3
Chú Bảy, Minh và Danh vội vã leo lên bãi cỏ. Tới nơi, chú Bảy vừa thở hổn hển vừa hỏi:
- Cái gì vậy Mạnh?
Mạnh ấp úng trả lời, giọng xúc động:
- Mấy con bò… ở đàng kia…
Chú Bảy nóng nảy:
- Mấy con bò làm sao? Nói mau lên.
Thay
vì trả lời, Mạnh chỉ tay về phía bãi cỏ. Năm, sáu con bò đang bình tĩnh
gặm cỏ, trên cổ lủng lẳng sợi dây thừng chúng kéo lê dưới đất.
- Chó thiệt… chú Bảy vừa càu nhàu vừa chạy về phía mấy con bò, mặt chú càng lúc càng đỏ lên vì tức giận.
- Hình như mấy con bò bị thương sao kìa?
Mạnh,
Minh và Danh cũng vừa chạy đến. Họ thấy hai bên sườn mấy con bò bị sướt
một vệt dài, máu chảy đọng lại tím bầm. Trên đầu chúng cũng có vài vết
thương.
Chú Bảy nhìn đàn vật tức giận bảo Mạnh:
-
Thế này là nghĩa lý gì? Lần đầu tiên tao để cho mầy đóng cọc cột bò,
thế mà mấy lại quên đóng cọc. Tại sao mầy ngớ quá vậy Mạnh?
Mạnh đỏ bừng mặt, mạnh dạn trả lời:
- Tôi đã đóng cọc hẳn hoi và cột dây thật chắc như mọi khi.
Môi Mạnh run run, hai tay nắm chặt. Minh bỗng thấy có cảm tình với Mạnh và tin chắc anh ta không có lỗi gì.
- Thế tại sao bò có thể ra chỗ nầy mà ăn cỏ được, một khi mầy đã cột kỹ rồi? Ai đã nhổ cọc?
- Thưa ông chủ, tôi đã đóng cọc, tôi biết chắc chắn là tôi đã đóng cọc. Chính tay tôi đã đóng.
Mạnh như không tìm thấy câu trả lời nào khác để chứng minh sự vô tội của mình. Minh xen vào nói đỡ giùm Mạnh:
- Thưa chú, tại sao mấy con bò nầy lại bị thương?
Câu hỏi làm chú Bảy suy nghĩ. Chú hít một hơi dài như để lấy lại bình tĩnh.
- Ừ nhỉ, có lẽ chúng bị thương vì quệt vào rào kẽm gai. Như vậy thì…
Chú Bảy ngừng lại đưa mắt nhìn quanh như cố tìm ra nguyên do đã làm mấy con vật bị thương.
- Như vậy chắc có vật gì làm cho chúng sợ rồi chạy cuống lên tìm lối thoát thân.
Một ý tưởng lóe lên trong đầu Danh:
- Thưa chú, cũng có thể là một người nào đó.
Một
người nào đó… phải rồi. Nhưng ai đã làm cho đàn bò hoảng sợ? và với mục
đích gì? Đầu óc chú Bảy rối bời. Chú đi lại góc sân trống không có cỏ
mọc. Dấu vết lỗ cọc còn y nguyên. Chú Bảy quay lại nói với Minh, Danh:
-
Chú chưa thấy chuyện lạ như thế nầy bao giờ? Cháu Minh với Mạnh hãy
xuống suối lấy nước lên rửa các vết thương cho mấy con bò đã. Để rồi về
nhà mình sẽ tính.
Những
vết thương không lấy gì làm nặng lắm. Bốn người còn đang săn sóc cho
mấy con vật thì một người từ hướng ngược với trại Bích Câu đi tới. Vừa
thấy bóng người đàn ông, chú Bảy lẩm bẩm:
- Hắn đến vừa đúng lúc. Mà hắn đến làm gì đây?
Người
đàn ông dáng mập mạp, mình mặc bộ đồ mát, đầu đội mũ cói, hai tay chắp
sau lưng, bước chậm rãi như một điền chủ đi thăm ruộng.
Vừa đến gần hàng rào, ông đã lên tiếng:
- Chào ông chủ trại, chào các chú nhỏ.
Ông
ta bám tay vào cột rào, một tay từ từ giở mũ xuống khỏi đầu. Minh không
có chút cảm tình với cái đầu hói, với khuôn mặt đỏ bầm, và nhất là với
cặp mắt ti hí của ông. Minh như bắt gặp vẻ giả dối trong con người ấy.
Minh, Danh ngạc nhiên khi thấy chú bảy làm thinh không đáp, chỉ có Mạnh gượng gạo chào lại.
Làm như không để ý đến thái độ lạnh nhạt của chú Bảy, ông vui vẻ tiếp:
- Trời hôm nay đẹp quá. Tôi muốn đi một vòng rồi ghé thăm trại của ông. Tôi hơi đau đầu, đi dạo như thế này hy vọng sẽ bớt đau.
Chú Bảy vẫn im lặng. Sự lạnh nhạt của chú Bảy làm cho Minh, Danh thắc mắc.
Người đàn ông lại tiếp tục cuộc độc thoại:
- Tôi nghĩ hôm nay cũng là dịp tốt để hỏi xem ông chủ có thay đổi ý kiến… về cái bãi cỏ này không?
Như một trái bom nổ ngay dưới chân, chú Bảy bật dậy như cái lò xo, mặt tức giận.
-
Ông Thanh Quí, tôi đã xin ông nhiều lần rồi là đừng bao giờ hỏi tôi về
cái bãi cỏ này nữa. Đất này không bán đâu. Bao lâu tôi còn là chủ trại
Bích Câu, bấy lâu ông đừng hy vọng mua được mảnh đất nầy. Ông hiểu rồi
chứ ?
Mặt
người đàn ông có tên gọi Thanh Quí như đỏ hẳn lên. Ông hít một hơi dài
như để lấy sức nói tiếp. Nhưng nghĩ sao ông lại thôi. Cặp mắt ti hí bỗng
nhiên tròn hẳn lại lộ vẻ ngạc nhiên, vì ông vừa để ý mấy vết thương của
đàn bò.
- Ồ, mấy con bò làm sao thế? Chúng bị thương à?
Chú Bảy không trả lời, quay lưng lại ông Thanh Quí.
-
À, tôi hiểu rồi. Những con mòng rừng là nguyên nhân của mấy vết thương.
Một con mòng rừng đủ làm điên đầu mấy con vật đáng thương nầy. Xui cho
ông rồi đó, ông chủ trại ơi! Thôi chào ông nhé.
Ông Thanh Quí quay trở lại đường cũ, bỏ ý định thăm trại Bích Câu. Chờ cho ông đi khuất, Minh, Danh đến hỏi chú Bảy:
- Ai đó chú Bảy?
-
Một thương gia ở Saigon , bây giờ có tuổi để lại cho con cái coi sóc
công việc, lão về đây nghỉ ngơi. Lão mua biệt thự Tùng Lâm khuất bên kia
dốc núi. Bãi cỏ này đẹp. Lão ngắm nghé muốn mua từ lâu rồi, nhưng lúc
bán lão lại không có mặt ở đây. Hai lần lão đến tìm chú, điều đình mua
lại, chú không nghe. Lão cứ tưởng có tiền là làm được mọi sự.
Minh ngắm bãi cỏ thoai thoải trải dọc theo triền núi một màu cỏ xanh mơn mởn. Danh từ nãy tới giờ đứng yên, cất tiếng hỏi Mạnh:
- Anh Mạnh có tin chuyện con mòng không?
Mạnh giật mình khi nghe Danh hỏi, mặt anh thộn ra, lẩm bẩm:
- Tôi chỉ biết chính tay tôi đã đóng cọc và cột dây thật chắc.
Danh mỉm cười vì câu trả lời của Mạnh. Xem chừng Mạnh còn “hận” câu chuyện lúc nãy.
Trên
đường về, chú Bảy cắt nghĩa cho Minh, Danh biết tại sao phải cột bò lại
không cho ăn cỏ ban đêm. Lý do là vì sợ chúng ham ăn cỏ tươi nhiều quá
thành bội thực rồi sinh ra chứng đầy hơi. Con vật bị chứng đầy hơi sẽ
trương bụng lên và chết ngạt. Cách chữa duy nhất là chọc thủng cạnh sườn
bò cho hơi thoát ra.
Chú Bảy tiếp:
- Theo ý chú, đàn bò của lão Hách chết vì bệnh này. Lão già yếu, bệnh tật nên không thể săn sóc canh chừng đàn bò được.
- Vậy sao bò của chú không bị bệnh đó, vì đêm qua chúng có thể ăn cỏ tự do?
Chú Bảy không trả lời ngay. Suy nghĩ giây lâu, chú mới nói:
- Có lẽ vì sợ hãi quá, chúng quên cả việc gặm cỏ.
Câu giải thích có vẻ hữu lý. Mọi người yên lặng đi vì đã gần tới nhà. Minh chợt nhớ tới hai em, quay lại hỏi Danh:
- Không biết hai đứa nhỏ đang làm gì ở nhà? Kể ra bắt chúng ở nhà dọn dẹp cái gác xép, nghĩ cũng tội!
-
Hình phạt ấy (bắt Tuấn, Mai ở nhà dọn gác xép) biết đâu lại là một trò
vui, một cơ hội để chúng bày đặt ra những trò nghịch ngợm khác!
Tuy nói thế, Minh, Danh không mảy may hay biết chuyện hai đứa nhỏ tìm thấy cái hộp trên gác xép.
*
Chú
bảy không muốn mấy đứa nhỏ phải sợ sệt, dặn các cháu đừng kể cho ai
nghe chuyện hồi sáng. Chú kể sơ lược cho cô Bảy biết qua. Trại Bích Câu
vẫn giữ vẻ bình thường. Buổi chiều, mọi người đều bắt tay vào việc dọn
dẹp sạch sẽ trại.
Đang dọn trên phòng, Tuấn hỏi Mai:
- Chúng mình làm gì bây giờ hả Mai?
- Ra giúp Xuân quét sân.
-
Phải rồi, quét sân rồi mình có thể vào phòng anh Mạnh xem xét. Biết đâu
anh chàng chẳng lấy cái hộp. Rồi vào nhà ngang nữa, xem chỗ lão già có
mái tóc bạc biến mất đêm qua.
Mai
mỉm cười thấy Tuấn run run khi nói đến ông già tóc bạc. Xem chừng Tuấn
còn sợ dù giữa ban ngày. Mai nghĩ nhà ngang không có cửa nào khác ngoài
cái cửa chính và cửa thông sang phòng anh Mạnh, như vậy lão già biến ra
lối nào?
Mai đề nghị:
- Ngồi đây bàn tính vô ích. Tụi mình cứ xuống xem tại chỗ mới biết rõ.
Cả
hai cùng xuống sân. Hai anh Danh, Minh đang lau cửa sổ nhà bếp, trong
khi Xuân đang xếp gọn đống đá nhỏ. Mai kiếm một cái chổi rễ, Tuấn một
cái xẻng. Cả hai phụ quét sân và hốt rác.
4
Mai
cầm chổi quét sân, Tuấn theo sau, tay cầm xẻng, tay cầm thùng rác nhỏ.
Thỉnh thoảng nó dừng lại nhặt rác rưởi, đá vụn, cục đất bỏ vào thùng.
Mải quét, nhặt, hai anh em đã đến bên lu nước mưa lúc nào không hay.
Thấy lu nước, Mai lại nhớ tới cái hộp:
- Mất cái hộp uổng thật.
- Phải chi Mai đừng quên!
Mai
chép miệng tiếc rẻ. Cô bé muốn tự tay soát lại xem cái hộp có mất thật
không, nên cúi mình xuống cố gắng luồn tay dưới đáy lu.
- Thấy không Mai?
Mai ra dấu cho Tuấn canh chừng để khỏi ai thấy:
- Im! Đừng nói gì hết… cái gì như cái hộp đây rồi!
Tuấn
ngạc nhiên há miệng không nói nên lời. Mai kéo ra một cái hộp nhỏ rồi
đưa cho Tuấn, giục anh giấu vào túi quần. Sợ em nghi ngờ hành động của
mình đêm qua, Tuấn ngẩn ngơ nói:
- Thế mà đêm qua…
Tuấn
đưa mắt nhìn quanh sân. Một tia sáng vụt lóe lên trong đầu. Nó vừa nhận
thấy cái lu ai mới kê gần cửa bếp. Đêm tối, thêm vào đó sự sợ hãi đã
làm nó nhận lầm. Tuấn minh oan:
- Đêm qua Tuấn lại tìm ở cái lu kia, hèn chi mà không thấy!
Mai
nhún vai, bĩu môi ra vẻ không tin. Hai anh em lại tiếp tục công việc
như không có gì xảy ra, để người lớn khỏi để ý. Một lúc sau, Tuấn khẽ
hỏi:
- Này Mai, như vậy lão già tóc bạc đến đây làm gì? Vì lão đâu có lấy cái hộp ?
Nhỏ Mai cau mày, mải vui nó quên mất bóng người đàn ông đêm qua.
- Ừ nhỉ! Thế mà Mai quên mất. Nhưng thôi, làm lẹ lên… xong rồi mình sẽ vô nhà ngang ngay.
- Nhất là đừng cho ai thấy hết, cả Xuân nữa.
Tuấn
muốn tạo vẻ hồi hộp cho cuộc chơi, để làm tăng vẻ bí mật rùng rợn. Sự
tìm thấy cái hộp cũng như hình phạt hai anh em phải chịu là một trò chơi
không hơn không kém. Như khi làm một bài toán, Tuấn muốn hưởng cái thú
vị tìm ra đáp số mà không cần nhờ ai giúp, chúng nó cũng muốn tìm giải
đáp thích hợp cho những điều chúng cho là bí mật trong cuộc chơi này.
Vừa quét đến cửa nhà ngang, Tuấn thì thầm vào tai Mai:
- Vào không? Mọi người đều quay đi chỗ khác, không ai để ý đến tụi mình hết.
Thay
vì trả lời, Mai kéo tay Tuấn lủi lẹ vào nhà ngang. Đưa mắt nhìn quanh,
hai anh em chỉ thấy từng lớp màng nhện giăng đây đó, một vài cái xẻng
cuốc để gọn gần cửa. Có lẽ căn nhà ngang nầy lão Hách dùng làm nhà kho
chứa lúa thóc, khoai sắn sau mỗi mùa gặt hái. Trừ cửa chính ra, chỉ còn
có mỗi một khung cửa sổ vuông ở tuốt trên cao. Mai nhìn cửa sổ rồi nói:
- Chắc lão già đêm qua chui ra bằng lối này.
Nhưng Mai thấy nhận xét ấy không đúng vì cửa sổ có song sắt. Làm sao người có thể chui qua lỗ chui của một con mèo?
Mai quay lại bảo anh:
-
Chúng mình đứng đây lâu lỡ ai bắt gặp nghi ngờ thì nguy. Để lát nữa hãy
xuống xem lại. Bây giờ nhân lúc mọi người còn đang bận rộn, tụi mình
lên gác xép đi…
Khi đi ngang qua chỗ hai anh Minh và anh Danh làm, Mai nghe hai anh nói với nhau:
-
Cho tới bây giờ, tớ cho những chuyện đó là những chuyện nhảm nhí, dị
đoan. Nhưng tớ cũng bắt đầu tin vào câu nói: “Không có lửa làm sao có
khói”. Lạ thật…
Mai cố nhớ câu cuối cùng, rồi vội lên lầu. Tuấn theo sau, vờ dừng lại tìm vật gì trong bếp để nghe. Danh hỏi:
- Cậu muốn ám chỉ đàn bò của lão Hách chết một cách bí mật?
- Bí mật? Chưa chắc đâu cậu ơi. Chú Bảy nói có lẽ chúng chết vì chứng dầy hơi.
- Đầy hơi ông bạn ạ!
- Ừ, thì đầy hơi. Bà bán hàng tạp hóa ở bến xe cũng nói y như cai Bần vậy.
- Về chuyện lão Nùng Ô hả?
- Ừa.
- Bà ta chỉ lập lại những điều cả vùng đều biết.
- Có thể lắm. Nhưng không lẽ cả cai Bần nữa sao? Tớ thấy ông ấy đáng tin cậy lắm chứ. Ông ấy nói như chính mắt thấy mọi việc.
*
Tuấn sợ em chờ lâu, nó vội leo lên gác xép. Mai ra hiệu cho nó đóng cửa lại.
- Nóng thấy mồ!
- Kệ! Bộ muốn người lớn thấy sao?
- Mai có nghe anh Minh nói cái gì mà khói với lửa không?
- Chuyện các anh ấy nói có ăn nhằm gì tới việc của tụi mình! Anh bỏ cái hộp ra đi, Mai có kéo đây rồi.
- Bộ Mai tính cắt túi vải bọc ngoài hay sao?
-
Không, Mai cắt chỉ thôi. Lỡ lúc mở ra có cái gì quan trọng mình đâu có
quyền giữ. Chừng đó Mai sẽ may lại, khỏi sợ ai biết mình đã mở.
Tuấn
thò tay vào túi quần bên này, lại thò tay qua túi bên kia. Nó muốn lợi
dụng cơ hội để ghẹo Mai. Nhỏ Mai cứ “bấn” cả ruột lên mỗi lần thấy anh
rút ra nào khăn tay, nào xâu chìa khóa, nào cục phấn. Cuối cùng Tuấn
cũng phải lôi “nó” ra. “Nó” chỉ là một gói nhỏ bọc vải đen đã bạc màu.
Bụi bặm bám vào các góc cạnh vàng khè. Chắc ông già Hách quên nó lâu
rồi.
- Mai biết không, cái hộp này giống như cái hộp xì-gà thỉnh thoảng ba mua đó.
Mai gắt nhẹ:
- Thôi đưa đây mau lên, mở lẹ cho rồi.
Mai cầm lấy cái gói rồi đưa mũi kéo nậy từng mũi chỉ. Tuấn nóng lòng đi qua đi lại, hồi hộp.
- Tốt hơn là Tuấn ra ngoài cửa canh chừng coi có ai lên không.
Tuấn căn dặn:
- Khi nào xong, Mai nhớ gọi anh ngay nghe. Không được xem một mình đâu nghe.
Tuấn hé cửa nhìn xuống, dưới nhà vẫn yên lặng trừ tiếng anh Mạnh bổ củi ở phía sau.
- Rồi anh!
Tuấn
khép cửa chạy vào, Mai vừa mở xong lớp vải bên ngoài. Loay hoay thế nào
Mai làm rớt xuống sàn, nắp hộp tung ra. Một miếng giấy trắng cũ, gấp
vuông vắn rớt ra theo. Tuấn vội nhặt lên mở ra coi.
Mai hồi hộp nhận thấy những nét vẽ thô sơ nguệch ngoạc trên mặt giấy trắng đã ngả màu vàng.
- Trông giống mấy hình học Tuấn hay vẽ nháp ghê.
- Hình gì mà ngoằn ngoèo như rắn như giun thế này? Thế còn những chấm đỏ đỏ với hình chữ nhật nhỏ ở giữa kia là gì vậy Mai nhỉ?
Mai
nhìn theo tay Tuấn chỉ. Ở giữa có một hình chữ nhật chấm bằng mực đỏ,
nhưng đã nhạt màu. Hình như người vẽ muốn đánh dấu chỗ đó. Tuấn chăm chú
nhìn kỹ, như thấy điều gì lạ.
-
Có chữ viết ở trong góc này Mai. Để Tuấn đọc cho: S. đ-a-c đ-i-ền. Mực
mờ khó đọc quá. K-h-u… khu… BC… Lũ… 26. Thế nghĩa là gì?
Mai coi kỹ lại, lẩm bẩm:
-
Sì đac điền, đắc điền hay đặc điền nghĩa là gì? Hay là tên thật của ông
Hách? Mai mới nhớ tụi mình đi coi tuồng có nghe tên gì tương tự như
vậy. Hình như Sơ Điền Thứ Lanh gì đó.
-
Sơn Điền Thứ Lang chứ Mai. Nhưng đó là tên Nhật Bổn dịch ra. Còn đây
không lẽ đọc là Sơn Đắc Điền khu BC lũ 26 à!... Ông Hách không phải
người Nhật, cũng không phải người Thượng. Chẳng lẽ ông ấy vừa lai Nhật
vừa lai Thượng sao? Vô lý!
- Hơn nữa ông ấy viết tên vào góc hình này làm gì? Ngớ ngẩn thật. hay là…
- Muốn biết ngay chỉ có cách hỏi người lớn. Tiếc một điều là không hỏi anh Minh được.
-
Im! Nhớ không được hở một tiếng nào nghe. Anh Minh với anh Danh mà biết
được là kể như… mình chỉ còn nước đưa cho họ tấm giấy này. Rồi trơ mắt
nhìn họ âm mưu lén lút đi đàng này, giả bộ bí mật đi đàng kia. Biết đâu
họ chẳng khám phá ra điều gì?
-
Dù sao cũng phải tìm hiểu mấy tiếng “S đắc điền”. Không lẽ khi không
người ta viết vào đây chơi à? Còn Khu Lủ chắc là tiếng Thượng, mình sẽ
tính sau.
- Được rồi, nhưng Tuấn nhớ chép ra giấy, kẻo khi hỏi mà lôi tấm giấy này ra coi lại là lộ ngay.
- Mai này, hay mình vô mượn cô Bảy cuốn Việt Nam Tự Điển tìm thử coi. Như vậy khỏi sợ ai biết.
Chợt
nghe có tiếng chân người, Mai ra dấu cho Tuấn nhón gót đến gần vách
nhìn qua kẽ hở. Anh Mạnh đang đi vào nhà, vừa đi anh vừa lẩm bẩm những
gì nghe không rõ.
Tuấn như nhớ ra điều gì, quay lại hỏi:
- Mình quên không hỏi anh Mạnh xem đêm qua có nghe thấy gì không?
- Phải đó, nhưng bây giờ Tuấn hãy cất kỹ cái hộp này đi đã!
Tuấn giấu vội cái hộp vào một kẽ hở dưới sàn gác.
*
Cô
Bảy bận giặt một chậu đầy quần áo nên không lấy cuốn Tự Điển cho Mai,
Tuấn ngay được. Mai nóng lòng muốn biết ngay nên đi tìm Minh.
Minh
và danh vẫn còn đang lau cửa. Minh vừa cắt nghĩa cho Danh về bệnh chó
dại. Danh thán phục sự hiểu biết của Minh, nửa khen nửa đùa:
- Cậu thật thông minh xuất chúng, Minh ạ!
Mai vừa đi đến đó, nắm lấy cơ hội:
- Anh Minh thông minh của em ơi, anh cắt nghĩa cho em biết “sì đặc điền” là gì đi anh.
Minh không nghe thấy tiếng “sì” quay lại chọc em:
- Đặt điều hả? Đặt điều nghĩa là… như cô đang đặt điều hỏi tôi đó.
Minh, Danh cùng phá lên cười. Mai đỏ mặt ấp úng:
- Không, em hỏi đặc điền cơ!
- À ra thế, nhưng phải sửa lại là “đạc điền” mới đúng. Anh có nghe nói ở đâu rồi, nhưng mà…
Minh ra chiều suy nghĩ, rồi tìm cách nói lảng:
- Mà Mai thấy hai tiếng ấy ở đâu?
Cô bé ngẩn người, không ngờ Minh lại hỏi vặn như vậy. Chưa biết trả lời ra sao thì Danh đã xen vào:
- Anh dám cá là Mai với Tuấn chơi ô chữ chứ gì?
Mai mừng rơn:
- Đúng rồi đó anh Danh, tụi em chơi ô chữ trong tờ báo cũ.
Minh thắc mắc:
- Như vậy phải có giải nghĩa chứ, không có làm sao tìm ra hai tiếng này?
Mai đâm ra lúng túng, câu hỏi này dồn Mai vào thế bí. Cũng may, lần này Danh lại tiếp cứu kịp thời.
- Được chứ sao không? Có thể đó là hai tiếng ở trong ô chữ trước hay ở trong một câu nào đó mà Mai không hiểu.
Mai thở phào một cái, thầm cám ơn anh Danh. Minh để ý đến cử chỉ và nhất là câu trả lời vội vã của Mai.
- Phải rồi, em nghĩ ra rồi, nó ở trong ô chữ trước, thế mà em không biết. Cám ơn anh Minh và nhất là anh Danh nghe.
Mai mừng ra mặt, ba chân bốn cẳng chuồn đi chỗ khác. Minh ngừng tay hỏi Danh:
-
Cậu có để ý gì không? Mai cứ bám vào mấy lời giải thích vu vơ của cậu.
Xem chừng nó không muốn nói sự thật. Tụi mình phải coi chừng hai đứa mới
được!
Danh vừa cười vừa hỏi:
- Thế cậu có hiểu “đạc điền” là gì không?
- Không! Còn cậu?
- Cũng mù tịt nốt.
*
Tuấn chăm chú lật từng trang cuốn Việt Nam Tự Điển, miệng lẩm nhẩm đọc, rồi Tuấn mừng rỡ la lên:
- Thấy rồi đây. Đạc điền là phép đo ruộng đất.
Mai thắc mắc:
- Không lẽ tấm giấy này ghi chép những phép tắc đo ruộng đất à?
-
Để im Tuấn đọc tiếp… Sổ đạc điền là sổ để ghi chép… à, anh nhớ ra rồi.
Chữ S viết tắt tức là chữ sổ. Sổ đạc điền. Vậy sổ đạc điền là sổ ghi
chép những phép đo ruộng đất.
Mai vội nói:
-
Vậy là tụi mình biết được một chuyện. Chắc trong sổ đạc điền còn chỉ
dẫn gì nữa. Bây giờ cần xem cuốn sổ này ở đâu nữa là xong.