Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

CHƯƠNG HAI_NHƯ BÓNG MÂY QUA


Hai

- Chiều nay dì cháu mình đi phố nghe Hà Lan. Dì muốn mua cho Lan ít vải may đồ bộ mặc trong nhà.

Tôi vẫn cắm đầu vào cuốn sách. Tôi nghe tiếng dì Vinh hỏi nhưng không trả lời. Dì tiếp:

- Độ ba giờ mình đi nhé.

Tôi trả lời, vẫn không nhìn lên:

- Cám ơn dì. Dì đi may sắm một mình đi. Lan không đi đâu.

Giọng dì Vinh lo lắng:

- Lan sao thế? Lan mệt phải không?

Tôi lắc đầu đáp ngắn:

- Không. Dì khỏi lo cho Lan.

Và tôi đứng lên đi vào phòng riêng. Đi ngang chỗ dì Vinh ngồi tôi cố dằn nặng bước chân. Tôi nghe tiếng dì thở dài.

Đã gần hai tháng dì Vinh chính thức bước vào gia đình tôi sau một bữa tiệc ra mắt bạn bè. Cả ba lẫn dì đều không muốn làm đám cưới rình rang, và tôi, trong sự thành công của ý muốn, đã nao nức chờ đợi những ngày êm đềm hạnh phúc trong ngôi nhà thân yêu khi có thêm cô Vinh.

Tôi đã đổi lối xưng hô, gọi “dì Vinh” thay vì “cô Vinh” như trước và tiếng “dì” nghe cũng thân mật hơn là “cô”.

Hai tháng chung sống, cho bao nhiêu nao nức trong lòng tôi tiêu tan, như một làn khói mỏng mà chính tôi cũng không hiểu tại sao.

Bao nhiêu cảm tình đối với cô giáo cũ hình như vơi dần. Tuy cũng vẫn là cô Vinh, vẫn là người đàn bà đó, với những mến thương dành cho tôi.

Điều mà tôi cảm thấy được, là tôi đã “mất” ba từ ngày có dì Vinh.

Ba vẫn thương yêu tôi. Có lẽ người thương yêu, chìu chuộng tôi hơn xưa. Nhưng linh cảm tôi cho thấy đó là một sự đền bù của ba dành cho tôi mà thôi.

Tuy nhiên tôi cố dằn những bực tức đang nẩy mầm trong lòng để ba vui. Trước kia tôi đã không muốn ba sung sướng là gì? Tại sao tôi lại làm sụp đổ hạnh phúc của ba?

Để quên đi, tôi với lấy cuốn sách để trên bàn. Love Story. Chuyện tình của thời trang. Một câu chuyện tình không đúng chất lãng mạn. Hơi hỗn hào với những lời đối thoại của nhân vật chính. Nhưng mọi người đua xem vì ảnh hưởng thời trang và phim ảnh. Tôi đọc một vài trang rồi buông xuống, gác tay lên trán, đầu óc lẩn quẩn bao nhiêu ý tưởng hỗn tạp.

Có tiếng gõ cửa, tôi hỏi vọng ra:

- Ai?

Giọng đàn bà thật nhẹ:

- Dì đây. Dì vào được chứ Lan?

Tôi cố dịu giọng:

- Vâng. Dì vào.

Dì Vinh đẩy nhẹ cánh cửa lách vào. Mắt dì nhìn tôi trìu mến:

- Sao thế Lan? Con mệt?

Tôi lắc đầu.

Dì Vinh thoăn thoắt đến bên tôi. Dì ngồi lên mép giường. Tôi không hiểu sao lúc đó tôi nhích vào thay vì phải nép bên cạnh dì, như cử chỉ dịu dàng dì đối với tôi. Có lẽ dì Vinh hiểu cử chỉ khó chịu đó, giọng dì buồn buồn:

- Con giận dì phải không Lan?

Tôi nói mát:

- Dì có làm gì mà con giận. Dì đừng bận tâm vì con.

Dì Vinh lắc đầu:

- Con giấu dì. Dì nhận thấy từ ngày dì về sống với ba, con không còn thương dì như trước nữa. Trước kia con quấn quit dì bao nhiêu, giờ đây con xa rời dì, nếu không muốn nói sự có mặt của dì làm con bực tức. Tại sao vậy Lan? Con nói cho dì biết đi? Dì đã làm gì để đến nỗi đánh mất tình thương của con và dì phải làm gì để lấy lại được tình thương đó. Con nói đi. Dì lớn, nhưng nếu dì có lỗi, dì sẽ phục thiện. Dì muốn con vui và cuộc sống trong gia đình ta được êm đềm sung sướng như dì vẫn mơ ước.

Dì Vinh nói một hơi. Giọng dì tha thiết, xúc cảm. Và tôi lặng im. Lặng im bởi tôi không biết trả lời sao. Tôi công nhận dì nhận xét về tôi rất đúng. Tôi đã thay đổi nhiều nhưng bảo lỗi của dì thì tôi không biết nói sao. Tôi chỉ cảm thấy một cách mơ hồ rằng người đàn bà này vào gia đình tôi và cướp tình thương của ba, chiếm ngôi vị của mẹ tôi, và nỗi bực tức dồn lên… dồn lên mãi. Dì Vinh tiếp tục thuyết phục tôi:

- Dì hiểu con, Lan à. Dì không buồn con mà chỉ trách dì không đủ tế nhị để làm con vui. Dì hứa với ba và với chính tâm hồn dì rằng dì sẽ thay thế mẹ con để lo lắng cho con…

Tôi vùi đầu xuống gối:

- Thôi con lạy dì. Dì đừng nói nữa. Con không muốn ba con về lại chứng kiến cái cảnh dì vừa khóc vừa phân trần. Ba con lầm chứ con không lầm đâu.

Tôi thấy mắt dì Vinh tóe lên những tia lửa giận dữ, như uất ức. Nhưng rồi dì lại dịu xuống. Dì nói thật nhỏ:

- Con hiểu lầm dì quá nhiều rồi, Lan. Nhưng thôi, dì không làm con khó chịu nữa đâu. Dì ra dọn cơm để ba về ăn. Con ráng vui cho ba vui.

Người đàn bà đứng lên ra khỏi phòng. Tôi nhìn theo bằng ánh mắt thù hằn. Tôi không còn tìm thấy trong nhân dáng đó một “cô Vinh” tôi mến ngày nào nữa. Tất cả những âu yếm, dịu dàng của dì đối với tôi chỉ là một màn kịch. Một màn kịch không hơn không kém. Dì đã “mà mắt” được ba. Ba khen dì hiền ngoan. Trái lại, tôi thấy đó là một con mèo đang cố thu những móng vuốt nhọn sắc. Nó chưa cần giương ra vì chưa chụp địch thủ.

Tôi thiếp đi một lúc, cho đến khi một bàn tay đặt lên trán tôi. Tôi mở choàng mắt: Ba đang đứng nhìn tôi với ánh mắt trìu mến hiền hòa. Tôi kêu khẽ:

- Ba.

Ba dịu dàng:

- Con có mệt lắm không?

- Con có sao đâu ba?

- Dì Vinh nói con bị cảm.

Tôi nhăn mặt:

- Lúc nào dì ấy cũng muốn con đau cả.

Ba hơi ngỡ ngàng:

- Kìa Lan, sao con nói vậy? Con không sợ tội dì hay sao?

Thấy nét nhăn hằn sâu trên trán ba, tôi nói gượng cho ba vui:

- Chứ ba không thấy sao? Dì Vinh chỉ muốn con bị uống thuốc không à.

Ba vui vẻ:

- Dì thương con đấy mà. Ba rất vui thấy dì Vinh biết lo cho sức khỏe của con.

Tôi nói thầm trong miệng:

- Phải mà. Thương lắm. Ba làm sao hiểu được đó chỉ là cái bề ngoài giả tạo của người ta.

Nhưng ba không nghe rõ câu nói của tôi. Và ông yên chí rằng con gái chắc đã vui vẻ trở lại. Ba nói:

- Thôi ta ăn cơm con.

- Vâng, ba ra trước đi.

Tôi trở dậy, chải lại tóc, lấy lại vẻ vui tươi trên khuôn mặt để ra dùng cơm với ba. Tôi suy nghĩ và thấy rằng mình không dại gì mà cau có. Sự cáu kình, buồn bực chỉ làm thiệt hại sức khỏe và sắc đẹp của mình. Tại sao tôi lại phải khổ sở trong khi dì Vinh nhởn nhơ sung sướng? Người đàn bà đó đang cười đắc thắng trong sự bại trận ê chề của tôi à? Không thể như thế được. Tôi phải bình tĩnh để đối phó. Tôi thấy rõ ràng là bà ta đang dần chiếm ưu thế trong nhà này. Bà ta dành tất cả thì giờ cho ba. Đi ciné. Dạo phố. Đi may sắm. Một lời nói của dì Vinh là ba làm theo cả. Cả vú Sáu nữa. Vú cũng tỏ ra thương mến dì một cách lạ lùng. Vú bảo chưa bao giờ gặp một người đàn bà đôn hậu như dì Vinh. Còn tôi, tôi cho rằng đó là một con hồ ly đội lốt người. Sự khéo léo, dịu dàng chỉ là một khí giới giết người vô hình của bà ấy.

*

 Thấy tôi, Thúy reo lên:

- Trời, Hà Lan. Vào đây. Tao đang buồn thì mày đến.

- Còn tao bộ vui lắm chắc.

Thúy ngạc nhiên:

- Mày thì buồn gì? Mày sung sướng bỏ xừ.

Tôi lừ mắt:

- Mày định nghĩa thế nào là sung sướng?

Thúy khoa tay trong không khí:

- Thì… chẳng hạn mày được ba cưng. Gia đình mày giàu có, muốn gì được nấy. Có dì ghẻ thì trúng bà dì hiền lành thương mày như con.

Tôi bĩu môi:

- Cho tao xin cái mục “bà dì” đó lại nghe. Chán lắm rồi. Tao không muốn nghe nhắc đến người đàn bà ấy.

Mắt Thúy tròn lên trong một vẻ kinh ngạc không tưởng. Nó đã từng nghe tôi nói nhiều về dì Vinh, những ngày dì còn là cô giáo của tụi tôi. Nhưng từ ngày dì trở thành kế mẫu của tôi, nó chưa bao giờ nghe tôi nói về dì.

Tôi mỉm cười:

- Mày ngạc nhiên phải không?

Thúy gật:

- Nhiều lắm. Tao tưởng cô giáo về thay thế bác gái lo cho mày, mày phải sung sướng lắm chứ. Trước kia mày cứ ước ao được như thế mà.

- Phải rồi. Tao đồng ý điều đó. Nhưng trước kia đâu có phải là bây giờ?

Thúy nắm cánh tay tôi:

- Bộ có chuyện gì không đẹp hả Lan? Dì Vinh thay đổi cách đối xử với mày phải không? Mấy lần tao đến nhà bà ấy vẫn vui vẻ dịu dàng. Tao thấy bà ta tỏ ra săn sóc mày dữ lắm mà.

Tôi bực tức:

- Đúng. Ai cũng nhìn cái bề ngoài chìu chuộng yêu thương của người đàn bà ấy để mà phỏng đoán hạnh phúc của tao. Cả ba tao cũng trách tao khó tính. Cả vú Sáu cũng về phe bà ta bảo tao thay đổi. Đâu có ai hiểu được cái con người độc ác ngấm ngầm đó, những sự tàn phá về tinh thần đó đối với tao còn vạn lần khủng khiếp hơn sự bạc đãi thể xác. Thà bà ta đối xử với tao như những bà mẹ ghẻ tầm thường khác còn dễ chịu hơn. Đàng này bà ta học nhiều hiểu rộng, bà ta khôn khéo nên ngón đòn đó mới nguy hiểm.

Thúy có vẻ đăm chiêu:

- Tao e mày lầm Lan ạ. Trông bà ta có vẻ thành thật lắm. Vẻ dịu hiền đó không lẽ lại dối trá hay sao?

Tôi ỡm ờ:

- Trước kia biết đâu bà ta không là một nữ kịch sĩ đại tài.

Thúy im. Nó biết không thắng tôi nếu tôi muốn cãi. Nó lảng qua chuyện khác:

- Sáng mai tụi mình có giờ Sử Địa há?

- Mày tính cúp cua sao?

- Không phải tao. Bọn con Mỹ Hòa kia.

- Tưởng mày tao ngạc nhiên chứ băng con Mỹ Hòa là chúa trùm rồi, có gì lạ.

- Nhưng tụi nó rủ.

Tôi nhướng mắt:

- Rủ mày?

- Ừ.

- Ui cha. Chuyện có vẻ khó hiểu dữ. Xưa nay tụi nó vẫn không ưa mày mà.

- Vậy mới nói.

- Rồi mày nhận chứ?

Thúy lắc đầu:

- Dĩ nhiên là không.

Tôi cáu:

- Mày quê bỏ xừ. Cứ nhận đi đại với tụi nó một hồi coi tụi nó giở trò gì? Bộ nó ăn thịt mày à?

- Không phải. Nhưng biết không hợp nhau thì đi làm gì. Tao nghi nó rủ cho ra vẻ “điệu” vậy thôi chứ không có ý gì đâu.

Tôi nhìn Thúy:

- Tùy mày. Tao thì không được lành tánh như mày nên cái gì cũng làm tao ngờ vực được.

Thúy buột miệng:

- Như chuyện dì Vinh chẳng hạn.

- Không. Dì Vinh là một chuyện khác. Dì Vinh là một trường hợp ngoại lệ. Đó là chuyện mà chỉ có tao mới hiểu.

- Mày vẫn hay bi quan.

Tôi cáu:

- Còn mày chủ quan một cách… sai lầm.

Thúy mở hộc bàn lấy ra một hộp kẹo:

- Thôi ăn kẹo đi, vuốt giận.

Tôi bóc một viên kẹo:

- Chiều nay nói bác cho tao ăn cơm với.

- Mày ăn cơm thì được rồi. Nhưng ở nhà ba mày với dì Vinh thì sao?

Tôi buông gọn:

- Có sao đâu. Tao ăn cơm cũng vậy, không cũng vậy. Mà không có tao có lẽ lại hơn.

Thúy lắc đầu:

- Mày không nên nói vậy. Dù dì Vinh có thế nào đi nữa thì còn bác trai. Không lẽ ổng bỏ mày?

Tự ái nổi lên như cơn lốc trong lòng tôi. Ba bỏ tôi? Ba có thể bỏ tôi sao? Điều đó chưa bao giờ tôi nghĩ tới, vậy mà bây giờ có người nhắc đến… có thể lắm chứ, biết đâu không vì dì Vinh. Lịch sử hơn một lần minh chứng những bạo chúa mê cung tần mỹ nữ mà giết vợ giết con… Ba cũng chỉ là một người đàn ông… Có thể một ngày nào đó ba cũng sẽ ghét bỏ tôi? Nhan sắc đàn bà bao giờ cũng là một thứ võ khí ghê gớm nhất… Tôi mím môi nói với Thúy:

- Tao biết ba thương tao lắm. Tám năm nay ông không tục huyền cũng chỉ vì nghĩ đến con. Chỉ tại tao mang người đàn bà đó đến. Tao thương bà ta. Tao năn nỉ ba chú ý đến bà ta. Và rồi bây giờ… bây giờ bà ta cướp mất ba là phải lắm. Đáng đời tao… Tao không trách ông, tại tao hết.

Tôi ôm mặt trong hai bàn tay. Quả thật nỗi khổ đã làm tôi như muốn điên. Tôi thấy rõ viễn ảnh đen tối trước mặt. Có thể một ngày nào đó, cả căn nhà, cả ba… đều thuộc quyền của dì Vinh. Rồi chính tay dì sẽ lấy bức ảnh mẹ cất đi. Rồi chính tay dì sẽ sửa sang lại nhà cửa, trang trí theo ý riêng… Kể cả tôi, nếp sống của tôi có lẽ cũng sẽ đảo lộn theo ý dì…

Không. Không thể như thế được. Tôi phải làm một cái gì. Tôi không thể để dì Vinh lấn lướt ba tôi, tôi lớn rồi. Tôi phải sống cho ra một người lớn, không thể để người ta coi mình là trẻ con mãi được. Căn nhà của ba, căn nhà của mẹ – Là của tôi – Ba của tôi – Tình thương của tôi – Không. Dì Vinh không có chút quyền hạn gì trong đó. Dì mới là kẻ thừa chứ không phải tôi.

Những ý nghĩ quay cuồng trong đầu óc tôi. Dì Vinh! Dì Vinh! Người đàn bà đó. Tôi rưng rưng muốn khóc. Tôi không thể thắng được bà ta. Hoặc nếu thắng, thì cũng sẽ bằng tất cả khó khăn.

Thúy không nói gì. Nó yên lặng theo sự yên lặng của tôi. Tôi nhìn Thúy và chợt nghe thèm muốn hạnh phúc của nó: Mồ côi cha, Thúy sống trong tình thương bao la của mẹ. Gia đình nó không giàu như gia đình tôi nhưng nó không thiếu thứ gì. Người mẹ hiền đóng luôn vai trò người cha trong việc nuôi dạy con cái. Thúy bình thản sống, bình thản đón nhận tình thương. Còn tôi, đã bao năm tôi cũng như Thúy. Còn bây giờ…

*

Tôi ngồi coi ti vi, bên cạnh, ba chăm chú nghe chương trình của đài B.B.C. Dì Vinh đến cạnh ba, mỉm cười:

- Hết chương trình chưa mình?

Ba nhìn đồng hồ:

- Khoảng mười phút nữa. Có chuyện gì không em?

- Thưa không. Thôi mình nghe tiếp đi.

Ba gục gặc đầu. Có lẽ ba hài lòng về sự lễ phép ngoan hiền của dì. Dì Vinh đến mở tủ lạnh lấy ra hộp trái vải. Tôi làm bộ như chăm chú nhìn vào ti vi nhưng vẫn liếc nhìn. Dì Vinh mở hộp, lấy tách múc ra hai tách. Dì bưng đến đặt trước mặt tôi:

- Ăn trái vải đi con.

Tôi lạnh nhạt:

- Cám ơn dì.

Dì Vinh mang tách còn lại đến với ba, dịu dàng:

- Mình ăn cho mát.

Ba nhìn lên:

- Em không ăn sao?

- Thưa không. Mình và con ăn đi, em vừa uống nước xong.

Ba không bằng lòng:

- Như vậy bất công. Mình phải ăn với anh và con chứ. Nào, ăn với anh.

Ba múc trái vải đưa vào miệng dì Vinh. Mắt ba nhìn dì thật âu yếm, ba nói:

- Anh cám ơn em. Anh và con có diễm phúc lắm mới được em về sống chung. Em là một nàng tiên.

Tôi nghe người đàn bà đãi giọng một cách dễ ghét:

- Mình và con vui là em vui.

Tôi dằn mạnh cái tách. Tiếng động làm ba và dì Vinh ngước lên. Có lẽ sự bực tức của tôi hiện lên gương mặt sa sầm. Tôi thấy dì Vinh khẽ liếc ba rồi im lặng.

Tôi đứng lên về phòng. Dì Vinh lên tiếng:

- Sao con không coi tiếp chương trình nhạc đi Lan?

- Con không thích.

Tôi trả lời cộc lốc, vừa bước nhanh ra phòng khách mà không cần biết có gì sau lưng. Tôi gặp vú Sáu từ bếp đi lên. Vú hỏi:

- Con không coi ti vi à? Vú nghe nhạc hay quá.

Tôi cộc:

- Vú lên mà nghe với “họ” đi.

Vú Sáu nhìn tôi trân trân:

- “Họ” là ai?

- Ba với bà Vinh chứ còn ai.

Vú Sáu hiểu ngay. Vú đã nhiều lần gặp chuyện như vậy:

- Lại có chuyện gì? Sao đang coi ti vi con bỏ đi?

Niềm tức tủi chợt dâng đầy ắp tim tôi. Tôi không chịu nổi nữa. Tôi chỉ là một người thừa, đúng là một người thừa trong chính căn nhà của mình.

Tôi bỏ vú Sáu ngơ ngác, đi nhanh về phòng. Nhưng vú theo tôi. Vú vào luôn phòng tôi và ân cần dỗ dành:

- Con lại buồn nữa rồi.

Tôi im lặng. Vú Sáu vuốt tóc tôi:

- Nói chuyện với vú đi.

Tôi nghẹn giọng:

- Nói gì bây giờ vú. Thôi để con yên. Chính vú cũng theo phe “họ” cơ mà. Chính vú cũng bảo bà ta tử tế cơ mà.

- Thì… vú nhận thấy thế.

Tôi uất ức:

- Phải. Vú nhận thấy. Họ tốt lắm. Cho đến khi nào họ tống được con ra khỏi nhà vú mới hiểu thôi.

Vú Sáu trợn mắt:

- Bậy nào. Làm sao có chuyện đó được. Mà mợ đã làm gì để con giận dữ vậy?

Không dằn được, tôi bật khóc:

- Còn gì nữa. Bà ta đang cố lấy lòng ba con. Bà ta giả trá từng cử chỉ từng lời nói làm như thương con lắm nhưng thật ra để trêu tức con. Con không thương ai ngoài mẹ. Không người đàn bà nào sánh được với mẹ, không ai chiếm được địa vị của mẹ con trong nhà này. Vậy mà bà ta giành của mẹ tất cả những gì chung quanh ba. Kể cả tình thương ba dành cho con.

Vú Sáu lắc đầu nhè nhẹ:

- Trước vú nghe con nói con thương cô Vinh vú cũng mừng. Thường vú vẫn biết cảnh mẹ ghẻ con chồng khó tránh. Nhưng thấy con mến mợ quá, vú biết con cần tình thương của người mẹ nên muốn con…

Tôi cắt ngang:

- Thôi vú. Con khổ quá rồi, vú đừng an ủi con nữa. Vú không thấy sao? Người ta giành của con hết rồi, họ còn giả nhân giả nghĩa, lúc nào cũng ra vẻ hiền hậu. Bộ con không biết sao?

Tôi mím môi:

- Nhưng vú cứ tin đi, rồi bà ta sẽ phải hiểu rằng con không còn là một đứa con nít. Con sẽ đối phó với bà ta như một người lớn hẳn hoi. Hoặc là bà ta ra khỏi nhà hay là con bỏ đi.

Tôi thấy trong mắt người vú già rướn lên vẻ nghi hoặc, hoảng hốt, nhưng vú không nói gì. Có lẽ vú cho rằng đó chỉ là một lời nói bộc phát lúc uất ức.

*

Tôi bắc ghế, với tay gỡ hình mẹ. Ba thảng thốt:

- Hà Lan, sao gỡ hình mẹ chi vậy?

Tôi trả lời theo dự định:

- Để con thay vào tấm ảnh khác lớn hơn ba à.

- Ảnh khác lớn hơn?

Tôi cười, hơi liếc về phía dì Vinh:

- Chớ sao ba. Ảnh này của mẹ nhỏ quá, đôi khi người ta vào nhà mình không thấy, rồi họ tưởng con không có mẹ, họ không biết nhà này còn có mẹ là chủ gia đình. Một tấm ảnh lớn, dễ nhìn thấy để con hãnh diện với mọi người về nhan sắc của mẹ.

Tôi thấy dì Vinh cúi mặt xuống, và gương mặt ba sầm lại. Không đợi ba nói, tôi tiếp:

- Có phải dù mẹ chết, mẹ vẫn là chủ gia đình không ba?

Tôi cố nhấn mạnh ba tiếng “chủ gia đình” để nói với dì Vinh mẹ vẫn là hình ảnh thân yêu duy nhất trong gia đình này. Tôi thấy rõ sắc mặt xám nhợt của người đàn bà. Tôi mỉm cười, thầm đắc ý với nhưng câu “móc họng” của mình.

Tôi lập lại:

- Ba, con hỏi sao ba không trả lời?

Ba gật đầu nhẹ:

- Có ai phủ nhận điều đó đâu con.

Tôi tàn ác bủa thêm:

- Tình yêu đầu tiên bao giờ cũng mãnh liệt ba nhỉ. Tình yêu ba dành cho mẹ từ tám năm nay cũng bằng tình yêu dì Vinh dành cho người tình của dì, thời gian trùng hợp ngẫu nhiên. Có lẽ điều đó khiến dì cảm thấy gần với gia đình mình.

Dường như không chịu nổi nữa, dì Vinh nấc lên bỏ chạy vào phòng. Ba dợm bước theo rồi dừng lại, quay nhìn tôi:

- Con vừa nói gì đó Lan?

Tôi thản nhiên:

- Có gì đâu, con chỉ nhắc đến mối tình đầu của dì Vinh. Mối tình đẹp, với người yêu mà dì không bao giờ quên.

Tôi nhấn mạnh:

- Ba chỉ là người đến muộn, quá muộn để có thể đón nhận một tình yêu chân thành.

Ba lắc đầu khe khẽ, nói bằng giọng thật buồn:

- Con nông nổi lắm. Con có biết dì Vinh chịu đựng con nhiều lắm rồi không? Tại sao trước đây con yêu thương dì, con một hai mong ước dì trở thành kế mẫu của con? Ba thương con, ba thương tánh tình dì con nên đã bước thêm bước nữa. Ba tưởng rằng gia đình ta sẽ hạnh phúc.

Tôi nhìn lại. Lần đầu tiên tôi nghe giọng nói ba gần như khóc. Tim tôi nhói đau trước vẻ thống khổ của người cha đã bao năm lo lắng vì con. Tôi nói nhanh và thật nhỏ:

- Con biết ba yêu dì Vinh nhiều lắm. Con muốn ba có hạnh phúc. Nhưng không hiểu sao con không thể nào hòa hợp với dì, dù dì tốt hay xấu. Con chỉ biết rằng con không thể nào nhìn thấy dì Vinh trong một ngôi vị tương đương với mẹ. Con không muốn một người đàn bà nào chiếm chỗ của mẹ trong tim ba, trong đời ba. Con đã lầm khi nghĩ rằng con có thể thương dì Vinh trong cương vị hiện tại. Không, con chỉ thương có “cô giáo” Vinh thôi. Còn “dì Vinh”, không bao giờ.

Giọng tôi sắc lạnh. Tôi hơi cúi đầu tránh ánh mắt của ba. Ánh mắt vừa thất vọng vừa mệt mỏi. Ba như cố gắng níu kéo một đỗ vỡ.

- Con không thể thử cố gắng sao Lan? Con không thể dung hòa được giữa niềm thương trước kia và sự ghét bỏ bây giờ để chấp nhận dì con trong một tình cảm vừa phải?

Tôi thấy rõ ba yếu thế. Tôi thấy rõ ba nghiêng về tôi. Ba đã “năn nỉ” tôi dung hòa tình cảm với dì Vinh mà không dùng một ép buộc khẳng định nào. Ba không thương dì Vinh hơn tôi. Ít ra là giờ phút này, giờ phút tôi đang nhắc đến mẹ với tất cả sự ngưỡng mộ của một đứa con. Tôi thấy phải quyết liệt để hạ một lần chót lá bài định mệnh. Một là tôi còn tình thương của ba, hai là tôi sẽ ra đi mãi mãi.

Tôi chua chát:

- Con quyền gì để nói đến dì Vinh trong tình cảm. Có con hay không có con, cũng thế thôi. Dì vẫn là dì, với cương vị chủ nhân gia đình này, và là người tình của ba.

Tôi gằn mạnh:

- Con chỉ khổ sở khi nghĩ đến mẹ, bao nhiêu công lao từ tay trắng gầy dựng, khi vừa thành công thì mẹ mất để giờ người khác ngồi không mà hưởng bao nhiêu mồ hôi nước mắt của mẹ. Mẹ đã chết vì tận tụy dựng gầy cơ nghiệp tại sao người khác có thể phây phây không hể biết điều đó?

Lần này tôi nhìn thẳng ba. Tôi thấy rõ ba xúc động. Mặt ba như tái đi và môi ba mím lại. Hai cha con cùng im lặng chưa nói với nhau thêm lời nào thì cửa phòng bật mở, dì Vinh đi ra. Tôi nhìn nhanh dì, không một vẻ gì chứng tỏ người đàn bà đó vừa qua một biến chuyển tâm hồn. Dì Vinh thản nhiên, nhưng giọng nói của dì lạc hẳn:

- Hà Lan, con đừng nói với ba những lời có thể khiến ba đau đớn. Một mình dì đủ rồi. Dì không trách con như dì không muốn ba khổ. Dì sẽ thay con giải quyết tình trạng hiện tại, con yên trí đi.

Ba bật kêu:

- Mình…

Dì Vinh âu yếm:

- Mình đừng lo cho em. Việc này không phải em toàn quyền mà cần có sự cho phép và giúp đỡ của mình.

Tôi đứng như tượng gỗ. Lần đầu tiên tôi bối rối từ lúc quyết định đánh bật “đối thủ” khỏi gia đình. Tôi nghe giọng nói của dì Vinh có một sự bất ổn nhưng tôi không tin rằng người đàn bà đó có can đảm rời gia đình tôi như tôi mong ước.

*

Sự “giải quyết” của dì Vinh sau những ngày dài bàn bạc với ba là dì xin đổi qua một tỉnh khác dạy học. Tôi hơi ngỡ ngàng với quyết định này. Sự thành công quá nhanh làm tôi làm tôi cảm thấy lo lo thế nào.

Sau bữa cơm tối, ba nói với tôi:

- Hà Lan, tình trạng gia đình đã làm ba buồn nhiều, nhưng có lẽ người khổ nhất là dì con. Chính trong sự dàn xếp này dì con cũng chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Tôi lặng im. Ba tiếp:

- Dì Vinh đã xin đổi dạy ở một nơi khác. Như thế chắc con bằng lòng.

Ba tránh tôi. Thật tình tôi hơi choáng váng bởi lời nói của ba. Tôi quan sát dì Vinh: gương mặt dì mất sắc khá nhiều có lẽ vì suy nghĩ và khóc. Giá trước kia, có lẽ tôi đã ôm chầm lấy dì và khóc với nỗi khổ của dì. Nhưng nếu tôi còn thương dì như trước thì làm gì có chuyện dì phài ra đi.

Ba nói, sau một lúc ngừng như để suy nghĩ:

- Dì con thương con, điều đó chắc con hiểu từ trước khi dì về trong gia đình mình. Bởi thế dì không muốn con khổ. Bất cứ điều gì làm con vui dì cũng làm. Ba chắc con hiểu điều đó.

Tôi hiểu nhưng không muốn xác nhận.

Tiếng dì Vinh:

- Ngày mai dì đến nhiệm sở mới. Dì coi đây như một cuộc tạm biệt vô hạn định. Một ngày nào đó, nếu con nghĩ lại thương dì, dì sẽ trở về để tiếp tục lo cho ba, cho con. Dì đến đây vì con thì ra đi cũng vì con. Trước kia, đã có lần chúng mình nói về tình trạng mẹ ghẻ con chồng, và cả con lẫn dì đều thấy phi lý. Nhưng bây giờ… dì không biết trách ai. Không ai có lỗi cả, mà chỉ vì phần số dì bạc bẽo, chưa hưởng được những diễm phúc êm đềm.

Không hiểu sao con tim tôi lúc đó chai rắn đến thế. Tôi nghe tất cả những lời thống thiết của dì Vinh nhưng không hề cảm thấy một rung cảm nào. Tôi chỉ thấy đó là những lời nghĩa nhân giả tạo để lung lạc, mà lúc này, hơn lúc nào hết, tôi không thể để bị lung lạc được.

Tôi nói ngắn:

- Dì nghĩ đến con, con cám ơn.

Tôi muốn nói một câu nhân nghĩa nhưng không thể nào nói được. Tánh tôi thẳng, không ưa là nói không ưa, lưỡi tôi cứng không dễ gì uốn. Tôi chợt dưng hình dung ra mái gia đình này những ngày sắp đến, với nếp sống êm đềm cũ. Ba sẽ vẫn là ba với hình ảnh mẹ sống từng đoạn ngắn dài kỷ niệm. Vú Sáu với những bổn phận nhẹ nhàng thường nhật và tôi, vẫn là cô tiểu chủ, cô công chúa toàn quyền được chìu cưng nhất.

Tôi đứng lên, xin phép về phòng. Tôi nghĩ ba và dì Vinh cần chuyện trò dù trong mấy ngày nay đã nói với nhau nhiều. Tôi muốn tránh sự hiện diện của mình, những lúc không mấy thuận lợi này. Tôi xuống bếp, thấy vú Sau đang vá áo. Tôi sà ngồi bên vú:

- Vú biết gì chưa?

Giọng vú buồn buồn:

- Mợ Vinh sắp đi hả con?

- Sao vú biết?

- Mợ nói.

Tôi cười mỉa:

- Chắc lại nói để kể lể rằng tại con mà bà ta phải đi, vì bà ta thương yêu con, có phải vậy không? Vú khỏi nói con cũng biết. Nhàm tai quá rồi.

Vú Sáu nhìn tôi trách móc:

- Con có thể phủ nhận lòng tốt của mợ ấy sao Hà Lan? Dù không dự vào một nguồn vui lớn trong gia đình, vú vẫn thấy mợ Vinh thương con, ít bà mẹ ghẻ nào được như vậy.

Tôi không muốn cãi vú Sáu. Giờ phút này tôi là kẻ thắng. Tôi tận hưởng vinh quang của chính mình tạo ra và không cần ai chia sẻ. Tôi mở tủ lạnh. Lấy một trái lê cắn ăn ngon lành. Từ ngày dì Vinh về đây, giờ này tôi mới cảm thấy chất ngọt thanh đáng yêu của lê.

Tôi nói:

- Dù sao mai bà ta cũng đi rồi. Cuộc sống của gia đình này sẽ trở lại như cũ, vú không có gì phải lo ngại.

Vú ngập ngừng:

- Vú không ngại. Nhưng vú e rằng sự thật sẽ không hoàn toàn như con mong.

Tôi tròn mắt:

- Tại sao?

- Tại vì nếu con hết khổ, thì lại đến lượt ông.

Tôi kêu lên:

- Ba?

Vú Sáu gật:

- Con không nghĩ ra điều đó sao? Ông đã sống quen với sự có mặt của mợ Vinh. Không người đàn ông nào thoải mái khi thiếu vắng hình ảnh người vợ trong gia đình. Nhất là mợ Vinh lại tận tụy lo lắng, săn sóc cho ông.

Tôi nghi ngờ:

- Con không tin thế đâu. Trước giờ ba vẫn yêu mẹ. Có dì Vinh ba hầu như quên lãng một thời gian. Không còn dì Vinh, hình ảnh mẹ lại chiếm ngự ba như cũ.

- Làm sao yêu mãi, sống mãi với người chết được con? Con nên thực tế một chút. Ông sẽ không bao giờ quên bà, nhưng không thể sống được với bà. Mợ Vinh là người sống mới có thể  hòa đồng cuộc đời với ông. Bà đâu có thể săn sóc ông mà ông thì cần người săn sóc. Ông cần tình thương của một người đàn bà.

Tôi nhìn sững vú Sáu: chưa bao giờ tôi nghe vú nói nhiều, chưa bao giờ tôi nghe vú phân tách tâm lý kỹ thế. Vú lịch duyệt hơn tôi tưởng. Tôi gục gặc đầu nhưng giấu kín ý nghĩ của mình. Khi tôi trở về phòng bằng ngả hành lang, đi ngang phòng khách tôi thấy ba hai tay ôm đầu và dì Vinh thì đang khóc.

_____________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG BA