CHƯƠNG BỐN
Sáng
hôm sau, một buổi sáng êm đềm tại thị trấn Vĩnh Quyết. Mây xám che phủ cả bầu
trời, từng cơn gió mạnh cuốn tro tàn bay vung vãi khắp nơi và những cột nhà nám
đen còn sót lại nổi bật lên giữa khung cảnh điêu tàn. Người ta thấy Phan Hoàng
với cặp mắt quầng thâm vì mất ngủ, nét mặt
hốc hác đượm đầy vẻ lo lắng tới nhà giam thăm bạn. Chàng trai trẻ đã thắc mắc
quá nhiều về thái độ của Trần Tuấn và quyết hỏi cho ra lẽ nhưng đến khi gặp bạn,
Phan Hoàng mới hiểu Trần Tuấn đang bị xúc động mạnh vì trận hỏa hoạn đêm qua.
Nhà điêu khắc đặt thẳng vấn đề :
-
Tuấn, tôi tới đây để tìm bằng cớ gỡ tội cho anh. Tôi biết anh không phải thủ phạm.
Trần
Tuấn đáp với giọng hơi buồn :
-
Ngày trước khi còn được tự do, tôi biết mình chỉ là cái gai trong thị trấn này.
Đây là dịp để dân chúng ở đây sống thoải mái hơn khi họ giết được tôi. Đó cũng
là một điều hay.
-
Trời ơi ! Anh điên sao ? Chính vì xã hội ghét anh thì anh càng phải tranh
đấu để sống. Tôi không thể yên lặng khi thấy anh bị xử tử một cách oan ức được.
Hôm nay anh lạ lùng quá.
-
Phan Hoàng, tôi đã suy nghĩ kỹ rồi. Anh cứ để mặc tôi chết là xong. Cái chết chỉ
đáng buồn, đáng tiếc khi nó vô ích nhưng cái chết của tôi sẽ mang một ý nghĩa nào
đó và hữu ích nhiều thì không còn gì đáng luyến tiếc
cõi dương trần.
Phan
Hoàng bực mình trước thái độ thụ động, điên khùng của bạn. Chàng nói lớn, gằn từng
tiếng một :
-
Tuấn, chỉ vài ngày nữa là anh sẽ phải lên dàn hỏa nếu không tìm được cách giải
quyết thỏa đáng. Bây giờ, anh hãy thành thật trả lời tôi : Anh có đốt thị trấn
không ?
-
Không !
-
Vậy khi đám cháy xảy ra, anh có biết ai đốt không ?
-
Biết !
Câu
trả lời ngắn ngủi của Trần Tuấn làm cặp mắt Phan Hoàng sáng rực lên. Chàng trai
hỏi dồn:
-
Ai đó ? Sao từ hôm qua đến giờ anh không nói ?
Trần
Tuấn lắc đầu, đáp :
-
Anh Hoàng, thật sự là tôi không đốt mà còn biết thủ phạm nhưng không bao giờ
tôi nói tên người đó.
Phan
Hoàng ngẩn người ngạc nhiên hơn trước những việc kỳ quái không thể ngờ được Tại
sao lại có chuyện lạ lùng đến thế? Trần Tuấn làm như vậy là rõ ràng muốn nhận tội
dùm thủ phạm, nhưng... Trời ơi ! Phan Hoàng không thể nào hiểu nổi vì đây
là một trong những chuyện vô lý nhất trên thế gian này. Trong bao nhiêu năm
nay, Trần Tuấn vẫn sống cô độc, không người thân thích giữa sự bạc đãi khinh
thường của xã hội và là hình ảnh một người bất mãn, lạnh lùng. Nhưng bây giờ, chỉ
qua vài ngày mà nhà điêu khắc thấy bạn thay đổi một cách kỳ dị và trở thành bí
mật như một ngôi cổ tháp Ai Cập...
-
Hoàng, anh đừng thắc mắc về hành động của tôi mà cứ để mặc cho dòng đời đưa đẩy.
Định mạng đã dành sẵn cho tôi cái chết trong vài ngày nữa nhưng thời gian sẽ
xóa mờ tất cả. Cái chết của tôi cũng chôn vùi vào dĩ vãng, mất dần trong trí nhớ
mọi người khi xương tàn cốt lạnh. Nấm mồ sẽ
mọc cỏ xanh tươi và thị trấn Vĩnh Quyết được tái thiết hầu bắt đầu cuộc đời mới.
Phan
Hoàng thở dài buồn bã. Chàng bình tĩnh trở lại và thấy bi quan hơn bao giờ hết
nhưng vẫn cố gắng thuyết phục bạn :
-
Tuấn, hồi nãy anh có nói cái chết của mình hữu ích. Theo tôi anh làm vậy là che
chở cho một tội ác ghê gớm. Trong trận hỏa hoạn đêm qua, có ba người chết, hàng
chục người bị thương và hàng trăm căn nhà ra tro. Anh phải biết đó là một tội
ác không thể tha thứ được.
-
Nhưng người đốt thị trấn không phải ác quỉ mà là thiên thần. Anh Hoàng, đó là một
thiên thần với tâm hồn cao quí đẹp như dòng suối trong mát hay tuyết trắng trên
đỉnh non cao. Đó là một hình ảnh đẹp chứ không phải tội ác xấu xa.
Đến
nước này thì nhà điêu khắc hết còn biết nói gì. Chắc chắn là Trần Tuấn điên thật
rồi vì đã dám ca tụng một tội ác lớn lao như những gì cao quí nhất trên cõi đời
này. Phan Hoàng muốn hét thật lớn, thật lớn cho mọi người biết sự thật nhưng chàng
nghẹn giọng trước dáng điệu ủ rũ của bạn. Trần Tuấn đang tựa người vào tường,
hai bàn tay nắm chặt lại, đôi mắt phẫn nộ nhưng yếu ớt và nói như
trong một giấc mơ :
-
Anh đừng nghĩ tôi điên. Cuộc đời tôi là những gì bất hạnh nhất. Anh biết không,
thuở nhỏ tôi cũng sống trong một gia đình khá giả và tràn đầy tình thương.
Nhưng cái thế giới tuyệt vời ấy chỉ kéo dài cho đến năm tôi mười tuổi thì cha mẹ
tôi chết và tài sản tiêu tan trong một trận hỏa hoạn như ngày hôm qua vậy. Lửa,
lửa cháy! Hình ảnh đó ăn sâu vào tiềm thức tôi như một vết hằn, một biểu tượng
kinh khiếp không bao giờ tôi dám nhớ tới. Riêng đêm qua, khi lửa lan tràn khắp
nơi, tôi bị gợi lại cái dĩ vãng, ấn tượng ngày xưa và thấy thấp
thoáng trong ngọn lửa, cha mẹ tôi đang vẫy tay gọi tôi một cách tha thiết và
trìu mến. Thế là tôi chạy ào lại nhưng sức nóng từ đám cháy bốc ra làm cho tôi
tỉnh mộng và đứng sững ở đó, tôi không nhớ tới việc chữa cháy hay tri hô cầu cứu
nữa.
Trần
Tuấn dừng lại một chút rồi nói tiếp, giọng lạc hẳn đi nghe như của một người xa
lạ :
-
Phan Hoàng, trong những ngày cuối cùng này, tôi muốn được yên ổn một chút. Tôi
sẽ im lặng, không nói tên thủ phạm để có thì giờ so sánh bất công của xã hội,
cái độc ác của loài người với kẻ đốt thị trấn và tôi chắc chắn rằng thủ phạm sẽ
là hình ảnh đẹp nhất trong đầu óc tôi tới những giây phút sau cùng.
-
Đừng bi quan như vậy. Trong bất cứ xã hội nào cũng còn những người tốt.
-
Không. Thành kiến của xã hội là một bản án tử hình. Tôi sống ở đây không làm hại
ai nhưng mọi người đều ghét bỏ, ngay cả những đứa trẻ con. Đứa bé gái hôm qua đã
nói dối vì tôi không hề cầm cây đuốc trong tay khi lửa bắt dầu cháy. Nhưng
thôi, việc đó không quan trọng vì tôi đã quyết định im lặng cho tới khi lên dàn
hỏa.
Phan
Hoàng thấy thất vọng và bực tức. Chàng nói nhỏ nhẹ nhưng không kém phần cương quyết :
-
Tuấn, anh thụ động trước cái chết nhưng tôi lại không thể thế được. Tôi sẽ tìm
ra thủ phạm thật sự để minh oan cho anh. Đời đã tràn ngập khổ đau thì bây giờ
phải vươn lên, phải tốt hơn, đẹp hơn.
-
Đừng, anh Hoàng. Tôi xin anh hãy để yên cho thủ phạm. Đó là một thiên thần cao
quí, một vầng trăng sáng chói, một con người đáng sống hơn tôi.
-
Không. Hắn đã đốt thị trấn trong đó gồm cả nhà của tôi và giết ba mạng người. Hắn
còn là kẻ hèn nhát, không có can đảm nhận trách nhiệm việc mình làm mà để anh
chịu thế. Vả chăng, dù là nhân vật nào chăng nữa thì tội ai làm người nấy chịu.
Tôi không chấp nhận việc anh chết oan.
-
Trời ơi, hãy để tôi chết vì cái chết đối với tôi sung sướng hơn sự sống vô ý
nghĩa. Nơi Thiên Đàng, tôi sẽ gặp lại cha mẹ tôi và sống với tình thương chứ
không phải bạc đãi khinh bỉ như ở dương thế.
Phan
Hoàng cương quyết:
-
Ở đời, không bao giờ nên tuyệt vọng mà phải hy vọng. Anh đã thụ động thì hãy để
yên cho tôi làm việc. Nếu thất bại tôi
thề sẽ bỏ thị trấn Vĩnh Quyết này vĩnh viễn.
Và
nhà điêu khắc trẻ tuổi ra về trong khi Trần Tuấn gục đầu vào hai bàn tay và rũ
xuống như một cây to bị trốc gốc sau cơn mưa bão hãi hùng.
____________________________________________________________