Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

CHƯƠNG 1, 2_TRÊN ĐỒI CỎ

1
 
  - Mai ơi! Đưa anh xem cái hộp đi?
 
- Thôi chết! Mai để quên rồi!
 
- Cái gì Mai cũng quên hết à!
 
Tuấn càu nhàu khó chịu. Tuấn không hiểu tại sao Mai, em gái nó, có thể quên cái hộp quan trọng đó được. Mọi khi Mai nhớ dai lắm. Mai tinh nhanh và luôn luôn hữu ích bên đứa anh chỉ hơn nó hai tuổi.
 
Tuấn thắc mắc:
 
- Thế Mai quên nó ở đâu? Ở trên gác xép hay ở chỗ nào thì nói cho anh biết để anh đi lấy cho.
 
Mai quay lại khẽ bĩu môi xì một cái tỏ vẻ không tin lời nói của anh. Phải, nếu Tuấn biết cái hộp đó để ở đâu chắc Tuấn đã không dám mạnh miệng như vậy.
 
Mai nói:
 
- Cái hộp đó hả? Em để nó ở sân sau nhà, dưới lu nước mưa đó…
 
Tuấn lẩm bẩm:
 
- Dưới lu nước mưa! Sân sau nhà…
 
Mới nghe hai tiếng “sân sau”, Tuấn đã thấy rợn cả người. Trời tối mà phải mò mẫm xuống tới sân sau cái trang trại hẻo lánh giữa vùng núi rừng heo hút này, mới nghĩ đến cũng đủ làm Tuấn sởn gáy rồi. Cậu bé tìm cách lảng:
 
- Ai bảo em đem tuốt xuống tận dưới ấy làm chi? Sao không để yên trên gác xép cho rồi!
 
- Ai chẳng muốn vậy. Này nhé, chúng mình vừa tìm thấy cái hộp lạ thì Xuân gọi xuống ăn chuối. Mai đành mang theo chứ biết để đâu lúc bấy giờ? Xuống nhà dưới, Mai lại sợ người lớn thấy rồi hỏi lôi thôi, mới đem giấu tạm dưới lu nước… Thôi, mình chờ cho cô, chú Bảy ngủ đã, chừng đó anh xuống khỏi sợ gì hết.
 
Tuấn không nói gì. Mai bồi thêm:
 
- Tuấn nên nhớ là nếu anh Minh và anh Danh biết chúng mình đã tìm thấy cái hộp lạ, mà trong đó không rõ chứa đựng vật gì, họ sẽ kiếm cách tước đoạt của tụi mình ngay.
 
Tuấn bực mình càu nhàu:
 
- Tại sao lúc nào cũng Tuấn? Tuấn làm cái này, Tuấn đi chỗ nọ, làm cái kia dùm Mai? Bao giờ Tuấn cũng lãnh đủ… Như trưa nay cũng vậy, lúc ở trên gác xép…
 
- Thôi, thôi! Thế ai vừa nói “dù ở đâu, trên gác xép hay nơi nào” cũng sẽ đi lấy cho bằng được mới thôi? Ai nói đó? Có phải Mai đâu?... Nhưng thôi, nơi nào đó không phải là gác xép mà là sân sau thì cũng vậy à!
 
Nghe giọng nói chế riễu, nhìn gương mặt vênh vênh của em gái, Tuấn thấy khó chịu. Nhưng cậu bé không muốn bị chê là nhát sợ không dám xuống sân. Bỗng có tiếng động lạch cạch dưới bếp, giúp Tuấn có cơ hội thoái thác:
 
- Không được rồi, cô Bảy với chị Tư còn ở dưới bếp kìa, làm sao mà xuống được. Nếu cô Bảy hỏi anh xuống dưới sân làm gì vào giờ này, anh biết trả lời làm sao? Đằng khác, nếu thấy cái hộp, chắc chắn cô sẽ biết là chúng mình lục lọi đồ đạc của ông Bách mất!
 
Ngẫm nghĩ một lát rồi Mai nói:
 
- Dễ ợt! Cứ chờ cho mọi người đi ngủ hết là xong! Chừng đó anh tha hồ tung hoành, khỏi sợ chi hết.
 
Tuấn tìm cách chống chế, vờ ngáp một cái thật dài, nói:
 
- Thôi, anh buồn ngủ lắm rồi. Không ai đụng đến cái hộp ấy đêm nay đâu! Sáng mai dậy tìm sớm cũng được.
 
Mai cố gắng thuyết phục anh:
 
- Anh nên nhớ là cái hộp ấy không phải của riêng ai, mà là của chung hai đứa. Anh muốn biết bên trong đựng gì phải không? Em cũng đâu biết bên trong có gì? Có thể là một vật quý giá không chừng!
 
Tuấn im lặng đưa mắt nhìn qua cửa sổ. Trăng đã lên cao, ánh trăng chiếu sáng trên những hàng cây xa xa. Giá vào lúc khác, chắc nó sẽ thức thật khuya để ngắm trăng. Nhưng đêm nay, ánh trăng êm dịu tạo thêm những bóng đen ma quái làm cho nó rợn cả người.
 
Có tiếng động ở chân cầu thang, rồi tiếng lanh lảnh của cô Bảy:
 
- Tuấn, Mai chưa ngủ hả? Khuya rồi đó!
 
- Dạ, chúng cháu ngủ ngay đây ạ!
 
- Đừng quên tắt đèn nghe cháu!
 
- Vâng, cháu tắt liền đây.
 
Mai ra tắt đèn. Tiếng chân xa dần, tiếng khép cửa nhè nhẹ. Cảnh vật lại chìm vào yên lặng. Mai chờ một lúc rồi khẽ thì thầm vào tai Tuấn:
 
- Đến lúc rồi đó, đi đi!
 
Hai anh em ra phía cửa sổ nhìn xuống sân, cảnh vật như âm u đe dọa. Sân sau vắng lặng. Bóng các lu nước lố nhố như những bóng người ngồi. Căn nhà ngang tối thui. Tuấn quay lại nhìn Mai, thấy nụ cười nửa khiêu khích nửa thách đố của em, nó lần xuống cầu thang.
 
Tim đập mạnh như muốn nhảy khỏi lồng ngực, miệng khô rang, Tuấn bước nhẹ từng bậc một vì sợ gây tiếng động. Bỗng “binh” Một cái. Tuấn đứng khựng lại. Đầu nó vừa va vào xà ngang một cái mạnh.
 
- U đầu rồi! Tại Mai hết!
 
Tuấn phải ý tứ hết sức để khỏi phải va chạm và gây tiếng động. Chân nó vừa đạp xuống nền gạch hoa mát lạnh. Tuấn biết mình đã xuống tới bếp, vội lần ra phía cửa, tìm chiếc chìa khóa. Thu hết can đảm, Tuấn vặn khóa. Cánh cửa xịch mở, Tuấn lách vội ra ngoài. Đứng dựa lưng vào tường, nó đưa mắt nhìn quanh để định hướng. Bốn bề yên lặng như tờ. Tuấn lần mò về phía cuối sân.
 
Mặt trăng vừa bị bóng mây che khuất làm tối hẳn cảnh vật. Tuấn quờ quạng trong bóng tối. Tay nó như đụng phải cái lu nước. Đúng đây rồi! Tuấn mừng rỡ đưa tay lần quanh lu tìm kiếm. Nhưng nó không thấy gì cả. Tuấn chợt thấy hiện ra trước mắt gương mặt ngạo nghễ với nụ cười chế riễu của Mai. Nó cúi xuống tìm lại một lần nữa cho chắc ăn. Tay nó đụng phải một vật gì cưng cứng. Nhưng đó chỉ là một mảnh gạch vỡ. Bỗng một tiếng kẹt cửa nhè nhẹ vang lên làm Tuấn giật mình quay lại. Cánh cửa nhà ngang đã mở ra tự bao giờ. Bên trong nhà tối đen. Trong khoảnh khắc, Tuấn có cảm tưởng như có ai đang rình mình. Nó vội vàng quay lại chuồn lẹ vào trong bếp và đóng cửa thật mau như sợ bị đuổi theo.
 
Đứng trong bếp, Tuấn thấy vững tâm hơn, và hít một hơi dài để trấn tĩnh lại. Nó đưa tay lên trán vuốt những giọt mồ hôi lạnh. Chờ cho bớt run, Tuấn lặng lẽ lên lầu. Mai đã đứng ngay đầu cầu thang:
 
- Sao? Có thấy không?
 
Tuấn cố gắng lắm mới lắp bắp được mấy câu:
 
- Không… Nó biến đâu mất rồi!
 
Mai tròn con mắt ngạc nhiên, giọng ngờ vực:
 
- Có thật anh đã ra tới lu nước mưa không?
 
Tuấn quả quyết, sau khi đã lấy lại bình tĩnh:
 
- Thật mà! Anh còn đụng đầu vào đó u cả trán lên đây nè.
 
- Đêm sáng trăng như thế này mà anh không trông thấy gì sao? Thế anh có luồn tay tìm quanh phía dưới cái lu không?
 
- Có chứ!
 
Biết Tuấn nói thật, Mai chán nản kết luận:
 
- Nếu vậy chắc có người đã thấy và lấy mất rồi.
 
- Nhưng ai lấy?
 
- Có thể là anh Minh, anh Danh, hay cô chú Bảy, chị Tư, anh Mạnh, hay là… ừ, biết đâu chừng…
 
- Hay ai nữa?
 
- Anh chứ còn ai vào đây nữa. Anh giấu cái hộp để chọc quê Mai và để coi một mình.
 
Thấy vẻ thiểu não, không biết biện bạch cách nào của Tuấn, Mai bật cười, nói:
 
- Đùa chơi vậy thôi, chứ có bao giờ anh giấu Mai điều gì! À mà lúc ra sân, anh có thấy gì lạ không?
 
- Có…
 
Tuấn được dịp kể lại cuộc phiêu lưu, không quên phóng đại những chi tiết như cánh cửa vụt mở rộng, rồi như có người bí mật rình rập đâu đây. Nhưng Mai giải thích:
 
- Người bí mật không ai khác ngoài anh Mạnh. Anh Mạnh ngủ ở đầu nhà ngang. Chắc anh ấy mở cửa đi ra ngoài chứ gì. Thế mà cũng sợ!
 
Tuấn thấy Mai luôn luôn có lý. Nó vội vã buông màn rồi ngáp vài cái thật dài, cốt ý cho Mai nghe thấy. Tuấn làm bộ như vậy vì sợ Mai lại bắt xuống lần nữa xem có thật anh Mạnh đã mở cửa và cái hộp có thật sự mất rồi hay chưa?
 
Mai còn đứng tựa bên cửa sổ ra chiều đăm chiêu suy nghĩ. Gió thổi nhè nhẹ, cây cối rì rào. Hình như mỗi lúc gió thổi một mạnh hơn vì bỗng nhiên Mai nghe tiếng cánh cửa mở tung đập vào vách. Mai hốt hoảng quay lại gọi:
 
- Anh Tuấn, lại đây xem!
 
Tuấn chạy lại bên cửa sổ, vừa kịp nhìn thấy một bóng đen lủi nhanh về phía nhà ngang. Tuấn chỉ kịp nhận ra bóng một người đàn ông có mái tóc dài, bạc phơ, bay lất phất theo chiều gió.
 
Mai hồi hộp hỏi nhỏ:
 
- Anh thấy không?
 
- Một ông già… chạy thật lẹ.
 
Mai quả quyết:
 
- Chắc chắn ông ấy vào trong nhà ngang rồi.
 
Tuấn chợt rùng mình trước hình bóng ma quái vừa thoáng gặp, lo lắng hỏi:
 
- Bóng người ấy lủi nhanh vào nhà ngang làm gì nhỉ?
 
Suy nghĩ giây lát Mai nói:
 
- Có thể lão già ấy đến đây vì cái hộp…
 
- Cái hộp của tụi mình?
 
Mai gật đầu:
 
- Ừ. Theo Mai nghĩ thì xưa kia ông già Hách – chủ cũ trang trại nầy – là người hà tiện vì ông chỉ sống có một mình, không muốn giao du, gặp gỡ ai hết. Những người hà tiện thường giấu những của cải họ thu tích được. Vậy cái hộp được giấu kỹ trên gác xép mà chúng ta tìm thấy có thể chứa kho tàng của ông Hách. Còn ông già lúc nãy chắc biết trong hộp có gì nên mới tới đây lấy mất của tụi mình.
 
Tuấn hỏi vặn:
 
- Cái hộp nhỏ xíu mà chứa kho tàng gì được?
 
- Phải rồi. Nhưng Mai muốn nói trong đó chứa vật gì quý giá hay… hay… tấm bản đồ chỉ chỗ giấu kho tàng chưa biết chừng.
 
Cả hai cùng yên lặng nghĩ đến khám phá quan trọng vừa qua. Thích thú với ý nghĩ kho tàng bí mật với bản đồ tưởng tượng, hai anh em quên hẳn cái hộp đã mất. Tuấn tưởng tượng mình đang lao mình vào một cuộc phiêu lưu kỳ thú và hai anh em sẽ tìm ra một kho tàng giấu kỹ ở một nơi bí mật nào đó. Chắc chắn anh Minh, anh Danh sẽ lé mắt vì hành động của hai em. Chỉ nghĩ đến điều ấy thôi, hai đứa đã tạm thấy hãnh diện lắm rồi.
 
Lên giường ngủ, Tuấn còn dặn:
 
- Tụi mình nhớ giữ kín chuyện nầy nghe Mai!
 
Mai hăng hái:
 
- Được rồi. Yên chí đi mà.
 
Cả hai cùng cười. Mai nói thêm:
 
- Thật tức cười. Nếu chú Bảy không phạt bọn mình phải dọn cái gác xép, sức mấy mà mình tìm ra cái hộp. Trong cái xui bao giờ cũng có cái hên, phải không anh Tuấn!
 
 
 
2
 
 Sau một đêm dài, nông trại Bích câu như bừng tỉnh cùng một lúc với ánh bình minh. Tiếng gà vịt om sòm, tiếng lợn ủn ỉn trong chuồng tạo nên một âm thanh hỗn độn. Cô chú Bảy, từ hai tháng nay là những người phải dậy đầu tiên. Cô Bảy vội lo dọn bữa ăn sáng cho cả nhà gồm hai vợ chồng, một đứa con gái, hai người giúp việc và bốn đứa cháu về nghĩ hè. Chú Bảy sửa soạn lên rẫy.
 
Cô chú Bảy đều là những người khỏe mạnh, chất phác. Họ ưa một cuộc sống yên tĩnh trong sự cần cù làm việc. Vì thế họ mới tìm mua cái nông trại xa xôi giữa vùng Cao Nguyên hẻo lánh nầy. Tuy vậy, trang trại cũng không xa thành phố Ban Mê Thuột bao nhiêu. Họ rất hài lòng khi mua được trang trại nầy.
 
Chú Bảy sửa soạn vừa xong thì cô Bảy cũng dọn lên bữa ăn sáng. Chú với người làm quây quần bên mâm xôi đậu xanh. Một đĩa mè rang với đậu phộng, trộn lẫn muối với đường thơm phức. Vừa ăn, chú Bảy vừa hỏi Mạnh, người giúp việc của chú, xem anh ta ngủ có ngon không.
 
Anh Mạnh trả lời:
 
- Dạ ngon. Chỉ có tiếng cửa kêu kèn kẹt làm tức cả mình, chắc tại gió. Lát nữa tôi coi lại xem sao.
 
Anh Mạnh là người ở vùng nầy, bản tính chất phác như ngô khoai của ruộng đất. Trông anh vạm vỡ khỏe mạnh lạ.
 
Còn đang ăn thì Minh và Danh xuống. Cả hai chào mọi người rồi ngồi vào bàn ăn. Minh ăn thấy ngon như chưa từng ăn xôi đậu xanh bao giờ. Ăn xong, Minh, Danh xin chú Bảy cho lên rẫy chơi. Chú Bảy bằng lòng. Hai anh vội vã theo chú Bảy.
 
Khu rẫy của chú Bảy cách xa trại chừng vài trăm thước, ở lưng triền núi. Trên đó có một bãi cỏ phẳng, rộng, chú Bảy làm rào chung quanh để thả bò. Chú nói với Minh, Danh:
 
- Trên này đất rất tốt. Cứ nhìn cỏ mọc xanh mơn mởn, bò ăn không hết đủ biết đất màu mỡ chừng nào. Chú thích nhất bãi cỏ đó. Đất vừa rộng, vừa phẳng phiu như cánh đồng lại sẵn cỏ ngon nuôi vài chục con bò là tốt nhất. Tuy nhiên có cái bất tiện là hơi xa trại. Đường lên chỉ có thể đi bộ thôi chứ không mang xe bò lên được.
 
- Như vậy tới mùa vỡ khoai, sắn hay bắp ở trên rẫy làm sao chú mang ra tỉnh được?
 
- Chú quên không nói, chỉ có phía từ trại mình lên là khó thôi, còn về phía biệt thự Tùng Lâm có đường xe lên dễ dàng. Mình có thể đi nhờ đường đó ra tỉnh rất tiện.
 
Vừa đi đến khúc quẹo, một bóng người từ trong lùm cây bước ra. Đó là một người đàn ông dong dõng cao, mặc bộ quần áo nhà binh đã bạc màu, chiếc mũ lính trùm xuống gáy và hai tai trông thật tức cười. Một mớ tóc dài điểm bạc thò ra khỏi mũ. Nước da đen xạm của ông ta tạo cho khuôn mặt rắn rỏi thêm vẻ dữ tợn.
 
- Chào ông chủ trại, chào các cậu.
 
Vừa nói ông ta vừa giơ tay ngang mắt chào theo kiểu nhà binh. Giọng nói, cử chỉ lộ vẻ thân mật chứ không có vẻ gì dữ tợn cả.
 
Chú Bảy chào lại:
 
- Chào ông cai Bần. Ông đi đâu sớm thế?
 
Hình như không để ý đến câu hỏi, cai Bần cười tiếp:
 
- Ông đã biết tên tôi rồi à? Vậy khỏi cần giới thiệu. Hình như ông là chủ mới của trại Bích Câu phải không?
 
- Không giấu chi ông, tôi mới về đây hai tháng thôi.
 
Cai Bần cười nhe hai hàm răng vàng khè vì khói thuốc.
 
- Ông thật can đảm đó. Ông không nghe người ta nói gì về trại Bích Câu của ông già Hách hay sao?
 
Không đợi chú Bảy trả lời, cai Bần tiếp:
 
- Lão hách là người kỳ cục. Lão không nói với ai bao giờ. Lão tránh tất cả mọi người. Lỡ gặp ai, lão cúi gầm mặt mau chân lủi mất, dáng điệu y như con chó ăn vụng bột vậy.
 
Minh, Danh phá lên cười vì lối so sánh của cai Bần. Chú Bảy hình như cũng thích nghe nói về lão Hách nên chú hỏi:
 
- Chắc ông cai biết rõ lão Hách lắm nhỉ?
 
Cai Bần mỉm cười:
 
- Thì cũng như ông thấy tôi hôm nay vậy. Lão Hách chỉ giao tiếp với một người, một loại phù thủy người Thượng, người Nùng gì đó. Không rõ hắn gốc gác ở đâu. Người ta kể rằng hồi còn trẻ hắn bị đuổi khỏi buôn làng vì phạm một lỗi nào đó đối với thần linh. Hắn lang thang đây đó. Sau cùng hắn phiêu bạt đến đây. Hắn cất một cái chòi trên núi để ở và sinh sống bằng nghề gia truyền là nghề phù thủy, thầy thuốc. Đòn phép của hắn không lấy gì làm ghê gớm lắm. Vài đạo bùa, vài thứ lá hái trên núi bỏ gọn trong cái gùi đeo sau lưng.  Bằng ấy thứ cũng đủ làm dân trong vùng kiêng nể hắn. Vì không biết tên, người ta gán cho hắn cái tên Nùng Ô, có lẽ vì nước da đen thui của hắn. Xem chừng hắn cũng bằng lòng với cái tên ấy. Bây giờ hắn cũng già rồi, thấy ít xuống núi lắm.
 
Chú Bảy tò mò:
 
- Ông cai nói lão Hách tin vào Nùng Ô lắm phải không?
 
- Chắc thế. Vì chỉ có Nùng Ô săn sóc cho lão Hách khi lão gần chết. Người ta bảo lão đau đầu, nhưng tôi cho là lão đau vì đàn bò. Đàn bò của lão khoảng hai chục con tự nhiên cứ lăn quay ra chết dần. Nùng Ô săn sóc cho lão không chừng làm cho lão chết sớm hơn vài năm. Thuốc lá cây rừng với bùa ngải mà chữa bệnh gì được. Nùng Ô chỉ làm hại chứ không giúp ích ai được đâu. Từ mười năm nay tôi không hề nói với hắn nửa lời.
 
Cai Bần ngừng nói, đưa mắt nhìn lên phía núi cao như có ý tìm cái chòi của Nùng Ô ẩn hiện đâu đó sau lùm cây. Đôi mắt cai Bần chiếu ra những tia oán hận. Cai Bần quay lại mỉm cười:
 
- Ồ, tôi đứng đây nói tràng giang đại hải với ông làm mất thì giờ của ông quá. Thôi lên rẫy cho sớm, lần khác sẽ gặp lại. Chào ông, chào các cháu.
 
Cai Bần giơ tay chào như lúc mới gặp rồi nhanh nhẹn quay gót.
 
Chú Bảy nói:
 
- Cai Bần là người duy nhất ở đây còn nuôi một đàn bò lớn độ vài trăm con. Ông ta sống một mình, tự tay làm lấy mọi việc. Đàn bò của ông cha để lại mỗi ngày mỗi đông thêm. Ở một mình còn biết nói chuyện với ai, nên mỗi khi gặp ai là ông ấy lại nói liên hồi như để bù lại những lúc yên lặng một mình.
 
- Thưa chú, sao tên ông ta lại là cai Bần?
 
- À, dân ở đây gọi lão như thế. Nghe đâu ông nội lão tên là Bần. Khi còn trẻ ông ấy đi lính làm tới chức cai đội gì đó. Về hưu đi đâu người ta cũng gọi là cai Bần, mãi rồi thành thói quen. Đến đời con, rồi đời cháu, người ta không biết tên gì khác ngoài cái tên cai để gọi. Cai Bần bây giờ là cháu.
 
Minh nhận xét:
 
- Ông cai có vẻ vui tính và tử tế. Mới gặp đã quen ngay.
 
- Hôm nào rảnh, các cháu sẽ lên thăm ông ta. Chắc các cháu sẽ được nghe nhiều chuyện thú vị.
 
Danh mơ mộng:
 
- Dám cháu phải xin chú ở với ông ấy một ngày để nghe chuyện không thôi.
 
Anh Mạnh lùi lũi đi trước đã bỏ cách xa chú Bảy và anh em Minh, Danh. Anh đang leo lên dốc. Bỗng nhiên anh đứng lại, ngập ngừng rồi làm hiệu cho ba người lên mau vì hình như có chuyện gì lạ xảy đến cho đàn bò của chú Bảy.

________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 3, 4