Đối
với hàng triệu người, thành phố quả là chốn địa ngục vì ở đó người ta
cảm thấy cô đơn và phiền muộn mà không biết tìm đâu ra một tâm hồn thông
cảm để giãi bày khi gặp những nỗi khó khăn quá mức của cuộc đời. Tuy
nhiên cách đây mươi năm, có một nhà truyền giáo người Anh ở Luân Đôn đã
tìm cách chống lại sự phiền muộn mà đã khiến cho những người ở thành phố
phải nản lòng. Mục sư Edward Chad Varah và các cộng sự viên tình nguyện
đã giúp đỡ và mang nguồn hy vọng đến cho gần bảy ngàn rưỡi người chán
nản.
Những
người tình nguyện này tự gọi mình là những người "Samaritains" (theo
chuyện ngụ ngôn trong phúc âm nói về tình nhân loại). Số điện thoại của
họ, Mansion House 9.000 được nổi tiếng khắp cả nước Anh. Họ trả lời điện
thoại suốt cả ngày đêm, bất cứ lúc nào có người gọi đến.
Thành
phố Luân Đôn đắm chìm trong sương mù. Cô Millie G... , một thiếu nữ
mười chín tuổi, đang nhắm hướng sông Tamise đi đến. Cô muốn gieo mình
xuống dòng sông tự tử. Mổ côi mẹ, đau khổ vì bị phụ rẫy, cô viết thư cho
người bạn: "Khi anh nhận được giòng chữ này, thì em đã chết rồi."
Khi
lục túi kiếm mấy xu để gửi thư, cô chạm tay vào mảnh báo nhàu nát cô đã
cất giữ từ lâu nay và mang luôn bên mình suốt hai năm nay: "Nếu bạn bị
tuyệt vọng, nếu bạn nghĩ đến việc tự tử, hãy gọi số Mansion 9.000." Cô
đọc lại mảnh giấy.
Millie
ngập ngừng. Đột nhiên cô thấy cần phải sống. Cô quay nửa vòng và đi về
phía phòng điện thoại công cộng. Một lát sau, có tiếng trả lời:
- Đây Mansion 9.000, tôi có thể giúp cô được gì?
Giọng
nói thân mật và đầy vẻ thông cảm. Millie vừa thổn thức vừa tâm sự với
"người bạn" này như chưa bao giờ cô thố lộ cùng ai. Cô chấm dứt bằng
những lời quá quen thuộc với những người Samaritains:
- Tôi hết chịu đựng nổi rồi.
Tiếng nói trong điện thoại hỏi:
- Sao cô không đến đây nói cho rõ thêm một chút.
Rồi tiếng người trong điện thoại chỉ đường cho cô đi.
Millie
tìm đến địa chỉ. Cô vừa gõ nhẹ thì cánh cửa mở rộng, cô trông thấy một
căn phòng bài trí nghèo nàn với mấy chiếc ghế què quặt nhưng có đầy đủ
hơi ấm thoát ra từ lò sưởi.
Một người đàn ông cao, mang kính và mặc áo nhăn nheo chìa tay ra mời cô:
- Tôi là mục sư Varah. Mời cô vào, cô dùng cà phê nhé.
Mục sư Varah khuyên nhủ Millie:
- Ngày mai cô sẽ đi mua một chiếc áo mới và cô sẽ đi thẩm mỹ viện làm tóc. Cô hãy còn trẻ.
Đêm
hôm đó, Millie ngủ ở nhà một thiếu nữ tình nguyện. Chẳng bao lâu những
người Samaritains trở thành bạn thân của cô. Một người đứng ra giới
thiệu cho cô làm việc cho một nhà buôn lớn.
Không ai đem chuyện tôn giáo ra nói với cô cả. Nhưng một hôm chính cô nói:
- Tôi muốn học kinh để cầu nguyện. Tôi cần phải cầu nguyện để tỏ lòng tri ân của tôi.
Bây
giờ Millie trở thành một cộng sự viên tình nguyện dùng phần lớn thì giờ
của mình để cùng bạn bè giúp đỡ những người thất vọng. Một phần ba số
cộng sự viên của Mục sư Varah chính là những "khách hàng" cũ nghĩa là
những người đã được tổ chức này cứu thoát chết. Họ mang đến cho những
người tuyệt vọng một giọng nói thân mật, hai tai chăm chú nghe lời tâm
sự, và một trái tim cởi mở.
Gần
bốn mươi phần trăm "khách hàng" của mục sư Varah là những kẻ định tự tử
vì những nguyên do trầm trọng. Những kẻ còn lại họ muốn chết chỉ vì
những lý do không quan trọng. Họ gồm đủ các giai tầng trong xã hội: từ
một kẻ bần cùng đến một nhà triệu phú, từ một anh tài xế đến một bà nội
trợ... Những người phạm tội cũng tìm đến để trút nỗi tâm sự. Cảnh sát
cũng biết thế nhưng họ kính trọng những lời thú tội trước mặt Mục sư.
Mục sư nói với những cộng sự viên:
- Chúng ta ghét tội ác nhưng đừng ghét bỏ kẻ phạm tội.
Trước
kia Varah là một sinh viên ban Tâm lý học và Triết học tại đại học
Oxford, đã trải qua những thời kỳ nghi ngờ, thất vọng trong cuộc sống,
sau đó Varah mới trở thành mục sư. Một hôm Varah đi đưa đám ma một cô bé
mười bốn tuổi. Cô bé đáng thương đi tìm cái chết vì cô lần đầu nhìn
thấy chu kỳ kinh nguyệt của mình đã tường là dấu hiệu bắt đầu một chứng
bệnh ghê tởm và nguy hiểm. Và cô đã tự tử!
Mục sư Varah tự nhủ:
- Lẽ ra cô bé phải được cứu sống. Nếu cô thổ lộ nỗi khổ tâm với một người lớn đáng tin cậy.
Hai
mươi năm sau ngày đưa đám tang cô bé xấu số kia, mục sư Varah được bạn
bè đưa đi khắp nơi, vào nhà thương, viện phân tâm học, nhà tù. Mục sư
biết rằng cứ cách tám giờ thì có một người dân Luân Đôn tự tử. Mục sư
thấy rằng người ta tự tử vì thiếu một niềm tin đích thực, gặp những nỗi
khó khăn, buồn khổ và bị khủng hoảng tinh thần. Mục sư đã nói:
- Những lý do thường xuyên nhất là sự cô đơn. Nỗi phiền muộn này giày vò con người ghê gớm.
Varah
tìm được một mối dây ràng buộc con người với cuộc sống: đó là đường dây
điện thoại, vì ở Luân Đôn không khi nào người ta không gặp một buồng
điện thoại công cộng.
Khi
mục sư xin số điện thoại, ông nghĩ ngay đến số 999, số cấp cứu để gọi
cảnh sát, cứu hỏa hay xe cứu thương, va ông xin được số Mansion 9.000.
Hiện
giờ tổ chức của mục sư có một vị tu sĩ nữa làm phụ tá, một nữ phụ tá xã
hội và phân tâm học, nhiều thư ký, nhưng chính những cộng sự viên tình
nguyện là những người đảm trách phần lớn công việc.
Thỉnh thoảng mục sư Varah gởi đến bác sĩ và những nhà phân tâm học những "khách hàng" cần điều trị.
Mục sư cho biết:
-
Cứ có một người cần thuốc men trị liệu thì có đến sáu người cần đến
tình thân hữu và sự thông cảm để họ khỏi buông trôi tuyệt vọng.
Những
người Samaritains thỉnh thoảng phải đưa "khách hàng" đi xem chiếu bóng,
mời họ về quê nghỉ vài tuần để lên tinh thần, và thường nhất là đi thăm
viếng họ.
Những
người tình nguyện sẵn sàng đi bất cứ nơi nào và làm bất cứ việc gì để
cứu người. Một buổi chiều mưa, một thiếu nữ trong nhóm Samaritains được
cử đi gặp một người nữ "khách hàng" ở một góc đường. Hai giờ sau. mục sư
Varah nhận được điện thoại của cô "khách hàng" này. Cô cho biết vì
không đủ can đảm đến nơi hẹn nhưng bây giờ muốn xin gặp lại.
Varah trả lời:
- Cô cứ đi đến chỗ đã hẹn lần trước, người đó vẫn chờ cô.
Đúng thế, cô gái đáng thương được tiếp đón vì người ta không bao giờ muốn bỏ rơi cô.
Varah
nhận thấy rằng sau những vụ thất vọng bao giờ cũng có một hối hận bí ẩn
nhưng khủng khiếp, sự hối hận này như ngòi nổ chậm của quả bom. Thường
thường người ta thổi to quá mức lỗi lầm của mình. George là một công
nhân, có lần ham vui đánh bạc thua cả một số tiền lớn hơn cả một năm
lương. Ông cảm thấy xấu hổ. Thay vì thú thật với vợ, ông ta tự giày vò
âm thầm, và cuối cùng định tự tử. Ông ta đã đưa đầu vào bếp hơi, đột
nhiên ông ta nghĩ đến ba đứa con còn thơ dại, ông gọi điện thoại cho
nhóm Samaritains.
Một
người tình nguyện đưa ông ta đến bà phụ tá xã hội và phân tâm học. Bà
này giải nghĩa cho ông biết điều mà ông tưởng đâu là một tội lỗi tày
trời chẳng qua chỉ vì điên rồ. Vợ ông tỏ ra rất biết điều. Bây giờ hai
người cố gắng dành dụm để trang trải nợ nần.
Mục sư Varah hy vọng rằng những tổ chức như của ông sẽ được lập ra trên khắp thế giới để không còn ai nghĩ đến việc tự tử nữa.
Hai
mươi sáu thành phố ở Anh và hai vùng ngoại ô của Luân Đôn đã thành lập
những chi nhánh. Nhiều tổ chức tương tự của Thiên Chúa cũng như Tin Lành
ra đời ờ Âu Châu: ở Ba Lê, Bruxelles, Genève, Tây Bá Linh, Hambourg,
Stuttgart, Stockholm, Helsinborg, Vienne, Francfort, Rotterdam, La Haye.
Ở
các tổ chức này, cũng như tại tổ chức của mục sư Varah, điện thoại là
con tim của mọi sinh hoạt. Bất cứ giờ giấc nào, không kể ngày hay đêm
bao giờ cũng có một người bên điện thoại chờ nghe những lời thất vọng
chán chường để rồi sau đó dịu dàng khuyên giải và tìm đủ cách để giúp đỡ
những kẻ đáng thương.
Charlotte và Denis Plimmer
NGUYỄN HÙNG TRÁC dịch