Dưới
thời Trần Nhân Tôn (1279-1293), Vua Mông Cổ tự ý phong Trần Di Ái làm
An Nam Quốc Vương rồi sai sứ giả Sài Thung thống lãnh 1000 quân đưa về
nước. Nhưng khi đến cửa Nam Quan, Sài Thung bị bắn mù một mắt chạy về
Tàu.
Cuộc
chiến tranh giữa Việt Nam và Mông Cổ vì thế bùng nổ lần thứ hai. Vua
Trần Nhân Tôn bèn triệu tập các bô lão tại điện Diên Hồng để bàn xem nên
hòa hay nên chiến.
Kể
từ đó, hùng khí Diên Hồng ngùn ngụt dâng trào, chiếu sáng rực rỡ suốt
gần một ngàn năm lịch sử biểu dương ý chí sắt đá hào hùng của các bậc
anh hùng tiên liệt...
Y PHỤC:
- 2 NGƯỜI KHIÊNG CÁNG: Quần áo bà ba đen hay nâu, quấn khăn đầu dìu.
- LÍNH GỌI LOA: Áo nẹp, nón lá, quần xà cạp.
DỤNG CỤ:
- GẬY: cho các lão ông.
- QUẠT GIẤY: cho Thầy khóa.
- LOA, GIẤY CÁO THỊ: cho lính gọi loa.
- ĐÒN, VÕNG (bằng chăn dạ): cho 2 người khiêng cáng.
- BĂNG, THUỐC ĐỎ: Cho Lão ông III bị thương tích.
-
RÂU: Các em lấy loại dây cột đồ bằng nilon để trắng (nếu làm râu bạc),
bôi mực đen (nếu làm râu đen), rồi tước ra thành nhiều sợi nhỏ gắn trên
một gọng bằng dây thép, có thể đeo lên cằm.
(Mở
màn, sân khấu không có người. Lính gọi loa vào trước. Một tay cắp xô hồ
và chổi. Một tay cầm tờ cáo thị và cái loa. Đặt đồ lề xuống, phất hồ
lên tờ cáo thị rồi dán lên bảng. Khán giả nhìn thấy một tấm giấy chữ Nho
lớn, đóng triện đỏ).
LỚP I
Lính gọi loa
LÍNH (giơ loa lên gọi theo điệu bài hát HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG): Toàn dân nghe chăng, Sơn hà nguy biến, hận thù đằng đằng, nên hòa hay chiến?
(Toàn thể khán giả): QUYẾT CHIẾN.
LÍNH: Toàn dân nghe chăng, Sơn hà nguy biến, hận thù đằng đằng, nên hòa hay chiến?...
(Toàn thể khán giả): QUYẾT CHIẾN.
Giọng của lão ông I la lên: Trời... trời... Sao lại quyết chiến... Sao lại quyết chiến... Tôi chủ trương hòa. Có hòa mới sống được (Giọng nói kéo dài từ lúc nhân vật này đi từ hàng ngũ khán giả lên tới sân khấu).
LỚP II
Lính gọi loa. Lão ông.
LÃO ÔNG: (Phân bua với khán giả)
Thế
giặc hùng mạnh như chẻ tre, đi đến đâu ào ào như phong ba bão táp, Toa
Đô như hùm, Thoát Hoan như cọp, đường bộ thì Khả Ly thất thủ, Lộc Châu
tan nát, Kinh Bắc đang sửa soạn quằn quại kêu thương, đường thủy thì Toa
Đô như kình ngư quẫy nước, như thác đổ về nguồn, hạm đội Triều đình tan
nát như lá tre trước gió, tình thế như vậy mà không cầu hòa là mang lấy
họa diệt vong!
Lính gọi loa: Toàn dân nghe chăng, Sơn hà nguy biến, hận thù đằng đằng, nên HÒA hay CHIẾN?...
LÃO ÔNG I: (Quay lại dậm chân):
Biết
mình biết người, trăm trận đánh, trăm trận thắng... Các ông là người
của Triều đình, các ông phải thấy cái thế của ta với giặc là cái thế
châu chấu đá xe, cái thế trứng mỏng chọi với đá nghìn thu. Nay chủ
trương chiến đấu là đem muôn dân vào vòng khói lửa, nhà sẽ tan, cửa sẽ
nát, giang sơn cẩm tú này sẽ điêu tàn dưới sức mạnh giông bão của Thiên
Triều. Tôi phản đối! Tôi phản đối!...
(Quay lại khán giả) Có ai đồng ý với lập trường của tôi không?
(Thầy khóa ở trong hàng ghế khán giả): Tôi! Tôi đồng ý!... (Chạy lên sân khấu).
LỚP III
Lính gọi loa. Lão ông I. Thầy khóa
LÃO ÔNG I: A! Thầy khóa!...
THẦY KHÓA: Dạ... Tiểu sinh xin kính chào lão ông!
LÃO
ÔNG I: Ừ! Thầy là kẻ có học, đọc rộng hiểu nhiều, biết lẽ tới lui. Ngày
xưa Hai Bà Trưng cũng chỉ vì không tự lượng sức mình mà phải trầm mình
nơi sông HÁT. Thứ Sử LỤC DẬN sức mạnh là bao so với quân Thiên Triều
hiện tại mà Triệu Nữ Vương cũng phải tự hủy BỒ ĐIỀN. Rồi từ thời thuộc
Nam Triều, Bắc Triều, đến Nhà ĐINH, LÊ, LÝ có bao giờ dân tộc nhỏ bé
chúng ta không chịu thần phục. Thần phục để mà hòa. Hòa để mà yên ổn,
hòa để mà lấy an cư lạc nghiệp, hòa để mà thiên hạ thái bình, cái lý lẽ
sống còn đó lẽ nào có kẻ lại u mê không thấy được.
THẦY
KHÓA: Lão Ông dạy chí phải. Những lời Lão Ông vừa phát biểu thật là của
một người từng trải, biết lo cái lo của dân, biết sợ cái sợ của dân,
biết tránh những điều mà dân muốn tránh... Tiểu sinh xin bội phục... Bội
phục...
(Thêm Lão Ông II, lom khom bước ra)
LỚP IV
Thêm Lão Ông II.
THẦY KHÓA: Xin kính chào Lão Ông...
LÃO ÔNG II: Ai như thầy khóa đấy phải không?
THẦY KHÓA: Dạ, thưa Lão Ông chính phải.
LÃO ÔNG II: Kìa, ai như có phải Lý đệ đó không?
LÃO ÔNG I: Xin kính chào Lão huynh.
LÃO ÔNG II: Các người làm gì ở đây mà bàn luận có vẻ tương đắc như vậy?
LÃO
ÔNG I: Kìa! Có Lệnh Triều Đình truyền tất cả các Bô lão đi họp tại Điện
DIÊN HỒNG để quyết định, Hòa hay Chiến. Lão huynh không biết sao?
LÃO ÔNG II: Có... Có... Tôi thấy mấy cháu ở làng trên mới về cũng đang xôn xao vì vụ đó...
LÃO ÔNG I: Làng trên gì. Chiếu chỉ của Thiên Tử đã về tới đây rồi. Lão huynh không thấy sao? (Chỉ lên bảng)
LÍNH GỌI LOA: Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến, hận thù đằng đằng, nên hòa hay chiến...
LÃO ÔNG II: Quyết chiến!... Quyết chiến!...
LÃO ÔNG I: Ý trời đất ơi!... Lão huynh đã suy nghĩ kỹ càng chưa mà tuyên bố như vậy?
LÃO ÔNG II: Lý Đệ! Lý đệ nói cái gì tôi không hiểu. Thế nào là suy nghĩ kỹ càng mới lại không kỹ càng?
LÃO
ÔNG I: Phải! Tôi nói là phải suy nghĩ kỹ càng trước khi quyết định hòa
hay chiến. Vận mệnh của cả một dân tộc nằm trong có hai chữ đó chớ không
phải chuyện chơi.
LÃO
ÔNG II: Đúng lắm! Cả vận mệnh dân tộc nằm có trong hai chữ đó, ai dám
nghĩ là chuyện chơi. Nhưng Lý đệ có am hiểu tình hình nước nhà trong mấy
thời gian gần đây không?
LÃO ÔNG I: Tôi rất quan tâm đến thời cuộc, nên vẫn nghe ngóng thường xuyên.
LÃO ÔNG II: Sài Thung bị bắn mù một mắt khi vừa qua cửa Nam Quan, Lý đệ biết chứ?
LÃO ÔNG I: Dạ, biết chứ. Đó là một sai lầm lớn về ngoại giao của Triều Đình ta.
LÃO
ÔNG II: Hừ! Lý đệ thật nông cạn. Một vấn đề quan trọng đến như thế mà
đưa ra lời nhận định thật là viển vông. Này Thầy Khóa, thầy có biết vì
lý do gì ta bắn mù mắt của Sài Thung không?
THẦY
KHÓA: Dạ, trình Lão Ông, theo thiển kiến của tiểu sinh thì bởi vì triều
đình ta không chấp nhận Trần Di Ái làm An Nam Quốc Vương theo lệnh của
triều đình nhà Nguyên.
LÃO ÔNG II: Hà... Hà... Bảo vệ danh dự của Quốc gia dân tộc mà gọi là lỗi lầm về ngoại giao sao Lý đệ?
LÃO
ÔNG I: Bảo vệ lấy danh dự nhưng nhà chẳng còn, nước cũng mất, dân bị
tiêu diệt. Cái danh dự đó há chẳng phải là phù phiếm, không thực tế sao?
LÃO ÔNG II: (Giận dữ)
Bớ Lý Đệ! Lý Đệ muốn dân tộc này muôn đời trở thành nô lệ, cúi đầu thần
phục ngoại bang như loài chim muông cầm thú. Sao mà Lý đệ mở miệng ăn
nói càn rỡ như vậy?
LÃO ÔNG I: (phân trần)
Không phải như vậy. Nhưng ở đời phải biết lẽ phải chăng. Giặc mạnh thì
ta lùi, giặc suy thì ta tới. Nay thế giặc mạnh như chẻ tre, đi đến đâu
cũng gieo tang thương, tàn phá đến đó. Chủ hòa là làm dịu xuống cái họa
diệt vong, còn chủ chiến là đổ thêm dầu sôi vào lửa bỏng. Lão huynh muốn
cái giang sơn cẩm tú này nát bấy dưới gót giầy tàn bạo của binh lính
Thiên Triều sao?
LÃO ÔNG II: (Cười gằn)
Này Thầy khóa. Thầy là người vẫn từng sôi kinh, nấu sử. Thầy thử cho
tôi biết có một dân tộc nào đớn hèn, nhu nhược mà lại ngồi yên tọa hưởng
được thái bình, an lạc hay không?
THẦY
KHÓA: Dạ... Trình Lão Ông... Sách Thánh hiền đã dạy Dân hưng thì nước
thịnh. Dân nhược thì nước suy. Bởi thế Quốc Gia hưng vong thất phu hữu
trách...
LÃO
ÔNG II: Ha... Ha... Quốc Gia hưng vong, thất phu hữu trách. Thời kỳ
nguy khốn này đã phải là lúc đem lại hưng vong cho đất nước hay chưa? vả
lại, Lý đệ tưởng rằng cái thế cuộc hiện tại này cứ chủ hàng là có thái
bình yên ổn đó sao? Ha... Ha... Tôi không ngờ Lý Đệ lại nông cạn, hẹp
hòi đến thế. Lý Đệ phải hiểu rằng, nước Nam của ta tuy nhỏ bé nhưng lại
là một miếng mồi ngon của Phương Bắc. Dã tâm xâm lược của họ đã bộc lộ
rõ ràng triền miên trong suốt dòng lịch sử của dân tộc, không những ngày
xưa, bây giờ, và mãi mãi còn ở cả thế hệ mai sau. Cho nên đừng nói tới
chuyện cầu hòa. Vậy chỉ còn một lối thoát cuối cùng là đánh, đánh đến
cùng, đánh để tự vệ, đánh để thà chết vinh còn hơn là sống nhục nhã
trong nô lệ, gông cùm...
(Trong khi ấy 2 người khiêng cáng Lão Ông III đi ra)
LỚP V
Thêm 2 người khiêng cáng và Lão Ông III
NGƯỜI KHIÊNG I: Chúng cháu xin kính chào các cụ. Xin các cụ chỉ cho chúng cháu lối nào lên Kinh Đô đây?
LÃO ÔNG II: Các Ông không phải người vùng này sao mà lại không biết đường tới Kinh Đô...
NGƯỜI KHIÊNG II: Trình Lão Ông, không phải. Chúng cháu ở rất xa, mãi ở vùng Lộc Châu mới xuôi về đây ạ.
LÃO ÔNG I: Ủa!... Mấy bác ở Lộc Châu về, có nghe tin tức gì không?
NGƯỜI
KHIÊNG I: Ôi!... Đau thương, thê thảm kể làm sao cho xiết... Quân
Nguyên đi đến đâu tàn phá đến đó. Chúng gặp người giết người, gặp của
cướp của,. tiếng kêu than uất ức của dân lành kêu thấu đến tận trời
xanh.
LÃO
ÔNG I: Ha... Ha!... Lão huynh đã thấy chưa... thật chứng nhân rành rành
trước mắt. Tôi đã bảo là sức mình chỉ là châu chấu đá xe, trứng để đầu
đẳng. Còn đánh còn thua. Còn đánh còn chết chóc dân lành. Còn đánh muôn
dân còn đồ thán. Thôi, cứ xin hòa quách là yên chuyện.
LÃO ÔNG III (Nằm trong cáng, mình mẩy băng bó khắp chỗ bỗng bật dậy hét lên). Ai thế? Đứa nào thế... đứa nào mà mở mồm ra toàn những lời vong quốc, nhục mạ anh hùng tiên liệt như vậy...
LÃO ÔNG I: Ơ... Ơ... Lão này gì kỳ lạ không...
LÃO
ÔNG III: Kỳ lạ cái gì? Cái miệng mi mới là thốt ra những lời kỳ lạ.
Thời cuộc này, tình thế này, hoàn cảnh này, đầu hàng là chết mi hiểu
chưa. Như lão đây mới ở vùng địch chiếm về, mắt lão thấy biết bao nhiêu
cảnh dã man tàn ác, đàn bà, con trẻ bị chặt đầu phơi trên dáo mác, đàn
ông, con trai phải xếp hàng trước hố sâu để bị chôn sống tập thể, nhà
tan, cửa nát, máu chảy thành sông, oán hờn chất cao như núi, đến như lão
đây cũng bị giặc hành hạ cho đến thương tích đầy mình. Tình cảnh thê
lương, uất ức như vậy làm sao mà hòa? Làm sao mà hòa?
LÃO ÔNG I: Phải hòa vì không thể đánh. Đánh với giặc thì quân ở đâu? Hậu thuẫn ở đâu mà đánh được lâu dài?
LÃO
ÔNG III: Cái nỗi hờn căm uất ức của kẻ tự vệ nó làm hậu thuẫn cho cuộc
kháng chiến lâu dài. Đó là hồn nước kết tụ bởi bao truyền thống anh linh
tiên liệt. Còn quân đâu? Ôi chao! Những hạng như thầy khóa này còn chờ
gì mà không sửa soạn tòng quân. Ta đi qua một giải đồng bằng từ LỘC CHÂU
về KINH BẮC, đâu đâu thanh niên cũng náo nức về chuyện bỏ sách vở tham
gia chiến đấu, còn các cụ già thì xôn xao về hội nghị Diên Hồng. Thiên
Tử đã có định kiến là chiến đấu đến cùng. Nhưng còn muôn nhân tâm, muôn
người như một nên mới mở ra hội nghị tại điện Diên Hồng... Bình sinh cả
triệu người mà ta gặp, chưa ai mở miệng nói là nên hàng như dân chúng ở
đây cả.
LÃO
ÔNG II: Xin lão huynh đừng nóng giận. Đó mới là ý kiến của mình Lý đệ
và thầy khóa ở đây thôi. Chớ còn lòng dân sở tại thì bừng bừng sát khí,
chúng tôi ai cũng đều chủ trương phải chiến đấu để bảo vệ đất nước cả.
THẦY
KHÓA: Xin quý vị lão trượng vui lòng bớt giận. Tiểu sinh từ nãy nghe
những lời vàng ngọc của quý vị nên đã sáng mắt ra rồi. Tiểu sinh quyết
từ bỏ sách đèn để tòng quân giết giặc.
NGƯỜI
KHIÊNG CÁNG I: Tôi cũng vậy. Tôi làm xong nhiệm vụ đưa lão trượng đây
tới điện DIÊN HỒNG họp hội nghị rồi tôi cũng tòng quân.
NGƯỜI
KHIÊNG CÁNG II: Dễ thường tôi thua các bác đó phải không. Tôi tuy ít
học, không được tới cửa Khổng, sân Trình, nhưng cũng được gia nghiêm dạy
cho mấy câu "Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách".
LÃO
ÔNG III: Hay lắm! Hay lắm! Thôi ta liệu lên đường cho kịp. Chỉ còn hai
ngày nữa hội nghị Diên Hồng khai mạc rồi... (trèo lên cáng).
LÃO ÔNG II: Cho đệ đi theo với...
LÃO ÔNG III: Đi!... Đi!...
(Tất cả mọi người đi 1 vòng sân khấu hay lửa trại. Lão ông I đứng tần ngần một lát cũng vùng lên chạy theo): Cho tôi đi với!... Cho tôi đi với...
LÍNH: Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến, hận thù đằng đằng... nên hòa hay chiến...
CÁC NHÂN VẬT: QUYẾT CHIẾN!
Hậu trường đồng ca bài nhạc hùng HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG!
NHẬT TIẾN
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com