11
Mọi
hoạt động trong trại Bích Câu như ngừng hẳn lại. Chú Bảy đi mãi chưa
thấy về. Cô Bảy đứng ngồi không yên. Chị Tư hết đi xuống bếp lại lên
nhà, nhìn cửa trước, ngóng cửa sau. Xuân ngồi ủ rũ trong góc nhà. Chỉ có
Mạnh bổ củi ở phía sau. Minh, Danh không muốn ngồi im, xuống giúp anh
một tay xếp củi vào một đống. Anh Mạnh hôm nay nói ít. Hình như anh đang
suy nghĩ điều gì, cặp mắt lúc nào cũng lấm la lấm lét, hễ nghe tiếng
động là nhìn trước nhìn sau như sợ sệt điều gì. Minh, Danh thấy anh như
vậy cũng không muốn gợi chuyện.
Một lúc sau, chú Bảy cũng về đến trại, vẻ lo lắng lẫn thắc mắc còn hằn trên gương mặt chú.
- Cai Bần không gặp hai đứa nhỏ. Còn chuyện hôm nọ, các cháu có chắc gặp cai Bần đi ban đêm không?
Không do dự, Minh quả quyết:
- Chắc chắn như vậy, cả hai đứa cháu đều thấy mà.
- Thế thì hoặc các cháu nhận lầm, hoặc cai Bần đã nói dối. Lão cũng quả quyết lão không hề đi đâu đêm đó.
-
Cái áo đi mưa nhà binh vừa dài vừa rộng đâu có khó nhận lắm. Cả vùng
này chắc chỉ có một mình lão có. Không phải lão thì còn ai vào đây nữa.
Chú
bảy im lặng, chú không biết ai đúng, ai sai. Đấu óc chú rối như tơ vò.
Tới giờ cơm, mọi người gượng ngồi vô bàn ăn. Thật sự không ai muốn ăn vì
không thấy đói. Bỗng cánh cửa bếp bật mở, cai Bần hiện ra ở khung cửa,
mặt không giấu vẻ bực tức.
-
Tôi không sao hiểu được câu chuyện ông nói lúc nãy. Ông không tin tôi.
Ông vẫn khư khư với ý kiến của ông mà không chịu tìm ra sự thật. Thế mà
ông muốn tôi giải thích à?
Chú Bảy toan nói, nhưng cai Bần đã tiếp:
-
Thôi, ông khỏi nói. Cai Bần này không đeo kính cũng biết trong đầu
người ta nghĩ gì rồi. Này hai cháu, đêm hôm nọ hai cháu nhận ra bác bằng
cách nào?
Như đã dọn sẵn câu trả lời, Minh nói ngay:
- Hôm đó chúng cháu thấy bác mặc chiếc áo mưa nhà binh của bác đó!
Mắt cai Bần chợt sáng lên, lão khẽ nhếch mép cười. Lão đến gần Minh, thân mật vỗ vào vai anh:
-
Người ta có thể lầm con la với con ngựa. Trong trường hợp này cũng vậy,
các cháu nhìn lộn bác với một người. Người đó cũng có một cái áo mưa
như bác. Ở trên núi, có một cái áo mưa như vậy thật tiện lợi. Chỉ cần
trùm lên một cái là từ đầu tới chân đã kín ngay, khỏi sợ mưa sợ lạnh
nữa. Người cũng có một cái như bác không ai xa lạ hơn là Nùng Ô.
Minh, Danh ngạc nhiên, từ ngạc nhiên đến xấu hổ vì thấy mình bị hố to. Hai anh không ngờ. Chú Bảy như còn thắc mắc:
- Ban đêm Nùng Ô rình mò ở đất của tôi làm chi vậy?
-
Từ ngày ông già Hách chết, Nùng Ô có việc gì làm đâu! Chắc lão buồn
tình, nhớ ông già Hách, lang thang đi chơi đó thôi. Hay luôn tiện, ông
lên hỏi lão cả chuyện mấy con bò nữa. Biết đâu lão ta…
- Tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng không lẽ người ta đi ngang qua đất nhà mình mà cũng tìm cớ để hạch hỏi hay sao? Coi kỳ quá!
-
Vậy thì thôi. Tôi là người ngoại cuộc, để trưa nay tôi ghé qua hỏi lão
xem. Từ mười năm nay tôi chưa nói với lão một lời. Yên chí đi. Cũng đừng
lo cho hai đứa nhỏ nữa, hai đứa khôn lanh lắm. Tôi sẽ đi tìm luôn cho.
Cai Bần quày quả đi ngay, nhanh như khi tới.
*
Đến trưa, cai Bần giữ lời hứa đi tìm Nùng Ô. Ông bực mình vì hành động của Nùng Ô mà ông bị nghi oan.
Tới
trước căn nhà tồi tàn, cai Bần tự nhiên đẩy cửa bước vào. Một mùi ẩm
mốc từ đất xông lên. Cai Bần đứng lại ở khung cửa, cảnh tượng phơi bầy
trước mắt làm ông kinh ngạc. Ông tưởng nhà Nùng Ô không đến nỗi nào,
nhưng sự thật trái ngược hẳn. Trong nhà không khác chi một cái ổ chuột.
Nhện giăng kín cả trần. Quần áo rách vứt bừa bãi khắp nhà. Cai Bần thấy
giữa đám giẻ rách, một cái khố đã tả tơi. Chắc hẳn đó là cái khố duy
nhất Nùng Ô mặc khi lưu lạc tới đây. Căn phòng thật tiêu điều, vắng lạnh
vì không có một cái bàn ghế. Có lẽ chẳng bao giờ Nùng Ô tiếp một người
khách nào… Nhưng cai Bần kinh ngạc hơn nữa khi thấy ở trong góc
nhà, góc có ít
ánh sáng chiếu vào nhất, Nùng Ô đang nằm thoi thóp. Nùng Ô nằm dài trên
một tấm gỗ kê sát đất, toàn thân trùm kín trong chiếc áo mưa nhà binh.
Mái tóc bạc dài thò cả ra bên ngoài. Nùng Ô thấy có người đến, rên lên
khe khẽ. Cai Bần như quên hết mọi giận dữ, bước từ từ đến gần. Nùng Ô
lắp bắp qua hơi thở đứt quãng những gì nghe không rõ. Cai Bần ghé sát
lại hỏi:
- Nùng Ô làm sao đó?
Nùng Ô phải cố gắng lắm mới nói ra tiếng:
- ết… lão ách… lửa cáy da.
Cai Bần cố nghe xem Nùng Ô muốn nói gì.
- ế… lão ách… dì đá đen.
Thanh âm của lão lơ lớ thật khó nghe. Cai Bần chợt hiểu.
- Nùng Ô sắp chết như lão Hách phải không?
Nùng Ô gật đầu. Cai Bần lẩm bẩm:
- Lửa cháy da, dì đá đen… thôi được rồi, để cai Bần xuống kiếm y tá chích cho lão một mũi là khỏi ngay, không chết đâu.
Cai
Bần đi giật lùi ra cửa. Ông chạy một mạch xuống tới trại Bích Câu, vẻ
mặt hốt hoảng. Chú Bảy thấy vậy vội kéo ghế mới ông ngồi để lấy lại bình
tĩnh. Thấy cai Bần đã hoàn hồn, chú mới hỏi:
- Ông có gặp Nùng Ô không?
-
Có, tôi thấy lão như thấy ông bây giờ. Nhưng ghê quá. Nùng Ô coi bộ sắp
chết rồi. Lão nằm bẹp trong xó nhà như con mèo ốm, hết cả cái vẻ phù
thủy đáng sợ rồi. Đứng ở trong nhà lão một lúc mà tôi muốn xỉu luôn.
- Lão đau làm sao?
Cai Bần bóp trán suy nghĩ một phút rồi nói:
-
Không biết lão đau ra sao. Trong lúc rên rỉ, lão chỉ lặp đi lặp lại là
lão sắp chết như lão Hách. Rồi cái gì này… lửa cháy da vì đá đen. Phải
rồi, Nùng Ô sắp chết như lão Hách vì lửa cháy da vì đá đen. Tôi chẳng
hiểu gì cả.
Mọi
người nhìn cai Bần lo lắng. Người khỏe mạnh, vui vẻ lại bình tĩnh như
cai Bần làm sao có thể bị xao động đến thế? Chú Bảy trầm ngâm:
- Lửa cháy da, vì đá đen. Ông có chắc đã nghe rõ như thế không?
- Như tôi nghe ông nói bây giờ đây!
Cai
Bần đi rồi, trại Bích Câu trở lại lặng lẽ buồn tanh. Không ai muốn nói
với ai một lời. Mọi người như chìm đắm trong nỗi ưu tư. Minh không có gì
làm, leo lên phòng Mai, Tuấn. Anh cũng bắt đầu lo cho hai em. Anh mở
từng ngăn kéo thấy đủ thứ hai em đã thu tích. Này những viên đá nhỏ
nhiều màu ngộ nghĩnh, này những cánh hoa rừng ép đã khô nhưng vẫn giữ
được màu sắc rực rỡ. Nhìn ngắm những thứ đó, Minh bất chợt thấy dào dạt
trong lòng một niềm rung cảm như nhớ như thương. Hơn lúc nào hết, Minh
cảm thấy thương hai em vô cùng. Ước chi Mai, Tuấn đừng gặp gì nguy hiểm,
ước chi hai em mau trở về!
Minh
vừa rờ trúng một mảnh giấy vội lôi ra. Tò mò, anh mở tung ra coi. Ồ!
Thì ra đây là tấm bản đồ, màu sắc còn tươi mới thật vui mắt. Buồn buồn,
Minh tìm vị trí của trại Bích Câu. Mắt anh chạm phải hình chữ nhật nhỏ
vẽ bằng bút nguyên tử đỏ trên bản đồ. Hình như chỗ này gần biệt thự Tùng
Lâm. Minh nhìn tấm bản đồ, suy nghĩ.
Có tiếng Danh gọi, Minh xuống ngay, không quên đút tấm bản đồ vào túi.
-
Này Minh, chú Bảy nói tụi mình đi kiếm anh Mạnh, không biết anh ấy lại
đi đâu từ lúc cai Bần đến tới giờ. Nhưng cậu phải xuống phòng anh Mạnh
coi cái này hay lắm.
Minh, Danh đi ngay. Vừa mở cửa bước vào, Minh đã thấy chiếc mũ rơm của Mai mắc trên đầu giường anh Mạnh.
- Mũ của Mai sao lại nằm đây?
- Hình như anh Mạnh đã tìm được.
- Ở đâu vậy?
- Sao cậu ngớ ngẩn thế? Phải đi tìm anh Mạnh đã rồi hãy hỏi.
Minh nhìn cái mũ, nhưng hình như tâm trí anh để đâu đâu.
- Danh đã nói cho chú Bảy biết chưa?
-
Chưa. Nếu anh Mạnh biết điều gì mà không nói chắc phải có lý do… Hoặc
anh muốn tránh cho chú Bảy khỏi phải lo lắng thêm… À, hồi nãy Minh muốn
nói gì đó?
- Đây, tớ nhìn thấy cái này trong ngăn kéo của tụi nhỏ. Tớ thấy có điểm này kỳ kỳ.
Minh đưa cho Danh tấm bản đồ rồi chỉ chỗ Tuấn vẽ. Danh thắc mắc:
- Mai, Tuấn tìm đâu ra tấm bản đồ này? Ngoài tỉnh đâu có bán?
- Chú Bảy cũng không có một tấm. Minh hỏi chú ngay ngày đầu mới tới đây rồi.
- Hình như thơm mùi ông Thanh Quí. Hay mình thử đi qua biệt thự chơi, biết đâu chẳng có gì lạ?
-
Được đó, nhưng tốt hơn phải báo cho chú Bảy. Mình xin đi kiếm anh Mạnh
là được ngay. Nhớ mang theo đèn pin, trời chiều rồi, lỡ lúc về tối.
Chú
Bảy bằng lòng ngay, nhưng không quên dặn dò Minh, Danh phải cẩn thận.
Chú cũng nói nếu chiều nay Mai, Tuấn không về, chú sẽ đi báo cảnh sát.
Minh,
Danh hứa sẽ về sớm nếu không có gì. Hai anh đi ngay. Khi đi ngang bãi
cỏ, hai anh thấy đàn bò vẫn bình tĩnh gặm cỏ, còn anh Mạnh đâu mất. Vừa
đi, hai anh vừa nói chuyện. Minh lưu ý Danh:
- Cậu có để ý cái hình chữ nhật mà tụi nhỏ vẽ trên bản đồ không? Chắc tụi nó không vẽ chơi đâu. Tụi mình thử coi lại coi.
Chiều
xuống dần, mặt trời đã khuất sau núi. Minh, Danh xem xét hồi lâu rồi
định vị trí trên đất những điểm đặc biệt trên bản đồ. Minh cho rằng hình
chữ nhật vẽ đó là chỗ vách đá lởm chởm, ngay bên biệt thự Tùng Lâm.
Minh đề nghị:
- Tụi mình đến đó coi một chút đi, rồi sau kiếm Mạnh cũng còn kịp.
- Nhưng chỗ đất phía trước gai góc nhiều quá, làm sao đến gần leo lên được?
- Nếu muốn leo, mình đi lối khác, tìm chỗ để leo lên là được ngay.
Nói
là làm. Minh, danh phải đi vòng xa hơn một chút rồi lần mò leo lên vách
đá. Leo lên được một quãng, Danh nhìn xuống dưới chân vách đá, bỗng anh
la lên:
- Kìa, Minh thấy gì không?
Minh nhận ra một con đường mòn dọc theo vách đá.
- Xuống đó không?
- Xuống mau đi. Con đường này tớ nghi lắm đây.
Thế là cả hai tìm lối xuống, rồi đi theo con đường mòn. Minh đi trước chợt dừng lại:
- Đúng rồi, tớ nghi lắm mà. Đưa đèn pin đây.
Không
do dự, cả hai chui vào đường hầm mà Mai, Tuấn đã vô hôm qua. Minh hí
hửng hy vọng sẽ tìm được điều gì lạ. Hai anh không ngờ nguy hiểm có thể
xảy đến. Hai người đi tới cửa hang, vừa nhận ra mấy thùng gỗ, chưa kịp
làm gì, thì một luồng sáng chói lòa đã chiếu thẳng vào mặt. Tiếp theo là
một giọng nói đe dọa vang lên nghe rụng rời:
-
Chà, đi chơi hả? Đây đâu phải là chỗ để đi chơi! Này hai thằng kia!
Chúng mày có biết tò mò là một tính xấu không? Uổng quá, khi biết thì
hơi muộn rồi… lại đây… mau lên cho được việc. Nên nhớ chúng tao có súng
nghe. Đừng có giở trò gì kẻo toi mạng.
-
Này Phách, trại Bích Câu này đúng là chuồng bồ câu. Hai cặp thành bốn
chú bồ câu non. Không biết có cặp già nào nữa không hả hai chú chim non?
Minh, Danh không trả lời, cả hai vừa hiểu Mai, Tuấn đang ở trong tay bọn chúng.
-
Không trả lời! Được, không sao. Bọn này không thích những đứa tò mò.
Bởi vậy, cảm phiền hai chú em ngủ đỡ đêm nay ở đây vậy… Bỏ tay sau lưng.
Phách, lo dùm cho quý khách của chúng ta một chút.
Một bóng đen tiến tới, lần lượt trói chặt tay hai anh ra sau lưng.
- Xong rồi!
- Dẫn quý khách vào phòng ngủ ấm áp. Chúc đêm nay ngủ ngon nghe mấy con!
Minh,
Danh bị người mang tên Phách đẩy đi dọc theo đường hầm. Bất thình lình
hai người bị xô té xuống đất, một cánh cửa gỗ đóng ập lại.Hai anh bàng
hoàng vì không để ý đến cánh cửa. Tiếng khóa kêu lách cách. Qua kẽ hở
Minh thấy ánh đèn xa dần. Bất giác cả hai cùng buông tiếng thở dài. Tình
trạng thật bi đát. Mọi việc xảy đến nhanh quá sức tưởng tượng làm hai
anh không có một mảy may phản ứng nào. Nằm yên bên nhau một lát, Danh
day qua hỏi:
- Cậu bị trói có chặt không?
- Chặt lắm! Tên Phách này chắc đã học thắt nút. Tớ nhúc nhích một chút cũng không được. Tê cả hai tay rồi.
- Đáng lẽ bọn họ phải để đèn lại đây.
- Cả dao hạy một cái kéo cũng được, như vậy đỡ biết mấy. À, cậu có biết bọn họ nhốt Mai, Tuấn ở đâu không?
- Cậu yên chí, chắc cũng như tụi mình chứ gì. Hai đứa tha hồ sợ.
Minh
yên lặng, anh cảm thấy hối hận. Lần đầu tiên anh bị đẩy vào cuộc phiêu
lưu mà không ngờ. Anh nhớ lại những chuyện mới xảy ra, những hành động
nghịch ngợm, không vâng lời của Mai, Tuấn, sự đi lại với ông Thanh Quí.
Anh bắt đầu nghi ngờ.
-
Tớ chắc tụi nó đã âm mưu chuyện gì từ lâu rồi mà mình không biết. Tức
thật, để tụi nó qua mặt còn làm mình bị kẹt nữa… À này, cậu thấy đường
hầm này có vẻ “thiên nhiên” không?
- Cậu muốn nói gì?
- Cậu không cảm thấy đường hầm do tay người đào ra hay sao? Nếu là đường hầm tự nhiên, sẽ có chỗ rộng chỗ hẹp, đàng này…
-
Như vậy đây có thể là nơi giấu hàng của bọn buôn lậu… nhưng chắc không
phải đâu, vì chỗ này xa xôi, đi lại khó khăn. Biên giới cũng còn xa.
- Nếu thế thì đây là một cái mỏ? Người ta vẫn bảo trong dãy Trường Sơn có mỏ mà chưa khai thác được.
- Dám mỏ vàng lắm à…
- Cậu đừng giỡn. Mỏ vàng hay không thì chưa chắc, có điều là bọn Mai, Tuấn không vô cớ đến đây, phải có cái gì.
Cả hai yên lặng. Những giả thuyết đưa ra không đi đến một kết luận nào vững chắc. Minh cố moi để xem còn có lý do nào vững hơn.
-
Nếu đây là một cái mỏ, mình có thể giải thích được nhiều vấn đề. Giả
như ông Thanh Quí đã biết rồi, mình dễ hiểu tại sao ông ấy cứ nằng nặc
đòi mua cho bằng được khu bãi cỏ, để có thể yên chí khai thác mà không
sợ ai dòm ngó.
-
Giả thuyết ấy cũng cắt nghĩa thái độ kỳ quặc của ông già Hách. Chắc ông
Hách cũng khám phá ra hầm mỏ, khi đó ông không dám gặp ai nữa vì sợ lộ
bí mật.
-Và già Hách đem theo điều bí mật xuống đáy mồ…
- Chưa, cậu quên Nùng Ô, người đã săn sóc cho già Hách. Già Hách cố ý hoặc vô tình trong cơn mê sảng đã nói ra điều bí mật.
Minh tán đồng ngay:
-
Đúng rồi, Nùng Ô đã biết nên đi lại xem xét hầm mỏ luôn luôn. Đêm nọ
lão mò xuống đây, làm mình tưởng lão có phép tàng hình biến mất.
Danh chợt nhớ ra điều gì:
-
Tuy nhiên, mình quên điều này. Đây không thể là hầm mỏ được. Cậu cứ
tưởng tượng sự ồn ào của tiếng cuốc xẻng đào xới. Không những cai Bần
chăn bò ở đây nghe thấy, mà bất cứ người nào qua đây cũng nghe nữa. Đó
là chưa nói đến chuyện phải chuyên chở các khoáng vật đào được.
- Vậy có thể là chỗ bọn buôn lậu giấu hàng. Không lẽ tên Phách và đồng bọn nhốt mình vô cớ hay sao?
- Thôi, tốt hơn cả là mình nghĩ cách thoát khỏi nơi đây.
12
Trong
lúc đó ở trại Bích Câu, tình trạng càng lúc càng căng thẳng. Chú Bảy
đang tính chuyện báo cảnh sát, nhưng không biết sai ai đi bây giờ. Anh
Mạnh đi mất hút, không thấy tăm hơi đâu nữa. Minh, Danh cũng chưa thấy
về. Ai đi kêu cảnh sát bây giờ? Trong nhà, ngoài chú ra, chỉ còn có cô
Bảy với chị Tư. Chú chắc chắn đi không được rồi. May thay, chị Tư là
người trong vùng, chị quen thuộc đường lối, chị xin đi kêu cảnh sát.
Chú Bảy hơi do dự, nhưng cuối cùng phải để chị Tư đi. Chú không quên viết vài hàng cho ông Cảnh sát trưởng.
Đồng hồ vừa điểm 7 giờ…
Bữa
cơm chiều thật nhạt nhẽo. Ba người ngồi bên nhau yên lặng. Thời gian
qua thật chậm. Ba người ăn vội một chén cho xong bữa. Cô Bảy dọn dẹp
xong, chú giục:
- Mình với con đi ngủ đi, tắt đèn hết làm như không có gì xảy ra… kẻo lỡ có ai…
Cô Bảy rùng mình vì câu nói bỏ lửng của chồng.
- Ai làm sao?
Chú
Bảy làm thinh. Từ lúc Mai, Tuấn mất tích chú suy nghĩ nhiều. Trong trí
chú, hình ảnh một kẻ thù luôn ám ảnh chú. Kẻ thù ấy không muốn chú ở
đây, vì chú cản trở công việc của hắn… có lẽ cũng như ông già Hách, chủ
cũ trại Bích câu này đã cản trở hắn vậy.
Chú thở dài lắc đầu:
- Không, có ai đâu… tôi nghĩ bậy vậy thôi.
Một
ý tưởng thoáng qua trong đầu chú. Biết đâu đây không phải là cuộc thử
sức của kẻ thù với chú. Nếu thua, chú sẽ phải bán trại, bán cả bãi cỏ
màu mỡ. Chú Bảy chợt thấy ông Thanh Quí dễ ghét hiện ra như hiện thân
của kẻ thù bí mật. Hình ảnh ông Thanh quí đã âm thầm ám ảnh chú suốt
ngày, bây giờ mới hiện ra rõ ràng.
- Đáng lẽ mình phải coi chừng, đề phòng hắn từ lâu… Nhưng trễ mất rồi, bây giờ mới nghĩ tới thật vô ích.
Thời
gian chậm chạp trôi theo tiếng gõ buồn nản của quả lắc. Đêm nay không
trăng, trên nền trời đen lốm đốm ngàn ánh sao. Chú Bảy ngồi rình sau bức
màn, tâm tư xáo trộn vì muôn ngàn ý nghĩ. Chú rình cái gì đây? Biết có
gì không? Đầu óc chú rối bời.
*
Sau
mấy lần cựa quậy, Minh, Danh tìm cách để cởi trói, nhưng vô ích. Dây
trói quá chặt không hy vọng tự giải thoát được nữa, Minh ấm ức bảo Danh:
- Tức thật, mình không biết một tí gì về mấy tên cầm tù bọn mình.
-
Theo tớ, điều đáng tức hơn cả là tụi mình ngố quá, không khác chi mấy
đứa con nít. Đáng lẽ tớ vào trước, còn cậu đứng ngoài canh chừng. Cậu có
thể báo cho chú Bảy khi cần.
- Coi chừng chú ấy tới kiếm tụi mình, rồi cũng bị vô tròng nữa.
- Tớ cũng sợ như vậy.
Vừa
lúc đó có tiếng chân đi tới gần, rồi tia sáng càng lúc càng rõ chiếu
qua kẽ hở của cánh cửa.Ttiếng chân dừng lại trước cửa, tiếp theo là
tiếng mở cửa lách cách. Minh, Danh lo sợ ngồi dậy. Minh thì thầm vào tai
Danh:
-
Cơ hội để thoát thân đây. Mỗi đứa đứng một bên cửa chờ hắn vô. Nếu hắn
đi một mình, rán tấn công ngay cho hắn gục lập tức. Biết đâu trong túi
hắn không có một con dao…
Hai
anh cố gắng đứng dậy, lần ra đứng hai bên cửa, nín thở chờ đợi. Tiếng
chìa khóa đút vào rồi rút ra hai ba lần, chứng tỏ tên này không phải tên
lúc nãy… Chốt cửa rít lên nhè nhẹ. Tim hai người như ngừng đập. Một
phút sao nghe lâu quá. Tên mới tới không bước vào, đứng ngoài rọi đèn
vào… khẽ gọi:
- Minh, Danh đó hả?
Mắt
hoa lên, tai như ù hẳn đi, Minh, Danh cố đoán xem ai gọi tên. Định thần
lại, Minh nhận thấy qua ánh đèn phản chiếu lại gương mặt mờ ảo của anh
Mạnh. Mạnh còn đang do dự. Không cần hỏi lý do, Minh mừng rỡ giục:
- Anh Mạnh, cởi trói cho chúng tôi đi.
Danh
khoan khoái nghe tiếng lưỡi dao bật mở. Hai phút sau Minh, Danh đã đứng
xoa tay cho máu chạy đều… Hai người thở phào sung sướng.
Mạnh nhìn hai người khẽ giục:
- Không nên ở đây lâu, chúng ta phải đi ngay.
Minh hoàn hồn, quay sang Mạnh hỏi tới tấp:
- Sao anh Mạnh biết mà tới đây? Bộ chú Bảy bảo hay sao? Anh đã về trại chưa?
- Lát nữa hãy hay… theo tôi ra lối này.
Mạnh đóng cửa, cài lại tử tế rối quay đi.
- Bám vào vai tôi. Đứng bật đèn kẻo lộ mất.
Ba
người mò mẫm đi. Minh, Danh mừng rỡ khôn tả. Đôi khi vấp phải đá hay
đụng phải vách hầm đau điếng, nhưng cả hai đều không để ý gì nữa, cứ để
mặc Mạnh dẫn đi. Danh có cảm tưởng đường dài ra hơn lúc vào… Một làn gió
chợt thổi nhẹ báo hiệu sắp ra tới bên ngoài. Mạnh đi chầm chậm rồi dừng
lại.
- Hai cậu ở yên đây… để tôi ra trước coi có đi được không.
Mạnh lướt nhẹ ra phía trước cửa hầm. Minh, Danh đứng ép mình vào vách đá vôi. Danh hỏi bên tai Minh:
- Sao Mạnh biết mà tới đây nhỉ?
- Làm sao tớ trả lời cậu được! Tớ chỉ biết Mạnh đã cứu mình thôi. Nếu không có anh, ai sẽ biết mà tới đây?
- Đó cũng là điều tớ thắc mắc. Mình đâu có để lại dấu vết gì để anh biết mà đi tìm, trừ phi anh theo sát nút tụi mình.
-
Cậu quên anh là người vùng này à? Chắc anh phải biết rõ đường hầm. Trưa
nay anh biến mất chắc cũng vì vậy đó. Biết đâu Mai, Tuấn không đi lạc
trong này rồi rơi vào tay bọn tên Phách?
Chợt có tiếng chân tiến lại. Mạnh đến gần, nói như ra lệnh:
- Lại đây… đừng đứng đó lâu quá.
Trái với dự đoán của hai anh, Mạnh lại dẫn đi sâu vào trong đường hầm.
- Cai Bần đang theo giúp chúng ta. Có cả con Quýt nữa, con chó này đánh hơi giỏi lắm, các anh cứ yên tâm.
Ra tới đường hầm lớn, thì cai Bần cũng từ ngã khác tới gặp ba người. Tay ông cầm dây xích con Quýt, miệng mỉm cười:
- Thật bất ngờ quá há? Ngọn gió nào đã xui chúng ta gặp nhau nơi đây?
Minh, Danh mỉm cười, không biết nói gì hơn. Mạnh hướng về phía cai Bần đề nghị:
- Phải cắt nghĩa cho hai cậu hiểu câu chuyện.
- Thì mày nói đi, mày bắt đầu trước mà.
Mạnh gãi tai ra vẻ ngại ngùng không muốn nói. Minh sốt ruột hỏi:
- Anh Mạnh có biết hai em của tôi bây giờ ở đâu không?
Cai Bần gạt ngang:
- Bình tĩnh nào cháu Minh, chúng nó không sao đâu… mà chưa tới lúc, giờ nào việc nấy, đừng hỏi lôi thôi.
Mạnh bắt đầu:
- Tôi biết ông già Hách và Nùng Ô cùng bị một chứng bệnh.
Minh, Danh sửng sốt. Danh hấp tấp hỏi:
- Già Hách và Nùng Ô bị bệnh gì?
Cai Bần lại phải ngắt lời:
- Để im cho Mạnh kể, lẹ lên còn phải đi cứu hai đứa nhỏ.
Mạnh tiếp, như quên hẳn câu vừa nói:
- Chúng ta đang ở trong một hầm mỏ.
- Mỏ gì?
- Mỏ ra-đi-om, đi-um gì đó.
Minh sửa lại:
- Mỏ uranium chứ!
- Mỏ gì cũng được, bàn cãi sau.
Cai Bần có vẻ hơi bực mình.
-
Đây là một hầm mỏ. Ông già Hách, tên Phách với vài tên nữa tới đào lấy.
Sau này thêm Nùng Ô tới giúp. Họ dùng bình hơi với đèn xì, xì chảy ra
để lấy. Như vậy họ không gây ra tiếng ồn ào.
Lần
đầu tiên Minh nghe nói đến cách khai thác mỏ một cách lạ lùng như vậy.
Anh muốn hỏi thêm cho rõ, nhưng nhớ lời cai Bần lại thôi.
- Vì dùng đèn đốt nên ông già Hách bị phỏng… và chết vì bệnh đó. Bây giờ đến lượt Nùng Ô…
Cùng lúc đó có tiếng máy xe nổ rền xa xa. Bốn người yên lặng nhìn nhau. Cai Bần thắc mắc:
- Cái gì kỳ vậy?
Nhưng Mạnh đã la lên:
- Tất cả phải ra ngay, đuổi theo bọn họ.
Không
chần chừ, bốn người lao mình về phía có tiếng máy nổ. Một phút sau họ
đã ra khỏi hầm, đến một khu rừng. Tiếng máy đã im bặt. Trời tối thui.
Con Quýt lôi cai Bần chạy lên trước, cả bọn lục tục theo sau.
Khi
ngừng lại ở mé rừng, Minh nhận ra khối đen lù lù trước mặt là biệt thự
Tùng Lâm. Minh chợt hiểu, tiếng động cơ phát ra từ chiếc xe của ông
Thanh Quí. Hình như chiếc xe mới đi đâu về.
Bên trong biệt thự còn tối om. Cai Bần lẩm bẩm:
- Trễ mất rồi chăng?
Minh
Danh không hiểu ông nói gì. Có lẽ ông ám chỉ ông Thanh Quí đã trở về.
Hay ông Thanh Quí đã làm xong việc của đồng bọn giao phó và vừa trở về,
nên cai Bần nói vậy?
Hai anh thắc mắc mà không dám hỏi. Ngôi biệt thự như còn ngủ say, không một dấu hiệu nào chứng tỏ có người ở trong.
Minh nghĩ thầm: “Hay ông Thanh Quí biết bọn mình theo dõi đã bỏ xe lại chuồn mất rồi?”
________________________________________________________________________