Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

CŨNG MỘT THỜI ĐI THUÊ TRUYỆN - Phan Khương Thái


Bà chủ tiệm dò đi dò lại cuốn ghi ngày của những quyển truyện cho thuê. Cuối cùng tìm ra một ngày đích xác. Quyển truyện được trả cách đây 2 hôm, nay được trả lần nữa. Bà quăng quyển truyện vào góc cái xạch, hất hàm:

- Không có trả tiền thế chân gì ráo. Mày rút truyện của tao hồi nào.

Thằng bé cũng không vừa:

- Tôi mới mướn hôm qua, bà đừng ỷ lớn rồi nói ngược... Tôi về tôi nói với chị tôi thì bà biết...

- Ừ, kêu chị mày hay ba má, người lớn... lại đây nói chuyện. Bây lớn mà bày đặt gian hùng.

Độ 10 phút sau, thằng bé quay lại với một người đàn bà. Thế là khách mướn truyện được dịp ngẩn ra xem màn đấu khẩu gay go. Dĩ nhiên là thằng bé láu cá và chị nó chịu rút lui.

Bà chủ tiệm phân trần với khách hàng:

- Nó đã trả truyện, thừa lúc tôi lu bu nó ăn cắp để trả lần nữa. Nhưng ngày ghi trong sổ và trong truyện đã gạch bỏ rồi. Tôi bị cái vụ này là mấy lần rồi. Chắc phải đóng cái quày hàng cho ngăn cách để khỏi bị lộn xộn nữa.

Đa số các tiệm cho thuê truyện, tiểu thuyết, kiếm hiệp đủ loại hay gặp những vụ điển hình như trên. Đôi khi kẻ gian rất khôn ngoan, ngụy tạo một ngày mướn trên truyện rất đúng. Chủ tiệm cứ tưởng mình xóa lộn trong sổ và phải mất tiền đền.

Huy xem kỹ mục lục tiểu thuyết của Quỳnh Dao, sau cùng Huy chọn quyển "Đôi bạn chân tình". Những loại sách dịch này bây giờ xuất hiện nhan nhản, mà túi tiền eo hẹp không đủ để Huy mua. Thôi thì mướn mà xem đỡ ghiền. Nhất là sách Quỳnh Dao, có thể gọi là một hiện tượng. Ban đầu Huy có mua đôi ba cuốn. Về sau lại có nạn mạo hóa vàng thau lẫn lộn, giống như trước kia có Kim Dung giả và Kim Dung thiệt vậy. Cái gì rồi cũng một thời mà thôi. Huy không còn những cảm giác say mê thích thú như hồi còn bé. Có lẽ một khi bị cấm đoán, ta sẽ làm công việc bị cấm ấy một cách hồi hộp mà thỏa mãn.

Ngày xưa, Huy đã từng đọc lén truyện của bà dì mướn về. Dì Út dễ dãi để mượn Huy đem đổi quyển kế tiếp. Cho nên dì Út đọc loại nào là Huy ngốn loại đó. Cha mẹ Huy không cần biết sách truyện gì, nhảm nhí hay giáo dục đều ngăn cấm con em và không cho đọc, để dành thì giờ học bài, làm bài. Dạo ấy tiền thế chân theo thời giá còn rẻ rề, từ 50đ đến trên 100đ. Tiền mướn 1 quyển là 1đ. Có tiệm tính từng ngày, có tiệm tính từng tuần lễ. Tựu trung cách nào họ vẫn móc túi khách hàng từ từ và khéo léo. Nhiều cửa tiệm gia đình sống phong lưu dư dả chỉ nhờ vào nguồn lợi cho mướn sách. Có những bộ truyện kiếm hiệp, họ mua ngay lúc mới phát hành từ 20 bộ trở lên. Vậy mà vẫn không cung ứng nổi nhu cầu. Đại khái một cửa tiệm đầy đủ phải có tiểu thuyết xã hội, tình cảm, Tự Lực văn đoàn, tiền chiến, thời đại, đường rừng, gián điệp, trinh thám, kiếm hiệp, truyện Tàu, ma, quái đản... Nghĩa là phải thỏa mãn thị hiếu của độc giả tiết kiệm. Có tiệm cho mướn cả loại sưu khảo, sách có giá trị văn chương, thơ tiền chiến và cả loại sách về tình dục nam nữ v.v...

Sách dịch đã có từ lâu chẳng hạn như kiếm hiệp, chưởng pháp. Loại Âu Mỹ thì có Vô gia đình, Thần Jupiter v.v... Ngày nay lại thêm văn Quỳnh Dao, rồi Y Đạt, Từ Tốc... Dịch giả nhiều như nấm. Những sách dịch từ Âu Mỹ là loại sách có giá trị, đôi khi đoạt giải Nobel. Nhưng không ăn khách bằng văn Trung Hoa. Có lẽ chúng ta gần gũi những tâm hồn Á Đông hơn. Bây giờ loại sách Nhi Đồng cũng đem cho mướn. Huy thấy đầy dẫy tủ sách Tuổi Hoa, Mây Hồng v.v... Tiến sang Sách Vàng, Xì Trum, loại tranh vẽ của ngoại quốc chụp lại, phụ đề Việt Ngữ. Có những chú bé đứng mướn xem tại chỗ, coi một lần 2 hay 3 quyển rồi trả tiền. Làm vậy khỏi tốn tiền thế chân, lại khỏi bận giữ gìn. Hiện giờ rất nhiều nơi cho thuê truyện. Có nơi có bảng hiệu đàng hoàng, có nơi kẻ chữ sơ sài, có nơi không có gì cả. Chỉ cần nhìn vào nhà chúng ta thấy ngay nhiều kệ lớn sắp hàng lũ sách suốt đời phiêu lưu. Chúng được bao giấy dầu vàng, màu và giấy loại này người ta thường hay dùng vì lâu dơ và bền.

Tiệm khác thì dùng giấy bìa dày chemise. Có chỗ còn cẩn thận bọc nylon và bấm kim đàng hoàng. Mở ra trang đầu chúng ta thấy ngay bảng điều lệ giá biểu với lời yêu cần đừng xé hoặc phê bình vào truyện họ sẽ không nhận lại. Chẳng mấy khi họ kiểm soát hết được trừ trường hợp truyện rơi vào vũng nước dơ hay thấm mưa bèo nhèo. Hoặc là truyện mang tình trạng cháy loang với rách tả tơi.

Huy rất bực mình khi mướn lầm phải các quyển truyện tệ hại trên. Còn gì bực mình cho bằng đang đọc một đoạn tả trận đấu sinh tử giữa vai chánh với tên ma đầu lại đứt ngang. Một trang vô tội bị kẻ nghịch ngợm đang tay xé cái toẹt làm cụt hứng kẻ đọc sau. Có lẽ nạn nhân gián tiếp thứ nhì hậm hực phê bình: "(Tiếng chửi)... thằng nào mắc dịch". Trang truyện vẫn đón nhận thêm lời chửi nhau tuần tự: "Phải đó, uýnh chết thằng nào chơi xé truyện"... Thật khôi hài! Vì có bao giờ kẻ xé truyện lại mướn lại quyển đó để coi lần nữa, và để biết người ta chửi mình.

Lúc nào Huy cũng đọc được cả. Giờ ăn thì vừa nhai vừa xem báo (Bị la và cú đầu bởi anh chị là thường). Giờ ngủ thì khỏi nói. Chả bố mẹ Huy vẫn mắng là "con mọt sách". Giờ học, nếu làm biếng, Huy vẫn lén đọc truyện như thường. Bạ gì đọc nấy, tạp nhạp đủ thứ, khiến đầu óc Huy đầy kiến thức tổng quát, lẫn tinh ranh láu cá. Đừng tưởng trẻ con có thể đọc được hết sách báo đâu. Thuở ở nội trú, trong trường thày dòng, các frère có một thư viện bỏ túi, để cho học trò nội trú đọc giải trí. Lâu lâu mắc bệnh, Huy hay giả bộ nằm ở phòng bệnh thêm. Chỉ là để Frère cho mượn cả lô sách đọc giết thì giờ. Mấy ông rất quái ác. Đã cho đọc đủ thứ thì chớ, lại kiểm duyệt tất. Tức mình Huy nhờ bạn học ngoại trú mướn giùm cũng quyển truyện đó, xem đoạn bị xé hợp pháp viết gì. Đó cũng chỉ là 1 đoạn tả chân mà các tâm hồn đạo đức không muốn đầu độc đầu óc học sinh.

Ở ngoài, những trang truyện bị xé bất hợp pháp không làm sao kiểm soát hết được. Chủ tiệm chỉ xem xét qua loa cái vỏ bề ngoài.

Nhưng khách hàng không hơi nào biến hóa sách hay ra sách dở làm chi. Thêm một lẽ là sách truyện đóng kẽm hay chỉ rất chắc chắn. Trừ khi cố tình phá hoại, bằng không quyển truyện vẫn có thể luân lưu hằng mấy năm liền. Những quyển mới từ từ gia nhập vào đoàn thể. Mùi giấy láng thơm tho mực in với bìa plastic quyện vào cái mùi thuốc lá, xây xát, mùi đất cát phong trần. Truyện cũ qua tay từ tuổi biết đọc cho đến người già cả, đủ mọi hạng người, từ dân lao động cho chí người trí thức. Độc giả trong đó có Huy gây thiệt hại cho tác giả, dịch giả, nhà xuất bản rất nhiều. Biết làm sao hơn khi tình trạng nước ta còn quá nghèo, được đọc sách truyện với giá rẻ cũng là may. Chẳng trách những chỗ cho coi sách "cọp" cho mượn sách "chùa" rất đông độc giả như các Thư Viện, như nhà sách Khai Trí, như mini thư viện của tòa soạn Thiếu Nhi...

Chỉ cần một ít vốn là đã có thể thực hiện một tiệm cho thuê sách. Trung bình tiền mướn tính theo từng đơn vị nhỏ. Cứ một quyển truyện thế chân 100đ. Huy phải trả 10đ tiền thuê.

Cứ 10đ cho 1 ngày. Nhưng có tiệm chỉ phải bỏ ra 10đ, Huy có thể coi được suốt tuần, sang tuần thứ 2 mới phải tính 10đ khác. Một quyển truyện Quỳnh Dao dày hơn 300 trang, giá chừng 270đ (chắc tiệm họ mua sỉ và giá rẻ hơn) được chủ tiệm chia đôi ra. Mỗi quyển thế chân 150đ, tiền thuê 15đ. Nhưng Huy và 1 số độc giả lười chỉ thích thuê luôn 1 lần cho tiện, khỏi mất công đi đổi. Tiệm đưa nguyên cuốn, hoặc nếu hết họ đưa loại 2 cuốn lẻ. Thường thì ở tỉnh lỵ nhỏ, hay chia truyện ra để vừa với túi tiền của mọi giới. Dạo tiểu học, trưa nắng chang chang, Huy vẫn nghễu nghện đạp xe đi thuê truyện. Không một xó kẹt nào mà Huy không phăng ra để xem cho kỳ hết tiểu thuyết kiếm hiệp. Người chú họ của Huy cũng đồng bệnh "ghiền chưởng". Thôi thì không sót quyển nào. Từ thời "Cô gái Đồ Long, Anh hùng xạ điêu, Quỷ Bảo, Lệnh xé xác... cho đến bây giờ có Tiếu Ngạo giang hồ, Lộc Đỉnh Ký, Lục Tiểu Phụng v.v...". Tiệm nhỏ hết truyện để xem, thì mò sang tiệm lớn ở xa nhà hơn. Nhiều lúc tiệm lớn vẫn thiếu thốn.

Đó là cảnh "đắt đồng ế chợ". Nếu coi tiếp, Huy chỉ việc đến một tiệm nhỏ khác để mướn quyển kế. Có một tiệm nhỏ, cho mướn rất rẻ, nhưng anh gù chủ tiệm rất ư ma giáo. Mãi về sau Huy mới khám phá ra. Lần nào anh cũng để mình coi xong quyển I, nhưng quyển II đã có người khác mướn. Kẹt quá mướn quyển I lựa truyện khác. Hai ba lần như vậy, hên lắm mới có quyển II. Thế là Huy mắc vào cái vòng cứ phải xem tiếp, xem tiếp hoài. Tuy anh ta rất nhã nhặn, nhưng mất khách dần dà. Bởi vì Huy và 1 số độc giả khác khám phá mưu mô giấu quyển 2 để câu độc giả của anh ta. Quyển II có khi trốn rất kỹ với lý do dễ hiểu: "bị kẹt", "bị mất". Dĩ nhiên mất luôn độc giả chỉ thích đọc liên tục một mạch. Giờ giấc đông khách của tiệm cho thuê rất bất thường. Có lẽ đông nhất vào sáng sớm trước giờ vào học của học sinh, và giờ tan học cho đến giờ học buổi chiều. Từ sau giờ tan học chiều đến tối, lúc đông đảo, lúc lai rai. Giờ làm việc của tiệm cũng tùy chỗ và tùy hứng.

Có tiệm mở cửa từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối. Có tiệm nghỉ trưa. Có tiệm nghỉ chiều chủ nhật. Lại bày đặt nghỉ lễ để xả hơi nữa chứ. Tiệm nhỏ chỉ cần một người đủ trông nom. Tiệm lớn phải nhiều người giúp việc, hoặc huy động con cái, hô số thứ tự, réo ỏm tỏi như phổ ky trong tiệm nước. Truyện loại nào cũng có độc giả, nhưng nhận xét của Huy loại kiếm hiệp vẫn chiếm ưu thế từ xưa đến giờ. Độc giả giành nhau từng cuốn tiếp vừa mới mua về (mới toanh) mặc dù chưa đủ bộ. Các bà, các cô vẫn thích loại tình cảm nhẹ nhàng hơn. Chỉ có trẻ em là thành phần phức tạp, đọc ngấu nghiến, đọc để rồi quên tuốt luốt mọi loại nhi đồng, trinh thám, kiếm hiệp... Nếu không vì các vị nhà binh mướn truyện vào đọc trong trại, truyện sẽ không mất và bị lẻ. Hoàn cảnh khiến họ làm mất truyện luôn luôn. Trường hợp đó tiền thế chân kể như đi đời, coi như ta mua quyển truyện với giá mắc vậy. Chủ tiệm không bao giờ lỗ, tiền thế chân luôn đúng giá ghi hoặc hơn cho chẵn mấy trăm. Số lượng người thuê không điều hòa. Tăng vào đầu tháng và giảm từ nửa tháng trở đi. Có gì lạ đâu, như Huy lúc hết tiền xài thì đành rút tiền thế chân lại. Nhiều vị cứ tưởng là mình giỏi lắm khi từ trong tiệm bước ra với chồng truyện hơn 10 cuốn. Giá đó là sách mua hay sách để học thì hay biết mấy. Huy hay cười thầm khi bắt gặp mấy nhóc tì như Huy lúc bé mướn nhầm phải truyện dịch triết lý cao siêu. Trình độ của chúng chỉ để coi truyện khoa học giả tưởng của Jules Verne thôi. Và Huy phục lăn thói quen của mấy đứa bé trong tiệm cho thuê. Chúng làu làu số thứ tự và tên truyện (ít khi lộn). Nếu độc giả quên, hoặc là người đi đổi giùm người nhà, chúng chỉ đợi mình nhắc vài chi tiết là đoán ra truyện đó ngay. Hẳn đây là những con mọt sách đầy đủ phương tiện nhất.

Trong đời đi thuê truyện Huy có vài kỷ niệm buồn vui khó quên được. Lần nào cũng bởi cái tật vừa đi vừa đọc (Vấp té là thường). Một hôm vừa từ trong tiệm bước ra, chân bước mắt đọc, Huy bị người đi chợ chen, va phải. Thế là Huy ngã vào thau "xương xa hột lựu". Thau đổ một ít và bể mấy cái ly. Cái bà đi chợ vô danh và không con ngươi trong mắt nào đó đã đi mất. Huy mếu máo lãnh đủ. Điều đình không được, Huy đành phải trở vào lấy tiền thế chân ra mà đền tức khắc. Vậy cho hết coi. Lần khác, ở một địa điểm khác, Huy "từng bước từng bước thầm" tiến đến chiếc xe đạp đang dựa bàn đạp vào lề đường. Gần đó mấy bàn "banh bàn" hoạt động ầm ĩ ; mà Huy thì mắt dán vào phần đầu của truyện. Lơ đãng Huy gấp truyện lại và lên yên đạp xe đi. Hẳn là Huy muốn vừa chạy vừa coi. Mải suy nghĩ về đến nhà lúc nào không hay. Dòm lại thì trời ơi! Xe đạp của ai mà tốt vậy kìa. Xe đạp của Huy còn dựng đẳng kia. Điệu này phải đem đổi lại. Nhưng làm vậy thì "tình ngay lý gian", vì xe đạp của Huy cũ hơn. Mấy đứa em bép xép và mẹ Huy bắt phải trả bất cứ giá nào, có ông chú họ theo hộ tống. Nhưng trở lại chỗ cũ thì xe Huy đã mất tăm dạng. Không rõ kẻ bất lương đã trộm hay chủ chiếc xe Huy vô tình cầm nhầm đã nén lòng cầm nhầm lại cho bõ ghét. Và Huy hằng sử dụng chiếc xe đạp đồi không bù tiền ấy một cách hồi hộp, chỉ sợ có hôm thày cảnh sát thổi cái "hoét" và chận lại bảo rằng Huy ăn cắp xe đạp thì xấu hổ vô cùng. Còn lần thứ ba thật đáng đánh đòn. Nhà gần mà Huy vẫn chịu khó thót lên xe để đi mướn truyện. Đi vào thì dựng đó, không khóa, không nhìn sau trước. Mướn xong, Huy vừa tà tà vừa lẩm nhẩm đọc, cho đến khi về nhà và lăn ra giường mà nằm đọc, đọc miết... Chừng thằng em hỏi đến xe đạp để cu cậu đi chợ. Ô hô! Huy chợt nhớ bỏ quên trước tiệm sách cho thuê. Ba chân bốn cẳng (ngưng đọc truyện) Huy chạy ra. Chiếc xe đạp đã tự động biến mất. "Điều tra" vẫn không một chút manh mối. Nào ai có biết xe ai? Cả nhà xúm lại mắng Huy một trận nên thân. Cái gì cũng quên, trừ ra truyện với ăn.

Nhà văn được coi là ăn khách khi được nhiều người biết đến. Nhưng qua phương tiện mướn truyện, cảnh đó buồn làm sao. Nghe xứ người mỗi lần xuất bản hằng mấy trăm ngàn cuốn. Rồi lại tái bản cả mấy chục lần. Bản quyền tính từng chữ, bắt ham.

Nhưng phải chăng dân họ có tinh thần công bằng, nghĩ tới quyền lợi mọi người trong cộng đồng hơn, cho nên không ai nghĩ tới chuyện khai thác cuốn sách một cách tàn nhẫn. Xứ mình thì khác. Cuốn sách càng được nhà cho mướn truyện o bế kỹ lưỡng, đóng bao chắc chắn bao nhiêu, thì cuộc đời càng gian truân luân lạc từ tay này qua tay khác bấy nhiêu. Và tác giả, người đã thức đêm thức hôm ốm đau bệnh tật để mà hoàn thành được tác phẩm sẽ càng mòn mỏi hy vọng tái bản, có khi cả chục năm mà đợt in đầu vẫn chưa bán hết, vì độc giả đi thuê đọc đủ rồi. Chỉ béo ông chủ tiệm cho thuê, bỏ ra mấy trăm đồng bạc mua cuốn sách, đọc lần đầu rồi tô chuốt bao bọc lại, tống vào kệ sách cho thuê, nguồn lợi về sự khái thác cuốn sách quá sức lao động sẽ có thể đem về ông gấp mười lần số vốn ông bỏ ra. Tóm lại, người thuê không thấy áy náy gì, vì nghĩ rằng mình thuê chứ đâu có đọc cọp, nhưng tác giả và nhà xuất bản đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt mới có đứa con tinh thần, để rồi ông cho thuê sách ngồi rung đùi thu tiền suốt năm này qua năm khác, hả hê trong nỗi mong đợi của cuốn sách, mong cho đời chóng tan nát, để còn đền ơn sinh thành cho người thai nghén, sinh ra nó, vì chỉ có chính nó tự nát đi, thì tác giả mới hy vọng tái bản, và nếu may mắn các ông chủ tiệm buông tha không xếp vào danh sách các thần tử phục vụ túi tiền của ông, thì cuốn sách mới hy vọng đem về cho các đấng sinh thành một đời sống tương đối đỡ khốn đốn hơn, nhờ ở tiền tác quyền đem lãi. Nhưng dù sao, cuốn sách bị cho thuê cũng nên an ủi rằng chúng còn trả nghĩa được hơn là tờ báo bị cho thuê. Vì chủ tiệm còn phải mua một cuốn trước khi đem khai thác. Chứ sạp báo chẳng mất đồng xu ten nào, chỉ việc "mượn đầu heo nấu cháo, mượn báo cho thuê", chừng hết thời không cho thuê được nữa thì đem báo cũ trả lại nhà báo, thế là xong. Chỉ việc dốc túi tiền ra đếm, rồi cười ngỏn ngoẻn: "Không có nước lã mà cũng vã nên hồ, thế mới hay!"

Những tháng năm dài trôi qua, Huy bây giờ đã có sự tự do trong việc đọc sách, mua hoặc mướn. Chính là lúc Huy ngăn cấm mấy đứa em đọc những gì nhảm nhí. Chúng biện hộ rằng "Tụi em đọc tủ sách Tuổi Hoa v.v..." Biết đâu chừng, có ai rình mò để bắt quả tang chúng lén mướn những truyện về tình yêu ướt át và lãng mạn.

Dòng đời vẫn lăn bánh xe cực nhọc hòa hợp với đời người vội vã muốn hà tiện không thèm mua truyện. Cho nên tủ sách riêng của Huy số lượng tăng rất chậm, nhưng bảo đảm về phẩm. Cũng còn lâu lắm để mấy đứa em Huy nếm kinh nghiệm và biết chọn sách mà đọc, biết phân biệt loại nào để giải trí, loại nào để học hỏi thêm. 

Huy cố gắng hướng dẫn chúng lựa chọn, để tương lai tuổi thơ non nớt không bị sa ngã bởi những con buôn văn nghệ. Văn nghệ mà lọt vấn đề thương mãi vô là phi văn nghệ ngay. Có những người cả đời chỉ toàn là thuê mướn, không cần có một quyển sách làm "gia bảo" trong nhà. Đến chơi nhà họ, Huy có quyền đọc báo, báo cũng mướn từng ngày. Tình trạng thảm não ấy cũng bởi nhiều yếu tố và hoàn cảnh xã hội. Chẳng lẽ cấm đoán và dẹp hết? Mà ai có quyền cấm đây. Rồi lại còn vấn đề của những người quá nghèo, không mua nổi cuốn sách, mà lại ở nơi không có thư viện công cộng. Biết làm sao khi còn có những ông giầu có sang trọng, chở xe đem cả nhà đi ăn tiệm, trong lúc chờ đợi, chạy vào nhà cho thuê sách để mướn truyện mà giá mua nào có là bao, chỉ bằng một hai chai la de mà thôi!


PHAN KHƯƠNG THÁI  

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 96, ra ngày 1-7-1973)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com