạc có thu thanh tiếng pháo, hoặc chế tạo những tràng pháo giả phát ra âm thanh giả tiếng pháo, để níu kéo tết ngày xưa.
Một người ngoại quốc nói rằng bánh chưng không ngon. Đúng vậy, vì họ chỉ ăn bánh chưng "không ", chứ không "ăn" cả kỷ niệm như chúng ta. Nói tới đây, tôi lại nhớ tới một kỷ niệm cười ra nước mắt: Ba tôi có tính xài tiền rất hoang phí, nhưng trái ngược hẳn lại, má tôi thì lại rất dè xẻn, hà tiện. Một tết nọ, ba tôi đã ra tiệm giò chả Phú Hương rất nổi tiếng khi xưa, để mua cả chục cái bánh chưng loại 1 (vừa biếu vừa ăn vừa quăng thùng rác). (Chúng tôi ra tiệm mua đúng lúc các nhân viên của tiệm đang xúc tiền cắc đem cân ký lô để chất cất vô kho! Ngày nay, nghe nói nhiều người lại còn giàu tới nỗi đếm/tính vàng bằng ký lô!). Còn má tôi thì mặt mày bí xị một đống vì thấy ba tôi vung tay quá trán, nhưng lại chẳng dám cãi lại nửa lời.
Để giải quyết vấn đề khách quan -- bánh chưng ăn không ngon -- này, những người trong cuộc người miền Nam đã nhanh tay nhanh chân hơn trong việc tân trang, cải biên, cải tiến lại bánh tét truyền thống: Họ làm bánh tét có chữ (thư pháp) Vạn sự như ý... bằng đậu xanh; làm bánh tét ngũ sắc ngọt ( họ xào nếp chung với nước cốt dừa, họ thêm màu sắc lấy từ lá dứa, lá cẩm, lá rau ngót, rau cải, trái gấc, hoa đậu biếc; làm bánh tét nhân mặn thêm lòng đỏ trứng muối, lạp xưởng v. v... để làm giảm bớt hương vị nhạt nhẽo, đơn điệu của nếp trơn trong phiên bản bánh tét truyền thống, làm cho bánh tét ngày nay đa dạng, độc đáo và thú vị hơn xưa nhiều lắm.
Dân làng Đại An Khê (xã Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị) còn coi như báu vật truyền đời món đặc sản bánh tét xanh, hay bánh tét mặt trăng, làm từ nước lá rau ngót, nên vỏ bánh có màu xanh như ngọc bích. Người dân mong muốn sự thanh bình, yên ả của làng quê nên mượn màu xanh lá ngót để nói lên sự bình yên này, mượn hình bán nguyệt biểu hiện cho mảnh trăng treo trên lũy tre đầu làng, thể hiện sự no ấm. Khi cột, hai đòn bánh tét bán nguyệt này sẽ ghép lại thành hình tròn, tượng trưng sự viên mãn của tình nghĩa phu thê. Vậy là chỉ trong một món ăn mộc mạc, nhìn qua tưởng đơn giản, nhưng lại hàm chứa biết bao ý nghĩa sâu sắc.
Người miền bắc sau này cũng bắt chước làm ra bánh chưng ngũ sắc. Thoạt nhìn, bánh trông bình thường như bao loại khác, nhưng khi bóc ra thì bên trong bánh có 5 màu, vun thành 5 góc, gồm trắng, đỏ, tím, xanh, vàng tượng trưng cho ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ được cho là mang lại sự may mắn, bình an vào dịp năm mới. Màu sắc của bánh được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên. Gạo màu xanh sử dụng từ nước của lá riềng xay, màu vàng từ nghệ tươi, màu đỏ của gấc, màu tím từ nếp cẩm hoặc màu nước lá cẩm. Gần đây, một phiên bản bánh chưng khác nữa được ra mắt thực khách sành ăn trong ba ngày tết, đó là bánh chưng gạo nếp cẩm, được quảng cáo là rất có lợi về nhiều mặt cho sức khỏe.
Không chỉ có bánh tét, bánh chưng mới được cải biên, ngày nay mâm ngũ quả cũng vô cùng "tân tiến", khác xưa. Trước 1975, tôi còn nhớ, từ hai mươi ta đổ đi, những người bán trái cây thường chất đống trên lề đường những loại trái bán dịp tết, nhiều nhất vẫn là dưa hấu, và khi đêm xuống, họ mắc võng, che bạt....nằm ngủ ngay bên cạnh hàng hóa của họ để canh hàng, khỏi phải dọn tới dọn lui. Gió xuân xa xa thổi về, có cô ngồi bó gối ca vọng cổ, có chú lại nhâm nhi xị rượu đế, mắt nhìn xa xăm. Tết xưa khi còn chinh chiến, có được cặp dưa đại chưng tết cúng ông bà là quí hóa lắm rồi, nhưng thời nay khi đất nước đã thanh bình, tiền bạc cũng có phần rủng rỉnh hơn xưa, thì một tờ giấy hồng điều vẽ chữ Phước dán lên cặp dưa dường như không còn đủ trang trọng nữa. Vì thế người ta mới bày vẽ ra đủ kiểu, nào dưa hấu dập khuôn hình vuông, hình thỏi vàng, in chữ Lộc chữ Phước, chữ thư pháp...; trái bưởi, trái lê nhân sâm, trái đào tiên cũng được tạo hình như bầu rượu, hồ lô và cũng được in chữ; ngay cả trái dừa trong mâm ngũ quả xưa gồm mãng cầu, trái sung, trái dừa, đu đủ và xoài, dù vỏ cứng là vậy, cũng được in chữ Phúc, Lộc, Thọ theo lối thư pháp, rớ vô phỏng tay vì giá trên trời.
Thuở nhỏ, con nít chúng tôi thường trông tết tới để được đi chợ Bến Thành và ăn thử mứt thoải mái. Đến hàng mứt nào chúng tôi cũng bốc một nắm, tuy ăn thử nhưng nhiều hơn cả lúc ăn thiệt! Miễn phí mà. Kỷ niệm xưa với các anh em tôi thường làm tôi rưng rưng nước mắt mỗi khi xuân về. Ngày nay, nhìn vào khay mứt thời hiện đại, nhiều khi tôi phải ngỡ ngàng khi bắt gặp những thứ mứt vô cùng xa lạ, không hề gợi lên chút kỷ niệm êm đềm xa xưa: Mứt kiwi xanh biếc như ngọc thạch, mứt củ sen mà tạo hóa đã điêu khắc thành hình bông hoa thật đẹp, mứt dừa có thêm màu nâu nâu vì có thêm vị cà phê, hay màu tím mộng mơ từ hoa đậu biếc; mứt làm từ vỏ bưởi ăn dòn dòn, the the, lạ miệng; rồi còn bao nhiêu những loại mứt mới được sáng chế ra nữa như mứt đậu ván trắng, mứt hoa hồng làm từ trái artichoke đỏ, mứt anh đào, mứt củ dền đỏ, mứt táo dẻo...đã góp phần làm cho hương vị ngày xuân thêm phần phong phú.
Thuở nhỏ, có một lần tôi được ăn một món ăn hình như nửa xào nửa nấu dịp tết miền Bắc gồm có mực khô, măng khô (?), su hào, cà rốt v. v... tất cả đều được thái chỉ, hoặc xé sợi. Tuy không biết đây gọi là món gì, nhưng món ăn thật đặc biệt, rất ấn tượng và khó quên, nên tôi thấy phải ghi lại đây, biết đâu sẽ có một độc giả người miền Bắc nào đó nhận ra/biết được tên món ăn, sẽ chỉ giáo cách làm cùng đính kèm tên các nguyên liệu cho chăng.
Trước 1975, Lăng Ông Bà Chiểu, và các chùa chiền trong Nam còn có tục lệ cho phép những người đi lễ chùa được hái lộc đầu năm, một tục lệ vô cùng đáng yêu, đã được bất tử hóa trong vô số các ca khúc mùa xuân xưa, ví dụ như nhạc phẩm Ước nguyện đầu xuân của Hoàng Trang:
Tuy năm nay em lớn Nhưng vẫn thích bao lì xì Thích khoe áo đẹp mẹ cho Thích đi hái lộc đây đó Đêm xuân khuya em khấn Cho đất nước ta mạnh giàu Ước mơ giấc mộng uyên ương Có đôi cánh đẹp tình thương
Hoặc Hái lộc đầu năm, của hai tác giả Triết Giang, Ngọc Sơn:
Cùng nhau ta đi hái lộc xuân Hương trầm bay giữa đêm giao thừa Xin khấn nguyện cho trọn yêu thương Vin cành hoa mai mơ ước Suốt năm khang an đoàn viên ...
Nhưng cái tục lệ thật dễ thương ban đầu đó vô tình đã bị hủ hóa, hủy hoại mất, vì những hành động thật ra chắc chỉ do ham vui, của một số cá nhân nào đó, (tôi còn nhớ có những anh thanh niên hái những cành hoa giấy dài cả thước, hoặc vặt trụi những bụi mai vàng tuyệt đẹp, đến nỗi sau đêm giao thừa, cả vườn bông dày công chăm sóc cả năm trời của chùa bỗng trở nên điêu tàn như vừa trải qua một cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp) khiến các nhà chùa bây giờ không thể nào cho phép duy trì cổ tục đó được nữa, và tục lệ đó giờ chỉ còn là dĩ vãng chỉ được tìm thấy trong những khúc nhạc xuân xưa. Thật là vô cùng đáng tiếc.
Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.