Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

CHƯƠNG V, VI_BÊN KIA CHIẾC CẦU


V

 Thảo Giang ngồi xuống bờ cỏ xanh, mở chiếc khăn trùm đầu. Mái tóc cô bé xổ ra, chảy dài trên vai. Trưa nắng chói, trên mặt Thảo Giang đã có lấm tấm mồ hôi. Khi Sơn rửa tay chân dưới rãnh nước bước lên, đã thấy Thảo Giang mở gói cơm vắt để sẵn.

− Ăn đi anh Sơn!

Sơn mỉm cười:

− Cám ơn Thảo Giang. Thảo Giang tốt quá!

Thảo Giang cúi xuống. Mái tóc đổ theo, che đôi má vừa mới ửng màu hồng. Sơn ngồi trên một ụ rơm phơi từ trước Tết đã khô lại, nhận một vắt cơm trên tay Thảo Giang. Hạt cơm mềm mại thấm vào lưỡi cùng với mùi thơm của muối mè, đem lại cho Sơn một cảm giác mới. Ngày cấy lúa đầu tiên của một năm không còn giống như những ngày năm cũ. Vì nơi đây có Thảo Giang. “Đứa bé” không còn đứng ở đàng xa, mà đã ngồi trên cỏ. Nắm cơm đem ra mời Sơn, vừa giản dị tự nhiên vừa gây cho Sơn một niềm cảm động. Có phải những biến cố xảy ra trong đời sống, làm cho người ta gần lại với nhau không? Từ sau đêm bác Chiêu bỏ bến ra sông, Thảo Giang chỉ còn niềm an ủi duy nhất là Sơn. Cũng đêm ấy, Đại bơi xuồng ra đi. Qua hôm sau, không biết vì sao bị bại lộ, cha mẹ của Đại bị tra vấn liên miên. Những buổi trưa ở lại ngoài ruộng, là những buổi Sơn và Thảo Giang trao đổi với nhau sự lo lắng cho thân phận mình, cho những ngày bình yên quý giá chắc sẽ không còn.

Dưới những bóng cây, những người thợ cấy đang thiu thiu ngủ, nón úp trên mặt, Không gian yên lặng đến nỗi tưởng có thể nghe được tiếng gió lay ngọn mạ. Thảo Giang ngồi bó gối nhìn ra tận phía chân trời. Cái đường viền màu xanh đậm ở đó, thật bao la nhưng cũng đầy bí ẩn. Sơn hỏi rất khẽ:

− Nghĩ gì vậy,Thảo Giang?

Thảo Giang mơ màng đáp:

− Cái chân trời kia…

Sơn nhìn theo:

− Ừ, làm sao? Đó là tận cùng của cánh đồng.

− Không phải. Giang nghĩ đó là một rặng núi.

Sơn nhíu mày nhìn kỹ. Thật khó mà tưởng tượng được cái gì ở đó. Chắc là một nơi rất xa, không còn thuộc địa phận làng này. Ở đó có những gì? Đôi mắt Thảo Giang như muốn biết thật nhiều. Cô bé lẩm bẩm:

− Đúng là dãy núi. Màu xanh đậm thật đẹp, anh Sơn há?

Sơn reo lên:

− Tôi biết rồi! Không phải dãy núi, mà là dòng sông.

Thảo Giang trố mắt:

− Dòng sông? Dòng sông gì?...

− Sông Vàm Cỏ! Thảo Giang nhìn đi, cái màu xanh đậm đó đúng là màu của sông. Nó chạy từ đầu này đến đầu kia chân trời.

Sơn nói xong, tự nghĩ sao mình ngu xuẩn quá, chỉ biết giải thích như thế, không biết gì hơn. Nhưng Thảo Giang thì sáng đôi mắt lên, phân vân:

− Sông Vàm Cỏ! Vàm Cỏ… Sao anh Sơn biết?

Sơn đáp ngay:

− Anh Đại nói. Đêm đó anh đi theo bác trai, bơi xuồng trên rạch để ra sông Vàm Cỏ.

Rồi nhớ đến tiếng khua nước của mái dầm trong đêm tối mịt mờ của Đại, Sơn bùi ngùi. Người con trai ấy không biết có đến được nơi mình mong ước không, hay phải trôi dạt trên sóng nước của dòng sông to lớn mà trong đời một người dân quê chưa có lần nhìn thấy.

− Vàm Cỏ! Tên sông hay quá!

Thảo Giang lẩm bẩm như thế, rồi trong ánh mắt ngời lên vẻ háo hức. Sơn cúi xuống, ngắt một cọng cỏ, nói:

− Ừ! Tên sông đẹp quá! Sông Vàm Cỏ, tức là gì Thảo Giang biết không?

− Dạ không.

− Là… Thảo Giang.

Giọng Sơn nhẹ như gió ru. Thảo Giang im lặng, một lát trên mi mắt đã lấp lánh như có một giọt sương.

− Sao Thảo Giang lại buồn?

Cô bé lắc đầu:

− Dạ… đâu có! Mà không hiểu sao, nghe anh Sơn nói, Giang… cảm động quá!

Rồi Giang cúi đầu xuống, cười nhẹ:

- Thiệt là lẩm cẩm. Cả cái con rạch này, mình còn chưa biết tên, mơ gì đến sông Vàm Cỏ.

- Không ai đặt tên cho con rạch, thì mình đặt tên vậy.

Bỗng Sơn nhướng mắt nhìn ra phía trước. Sau những ngọn lúa thấp, Sơn thấy mấy bóng người khom lưng đi tới. Sơn nói nhỏ:

− Thảo Giang! Nhìn kìa! Có ai…

Thảo Giang ngó theo. Cả hai cùng im lặng theo dõi. Mấy người nông dân đã ngủ say. Một bóng người nhô lên. Chừng như họ đã thấy trên bờ cỏ chỉ còn hai đứa bé thức. Người đi đầu rón rén bước lại. Khi người ấy đứng thẳng lên, Sơn nhìn thấy bộ quần áo màu đen của người bết đầy bùn đất.

Người đàn ông hỏi:

− Này em! Cho hỏi thăm một chút.

Sơn đứng dậy, tự nhiên linh cảm một điều gì khác thường.

− Dạ, ông hỏi chi?

− Ở đây có nơi nào bán cơm không?

Sơn nhìn người lạ từ đầu đến chân, rồi đáp:

− Ông đi ngược trở lại, qua khỏi một chiếc cầu sẽ thấy một quán nhỏ.

Nghe đến chiếc cầu, đôi mắt người lạ sáng lên:

− Chiếc cầu à? Chiếc cầu dẫn đến đâu?

− Dạ, cầu bắc ngang rạch, dẫn qua vườn nhà ông Bá Huê bên kia bờ. Nhưng ông không phải qua cầu, vì quán cơm cũng ở xóm bên này.

Người đàn ông quay lại nói nho nhỏ với người đi phía sau. Bây giờ Sơn đếm được bọn họ gồm sáu người ăn mặc gọn ghẽ như nhau, và mệt mỏi như nhau. Sơn đưa mắt nhìn Thảo Giang, thấy gương mặt của cô bé cũng có vẻ hồi hộp. Người đi đầu mỉm cười:

− Cám ơn em nhé! Bọn tôi vì đi đường xa nên phải tìm quán mua cơm.

Rồi người ấy quay lại, cùng các bạn toan đi. Nhưng Thảo Giang chạy theo nói:

− Thưa ông, nếu các ông không ngại, xin cho tôi được biếu vắt cơm này.

Người lạ nhìn tay Thảo Giang. Gói cơm vắt vẫn còn phân nửa, Thảo Giang đưa ra:

− Anh em tôi chỉ ăn một phần, xin biếu ông nửa này.

− Cô là… em của cậu này?

− Dạ!

− Sao… sao cô không để mà ăn?

Sơn toan đáp thay, nhưng Thảo Giang đã nói:

− Chúng tôi đã no rồi. Nếu ông không chê, hãy ăn đi để có sức đi tiếp đường xa.

Người đàn ông cầm lấy gói cơm, mặt lộ vẻ cảm động:

− Cám ơn hai em.

Bọn người quay lưng đi. Sáu cái bóng ra khỏi khu ruộng, bắt đầu lẩn vào trong xóm. Sơn nhìn Thảo Giang, nói:

− Thảo Giang thấy gì không?

Thảo Giang thì thầm:

− Thấy. Họ là nghĩa quân. Ba của Giang tả họ như vậy.

− Họ ăn mặc cũng như mình.

− Nhưng gương mặt họ đã nói.

− Tôi thì thấy hình như có một con dao giắt trong lưng của người đi cuối.

− Thật sao?

− Thật. Đúng họ là nghĩa quân rồi.

Cả hai im bặt, như sợ cỏ lúa cũng nghe được điều ấy. Những người khác vẫn say ngủ. Chỉ có hai đứa trên đồng. Một nỗi gì chạy rùng rùng trong tim Sơn. Sơn nhón bước nhìn theo, nhưng chỉ còn thấy mấy rặng tre già đứng triền miên ở đầu xóm.

Sơn nhìn Thảo Giang, nói:

− Thảo Giang! Chút nữa mẹ tôi hỏi, Thảo Giang nói giùm là tôi đi qua nhà anh Huệ có chút việc nhé!

Rồi Sơn vội vàng đi về phía xóm. Được một quãng, Sơn nghe tiếng Thảo Giang gọi đàng sau:

− Anh Sơn!

Thảo Giang chạy tới, nói:

− Giang đi với. Cho Giang đi theo với!

Sơn nói nhỏ:

− Tôi định xin họ cho theo một quãng, rồi tôi sẽ trở về. Chưa chắc họ đã chịu.

− Nhưng cho Giang theo, Giang sẽ năn nỉ họ.

− Họ biết mình là ai?...

− Mình sẽ chỉ đường cho họ.

Ở quán cơm, hai đứa thấy sáu người đàn ông đi ra. Người đi đầu có vẻ ngạc nhiên khi thấy Sơn và Thảo Giang. Sơn chạy đến, nói khẽ:

− Thưa ông, cho hai anh em tôi đi theo với.

Người nọ trợn tròn đôi mắt, hỏi:

− Em nói gì?

Thảo Giang nối lời:

− Chúng em xin đi cùng với các ông, để… chỉ đường.

Người đàn ông lắc đầu:

− Chúng tôi đã có sẵn bản đồ. Cám ơn hai em.

Sơn bước theo, năn nỉ:

− Nhưng qua khỏi cầu, đến vườn nhà ông Bá Huê. Các ông không đi ngang đó được. Có cái ông gác vườn dữ lắm.

− Chứ các em làm gì được.

Thảo Giang nói:

− Em quen với ông già đó. Em sẽ dụ cho ông ấy chịu cho các ông qua, hoặc sẽ gạt ông ta đi khuất, các ông mới hòng qua được.

Người đàn ông nhíu mày ngẫm nghĩ. Người đứng kế đó lắc đầu:

− Đã có sẵn bản đồ, chúng ta chỉ cần đánh gục lão gác vườn là đi qua ngay.

Thảo Giang nói nhanh:

− Cho chúng em theo với, một đỗi thôi. Cha chúng em cũng đã đi rồi.

− Hả? Cha em… đi đâu?

− Cha chúng em đi cùng với nghĩa quân Trương Công Định rồi!

− Chúng tôi đi qua Tân An. Cha em đi đâu?

Sơn nói liều:

− Dạ! Đúng rồi! Cha em cũng đi qua Tân An. Các ông cho chúng em theo để biết đường, về sau chúng em sẽ dễ dàng tìm kiếm.

Người đàn ông nhìn năm người bạn. Hình như họ đã có vẻ bằng lòng. Mọi người ra dấu cho nhau đi.

Một mình Thảo Giang lên cầu, qua bên kia vườn. Nửa khắc sau, cô bé trở lại, vui mừng nói:

− May quá! Lão gác vườn đang ngủ trưa. Các ông đi qua mau lên.

Tám người qua cầu. Cánh cổng vườn chỉ khóa bằng uy quyền của ông Bá Huê, không bằng khóa sắt, đang được mở ra. Cả bọn rón rén đi vào vườn. Họ đi nhẹ nhàng dưới bóng lá âm u như những con sóc nhỏ. Người dẫn đầu mở một mảnh giấy, định hướng, rồi ra hiệu cho đoàn người tiếp tục đi về phía trước mặt.

Khu vườn to lớn như cả một cánh rừng. Khi tia sáng mặt trời đầu tiên lọt vào mắt Sơn, Sơn biết rằng đã đến ranh giới của làng. Tự nhiên tim đập rộn ràng trong lồng ngực. Sơn tự hỏi đàng sau dãy cây cối um tùm này, sẽ thấy cảnh gì? Ta đã xuyên được tấm màn xanh đen đặc phủ mờ đôi mắt từ thuở ấu thơ. Những người mặt rắn rỏi mắt sáng kia, có ngờ được là họ đang nhờ hai đứa bé khờ khạo ngu muội dẫn đường không?

Một hàng cọc dài, nhọn, chắn ngang trước mắt. Mấy người đàn ông ra sức xô ngã hai cây cọc. Con đường mở rộng giúp tám người ra khỏi lùm cây. Khi những cành lá không còn vướng víu trên lưng, Sơn đứng thẳng người lên. Khung cảnh mới mẻ hiện ra trước mặt. Một cánh đồng lúa! Sơn nghĩ nhanh như vậy rồi nhận ra rằng đây chỉ là một cánh đồng cằn cỗi. Những gốc rạ màu nâu đen, khô đét lại như không còn sức sống. Cánh đồng không có nước.

Người đầu đàn giở mảnh giấy ra nhìn, rồi gật đầu nói với bạn:

− Đúng rồi, đây là đám ruộng phèn, đi khỏi nơi đây ra đến sông cái.

Sơn hỏi:

− Sông gì vậy ông?

− Sông Vàm Cỏ.

Sơn và Thảo Giang ngạc nhiên nhìn nhau. Sao con rạch ở làng chảy ra sông Vàm Cỏ, mà qua khỏi chiếc cầu, đi tới cũng gặp sông đó? Người đàn ông chỉ tay vào bản đồ, nói:

− Em nhìn nè! Đây là sông Vàm Cỏ. Đây là làng em. Con rạch nhỏ xíu nằm đây. Con rạch, sông lớn và cây cầu kéo dài hợp thành hình tam giác. Hiểu chưa em? Hai con đường đều dẫn ra sông. Đi đường này là đi tắt, mau hơn đi đường rạch.

Thảo Giang mở to mắt, hỏi:

− Các ông… biết rành như vậy?

− Phải.

− Đi hết đám ruộng này, ra đến sông hở ông?

− Ừ. Ra đến sông lớn, có thuyền của nghĩa quân chờ.

Sơn náo nức:

− Rồi… rồi các ông đi đâu? Phải các ông sẽ đi đến Tân An không?

− Sao các em biết?

− Khi nãy các ông nói.

Người đàn ông xoa đầu Sơn, cười thú vị:

− À, quên nhỉ! Em thông minh lắm. Mai mốt lớn lên, nối gót chúng tôi…

Sơn hân hoan:

− Cho em theo nghĩa quân với! Em cũng lớn rồi!

Người đàn ông vừa đi vừa cười:

− Bao nhiêu tuổi?

− Dạ mười tám.

− Thua chúng tôi những mười tuổi.

Sơn nhìn kỹ người đàn ông. Gương mặt sạm nắng làm ông ta có vẻ khắc khổ. Có thể đó là một thanh niên chưa đến ba mươi.

− Cứ gọi tôi là anh.

Trong trí Sơn, hình ảnh thần tượng Trương Công Định hiện ra. Sơn e dè hỏi:

− Anh… anh có phải là Trương Công Định?

Cả bọn sáu người cùng ồ lên. Người đầu đàn cười hóm hỉnh:

− Sao em lại hỏi như vậy? Anh chỉ là một nghĩa quân thường, ở dưới quyền của ông Trương Công Định.

Sơn bẽn lẽn:

− Anh ở đâu đến?

− Ở Tân Hòa.

− Phải căn cứ của ông Định ở đó không anh?

− Đúng rồi. Bọn anh hôm nay qua Tân An để thăm dò tin tức. Căn cứ Tân Hòa đang bị tấn công. Đạo quân của ông Trương Công Định đang chuẩn bị về Biên Hòa.

Sơn chớp mắt… Toàn những cái tên xa lạ nhưng gợi cảm làm sao!

Người đầu đàn dừng lại, nói với Sơn:

− Cánh ruộng phèn này… đi nửa ngày mới ra sông. Này hai em, hai em hãy trở về đi! Theo chúng tôi không có lợi ích gì đâu.

− Thưa anh…

− Trở về nhà đi! Các em còn gia đình nữa phải không? Đừng để gia đình lo lắng. Hãy về trước trời tối.

Giang rơm rớm nước mắt:

− Em muốn gặp cha em.

Người thanh niên trìu mến hỏi:

− Cha các em tên gì?

− Cha em tên Chiêu, Nguyễn Văn Chiêu.

− Nếu gặp, anh sẽ nhắn lại.

− Người đã ra sông. Em muốn gặp người.

Sơn nắm tay Thảo Giang, nói như anh nói với em:

− Giang! Chúng ta phải về trước trời tối.

− Anh cám ơn hai em lắm! – Người thanh niên nói – Muốn giúp nghĩa quân, các em làm sao kêu gọi dân làng sẵn lòng giúp đỡ mỗi khi nghĩa quân đi qua, chiêu mộ trai tráng để chiến đấu giành lại những đất đai đã mất.

− Em cũng sẽ trở thành nghĩa quân. Anh… anh cho em xin tấm bản đồ nhé!

− Chi vậy?

− Để khi nào em có một đội nghĩa quân, em sẽ theo đó mà đi, gặp các anh.

Người thanh niên đưa tấm giấy ra, nói:

− Anh tin các em. Những đường đi trong này anh đã thuộc lòng. Cho em đây, giữ cho kỹ.

Sáu người nghĩa quân tiếp tục đi. Sơn và Thảo Giang đứng lại giữa ruộng. Trước mắt vẫn là cái chân trời mênh mông, mênh mông…


VI

Con của ông Bá Huê, tên Hộ đó, mấy hôm nay không còn thấy nó nữa.

− Hắn đi đâu?

− Giang không biết. Nghe đâu mấy người làm công trong nhà Bá Huê nói hắn đã theo gia nhập “đội mã tà”.

− Ghê gớm vậy! Cả nhà Bá Huê chắc đều theo Pháp. Như thế là làng này sẽ khổ.

Thảo Giang cắn một cọng lúa non trên miệng, đôi mắt mơ màng:

− Nhưng vắng mặt tên Hộ, Giang cảm thấy nhẹ nhõm, không sợ bị đe dọa nữa. Không còn bị hắn rình rập trước nhà, hay ngó chăm chăm mỗi khi đi ngang cầu… Chao ơi! Cái đôi mắt của hắn, đôi mắt khủng khiếp làm sao! Hắn đúng là ác quỷ.

− Nói mà không sợ tội à? Hắn là con của Bá Hộ giàu sang thế lực, ông làng ông xã còn phải sợ. Bao nhiêu kẻ ước ao vào nhà đó mà không được…

Thảo Giang lộ vẻ giận hờn:

− Đến anh Sơn mà còn nói như vậy. Nếu anh Sơn sợ hắn, sao cái hôm gặp hắn trong vườn, anh Sơn dám đánh hắn?

Sơn cười:

− Ừ, thì… tại… vì…

− Sao anh Sơn dám đấm vào mũi hắn?

Sơn nhìn Thảo Giang. Cái đôi mắt dòng sông bây giờ đang là ngọn thác. Sơn nghe tiếng nước chảy ào ạt làm rung động cả lòng. Sơn khẽ nói:

− Vì… vì tôi… thương Thảo Giang.

Cọng lúa non trên môi đã đứt. Thảo Giang nói run run:

− Anh Sơn nói… nghe ngộ quá!...

Một thoáng im lặng trải qua. Rồi Sơn rút ở thắt lưng cây dùi sắt, đưa ra cho Thảo Giang thấy:

− Cây dùi này, chính ra tôi đã mài để… trị tội tên Hộ. Tôi ghét hắn, tôi thù hắn.

Thảo Giang thở ra:

− Nhưng hắn đã đi rồi. Anh Sơn cũng đừng hành động nông nổi mà chịu tù tội.

− Đúng. Ta còn nhiều việc phải lo. Ta phải rỉ tai từng người để họ giúp đỡ nghĩa quân. Căn cứ Tân Hòa đang bị tấn công.

− Nhưng chắc nghĩa quân sẽ giữ được đất.

Sơn vuốt ve mũi dùi, lẩm bẩm:

− Có ngày ta sẽ theo nghĩa quân, theo ông Trương Công Định.

Hơi sắt lạnh khiến lòng Sơn nao nao. Thảo Giang lặng lẽ vấn tóc lên, lấy chiếc khăn trùm lên đầu, rồi ngồi nghe tiếng chim chóc xao xác gọi nhau ở một bụi cây. Chiều đã xuống trên cánh đồng. Không còn ai ở ngoài ruộng. Chỉ có ở đây hai tấm lòng chờ đợi. Chân trời phía đông vẫn là một màu xanh. Nhìn ra phía tây, mặt trời đã sắp lẩn vào những rặng tre. Tia nắng chót cố vương lại trên cỏ lúa, phản chiếu trên mặt ruộng lênh láng nước. Sơn nhìn và nhớ đến cánh ruộng phèn mình đã đi qua. Hôm nay chắc sáu người nghĩa quân đã vượt khỏi Tân An. Thẳng đường ấy, có lẽ họ sẽ về Gia Định.

Bỗng có tiếng mõ nổi lên dồn dập lẫn với tiếng trống làng. Hai đứa giật mình, nhìn nhau, và cùng hướng về phía xóm nhà. Một vùng khói tỏa mù mịt. Việc gì đã xảy ra? Thảo Giang kêu lên hoảng hốt:

− Anh Sơn! Cháy nhà!

− Mau lên. Chúng ta về coi thử.

Hai đứa chạy trên đê. Khi lên mặt đường đất, đã thấy đàng xa có một người đàn ông chạy đến, dáng vội vã như lẩn trốn. Lúc đến gần hai đứa nhận ra đó là một người lạ mặt. Người ấy đứng lại, nhìn quanh như để tìm đường. Sơn hỏi:

− Ông! Việc gì vậy? Ông ở đâu đến?

Người lạ thở hổn hển:

− Cậu bé! Chỉ dùm tôi đường… ra sông.

Sơn nói:

− Nhưng ông là ai?

Người lạ đáp liều:

− Tôi là người ở Tân Hòa tới, bị vây… Tôi muốn thoát ra sông.

Sơn chỉ:

− Muốn đi ra sông , có hai đường, hoặc ông đi theo rạch nước đàng kia, hoặc qua cầu băng qua vườn. Nhưng muốn qua cầu, ông phải đi ngược trở lại phía xóm. Còn muốn đi đường rạch, ông… ông có xuồng không?

Người lạ bối rối:

− Không, không… Cám ơn cậu bé.

Ông ta chạy đi. Sơn ngơ ngẩn nhìn theo. Cái bóng chạy lảo đảo trên đê. Sơn nhớ sực, bảo Thảo Giang:

− Chạy về mau, Thảo Giang! Chắc ở nhà ta đang nguy.

Mặt trời đã lặn. Trong bóng mờ của khoảng ngày sót lại, màu đỏ rực của lửa từ thôn xóm nổi bật lên thật khủng khiếp. Thảo Giang đang cuống quít đôi chân. Cô bé run lẩy bẩy. Sơn phải nắm lấy tay Thảo Giang để cô bé khỏi vấp ngã. Cả thôn xóm rừng rực khói lửa. Đến ngõ nhà Sơn, Giang nói:

− Anh Sơn vô nhà đi! Giang chạy về nhà Giang, coi mẹ Giang làm sao.

Rồi Thảo Giang vuột khỏi tay Sơn, cắm đầu chạy. Sơn hoảng hốt gọi:

− Thảo Giang!

Cái dáng mảnh khảnh đã lẩn vào đám người đang lố nhố chạy ra. Sơn đành quẹo vào ngõ. Căn nhà của Sơn vẫn bình an. Mẹ Sơn đang thu góp áo quần vào một cái túi vải. Thấy Sơn, bà nói lớn:

− Sơn ơi! Cháy nhà! Đánh nhau!... Có giặc tới…

− Mẹ nói giặc nào?

Mẹ Sơn lắp bắp:

− Có một đoàn nghĩa quân… đông lắm… chạy qua làng. Giặc đuổi theo… Giặc Tây chứ còn giặc nào nữa. Chúng đốt xóm, muốn cho nghĩa quân chết cháy.

Sơn hồi hộp:

− Mẹ… có thấy nghĩa quân?

− Có! Họ đi ngang đây, và lẩn vào thôn xóm. Đông lắm! Một số hình như đã ra rạch. Còn một số kẹt ở đây khi quân Pháp đến kịp. Cầu trời phù hộ cho họ…

− Cháy lớn quá! Mẹ đi ra đi mẹ! Mẹ hãy chạy theo dân làng.

Sơn dắt tay mẹ, xách túi vải. Khi bước ra ngưỡng cửa, Sơn đứng lại nhìn ống sáo trúc treo trên vách. Sơn với lấy ống sáo, giắt vào lưng. Nếu nhỡ căn nhà này bị cháy, Sơn vẫn còn giữ được kỷ vật của Đại.

Khi ra đến đám người chạy nạn, Sơn bảo mẹ:

− Mẹ chạy theo với họ, ra chỗ đồng trống. Con đi chữa cháy nhé mẹ!

Rồi trao túi vải cho mẹ, Sơn len đám đông lố nhố, chạy về phía có ngọn lửa. Mắt mũi Sơn cay xé vì khói ồ ạt bay vào. Tiếng kêu khóc vang dậy cả xóm làng.

Nhà Thảo Giang ngùn ngụt khói… Sơn chạy vào. Trên nền đất, Thảo Giang đang kêu gào bên cái thi thể bất động của mẹ. Một lỗ tròn sâu hoáy trên đầu của bà, từ đó máu tuôn ra lúc nào đã đông đặc lại. Nỗi kinh hoàng chưa tan, Sơn đã thấy tấm phên tre phía sau bốc lửa. Lửa lan lên mái tranh, tàn đen bay tỏa đầy không khí, Sơn hét lên:

− Thảo Giang! Chạy đi!

Nhưng Thảo Giang không nghe thấy gì cả. Sơn kéo Thảo Giang đứng dậy, nói:

- Nhà sắp đỗ, chạy mau!

− Mẹ Giang chết rồi! Mẹ ơi!...

Sơn nắm tay Thảo Giang lôi bừa đi. Thảo Giang lả người như một tàu lá úa. Ngôi nhà mong manh, sau khi hai đứa vừa ra khỏi, bốc cháy dữ dội. Sơn nhìn lại, nghe quặn thắt con tim. Mắt cứng khô, nhưng mưa bão đổ đầy lòng.

Trên đường, một bóng người quen quen chạy ngang: em gái của Đại. Sơn gọi:

− Cô Lam!

Người con gái dừng chân, nét mặt còn đầy vẻ sợ hãi… Sơn nói nhanh:

− Cô có gặp mẹ tôi không?

− Bác đã chạy với gia đình em.

Sơn nói nhanh:

− Cô Lam! Nhờ cô một chuyện… Cô rán chạy nhanh lên, nói với dân làng đừng đi bằng đường rạch. Giặc đuổi kịp thì khổ… Có một đường ngắn nhất là đi qua cầu, vô vườn Bá Huê, chạy thẳng. Cô gặp mẹ tôi, nói mẹ tôi chạy đi, rán giữ mình, đừng lo cho tôi.

− Còn anh Sơn?

− Tôi ở lại làng, giúp nghĩa quân.

− Nhưng…

− Chạy đi, cô Lam!

Lam không kịp nói gì nữa, đám người đã xô đẩy cô gái chạy đi. Thảo Giang nức nghẹn:

− Cho Giang ở lại làng với. Mẹ chết rồi! Mẹ ơi!...

Trong ánh lửa ghê rợn, đoàn người dân quê đã chạy xa, trông như làn sóng chập chùng… Có tiếng hò reo đàng sau. Sơn kéo Thảo Giang nép vào một lùm cây. Tiếng chân rầm rập trên đường chạy lại gần. Một toán người lạ mặt đứng dừng lại. Sơn và Thảo Giang nín thở. Toán người nhìn những căn nhà cháy, chỉ trỏ và nói với nhau bằng những tiếng khó hiểu. Sơn hồi hộp… Đúng là giặc Tây rồi. Họ cao lớn và ăn mặc cũng khác. Sơn nắm chặt tay Thảo Giang. Bàn tay cô bé lạnh ngắt. Đôi mắt đang rực lên tia căm thù.

Toán lính Pháp đi ngược trở lại đường cũ. Sơn và Thảo Giang rời lùm cây, nhưng chỉ dám len lỏi trong những vườn tược, theo đường tắt về ngõ sau nhà Sơn.
*
Những bóng người bí mật ở trong mảnh vườn nhỏ làm hai đứa dừng lại, nín thở. Những cây mác đưa lên trời nhọn hoắc. Sơn đến gần, nhận ra đó là những người nghĩa quân. Họ đã chọn căn nhà khuất sau cây cối làm nơi trú ẩn. Sơn thì thầm:

− Nghĩa quân, Thảo Giang ạ.

Rồi kéo Thảo Giang lại gần. Một cành khô gãy dưới chân Thảo Giang làm mấy người bên trong giật mình. Họ cúi rạp xuống, những ngọn mác chĩa về phía có tiếng động. Sơn lên tiếng:

− Thưa các anh, cho em vào vườn.

Một người hỏi:

− Ai đó?

− Em là chủ nhà này. Xin cho em vào.

Những ngọn mác hạ xuống. Sơn nắm lấy tay Thảo Giang, vẹt những cành lá bước tới. Những người nghĩa quân đứng dậy, Sơn nói:

− Em là Sơn.

− Còn ai kia?

− Dạ, Thảo Giang, em gái của em.

Nhận ra dáng nhỏ nhắn của hai đứa, mấy người nghĩa quân an tâm. Người ban nãy nói:

− Hai em vào nhà đi! Yên lặng nghen!

Sơn và Thảo Giang đứng sựng lại ở ngưỡng cửa. Trong nhà, có một toán người ngồi sẵn ở đó. Họ ngồi trong bóng tối. Dường như những câu trao đổi ngoài vườn họ đã nghe, nên một người cất tiếng:

− Vô đi, hai em.

Tiếng nói ấm áp lạ thường. Sơn vững dạ, dắt Thảo Giang bước vào. Tiếng nói lại vang lên:

− Chúng tôi mượn căn nhà này để nghỉ chân, hai em bằng lòng không?

Sơn đáp:

− Xin các anh cứ tự nhiên, quân Pháp đã đi rồi.

− Sao em biết?

− Chính em đã nhìn thấy.

Giọng nói đó tiếp tục:

− Vậy thì chúng ta đốt đèn lên, nhưng chỉ đủ sáng, và đóng hết cửa lại.

Ngọn đèn dầu được thắp lên. Một toán người ra trước nhà đứng gác. Bên trong chỉ còn lại bốn người. Họ nhìn đăm đăm vào Sơn và Thảo Giang. Nét kinh hoàng còn in rõ trên gương mặt cô bé, đọng lại trên đôi mắt ướt sũng. Họ có vẻ ái ngại. Sơn nói:

− Em là Sơn, đây là Thảo Giang.

Một người nói:

− Anh biết rồi! Cha mẹ các em đâu?

Thảo Giang òa lên khóc. Sơn đáp:

− Mẹ chúng em đã chạy theo dân làng. Cha theo nghĩa quân hồi mùa đông Nhâm Tuất.

Rồi siết chặt tay Thảo Giang, Sơn bảo:

− Đừng khóc, Thảo Giang.

Mọi người im lặng. Sơn đưa mắt nhìn lần lượt bốn người. Có ba người còn trẻ, giống như người dẫn đường toán nghĩa quân đi qua Tân An, và một người đứng tuổi. Sơn hỏi:

− Các anh có phải ở Tân Hòa tới?

Người trẻ nhất trố mắt ngạc nhiên:

− Sao em biết?

− Có một nghĩa quân chạy lạc đã nói như vậy.

− Các em có ghét chúng tôi không?

Sơn lắc đầu:

− Cha em theo nghĩa quân, làm sao chúng em ghét được? Em cũng thích theo các anh nữa.

− Theo chúng tôi cực khổ lắm!

− Em đã mười tám tuổi. Em biết đánh võ…

Sơn rút cây dùi trong thắt lưng ra, giọng rắn lại:

− Và em có cọng sắt này.

Người trẻ tuổi xúc động:

- Em đáng mến lắm! Sơn phải không?

Sơn nhắc lại:

− Dạ. Còn em gái em là Thảo Giang.

− Tên hay lắm! Còn anh, cứ gọi anh là Nam.

Sơn đưa mắt nhìn người kế cận. Như cũng thương mến hai đứa bé mới lớn, người thanh niên nói:

− Cứ gọi anh là Phô.

Người thứ ba:

− Cứ gọi anh là Biên.

Và người đứng tuổi nhất bây giờ mới lên tiếng:

− Cứ gọi anh là Chương.

Sơn nói:

− Chú trạc bằng cha cháu, xin cho chúng cháu gọi là chú.

Người đàn ông cười:

− Cứ gọi là anh. Vì bốn người chúng tôi là anh em.

Sơn lạ lùng:

− Giọng nói của anh hơi khác…

Chương lại cười:

− Vâng. Anh là người Quảng Ngãi, còn các chú đây là người Gò Công.

− Quảng Ngãi ở đâu hở anh?

− Tận miền ngoài, gần đến kinh đô. Em lấy làm lạ phải không? Bốn bể đã thành anh em. Anh không sinh trưởng ở đây, nhưng mất nước cũng đau đớn lắm.

− Các anh biết ông Trương Công Định không?

Nam nói:

− Biết chứ! Ông Trương Công Định là lãnh tụ nghĩa quân ở Tân Hòa, tức là Gò Công đó!

− Anh… anh biết mặt ông ấy không?

− Biết.

Sơn nôn nao:

− Ông ấy… người ra sao?

Nam vỗ vai Sơn, cười:

− Giống như Sơn vậy.

− Ông ấy bao nhiêu tuổi?

Biên pha trò:

− Tuổi của ông ấy là tuổi của sáu người chúng ta cộng lại, chia cho sáu.

Không khí bỗng nhiên trở nên vui vẻ. Sơn chưa thỏa mãn những thắc mắc trong lòng, nhưng đã cảm thấy rằng con người “thần tượng” bàng bạc ở mọi nơi, trong mọi hình dáng, trong mọi lứa tuổi. Trong lòng người!

________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VII, VIII