Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

NHỎ PI-E VÀ NÀNG CÔNG CHÚA - Trần thị Phong Lan


Ngày xưa, có một người thợ làm guốc sống cùng ba đứa con trai trong một xóm nhỏ gần kinh đô. Ông ta nghèo lắm, nhưng lại làm chủ một vật thật độc đáo: một cây đào khác thường mỗi năm kết trái tới bốn lần, một lần vào mùa xuân, một vào mùa hạ, một vào mùa thu, và thêm một lần nữa vào chính giữa mùa đông lạnh lẽo.

Thế mà đức vua trị vì thời đó lại rất ham ăn. Đức vua rất thích ăn trái đào và lấy làm buồn vì không được ăn vào dịp lễ Giáng Sinh hoặc lễ Đèn Thánh. Một buổi tối, trước lễ Nửa đêm, đức vua thèm ăn tới mức ông thề sẽ gả con gái cho người thứ nhất nào đem tới dâng một giỏ trái đào.

Lời thề của vua đồn tới tai người thợ làm guốc. Ông này tự nhủ:

- Đây là một dịp bằng vàng để mình gây dựng cho thằng cả. Nó sẽ cưới Công chúa và sẽ trở thành Hoàng đế, như vậy sẽ đỡ cực nhọc hơn là theo nghề làm guốc.

Ông hái những trái đào tươi đẹp nhất, sắp xếp vào một cái giỏ, rồi cho người con cả đem vào cung vua. Dọc đường, đứa bé gặp một bà già, da dẻ nhăn nheo, đang lượm củi khô. Bà ta lớn giọng hỏi:

- Con mang những gì trong giỏ đó?

- Những hột dẻ rừng cho mụ ăn đó, mụ già! Đứa bé vốn không được dạy dỗ đầy đủ cho lắm để trở thành một ông hoàng đã xấc xược trả lời như vậy.

Tới hoàng cung, hắn được dẫn tới trước đức vua, lúc đó vừa ngồi vào bàn ăn. Hắn kiêu hãnh mở cái giỏ ra và... bạn hãy tưởng tượng sự kinh ngạc của đứa bé hỗn láo khi hắn thấy trong giỏ đầy những hột dẻ rừng, trái nào trái nấy cứ lớn bằng củ khoai lang.

- Bộ mi cho ta là đồ ngu hả? Đức vua giận dữ ném cái khăn ăn xuống mà hét lên.

Thằng nhỏ chỉ còn kịp vắt chân lên cổ mà chạy một mạch về nhà.

- Thế nào? người làm guốc hỏi con.

- Người ta đã không cho phép con vào cung vua tên khờ trẻ dại ấp úng trả lời.

Người cha đoán ra một điều dối trá gì đó nhưng không nói gì. Ngày hôm sau, ông ta soạn một giỏ trái đào khác và cho đứa con thứ đem đi.

Giống như thằng anh, đứa con thứ cũng gặp bà già lượm củi.

- Con mang gì trong giỏ thế?

- Những con cóc đó, mụ phù thủy già kia ạ! thằng nhỏ vốn còn lỗ mãng hơn anh nó, trả lời như vậy.

- Vậy thì ta cầu chúc cho đó là những con cóc đẹp đẽ nhất đời chưa ai từng thấy!

Rồi quả như thế thật, khi cái giỏ được mở ra trước mặt đức vua thì một bầy cóc nhớp nhúa nhảy ra lung tung. Hoàng hậu và Công chúa kinh hãi kêu lên. Đức vua co chân đạp nhào tên vô lại. Hắn vội vã chuồn về nhà, lấy làm sung sướng là đã chỉ bị trừng phạt nhẹ có thế.

Hẳn là hắn không nói sự thật cho người cha biết ; và ngày hôm sau, tuy không mấy hi vọng, người thợ guốc vẫn quyết định cho đứa con thứ ba, thằng nhỏ Pi-e, đem trái cây đi. Thằng nhỏ này khôn ngoan hơn các anh nó, nhưng nó quá nhỏ bé và xanh xao đến nỗi người ta thường chỉ gọi nó là "thằng tanh tách", được hiểu theo tiếng địa phương thì có nghĩa là "con cào cào". Cũng như hai đứa anh, dọc đường nó gặp bà già.

- Con mang gì trong giỏ thế?

- Kính thưa bà, con mang trái đào lên dâng đức vua.

- Thế à, ta cầu chúc đó sẽ là những trái đào ngon, đẹp nhất trần gian.

- Con xin cảm ơn ngoại thằng cào cào lễ phép nói.

Khi tới trước mặt nhà vua, nó mở giỏ ra thì quả nhiên bên trong đầy những trái đào mơn mởn lớp phấn lông xinh đẹp. Nhà vua vồ lấy đào ăn ngay lập tức, chẳng buồn mời Hoàng hậu và Công chúa lấy nửa miếng ; ăn xong ông mới đưa mắt nhìn chú bé ngây ngô đứng trước mặt mình.

- Mày đứng đó làm chi vậy, thằng nhỏ?

- Muôn tâu, con xin đợi lãnh phần thưởng mà đức vua đã hứa.

- À, à! Đức vua vốn không muốn giữ lời hứa, mới hỏi thế mày tên gì?

- Con tên là Nhỏ Pi-e.

- Thế mày làm nghề gì?

- Muôn tâu đức vua, con làm nghề đẽo guốc.

- Con chẳng thèm trở thành thợ đẽo guốc đâu nhé Công chúa la lên.

- Ồ, rồi tôi sẽ đổi nghề khác, kính thưa công nương, nếu nghề của tôi không vừa ý công nương.

- Mày dám học nghề làm vua đấy chắc? Đức vua nói với giọng tinh quái.

- Dạ, nếu như Hoàng thượng sẵn lòng dạy bảo cho con...

- Thế à, thằng nhỏ, mày hãy học ngay đi. Mày biết chứ, các nhà vua cũng chỉ là những người chăn cừu ; mà người ta thì còn khó chăn dắt hơn cừu nữa. Bây giờ ta giao cho nhà ngươi mười hai con thỏ trắng để nhà ngươi đem ra ngoài đồng cho ăn cỏ. Nếu như trong vòng ba ngày, nhà ngươi đem được đàn thỏ đó về đây đầy đủ thì nhà ngươi có tài làm vua đó nghe!...

Nhỏ Pi-e thấy rõ là nhà vua chế nhạo nó ; nhưng bởi vì nó không có cách nào khác, nên nó đành lủi thủi theo sau tên lính hầu xách cái giỏ trong có mười hai con thỏ, đi ra ngoài bìa rừng. Ngay khi vừa mở giỏ ra, những con thỏ chạy trốn lung tung, và tên lính hầu vừa bỏ đi vừa cười nhạo chú nhỏ.

Nhỏ Pi-e chẳng mất thì giờ đuổi theo các con thỏ. Vì đó là một việc hoàn toàn vô ích. Thế nhưng, nó thật tâm muốn giữ được bầy thỏ đó, phần vì thật đáng cho nhà vua một bài học, và phần khác vì nàng công chúa sao mà xinh đẹp quá! Nó sắp buông ra một tiếng thở dài thật dài thì, bất chợt, người đàn bà lượm củi già nua bỗng hiện ra trước mặt nó:

- Con có muốn gọi đàn thỏ đó trở về không?

- Dạ thưa ngoại, con muốn lắm chứ!

Thằng cào cào kêu lên mà chẳng để ý gì tới việc tại sao bà già lại biết hết mọi chuyện như vậy.

Bà đưa cho nó một cái còi rồi biến đi.

- Cảm ơn ngoại Nhỏ Pi-e kêu lớn rồi vội vã đưa còi lên miệng thổi một hơi dài. Tức thì cả mười hai con thỏ vội ba chân bốn cẳng chạy về nhảy gọn vào trong giỏ.

Vững bụng rồi, nhỏ Pi-e để cho đàn thỏ nhẩn nha gặm cỏ, còn nó thơ thẩn chơi suốt ngày trong rừng.

Buổi tối đến, hỏi ai là người tiu nghỉu nhỉ? Đó là đức vua!

Ông ta hồ nghi có điều bí ẩn chi đó và cầu mong toàn thể triều đình hãy tìm kế giúp ông. Để cho một tên quê mùa dốt nát lấy công chúa rồi thừa hưởng ngai vàng thì đâu có được.

Viên quan đại thần ắt hẳn có mưu chước gì hay lắm nên sáng hôm sau, lão đi tìm thằng cào cào lúc bấy giờ đang cho bầy thỏ ăn cỏ ngoài ven rừng.

- Này, tên chăn cừu kia lão vừa nói vừa thở phì phò như một con bò, bởi vì thân xác lão ta to lớn như một cái thùng mày có mấy con thỏ đẹp quá. Mày bán cho ta một con đi.

- Thỏ tôi không bán, muốn lấy phải đánh cược mà lấy.

- Mày muốn đổi cái gì nào?

- Ông đứng đó, tôi sẽ lấy mặt ông làm chuẩn chọi chơi. Mũi ông sẽ là tâm điểm.

- Sao, đồ nhãi ranh, mày dám nói vậy à?...


Nhưng ông quan to lớn cho dù có nạt nộ, đe dọa, năn nỉ, cho vàng cho bạc, tên nhãi ranh vẫn chẳng chịu cắn câu. Thế rồi, sau khi đã dọ chắc là không có ai đi tới, ông quan đại thần phì nộn phải đứng ra xa xa, để thằng nhỏ chọi vào mặt cả nắm nút chai. Nhỏ Pi-e lại có nhiều nút chai cơ chứ, nó chọi bằng thích rồi mới tha cho ông quan. Ông quan bỏ con thỏ vào túi rồi vội vã lủi về.

Nhưng ông ta vừa mới ra khỏi rừng thì... tiếng còi vang lên cái hoét! Con thỏ rông mất tiêu! Viên quan đại thần tay không lủi thủi trở về triều đình và không hé môi về chuyện mặt ông bị chọi cả một túi nút chai.

Thế rồi, công chúa đích thân đi cầu may.

Vài giờ sau, nhỏ Pi-e trông thấy một cô vắt sữa trẻ và tươi tắn đi tới, có điều nàng hơi quá xinh đẹp để là gái vắt sữa! Nàng cũng tỏ vẻ thích thú những con thỏ trắng và muốn mua một con.

- Thỏ tôi không bán, muốn lấy phải đánh đổi.

- Đổi cái gì nào?

- Hôn người chăn thỏ.

Công chúa không vừa ý chút nào, nhưng lại nghĩ là mình có thể cố gắng chút xíu để khỏi trở thành thợ làm guốc. Nàng chìa cặp má đỏ ửng ra... và cái tạp dề nữa, đoạn nàng bỏ đi nhanh như một mũi tên, mang theo cái hôn... và con thỏ.

Công chúa chưa đi được trăm bước thì bỗng, vù! Con thỏ nhảy ra khỏi cái tạp dề... và tối đến, nhỏ cào cào lại mang đàn thỏ về đầy đủ!

Ngày hôm sau, đức vua thật tâm lo ngại, suy nghĩ là chẳng ai làm việc hơn được chính mình, ngài bèn ra tay. Bữa đó, nhỏ Pi-e trông thấy một thầy tu cưỡi lừa đi trên đường. Cách đó không xa có một tu viện nên chuyện đó cũng không có gì là lạ. Tuy vậy, nhỏ Pi-e vẫn giữ ý và thổi còi gọi đàn thỏ về vì nó thấy ông thầy tu đội khăn chùm hụp làm như sợ ánh nắng trời.

- Con làm gì ở đó? thầy tu hiền từ hỏi với giọng nói được làm cho khác đi, cũng như ông ta muốn che giấu mặt mày.

- Thưa cha, con chăn bầy súc vật!

- Những con thỏ tuyệt đẹp, thật đấy! Con bán lại cho ta một con nhé?

- Tôi biết tỏng cha là ai rồi nhỏ Pi-e tự nhủ và trả lời: Thỏ con không bán mà phải đánh đổi.

- Con muốn đổi cái gì nào?

- Thưa Cha, như xin một ân huệ, bằng hành vi hạ mình. Thưa Cha, muốn xin Đức Giáo Hoàng một ân huệ, ta phải làm sao?

- Phải quỳ dưới chân Người và phải nhiệt tâm ôm hôn con lừa của Người Đức vua trả lời, trong lòng không khỏi lấy làm kinh ngạc.

- Thưa Cha, đây là chân con, Cha hãy ôm hôn đi.

Nói rồi, nhỏ Pi-e liều lĩnh chìa bàn chân đi guốc ra trước mặt đức vua. Hoàng thượng cầu khẩn, van nài, cúi dâng vàng bạc, nhưng tên nhỏ quê mùa tinh quái nhất định không chịu. Đức vua đành phải tụt xuống đất, quỳ gối dưới đất, và ôm hôn cái guốc vấy bùn. Hôn xong, ông leo lên lưng lừa, mang theo nỗi tủi hổ và con thỏ... con thỏ mà ông không giữ được lâu hơn hai kẻ trước ông. Đức vua trở về hoàng cung, trong lòng tin chắc thằng nhỏ quê mùa nọ đúng là phù thủy.

Tối đó, nhỏ Pi-e đem về cung đầy đủ mười hai con thỏ lần thứ ba và nó hãnh diện tuyên bố trước toàn thể triều đình:

- Đủ cả mười hai con thỏ đây ạ, muôn tâu Hoàng thượng, và con sẽ tâu trình Hoàng thượng con đã giữ được đàn thỏ đó cách nào. Ngày hôm nay, con gặp một vị thầy tu, chẳng ai khác hơn chính là đức Hòa...

- Được rồi! Đức vua kêu lên và lấy tay bụm miệng nhỏ Pi-e lại ta sẽ gả Công chúa cho con!

Thế rồi, để cho đám cưới được môn đăng hộ đối, đức vua phải phong tước cho toàn thể gia đình người thợ guốc, kể cả hai tên khờ đã đem tới dâng ông những hột dẻ rừng và những con cóc nhớp nhúa.

Về sau, nhỏ Pi-e trị vì trăm họ rất khôn ngoan và được toàn dân tôn sùng...


TRẦN THỊ PHONG LAN dịch    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 100, ra ngày 27-7-1973)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com


Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

XIN NẮNG VỀ CHO NGOAN MƯA BAY - Đông














Xin nắng về cho ngoan mưa bay
Một phút giây rất nhẹ sau ngày
Có mối sầu luyến lưu trong vắt
Khẽ ru hồn ngủ giấc mơ say

Chút miên man rất lạ bên hè
Tình đã hồng kín những hàng me
Lối tan trường còn xinh gót lạ
Có chút sầu vụn vỡ bên hoa

Là mùa thương vừa nở trong tim
Từng phút giây còn luyến lưu tìm
Một chút sầu cổ xưa trong lá
Một chút tình ngủ giấc thương ca

                                                ĐÔNG

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 29, ra ngày 5-7-1972)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

CỨU NGƯỜI QUA ĐƯỜNG DÂY ĐIỆN THOẠI - Nguyễn Hùng Trác


Đối với hàng triệu người, thành phố quả là chốn địa ngục vì ở đó người ta cảm thấy cô đơn và phiền muộn mà không biết tìm đâu ra một tâm hồn thông cảm để giãi bày khi gặp những nỗi khó khăn quá mức của cuộc đời. Tuy nhiên cách đây mươi năm, có một nhà truyền giáo người Anh ở Luân Đôn đã tìm cách chống lại sự phiền muộn mà đã khiến cho những người ở thành phố phải nản lòng. Mục sư Edward Chad Varah và các cộng sự viên tình nguyện đã giúp đỡ và mang nguồn hy vọng đến cho gần bảy ngàn rưỡi người chán nản.

Những người tình nguyện này tự gọi mình là những người "Samaritains" (theo chuyện ngụ ngôn trong phúc âm nói về tình nhân loại). Số điện thoại của họ, Mansion House 9.000 được nổi tiếng khắp cả nước Anh. Họ trả lời điện thoại suốt cả ngày đêm, bất cứ lúc nào có người gọi đến.

Thành phố Luân Đôn đắm chìm trong sương mù. Cô Millie G... , một thiếu nữ mười chín tuổi, đang nhắm hướng sông Tamise đi đến. Cô muốn gieo mình xuống dòng sông tự tử. Mổ côi mẹ, đau khổ vì bị phụ rẫy, cô viết thư cho người bạn: "Khi anh nhận được giòng chữ này, thì em đã chết rồi."

Khi lục túi kiếm mấy xu để gửi thư, cô chạm tay vào mảnh báo nhàu nát cô đã cất giữ từ lâu nay và mang luôn bên mình suốt hai năm nay: "Nếu bạn bị tuyệt vọng, nếu bạn nghĩ đến việc tự tử, hãy gọi số Mansion 9.000." Cô đọc lại mảnh giấy.

Millie ngập ngừng. Đột nhiên cô thấy cần phải sống. Cô quay nửa vòng và đi về phía phòng điện thoại công cộng. Một lát sau, có tiếng trả lời:

- Đây Mansion 9.000, tôi có thể giúp cô được gì?

Giọng nói thân mật và đầy vẻ thông cảm. Millie vừa thổn thức vừa tâm sự với "người bạn" này như chưa bao giờ cô thố lộ cùng ai. Cô chấm dứt bằng những lời quá quen thuộc với những người Samaritains:

- Tôi hết chịu đựng nổi rồi.

Tiếng nói trong điện thoại hỏi:

- Sao cô không đến đây nói cho rõ thêm một chút.

Rồi tiếng người trong điện thoại chỉ đường cho cô đi.

Millie tìm đến địa chỉ. Cô vừa gõ nhẹ thì cánh cửa mở rộng, cô trông thấy một căn phòng bài trí nghèo nàn với mấy chiếc ghế què quặt nhưng có đầy đủ hơi ấm thoát ra từ lò sưởi.

Một người đàn ông cao, mang kính và mặc áo nhăn nheo chìa tay ra mời cô:

- Tôi là mục sư Varah. Mời cô vào, cô dùng cà phê nhé.

Mục sư Varah khuyên nhủ Millie:

- Ngày mai cô sẽ đi mua một chiếc áo mới và cô sẽ đi thẩm mỹ viện làm tóc. Cô hãy còn trẻ.

Đêm hôm đó, Millie ngủ ở nhà một thiếu nữ tình nguyện. Chẳng bao lâu những người Samaritains trở thành bạn thân của cô. Một người đứng ra giới thiệu cho cô làm việc cho một nhà buôn lớn.

Không ai đem chuyện tôn giáo ra nói với cô cả. Nhưng một hôm chính cô nói:

- Tôi muốn học kinh để cầu nguyện. Tôi cần phải cầu nguyện để tỏ lòng tri ân của tôi.

Bây giờ Millie trở thành một cộng sự viên tình nguyện dùng phần lớn thì giờ của mình để cùng bạn bè giúp đỡ những người thất vọng. Một phần ba số cộng sự viên của Mục sư Varah chính là những "khách hàng" cũ nghĩa là những người đã được tổ chức này cứu thoát chết. Họ mang đến cho những người tuyệt vọng một giọng nói thân mật, hai tai chăm chú nghe lời tâm sự, và một trái tim cởi mở.

Gần bốn mươi phần trăm "khách hàng" của mục sư Varah là những kẻ định tự tử vì những nguyên do trầm trọng. Những kẻ còn lại họ muốn chết chỉ vì những lý do không quan trọng. Họ gồm đủ các giai tầng trong xã hội: từ một kẻ bần cùng đến một nhà triệu phú, từ một anh tài xế đến một bà nội trợ... Những người phạm tội cũng tìm đến để trút nỗi tâm sự. Cảnh sát cũng biết thế nhưng họ kính trọng những lời thú tội trước mặt Mục sư.

Mục sư nói với những cộng sự viên:

- Chúng ta ghét tội ác nhưng đừng ghét bỏ kẻ phạm tội.

Trước kia Varah là một sinh viên ban Tâm lý học và Triết học tại đại học Oxford, đã trải qua những thời kỳ nghi ngờ, thất vọng trong cuộc sống, sau đó Varah mới trở thành mục sư. Một hôm Varah đi đưa đám ma một cô bé mười bốn tuổi. Cô bé đáng thương đi tìm cái chết vì cô lần đầu nhìn thấy chu kỳ kinh nguyệt của mình đã tường là dấu hiệu bắt đầu một chứng bệnh ghê tởm và nguy hiểm. Và cô đã tự tử!

Mục sư Varah tự nhủ:

- Lẽ ra cô bé phải được cứu sống. Nếu cô thổ lộ nỗi khổ tâm với một người lớn đáng tin cậy.

Hai mươi năm sau ngày đưa đám tang cô bé xấu số kia, mục sư Varah được bạn bè đưa đi khắp nơi, vào nhà thương, viện phân tâm học, nhà tù. Mục sư biết rằng cứ cách tám giờ thì có một người dân Luân Đôn tự tử. Mục sư thấy rằng người ta tự tử vì thiếu một niềm tin đích thực, gặp những nỗi khó khăn, buồn khổ và bị khủng hoảng tinh thần. Mục sư đã nói:

- Những lý do thường xuyên nhất là sự cô đơn. Nỗi phiền muộn này giày vò con người ghê gớm.

Varah tìm được một mối dây ràng buộc con người với cuộc sống: đó là đường dây điện thoại, vì ở Luân Đôn không khi nào người ta không gặp một buồng điện thoại công cộng.

Khi mục sư xin số điện thoại, ông nghĩ ngay đến số 999, số cấp cứu để gọi cảnh sát, cứu hỏa hay xe cứu thương, va ông xin được số Mansion 9.000.

Hiện giờ tổ chức của mục sư có một vị tu sĩ nữa làm phụ tá, một nữ phụ tá xã hội và phân tâm học, nhiều thư ký, nhưng chính những cộng sự viên tình nguyện là những người đảm trách phần lớn công việc.

Thỉnh thoảng mục sư Varah gởi đến bác sĩ và những nhà phân tâm học những "khách hàng" cần điều trị.

Mục sư cho biết:

- Cứ có một người cần thuốc men trị liệu thì có đến sáu người cần đến tình thân hữu và sự thông cảm để họ khỏi buông trôi tuyệt vọng.

Những người Samaritains thỉnh thoảng phải đưa "khách hàng" đi xem chiếu bóng, mời họ về quê nghỉ vài tuần để lên tinh thần, và thường nhất là đi thăm viếng họ.

Những người tình nguyện sẵn sàng đi bất cứ nơi nào và làm bất cứ việc gì để cứu người. Một buổi chiều mưa, một thiếu nữ trong nhóm Samaritains được cử đi gặp một người nữ "khách hàng" ở một góc đường. Hai giờ sau. mục sư Varah nhận được điện thoại của cô "khách hàng" này. Cô cho biết vì không đủ can đảm đến nơi hẹn nhưng bây giờ muốn xin gặp lại.

Varah trả lời:

- Cô cứ đi đến chỗ đã hẹn lần trước, người đó vẫn chờ cô.

Đúng thế, cô gái đáng thương được tiếp đón vì người ta không bao giờ muốn bỏ rơi cô.

Varah nhận thấy rằng sau những vụ thất vọng bao giờ cũng có một hối hận bí ẩn nhưng khủng khiếp, sự hối hận này như ngòi nổ chậm của quả bom. Thường thường người ta thổi to quá mức lỗi lầm của mình. George là một công nhân, có lần ham vui đánh bạc thua cả một số tiền lớn hơn cả một năm lương. Ông cảm thấy xấu hổ. Thay vì thú thật với vợ, ông ta tự giày vò âm thầm, và cuối cùng định tự tử. Ông ta đã đưa đầu vào bếp hơi, đột nhiên ông ta nghĩ đến ba đứa con còn thơ dại, ông gọi điện thoại cho nhóm Samaritains.

Một người tình nguyện đưa ông ta đến bà phụ tá xã hội và phân tâm học. Bà này giải nghĩa cho ông biết điều mà ông tưởng đâu là một tội lỗi tày trời chẳng qua chỉ vì điên rồ. Vợ ông tỏ ra rất biết điều. Bây giờ hai người cố gắng dành dụm để trang trải nợ nần.

Mục sư Varah hy vọng rằng những tổ chức như của ông sẽ được lập ra trên khắp thế giới để không còn ai nghĩ đến việc tự tử nữa.

Hai mươi sáu thành phố ở Anh và hai vùng ngoại ô của Luân Đôn đã thành lập những chi nhánh. Nhiều tổ chức tương tự của Thiên Chúa cũng như Tin Lành ra đời ờ Âu Châu: ở Ba Lê, Bruxelles, Genève, Tây Bá Linh, Hambourg, Stuttgart, Stockholm, Helsinborg, Vienne, Francfort, Rotterdam, La Haye.

Ở các tổ chức này, cũng như tại tổ chức của mục sư Varah, điện thoại là con tim của mọi sinh hoạt. Bất cứ giờ giấc nào, không kể ngày hay đêm bao giờ cũng có một người bên điện thoại chờ nghe những lời thất vọng chán chường để rồi sau đó dịu dàng khuyên giải và tìm đủ cách để giúp đỡ những kẻ đáng thương.


Charlotte và Denis Plimmer    
NGUYỄN HÙNG TRÁC dịch   



(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 94, ra ngày 17-6-1973)  


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

THÁNG BẢY MƯA BAY - Trần thị Phương Lan














Tháng bảy mưa bay
Phượng vỹ ngủ ngày
Co ro chim bé
Đánh một giấc say

Tháng bảy mưa ngâu
Gió rít đỉnh sầu
Hoàng hôn chẳng vội
Chân ai bước mau

Tháng bảy mưa rơi
Phố vắng bóng người
Tiếng rao ủ rũ
Trong chiều đơn côi 

Tháng bảy mưa mù
Khuông trời âm u
Giăng giăng mây xám
Trời chưa vào thu

Tháng bảy mưa hoài
Mưa ướt đôi vai
Chiều buông chầm chậm
Gót mỏi đường dài

Tháng bảy mưa buồn
Mưa ướt lối trơn
Đưa bàn tay hứng
Những giọt mưa tuôn

Tháng bảy hay mưa
Ngõ hẹp đơn sơ
Có chàng thi sĩ
Ngắm mưa làm thơ...

Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)

Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

NHƯ HOA SAO TÍM - Hồ thị Nguyệt Thanh


gởi chị Hoàng Thục (Canada)

Hôm qua em vừa khám phá ra một điều bất ngờ và lạ lùng hết sức. Chẳng là cậu Di nghỉ phép về thăm nhà, cậu dẫn em và nhỏ cu Ti lên một ngọn đồi sau nhà dễ thương chi lạ. Càng đi xa càng tuyệt vời không thể tưởng. Em thấy có suối, có chim và lá cây xanh ngát.

Chắc các bạn ngạc nhiên, vì ở sau nhà sao chẳng biết, vô tình thế. Ừ để em nói cho nghe. Từ khi đổi về đây được một năm, ba mẹ chả cho con bé bước ra khỏi nhà. Ngoài giờ đi học em chỉ ở nhà chơi với Cu Ti và mấy con búp bê, twinky, dona... nhiều ơi là nhiều trong tủ kính. Có hôm ba mẹ đi dạy hết mình em ở nhà lấm lét nhìn ra đường, cánh cổng đóng kín im lìm. Thấy buồn vô vàn, em muốn khóc ghê đi. Vậy em chả biết gì là đúng lắm. Tình cờ cậu Di đã làm một "cuộc cách mạng" cho em. Suốt hôm đó em vui sướng chi lạ. Cảm ơn cậu Di của em. Thế là em quyết xin mẹ lên đồi một mình mới được. Dịp may đã đến, ba mẹ, Cu Ti lên dì Khuyên ăn tiệc gì đó. Ba bảo em đi nhưng em không chịu đi mà sung sướng mỉm cười ở nhà, ba lấy làm lạ nhưng cũng bằng lòng. Ngay sau đấy em vào nhà thay áo đầm trắng, thắt bím tóc như mẹ thường làm cho em, tíu tít ra sau nhà. Gặp u Thục ngay ở cửa, em mỉm cười với u trước hết. U sửng sốt nhìn em:

- Sao Nai không đi với ba mẹ?

Em nhõng nhẽo:

- Con chả thích. Mà u nầy, bây giờ con đi chơi tí nghe. Sau đồi nhà mình ấy mà.

- Trời đất! Sao được, ba mẹ la u mất.

Em nài nỉ:

- Một tí thôi u. Con thương u mà.

U mỉm cười:

- Thôi nịnh vừa thôi cô. Cũng được, nhưng một tí thôi nhé. Chao ơi, thấy tội nghiệp u mới cho đi đấy nghe cô.

Em nhảy thót lên bá cổ u:

- Gớm hôm nay u dễ thương quá.

Nói xong em chạy thật nhanh về ngõ sau.

Lần đầu tiên ra khỏi nhà một mình em thích chi lạ. Tha hồ mà nhảy nhót. Ước mơ đã nở hoa rồi. Em cười vu vơ với mấy chú chim trên cành, đưa chân đá mấy viên sỏi một cái cho tan bớt những xôn xao trong mình. Cứ thế mà em thơ thẩn lên đồi. Hắn ngạo nghễ đứng đó, trông hắn lãng mạn ghê đi. Chắc hắn cô đơn lắm nhỉ. Gió sương phủ trên mình hắn, ngày nắng cũng ngóng mây. Tội nghiệp hắn ghê. Nhưng đồi yêu dấu của em, hôm nay em nguyện sẽ là người bạn thân nhất của đồi. Em đặt tên hắn là đồi em bé. Nghe dễ thương ghê bạn nhỉ? Từ dưới dốc lên đây nghe mỏi chân quá chời, nhưng mà thích lắm cơ. Ồ mấy chú bướm vàng bay trên những khóm hoa gì nhỏ hồng hồng, tuyệt quá. Ở đây em có thể nhìn thấy những cây hoa vông vang màu mỡ gà nép mình trong vô vàn lá xanh. Em ngả người vào gốc thông già lẻ loi, thả hồn lên đỉnh cây. Trong mơ hồ thấp thoáng em thấy một cô bé đang thơ thẩn hái hoa ở đằng xa. Em thấy nhưng cô bé không thấy em. Mà thật đó là một cô bé, nhỏ bằng em. Em chạy bổ về phía ấy. Cô bé khựng lại nhìn em bằng đôi mắt xa lạ. Cô bé trông dễ thương ghê đi, gọn gàng trong bộ lụa xanh hồ thủy, một tay cầm một cái mũ rộng vành, tay kia cầm những đóa hoa.

Em làm quen:

- Ấy đi chơi hở?

Cô bé mỉm cười thật tươi:

- À đằng ni đi chơi, chắc đằng ấy cũng thế chứ gì.

Em nắm tay cô bé:

- Mình làm quen nhé!

Cô bé gật đầu. Hai đứa em lôi nhau về phía có tiếng suối reo. Cô bé cứ nhìn em hoài:

- Đằng ấy tên gì cơ? Mình tên Thư Hạ, 12 tuổi.

Em bấm chặt tay Thư Hạ:

- Mình có hai cái tên ngộ nghĩnh xí hổ lắm cơ. Ở nhà ba mẹ gọi là Nai, lên trường thì gọi là Khuynh Diệp, tên nghe mắc cỡ ghê.

- Khuynh Diệp rất dễ thương của Hạ.

Em cười xòa:

- Không ngờ mình gặp nhau một cách lạ lùng như vậy nhỉ? Hạ có hay lên đây chơi không? Chao ơi, hôm nay Nai mới lên đây đó, lén ba mẹ cơ. Ở đây dễ thương quá cỡ giống như đảo thần tiên, lý tưởng gớm. Thôi từ rày Nai sẽ lên đây chơi thường, cả Hạ nữa nhé.

Cô bé gật đầu:

- Ừ đúng đấy. Ở đây thì quá tuyệt, Hạ hay lên chơi lắm. Hái hoa về chơi đồ hàng nè, lang thang như nai vàng ngơ ngác rứa. Nhà Hạ đấy kìa.

Em ngó theo hướng tay của Hạ. Từ xa, một ngôi nhà tường trắng chung quanh đầy hoa giấy thẫm. Dễ thương ghê. Em nhặt những chiếc lá vàng thả trên giòng suối. Hai đứa ngâm chân dưới giòng nước mát lạnh thân ái bên cạnh có một hốc đá nhỏ rêu phủ xanh, và bên cạnh những mái dừa giao nhau, tụi em gọi là căn nhà mơ ước. Suối mây trời. Tụi em ngồi như thế một lúc lâu, cả hai đều im lặng nghe tiếng chim sẻ chuyền cành, tiếng ve sầu rộn rã. Cảnh vật u tịch. Mây trắng nhìn tụi em quên trôi. Nắng đã lên cao rồi, vàng ngái. Hạ lôi tay em đứng dậy. Hai đứa sải bước nghe nắng phủ đầy vai, đầy tóc. Em thấy vui chi lạ. Không ngờ hôm nay lại vui như thế nầy. Tự dưng Hạ bấm tay em một cái thật đau:

- Quên khuấy đi mất. Học lớp mấy, trường nào? Hạ, lục ba NTH.

Em tròn mắt lạ lùng:

- Thế hở, sao tụi mình chẳng biết nhau nhỉ? Nai học lớp lục hai bên cạnh phòng Hạ đó. Nai thấy lạ hoắc cơ, chắc tại học mới một năm mà.

- Chả bù, Hạ nhìn Nai ngờ ngợ, hình như mình đã gặp nhau ở đâu rồi. Có phải Nai hay đội mũ trắng có những đường xếp gấp, đi học bằng xe của ba phải không?

Em nháy mắt:

- Cô bé tài lắm, đích rồi.

- Dạo ấy cô Châu dạy quốc văn tụi mình đó, qua lớp Hạ nói Diệp và Thảo bên lớp lục hai, hát hay lắm mà bây giờ nghe Khuynh Diệp Hạ chả biết ai cơ, thích nhỉ. Bây giờ hát cho Hạ nghe đi.

Em thẹn đỏ mặt:

- Hạ hát dở lắm cơ, như...

Hạ chộp lấy:

- Như chim vành khuyên chứ gì.

Em đấm vai cô bé thùm thụp:

- Đâu có, mà vì mến Hạ lắm, vả tụi mình đã là bạn nhau rồi. Nai hát nhé, cơ mà đừng cười.

- Ừ, ai cười hở mười cái răng.

Em hát, Hạ ngồi yên: Hôm nay em đi trời không có nắng, nhưng sao đôi má em như người say... Trong yên lặng, Hạ reo vui và ôm chầm lấy em. Em ngả đầu vào vai cô bé. Hạ đứng lên cầm chiếc mũ khi nãy và trao cho em bó hoa:

- Cho Nai đó, vui nhé. Bây giờ trưa rồi, khi nãy đi không xin phép má. Bây giờ tụi mình về, sáng mai gặp nhau nhé. Thôi chiều mai đi, buổi chiều dễ thương hơn. Chiều mai Hạ dẫn Nai tới nhà Hạ nhé. Chắc má thấy Nai là thương liền à. Ai mà chả thương Nai nhỉ.

Em cười buồn:

- Ngày mai gặp nhau, nhất định nhé, cũng tại đồi em bé này.

Hạ ngạc nhiên:

- Đồi em bé à?

- Ừ, Nai đặt đấy, vì đồi ngoan và hiền như em bé.

- Đúng đấy, Hạ sẽ bỏ tên "đồi xanh lá" trước kia.

Em lững thững đi dần xuống dưới đồi. Tụi em cùng ngoái lại vẫy tay nhau hẹn nhớ. Ừ em nhớ chứ, làm sao quên được nhỉ: Giờ này đã trưa rồi, chao ơi phải nói với ba mẹ thế nào bây giờ nhỉ? Nhưng làm sao thì làm chứ nhất định em phải vòi ba mẹ cho được, em khóc nè, nước mắt em nhiều lắm cơ. Ba mẹ chiều em, em biết mà. Yên tâm, em mỉm cười xuống khỏi đồi em bé.

Hỡi những yêu dấu vừa đến với em, một cách nhẹ nhàng, dễ thương và êm đềm quá cỡ. Nầy Thư Hạ yêu dấu, chằng thể nào quên được gương mặt "phúng phính" dẫu mới một lần gặp nhau. Dù sao điều bất ngờ đến, em cảm ơn tất cả. Ngày hồng dễ thương như hoa sao tím nhạt trên cành.


HỒ THỊ NGUYỆT THANH   
(b.n. Giăng Mơ TK)          

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 101, ra ngày 3-8-1973)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

NGHÌN XƯA - Thảo

Có những con đường xanh rất xanh
Nghìn xưa cây lá ngủ yên lành.
Chân chim rộn rã chiều tan học,
Ngõ cũ đi về nhịp bước nhanh

Tóc đã vàng hanh giọt nắng hè
Hà thành áo lụa vẫn ấp e
Nghìn xưa thơm ngát hương con gái
Nụ cười e ấp vẫn giấu che.

Nghe dáng xưa về trên lối hoa,
Hồn say mơ ước nhỏ ngọc ngà.
Ngủ yên trong giấc nồng xa vắng
Lòng có rộn ràng nỗi thiết tha.

Có những con đường qua phố xưa,
Cây xanh màu lá mấy cho vừa.
Tương tư mùi cỏ mơ dấu ái,
Nhớ buổi hôm nào chân đón đưa.

Nghìn xưa say đắm mộng ngoan hiền,
Xin về ru lại giấc bình yên.
Chao ôi! Ngày cũ êm mơ quá!
Nồng thơm quá khứ đó một miền.

                                                  THẢO

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 224, ra ngày 1-7-1974)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

SỢ BIỂN - Văn Việt phỏng dịch


Đôn buồn rầu nhìn cha bước khỏi biển đi về nhà, nó buông mình xuống lớp cát bỏng và mặc cho ánh nắng mặt trời soi đốt đôi bờ vai trần. Từng cơn sóng biển thỉnh thoảng dạt lên mạn bờ rồi lại trôi trở ra, xa xa vài chiếc thuyền buồm lững lờ trôi, cánh buồm trắng nổi bật giữa nền trời xanh thẳm, chốc chốc vài chú cá bay lại vượt khỏi mặt nước rồi rơi tõm xuống biển... nhưng Đôn không để ý đến những cảnh vật chung quanh mà còn đang mải nghĩ đến sự thất vọng của cha nó hiện lên trong đôi khóe mắt. Đổi thế nằm, nó nằm duỗi dài trên bãi cát suy nghĩ vẩn vơ: nhớ lại một ngày cách đó không lâu, nó rất vui mừng khi được cha nó bảo cho biết gia đình sẽ dời về đảo Barbados để sinh sống, ở đó  nó sẽ tha hồ được bơi quanh năm trong biển ấm bao quanh đảo. Ở tỉnh đang ở, nó là một thằng bơi giỏi nhất ở hồ bơi của thành phố, bây giờ nếu được sống ở đảo thì nó có dịp bơi lội thỏa thích và một ngày kia, có thể nó sẽ trở nên một nhà quán quân về bơi lội.

"Quán quân về bơi lội!" thật là một giấc mộng hy vọng tràn trề. Đôn nhớ lại ngày đầu tiên khi bước chân tới đảo này, nó vội chạy ra bờ biển và phóng mình xuống nước, nhớ lại những cảm giác đầu tiên khi bơi ở biển, thích thú xen lẫn với sợ hãi vô căn cứ. Ở bể bơi thì chung quanh có tường cao bao bọc như bảo đảm sự an toàn, nhưng ở biển thì mênh mông vô tận cả chiều rộng lẫn chiều sâu như là một cái bẫy khổng lồ giăng ra để bắt nó, vì sợ hãi nên nó lại quay vào bờ. Ngày này qua ngày nọ, trong tuần lễ đầu tiên nó đã cố gắng gạt bỏ ý nghĩ sợ hãi, nhưng đối với nó, biển bao la vẫn còn ghê gớm đáng sợ... rồi, đến ngày hôm nay, cha nó khuyến khích nó đi bơi đua với ông. Vừa cười vừa trò chuyện, hai cha con bước dần xuống bãi biển nhưng nó vẫn cố tìm cách nói dối để ở lại trên bờ.

"Xuống đây Đôn!" cha nó gọi, "chúng ta sẽ bơi đua với nhau", không để cho cha nhìn thấy vẻ sợ hãi của mình, nó nín thở để lấy bạo dạn, rồi chạy nhanh xuống nước. Bất chợt, sợ hãi lại đến với nó, nghĩ đến những cơn sóng biển khổng lồ như lúc nào cũng rình bắt nó, nhận đầu nó xuống dưới vực sâu thăm thẳm khiến tự nhiên nó quay trở vào bờ trước đôi mắt ngạc nhiên của người cha: "Sao vậy Đôn?" cha nó hỏi.

"Không có gì bố" nó đáp, rồi vờ cúi xuống nắn bàn chân, nó nói tiếp: "Con bị đau chân nhưng giờ thì khỏi rồi" câu nói như nghẹn lại trong cổ họng khi nó trông thấy bố nó có vẻ thất vọng vì đã nhìn thấy sự sợ hãi trong khóe mắt của thằng con. Không nói một câu, ông lẳng lặng lên bờ và bước trở về nhà.

"Bố đã biết là ta sợ" nó nghĩ thầm: "Ông biết là ta sẽ chẳng bao giờ có thể trở nên một nhà vô địch về bơi lội vì ta đã sợ biển..." Tiếng mái chèo của một chiếc thuyền khua dưới nước cắt đứt ý nghĩ của Đôn, quay nhìn ra biển, nó thấy Hạnh, bạn nó đang giơ tay vẫy, da nó đen bóng, nhễ nhại dưới ánh nắng mặt trời.

"Lại đây Đôn, trèo lên đây" Hạnh gọi lớn trong khi tay vẫn nhịp nhàng bơi mái chèo. "Mày đi đâu đấy?" Đôn hỏi.

"Đi kiếm san hô" Hạnh đáp: "Bà Mạc hứa sẽ trả cho tao nhiều tiền nếu tao kiếm được san hô đẹp". Đôn hiểu ý muốn của bạn, nó biết là sống ở trên đảo này rất khó kiếm tiền. Sau vài tuần sống ở đảo Barbados này nó đã quen với Hạnh, một thằng bé thổ dân. Dần dần chúng trở nên đôi bạn thân thiết, nó biết là thằng Hạnh muốn theo đuổi việc học nhưng không đủ tiền mua sách nên phải chịu khó đi kiếm san hô bán lấy tiền. Đôn trèo lên thuyền rồi hai đứa bơi về hướng có nhiều san hô.

"Mày có nhớ cây san hô chúng mình thấy bữa nọ không?" Thằng Hạnh hỏi.

"Tao nghĩ cây đó ít nhất cũng cao gần tới một thước" Đôn đáp. Khi chúng chèo thuyền tới gần chỗ có cây san hô mà chúng đã nhìn thấy bữa trước, Đôn bơi thuyền chậm lại trong khi thằng Hạnh ghé mắt nhìn qua tấm kính ở đáy chiếc hộp dùng để nhìn xuống biển sâu. Nó reo lên: "Đây rồi". Dưới nước sâu, giữa đám san hô, nhô lên một cây san hô cao và xòe ra như một cái quạt. Thằng Hạnh đứng dậy, kéo đôi mắt kiếng lặn xuống che kín đôi mắt và nói: "Bây giờ tao lặn xuống nghe". Nắm chặt con dao nhọn sắc trong bàn tay phải, nó phóng mình xuống nước và lặn mất hút dưới biển sâu.

Qua tấm kính của chiếc hộp, Đôn thấy thằng Hạnh bơi dần về đám san hô, và dùng dao chặt cây san hô lớn nhất. Sau vài phút, thằng Hạnh nhô lên khỏi mặt nước và thở dốc vì mệt. Vừa thở nó vừa nói: "Cây này không được đẹp lắm, nhưng thôi tao cũng cứ lấy". Thằng Hạnh đã ba lần lặn xuống và ngoi lên, lần nào nhô lên nó cũng mỉm cười. Đôn hỏi: "Lần này có lặn nữa không?". Hạnh đáp bằng một giọng kiêu hãnh: "Có chứ. Bây giờ chúng ta buộc cái dây vào cây san hô rồi kéo lên. Mày có thể lặn xuống buộc hộ tao được không, tao mệt rồi". Đôn nhìn mặt biển mênh mông với cặp mắt e ngại rồi lắc đầu: "Chịu thôi, chỗ đó nước sâu quá đối với tao, mày lặn xuống đi Hạnh". Nét mặt thằng Hạnh thoáng ngạc nhiên, nhưng rồi nó đáp: "Thôi được, để tao lặn xuống buộc dây, tao phải lấy cây san hô lên trước khi nó vỡ ra ở dưới nước. Đưa cho tao sợi dây thừng". Nói rồi, nó nắm một đầu dây và lại lặn xuống lần nữa. Trên thuyền, thằng Đôn chờ đợi thằng Hạnh giật dây báo hiệu để kéo cây san hô lên sau khi buộc xong. Nó chờ mãi nhưng không thấy sợi dây động đậy. Sốt ruột, nó lấy chiếc hộp và nhìn qua miếng kính soi xuống bể sâu. Mới đầu, nó nhìn thấy cây san hô đã bị chặt còn mắc lủng lẳng một đầu vào đám san hô, rồi nó thấy thằng Hạnh, gục đầu vào đám san hô, mình bất động và đôi tay còn cố bấu chặt lấy một nhánh san hô. Nó biết là thằng Hạnh đã đuối sức và xỉu dưới nước. Hoảng hốt, nó nhìn lên bãi biển và kêu to: "Bớ người ta! Có người chết đuối! Giúp tôi với". Nhưng bãi biển thì vắng ngắt không một bóng người, không ai có thể cứu được thằng Hạnh cả ngoài nó ra.

Cuống quít, quên cả đeo cặp kiếng lặn, nó vội phóng mình xuống nước để cứu thằng Hạnh. Trống ngực nó đập thình thình khi tay chạm vào người thằng Hạnh. Đôn biết rằng nó không thể nào đủ sức vác nổi thằng Hạnh lên thuyền được mà chỉ có thể kéo nó lên bờ được thôi. Một tay ôm thằng Hạnh, một tay nó cố bơi vào bờ. Sau một hồi lâu, chúng tới bờ, nó trông thấy bố nó đang chạy lại và thằng Hạnh đã rời khỏi tay nó, nằm sóng soài trên bãi biển. Đôn cũng gục xuống nằm bên cạnh thở dốc vì mệt. Nó lặng ngắm cha nó đang làm động tác hô hấp nhân tạo để cứu thằng Hạnh. "May thay con lại bơi giỏi, nếu không thì thằng Hạnh chắc chết" cha nó vừa nói vừa nhìn nó với đôi mắt khen phục. Một lúc sau thằng Hạnh hơi cựa quậy, rồi mở to đôi mắt. Cha Đôn ngước mắt nhìn nó rồi nói: "Thật là kỳ lạ! Lúc trước, khi bố con mình bơi chung với nhau, ta vẫn tưởng rằng con sợ biển".

"Sợ biển!". Đúng, nó đã sợ khi phóng mình từ trên thuyền xuống nước để cứu thằng Hạnh mà quên cả đeo kính lặn. Nhưng khi chạm tới mặt nước, nó đã quên cả sợ hãi vì còn bận lo cho thằng bạn đang nằm dưới biển sâu, bên cạnh đám san hô. Lúc này thằng Hạnh đã ngồi dậy, nó ho rũ rượi và nôn mửa từng đống nước đã nuốt phải. Bỗng nhiên thằng Đôn vụt đứng dậy đi về phía biển. Cha nó hỏi: "Con đi đâu đấy?", nó đáp: "Con đi kéo cái thuyền vào, không có nó trôi ra xa mất" rồi nó quay về phía thằng Hạnh và nói: "Rồi chúng ta lại bơi thuyền ra chỗ đám san hô nhé. Lần này mày ở trên thuyền để tao lặn xuống buộc cây san hô".


"Hoan hô nhà vô địch bơi lội" cha nó vỗ tay cổ võ, lời nói của cha nó như thúc dục nó, nó vội chạy về mặt biển và phóng mình xuống nước để lại những tia nước biển bắn tung tóe chung quanh như reo mừng đón chào nhà Vô Địch Bơi Lội đã anh dũng, quên cả nguy hiểm và sợ hãi cứu được bạn khỏi bỏ xác dưới đáy biển.


VĂN VIỆT             
(Phỏng dịch theo truyện "Deep Water")



(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 46, ra ngày 9-7-1972)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

ĐOẢN KHÚC CHO MÙA MƯA - Ngọc Yến


Tiếng gà gáy rộn rã từ đầu trên xóm dưới đánh thức An dậy. Trời có lẽ còn sớm lắm, An muốn nằm đắp chăn một lúc nữa đã. Hôm nay, chắc bác mặt trời dậy muộn hơn An nhiều. Sự sinh hoạt cũng im vắng lạ. An nghe rõ tiếng gió lộng bên ngoài. Mỗi làn gió thoảng qua, tàng cây vú sữa trên mái nhà rung động. Những giọt nước bám trên lá của trận mưa hồi khuya rơi lộp độp, tạo thành những âm vang thánh thót.

Hồi khuya này mưa lớn lắm. Những cơn gió đột ngột thổi về khiến An giật mình thức giấc. Lạnh quá, An tung chăn ra, rụt hai chân vào co lên đến tận ngực, như con "tôm kho tàu" í. Mẹ bảo An mặc áo ấm rồi thoa dầu cho An nữa. Chừng một lúc mưa xuống. Tiếng lộp độp càng lúc càng nhanh dần, hòa hợp tiếng gió rít bên ngoài. Nhưng cơn gió hình như làm gãy cành khô và lướt đi xào xạc qua phên vách. Tiếng ếch nhái vang lên ngoài đồng xa đều một điệu rền rĩ. Loài chim đêm bỗng buông tiếng ảo não, lạc lõng. Bóng tối phủ chung quanh An. Tiếng than của loài côn trùng càng tăng thêm sự buồn bã trong đêm. Nằm thưởng thức cái thú đắp chăn nghe mưa rơi mãi, giấc ngủ trở lại với An lúc nào không biết, nó dễ dàng như gương mặt hồn nhiên của An trong một giấc mơ hồng Bây giờ đã sáng hẳn chưa nhỉ? An lẩm bẩm một mình như thế. Khung cửa sổ nơi giường An ngủ trông ra khu vườn bên hông nhà, nơi đây, An không thể thấy bóng hồng của mặt trời khi lố dạng. Đã mấy tuần qua, khi những cơn gió lạnh chợt về, "giọt lệ" của ông xanh cứ rơi mãi, từ sáng đến trưa, buổi chiều buổi tối. Ngay những lúc hồn An đang chập chờn với thiên đường ngà ngọc cũng bị kéo dậy để mặc áo ấm vì... trời mưa. An nhón gót, bước nhẹ lại phía cửa sổ khẽ đẩy chiếc then cài. Cửa vừa mở ra, cơn gió lạnh hắt vào thật mạnh. An nghe chừng giá buốt thấm vào da thịt. Xa xa, mây mù sương thấp thoáng trên đỉnh các ngọn cây. Từng đợt sương thấp mong manh trôi qua song cửa. Không khí dường nặng trĩu và ẩm ướt. An ngồi lại xếp bằng tròn trên giường, kéo chăn ủ kín đôi chân và cuộn hai tay vào nữa. Từ khi bãi trường, An về quê sống trong sự nuông chiều của mẹ. Giá bây giờ ở tỉnh học, An sẽ buồn với những trận mưa như hồi khuya biết mấy. Và có lẽ An sẽ khóc nữa cơ. Tuy lớn rồi, nhưng mẹ vẫn lo cho An từ cái quần, cái áo ; thậm chí đến các món đồ chơi của An nữa. Hình như trên đời này An chỉ biết có mẹ, cha mất rồi từ lúc An lên bốn tuổi. Thuở nhỏ, An còn nhớ mỗi khi nhắc đến cha, ánh mắt mẹ buồn buồn rồi trìu mến nhìn An, giọng xa xăm: "Cha con... cha con... ở xa, xa lắm". Rồi thời gian qua, An lớn lên trong cảnh yên lành của quê hương, trong vòng tay kết nối yêu thương của mẹ. Mỗi năm học đến rồi đi một cách vội vàng. Thế là An phải rời ngôi trường quận yêu dấu để vào học trường trung học ở tỉnh, nhớ những đêm trăng lên nơi mái thấp của căn nhà An trọ, chao ôi! An nhớ nhà làm sao ấy! Mỗi đêm như thế, An thường ngồi bên khung cửa sổ nhìn ra con đường nhựa trải vàng bởi đèn điện hai bên đường và cả "cái bánh đa" treo trên bầu trời kia nữa. Tất  cả ngần ấy thứ ánh sáng như đôi mắt yêu thương của mẹ đang nhìn An. Tự nhiên An lấy làm lạ: sao mình yêu trăng quá? Phải chăng đó là hình ảnh gần gũi với mẹ nhất làm An xúc động, nó khơi dậy bóng dáng mẹ trong những đêm ngồi khâu áo cho An. Ôi! Mẹ cô đơn quá hả mẹ, An thương mẹ vô cùng. An muốn sà vào lòng mẹ... nhưng... mẹ đang ở xa An quá, xa ngút ngàn tầm tay của An...

Chiếc đồng hồ quả quít trên đầu giường bỗng reo một thôi dài như thúc dục. Sáu giờ rồi. Đáng lẽ như thường lệ, An ra sân tập thể dục. Nhưng vì mới mưa hồi khuya, có lẽ khoảng sân tập của An giờ đây đã ngập nước. Xung quanh, An trồng một loại cỏ Dalat mà An không biết tên, và một tấm thảm hoa "mười giờ". Mấy cái chậu mẹ mua cho, An có thêm vài loại kiểng, vài loại hoa đồng nội, có cả hồng nhung và hướng dương nữa cơ. Sáng nay, hẳn An sẽ khỏi phải tưới "vườn hoa" rồi đấy. Tiếng củi reo lách tách trong bếp, tiếng nước khua lạo xạo ngoài khạp, tiếng gạo vo rồi tiếng dép của mẹ. An bước nhẹ nhàng về hướng cửa buồng đi xuống nhà bếp. Bóng dáng mẹ gầy gầy soi trên vách chập chờn qua ánh lửa. Mẹ đang loay hoay sửa soạn cho bữa ăn sáng. An đến bên cạnh:

- Mẹ để con giúp một tay mẹ nhé!

- Thôi con ạ! Mẹ làm gần xong rồi, con rửa mặt rồi ra vườn buổi sớm cho khỏe. À! Nhớ mặc áo ấm vào con nhé.

- Dạ, con mặc sẵn rồi mẹ.

Mẹ khẽ mỉm cười, hướng về An một cái nhìn chan chứa thương yêu. An đã từng thấy trong ánh mắt trong nụ cười đó "tình thương vô bờ bến của mẹ" mà An không biết diễn tả thế nào cho đúng. An sung sướng ôm lấy mặt mẹ khẽ "mi" nhẹ mẹ một  cái rồi nhảy chân sáo ra sân.

Ánh mặt trời vừa lên, trải một lớp nhuộm vàng hoa lá. Lá chết rải đầy sân, hoa bưởi rụng trắng xóa một góc, tất cả như còn yên ngủ dưới lớp sương mát lạnh tay. Tiếng chim ríu rít quen thuộc buông lời chào mừng buổi bình minh. Con đường dẫn ra cổng phía trước nhà, An nghe tiếng sỏi đá trở mình dưới gót chân. Đến thau nước kê trên một gốc vú sữa bị đốn, An vốc nước vào mặt. Nước cũng lạnh đến tê buốt đôi tay An. Qua một đêm mưa, khu vườn như chợt thức dậy. Màu hoa lý như tươi hẳn lên. Màu lá cây như xanh hơn... Khu vườn được gội sạch, An cảm lây cái nỗi tươi mát của nó khiến tâm hồn như vừa được uống một ly nước mát. Lòng An chợt bừng dậy tin yêu: "Mưa ơi! Cứ đến mãi đi nhé! Hãy đến với An bằng những đêm dài thương yêu nơi quê nhà, An sẽ mang nó theo vào ký ức, có bàn tay ấm áp của mẹ những khi chợt thức giấc ; để An thở mùi đất ruột thịt, mùi lúa sạ thơm nồng đơm bông vàng như mơ ước. Mùa hè ơi! Hãy chậm bước để An còn dài ngày tháng bên tình mẹ thân yêu".


NGỌC YẾN      
(Khung trời T.P.H) 



(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 49, ra ngày 30-7-1972)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

NHỮNG THÁNG NGÀY XA KHUẤT - Trần thị Phương Lan


Mỗi khi tình cờ "họp mặt" bà con họ hàng lâu không gặp vì ở cách xa nhau, tôi thường đem những bài viết "hậu Tuổi Hoa" ra khoe, vì thấy họ cũng thích thú khi bắt gặp chính mình trong "tiểu thuyết". Nhưng nếu kể mà còn "chừa" nhân vật nào ra thì có lẽ những người chưa được nhắc tới không được vui! Vậy nên hôm nay nhân lúc trà dư tửu hậu, tôi lại ngồi ôn nốt những kỷ niệm xưa dưới Châu Đốc để viết thành bài này, mong góp được chút vui cho đời.

Tôi vốn khét tiếng dốt toán, nhưng một hôm tôi cũng có thể thông minh đột xuất như ai, khi giải đáp trước chị họ bằng tuổi tên Tâm của tôi, một bài toán đố có lẽ là lớp tư, do bác trai đề ra, với phần thưởng là "nguyên" một viên kẹo bạc hà màu tím cho đứa nào tìm ra đáp số trước! Sở dĩ tôi nói "nguyên" một viên, là vì sau khi bác trai thấy tôi ẵm trọn giải thưởng, có lẽ sợ chị Tâm buồn nên bác đề nghị chia đôi cho chị Tâm phân nửa! Chắc các bạn cũng biết viên kẹo bạc hà màu tím ấy, vì tuổi thơ ai mà chẳng đã từng ăn qua ít nhất một lần. Nó nhỏ xíu như... viên kẹo vậy, ấy thế mà lại còn phải để bác trai dùng dao cắt làm hai! Nhưng tôi vẫn vui lòng, có lẽ vì lúc đó còn nhỏ nên nhìn viên kẹo ấy thấy to, nên chia đôi cũng chẳng sao!... Nhưng tôi chỉ giỏi toán được mỗi lần đó, hôm trời đi vắng!

Trước khi bác trai đi làm, bác thường ra bài tập ở nhà (toán chia) cho chị Tâm và tôi trên một tấm bảng đen nhỏ treo cạnh lối đi, được chia đôi bằng một vạch phấn trắng, mỗi đứa bốn bài. Lần nào chị Tâm cũng ngoan ngoãn tính tính toán toán trên các ngón tay, bôi đi viết lại, hoàn thành đầy đủ sứ mạng trước tôi, rồi yên lòng chạy đi chơi mất hút. Còn tôi thì khỏi nói, cứ đứng nghệt mặt ra hoặc gãi đầu gãi tai trước các bài toán hóc búa ấy, vì thật ngẫu nhiên, chẳng bao giờ số dư ra chẵn hai con số không, mà ra lẻ thì... ôi nó khó ghê khó gớm! Nói thật, tôi cũng không hiểu bằng cách nào mình đã sống sót toàn thây qua những con toán chia ấy, cũng như tất cả những bài toán khô khốc và khó khủng khiếp sau này của bảy năm trung học!

Làm xong bài tập ở nhà là tụi tôi có quyền chạy chơi trong xóm thoải mái, không bị la rầy. Tôi thường chạy sang chơi nhà ông Tụng lục sự. Tuy còn rất nhỏ nhưng tôi đã biết là ông Tụng rất đẹp trai, lại vui tính nữa, nên nhà ông lúc nào cũng đông nghẹt con nít. Sau này khi tôi phải trở về sống với gia đình trên Sài Gòn, ông Tụng cũng ghé thăm tôi vài lần. Vì còn là trẻ con nên tôi chỉ biết đứng trong nhà nhìn ra mà cười toe toét, chẳng biết là "khách tới nhà không trà cũng bánh" mà rót nước mời khách ngồi chơi để hỏi thăm sức khỏe gì hết. Nhưng ông cũng đứng ngoài nhà cười tươi đáp trả rồi đôi bên chia tay nhau. Ước gì giờ này ông Tụng còn sống và đọc được những hàng chữ này. Cháu rất quí ông Tụng đấy! Ước gì chúng ta lại được quay về những tháng ngày êm đềm nơi tỉnh lỵ thần tiên ấy, ông Tụng nhỉ!

Hàng xóm lúc ấy của chúng tôi cũng có một ông hành nghề lục sự tên là Phát, nhưng lũ con nít tụi tôi chỉ thân với bà Phát, vì có lẽ ông Phát nghiêm nghị và không thích trẻ con. Ông bà hình như có hai người con gái, đứa lớn tên Minh, và đứa nhỏ tên Tâm. Một hôm đang đùa giỡn với bé Tâm, tôi tưởng mình đã làm lọi tay bé nên sợ hãi bỏ chạy về nhà và kể từ đó trốn mãi không dám ló mặt sang nhà ông bà Phát chơi nữa. Đến mấy ngày sau, bà Phát phúc hậu ấy phải nhắn với bác gái của tôi rằng bà đã đưa bé đi nhà thương rồi, và tay bé Tâm đã được băng bó nên không sao hết, rằng tôi hãy tiếp tục qua nhà chơi với Minh và Tâm như xưa, đừng sợ! Thỉnh thoảng bà Phát biếu gia đình bác tôi rau câu lá cẩm rất ngon  do bà tự nấu đổ trong những cái khuôn hình ngôi sao, hình bầu dục có răng cưa... trông thật xinh xắn. Có lần chợt trông thấy tôi, bà Phát còn nói vói rằng hãy theo bà qua nhà để bà biếu thêm! Hèn chi tôi cứ thương Châu Đốc hoài hủy!

Nói tới chuyện hàng xóm biếu quà nhau, tôi bỗng nhớ đến ông giáo sư Luông họ Ngô, dạy môn triết học tại trường trung học Thủ Khoa Nghĩa, ở nhà công vụ sát bên nhà công vụ của ông bà Phát, cách nhà bác tôi bốn, năm căn. Mỗi lần ông giáo sư Luông lúc nào cũng tề chỉnh, chải chuốt ấy đi ngang qua trước nhà, chúng tôi đều ngửi thấy một mùi hương, ta nói... nó ngào ngạt như một vườn hoa đang nở rộ lúc xuân thì, toát ra từ loại dầu thơm mắc tiền ông dùng! Một hôm, thân mẫu ông Luông từ Sài Gòn xuống Châu Đốc thăm con trai. Nghe nói bà là chị ruột của ông NKT, nhân vật đứng đầu ngành giáo dục thời bấy giờ. Thấy chị Tâm chạy sang chơi như thường lệ, thân mẫu ông Luông bèn gọi lại xoa đầu và cho chị một vốc kẹo, nhưng ông giáo sư Luông ấy đã vội vàng gạt đi và nói rằng, người ta con nhà... (ý nói là con nhà gia giáo) nên muốn biếu thì phải bưng tới nhà chớ không nên sơ suất như vậy; nhưng chị Tâm lanh chanh nhà tôi, chưa kịp nghe cho ra ngô ra khoai gì, đã vội bỏ chạy về nhà méc má, và thề sẽ "oa xịt" ông Luông mãi mãi, vì dám gọi "người ta" là "con nhà..."! Chắc chị tưởng ông nói "con nhà không được giáo dục"! 

Nghỉ hè, các anh em tôi thường xuống Châu Đốc chơi. Nhưng có lẽ vì không nhớ rõ, nên tôi không hiểu tại sao kỳ đó anh Hải tôi chỉ xuống một mình, và được bác gái gởi vào học trong trường nữ tiểu học của tôi, là trường chỉ dành riêng cho nữ sinh. Có lẽ trên Sài Gòn lúc đó đã vào hè, nhưng ở Châu Đốc, niên học chưa tàn, nên sợ anh Hải ở nhà rong chơi hư người, nên bác mới gởi tạm anh vào trường nữ chăng? Dù gì thì tôi cũng đã có thể thấy anh Hải, người anh quí báu nhất đời của tôi, ngay trên sân trường, và thế là tôi lại có thể góp thêm chút nào hay chút nấy vào "kho lưu trữ kỷ niệm" về anh! Số là trường tôi có nuôi một chú khỉ con, bị xích trên cây vú sữa trong sân trường. Vào giờ chơi, các nữ sinh thường ném bánh mì khoanh chan mỡ hành hay chan nước cốt dừa rắc hành, mua gần đó, lên cho chú khỉ ăn. Có lần anh Hải thay vì ném bánh mì như người khác, thì lại quăng một mảnh gạch thẻ lên, và chú khỉ tinh khôn đã chụp  lấy hửi hửi rồi vất xuống đất mà không buồn đưa vào miệng! Anh Hải nhe răng cười! Nụ cười thơ ngây, hồn nhiên đó vẫn còn bóp nghẹt tim tôi cho tới tận bây giờ, mỗi lần nhớ về anh.

Bác trai tôi bất đắc dĩ có hai đời vợ. Bác gái trước mất sớm để lại ba con gái, và chị Châu là con trưởng. Còn anh Chính, anh Tín, chị Tâm là con bác gái sau. Chị Châu thường hay may đồ cho lũ con nít chúng tôi. Có lần chị may bằng tay cho chị Tâm và tôi mỗi đứa một chiếc áo đầm hai dây màu đỏ rượu vang, lấp lánh như kim tuyến, có đính hai con đầm màu trắng đang dung dăng dung dẻ phía trước áo. Sau đó, chẳng nhớ là vào dịp gì, bác gái dẫn hai đứa tụi tôi bận đồ đôi hai áo đầm đỏ ấy đi chụp hình! Đó cũng là lần đầu tiên tụi tôi được thoa son, do ông thợ chụp hình "tút" cho, để "thành phẩm nhiếp ảnh" của ông thêm phần chất lượng! Khi về gần tới nhà, bác gái nói tụi tôi chùi son đi, sợ bác trai trông thấy mà la rầy. Sau này mỗi lúc họp bạn, chị Tâm đều khoe tấm hình "hai con đầm" ấy, và nói rằng trông cứ như công chúa vườn!

Có lần chị Châu cũng đan cho chị Tâm một chiếc áo len nổi "vật vã" khiến tôi phải nhớ đời. Chiếc áo len đó dài tay, màu hồng cánh sen trông thật lộng lẫy, lại thêm cái cổ lông xù màu trắng ôm trọn cổ trông thật quí tộc! Hôm đó chị Tâm nổi nhất trường, và tất cả lũ học sinh tiểu học trong sân trường giờ ra chơi đều vây quanh chị với ánh mắt chiêm ngưỡng, như mọi khi, vì có mặc áo len đẹp hay không thì chị Tâm vẫn luôn là thủ lãnh trong bất cứ đám đông nào chị gia nhập! Còn tôi hôm đó lại mặc áo len do má tôi đan, chắc là từ len còn dư từ áo bà, màu xanh rêu bà già khiến tôi chìm lỉm! Tôi cứ đứng tiu nghỉu một mình trong sân trường, trong giờ ra chơi hôm đó, như thông lệ, nhìn chị Tâm tíu tít nói cười với đám bạn, như thường lệ! Kể vậy để thấy những tháng ngày ở Châu Đốc của tôi không phải lúc nào cũng là màu hồng, vì dù còn con nít, tôi cũng đã có những phút cô đơn, suy tư như thế.

Tôi cũng từng phân bì với chị Tâm (chị họ đàng nội) trong giờ nữ công thêu thùa, vì chị luôn giữ được vải, chỉ thêu sạch sẽ, gọn gàng, đâu ra đấy; trong khi khúc vải Batiste bề ngang một tấc bác gái mua cho hai đứa y hệt nhau nhưng chẳng hiểu sao cứ vào tay tôi nếu không lấm lem mực tím thì cũng dính những tạp chất dơ bẩn khác, còn con chỉ màu cam thì rối nùi, tới nỗi đến giờ nữ công lúc lôi ra sử dụng, tôi không tài nào tháo gỡ ra nổi! Có lần tôi thắc mắc hỏi chị Cầm (chị họ đàng ngoại của tôi), một  thợ  may, sao chị thành nghề may  vá được, trong khi tôi lại quá vụng về chuyện nữ công thêu thùa? Chị nói rằng, trời cho mỗi người giỏi một thứ thôi, chị học dở nên trời phải cho chị nghề may để kiếm sống chớ! Làm chị khó thật, vì cái gì cũng phải biết, để giải đáp mọi "théc méc" cho em, nhất là cho đứa em như tôi, một đứa vốn hay hỏi tại sao!

Bác trai là mẫu người gương mẫu của gia đình. Làm công chức, ngoài việc sáng xách ô đi tối xách về, tôi chẳng thấy bác trai đi chơi đâu, hoặc cờ bạc hút xách,  hay chén thù chén tạc với ai. Tan sở là bác về nhà ngay, rồi quanh quẩn làm việc nhà, chăm sóc con cái, và chỉ có mỗi chiếc radio làm bạn thân. Bác hay lấy phấn viết đầy trên tường nhà ngữ vựng tiếng Pháp để anh Chính thuận tiện nhìn thấy mà học nhẩm trong đầu. Thỉnh thoảng bác kiểm tra bài bằng cách hỏi, Chính, địa lý, thiên văn học tiếng Pháp là gì? Lịch sử là gì? v.v và v.v... Giá như lúc đó tôi lớn hơn và chịu khó nhìn lên cửa phòng tắm, tường nhà bếp... để học ké thì chắc là tôi đã giỏi Pháp văn từ lâu! Nhưng vì còn nhỏ, tôi không quan tâm tới tiếng Pháp lúc bấy giờ, mà chỉ hay thắc mắc ngô nghê, ngờ nghệch, vớ vẩn. Một hôm tôi cứ ngó nghiêng vòng quanh cái radio và hỏi bác, ủa ai hát ở trong đó vậy? Mấy người ca sĩ cao lớn lắm, sao họ chui vào trong radio được? Vậy mà bác tôi cũng kiên nhẫn giải đáp, rằng tới giờ phát thanh, ca sĩ thu nhỏ người rồi chui vào radio mà hát! Thế mà tôi cứ tưởng thật, dặn đi dặn lại bác rằng  khi nào họ tới thì gọi tôi ra coi! Mỗi lần nghĩ lại chuyện này tôi cứ cười rũ rượi!

Gia đình bác, cũng giống y hệt như gia đình tôi, rất coi trọng việc học hành! Một lần anh Chính đi bộ tới trường tiểu học để đón chị Tâm và tôi học về. Thường thường, đưa đón hai đứa tôi là nhiệm vụ của bác trai. Hôm đó, anh Chính tay xách hai chiếc cặp của chị Tâm và tôi, chân bước, miệng hỏi, hôm nay ở trường được mấy điểm? Chị Tâm khoe điểm cao tám hoặc chín gì đó, còn tôi hôm ấy xui xẻo thay (hay sự thật đúng do là tôi học dở? vì hình như càng nhỏ tôi càng học ngu, lớn lên đầu óc tôi mới vỡ ra!) chỉ được năm, sáu điểm gì đó! Thế là anh Chính phạt tôi bằng cách nắm tay chị Tâm lôi xềnh xệch nửa đi nửa chạy lên phía trước, bỏ mặc tôi ba chân bốn cẳng chạy theo hết hơi mà vẫn không kịp. Tôi cứ vừa khóc nức nở vừa lúp xúp chạy theo sau vì sợ lạc đường, khiến mấy bà nội trợ ngồi hóng mát bên đường phải nói đỡ với anh Chính, đi chậm chậm thôi, em nó không theo kịp kìa! Tội nghiệp nó khóc quá xá!… Nhưng ngoài việc học ra thì anh Chính cũng bớt nghiêm nghị hơn nên tôi cũng đỡ sợ. Có lần anh để cả ba đứa, anh Tín, chị Tâm và tôi, đu lên cùng một bên cánh tay của anh rồi nhấc bổng lên dễ như bỡn!

Khi có ai mong muốn con họ "mãi mãi tuổi lên ba", thì tôi có thể đồng cảm một cách rất dễ dàng, vì chính tôi đã không ít lần ước gì chính mình cứ mãi là trẻ con, để được sống mãi những tháng ngày thơ ấu nơi miền quê thanh bình Châu Đốc ấy... 


Trần Thị Phương Lan  
   (Bút nhóm Hoa Nắng) 

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

CON THÚ NHỎ THAM LAM


TRUYỆN CỔ ÚC-ĐẠI-LỢI 


Ngày xưa, loài vật tự do, muốn sống ra sao thì sống. Chúng muốn mọc thêm mấy chân cũng được, muốn thay da, đổi lốt lúc nào thì thay. Lúc thì chúng sống dưới nước, lúc thì lên trên bộ, lúc lại bay nhảy trên cây. Tình trạng thật là hỗn độn. Một hôm, Strigali xuất hiện. Thấy cảnh lộn xộn đó, ông có vẻ không bằng lòng.

Ông nói:

- Thật là chẳng ra làm sao cả. Mỗi con vật phải có một đời sống riêng, không thể muốn thay đổi thế nào cũng được. Ta phải sắp đặt lại đúng luật mới được.

Nói xong, ông thu tóm tất cả, nào là chân, đuôi, móng, vuốt, mỏ, miệng, cánh, lông, vây, vẩy, răng, sừng, lông mép... chất thành một đống lớn. Ông ra lệnh:

- Bây giờ chúng bây đến đó mà chọn. Muốn chọn thứ gì tùy thích nhưng khi đã chọn rồi thì giữ luôn đừng thay đổi nữa. Đó là luật định.

Lập tức, bầy thú kéo đến tự chọn cho mình hình vóc. Con thì muốn lội dưới nước, con muốn bay trên trời, con muốn trèo lên cây, con muốn bò bằng bụng, con muốn ăn cỏ, con thích đẻ trứng. Chúng kéo đến, lựa chọn những gì mà chúng thích xong đua nhau tản mác. Chỉ còn lại một con, chưa chọn cái gì cả. Đó là một con vật bé nhỏ, chỉ bằng con thỏ nhưng lòng ham muốn của nó lại to lớn hơn cả cái nhà. Mỗi lần trông thấy đồng loại lựa chọn, con lấy cái mang con lấy cặp cánh, nó đều thích là những thứ đó phải thuộc về phần nó. Cũng vì ham muốn quá nhiều thứ nên nó chẳng biết chọn thứ gì. Strigali nói với nó:

- Mầy chọn đi chứ. Ai cũng đã chọn xong và đi cả rồi. Ta cũng có việc gấp phải đi đây. Ta mệt lắm rồi, nếu ngươi còn do dự thì ngươi sẽ chẳng có gì cả. Ngươi sẽ là con thú vô hình dung.

Con thú nhỏ thưa:

- Thưa, tôi chẳng hề do dự. Tôi biết rõ điều tôi muốn nhưng không hiểu ông có cho tôi được không?

- Mày nói mau lên, muốn gì ta cũng cho. Ta phải đi gấp đây.

- Tôi xin kê khai những gì tôi muốn:

Tôi muốn có cái mình mềm dịu của con hải cẩu nhưng lại muốn có bốn chân như con nhím ; ở mỗi chân tôi muốn có năm ngón như chân khỉ và ở bàn chân phải có miếng da như của loài vịt. Ở ngón chân tôi muốn có móng nhọn như móng cọp. Thêm nữa, phải có hai cái cựa đằng sau như loài gà. Tôi muốn có đuôi như loài chồn, có mỏ như loài vịt, cái miệng như loài rùa. Tôi muốn có cái đầu nhỏ như rắn nhưng lại có thêm hai cái túi như của loài sóc để đựng thức ăn dự trữ. Tôi muốn có bộ lông ấm áp và dày cộm như của loài "Căng-gu-ru" nhưng lông phải không thấm nước. Tôi muốn đẻ trứng như loài đà điểu nhưng cũng muốn cho con bú như loài cừu. Tôi muốn đào hang, xây tổ như loài đại thử. Cuối cùng, tôi muốn chạy nhong nhong trên mặt đất như loài chó, lội dưới nước như cá, và lặn sâu như ếch nhái.

Đó là những điều tôi muốn, ông có thể giúp tôi được không?

Nghe con thú nhỏ kê khai, Strigali ngẩng đầu, suy nghĩ một lát, đoạn nói:

- Ngươi muốn quá nhiều thứ. Nếu ta thuận cho ngươi, ngươi phải giữ những thứ đó mãi mãi, nghe chưa? Sao, đã suy nghĩ kỹ chưa, có quên món gì không?

Con thú nhỏ trả lời:

- Thưa, xong rồi! Không quên món gì cả.

Vừa đáp, nó vừa nghĩ thầm: "Nếu ông ta cho mình những thứ đó, mình sẽ trở nên một con vật vô cùng đặc biệt, kỳ diệu không ai bằng. Có lẽ mình sẽ kỳ diệu và hùng mạnh hơn cả Strigali ; là người...

Ông Strigali lại gục gặc đầu. Đoạn ông cười mà nói:

- Được rồi, ngươi hãy nhận tất cả những món ngươi ao ước đi.

Khi con thú bé nhỏ đã nhặt nhạnh đủ mọi thứ đắp vào mình, ông Strigali ngắm nó, cười lớn và bỏ đi. Thấy vậy, con thú ngạc nhiên hỏi:

- Ông cười gì vậy? Ông trông tôi không đẹp sao?

- Điều đó để cho ngươi tự xác nhận lấy. Hãy soi mình xuống nước thì thấy ngay.

Con thú nhỏ nghiêng mình, soi bóng xuống giòng sông. Nó tưởng là sẽ bắt gặp hình ảnh một con vật đẹp đẽ, tuyệt diệu, ai ngờ chỉ trông thấy một con vật vô cùng dị hợm, buồn cười. Một con vật không giống bất cứ một con nào trong "12 con giáp". Nó không giống thú, không giống chim, cũng không giống một cái gì...

Ngạc nhiên và buồn bã, con thú tham lam kêu lên:

- Tại sao tôi lại không đẹp, không xinh như điều mình mong ước thế này?

- Tại vì ngươi quên một điều. Điều đó ta đã nhắc rồi. Đó là một chút ít thông minh trước khi lựa chọn. Nếu ngươi thông minh, ngươi sẽ không đến nông nỗi nầy. Bây giờ thì đã muộn rồi. Ngươi đã chọn cho mình một thân hình như thế, ngươi phải giữ như vậy suốt đời. Đó là Luật ấn định. Ta đi đây vì đã mệt lắm rồi.

Và Strigali ra đi. Trước khi đi, ông đặt cho con thú nhỏ kia một cái tên: "Con Dị hợm", cái tên nghe thật khôi hài... dị hợm.

Con "Dị Hợm" ở lại bên bờ sông. Nó sinh sống ở đó và ngày nào cũng soi bóng của mình xuống giòng nước. Khi trông thấy cái hình thù dị hợm của mình, nó lại buồn bã vì nó "không giống ai" cả. Cuối cùng, để chạy trốn cái hình ảnh đó, nó nhào đầu xuống sông, rúc sâu xuống bùn. Nó cố rúc thật sâu để quên đi cái hình dáng xấu xí của mình. Khi nào chợt nguôi ngoai, nó lại trồi lên, đi thơ thẩn trên bờ. Khi nhìn thấy bóng mình in trên mặt nước nó lại nổi giận, nhào đầu xuống sông, rúc sâu xuống bùn. Cứ thế mà làm mãi ngày này qua ngày khác.




(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 124, ra ngày 1-5-1974)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com