Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

THI VÀ MÙA HẠ NHỚ - Hoài Miên


Buổi trưa nghe yên tịnh quá. Huy để đầu trần đi dần ra cổng, mắt nhìn ra đường tìm kiếm. Quái! Mới nghe thằng bé nó reo cà-rem lanh lảnh đây mà. Đang học bài khô cả cổ, Huy ao ước thưởng thức một cây kem mát lạnh, biết đâu cơn nắng gay gắt sẽ dịu đi được một ít. Con đường nhỏ nằm im say ngủ. Chùm hoa đỏ lắc lơ một tý. Đã thấy mùa hè rực rỡ trên những tàn cây. Huy chợt nhớ đến những ngày hè năm trước. Bãi biển xanh ngắt. Mặt trời chói chang. Huy thấy tuổi nhỏ êm đềm, êm đềm cũng như hàng cây phi lao phất phơ buồn trên bãi. Rồi những cơn sóng nhỏ đã đưa ngày đi xa, một lần... trong lãng quên. Nhưng chỉ là chùm bóng màu dễ vỡ. Căn nhà hiu quạnh. Huy đứng tần ngần, lắng nghe tiếng chim sâu hót. Chị Thái đi du học ở bên Mỹ chưa về, thầy mẹ về thăm người bác ở Vũng Tàu... Khoảng sân in màu vàng của nắng trưa làm nổi bật các bóng cây rợp mát. Ngoài giờ học, Huy giam mình trong phòng vùi đầu vào sách vở cho kỳ thi sắp đến, thiên nhiên lúc nào cũng cần khi Huy ngộp thở với những bài vật lý rắc rối.

Người vú già còn loay hoay dọn dẹp sau bếp, Huy khép nhẹ cửa lại và xách vài cuốn tập sang nhà Thi. Không hiểu cô bé làm gì trưa này? Huy ngước mắt nhìn tường nhà Thi, một ý nghĩ tinh nghịch nồi lên. Đu người lên nhánh cây trứng cá, Huy thẩy tập vào trong bờ tường trước. Buổi trưa trong vườn nhà Thi tẻ lặng lạ. Vài cánh bướm chờn vờn bên các khóm hoa Lan. Lối đi lát sỏi lạo xạo dưới chân. Đến chiếc ghế đá, Huy ngồi xuống suýt soa nơi khuỷu chân. Vết trầy đỏ hiện ra. Mình ngu quá! Nổi hứng đột nhập nhà Thi bất tử mà bị thương tích như vầy, cô nàng lại cười vào mũi cho. Từng chiếc lá rơi lặng lẽ. Hương hoa sứ thoang thoảng. Huy nhắm mắt, tưởng tượng ra gương mặt tròn trĩnh, ưa nhõng nhẽo của Thi. Bài học chợt chắp cánh bay cao. Trời xanh quyến rũ hơn cả.

- Anh Huy!

Thi tới sau lưng từ lúc nào, tóc cột cao để lộ vầng trán đẹp thông minh. Bộ đồ hồng tươi mát những giọt nước lóng lánh, li ti. Huy nheo mắt:

- Mới tắm xong?

- Nực ghê đi, anh thấy không? Ngoài vườn chả có tý gió nào hết!

- Thế biết Huy tới sao ra đây?

- Không. Anh đến cách nào hay vậy?

- Leo rào!

- Eo ui! Có lọi cẳng chưa?

- Mới trầy sơ sơ!

Huy giơ bàn chân lên. Thi cúi nhìn, mặt cô bé như chính mình bị đau. Biến đi giây lát, Thi trở ra với lọ thuốc đỏ. Một áng mây nào trôi ngang, ánh nắng dịu hơn. Huy không thấy đau mà chỉ hơi cảm động.

- Thi sắp nghỉ hè rồi hở?

- Còn học hai tuần.

- Sướng nhé! Tha hồ đi chơi Đà Lạt, hoặc Cấp...

Thi lắc đầu. Huy nhớ ra mẹ Thi, người vợ thứ của ba Thi, sẽ có thể cho cô con gái sống trọn tháng hè trong nội trú. Mẹ ruột Thi có đôi mắt to nhiều tình cảm và hồi trước Huy thường đòi bà đàn dương cầm cho nghe, những bài nhạc êm đềm réo rắt. Có lẽ giờ đây mẹ Thi đang dạo những cung nhạc thần tiên ở một nơi nào khác, cao vời hơn...

Chỉ còn lời nói êm đềm ngày nào Huy giữ làm kỷ niệm về mẹ Thi: "Cậu bé nầy nữa lớn nghệ sĩ lắm đấy!" Huy mỉm cười, nghệ sĩ thời này có nhiều hạng khó mà định nghĩa cho đúng được. Thi học trường đạo, cô bé vẫn hay đi đến nhà nguyện và hay kể Huy nghe về những chuyện các thánh tử vì đạo. Câu chuyện rút từ kinh thánh được thuật lại với vẻ sùng kính say mê. Huy vẫn thích nghe tuy mình ngoại đạo. Mặt cô bé lúc này trông bàng bạc một nét buồn. Huy cố moi móc trong trí xem Thi có giống một vị nữ thánh nào không. Thi bối rối cười trước cái nhìn soi mói đó và chớp mắt nói nhỏ:

- Thi không thích đi đâu nữa cả! Có ích gì nhỉ?

Nắng cũng buồn như sợi khói sầu vương mắt Thi. Huy đứng lên, cố che lấp sự xúc động.

- Nói chuyện gì khác đi. Huy ghét Thì sentimental lắm! Và những giọt nước mắt sẽ là đồng minh của sự bi quan...

- Thế Huy thích coeur dur hả?

- Huy muốn thấy Thi vui lên thôi.

- Nhưng không được, Thi sợ ngày mai...

- Ngày mai thì sao?

- Ngày mai Thi lại vào trong nội trú. Hơn nữa những ngày mai kế tiếp cũng không nói lên được gì cả. Anh thấy không?

- Thi triết lý như bà cụ non!

Cả hai cùng cười ròn rã. Ánh nắng đã ngã sang màu lợt lạt. Tuổi trẻ không phải đi tìm. Huy ngó Thi, một niềm vui nhỏ nhoi chưa tắt hẳn vì nắng còn đó, còn reo trên cây lá...


HOÀI MIÊN   
(Gia Định)     




(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 29, ra ngày 8-7-1972)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com/