Thứ Tư, 5 tháng 6, 2019

TUẦN LỄ CỦA HUYỀN - Hoài Mỹ


THỨ HAI

Có như vậy mà Mẹ cũng gắt. Mình buồn quá. Dường như trong gia đình không ai hiểu mình. Riêng có Ba, mình còn thấy "tạm được", nhưng sao Ba không nói gì khi Mẹ la mình? Trong ánh mắt của Ba, mình đọc được những nét cảm thông, thế mà Ba không lên tiếng! Thôi đúng rồi, có lẽ cả nhà đã về hùa nhau "ghét" mình. Nghĩ vậy tủi thân, mình chạy lên phòng nằm khóc...

Tới giờ cơm, Ba cho chị Tư lên gọi, nhưng mình không xuống. Tiếng của Mẹ vọng lên: "Úi chao, quí hóa lắm đấy còn làm bộ!" Cơn nghèn nghẹn dồn lên ngực, nước mắt lại ứa ra... Mẹ, sao Mẹ nỡ khắt khe với con gái của Mẹ? Thay vào những lời gay gắt đó, Mẹ mở cửa vào phòng nói với con một câu dịu dàng, như: "Thôi cưng cho Mẹ xin, xuống ăn cơm đi con Khóc xấu lắm, lêu lêu" thì chắc con sẽ ôm chầm lấy Mẹ mà khóc, như chưa bao giờ được khóc, khóc vì sung sướng! Nhưng... Mẹ đã ghét mình rồi. Mọi khi Mẹ vẫn dịu ngọt với mình cơ mà? Mình đâu có làm gì quá đáng để Mẹ phải thay đổi? Chỉ tại con Mimi làm vướng chân mình nên mình mới ngã làm vỡ chiếc bát chứ. Nghĩ lại mình càng thấy buồn thêm, không thích sống nữa...

Ngoài trời, gió chuyển mình. Những giọt mưa nhẹ bắt đầu rơi. Mình vẫn ngồi tựa đầu vào song cửa sổ, mơ ước một chuyến đi xa. Thỉnh thoảng một cơn gió mạnh thổi tạt những giọt nước vào mặt. Mát mát. Mình tìm được sự dễ chịu hơn.

Ở dưới nhà, Ba vừa mới nhắc đến anh Tân. Anh Tân tới thư viện học thi. Mình cũng thấy tội nghiệp cho anh Tân. Nếu anh về giờ này, chắc bị ướt hết. Ý nghĩ này vừa thoáng hiện trong đầu thì cũng vừa đúng lúc tiếng xe Honda của anh Tân dừng lại trước cổng. Vào nhà anh Tân hỏi con Huyền đi chơi rồi hả Mẹ? Mẹ trả lời là nó đang ăn vạ trên kia kìa ; rồi Mẹ kể câu chuyện hồi chiều. Mình những tưởng anh Tân thể nào cũng bênh mình, nhưng ngược lại với điều mình nghĩ, anh Tân nói lớn sao Mẹ không cho nó một trận!

Mình mím môi lại. Không hiểu sao mình không khóc. Sự "tội nghiệp" lúc nãy mình dành cho anh Tân tan đi. Trước mặt mình trải ra khoảng trống vô tận. Và trong bóng tối của căn phòng mình chỉ tìm thấy có một mình mình. Buồn!


THỨ BA

Giờ Việt văn, giáo sư không đến ; lớp ồn ào ; nhất là bọn con trai được dịp phá phách và ném giấy sang phía con gái. Những ngày cuối niên học thật nhạt nhẽo. Mình nói chuyện với Thanh về tương lai. Nhỏ Thanh nói sang năm nó chỉ đi học sinh ngữ thôi rồi đi làm. Mình "khuyên" nhỏ Thanh đừng bỏ học như vậy uổng lắm vì mình biết nó thuộc loại thông minh. Nhưng câu trả lời của Thanh làm mình thoáng nghĩ ngợi. Học nhiều cũng thế thôi ; lấy chồng là hết ; hơn nữa học cao quá ai mà thèm lấy. Nhỏ Thanh hỏi ngược lại mình là chừng nào mày tính lấy chồng Mình cười nói là làm sao tao tính được Thế còn chàng Cường của mày? Mình biết là Thanh cũng như các bạn trong lớp đã hiểu lầm. Cường là anh của Cúc mà Cúc là bạn thân mình thì làm gì có... "chuyện đó". Mình nói điều này với Thanh, nhưng nó có vẻ không tin. Mình giải thích thêm là anh Cường coi tao như em ruột, mày đừng nghĩ bậy. Nó cười: Em ruột... dư hả?

Tan học. Như những con ong vỡ tổ, các bàn đầu ùa ra một lượt. Mình với Thanh phải ngồi lại. Khi ra khỏi lớp hai đứa gặp Quang đứng ngấp ngó ngoài cửa. Mình hỏi chuyện gì đó anh Quang? Ấp úng mãi Quang mới nói nổi câu nhờ chị viết dùm cho mấy chữ Viết về l'amour được không Câu nói của Thanh làm Quang đỏ bừng mặt, luống cuống quay đi mất... Mình trách Thanh. Nó cười con trai mà cũng bầy đặt lưu bút, lưu biếc Ê mày, lật ra xem có thư tình không Nhiều lúc nhỏ Thanh lý lắc lắm, làm "điên đầu" nhiều người.

Trang đầu cuốn lưu bút, Quang viết những lời giã từ bạn bè. Trong mùa hè này, Quang sẽ nhập ngũ. Những dòng chữ thật cảm động. Của một người sắp sửa rời bỏ bóng mát học trò. Mình nghĩ làm con trai trong thời chiến thật thiệt thòi. Học hành dang dở. Tương lai không lối thoát...

Mình viết cho Quang những lời chân thật Các anh đi, tụi này buồn lắm... Đáng lý mình còn viết dài, nhưng tiếng hát của anh Tân cứ oang oang ở phòng bên. Mình chấm hết vội.

Cứ hát đi anh Tân Còn anh nữa đó Rồi anh cũng sẽ lên đường và rồi Mẹ và em cũng sẽ buồn, sẽ khóc trong ngày anh đi...


THỨ TƯ

Một ngày dài lê thê. Buồn ôi là buồn!


THỨ NĂM

Anh Tân rủ mình đi ciné. Thật lạ! Thường anh vẫn chủ trương đi ciné một mình vì đi với người khác, phải nói chuyện không thưởng thức được trọn vẹn cuốn phim. Nhiều lần có phim hay mình năn nỉ thế nào anh cũng từ chối, nhất là trong thời gian này, anh viện lý do học thi để thoái thác. Tự nhiên anh trở nên rộng rãi. Tất cả phải có nguyên nhân. Để "trả đũa" mình giả vờ không chịu Thôi mất thì giờ anh ; sắp thi rồi, anh ở nhà học bài đi. Anh Tân cười mỉm bảo thì lâu lâu mình cũng phải... giải trí một chút chứ. Mình vẫn không tin lời anh Tân. Gặng hỏi mãi, anh Tân mới chịu thú thật: Chiều nay, anh mời được một... cô bạn mới quen đi ciné Thì dính dáng gì tới em Không, tại anh... "lỡ" quảng cáo Huyền kỹ quá nên cô ta cứ đòi anh giới thiệu Huyền.

Thì ra vậy. "Người ta" dùng mình (mà không xin phép trước) để làm nhịp cầu tìm đến nhau. Bây giờ thì mình hiểu những lúc anh Tân rời cuốn sách học, ngồi nhìn mây bay, khung trời xanh, hiểu những chữ viết chằng chịt trên mặt bàn và hiểu sự thay đổi trong cách ăn diện của anh Tân. Thật rắc rối và kiểu cách! Mình nghĩ sau này nếu... chẳng may mình bước vào "con đường" đó, mình sẽ rất đơn giản, chân thật. Nhưng... biết đến bao giờ nhỉ?

Chị Ngọc của anh Tân coi cũng đẹp, dễ thương. Trong câu chuyện chị Ngọc cho biết cũng cùng tuổi với mình 17 Ở nhà anh Tân vẫn coi mình là trẻ con trẻ con mà biết gì Thế mà bây giờ anh Tân lại chọn một người-trẻ-con. Dĩ nhiên mình không dám nói ý nghĩ này cho anh Tân hay chị Ngọc nghe, chỉ cười một mình.

Vào trong rạp, mình chọn một ghế ngồi xa. Để "thiên hạ" được tự nhiên chứ!

Phim thật hay, nhưng buồn. Chủ đề về tình yêu và thân phận con người. Mình thương Juliet trong phim quá!

Sau khi xem ciné, anh Tân dẫn đi ăn kem. Nhìn anh Tân luống cuống kéo ghế mời chị Ngọc ngồi mà mình suýt bật cười. Giá ở nhà anh cũng cưng chiều em gái của anh như thế nhỉ!

Đưa chị Ngọc về xong, hai anh em còn đi vòng mấy con phố. Có lẽ vì mới "mắt vương tơ", anh Tân vui vẻ bảo anh tặng Huyền một món quà để đền ơn, tùy ý Huyền chọn. Được dịp, mình đòi mua những 5 cuốn sách thật dầy. Cho... bõ ghét! Ai bảo vẽ chuyện!


THỨ SÁU

Mình ở nhà Cúc ra về thì trời chợt mưa.

Sáng nay mình thấy vui vui. Không hiểu tại sao. Tự nhiên mình thích đi dưới mưa. Bên đường, hai dẫy me cao vút chụm đầu vào nhau, rắc xuống những chiếc lá vàng và những giọt nước lớn. Một vài chiếc lá đậu trên tóc và vai mình. Mình để yên vậy. Những bông hoa đó.

Nước ướt thấm qua làn áo làm lành lạnh. Nhưng mình thích. Mình nghĩ giá nhỏ Cúc biết mình "lang thang" thế này chắc nó thèm lắm. Lúc nãy con nhỏ làm mình "quê" quá, cứ thỉnh thoảng nói bóng gió mình với anh Cường. Cũng may anh Cường không để ý. Mình bước đi mà dường như vẫn nghe tiếng anh Cường văng vẳng trong tiếng rì rào của lá me. Anh Cường nói chuyện vui ghê. Anh nói chuyện nắng, mưa, sách vở mà như anh tâm sự. Tại giọng anh trầm, ấm...

Mình như vừa uống một ly rượu mạnh. Lâng lâng...


THỨ BẨY

Nhỏ Yến bị cô vạn vật bắt quả tang viết thư cho bồ trong lớp. Cô trừ có 3 điểm hạnh kiểm. Nhưng mình không đồng ý cô đã dùng những lời lẽ quá đáng để la nó và đọc lá thư cho cả lớp nghe. Mình nghĩ tuổi mới lớn như nụ hoa vừa chớm nở làm sao tránh được những giọt sương đậu long lanh trên cánh hoa? Nếu là cô giáo, mình sẽ không "nặng lời" với "tuổi-mới-nứt-mắt-mà-cũng-bày-đặt-yêu-với-iếc" (chữ dùng của cô đấy) nhưng mình sẽ lợi dụng việc này để ca tụng sự cao đẹp của tình yêu, đồng thời nêu ra những hướng dẫn thực tế cho những "con nai vàng còn ngơ ngác"... Ngồi trong lớp mà mình nghĩ thương anh Tân. Anh Tân dặn hoài là Huyền đừng nói chuyện của anh với ba mẹ nghe ; ba mẹ mà biết được thì chết anh Người lớn và tuổi trẻ luôn luôn bị ngăn cách ; chỉ bởi người lớn không chịu cúi xuống, hòa đồng cảm thông với tuổi trẻ...

Nhìn mặt nhỏ Yến buồn rượi, mình chuyển sang cho nó một múi chanh với dòng chữ "Đừng thèm nghĩ ngợi Mày ngậm múi chanh này là "buồn ơi, giã từ".

Mình thấy nhỏ Yến cười gượng với mình rồi đưa múi chanh vào miệng. Nó hơi nhăn mặt. Có lẽ múi chanh chua quá!


CHỦ NHẬT

SÁNG

Mẹ hứa nếu thằng Tân thi đậu ba mẹ sẽ cho cả hai anh em lên Đà Lạt nghỉ mát một tuần lễ. Mình mừng rú - "Sinh mạng" của em nằm trong tay anh Tân đấy nhé... Em mà không được đi thì em méc chị... Mình chưa nói hết câu anh Tân đã chạy lại ký một cái vào đầu. Mẹ chẳng hiểu gì cả, kêu ơ hay sao lại đánh nó Tại con thương nó đấy mẹ ạ Cả nhà cười làm mình cũng bật cười theo sau khi "tặng" cho anh Tân một cái nguýt thật dài.

Tính nhẩm, mình thấy còn những hai tuần lễ nữa anh Tân mới thi, sau đó còn chờ kết quả thi viết, rồi vấn đáp. Lâu quá nhỉ. Mình trông đợi một chuyến bỏ thành phố ồn ào và nắng cháy này. Mơ hồ mình có cảm giác như đang được hít khí lạnh cao nguyên, lắng nghe tiếng nỉ non của ngàn thông, được cho tay xuống vớt nước trong vắt của con suối, được ngắm các thung lũng mang những tên thật thơ mộng... Tuy nhiên điều mình mong ước hơn cả là được dịp thoát khỏi, dù trong thời gian ngắn, sự độc điệu của cuộc sống hiện hữu ; cái gì đều đều dễ làm cho con người chán ngán. Sự thay đổi, mình hy vọng, sẽ đem lại ít nhiều tươi mát cho ngày tháng con gái...

CHIỀU

Trong một tuần, chiều chủ nhật là chiều buồn nhất. Nghĩ tới thứ hai và chuỗi ngày tiếp theo, mình có cảm tưởng như phải khởi đầu lại một hành trình mà mình vừa hoàn tất, như một người cố gắng leo lên tới đỉnh núi rồi đi xuống rồi lại phải leo lên, như con chuột bạch đánh vòng tròn. Chán!

Lại một chu kỳ nữa chờ mi, Huyền ạ...


HOÀI MỸ     


(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 4, ra ngày 20-6-1971)

Bìa của Vi Vi : Suy tư