Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

TIẾNG HÁT TRẺ THƠ - Trang Vân


Sáng nay, Hạnh thức dậy sớm, lòng nôn nao khác thường. Chốc nữa đây, nó sẽ gặp lại ba nó. Người cha thương mến đã xa cách nó 3 tháng dài. Thấy mẹ thay đồ, Hạnh vội chạy đến, thỏ thẻ:

- Má ơi! Má lên nhà thương rước ba về hả má?

Má nó đáp:

- Ờ! Rước ổng về chớ còn tiền đâu nữa mà để ổng nằm nhà thương hoài chớ! Nè! Tao đi đến xế chiều mới về đa! Đui mù như ba mày làm sao đi mau được. Ở nhà coi chừng nhà đó! Bỏ đi đâu thì chết với tao à!

Nói xong, bà Mai mẹ Hạnh đội nón lên đầu, bước vội ra đường. Hạnh dựa cửa nhìn theo thở dài nhè nhẹ. Hạnh nhớ lại những ngày ba nó chưa bị tai nạn mà tiếc làm sao! Một cửa tiệm tạp hóa nho nhỏ, ba má Hạnh và nó sống hạnh phúc quá! Ngày ấy, ngày 2 bữa nó chỉ biết thảnh thơi ôm cặp đến trường, không biết lo buồn là gì! Nó được hưởng đầy đủ tình thương dịu dàng, trìu mến của bà Mai, được sự dạy dỗ, chăm sóc chu toàn của ông Mai. Tưởng không đứa trẻ nào sung sướng bằng nó. Nhưng, cách đây 3 tháng trước, ông Mai ra tỉnh mua hàng hóa về bán, chẳng may bị xe đò đụng làm ông bị thương nơi đầu. Vết thương không trầm trọng lắm, ông Mai được chở vào bệnh viện điều trị. Ít tuần sau, vết thương gần lành mà đau đớn làm sao! Đôi mắt ông từ lúc bị xe đụng đến nay không trông thấy gì nữa cả. Bà Mai bán hết đồ đạc trong nhà, lấy tiền chạy chữa cho chồng, mong tìm lại được ánh sáng cho ông Mai. Nhưng không làm sao trị nổi, đôi mắt ông Mai đã mù hẳn. Hạnh thì từ lúc ba nó bị nạn, nó nghỉ học ở nhà trông nom nhà cửa, má nó phải vào nhà thương nuôi ba nó. Mấy lúc gần đây, Hạnh rất buồn trong lòng khi thấy má nó tự nhiên đổi tánh, quạu quọ, gắt gỏng, đánh đập nó luôn. Những cử chỉ âu yếm, chiều chuộng đối với con không còn nữa. Ngày trước bà Mai là 1 người đàn bà dịu dàng, mềm mỏng bao nhiêu thì ngày nay bà trở thành 1 người khó tính, cau có bấy nhiêu. Với 10 tuổi đầu, nó nghĩ rằng sở dĩ bà Mai thay đổi như vậy là vì lo buồn cho bệnh hoạn của chồng. Hạnh nghĩ mà thương ba nó quá. Ôi! Con người hiền lành, tử tế như thế mà phải chịu hình phạt ghê gớm thế sao?

Mải lo nghĩ mà Hạnh không hay nắng đã lên cao. Nó vội dọn dẹp nhà cửa rồi lo nấu cơm cho ba má nó về ăn. Đến xế trưa bà Mai mới dẫn chổng về tới nhà. Hạnh nhìn thấy ba mà lòng đau như cắt. Cái thân hình mạnh khỏe, lực lưỡng của ông Mai ngày nay không còn nữa. Bây giờ chỉ còn 1 tấm thân gầy gò, vàng võ, một gương mặt lơ láo không hồn. Hạnh muốn chạy lại ôm chặt lấy ba mà khóc cho hả lòng thương mến nhưng vì quá xúc động nó vẫn đứng lặng mà nhìn ông Mai. Bà Mai đỡ chồng ngồi xuống ghế, lúc đó ông Mai mới cất tiếng run run hỏi:

- Thằng Hạnh đâu rồi mình? Nó không có ở nhà sao?

Bây giờ, Hạnh mới chạy vụt đến ôm chặt lấy ba mà khóc òa:

- Ba ơi! Con đây nè ba... ba...

Nó ôm chặt lấy ông Mai mà khóc mãi. Ba nó cũng siết nó vào lòng, nhưng ông cố gượng mỉm một nụ cười buồn:

- Kìa? Con! Hạnh? Con làm gì khóc dữ vậy hả con! Ba có sao đâu mà con khóc?

Hạnh nói qua tiếng nấc:

- Ba ơi! Con thương ba quá! Từ đây ba sẽ...

Ông Mai ngắt lời:

- Phải! Con ơi! Từ đây ba sẽ đui mù suốt đời, ba sẽ không còn làm gì được, Ba sẽ không bao giờ thấy mặt má con và con nữa...

Rồi không kềm chế nổi, ông Mai siết chặt con hơn, trong lúc đôi mắt mù lòa tuôn tràn nước mắt. Hạnh ôm chặt ba mà nghĩ rằng: từ đây nó sẽ nguyện đem tất cả tấm lòng mà yêu thương, săn sóc, an ủi ba nó để ba nó đỡ tủi lòng.

Khuya hôm ấy, bà Mai lấy số tiền nhỏ cuối cùng ra chợ tỉnh mua rau cải về chợ làng bán lấy lời. Bây giờ bà Mai phải một mình lo lắng cho gia đình. Ông Mai không làm gì được nữa. Hạnh thì phải nghỉ học luôn, ở nhà chăm sóc nhà cửa, săn sóc ông Mai.

Ngày tháng trôi qua, khuya nào bà Mai cũng lên tỉnh mua đồ hàng bông về bán. Số tiền lời vừa đủ gia đình sống qua ngày. Chắc có lẽ vì quá cực khổ hay buồn vì cảnh ông Mai tật nguyền, bà Mai càng ngày càng khó tính hơn. Thường ngày bà vẫn đánh đập Hạnh, đôi khi còn cau có, gắt gỏng với chồng nữa. Ông Mai buồn lắm nhưng không nói ra. Cách giải trí duy nhất của ông là ông lấy chiếc đàn cũ kỹ, chiếc đàn ông mua từ lúc chưa cưới bà Mai, đánh lên những bản buồn não nuột. Đôi khi rảnh rang, nghe cha đờn, Hạnh đến bên cha ngồi nghe, bản nào nó thuộc lời thì Hạnh cất tiếng hát theo nhịp đàn của ba nó.

Hôm nay bà Mai đi bán sao về sớm. Thấy cha con đàn hát với nhau, bà hứ một tiếng rồi nói:

- Cha! Cha con đờn hát nghe hay quá chớ! Cứ đàn hát rồi có tiền xài!

Ông Mai nghe vợ nói như thế tái mặt, lặng im còn Hạnh sợ mẹ lại gây gổ với cha nữa nên vội hỏi:

- Kìa má! Sao hôm nay má đi bán về sớm quá vậy?

- Ừ! Bữa nay tao về sớm rồi mai mốt tao nghỉ luôn không đi nữa!

Hạnh ngạc nhiên quá, vội hỏi:

- Thật sao má? Rồi lấy gì...

Bà Mai day qua nói với chồng, cố lấy vẻ êm dịu:

- Mình à! Bà Tư ở ngoài chợ bả có 1 đứa cháu ở Sàigòn bán tiệm hàng xén lớn lắm. Đứa cháu của bả về dưới này kiếm 1 người biết bán đồ rành rẽ bán phụ với y, tôi nhận lời đi lên trển bán đồ cho y rồi!

Ông Mai hấp tấp hỏi:

- Mình đã nhận lời rồi à? Mình đi rồi ai chăm sóc nhà cửa? Tôi thấy mình buôn bán rau cải trong nhà đủ xài rồi mà. Thằng Hạnh nó mới 10 tuổi đầu...

- Phải! Thằng Hạnh đã 10 tuổi rồi, nó ở nhà săn sóc cho mình được rồi, đâu có gì trở ngại...

Hạnh nghẹn ngào nhìn mẹ:

- Má! Má ở nhà buôn bán như mấy tháng nay cũng được mà. Má lên chi tới Sàigòn, xa xôi quá...

- Xa xôi cái gì? Long An với Sàigòn có bao xa! Đi bán hàng cho người ta, tiền lương sẽ nhiều hơn tiền bán rau cải, tui mỗi tháng sẽ gởi tiền về cho mình rồi vài tháng tôi có rảnh sẽ về thăm nhà một lần.

Cha con ông Mai thấy bà Mai cương quyết như vậy biết không thể nào ngăn cản được bèn nín lặng. Thế là sáng hôm sau, bà Mai rời bỏ người chồng tật nguyền và đứa con thơ dại để lên Sàigòn. Bà Mai hình như chẳng đau xót gì trong cuộc chia ly nầy. Hạnh thì chạy theo bà Mai một đổi, năn nỉ xin mẹ ở lại một lần nữa. Nhưng mẹ nó lạnh lùng lắc đầu, bảo nó hãy trở về đi. Hạnh đứng nhìn theo bóng mẹ vừa khuất sau hàng cây, gạt lệ lẩm bẩm:

- Mẹ ơi! Sao mẹ nỡ bỏ ba và con như vậy?

Hình bóng mẹ nó đã mất từ lúc nào nhưng nó vẫn còn nhìn theo mãi, linh tính nó hình như cho nó biết trước: mẹ nó ra đi và chẳng bao giờ trở lại nữa.

Hai tháng trời trôi qua, bà Mai vẫn gởi tiền về đều đặn cho cha con ông Mai. Gia đình ông Mai bây giờ thật không còn gì là hạnh phúc, một người đàn ông mù lòa, một đứa trẻ thiếu tình mẫu tử sống lạnh lùng dưới căn nhà lá xác xơ.

Ông Mai buồn cho thân phận tật nguyền nên thường ủ rũ đánh đàn suốt ngày. Hạnh là một đứa trẻ vô cùng hiếu thảo, nó thấy cha như vậy nên hết lòng săn sóc, an ủi, lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho cha. Suốt ngày nó không rời ông Mai, luôn luôn quanh quẩn bên cha, giúp ông từng công việc nhỏ nhặt nhất. Những buổi chiều về, hai cha con ngồi sát bên nhau, đàn hát cho khuây khỏa niềm đau khổ, nhớ thương.

Hạnh thường tựa cửa nhìn con đường mẹ nó đã ra đi thuở trước, nó ước mong sao thấy bóng dáng thân yêu của mẹ quay trở lại gia đình. Tâm hồn thơ dại của Hạnh lúc nào cũng vẫn nhớ nhung, thương mến mẹ mãnh liệt, dù lúc sau nầy bà Mai không còn thương yêu, âu yếm nó như hồi đó.

Qua tháng thứ ba, số tiền ba Mai gởi về ít dần, ít dần, đến tháng thứ năm thì dứt hẳn, bà Mai không gởi về một đồng nào nữa. Cha con ông Mai lo sợ chẳng biết bà Mai có bệnh hoạn gì không, sao lại "bặt vô âm tín" chẳng gởi tiền về mà cũng không về thăm nhà nữa! Họ sống trong sự lo sợ, trông đợi mỏi mòn, tiền bạc càng ngày càng túng thiếu thêm. Một bữa nọ, Hạnh thấy bà Tư ở ngoài chợ đi ngang qua cửa nó bèn mời vào để ông Mai hỏi thăm coi biết tin tức gì về má nó không. Bà Tư bảo rằng má nó lên bán đồ cho cháu bà ta độ vài tháng thì lấy chồng khác, rồi đi theo người đó bây giờ chẳng biết ở đâu.

Cha con Hạnh nghe qua như sét đánh bên tai! Hạnh òa khóc nức nở vì biết rằng má nó chẳng bao giờ trở về nữa. Ông Mai ngồi lặng im trên ván cho đến tối. Hạnh thấy cha ngồi như thế mãi, bèn đến ôm ba nó:

- Ba ơi... ba...

Ông Mai xiết chặt con. Hạnh tiếp:

- Ba ơi! Từ đây chúng ta lấy gì mà sống? Ba thì tật nguyền, còn con thì...

- Thôi! Con đừng nói nữa con ơi! Cha con mình sẽ...

Nói đến đây ông Mai vụt nín bặt, nước mắt trào ra. Ông hối con lo giăng mùng đi ngủ.

*

Độ nửa tháng sau, có ai về Lục Tỉnh đi ngang qua cầu Tân An đều thấy một người mù, dạo đàn cho đứa con trai hát. Họ sống nhờ lòng thương hại của khách đi đường. Thì ra cha con ông Mai nghèo đói đến đỗi phải đi làm nghề đó. Hành khách đi xe đều xúc động khi nghe giọng ca trong cao, buồn vời vợi của đứa bé hòa lẫn với tiếng đàn u trầm của cha nó. Người nhạc sĩ và cậu bé ca sĩ bất đắc dĩ kia mỗi lần đàn hát hình như để hồn hòa theo điệu nhạc lời ca. Giọng hát u buồn và tiếng đàn trầm lắng của họ chiếm một cảm tình sâu đậm của hành khách, vì thế họ không ngần ngại đưa tiền giúp đỡ cha con ông Mai. Cha con ông Mai sống với những số tiền đó không đến nỗi túng thiếu lắm. Từ đó, họ an phận sống trong cảnh nghèo đơn bạc, tình yêu thương của họ đối với nhau càng ngày càng mặn mà, tuyệt đối. Hàng ngày, sáng sớm Hạnh dẫn cha từ làng xa ra cầu Tân An để hát đàn, đến chiều tối họ mới lặn lội trở về nhà. Từ lúc cha con ông Mai bắt đầu đàn hát đến giờ, họ ít khi nào nhắc tới bà Mai. Không biết trong lòng ông Mai ra sao chớ riêng lòng Hạnh nó không bao giờ nguôi nhớ thương mẹ nó, dù có đôi khi Hạnh cũng thầm trách bà Mai sao nỡ bỏ cha con nó. Đời cha con ông Mai không có gì vui thú cả ngoài tình yêu thương bao la mà họ đối đãi với nhau.

Riêng bà Mai, người mẹ, người vợ nhẹ dạ kia, từ khi bỏ chồng con bà sống một cuộc đời sung sướng, đầy đủ hơn. Chẳng hiểu sao mà bà Mai lại có thể nhẫn tâm như thế, nhẫn tâm bỏ người chồng tật nguyền, đứa con nhỏ dại, trong lúc cha con ông Mai không ai nuôi nấng, săn sóc. Đôi lúc bà cũng nhớ đến cha con ông Mai  nhưng bà lại nghĩ rằng họ sẽ được gia đình bên ông Mai giúp đỡ. Bà thường lẩm bẩm một câu khi sự hối hận kéo đến: "Trời sanh voi, trời sanh cỏ". Chẳng lẽ cha con thằng Hạnh chết đói sao? Vì nghĩ vậy nên người đàn bà tội lỗi vẫn thản nhiên sống sung sướng trong cuộc đời mới thấm thoát gần 1 năm trường. Bà có biết đâu bao thay đổi xảy đến với cha con ông Mai.

Sáng nay, bà Mai theo ông Hưng về Vĩnh Long. Khi xe chạy gần đến Long An, lòng bà cũng thoáng bùi ngùi nhớ lại những ngày xưa cũ.

Bữa nay, cha con Hạnh vẫn đàn hát như thường lệ. Nhưng Hạnh hôm nay buồn lắm, hồi gần sáng nó ngủ nằm chiêm bao thấy má nó về đoàn tụ với gia đình, nó mừng lắm. Chừng thức giấc, biết mình nằm mơ Hạnh khóc thầm mãi, tiếc sao giấc mơ không là sự thật. Lạ làm sao càng xa mẹ nó lâu chừng nào, Hạnh càng tha thiết nhớ mẹ nó chừng nấy. 

Thấy chiếc xe đò to lớn chạy đến ngừng ở dốc cầu (chiếc xe có chở bà Mai mà nó không biết), Hạnh bèn dẫn cha đến để đàn hát. Bà Mai vì ngồi sát mé bên trái nên cũng không thấy cha con Hạnh. Quá nhớ thương mẹ, nên Hạnh cất tiếng hát bài "Lòng Mẹ":

Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình... rạt rào
Tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền... ngọt ngào..."

Càng hát, Hạnh càng để hồn mình hòa theo lời ca, ý nhạc. Lúc đầu hành khách trên xe không chú ý mấy nhưng về sau, giọng ca của Hạnh có sức truyền cảm lạ lùng. Âm thanh ngọt ngào, âu yếm của tiếng đàn, lời hát như len vào tâm hồn mọi người. Ai nấy đều im lặng để nghe. Bà Mai khi nghe tiếng ca đã ngờ ngợ. Bà cố nhìn ra dưới đường rồi bỗng suýt kêu lên 1 tiếng nhỏ. Bà trợn mắt nhìn cha con ông Mai. Ôi! Sao bà nhẫn tâm quá! Những người mà bà đành đoạn lìa xa đó sao mà tiều tụy, rách rưới, buồn thảm thế kia! Trong lúc bà sang trọng ngồi trên xe thì dưới đường kia, chồng bà đó, con bà đó, phải đàn hát để xin tiền. Bà Mai lắng tai nghe tiếng đàn u sầu của chồng, giọng ca nức nở của con rồi bà nhớ lại những ngày đầm ấm, hạnh phúc thuở trước, lúc ông Mai chưa bị tai nạn. Lương tâm dày vò bà dữ dội. Bà không ngờ chồng con bà phải khổ sở thế kia. Bà Mai nắm chặt thành ghế ngồi, nước mắt tuôn tràn. Hạnh hát dứt bài hát đó, hành khách trên xe khen nức nở, rất nhiều kẻ cho tiền rồi họ bảo Hạnh hãy hát nữa. Nhưng lần này bà Mai không dám nghe nữa. Bà bịt chặt 2 tai lại. Một lúc lâu sau, bà Mai sực nhớ ra làm như vậy ông chồng mới của bà chú ý nên bà vội buông tay ra. Bà chỉ nghe mấy câu sau của bài hát:

"... Đôi tay run run, ánh mắt mẹ hiền, 
                         biết tìm lại chốn nào?
Mẹ ơi! Biết chăng đêm về quạnh hiu, nghe
... tiếng mưa rơi mà nhớ thương nhiều
........................... 
Ai biết đêm đêm tôi vẫn mong chờ
Tìm đâu những phút vui ngày ấu thơ..."

Hạnh hát xong chữ cuối cùng của bài hát đó thì dòng lệ nóng cũng vừa tuôn chảy xuống má. Bà Mai như kẻ mất hồn, tâm thần rối loạn. Gương mặt sầu thảm cùng với tiếng đàn giọng hát ai oán của cha con Hạnh như ngàn mũi kim châm chích vào tim bà. Lời hát của Hạnh sao bà nghe như những lời trách móc, xót xa, thấm thía cả cõi lòng mình. Xe đã rồ máy chạy, qua khỏi cầu lúc nào bà cũng không hay. Suốt buổi hành trình về Vĩnh Long, bà Mai như ốm nặng, bà không ăn uống, chuyện trò với ai cả. Sau khi trở lại Sàigòn, bà Mai có lẽ vì quá hối hận nên ngã bịnh nặng. Trong cơn mê man, bà vẫn nghe như có tiếng đàn, giọng hát của chồng con văng vẳng đâu đây và gương mặt đầy lệ của thằng Hạnh hình như lúc nào cũng hiện ra trước mắt bà. Bà muốn quên những hình ảnh đó đi, mà không tài nào quên được. Cuối cùng bà đành thú thật với người chồng mới là những người đàn hát ở cầu Tân An hôm nọ chính là chồng con cũ của bà. Bà kể rõ những sự hối hận dày vò làm cho bà ngã bịnh. Sau hết, bà xin ông này cho bà trở lại gia đình cũ. 

Một bữa tối mưa dầm rả rích, Hạnh ra đóng cửa định ngủ thì bỗng nó thấy 1 bóng dáng quen thuộc từ ngoài đường đi vào. Nó tưởng nằm mơ, nhưng không, bà Mai, mẹ của nó, đã đến gần rồi kia. Bà Mai bước đến bên ông Mai, nức nở ôm chân chồng xin tha cho bà những tội lỗi vừa qua. 

Thế là từ đó trở đi, ai có đi ngang qua cầu Tân An đều không còn nghe được tiếng đàn hát của cha con người nhạc sĩ mù, đã làm cho lòng họ rung động suốt 1 năm qua nữa. Vì tiếng đàn ai oán của người cha và nhất là tiếng hát não nùng của đứa con thơ đã lôi kéo người mẹ, người vợ nhẹ dạ của họ trở lại mái gia đình.

                                                 Trang Vân     


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 73, ra ngày 15-7-1967)