Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

CHƯƠNG V, VI_BÊN VỈA HÈ


CHƯƠNG V


Thằng Nô dẫn Rớt đi xin việc làm. Bất cứ nhà nào nó cũng vào xin đại. Nhưng không ai có công việc gì để cho Rớt làm. Buổi chiều, thằng Nô ngồi đọc báo, nó chú ý vào mục rao vặt: Người ta cần một đứa nhỏ để dọn dẹp nhà cửa. Nô mừng quýnh chạy về nhà bác Hai nói cho con Rớt hay.
Buổi sáng nó dẫn con Rớt đến ngôi nhà đó thật sớm, sợ có ai đọc được rồi đến xin thì con Rớt "lúa" luôn.
Ngôi biệt thự sang trọng, có vòng rào bên ngoài kín cửa. Bên trong chung quanh được trồng cỏ xanh mướt đều như thảm nhung. Những viên sỏi trắng lót lối đi mát trần trụi trông thật dễ thương. Rớt khoái những viên sỏi đó, cầm trên tay gõ vào nhau lách tách nghe vui tai.
Nô thấy cửa trong nhà mở, một người đàn bà đi ra, tay xách cái giỏ trống trơn, có lẽ chị bếp ở cho nhà nầy. Chị đàn bà ra mở cổng rào. Nô bước tới :
- Thưa chị, ở đây cần người làm ?
- Chớ bộ hai em xin làm hả ?
- Dạ phải !
- Ông chủ chỉ cần một em nhỏ thôi.
Nô đâu cần làm, nó chỉ đưa con Rớt đến đây xin làm. Con nhỏ gì nhát như cáy, đi đâu cũng chẳng dám hở miệng. Cứ ngậm kín miệng như vậy thì làm sao mà xin cho được. Nô chỉ con Rớt :
- Tui xin cho con nhỏ nầy.
Chị bếp nhìn Rớt một chút nói :
- Giờ nầy ông chủ chưa dậy, đợi một chút anh làm vườn ra mở cửa rồi hỏi xem sao.
Nói xong chị bếp bước đi. Nô yên chí thế nào con Rớt cũng xin làm được. Công việc quét dọn thật dễ ợt chớ có gì mà làm hổng được. Nếu Rớt xin làm được, chiều chiều trước khi đi bán báo, Nô sẽ ghé ngang đây đợi con Rớt về, hai đứa đi ăn cơm thật ngon với hột vịt kho thịt mỡ béo ngậy. Nghĩ đến, Nô thấy vui vui.
Đợi mãi đến lúc nắng lên, hai đứa mới vào được trong biệt thự gặp ông chủ. Ông Hoàng-Long nhìn hai đứa nó, không nói gì, nhưng gương mặt của ông làm Rớt thấy ngán ngán làm sao. Mái tóc bạc lấm tấm và chiếc kính gọng vàng trên sóng mũi càng tăng thêm cái oai nơi ông.
Vừa thấy ông ta, Nô đã nói việc con Rớt xin làm. Nô khôn lanh, nó tạo trên khuôn mặt thật buồn. Phịa ra một vài chuyện thật cảm động về hai anh em nó. Không còn một người thân thích, Nô phải bán báo nuôi em, nhưng hai đứa sống không đủ. Bây giờ ông chủ nhận Rớt vào làm mỗi tháng bao nhiêu tùy lòng tốt của ông chủ.
Không hiểu có phải ông chủ cảm động vì những lời nói của Nô không mà ông bằng lòng ngay. Nhìn Rớt đứng nín khe, nhìn xuống nền gạch bông, giọng ông thật ôn tồn :
- Chút nữa chị bếp về, chị ấy sẽ chỉ cho cháu việc làm. Và khi nào cô Hai, cô Ba có sai biểu gì thì ráng giúp chút đỉnh, còn bằng không cháu cứ việc chơi.
Rớt lí nhí trong miệng “dạ”, nó nghĩ thầm trong bụng : Ông chủ coi có vẻ nghiêm khắc vậy chứ không khó một tí nào hết.
Gọi Rớt cám ơn ông chủ, Nô cùng bước ra ngoài, nó vui sướng nói :
- Thôi mầy ở đây làm nghe Rớt ! Tao về.
Nô bước đi, Rớt đứng lên thềm nhà nhìn theo chiếc bóng nhỏ của nó lầm lũi sau cửa sắt. Rớt lại thấy buồn ! Nó bước vô bên trong đợi chị bếp về.

*
Công việc của Rớt không lấy gì làm nặng nhọc. Buổi sáng Rớt đến thật sớm dọn dẹp phòng khách của ông chủ và phòng học của hai đứa con cưng ông ta. Xong rồi lấy cây chổi lau nhà, nhúng nước lau đi lau lại sạch sẽ. Còn mấy phòng khác miễn quét sạch thì thôi, khi nào dơ quá mới lau. Đôi khi cả tuần mới làm một lần.
Xong xuôi nó chơi quanh quẩn đâu đó đợi mấy người nhà sai vặt. Công việc nầy thật mệt nhọc, nhất là chị bếp cứ réo đến Rớt hoài. Có vài việc Rớt biết không phải là việc của nó như rửa chén hoặc ngồi canh giùm những món ăn khỏi khê để chị bếp đứng nói chuyện với chú làm vườn, kiêm luôn cả bác tài xế.
Rớt không lấy thế làm bực dọc, vẫn sẵn sàng làm những việc gì nếu chị bếp cần đến. Hai cô con gái của ông chủ, cô lớn tên Oanh, cô em tên Thúy, đi học có xe nhà đưa rước. Những người làm ở đây thấy mặt là gọi cô Hai, cô Ba răm rắp.
Oanh giống ba, hiền ít nói. Đi học về là cứ quanh quẩn trong nhà đọc sách hoặc đánh đàn. Những công việc chung quanh Oanh tự làm lấy, ít khi sai biểu đến Rớt, trừ những trường hợp mua gì bên ngoài, cô mới nhờ vả đến Rớt. Mỗi khi làm xong tiếng cô thật nhỏ nhẹ, như cái dáng người mảnh khảnh :
- Cám ơn em nha.
Cô thứ ba không giống chị một chút xíu nào hết, ong óng sai biểu Rớt tối ngày. Mỗi lần nghe cô gọi là Rớt quýnh quáng lên, chạy cho kịp theo tiếng gọi vừa dứt. Phải làm cho lẹ cái công việc của cô ta sai biểu. Rớt thường nghe cô ta lầm bầm:
- Không biết ba ổng mướn làm gì cái con mọi da đen đó nữa ? Mai mốt nói ba đăng báo kiếm con nhỏ khác cho rồi !
Thường như vậy Rớt tránh xa, không dám lảng vảng trước mắt Thúy, mặc dù cô ta không lớn hơn nó là bao. Rớt cứ nơm nớp lo sợ rủi nó làm cho Thúy tức bực, ông chủ biết được đuổi nó không cho làm nữa, khi đó làm sao Rớt tránh khỏi đói.
Buổi trưa Rớt ở lại ăn cơm chủ và được chị bếp trải cho chiếc chiếu nhỏ trong phòng ăn để nghỉ trưa. Nhưng Rớt không bao giờ ngủ trưa, nó đã quen từ hồi còn trong cô nhi viện. Những trưa như vậy, trong khi trong nhà mọi người nghỉ ngơi, Rớt không biết làm gì, nó ra ngồi dưới bóng mát của những tàn cây vú sữa, lượm những viên sỏi tròn muốt lạnh trên đường đi, xếp lại thành những hình trong trí Rớt tưởng tượng. Rớt thấy mình sung sướng vô hạn ! Không ngờ ra khỏi cô nhi viện số mệnh dun ruổi nó vào được chỗ nầy, hết sợ đói khát.
Hồi nó chưa đi, con nhỏ Mi lo sợ ra ngoài rồi làm gì được với cái số tuổi nhỏ nhoi của tụi nó. Bây giờ ở cô nhi viện làm sao con nhỏ Mi biết được ! Nghĩ đến bà giám thị già với những hình phạt hà khắc, Rớt thương nhỏ Mi, lo ngọn roi của bà giám thị sẽ quất xuống thân hình nhỏ nhoi của nó để thay thế cho Rớt.
Dựa lưng vào cây vú sữa, nhìn lên trời mây trong, Rớt cười một mình. Nếu như nó được một phép mầu nào đó trong những chuyện thần thoại mà mấy cô giáo thường kể cho bọn nó nghe những giờ rỗi rảnh, Rớt sẽ hô một tiếng cho con Mi được gần bên nó. Hai đứa chia chung những viên sỏi nhỏ, chơi búng ăn sỏi như kiểu búng hột điệp hoặc hột me. Ngày trước, Rớt thường đi lượm những trái điệp già quanh cô nhi viện đập ra lấy hột cứng đen để dành chơi búng, nhưng chả con nhỏ nào thèm chơi với Rớt. Chơi với con Mi hoài, hai đứa ăn lẫn nhau không thích thú bằng ăn của mấy con nhỏ khác.
Tiếng kèn xe ông chủ bóp tin tin ngoài cửa, làm cắt đoạn những niềm vui một mình của Rớt. Chị bếp sau nhà hối hả chạy ra mở cổng, chiếc xe tiến vào rào trên sân sỏi.
Xe vào xong xuôi, chị bếp gài cửa cổng lại cẩn thận trở vào. Đi ngang Rớt, chị dừng lại thấy nó đang chơi với mấy viên sỏi.
- Trưa mầy không ngủ cho khỏe, ngồi không làm gì vậy Rớt ?
Rớt ngẩn lên cười :
- Tui hổng quen ngủ trưa.
- Mầy ngu thiệt mà ! Trưa người ta muốn nghỉ thấy bà hỏng được, trong khi mầy không có việc gì làm hết mà ngồi ì ra đó chơi với ba cục sỏi. Tao mà được như mầy, nghỉ cho khỏe cái thân.
Thấy Rớt buổi trưa không ngủ, chị bếp lại nghĩ ra một việc để nhờ nó. Chị tiếp:
- Nè Rớt !
- Gì đó chị?
- Trưa mầy không ngủ tao nhờ mầy mở đóng cổng lại giùm mỗi khi ông chủ về được hôn ? Cuối tháng tao cho mầy chút đỉnh tiêu vặt.
Chị bếp nói ngọt và mát như Rớt đang ngồi dưới tàn cây vú sữa. Cái gì cũng nhờ Rớt, câu cuối cùng của chị bao giờ cũng một điều hẹn gạt con nít. Biết là chị bếp hứa hão, nhưng Rớt vẫn gật đầu nói:
- Ừ, chị để tui làm cho. Buổi trưa chị cứ ngủ đến giờ làm, khỏi phải đợi ông chủ về mở cổng.
Rớt dư biết chị bếp buổi trưa không ngủ. Chị nằm đọc mấy quyển tiểu thuyết mỏng mỏng, bìa vẽ toàn là những cô gái đẹp, hay được bày bán cả đống ngoài đường mà Rớt vẫn thưng gặp.
Rớt lại thêm một công việc nhỏ nhặt nữa, là buổi trưa đợi ông chủ về ra mở cổng, vì chị bếp ham đọc tiểu thuyết. Nếu như chị bếp ham đủ thứ như ca vọng cổ, hát tân nhạc… chắc công việc đến với Rớt phủ đầu làm không xuể.
Chị bếp bỏ đi, Rớt mỉm cười một mình. Nó làm đây chưa đầy một tháng, mà chuyện gì chị bếp thấy làm được là nhờ đến ngay. Nếu như Rớt không nhận lời, chắc chị bếp không ưa, thế nào cũng kiếm cách xiên xỏ nó. Biết Rớt làm đây có yên được không? Thôi việc gì chị ấy nhờ thì làm đại vậy hổng mất mát đi đâu.
Oanh từ trong nhà bước ra đứng trên bậc thềm nhìn phía Rớt vẫy vẫy.
Nghe gọi, Rớt vội vàng đứng lên đi tới, thấy Oanh trong bộ đồ mặc màu xanh thật mềm, mái tóc không thả dài gợn sóng như mỗi khi đi học, mà cột lại thành hai cái nơ cùng màu áo. Gương mặt đẹp với cái cười thật hiền để lộ hàm răng trắng đều.
- Buổi trưa sao em không về nhà ngủ, ngồi chi ngoài đó buồn vậy ?
Rớt e dè :
- Thưa cô, em ngồi chơi với những hột sỏi nhỏ.
Oanh thấy con nhỏ ngây ngô thật dễ thương, ít khi Oanh nghe Rớt nói, hôm nay thấy con nhỏ ngộ nghĩnh vui vui. Oanh nắm lấy tay Rớt :
- Ngồi xuống đây chơi với chị.
Tiếng Oanh thật ngọt, thật dịu dàng như buổi trưa đang khát nước mà uống được một ly đá lạnh mát rượi. Rớt ngồi xuống thềm nhà, Oanh cũng ngồi kế bên nó.
Cô Oanh, con ông chủ không kinh tởm nó như bao nhiêu người khác sao ? Người ta thấy nó đã muốn quay mặt đi đừng nói chi đến gần. Rớt ngồi im nhận niềm vui sướng đó. Nó nghĩ lan man về một người mẹ. Những lần ngủ nó cầu nguyện được thấy mẹ trong giấc mơ. Hình ảnh của bà chắc đẹp và hiền như cô Oanh, tiếng nói làm cho người nghe mát lòng.
Nghĩ như thế, Rớt nhìn cô Oanh trân trân. Cô Oanh không hiểu gì phì cười:
- Sao em nhìn chị dữ vậy ?
Rớt thấy không còn e dè như lúc đầu nữa, nó nói thật tự nhiên :
- Em thương giọng nói của chị. Từ khi có trí khôn đến giờ, có lẽ em mới nghe được lần đầu.
Con bé chắc hẳn bị nhiều người hất hủi lắm. Oanh nghĩ như thế nên muốn hiểu thêm về Rớt, Oanh hỏi :
- Hiện giờ em ở với ai ?
Rớt buồn buồn, được dịp để mà kể hết những gì ấm ức tủi thân. Nó không quên kể về bà giám thị, về những người thương nó như con Mi, thằng Nô. Mặc dù câu chuyện Rớt kể không đầu không đuôi, nhưng cũng đủ làm cho Oanh buồn và muốn khóc dùm cho Rớt. Từ lâu Oanh vẫn tưởng một mình hai chị em Oanh là nhận chịu sự vô phước mất tình thương của mẹ thôi. Oanh có sự suy nghĩ một người lớn, biết cái chết là đã chấm dứt đời người; thương nhớ cho mấy cũng không đem lại đời sống cho kẻ đã nằm yên dưới đất, nên Oanh cứ âm thầm mang lấy nỗi buồn đó canh cánh bên mình. Bây giờ thấy Rớt hãy còn nhỏ mà khổ quá, Oanh nhận thấy mình còn được diễm phúc hơn nhiều ! Còn người cha nghiêm khắc, nhưng rất mực thương con. Ông chịu sống quạnh quẽ để lo cho hai đứa con gái khôn lớn còn có sự đầy đủ của vật chất xung quanh, bước ra đường, có xe đưa đón. Tóm lại, Oanh vô phước mất mẹ, nhưng Oanh không thiếu một điều gì hết. Rớt không có được một tí gì hết. Khoảng đời của nó toàn những đắng cay !

Oanh buồn bã nói :
- Chị cũng mất mẹ như em vậy, nhưng còn sướng hơn em nhiều !
Rớt thủng thẳng :
- Hèn chi từ hồi em làm đây giờ hổng thấy bà chủ.
Nhìn Oanh đẹp hiền, Rớt nghĩ chắc bà chủ cũng giống Oanh. Nếu như bà còn sống, chị em Oanh còn sướng hơn nữa. Người ta sanh ra đều có số. Số phận Rớt một đứa con lai bị quăng ra đường lộ, nhờ lòng bác ái của người đời nuôi sống. Lòng bác ái của người đời không bằng con kiến hôi nên Rớt mãi lận đận, vất va vất vưởng.
Thằng Nô cũng vất vưởng như nó, chúng chỉ nương tựa vào nhau bằng những nỗi buồn, bằng những giọt nước mắt. Thằng Nô còn hy vọng một ngày nào đó gặp lại má nó. Nó còn hình ảnh thương yêu, sớm muộn gì nó cũng gặp. Người ta bảo má nó đi lấy Mỹ không còn nghĩ đến nó nữa. Rớt không tin điều nầy. Người mẹ nào không thương con. Người ta xấu mồm xấu miệng nên nói vậy.
Rớt không bao giờ gặp lại mẹ nó trong trí nhớ nhỏ nhoi, cũng không một hình ảnh nào hết, dù là những hình ảnh nhỏ nhặt qua những giấc mơ thèm khát. Mẹ ơi ! Tiếng gọi đi vào những khoảng trống không, tiếng gọi không một ai thèm nghe, thèm biết đến.
Một lần, Rớt theo Nô bán báo trên con đường Tự do. Con đường nầy người ta vui chơi đông. Hai bên đường là những dãy nhà sang trọng, gắn đầy những ống đèn màu nhấp nhánh trông đẹp mắt. Trên con đường nầy, người ngoại quốc đi đông, họ cặp với những người đàn bà son phấn vào những quán rượu sang trọng, những nhà hàng lộng lẫy. Rớt để ý thấy thằng Nô cứ nhìn đăm đăm vào những người đàn bà đó. Có lẽ trong cái nhìn thật nhiều hy vọng bắt gặp má nó, Rớt hỏi :
- Nô à ! Chứ bộ mầy tìm xem có má mầy không hả !
- Người ta nói má tao lấy Mỹ, mà chỗ nầy người ta thường lui tới đông, nhìn là nhìn vậy, chứ tao không tin má tao như những điều người ta nói.
Giọng nó buồn xuống đến muốn khóc :
- Nhưng nhớ quá ! Tao cứ nhìn may ra có gặp bả chăng ?
Thằng Nô nhớ má nó như vậy đó. Cứ gọi mẹ ơi, mà không biết gọi cho ai nghe. Rớt quay mặt chỗ khác, không dám nhìn gương mặt của Nô.
- Thế nào ông trời cũng thương cho mầy gặp lại bả.
- Ông trời không thương những đứa như tụi mình đâu. Nếu như ổng thương thì ba tao đâu có chết, má tao đâu có bỏ đi luôn như vậy!
Nghe thằng Nô nói ông trời không thương hai đứa nó, Rớt dè dặt:
- Bậy nè ! Rồi một ngày nào đó ổng cũng ngó xuống tụi mình chứ!
Từ hôm đó, Nô thường bán báo về trễ, có lẽ nó tìm trong đám những người đàn bà cặp tay với mấy ông Mỹ xem có má nó không.
Tiếng Oanh nhỏ nhẹ bên Rớt:
- Em đang nghĩ gì vậy ?
Rớt mỉm cười:
- Em nhớ đến thằng Nô, nó giúp đỡ em thật nhiều những ngày ra khỏi cô nhi viện. Nó thường tìm má nó hoài, nhưng không gặp.
Rớt đang nói, bỗng ngưng lại. Nó nghe tiếng gọi của Thúy từ trong nhà vọng ra:
- Rớt ơi!
Rớt đứng lên chưa kịp bước đi, đã nghe tiếng Thúy càu nhàu:
- Làm ăn gì bỏ đi chơi không hè.
Quýnh quáng Rớt chạy thật lẹ đến. Thúy vừa ngủ trưa dậy, muốn uống chút nước lọc cho mát. Kêu hai tiếng mới thấy Rớt vào, Thúy bực mình cú lên đầu Rớt một cái đau điếng.
- Điếc hả mậy ?
- Dạ em nghe nhưng mắc nói chuyện với cô hai.
Thúy nghiến răng hét:
- Lấy chai nước lọc đem lên đây.
Oanh ngoài nhà bước vào, thấy Thúy bực bội, mặt con nhỏ như cái bánh bao trông đến tức cười. Oanh hỏi:
- Làm gì mà em la dữ vậy?
- Sai nó đi lấy chai nước lọc cứ cù cà cù cưa hoài. Nghĩ tức hôn.
Giọng Oanh chậm rãi:
- Chuyện gì em cũng làm om sòm lên hết. Sai biểu gì cũng phải từ từ người ta mới làm được chứ. Mình phải biết tử tế người ta mới bằng lòng làm giúp cho mình. Cái kiểu của em chỉ làm người ta ghét thôi chứ chả ăn thua gì.
Thúy dậm chân bực tức:
- Với những con mọi đen phải như vậy mới được.
Thấy em khinh người quá, Oanh làm nghiêm dằn mạnh từng tiếng:
- Em không được tỏ ra khinh người vậy!
- Rồi chị làm gì?
- Em học thói mất dạy đó ở đâu vậy?
Vừa nói, Oanh vừa tát một cái thật mạnh vào mặt Thúy. Thúy không ngờ hưởng nguyên một bạt tai rát bỏng trên má, tức lắm không làm gì được, chỉ ngồi khóc rấm rức.
Thấy Thúy hỗn, tức dằn không được, Oanh mới tát em một cái thật mạnh. Bây giờ Thúy ngồi khóc lải nhải như thế, Oanh chịu cũng không nổi, muốn khóc theo.
Bước đến chỗ Thúy ngồi, Oanh nhỏ nhẹ :
- Chị hơi nóng, thôi em cho chị xin lỗi nhé!
Thúy không khóc nữa, nhưng vẫn còn giận Oanh, làm nũng không nói một câu gì quay mặt đi chỗ khác, Oanh cười cười làm vui:
- Lớn rồi chớ bộ còn bé tí sao mà mỗi chút làm mặt giận y như là không đòi được kẹo. Xấu hổ quá cô bé ạ!
Rớt từ nhà dưới đi lên cầm chai nước lạnh cóng trong tay. Nó lo sợ hai chị em chỉ vì mình mà gây nhau. Cô Thúy chắc hẳn sẽ ghét nó ghê lắm.
Lẳng lặng Rớt để chai nước trên bàn định bước đi. Thúy sau lưng nó réo:
- Ê con nhỏ kia!
Rớt quay lại để thấy khuôn mặt Thúy nghiêm trang có vẻ trịnh trọng. Hai giọt nước mắt còn đọng lóng lánh trên khuôn mặt xinh đẹp.
- Từ rày sắp đi, mầy đừng có léo hánh ở đây nữa nghe không, có làm trong nhà nầy, hễ thấy mặt tao phải tránh chỗ khác. Nếu cứ lảng vảng trước mặt tao, tao thấy gai mắt đuổi đi không cho làm nữa!
Nghe Thúy nói không cho làm nữa, Rớt sợ sệt ! Nó sẽ làm gì ăn khi không còn được làm ở chỗ nầy nữa? Nếu như làm chỗ khác, chắc gì được sung sướng như vậy. Ở đây tuy rằng Thúy ghét nó vì cái dáng xấu xí; nhưng bù lại trong nhà hầu hết ai cũng thương, không rầy mắng dù một tiếng nhẹ. Rớt không giấu nổi vẻ sợ sệt trên khuôn mặt :
- Dạ! Em nghe rồi !
Oanh nghe Thúy nói với Rớt như vậy, bất bình :
- Sao em lại nói chuyện kỳ cục quá vậy ?
Thúy tru tréo :
- Chị hở miệng ra là bênh người dưng thiên hạ, còn trong nhà thời chị cứ rầy em hoài.
Oanh nói như có vẻ phân trần :
- Nhà chỉ có hai chị em thôi ! Nếu như chị không bênh em thì bênh ai nữa. Nhưng ở đây, em chỉ toàn làm bậy không hà. Không có ai nhận mình làm quấy bao giờ ! Chị thương em, chị mới nói những điều phải quấy cho em tránh.
Hai chị em mi tranh nhau, Rớt thấy mình đứng đây chỉ làm cho Thúy giận thêm mà thôi. Nó lẳng lặng bước ra ngoài không gây một tiếng động nhỏ.



CHƯƠNG VI


Đã gần bốn giờ chiều. Bác Hai thấy Nô hãy còn mê ngủ trên cái thùng cây kê ở một góc quán phở. Thằng nầy hôm nay b nó không đi lấy báo bán sao cà. Đang treo mấy miếng thịt bò to lên cái móc sắt trước xe phở, bác gọi giật giọng :
- Nô à ! Ngủ gì như chết vậy mậy ?
Thằng Nô đang ngủ ngon, chỉ trở mình một chút, co rút người lại bắt đầu ngủ tiếp. Móc xong mấy miếng thịt, bác Hai đi lại gần chỗ nó, đưa chân đá nhẹ vào mông của nó :
- Tính hỏng đi bán sao mà ngủ hà rầm vậy mậy ?
Ngồi dậy, nhưng Nô chưa tỉnh hẳn :
- Mấy giờ rồi hả bác ?
- Gần tối rồi, hổng lo đi bán, ở đó mà hỏi ngày giờ. Bốn giờ hơn rồi đó !
Bác Hai thảy túi tiền mà Nô gởi :
- Đếm lại coi đủ hôn mậy ?
Nô cười hề hề, lắc nhẹ túi tiền. Những đồng cắc chạm nhau nghe lẻng kẻng vui tai.
- Hôm nay tui tính lấy báo nhiều để bán. Nhưng tui chỉ vỏn vẹn có mấy trăm, hổng đủ. Bác cho mượn thêm chút ít. Tối về tui trả lại. Thế nào hôm nay tui cũng bán đắt!
Đưa tiền cho Nô, bác Hai cười :
- Làm gì mầy đoán trước hay vậy, rủi mưa một cú lỗ vốn thấy mụ nội !
- Thôi tui đi bác.
Chưa dứt câu nói, Nô đã ra đến đường. Còn dư nhiều giờ để đến lấy báo. Nô đi chậm rãi như người nhàn hạ. Vừa đi, Nô vừa lẩm nhẩm tính tới số tiền tối nay, sơ sơ cũng được vài trăm bạc.
Với số tiền đó, nó sẽ dẫn con Rớt đi ăn một chầu mì thắn, uống sâm bổ lượng, ăn chè đậu xanh. Cho con Rớt thỏa thuê những gì mà nó thích.
Nó sẽ trích ra một số tiền mua cho Rớt một chiếc áo bông màu tím nhạt. Những bông tím nhỏ nhắn lít chít trông sao dễ thương lạ.
Một lần nó dẫn con Rớt đi ngang một chỗ bán quần áo con nít ở chợ cũ. Rớt mải mê đứng nhìn. Thằng Nô biết Rớt khoái lắm, khi thấy nó nhìn với bao vẻ thèm thuồng trên mặt, Nô muốn mua cho Rớt lắm, nhưng lần đó nó chả có một cắc nào trong túi.
Tối nay nó sẽ mua cho con Rớt chiếc áo bông tím đó. Được cái áo thật bất ngờ, chắc con Rớt sẽ vui không tả được ! Nghĩ đến đó, Nô cảm thấy vui như con Rớt đã có chiếc áo vậy.
Thấy hãy còn sớm chưa đến giờ lấy báo bán, Nô đi thẳng đến ngôi biệt thự chỗ con Rớt làm. Đợi con nhỏ ra về đi ăn luôn một thể, vừa ngon miệng lại đỡ bớt tiền.
Chưa bao giờ Nô dám đến gần ngôi biệt thự. Nó cảm thấy khó chịu khi phải đứng lấp ló bên ngoài như thằng ăn trộm. Nó dừng lại một khoảng xa dưới những tàn cây cao su. Mặc dù trời đã chiều, những ánh nắng vàng cháy vẫn còn trên những ngọn lá xám xịt hắt xuống đường như những hoa nắng.
Ngồi dưới tàn cây cao su, nó thả ý nghĩ tiếp tục về số tiền lời tối hôm nay nó bán được. Con Rớt thích cái áo bông tím, nó sẽ có cho con nhỏ nầy. Con nhỏ nầy cũng khoái đi xem ciné nữa. Những lần hai đứa nó đi ngang một rạp ciné chiếu toàn phim Ấn độ, con Rớt nhìn một tấm hình vẽ lớn bên ngoài hỏi nó :
- Công chúa đây phải hôn Nô ? Nghe nói đây là nàng công chúa lưu lạc sống cùng dân dã vì bọn loạn thần giết vua. Nàng chịu cực khổ sống rày đây mai đó, đợi một ngày kia, một hoàng tử lân bang đem quân đến giúp đưa nàng về kinh đô sống lại một đời sung sướng!
Nô thấy cô nào được vẽ hình thật đẹp bên ngoài là Rớt bảo công chúa, nó không biết nhưng cũng ừ đại để con Rớt khỏi hỏi tùm lum, nó không biết đâu mà trả lời.
Con Rớt hiền và dễ thương. Nô tưởng tượng con nhỏ như một nàng công chúa bị đày xuống trần gian đội lớp đen đúa, tóc quăn quíu, nhưng tâm hồn nó đẹp. Chỉ một mình Nô là biết tâm hồn con nhỏ là đẹp thôi, còn hầu hết không ai biết, nên cư xử tệ với nó.
Một ngày chúa nhật nào đó, nó sẽ dẫn con Rớt đi xem ciné để cho con Rớt được thấy nàng công chúa bị đày mà con nhỏ thường thắc mắc hỏi nó.
Từ xa Nô thấy con Rớt đi ra. Bao nhiêu mệt mỏi nãy giờ ngồi đợi đều tan biến đâu hết. Mọi hôm ra về, gương mặt con nhỏ vui lắm. Hôm nay không như thế, gương mặt buồn buồn, như có chuyện gì xảy ra cho nó.
Rớt vừa đến, Nô vồn vã :
- Hôm nay chắc mầy phải làm nhiều chuyện lắm hả ?
- Cũng như thường ngày thôi !
Câu nói của Rớt yếu xìu. Thằng Nô nghĩ chắc con nhỏ bị mấy người làm ở trong đó không ưa nên mắng mỏ gì đó. Nghĩ như thế, nó hỏi :
- Chứ bộ người ta chọc phá mầy hả ?
Rớt nghĩ đến cô Oanh và Thúy gây lộn với nhau vì nó. Rớt lo sợ sẽ không làm đây được lâu, dù trong nhà hầu như ai cũng tốt với nó. Ông Hoàng-Long, cô Oanh, chỉ trừ mỗi mình Thúy.
Rớt kể cho Nô nghe câu chuyện khi trưa, nó nói :
- Tao sợ không làm đây được lâu !
Nô đá một hòn đá trên đường. Nó bỗng thấy ghét những người có tiền. Ỷ có tiền muốn sai ai thì sai, muốn mắng mỏ ai thì mắng mỏ. Nhưng những đứa như nó, như con Rớt chỉ biết cắn răng mà chịu, chớ nào dám nói một điều gì. Chỉ biết kể cho nhau nghe để bớt những nỗi buồn mà những người khác không bao giờ thèm biết đến.
Nô nói giọng bực tức:
- Nếu không làm đây được, tao sẽ kiếm cho mầy một việc làm khác ! Muốn làm thời làm, muốn nghỉ thời nghỉ, chả ai dám rầy la mắng mỏ một cái gì hết. Nhưng cuối tháng lãnh tiền, mầy phải dành dụm một chút, đừng lo ăn uống, tao bán báo cũng vừa đủ cho hai đứa sống.
- Việc gì vậy ?
- Bán vé số.
Nghe thằng Nô nói, Rớt tưởng tượng bán vé số cũng như thằng Nô bán báo vậy. Khi nào dư dả, nó không thèm đi làm, ở nhà chơi. Hôm nào muốn kiếm thêm, thì bán sáng, bán tối. Nghĩ cũng sướng, không một ai rầy la nó hết. Và số tiền kiếm được cũng do làm biếng hoặc làm siêng mà thôi. Rớt sẽ bán thật nhiều, kiếm được nhiều tiền chắc cuộc sống nó cũng đỡ khổ.
- Ừ, tháng sau mầy chỉ tao làm cái nghề mầy nói nha Nô.
Buổi chiều hôm nay, hai đứa ăn cơm ngon hơn bao giờ hết ! Cũng một đĩa cá, một tô canh chứ không hơn gì mọi bữa, nhưng trong món ăn trộn lẫn những niềm vui mà Nô vừa cho con Rớt.
Trong niềm vui đó, nó muốn nói cho Rớt biết nó sẽ mua cho con nhỏ một chiếc áo bông tím, và một ngày chúa nhật nào đó, nó sẽ dẫn con Rớt đi xem xi-nê. Nhưng Nô cố dằn lại, vì nó muốn đem đến cho con Rớt nỗi vui sướng bất ngờ.
Ngồi một chút, con Rớt đứng lên:
- Thôi mầy đi bán, tao về.
Thằng Nô nhìn con Rớt, cười bật mí một chút:
- Tối nay mầy đợi tao, có chuyện vui lắm, thật bất ngờ !
- Chuyện gì vậy ?
- Bây giờ chưa thể nói được.
Rớt làm bộ mặt giận:
- Hổng nói thì thôi ! Tối nói cũng hổng ai thèm nghe đâu.
Mặc cho Rớt hỏi gì thì hỏi, Nô tỉnh bơ bỏ đi. Cho con nhỏ thắc mắc, giận dỗi. Tối nay hiểu chuyện, con nhỏ mới mừng.
Như mọi hôm, Nô lấy báo thả bộ vừa đi, vừa rao. Nó lanh lẹ hơn mấy đứa khác, nên bán rất nhanh. Có nhiều ông khách thấy nó vui vẻ khôn lanh nên cho luôn tiền thối. Nô đi từ bùng binh Saigon, qua đường Lê Lợi xuống Tự Do. Những chỗ nầy, ban đêm người ta đi chơi đông, vào những chỗ ăn uống sang trọng, hoặc những quán lộ thiên là bán được nhất.
Từ hồi lấy báo đến giờ, Nô đã bán được khá nhiều. Cái túi đựng tiền nhét lưng quần nó dày cộm. Dừng lại một sạp thuốc đầu đường Tự Do, Nô móc tiền mua mấy điếu thuốc. Chị bán thuốc quen, nhìn nó cười:
- Hôm nay bán khá hôn mậy ?
- Cũng như mọi hôm, nhưng có điều bán lẹ hơn. Vì dạo nầy hổng hiểu sao người ta đọc báo quá cỡ.
Chị bán thuốc thảy ra cho nó vài điếu thuốc Salem, lấy tiền cắc Nô để rổn rảng trên mặt kiếng:
- Dạo nầy lộn xộn, người ta hay mua báo để đọc, nh vậy mà mầy được dịp để bán còn kêu than gì nữa ?
- Sức mấy mà tui kêu than chị ! Ngày nào thảy được trên trăm tờ là tui mừng rồi ! Ngày nào mưa thiệt rầu thúi ruột.
Chị bán thuốc nghe nói cười:
- Tao thấy tụi nó đâu thèm bán báo, cứ la cà con đường nầy vẫn sống phây phây, mà còn xài sang nữa.
Nô không hiểu chị ta nói gì, Nô gắn một điếu thuốc lên môi xin lửa đốt, hít vào một hơi dài, Nô khoan khoái thở ra:
- Tụi nó làm gì vậy chị ?
- Tao thấy mấy tụi nó chạy theo mấy ông Mỹ dẫn mối chỉ đường sao đó. Coi bộ vậy mà làm ăn khá lắm mầy ạ !
- Mình hổng biết nói một chút tiếng của mấy ổng, thì sao nói mấy ổng nghe được, lạng quạng mấy ổng tưởng mình nói tầm bậy, mấy ổng quýnh cho có nước ăn cháo trắng hột vịt muối.
- Nói vậy chứ mấy tụi nhỏ ở đây lúc trước biết cóc khô gì mậy, nghe người ta nói riết cũng quen đi.
Chị bán thuốc vừa nói, vừa chỉ cho Nô thấy mấy cô gái đang đứng lóng ngóng trong mấy “ bar ” dài dài theo con đường nầy.
- Như mấy cô nầy, đôi khi cũng chbiết bá láp vài tiếng, gặp mấy ổng cũng nói lia lịa, có chết ai đâu.
Nô xốc lại chồng báo cho gọn, nó cười:
- Thôi tui đi nghen chị !
Chị bán thuốc như muốn nói thêm điều gì với Nô, nhưng chị thấy chỉ mới khơi mào cho thằng nhỏ, nên không tiện, chị vói theo:
- Nè nhỏ !
Nô đứng lại xem chị bán thuốc nói gì. Chị bán thuốc cười cười:
- Khi nào mầy thấy bán báo khó sống, lại đây tìm tao, tao sẽ chỉ cho mầy làm dễ thở hơn.
Bước đi, Nô thắc mắc không hiểu sao chị bán thuốc lại tốt với nó như thế. Nô thường nghe nói đến mấy mụ tào kê nuôi mấy đứa nhỏ để dẫn mối chỉ đường sao đó, rồi chia tiền cho mấy đứa nhỏ sống.
Nô không thèm nghĩ đến điều nầy nữa. Nô thấy lưa thưa có một vài ông khách đi ngược chiều nó. Bán rời rạc kiểu nầy chán ngấy, biết đời nào hết chồng báo để mua cho Rớt chiếc áo bông tím. Tới khuya chắc mấy gian hàng ở chợ cũ đóng cửa hết ráo còn gì.
Ở đầu con đường nầy có hai ba nhà hàng lớn, tới đó chắc bán mau hết. Nghĩ như thế, Nô rảo bước mau.
Trên đường, một chiếc xe hơi nhà dừng lại trước nhà hàng lớn. Bước xuống một người đàn ông và người đàn bà sang trọng. Nô định đến mời họ, nhưng nó khựng lại.
Người đàn bà sang trọng, gương mặt cười tươi bên cạnh một người ngoại quốc là má nó ! Nô lặng người đứng sng. Từ bao lâu rồi, hôm nay nó mới gặp lại người m thân yêu.
Nô nghe tiếng nói của mụ chủ nhà mỗi lần nó về tìm má như lảng vảng đâu đó.
- Má mầy hỏng có thương mầy đâu ! Nếu thương mầy thì làm sao bả bỏ đi luôn không về tìm mầy ! Cái hạng mê Mỹ nhiều tiền, thì còn nhớ gì đến con cái nữa. Mầy về chỉ mắc công thôi chứ không ích gì hết. Có muốn tìm má mầy thì ra những đường cái lớn mà tìm.
Những tiếng cay độc đó, Nô không bao giờ tin, nó chỉ cho là người ta không ưa má nó rồi nói vậy thôi. Bây giờ trước mắt nó, má đang cười vui với một người ngoại quốc, gương mặt không còn giống ngày nào nữa ! Nó định chạy a lại bên má nó, nhưng đôi chân sao dính cứng ngắc xuống đường nền đá đen như có nam châm hít chặt.
Má của nó như thế sao ? Trong Nô buồn vui lẫn lộn, nó chưa biết phải làm sao, không hiểu có nên chạy lại bên má không ? Nhớ nhung từ bao lâu nay khiến nó không thể đứng yên được. Nó phải chạy lại để đứng trong vòng tay thương yêu của mẹ, phải nhìn cho rõ khuôn mặt đó, cận kề khuôn mặt đó để nói những tiếng thương yêu.
Ý nghĩ của Nô chưa dứt, má và người ngoại quốc đã đi khuất trong một nhà hàng cạnh đó. Nô thẫn thờ ngồi xuống vỉa hè, đôi mắt thả lên những ngọn đèn màu nhấp nhánh trên cao, nhưng những ngọn đèn màu không làm Nô vui mắt na.
Hình ảnh từng chiều ngồi đợi má trước cổng nhà hiện rõ trong trí Nô. Đang buồn thấy má đi làm về, Nô muốn nhảy cỡn lên sà vào lòng má. Nhưng Nô vẫn ngồi yên để được bàn tay mềm mại của mà xoa đầu nó. Tiếng nói ngọt như trái nho chín nó cắn trên hai hàm răng, nước ngọt thanh chảy xuống đầu lưỡi mát rượi.
- Con trai của má sao ngồi buồn vậy ? Sao không đi chơi ?
- Má đem về cho con nhiều thứ trái cây nè !
Nô không thích những trái bôm nho mỗi lần đi làm má đem về. Nô ngóng đợi, không phải ngóng đợi những thứ đó. Nô thích gần má, cái hơi hám của người mẹ quanh quất, tiếng nói vỗ về làm vui khôn tả. Mặc dù Nô biết những thứ trái cây nầy đắt tiền, những đứa trẻ trong xóm thèm thuồng mỗi khi thấy nó ăn.
Có bữa má về tối, má xoa cái bụng lép xẹp của nó:
- Hôm nay má về trễ, con đói lắm phải không ? Thôi hai má con mình khỏi phải làm cơm nhà, đi ăn cơm tiệm một bữa vui hơn.
Hai má con vui vẻ dẫn nhau đi. Nô nhớ kỹ chỗ hai người đặt chân tới. Nô nhớ má ép nó ăn từng món ngon, dù bụng nó đã no cành nuốt không vô nữa. Những hình ảnh mật thiết của ngày nào nay mất hết ! Má bây giờ đi với người khác ! Nô ngồi một mình trên vỉa hè buồn tênh. Má ơi !
Ngồi một lúc chán nản, Nô đứng lên, quay mắt nhìn ngôi nhà hàng sang trọng đã giam kín má nó trong đó, tách rời tình thương của má nó đã cho nó ngày trước. Nô bước mau như có ai đang rượt đuổi theo sau lưng. Lấy chiếc nón rách nhiều lỗ trên đầu xuống, Nô lau những giọt nước mắt rớt xuống má. Những hình ảnh về má làm cho Nô rơi nước mắt tự bao giờ.
Chồng báo trên tay Nô còn lại đâu khoảng vài chục tờ, Nô không buồn mời mọc khách trên đường như chập tối. Ai thấy hỏi mua thì đưa ra, còn bằng không, Nô cắm cúi đi. Nô quên chiếc áo bông tím nó sẽ mua cho Rớt, quên đưa con Rớt đi xem ciné có nàng công chúa bị đày ra khỏi cung điện.
Con đường trải dài ánh sáng trắng lóa, bồn nước viền đèn màu xanh, tím chung quanh cho những giọt nước màu phun lên cao. Tiếng cười, tiếng xe nổ dòn dã. Nô không nghe không thấy gì hết. Bước chân nó bước đều như một người mất hồn.
Nô thẫn th trở về vỉa hè có ngọn đèn vàng, cột đèn mỗi tối nó và Rớt thường ra ngồi nhìn một vài chiếc xe thoáng qua, một vài đôi trai gái về khuya ghé ăn phở bác Hai.
Con Rớt vẫn còn ngồi đợi nó. Bữa hôm nay nó bán về khuya, nhưng không được nhiều như mọi hôm. Thấy con Rớt, Nô chợt nghĩ đến ý định ban chiều của nó trước khi đi bán. Chiếc áo bông tím vẫn còn nằm trong sạp ở chợ cũ, không biết đời nào con Rớt mới được mặc vào người. Chỉ một chút ước mơ nho nhỏ cũng không được như ý muốn.
Nô buồn bã quăng chồng báo xuống cạnh chỗ Rớt, ngồi xuống dựa lưng vào cột đèn. Rớt nhìn chồng báo hãy còn nhiều, gương mặt của Nô hôm nay buồn lạ, nó ái ngại:
- Hôm nay mầy bán không được hở ? Vậy sao hổng rủ tao đi chung cho vui !
- Bán nửa chừng tao bỏ về.
- Sao mầy không bán nữa ?
Nô quay mặt chỗ khác, nó không trả lời câu hỏi của Rớt. Đầu óc nó hiện lên hình ảnh má nó đang bước đi bên người đàn ông ngoại quốc, má nó vui cười hớn hở ! Sao má nó đi làm lại bỏ đi biệt luôn như vậy để hàng xóm đuổi nó ra khỏi nhà. Nó bậm môi, hai hàm răng cắn chặt. Trước mặt con Rớt, Nô không muốn con nhỏ thấy nó khóc. Bây giờ Nô mới hiểu được tại sao con Rớt hay khóc. Nhờ những giọt nước óng ánh rơi xuống má đó mà buồn bực được trút đi một phần nào ! Vậy mà trước kia nó hay chê con Rớt yếu xìu.
Thấy Nô không nói gì, Rớt không dám hỏi tiếp nữa. Sao hôm nay Nô lại buồn dữ vậy ? Chuyện gì làm cho nó buồn ? Từng ý nghĩ xoay quanh Rớt, nhưng nó vẫn mù tịt.
Một lúc lâu, gương mặt buồn rười rượi, Nô hỏi:
- Mầy có nhớ má mầy không hả Rớt ?
- Nhớ ! Nhưng tao không biết bả đâu hết. Ngày còn ở cô nhi viện, có nghe hai cô giáo nói về má tao, họ bảo má tao đi bán “ba” gì đó. Bây giờ trốn ra đây, tao hổng biết đâu mà tìm nữa ?
- Mầy có buồn không ?
- Buồn !
Nô quay nhìn thẳng vào Rớt :
- Nếu họ nói như vậy thì khi gặp bả, mầy có chạy đến gọi không ?
- Dù má tao có làm gì đi nữa, tao vẫn thương, vẫn kính yêu. Mấy cô giáo thường dạy: Không có tình nào bằng tình người mẹ thương con.
Mấy cô giáo nói với Rớt như vậy! Nhưng má Nô đi lâu quá rồi không về! Làm cho nó nhớ quay quắt : Những cử ch săn sóc, những lời thăm hỏi ngày mà má nó chưa đi làm sở Mỹ. Phải chăng bà không còn thương nó nữa? Mới nghĩ đến như thế, nước mắt Nô đã đổ ào ra không một bờ đê ngăn giữ, Nô khóc tức tưởi. Rớt ngạc nhiên quá đỗi! Vì từ trước đến giờ nó chưa lần nào thấy thằng Nô khóc như vậy. Nó ngồi sát lại thằng Nô, bồn chồn :
- Sao mầy khóc hở Nô?
- Má tao, bả không còn thương tao nữa !!
- Mầy nghĩ gì đâu không hà! Má mầy đi đâu đó một thời gian rồi thế nào bả cũng về tìm, chứ không đi luôn đâu. Như tao đây mới không có một chút xíu gì để ngóng, đến nỗi gương mặt của má tao cũng hổng biết ra sao nữa…
Tiếng con Rớt chìm lỉm vướng mắc ở cổ họng, không nghe được một tiếng nào nữa ! Rớt gần muốn khóc như Nô. Rớt cúi xuống đất sắp xếp chồng báo lại cho ngay ngắn, mong một việc làm nhỏ nhặt có thể cho nó quên, có thể cho nước mắt nó khỏi rơi. Rớt nghĩ trong đôi mắt nó như có dòng suối nhỏ, chỉ chờ có dịp là đổ xuống. Mọi bữa Rớt khóc thằng Nô bảo nó con gái yếu xịu, đụng một chút là nước mắt đổ ra, con gái chỉ có tài vặt ức hiếp người ta bằng những giọt nước mắt. Hôm nay thằng Nô khóc ! Chắc nó phải có chuyện gì ức trong lòng lắm. Rớt thấy thương thằng Nô quá. Nó không biết nói câu gì để dỗ dành. Một mình nó khóc, thằng Nô còn dỗ dành. Nếu cả hai đứa đều khóc, lấy ai dỗ dành đây ?
Nô quay mặt về phía Rớt, những giọt nước mắt làm lem luốc khuôn mặt, nó thút thít:
- Chắc không bao giờ tao gặp má tao nữa Rớt ơi !
- Mầy đừng nghĩ nhảm nữa Nô ! Mầy có chết đâu mà không gặp bả nữa !
- Má tao quên tao thật sự rồi ! Quên luôn cả ba tao nữa !...
Rớt để gọn gàng chồng báo bên Nô :
- Một ngày nào đó, mầy gặp lại má mầy, mầy sẽ thấy bả thương mầy lắm ! Không như bây giờ mầy nghĩ đâu.
Câu nói của Rớt làm cho Nô đau nhói. Nếu khi nãy con nhỏ biết má nó đang đi với một người ngoại quốc cao lớn, vui vẻ, không một chút ngó ngàng gì đến nó. Nếu con nhỏ biết khi gp lại má, bao nhiêu nhớ thương lâu nay làm cho nó chết sng, chỉ đứng xa mà nhìn thôi, không dám chạy lại mừng rỡ như ngày trước để được má nó xoa đầu hay ôm trong cánh tay mềm dịu, nghe lời nói vỗ về ngọt ngào như trái nho nó cắn đầu lưỡi.
Nô nhìn ra xa, nỗi buồn đang ở trong tâm hồn nhỏ của nó như khoảng đêm đang chạy dài trên những ngôi nhà lụp xụp sâu hút trong hẻm. Nô gặp má như một giấc mơ trên vỉa hè giá băng, bàng hoàng ngồi đây chỉ nghe gạch đá toát hơi lạnh. Má nó đã biến mất. Giọng nói của Nô buồn hơn bao giờ hết :
- Hồi nãy tao gặp má tao đó Rớt.
Rớt lộ nét vui mừng trên khuôn mặt:
- Bả có nói gì mầy hôn ?
Tiếng thằng Nô sâu hút :
- Tao chỉ đứng nhìn thôi !
- Sao mầy không chạy đến bên má mầy ? Mầy hết thương má mầy rồi sao ?
- Nhớ lắm ! Nhưng má tao đang đi với người khác, từ trên một chiếc xe hơi bóng lộn bước xuống. Má tao đẹp hơn ngày trước nhiều lắm. Quần áo vàng vòng sang trọng. Tự dưng chân tao bước đến không muốn nổi, như có ai giữ chặt xuống đất.
Rớt hiểu thằng Nô muốn nói gì ! Thương nhớ bao lâu nay, khi gặp lại chỉ đứng nhìn cho nước mắt tuôn xuống. Nô như thế đó. Còn Rớt ?
Má nó đang làm gì ? Má nó có sang trọng như má thằng Nô không ?
Hồi còn ở trong cô nhi viện, Rớt nghe mấy cô giáo nói má nó bán bar, lấy Mỹ. Chắc hẳn là má nó phải nhiều tiền lắm ! Như thế sao nó có thể gặp má nó được. Rớt buồn bã đứng lên đi vào chỗ bán phở bác Hai. Nô vẫn còn ngồi dựa lưng vào cột đèn, không buồn đứng lên khi ngoài trời những giọt mưa lâm râm bắt đầu rơi phớt lạnh.
____________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VII, VIIII