Vài hàng giáo đầu
Thoạt tiên, nghĩa là tự lâu lắm rồi, thì bồ tèo với các Tuổi Hoa oe oe chỉ có những chàng
sữa mẹ. Ở Việt Nam ta thì khỏi phải nói, mặc kệ mấy ông xứ con trời cãi
nhau ỏm tỏi, nào là "Nhân chi sơ tính bổn thiện", nào là "Nhân chi sơ
tính bổn ác", dân ta cứ việc ngâm nga "Nhân chi sơ, sờ vú mẹ". Cô cậu
Tuổi Hoa oe oe nào cũng vậy, a lê, bú mẹ cái đã!
Kịp đến khi văn minh Tây Phương tràn qua thì chúng cũng du nhập vào nước ta thêm chàng
sữa bò lắm chuyện! Mương Sao đây, một tín đồ trung kiên của chủ thuyết
"Nhân chi sơ, sờ vú mẹ", trong bài viết dưới đây, xin phép bà con được
thẳng tay nốc ao chàng lắm chuyện này. Chắc rằng bà con vì có cảm tình
với chủ thuyết trên, vì sữa bò dạo này mắc mỏ, hoặc vì cảm tình riêng
với Mương Sao cũng nên, sẽ hoan hỉ mà đọc tiếp và sẵn sàng tha thứ cho
cái chủ quan quá khích của Sao này.
Sữa là gì đã chứ
Tự điển định nghĩa sữa là một chất lỏng sinh ra từ vú các loài cái dùng để nuôi con. Khoa học thì... khoa học hơn, bảo đó là một phẩm vật tiết từ hạch vú của người nữ hoặc do sự vắt từ vú các con vật. Thành phần của sữa đại khái gồm những chất chính như: Protid (đạm chất), Glucid (chất đường), Lipid (chất béo), Muối, Các khí hòa tan, Phân hóa tố, Sinh tố... Thành phần này thay đổi tùy theo nguồn gốc của sữa: sữa mẹ (tức sữa người), sữa bò, sữa trâu, sữa dê...
Ở đây, Mương Sao chỉ xin đề cập tới hai loại sữa: sữa mẹ và sữa bò mà thôi.
Lactobacilli, mi là ai?
Đó
là những tên vi trùng nhưng thay vì hại ta, lại rất có lợi. Trong sữa
nguyên chất, bất cứ từ nguồn gốc nào, các tên Lactobacilli này cũng hiện
diện cả. Sự hiện diện của chúng gây ra những tác dụng như sau:
- Phân tích đường để sinh ra các acid lactic.
- Sinh các yếu tố phát triển để giúp trẻ tăng trưởng.
- Sinh các sinh tố B1, B2, B6, B12.
Nếu
đứa trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, tức là sữa nguyên chất, nó sẽ được hưởng
những cái lợi đó bởi tác dụng của các tên vi trùng kia. Nhưng nếu đứa
trẻ bú sữa bò, chuyện gì sẽ xảy ra?
Chắc
bà con đều rõ, sữa bò thì đựng trong hộp, mà các hộp sữa thì được chế
tạo hàng loạt và phải trữ trong một thời gian khá lâu trước khi được
tiêu thụ. Do đó, để giữ cho sữa bò không hư, người ta đã thêm vào sữa
những chất bảo trì. Những chất này có công dụng sát trùng, trong lúc sát trùng, chúng sát luôn những tên lactobacilli có lợi! Tức là chúng tiêu diệt mất giá trị dinh dưỡng của sữa rồi còn gì!
Mương Sao vừa nốc-ao chàng sữa bò 1-0 rồi đấy! Bà con chịu chứ!
Cú nốc ao thứ nhì
Không
những vi trùng Lactobacilli có trong sữa nguyên chất, chúng còn có
trong ruột chúng ta nữa. Khi sữa bò vào tới ruột, chất bảo trì lại ra
tay một lần nữa khiến các tên vi trùng đang trú ngụ nơi này bị toi mạng.
Có rõ là chàng sữa bò vô tích sự chưa?
2-0 rồi đó!
Nếu muốn cao lớn như... bò!
Có một câu hỏi như sau: theo sự khảo cứu thì trong thực phẩm thực vật, như rau cỏ chẳng hạn, người ta thấy các chất Mg và K có nhiều hơn các chất Na và Ca. Trái lại, trong các thực phẩm động vật như thịt, cá, các chất Na và Ca nhiều hơn Mg và K. Câu hỏi được đặt ra: tại sao các chú bò chỉ ăn toàn là cỏ, tức thực phẩm thực vật có nhiều Mg, mà chú ta lại có cái xác to dềnh dàng, tức bộ xương to, tức cơ thể có nhiều Ca?
Kervran-Ohsawa trong thuyết biến dịch đã giải thích điều này. Ông cho rằng 4 nguyên tố Mg, K, Na, Ca có thể biến dịch (*) lẫn nhau. Giải thích về trường hợp trên như sau: Mg
có trong cỏ của bò ăn, kết hợp với Oxygen bằng cách hai nguyên tố này
tự phá vỡ cơ cấu điện tử để phối hợp thành một cơ cấu mới, đó chính là
cơ cấu của Ca:
(Mg có 12 điện tử, O có 8 điện tử, của hai chất này phối hợp lại là 20 chính là số điện tử của chất Ca)
Trở lại vấn đề sữa, như trên đã giải thích sơ qua, cơ thể của các chú bò rất dồi dào lượng Ca nên trong sữa của các... thím, lượng Ca cũng nhiều gấp bội lượng Ca trong sữa mẹ. Đứa trẻ sơ sinh mà cho uống sữa bò, tất nhiên sẽ hấp thụ nhiều Ca, có nhiều Ca trong cơ thể thì bộ xương sẽ phát triển mau và đứa trẻ rất có hy vọng lớn như... bò!
Nhưng chắc là chẳng ai muốn lớn như bò cả, phải không bà con? 3-0!
Và nếu muốn... ngu như bò!
Có rất nhiều Ca hơn trong sữa mẹ, nhưng chàng sữa bò nhà ta lại quá ít nguyên tố P,
một nguyên tố rất cần cho sự phát triển não bộ của đứa bé. Như vậy, rõ
ràng là đứa trẻ bú sữa bò sẽ có rất nhiều triển vọng trở thành... ngu
như bò bởi thiếu P để phát triển trí óc vậy. 4-0!
Nói xấu mãi, tội nghiệp!
Với
4 cú nốc ao trên, Mương Sao bỗng thấy mình ác độc quá đi bà con ạ. Và
vào một phút mà lòng trần như rũ sạch, hồn lâng lâng chìm đắm trong một
cõi vô vi, từ bi, bác ái của các tôn giáo (văn chương đấy chứ nhỉ?), Sao
này thấy rất cần phải cho chàng sữa bò một chút cứu vớt danh dự.
Mương
Sao viết đây: Tuy đối với các Tuổi Hoa oe oe, sữa bò mất chỗ đứng,
nhưng đối với quý vị Tuổi Hoa nhỏ nhỏ hoặc quý bà con, sữa bò xem thế
chứ cũng chưa đến nỗi nào lắm đâu. Này nhé, sau thời gian sơ sinh bú sữa
mẹ, phe ta đã có một trí óc khả dĩ khỏi... ngu như bò, nếu lợi dụng sữa
bò ở điểm có nhiều Ca của nó, phe ta cũng nhiều hy vọng bổ xương cốt để
trở thành cao lớn uy nghi lắm chứ. Lại nữa, hiện nay ta ăn uống quá
nhiều thực phẩm độc như thịt, đồ hộp, thực phẩm biến chế, lâu lâu cũng
nên xổ một lần cho sạch bụng. Mà muốn xổ, có một cách hay ho không ngờ:
uống sữa bò! Số là thế này, chất bảo trì và các protéine lạ của sữa bò
khi vào cơ thể ta sẽ khiến ta khó dung nhận, do đó, ta rất dễ bị nhột
bụng và (... chấm chấm chấm!) Uống sữa bò, vô tình ta đã tẩy các chất dơ
trong cơ thể mà không hay đó bà con ạ!
Lời nhắn ngắn
Đó
là lời xin lỗi riêng của Mương Sao gởi đến quý vị chủ nhân các hãng sữa
bò. Lời ít, ý nhiều, mong quý vị hiểu cho thì vạn hạnh lắm. Đối với bà
con nào đọc bài này mà có thân nhân làm ở hãng sữa bò, xin giấu nhẹm tờ
báo. Mương Sao rất đa tạ!
MƯƠNG SAO
(Viết theo tài liệu của 1 người bạn)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 203, ra ngày 15-6-1973)