Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017

CHƯƠNG VII, VIII_BÊN KIA CHIẾC CẦU


VII

Một nắm rơm được đùn thêm vào lò. Khói tỏa lên làm nước mắt Sơn chảy ra. Trên bếp lửa, nước bắt đầu sôi, lôi cuốn những hạt gạo rang vàng chạy theo đường vòng tròn.

Tiếng nói cất lên sau lưng Sơn:

− Em dậy sớm vậy Sơn?

Sơn đưa tay quẹt nước mắt, cười với người mới có mặt:

− Dạ, em dậy đã lâu. Em rang gạo nấu nước cho Giang nó uống.

− Cô Giang sao thế?

− Thưa anh, suốt đêm nó bị nóng sốt, nói sảng luôn. Em không ngủ được, phải ngồi dưới chân giường.

Người đàn ông tên Chương ái ngại:

− Cô ấy bệnh à?

− Dạ. Chắc là hôm qua thấy cảnh loạn lạc nó sợ hãi đó anh!

Chương ngồi xuống bên Sơn. Một lát, người ấy cũng dụi mắt, nói:

− Đun lửa bằng rơm là phải khóc suốt cả buổi Sơn nhỉ?

− Dạ. Em con trai, nên mẹ em ít cho nấu nướng. Mẹ em “khóc” thay cho em.

− Thế còn cô bé Giang?

Sơn cười:

− Nó còn dại lắm, chỉ biết thêu thùa. Mẹ em cưng nó hết sức.

− Con gái dễ xúc động. Chắc bà chạy đi, cô ấy nhớ nên sinh bệnh.

Sơn nhắm mắt lại, tưởng như trước mắt còn rõ rệt cái cảnh mẹ Thảo Giang nằm in lìm trên vũng máu. Hai má Sơn ướt đẫm lệ. Sơn đưa tay chùi ngang. Rơm rạ cháy lùng bùng trong lò, khói vẫn xông lên…

− Sao hôm qua hai em không chạy theo mẹ?

− Hai đứa em còn ở ngoài ruộng, lúc về đã thấy đoàn người tị nạn chạy xa. Chúng em tìm mẹ không thấy. Chắc mẹ đã qua sông.

Chương lắc đầu:

− Thật tội nghiệp. Anh đã đi qua nhiều nơi, thấy ở đâu cũng một lòng như vậy. Dân chúng hễ thấy có giặc Tây đến, là bỏ làng mà đi theo nghĩa quân. Có nơi quyết không để cho giặc có gạo mà ăn, nổi lửa đốt rụi cả cánh đồng.

Sơn đứng lên, nói:

− Anh ra ngoài vườn cho khỏe. Nước sôi lâu rồi.

Hai người ra khỏi nhà bếp. Sơn vươn vai cho những khớp xương kêu răng rắc, nói:

− Cái làng nhỏ bé của em cũng một lòng như vậy.

Chương cười trầm ấm:

− Em còn nhỏ, mà nói nhiều câu thật cương quyết.

− Chúng em biết chuyện dân ta kháng chiến từ sau khi thầy đồ của chúng em mất. Hình như thầy em có biết ông Trương Công Định. Nhưng em chưa kịp nghe thầy em tả ông ấy…

Chương có vẻ chú tâm vào câu chuyện lắm. Sơn bùi ngùi:

− … thì thầy em qua đời.

Chương thở dài, giọng cảm động:

− Thầy đồ của em tên gì?

− Cả làng chỉ một mình thầy là có học. Ai cũng gọi thầy là thầy đồ Hưng.

Chương lẩm bẩm:

− Thầy đồ Hưng…

− Anh có quen thầy đồ Hưng không? Thầy em già lắm, khi chết thọ bảy mươi tuổi.

Chương lắc đầu:

− Không. Anh chỉ quen với thầy Đồ Chiểu. Hai người là bạn thân. Nhưng anh theo nghĩa quân, còn bạn anh vì mù mắt nên không xông pha như anh được. Nghe em nhắc thầy em, anh lại nhớ bạn mình. Người tật nguyền yêu nước có cái khí giới riêng của họ.

Rồi Chương cúi xuống, lẩm bẩm một mình:

− “Ngoài cật một manh áo vải, trong tay một ngọn tầm vông. Gươm đeo bằng lưỡi dao phay, hỏa mai bằng rơm con cúi…”

Sơn lạ lùng hỏi:

− Anh nói gì vậy?

− Không. Anh đang nhớ những lời thơ mà bạn anh thường đọc.

Sơn thở dài, quay vào bếp, trút nước gạo ra chén. Khi trở ra, thấy Chương đang vịn tay trên cành cây, mắt nhìn đăm chiêu qua những kẽ lá. Sơn khe khẽ bước lên nhà, vào bên giường Thảo Giang. Cô bé nằm ngủ thiêm thiếp, thở mệt nhọc như người bệnh đã lâu ngày. Sơn đặt chén nước xuống, gọi nhỏ:

− Thảo Giang! Dậy đi Thảo Giang!

Đôi mắt đầy kinh hoàng he hé mở ra. Cái tròng trắng đã đỏ ngầu. Trán Thảo Giang nóng như lửa đốt. Thảo Giang mấp máy môi:

− Mẹ! Mẹ đâu rồi?

Sơn trấn tĩnh cô bé:

− Mẹ đã chạy theo dân làng, yên ổn rồi!

− Không! Mẹ đã chết rồi sao? Con thấy rõ mẹ nằm trên đất. Phải người ta bắn mẹ bằng súng không?... Đầu mẹ tan nát… Mẹ ơi!...

Thảo Giang bật khóc nức nở. Sơn tê tái quỳ sững ở chân giường. Nam đứng ở cửa buồng hỏi:

− Cô ấy nói gì lạ vậy Sơn?

Sơn trót đã nói dối, phải nói dối luôn để khỏi mất lòng tin ở những người nghĩa quân, nên cố gắng giải thích:

− Em gái em nó bệnh, nói sảng anh à.

Rồi quay qua Thảo Giang, Sơn bảo:

− Giang! Uống miếng nước gạo nè em. Đêm qua em mơ thấy gì mà nói kỳ lạ vậy?

Thảo Giang giương đôi mắt lờ đờ mệt mỏi, nói líu ríu:

− Mẹ có chạy thoát không? Sao tôi thấy mẹ nằm sóng soài trên đất? Lửa đỏ ngụt trời, ghê rợn quá! Cho em qua sông, theo nghĩa quân với! Em muốn gặp cha… Cha em đã bỏ làng mà đi. Chắc cha em đã chiếm lại được nhiều đất. Nhưng mẹ chết rồi cha ơi!... Cha chưa có con trai…

Sơn hoảng hốt:

− Giang! Nói bậy không thôi! Uống nước gạo đi, cho hạ bớt nhiệt.

Cô bé vẫn thều thào:

− Cha chưa có con trai… Con rạch cũng chưa có tên… Cái làng này sẽ tiêu tan. Em muốn đi qua cầu, vào vườn Bá Huê, qua đồng phèn thiếu nước…

Sơn nâng đầu Thảo Giang lên, cố gắng đút cho Thảo Giang từng ngụm nước gạo. Nam đến gần, hỏi nhỏ:

− Sao cô Giang biết những nơi đó?

Sơn đáp:

− Chúng em đã có qua một lần, nhưng chỉ đến ruộng phèn, rồi phải quay trở lại.

Sơn lấy tấm bản đồ ra, nói:

− Mấy người nghĩa quân cho em mảnh giấy này.

Nam nhìn chăm chú, rồi reo lên:

− Bọn anh cũng có.

Sơn chỉ tay vào tấm bản đồ:

− Em biết rồi! Qua khỏi làng em bằng ngõ vườn Bá Huê, các anh sẽ tới sông Vàm Cỏ mau nhất. Rồi các anh đi Tân An, phải không?

Nam gật đầu:

− Sáng nay bọn anh sẽ đi.

Sơn giật mình:

− Ngay sáng nay?

− Không chần chờ gì được. Quân Pháp đã đến đây, chắc chúng chưa đi đâu xa.

− Các anh đi bằng ngã cầu?

− Phải.

Sơn bàng hoàng, nhìn lại Thảo Giang. Đôi mi mắt đang khép kín dòng sông. Sơn vụt chạy ra vườn sau, gọi:

− Anh Chương! Anh Chương! Phải sáng nay anh bỏ làng này mà đi không?

Chương quay lại:

− Ai nói với em thế?

− Anh Nam.

− Không phải bọn anh bỏ làng, mà là rút đi để kiểm điểm quân số, tu bổ lại binh đội, để tiếp tục chống Pháp. Sơn muốn theo bọn anh không?

Sơn ngơ ngác:

− Theo các anh?...

Chương cười:

− Thì em đã nói em sẽ theo nghĩa quân?

− Dạ, nhưng mà…

Sơn ấp úng:

− … Thảo Giang đang bệnh, làm sao đi?

Sơn buồn bã sờ lên cọng sắt giắt nơi lưng. Ta yêu cái dùi này lắm! Bao ngày qua ta đã mài cho nhọn, đợi dịp làm quân thù vỡ mật. Nhưng ta cũng yêu quý Thảo Giang vậy. Thảo Giang đã ở lại xóm làng này với ta, thì tại sao ta muốn bỏ Thảo Giang mà đi?

Thấy Sơn im lặng, Chương hỏi:

− Nghĩ gì đó, Sơn? Em có đi theo bọn anh không? Còn cô bé Giang?

Sơn cúi đầu:

− Chắc em phải ở lại. Thảo Giang như thế làm sao đi được? Theo các anh nó sẽ làm vướng chân.

− Rồi lỡ quân Pháp đến?

− Em sẽ giả làm kẻ ngu đần.

Chương ái ngại nói:

− Anh thấy không yên lòng chút nào.

− Các anh cứ đi. Em lỡ dịp này, sẽ còn dịp khác theo nghĩa quân, miễn là… em không xa Thảo Giang.

Nói xong câu ấy, Sơn cảm thấy bồi hồi. Chương vô tình, đâu biết được sự liên hệ xa xôi mà rất đỗi khắng khít của Sơn với Thảo Giang, chỉ ngỡ đó là tình máu mủ. Sơn nói cương quyết hơn:

− Xin anh đừng lo cho chúng em. Vườn nhà còn cây trái, hũ gạo còn đầy, chúng em sống chờ dân làng về. Biết đâu… có ngày em sẽ gặp ông Trương Công Định…

Chương siết vai Sơn trong cánh tay rắn chắc của mình, nói:

− Căn cứ Gò Công vỡ, ông ấy chỉ còn đám tàn binh. Nhưng… chắc ông ấy sẽ qua đây.

Đám người bên trong đã sửa soạn xong khí giới và hành trang. Chương trở vào, kiểm điểm mọi thứ. Bọn họ sắp lên đường! Sơn đứng lặng trước những người nghĩa quân oai dũng. Cái hình ảnh mà ta mơ ước là đây. Ta cũng dễ dàng trở thành như họ. Nhưng tại sao, ta đã lỡ mất nhiều dịp để làm nghĩa quân? Đêm bác Chiêu rời sông nhỏ, Đại bơi xuồng một mình đi lập cuộc đời mới – Buổi chiều sáu người nghĩa quân vượt qua vườn Bá Huê – Đến nay, buổi sáng các anh Chương, Nam… dẫn bạn bè ra đi. Đã ba lần không đi theo được. Cái gì đã giữ ta lại? Người mẹ góa? Mảnh vườn xác xơ? Cánh đồng lúa thơm ngát? Cô bé yêu thương mà ta đã tưởng như hai cuộc đời gắn chặt? Hay vì sự ra đi khỏi nơi chôn nhau cắt rốn là đồng nghĩa với sự lưu đày?...

… Sơn cũng đứng lặng như thế, khi theo chân đoàn nghĩa quân ra bờ rạch. Đoàn người dừng chân lại. Một khoảng thời gian bùi ngùi khiến người ta nghe rõ tiếng lau lách khua động dưới chân. Chương cảm động đặt tay lên vai Sơn, nói:

- Cám ơn hai em đã cho bọn anh tá túc một đêm. Anh mong sẽ gặp em một ngày không xa, trong đoàn nghĩa quân của anh…

Nam tiếp lời:

− Và của anh.

Biên cố gắng vui vẻ:

− Của anh nữa.

Sơn cúi đầu, chỉ biết dạ nhỏ. Chương ra hiệu cho bạn bè lên cầu. Bỗng Sơn vừa nghĩ ra một điều gì. Sơn nhanh gót bước theo, kêu:

− Anh Chương! Khoan đi!

Chương dừng lại, ngạc nhiên:

− Chuyện gì vậy, Sơn?

− Anh… anh làm ơn cho em xin một ít… thuốc súng.

Chương trố mắt:

− Sao em biết?

Sơn ấp úng:

− Xin lỗi anh… vì đêm hôm qua em thức coi chừng Thảo Giang, tình cờ nghe anh nhắc đến bao thuốc súng. Xin anh cho em một ít để phòng khi cần dùng.

Chương bảo một người bạn đưa bao thuốc súng cho Sơn, rồi nói:

− Cẩn thận nghe Sơn! Cái này bọn anh cướp được của Pháp đó!

− Cám ơn anh.

Đoàn người rầm rập bước qua cầu. Khu vườn bên kia không còn ai canh giữ nữa, đã trở thành một ngõ vườn hoang. Sơn đứng đó, nhìn mãi… cho đến khi người cuối cùng lẩn màu áo vào màu cây xanh, Sơn quay lưng trở về. Ở đầu cầu, Sơn dừng lại, mở bao thuốc súng, rắc đầy những tấm ván, rắc xuống chân cầu, rồi chạy đi tìm hai mẩu đá lửa. Sơn quẹt lửa châm vào một nùi cỏ khô đã bó chặt. Nằm bên kia con đường đất, Sơn quăng mạnh nùi cỏ khô vào. Thuốc súng gặp lửa nổ bùng, lóe sáng ngời. Sơn nhắm mắt lại, nghe những tiếng kỳ lạ như sấm chớp, như mưa rơi, như tiếng kêu than của chiều loạn lạc chưa quên… Khi những tiếng ấy không còn, Sơn mở mắt ra, nhìn qua chiếc cầu. Chiếc cầu đã cháy nám đen phân nửa, và quỵ xuống con rạch. Sơn thở phào, nhìn dòng nước vẫn lặng lờ xuôi chảy sau phút dao động, không biết lòng mình buồn hay vui.

Sơn thất thểu bước về. Đường đất mới hôm nào vui rộn tiếng chân, bây giờ như ôm chặt nỗi buồn. Làng xóm vắng ngắt không còn một ai. Ai sẽ trở về? Hay giặc sẽ tới? Đoàn người di chuyển bằng chân, khỏi lo bị rượt đuổi. Cây cầu đã gãy. Trên bến sông, thuyền cũng không còn một chiếc. Sơn mỉm cười một mình, nụ cười giống như cái khóc mếu. Từ phút này, Sơn vừa là kẻ chiến thắng, vừa là kẻ bại trận, vừa là một kẻ cô đơn.

Sơn bước vào nhà, càng mủi lòng thêm khi nhìn thấy khung cửi của mẹ. Trong buồng, Thảo Giang vẫn ngủ thiêm thiếp. Sơn ngồi bệt xuống đất, rút cái dùi và ống sáo trúc ra. Tẩn mẩn, Sơn đặt hai vật đó cạnh nhau. Ống sáo dài hơn cái dùi một khúc. Nghĩ đến bài sáo chiều nào xa lắc nghe Đại thổi buồn não ruột, Sơn ngậm ngùi thương cho mình đang ở lại một khung cảnh quạnh hiu. Cái dùi! Chí vẫy vùng - Ống sáo! Đời ủy mị. Sơn cúi xuống ôm đầu, nghe trí óc rỗng tuếch.

− Anh Sơn!

Tiếng Thảo Giang yếu ớt, loãng như nước. Sơn chưa ngẩng lên, Thảo Giang gọi nữa:

− Anh Sơn! Anh khóc đó phải không?

Sơn nhìn gương mặt Thảo Giang bằng đôi mắt khô, lắc đầu:

− Anh đâu có khóc.

− Họ đi rồi phải không?

Sơn gật đầu:

− Ừ, họ đi rồi… Thảo Giang ngủ đi!

Cô bé giương đôi mắt đỏ hoe:

− Sao anh Sơn không đi theo họ?

− Anh đi theo họ, bỏ Thảo Giang ở lại sao?

Thảo Giang nhắm mắt lại, lẩm bẩm:

− Hai đứa mình đâu phải là anh em thật.

Sơn đưa tay sờ lên trán Thảo Giang nóng hực, nói nhỏ:

− Nhưng anh thương Thảo Giang hơn cả tình anh em.

Đôi mắt mở ra, long lanh giọt lệ. Màu mắt đã thành màu chiều tắt nắng.

− Anh Sơn lại ngắm cái dùi, phải không?

− Ừ, anh đang suy nghĩ làm sao để giấu cái dùi này, rủi giặc đến chúng vẫn không biết được là mình thủ khí giới.

− Dễ quá! Cái ống tre kia, anh bỏ cái dùi vào.

Sơn cầm ống sáo trúc lên, gật gù. Rồi Sơn nhét cái dùi vào ống sáo. Thảo Giang rút trong lưng ra một chiếc khăn xanh, nói:

− Cái khăn này, từ ngày để chế bác Đồ, Giang không quàng cổ nữa. Anh cột vào đầu dùi đi!

Sơn xé nửa chiếc khăn theo chiều dọc, rồi cột một đầu dùi thật chặt. Sơn cho đầu nhọn vào ống sáo, thắt nốt sợi vải xanh bên ngoài ống sáo thành một cái nơ. Thảo Giang ngắm nghía, gượng cười:

− Đố ai mà biết trong ống trúc có một vật rất bén. Anh Sơn giắt vào lưng đi!

Sơn làm theo như vậy, rồi đứng thẳng người lên, hỏi:

− Anh có giống người thổi sáo không?

− Người thổi sáo nào?

− Trương Chi.

− Không. Anh cao lớn, vạm vỡ… Anh oai như một nghĩa quân.

Sơn thích thú:

− Anh có giống ông Trương Công Định không?

− Hơn thế nữa.

Thảo Giang cười mệt nhọc, gương mặt đỏ hồng như người đang ở trong bếp. Sơn lo lắng:

− Thảo Giang mệt lắm. phải không?

Cô bé lắc đầu;

− Giang không cảm thấy gì hết. Mới rồi, Giang lại thấy mẹ Giang về đứng ở đầu giường.

− Thảo Giang đã mê sảng rồi!

− Mẹ Giang khóc, đòi đem Giang đi theo. Mẹ chết ghê khiếp quá! Anh Sơn ơi! Giang muốn đi qua cầu, vào vườn Bá Huê, qua đồng phèn thiếu nước.

Sơn quỳ xuống, nói:

− Thảo Giang! Em có tỉnh không?

− Làng nhỏ này sẽ tiêu tan… Con rạch chưa có tên. Chưa ai đặt tên cho nó, thì mình đặt tên vậy. Giống như sông Vàm Cỏ… Thảo Giang!

Sơn không biết phải làm gì, tưởng như mình cũng lênh đênh trong cơn khủng hoảng của Thảo Giang. Đôi mắt cô bé lờ đờ mất thần. Sơn biết gọi ai, nhờ ai? Sơn chạy ra nhà ngoài. Ánh nắng buổi sáng chiếu vào cửa, in một mình chiếc bóng khung cửi cô độc. Sơn đã thành kẻ tuyệt vọng. Sơn muốn gọi một ai đó. Sơn muốn làng thôn có kẻ trở về… Một cái bóng in trên nền đất. Có phải mẹ đã trở lại không? Có phải anh Chương không? Sơn ngước lên, mở to đôi mắt. Bộ quân phục quen quen hôm qua Sơn đã thấy trên đường làng. Cái bóng người to lớn. Gương mặt trắng đỏ và đôi mắt xanh lơ làm Sơn đứng sựng, chết điếng…


VIII

Có thật chúng mày ở đây một mình không?

− Nếu các ông không tin, các ông cứ lục soát. Cha mẹ chúng tôi đã chết. Chúng tôi mồ côi.

Tên lính người Việt quay lại nói với bọn người đàng sau một tràng tiếng Pháp. Gã chỉ huy gật đầu. Tên người Việt duy nhất lại hỏi:

− Sao chúng mày không chạy đi?

Sơn lắc đầu:

− Đêm hôm qua, cầu bị quân Pháp phá sập, chúng tôi hết đường chạy. Chúng tôi cũng không biết phải chạy đi đâu.

Gã người Việt đến gần Sơn, vuốt ve:

− Em có thấy nghĩa quân chạy đường nào không?

Sơn ngơ ngác:

− Nghĩa quân … là ai?

− Là mấy thằng mặc áo đen, chống lại quân Pháp và chống lại vua đó!

Sơn lắc đầu khờ khạo:

− Tôi không biết.

Gã người Việt xô Sơn xuống ghế, gằn giọng:

− Không biết. Vậy lúc đánh nhau, chú mày làm gì?

Sơn chỉ tay vào buồng, nói:

− Em gái của tôi bệnh cả tuần nay, tôi mải lo nấu thuốc cho nó.

Gã nọ chỉ tay vào khung cửi, hỏi:

− Cái này của ai?

− Dạ của em tôi. Nó dệt vải…

Gã người Việt quay lại dịch những lời của Sơn cho bọn lính Pháp. Họ gật gù với nhau, ra vẻ tin lời Sơn. Sơn ngồi im, cố gắng tạo nét mặt đần độn. Một tên lính Pháp đến lục soát khắp người Sơn. Hắn cầm ống sáo trúc có cột dây nơ xanh lên, cười khẩy rồi trả lại Sơn. Không có một cái gì khả nghi ở đây. Ngôi làng nhỏ chỉ còn hai đứa bé. Bọn họ từ từ tản mát ra, ngồi nghỉ. Sơn được tự do vào buồng thăm Thảo Giang. Thảo Giang đã thức dậy và ngơ ngác nhìn những bóng người đồ sộ đi qua đi lại trong nhà. Sơn cúi xuống, nói khẽ:

− Lính Pháp đó! Đừng nói nhảm nữa nghen!

Thảo Giang kinh ngạc, lắp bắp:

− Ai? Lính Pháp à? Chúng đã giết mẹ tôi.

Sơn bụm miệng Thảo Giang lại:

− Ngủ đi, Thảo Giang! Đừng để chúng nghi ngờ. Ta vẫn là anh em nhé!

Rồi đắp chăn lên tận ngực Thảo Giang, Sơn đi ra, nói với gã người Việt:

− Bếp ở phía sau, mấy ông cứ tự tiện nấu ăn.

Gã nọ nói líu lo với mấy tên lính da trắng. Bọn họ soạn đồ đạc ra, và theo Sơn đi vào bếp. Sơn chỉ cho họ đống rơm, ra dấu cho họ biết cách đun bếp. Khi rơm đã cháy lớn, khói bốc lên làm ai cũng ràn rụa nước mắt, Sơn đứng im trên nền đất, tay mân mê ống sáo trúc. Sơn thật sự là kẻ bại trận rồi! Khí giới trong tay nhưng chẳng làm gì được. Anh Chương, anh Nam ơi! Anh Biên, anh Phô ơi! Nếu không vướng bận Thảo Giang, Sơn đã theo các anh đi đến tận đâu rồi! Bọn người này sẽ ở lại đây bao lâu? Những ngày sắp tới sẽ nặng nề biết bao!

Sơn trót đóng vai ngu muội, đành ở trong nhà bếp giúp lính nấu bữa cơm trưa. Loay hoay mãi, bữa cơm cũng xong. Một tên lính ở lại canh nồi cơm, còn mấy tên kia kéo ra vườn hái hết cây trái. Sơn thản nhiên làm dấu hiệu để nói chuyện với tên lính Pháp. Lúc Sơn cởi áo ra để lau mồ hôi trên mình, bất chợt một mảnh giấy trong thắt lưng rơi xuống. Sơn giật mình. Đó là tấm bản đồ người nghĩa quân đã cho. Sơn lẹ làng đưa chân hất mảnh giấy vào đống rơm, rồi cúi xuống lượm bó rơm đó đun vào bếp lửa sắp tàn.

Tên lính Pháp đưa tay toan ngăn lại, nhưng không kịp. Lửa đã bén vào rơm, vào mảnh giấy, cháy bùng lên rồi tắt thật mau. Tất cả đã thành tro. Sơn nghe tim đập mạnh. Và khi nhìn sang, thấy đôi mắt của tên lính Pháp xanh rực như hai hòn bi.

Gã chỉ huy được báo cáo tin ấy. Tin được chuyển xuống tên người Việt. Hắn gọi Sơn vào ngay, chất vấn:

− Chú mày đốt miếng giấy gì đó?

Sơn chối:

− Miếng giấy nào? Tôi có biết gì đâu!

Tên lính Pháp líu lo với gã người Việt. Gã này nổi nóng nắm chặt cánh tay Sơn, quát:

− Ranh con, nói thật đi! Mày có bản đồ phải không?

− Bản đồ là gì?

− Giả dại với tao không được đâu. Mày là do thám của tụi nghĩa quân phải không?

− Không! Không! Tôi có biết gì đâu!... Tôi là dân làng này, sống với em gái tôi. Tôi không biết nghĩa quân, không biết bản đồ là cái gì hết.

Có tiếng xôn xao trước cửa. Một người Việt khác xuất hiện, mặc quân phục giống như lính Tây. Gã bên trong lên tiếng:

− Vô trong này, anh Hộ! Có chuyện nhờ anh rồi.

Sơn sững người nhìn kẻ mới bước vào. Đúng là tên Hộ, tên lính “mã tà” của giặc. Hộ oang oang giọng:

− Chuyện gì? Chuyện gì? Nghĩa quân hả?

− Anh nhìn giùm tôi tên này, có đúng là dân làng này không?

Hộ nhìn mặt Sơn, hơi ngờ ngợ, rồi gật đầu. Tên kia hơi dịu giọng:

− Nó ở nhà này một mình với em gái. Nhưng tôi nghi nó là tay trong của tụi nghĩa quân. Mới hồi nãy nó liệng một tấm bản đồ vào lửa để phi tang.

Hộ cười hề hề:

− Có em gái nó à? Em gái đâu?

Hộ bước vào buồng, và gặp ngay Thảo Giang. Hắn lùi lại, rồi quay ra chỉ vào mặt Sơn:

− Nó nói láo! Không phải em gái nó đâu! Cô nhỏ này là Thảo Giang, là…

Sơn la lên:

− Nó là em tôi mà!

Hộ gằn giọng:

− Tao nhận ra mày rồi! Mày là cái thằng nhãi đã đánh tao trong vườn, rồi bỏ chạy, lặn xuống nước. Tao thù mày từ đó tới nay. Mày là cái gì của Thảo Giang?

Sơn cúi gầm mặt, tức tối. Hộ cười khẩy:

− Không cần mày trả lời, tao cũng biết rồi. Tao thương Thảo Giang, nhưng cha nó theo nghĩa quân. Cả mày nữa, để mày sống mày cũng theo tụi nó nốt.

Gã kia ngăn lại:

− Khoan! Đừng nóng, anh Hộ. Nếu nó là người của nghĩa quân, chúng ta phải khai thác nó để biết bọn kia chạy đi đâu, làm cái gì?

− Tôi muốn giết nó.

− Thù riêng của anh sẽ tính sau. Bây giờ tôi muốn biết có cái gì trong tấm bản đồ của nó.

Sơn lắc đầu:

− Tôi đã nói không có bản đồ gì hết.

Gã nọ cười nham hiểm:

− Có hay không, đánh cho đau rồi mày sẽ khai.

Những cái đá liên tiếp quật Sơn ngã xuống nền nhà. Sơn choáng váng. Gót giầy cứng của tên Hộ giáng lên đầu Sơn những cú đau điếng. Sơn cắn răng chịu trận. Con hổ đã sa lưới, cựa quậy càng thêm đau. Sơn nhắm mắt lại. Trong trận vũ bão đổ lên mình, Sơn tưởng tượng có đoàn nghĩa quân chạy qua làng. Họ đứng lại trước cửa, và xông vào giải cứu Sơn bằng những giáo mác của họ. Nước non thênh thang, mịt mù quá! Họ đã qua rồi, không trở lại đâu! Sơn mím chặt đôi môi, tự nhủ mình sẽ không tiết lộ điều gì hết. Đã không theo chân được đoàn nghĩa quân, thì cũng không bắc cầu cho giặc qua sông đuổi họ. Sau một cái đá làm tối tăm mặt mày, Sơn nghe tiếng Thảo Giang rú lên trong buồng:

− Làm gì vậy? Ai đã giết mẹ tôi? Cho tôi theo với, gặp cha tôi với! Mấy anh nghĩa quân ơi!...

Tiếng kêu mịt mờ, xa xăm, nhưng đã làm cho trận vũ bão dừng lại. Gã người Việt nhìn vào buồng, thắc mắc:

− Con bé nói cái gì?

Hộ sáng đôi mắt lên:

− Nó nói mẹ nó chết, cha nó theo nghĩa quân. Anh Tư, chắc nó biết đường đi của nghĩa quân.

Gã tên Tư, quay lại thông dịch với đám lính Pháp. Họ trao đổi với nhau những câu líu lo. Sơn nằm gục dưới đất, đầu vẫn còn tỉnh táo nhưng linh cảm cho thấy con đường đang đi đã tới một ngõ cụt.

Sau một câu nói dõng dạc của gã chỉ huy, tên Tư bảo tên Hộ:

− Ổng ra lệnh đem con bé Giang ra tra hỏi.

Sơn giật mình nhìn lên. Trong đôi mắt hoa mờ vì mấy cú đá, Sơn thấy tên Hộ lôi Thảo Giang từ trong buồng ra.

Thảo Giang bị đặt ngồi trên ghế. Tên Tư ngon ngọt hỏi:

− Nè, cô bé, biết nghĩa quân đi trốn bằng ngõ nào không? Nói đi, tôi thưởng cho!

Thảo Giang mở to đôi mắt lên, nói xa xăm:

− Cái gì? Ai hỏi gì vậy? Mệt quá!

Tên Tư cúi xuống gần:

− Nghĩa quân đi đường nào? Nói đi!

− Hở? Nghĩa quân gì?

− Cha của cô đó!

− Cha tôi hả? Cha đi xuồng ra biển đông, đem súng về giết mẹ… Mẹ chết, máu trong đầu chảy ra. Anh Sơn ơi! Sợ quá!...

Hộ nhăn mặt:

− Nó điên chắc?

Tên Tư giơ tay tát mạnh Thảo Giang. Chiếc thân yếu ớt ngã xuống.

Sơn kêu lên:

− Em tôi bệnh, nó nói sảng. Các ông đừng làm nó sợ.

Hộ nói:

− Con bé nóng lắm, anh Tư!

− Nhưng ít ra nó cũng còn trí óc để khai sự thật. Tôi có cách bắt tụi nó phải khai. Anh Hộ, anh biết tụi nó không phải anh em ruột?

− Con bé Giang không có anh em gì hết. Còn thằng nhãi này là người yêu của nó.

Tên Tư gật đầu, rồi quay qua nói một tràng với đám lính phía sau. Hai tên lính to lớn tiến đến, lôi Sơn ra đường. Tên Tư và tên Hộ xốc Thảo Giang dậy, đi theo.

Dưới ánh nắng chói rực của buổi trưa, Sơn bị trói gọn bỏ nằm trên đường đất. Thảo Giang bị bắt ngồi dưới một gốc cây. Gã chỉ huy người Pháp cho Thảo Giang uống một viên thuốc giải nhiệt, rồi ngồi ở đó, ra lệnh cho Tư và Hộ đánh đập Sơn. Thảo Giang kinh hoàng nhắm mắt lại, rên rỉ:

− Sao đánh anh tôi? Ác độc quá!...

Hộ nói:

− Thì Thảo Giang nói đi, nghĩa quân đi ngõ nào? Có bao nhiêu đứa? Chúng nó sẽ về đâu?

Thảo Giang ứa nước mắt:

− Tôi là dân quê dốt nát, làm sao biết được chuyện ấy?

− Đừng có cứng đầu nghen cô bé! Nói đi, rồi ta cho thằng Sơn được yên thân.

Sau tiếng rú thảm thiết của Sơn. Thảo Giang bật khóc:

− Trời ơi! Đừng đánh nữa! Nghĩa quân đi theo… ngả…

Tiếng nói yếu ớt im bặt. Tên Hộ trố mắt nhìn, rồi nói:

− Nó ngất xỉu rồi!

Ở đàng kia, Sơn cũng rũ mềm người.

________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG IX, X