CHƯƠNG III
Tôi giật
mình tỉnh giấc vì tia nắng quái ác xuyên qua cửa sổ chiếu vào mặt tôi. Có lẽ
khoảng tám giờ. Tôi nghĩ vậy. Tôi ngồi bật dậy, hất tung chăn gối cái dưới đất,
cái trên giường, vặn mình uể oải. Tôi bước lại gần cửa sổ thò đầu nhìn xuống đường.
Sinh hoạt buổi sáng ồn ào như nỗi hân hoan của tôi khởi đầu cho những niềm hy vọng
tiếp nối vươn lên. Tôi hồi tưởng lại những gì tôi đã nói với Diễm chiều qua.
Tôi nhớ đến những giấc mơ thật đẹp còn sót lại trong tiềm thức!... Tương lai của
tôi sẽ rực rỡ và huy hoàng như tia nắng chói chang này. Phải thế mới được. Dù
sao tôi cũng đã ý thức kịp thời con đường mà tôi đang đi. Ta sẽ trở lại từ khởi
điểm!... Bắt đầu từ những tin tưởng mãnh liệt vào khả năng và kiến thức của
tôi. Ngày mai! Cái ngày mai gần gũi đó tôi không còn là anh chàng sinh viên Luật
lè phè nữa. Con đường của tôi đi sẽ đẹp như con đường Chi Lăng của nhà Diễm.
Có một sự thay đổi vừa đến trong tôi. Tôi thầm cám
ơn Diễm. Ít ra lời nói của Diễm cũng đã có một tác dụng thật đặc biệt đối với
tôi. Tôi chưa tuyệt vọng. Tôi không có quyền tuyệt vọng thì đúng hơn bởi vì tôi
có đủ nghị lực để mà chống chọi với mọi cám dỗ ở đời. Tôi đã nhận được sự lầm
đường của mình. Thế thì tại sao tôi không quay trở lại? Tôi biết tôi đang đi dần
vào ngõ bí. Tại sao tôi không tìm lối thoát ra. Tôi có bị kiềm chế bởi một áp lực
nặng nề nào đâu? Mọi quyết định chọn lựa hoàn toàn do tôi, chính tôi. Tôi không
hành động tức là tôi nhu nhược. Tôi không có quyền trách cứ và đổ lỗi cho bất cứ
một sự việc gì. Tôi phải tự trách tôi trước đã.
Thật vậy! Đồng ý lớp đàn anh của chúng tôi đã làm
hư chúng tôi. Nhưng nếp sống của họ, việc làm của họ có ép buộc tôi đâu? Tại
sao tôi phải nghĩ đến nó và đặt mình trong hoàn cảnh của nó!? Tôi có thể làm
ngơ trước mọi hoạt động của họ để sống cho đúng với lý tưởng đời mình cơ mà?
Tôi lên án họ trong khi tôi cũng đang tiếp nối con đường của họ. Bậy hết sức.
Tôi hổ thẹn khi nhìn lại mình.
Tôi nghĩ theo Khoa nào cũng vậy. Khoa nào cũng có
cái thành phần lè phè, thụ hưởng của nó. Theo được hay không, đi có đến đích
hay không là tự bản năng của mình. Đã chấp nhận thụ hưởng thì theo Khoa nào
cũng thế thôi. Tương lai đời mình do chính mình định đoạt. Nghĩa là tôi phải có
thái độ dứt khoát với chính tôi. Học hay là chơi. Có thế thôi. Và tôi đã quyết
định: học. Tôi đã tự thắng khi tôi quyết định như vậy. Và khi quyết định như vậy
tức là tôi đã chấp nhận xa lánh bạn bè. Xa lánh cám dỗ luôn luôn quấn quýt bên
tôi. Tôi muốn nói đổi thay là ở chỗ đó.
Liệu tôi có làm được như vậy hay không? Trong khi
những tên Dương, Dũng, Bằng quá quen thuộc, quá thân thiết với tôi. Dù sao
chúng tôi cũng đã sống với nhau suốt tám năm trời. Tám năm trời, khoảng thời
gian dài đằng đẵng đã xiết chúng tôi dính chặt với nhau bằng sợi dây tình bạn đằm
thắm. Tôi sợ tôi không thể xa nổi chúng nó, cũng như chúng nó không thể xa tôi.
Bằng chứng là cả bốn chúng tôi đều chọn Luật khoa.
Hẳn Dương, Dũng, Bằng sẽ rất kinh ngạc và phẫn nộ nếu
tôi âm thầm tách rời bọn chúng. Tôi sẽ đón nhận những lời sỉ vả thậm tệ. Tôi sẽ
thấm thía với nỗi cô đơn. Tôi sẽ hối tiếc vì tôi không thể tìm lại được những đứa
bạn thân thiết như anh em ruột thịt, chia nhau từ gói xôi đến miếng bánh. Tình
bạn của chúng tôi quá đẹp. Đẹp hơn cả những tình bạn được vẽ vời trong tiểu
thuyết. Vì thế tôi sợ…
Nhưng (lại chữ “nhưng” định mệnh)… tôi không thể yếu
đuối như vậy được. Dương, Dũng, Bằng không thể ích kỷ như vậy được. Chúng phải
hiểu tôi và thông cảm cho tôi. Chúng phải biết ý thức để kịp thời quay trở lại
như tôi. Và bây giờ, tôi vô tình là kẻ có trách nhiệm đối với chúng. Tôi phải
đi tiên phong để chúng mở mắt ra nhìn thấy sự thật. Tôi phải lái những tia nhìn
của chúng sang một hướng khác. Tôi đang cầm lái con thuyền tương lai của chính
tôi và bọn Dương, Dũng, Bằng. Tôi phải thuyết phục cho bằng được chúng. Điều
này hơi khó nhưng tôi có thể làm được! Tôi tin như vậy.
Tôi chỉ cần kéo thêm một đồng minh về phía tôi: Tôi
chấm Bằng. Dù sao Bằng cũng có vẻ “chịu khó” hơn hai đứa kia. Chỉ cần Bằng theo
tôi là tôi đã thành công. Tôi mỉm cười hy vọng.
Tôi rời cửa sổ, bước xuống nhà dưới, vệ sinh sáng
xong xuôi, tôi sửa soạn đến trường.
Bước ra khỏi nhà, linh tính báo cho tôi biết bộ mặt
của thành phố hôm nay có một cái gì khác lạ. Chắc lại có một đổi thay gì hoặc
chính biến nào cho nên thiên hạ mới xôn xao như vậy!? Đó là thói quen của người
dân Việt Nam. Chỉ cần nghe thoáng một tin tức gì khá giật gân là họ có thể dùng
đế tài để mà khai thác, loan truyền khắp nơi. Tôi vẫn chưa hay biết gì cả và
tôi cũng chẳng muốn biết để làm gì. Bởi vì thú thật tôi rất ghét nghe tin tức ở
radio và ngay cả những tin đăng trên báo. Nếu cần phải vớ một tờ báo xem cho đỡ
buồn thì chỉ có trang trong mới dược chiếu cố. Đó là một tật xấu mà tôi không
thể bỏ được.
Dự đoán của tôi quả thật không sai. Vừa lần mò đến
cổng trường tôi đã nhận ngay ra bầu không khí ồn ào và khuôn mặt quan trọng của
nó. Tôi còn đang ngơ ngác trước mọi biến chuyển mới thì đã nghe tiếng của Dương
gọi từ bên kia đường. Tôi vòng xe trở lại, nhập bọn với Dương, Dũng, Bằng. Vừa
ngừng xe trước mặt chúng, tôi hỏi ngay:
- Gì thế
mày?
Dương ngạc nhiên:
- Mày chưa
hay gì sao?
Tôi rút một điếu thuốc kẹp lên môi, lắc đầu:
- Chưa!
Dương tiếp:
- Chúa thật!
Chuyện quan trọng vậy mà mày cứ tỉnh bơ.
Tôi gắt:
- Mà chuyện
gì mới được chứ?
Bằng trả lời:
- Nghe đây
ông! Địch tổng tấn công. Ta tổng động viên.
Tôi hơi giật mình:
- Thật hay
đùa?
Dũng phì cười:
- Cứ làm như
nằm mơ không bằng. Trường đóng cửa, tụi mình chờ lệnh gọi nhập ngũ. Thật hay
không chờ vài ngày nữa có giấy mời rồi sẽ biết.
Tôi nhìn sang bên kia đường, cổng trường khép kín, tấm “băng rôn” trắng, viết chữ đỏ nằm ngang tầm mắt với hàng chữ “trường đóng cửa kể từ hôm nay”. Thế là tôi được “nghỉ hè” sớm hơn dự định. Mùa hè này chắc hấp dẫn vô cùng vì chúng tôi sẽ được đi “du ngoạn” ở quân trường. Tôi cũng không hiểu sao tôi lại quá bình tĩnh trước một sự việc xảy ra thật đột ngột như vậy!? Ba tiếng “Tổng động viên” đã không làm cho tôi lo âu hoặc xúc động một chút nào cả. Có lẽ tôi nghĩ đó là một bổn phận, một việc phải đến mà tôi đã chờ từ lâu.
Tôi nhìn Dương, hỏi một câu thật ngớ ngẩn:
- Bây giờ sao?
Dương nhíu mày:
- Sao là sao? Tiếp tục ăn chơi chờ ngày lên đường chứ còn sao nữa?
Tôi im lặng, Dũng nói:
- Tao chờ nó từ lâu rồi.
Tôi bật cười:
- Chỉ được cái phét! Cứ làm như là tiên tri không bằng!
Bằng lên tiếng:
- Tao thì… tao không ngờ có ngày hôm nay. Tao lại cứ tưởng chẳng đời nào mình thành dân kaki mới chết chứ.
Dương đùa:
- Điệu này tụi mình có “thớ”.
Tôi hỏi:
- Thớ gì?
Dương tiếp:
- Con trai đi lính hết. Sài Gòn còn toàn là con gái với tụi “hỉ mũi chưa sạch”, đương nhiên chúng mình có thớ rồi còn gì nữa!
Tôi hát:
- “Trả lại em yêu… khung trời Đại Học… con đường Duy Tân…”
Bài hát thật hợp tình hợp cảnh! Tôi cũng không hiểu
tôi cất tiếng hát lên trong trạng thái nào? Vui hay buồn? Đứng trước một biến cố
quan trọng, một khúc quanh của cuộc đời, tôi vẫn thật dửng dưng. Tôi coi đó như
một sự an bài của Thượng Đế. Một đổi thay mà tôi tin chắc rằng nó phải xảy ra.
Bây giờ Diễm có muốn cãi tôi cũng không được. Lần này thì không phải do tôi chọn lựa mà do chính phủ quyết định, xếp đặt cho chúng tôi. Có lẽ Diễm cũng nghe tin này rồi. Không hiểu Diễm nghĩ gì? “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” Diễm ạ! Em và anh, chúng ta cùng sắp đặt một tương lai thật huy hoàng rực rỡ, em đặt hết tin tưởng vào anh như anh đã đặt hết tin tưởng vào bản năng và nghị lực của mình. Nhưng… thật là quái ác em nhỉ. Vừa vặn lúc anh tỉnh ngộ quay về với con đường của mình để chuẩn bị cho một tương lai tươi sáng thì anh phải xếp bút nghiên theo việc đao cung. Phải chăng đó là định mệnh?
Anh linh cảm chúng mình bắt đầu xa nhau kể từ giây
phút này. Không hiểu tại sao anh lại nghĩ như vậy? Dường như đó là một thiệt
thòi đầu tiên trong muôn ngàn thiệt thòi mà anh sẽ phải đón nhận nó trong suốt
kiếp sống phiêu bạt sắp đến. Anh đã từng nghe nói nhiều về sự thiệt thòi, thua
lỗ của một người chiến binh. Anh sẵn sàng tiếp đón nó như anh đã từng chấp nhận
kiếp làm người kể từ ngày được khai sinh hiện diện.
- Lại nghĩ về em!?
Tôi giật mình vì câu đoán mò nhưng rất đúng của Dương. Tôi gật đầu thú nhận. Dương tiếp:
- Đến trường em đi.
Câu nói vừa dứt ở cửa miệng, cả ba chúng tôi hân
hoan đồng ý. Bốn đứa trên bốn chiếc xe Honda tách ra khỏi rừng người, hướng về
phía Thống Nhất. Dương đi kèm bên tôi, tôi nghe hắn hát tiếng mất tiếng còn.
- “Trả lại em yêu, khung trời Đại Học. Con đường Duy Tân, cây dài bóng mát. Buổi chiều khuôn viên, mây trời xanh ngát. Vết chân trên đường, vẫn chưa phai nhạt!...”
Bài hát làm tôi nổi hứng, giọng oang oang:
- “Anh sẽ đi ra về miền cát nóng. Nới có quê hương, mịt mù thuốc súng. Anh sẽ ra đi về miền mênh mông. Cơn gió cao nguyên, từng đêm lạnh lùng!...”
Ừ, trả lại em yêu. Trả lại Diễm yêu khuôn viên trường Luật, con đường Duy Tân dấu ái của hai đứa mình. Trả lại Diễm yêu ngôi trường Trưng Vương, con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và những buổi chiều ngô nghê đứng chờ. Trả lại em tất cả, anh sẽ miệt mài ra đi. Ôm theo một khối nhớ, hành trang là những kỷ niệm chất đầy theo ngày tháng!...
Bốn đứa dừng lại xế cửa trường Trưng Vương. Dương nói:
- Tí nữa đến “giờ riêng” của mỗi đứa. Cấm xâm phạm.
Tôi hưởng ứng:
- Khỏi nói! Tao “xí” gốc cây đằng kia.
Mỗi thằng chọn một gốc cây làm địa điểm hẹn hò.
Tôi thọc hai tay vào túi quần, đưa mắt nhìn quanh một
lượt khung cảnh nơi đây. Khung cảnh quen thuộc này sẽ không bao giờ tàn phai
trong ký ức tôi. Dù sao nó cũng là một kỷ niệm. Một kỷ niệm lớn thì đúng hơn. Bởi
vì quãng đời thơ ấu của tôi đã chôn vùi tại nơi này suốt bảy năm trời. Chưa kể
hình ảnh của Diễm với ngôi trường cổ kính dấu yêu, bức tường vàng uất vôi. Chưa
kể con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm sâu hun hút dài thườn thượt mà chúng tôi vẫn thường
cúi đầu đếm bước vào những buổi chiều vàng thanh thản hay những buổi sáng mùa
thu buồn ảm đạm. Chưa kể con đường Nguyễn Du đẹp não nùng trong rừng lá me bay
mà mỗi lần lạc vào đây tôi tưởng tượng nó là một con đường nào đó của thành phố
thông reo buồn vợi. Còn nhiều cái “chưa kể” quan trọng lắm, nhưng thôi, tạm cất
vào tủ đời bởi vì tiếng chuông giờ ra chơi đã vang lên, đánh thức tôi tỉnh dậy.
Tôi cố giữ khuôn mặt thật tỉnh để tránh gây xúc động cho Diễm. Diễm yếu đuối như muôn người con gái khác. Diễm có thể bật khóc dễ dàng khi thấy tôi, người yêu của Diễm, đang rơi vào vực thắm, đang xa dần vòng tay bé bỏng của Diễm. Những con “bồ câu trắng” đã bay ra khỏi chuồng. Khuôn mặt các cô hôm nay cũng không được vui. Có lẽ các cô buồn cho hoàn cảnh của đất nước và lo cho thân phận của chúng tôi chăng? Cảm động quá. Tôi cảm động đến độ muốn gom tất cả các nàng lại, quây quần bên tôi, nghe tôi kể chuyện, xem tôi “trình diễn”. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ của tôi thôi và ý nghĩ đó đã bay cao khi Diễm xuất hiện từ xa đi lại.
- Anh!
- Diễm!
Bốn mắt nhìn nhau, môi mấp máy tiếng gọi thân yêu. Thật vô tình tôi và Diễm là hai “diễn viên” bất đắc dĩ đang trình diễn trước mắt mọi người. Tôi hơi đỏ mặt, xoay người đưa lưng về phía những “con mắt trần gian” tò mò theo dõi chúng tôi. Tôi nói với Diễm:
- Diễm đã nghe tin tức?
Diễm xích lại gần tôi hơn tí nữa. Hai bàn tay thon nhỏ đang vò nát chiếc khăn tay vô tội. Diễm ngước nhìn tôi:
- Vâng!... Liệu anh có phải đi không?
Tôi dí mũi giày xuống mặt đường:
- Kể ra thì chưa phải đi!... Nhưng rồi cũng phải đi.
Diễm tròn mắt:
- Sao lạ vậy?
- Tại anh vẫn được hoãn nếu thi đỗ năm nay… Nhưng em thấy đó. Bài vở không học qua một chữ, ngày thi lại gần kề… Chẳng nhẽ cầu xin một ân huệ? Một may mắn bất ngờ?
Một vài giây yên lặng. Diễm trách móc:
- Cũng tại anh.
Tôi bật cười:
- Ừ, thì tại anh! Anh có oán than gì đâu?
Diễm nhăn nhó:
- Vậy mà anh còn cười được?... Anh bướng lắm. Diễm đã nói với anh từ đầu niên học mà anh chẳng chịu nghe Diễm tí nào cả. Hơi một tý thì anh bảo lè phè cũng đỗ… Bây giờ…
Tôi ngắt lời:
- Bây giờ anh cũng đỗ… mà đỗ vào “Võ Khoa”.
Bao nhiêu tức giận Diễm dồn hết vào bàn tay trái véo tôi một cái thật đau. Tôi gồng mình thách thức:
- Ăn thua gì! Anh chỉ sợ mỗi cái đòn “cắn” của Diễm thôi.
Diễm nghiêm nét mặt:
- Không đùa nữa!... Bao giờ anh đi?
Tôi nhìn trời:
- Chưa biết! Nhưng có sớm thì cũng khoảng tháng bẩy hoặc tháng tám.
- Bây giờ anh toại nguyện rồi nhé.
- Toại nguyện? Anh cũng không hiểu anh có toại nguyện hay không nữa? Bởi vì khi đứng trước sự việc xảy ra, anh không hân hoan mà cũng chẳng buồn phiền. Anh có cảm tưởng như cuộc đời của anh rồi sẽ gắn liền với hai chữ “binh nghiệp”. Anh đã chờ nó từ lâu, vì thế anh rát thản nhiên. Thản nhiên đến độ gần như là anh đã đón nhận nó từ lâu lắm rồi. Đó có phải là định mệnh không em?... Anh nghĩ đó là định mệnh. Anh chỉ buồn một điều… Đúng lúc chúng ta đặt hết tin tưởng vào tương lai thì tương lai lại vụt mất. Chưa muộn để rồi trở thành quá muộn. Bây giờ không phải là lúc trở lại từ khởi điểm nữa mà là bắt đầu từ một khởi điểm khác phải không em?
- Thôi anh đừng nói nữa!
Tôi liếc nhìn qua gốc cây bên trái… Mỗi gốc cây một
cặp lướt qua đôi mắt tôi: Dương-Vy, Dũng-Ngọc, Bằng-Hồng. Khuôn mặt nào cũng đượm
vẻ quan trọng như tình hình chuyển biến hôm nay. Một biến cố lớn lao liên quan
đến tương lai, đời sống và tình cảm riêng tư của chúng tôi. Quả thật nó rất
quan trọng.
Rồi những hình ảnh tươi mát này có còn mãi trong cuộc sống của chúng tôi hay chỉ đến một khoảng thời gian nào đó, tất cả sẽ vuột đi thật ngỡ ngàng để ghi thêm một vết thiệt thòi trong lòng mỗi đứa!? Tôi đã nghĩ đến một thiệt thòi sơ khởi có thể xảy ra trong muôn ngàn cái thiệt thòi của người lính chiến. Thà như vậy để bầu trời u ám ngày mai không xa lắm nếu có đến, tôi cũng sẽ đón nhận nó thật dửng dưng như tôi đã từng chấp nhận một thua lỗ lớn lao trong cuộc đời. Can đảm của chúng tôi có thừa bởi vì chúng tôi đã quá quen với nỗi bất hạnh.
Giã từ sách vở quá sớm chăng? Khi chúng tôi mới có 22 tuổi đời! Kể ra thì cũng không sớm lắm đâu bởi vì đàn em của chúng tôi, có đứa giã từ sách vở từ năm 16, 17 tuổi! Vốn liếng của chúng tôi chỉ có ngần ấy. Sách vở bây giờ thật vô nghĩa. Vô nghĩa như mảnh bằng Tú Tài 2 của chúng tôi đối với đời.
- Anh!
- Gì Diễm?
- Chiều nay anh đến nhà Diễm nữa nghe.
- Phiền chết.
- Phiền cái gì? Bố mẹ Diễm đã biết anh rồi mà. Ông cụ còn đồng ý chọn anh làm “thầy giáo” kèm Diễm rồi đó. Ai dè chưa ngỏ ý định “thầy giáo” đã bỏ học trò.
- Gan nhỉ!
- Chứ sao!
Cử chỉ ương ngạnh của Diễm trông thật dễ thương. Tôi muốn tát yêu Diễm một cái nhưng kẹt vì chỗ đông người nên không biểu lộ được cử chỉ trên. Đến bây giờ tôi mới nhận thấy đôi mắt Diễm thật đẹp. Đẹp hơn cả những lúc Diễm mơ màng hay đắm đuối nhìn tôi. Tôi yêu đôi mắt buồn như khung trời đầy mây xám giăng ngang. Tôi yêu những tia nhìn sâu thăm thẳm như con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm dài thườn thượt giao nhau ở đoạn cuối. Tôi yêu từng cái chớp mắt nhẹ nhàng như yêu những giấc ngủ êm đềm đầy mộng mị…
Tiếng Dương gọi tôi:
- Ê, Nguyên!
Tôi quay lại hất hàm ra ý hỏi Dương. Dương tiếp:
- Hội nghị đi chứ?
Tôi gật đầu, không đầy một phút sau, cả bốn cặp chúng tôi quấn quýt bên nhau. Tôi lên giọng kẻ cả:
- Bao giờ các cô nghỉ hè?
Vy đáp:
- 12 tháng 6 anh.
Tôi gật gù:
- 15 tháng 6 picnic. 16 tháng 6 liên hoan họp mặt thay vì ngày 28. Đồng ý không?
Các cô vỗ tay hưởng ứng. Tôi tiếp:
- Kỳ này phải có quà cẩn thận đó nghe. Bởi vì bọn này sẽ trả lại các cô khung trời Trưng Vương và con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm với những lần hẹn hò đưa đón, khung trời Đại Học và con đường Duy Tân với những lần đón đưa...
Hồng đáp:
- Hôm nay anh Nguyên ăn nói “văn chương” quá.
Tôi đùa:
- Chuyện. Dân “Luật” mà!
Vy gài:
- À thì ra dân “Luật” quen ăn nói bay bướm rồi. Như vậy chắc “tán” cũng phải hay lắm!
Tôi giật mình:
- Ấy chết! Cho tôi xin! “Em” chả dám! Chuyện này thì chỉ có ba thằng ông mãnh này dám làm thôi.
Câu nói vừa dứt, các cô trổ tài “đanh đá”. Mỗi cô nắm
lấy cánh tay của mỗi chàng, tôi cũng là nạn nhân của Diễm. Mới nhìn vào, thiên
hạ có thể hiểu lầm là bọn này đang “âu yếm” nhau lắm. Có biết đâu những cái véo
thật đau đang để lại những vết bầm trên da thịt chúng tôi! Tôi đã quá quen với
“trận đòn” này, tôi để mặc cho Diễm “hành hạ” . Tôi nhìn Diễm thật lâu như đang
cố gắng cuốn hút khuôn mặt của Diễm ăn sâu vào tiềm thức…
_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV