Một
người sống gần các cồn cát – yêu đương cồn cát đến sùng bái: người đó
hiểu rằng chẳng bao lâu mình cũng trở về với cát bụi, vĩnh viễn ở với
cát bụi, như vậy chẳng mến yêu cát bụi sao được? Một người ốm đau, biết
trước ngày tháng mình chết, vẫn không quản ngại lo lắng giúp đỡ cho
người ốm khác, dù có giảm mất ngày sống của mình, người đó thật đáng làm
gương cho biết bao người khác sống trong xã hội, quên người chỉ biết có
mình. Câu chuyện của Hal Borland thật có một ý nghĩa cao xa.
Tôi
gọi ông ta là Danh Lịch – tên thật là gì, điều đó không đáng kể. Ông ta
người cao, mảnh khảnh, mặt xương xẩu, trạc năm mươi tuổi. Hồi đó tôi
mười hai.
Ông
sống trong một ngôi nhà nhỏ, sơn trắng, gần các cồn cát. Còn chúng tôi ở
cách đó chừng vài cây số, trên cánh đồng cỏ khô và cứng.
Tôi
cảm thấy ông ta yêu tôi lắm, vì tôi yêu các cồn cát, còn ông đối với
các cồn cát, ông yêu đương đến sùng bái. Tôi thường hay đánh ngựa đến
chơi nhà ông. Chúng tôi đi bách bộ đến cồn cát lớn nhất, gần nhà ông.
Chúng tôi ngừng ở đấy nói chuyện hoặc chẳng nói chuyện gì cũng được. Cồn
cát này đẹp vô kể, hạt cát lóng lánh như vàng. Đây đó mọc vài bụi cỏ,
về mùa hạ xanh mướt một màu. Đứng trên đỉnh cồn, nhìn xa được mấy cây số
về phía Bắc. Về buổi chiều, nếu trời trong sáng, người ta trông rõ cả
được phía Tây mỏm núi xanh biếc ở cách đó cả trăm cây số hiện ra ở chân
trời.
Một buổi kia, ngồi ở cồn cát, ông bảo tôi, để vốc cát rơi lọt qua kẽ tay:
-
Xưa kia, cát dồn lại thật cao, tưởng như có thể đưa mình lên đến trời
được. Mặc dầu dẫm dưới chân, cát vẫn trôi tuột đi như thời gian trôi
chảy. Còn nắm giữ một vốc cát trong tay cũng chẳng được.
Ông mỉm cười và nói tiếp:
- Hai năm có phải dài không cháu? Bác muốn nói về cháu đó.
Tôi trả lời:
- Hai năm nữa cháu mười bốn tuổi.
Ông cúi đầu và nói:
- Và cháu còn bao nhiêu năm nữa kế tiếp nhau. Cháu sẽ làm gì?
Tôi trả lời là không biết.
Ông nói:
-
Chẳng có gì lạ, có biết bao công việc đợi ta khi ta còn trẻ. Nhưng cháu
nên nhớ điều này: việc gì ta cũng có thể làm được cả. Không có hàng rào
nào ngăn trở ta được, sao cũng có cách vượt qua... hoặc ta đi vòng
quanh vậy.
Ông
thở dài và vuốt ngực sau côn ho. Sau câu chuyện, chúng tôi đi từ từ về
nhà. Ngôi nhà này chính tay ông làm lấy, cả đồ đạc trong nhà cũng do ông
chế tạo. Tôi hỏi xem ông có phải thợ mộc không.
Ông trả lời:
-
Không phải, nhưng bác phải nằm ở dưỡng đường một năm trong một gian
phòng nhỏ sơn trắng và ở đó nằm liệt giường, bác đã phác họa trang trí
ngôi nhà và tất cả đồ đạc. Rồi bác đến đây và tự xây cất nhà này.
Tôi không hiểu tại sao ông Danh Lịch phải nằm ở dưỡng đường. Sau tôi hỏi mẹ tôi mới biết ông mắc bệnh lao.
Một buổi về mùa thu năm đó, tôi hỏi tại sao ông không nuôi gia súc.
Ông trả lời:
-
Bác tính nhẩm là nuôi gia súc phải mất công. Con ngựa của bác, thôi
đành vậy. Bác phải săn sóc nó vì nó cần thiết cho mình. Tất cả điều mong
ước của bác là ngôi nhà này. Cách đây một năm rưỡi, các bác sĩ có bảo
bác chỉ sống được hai năm nữa thôi. Sống như thế này, số tiền bác còn đủ
nuôi mình hai năm. Nếu sống cách khác đâu còn đủ tiền trong sáu tháng
nữa. Mười tám tháng qua thật dễ chịu hết sức.
Những
ngày đầu mùa đông thật êm dịu, nhưng một buổi kia về tháng hai, bỗng có
bão tuyết nổi lên từ chiều và kéo dài suốt đêm. Vào lúc rạng đông có
người gõ cửa. Đó là ông Huy Lâm ở cách chỗ chúng tôi độ một cây số. Ông
đến báo tin thằng Rốp con ông bị đau nặng lắm, bị cảm lạnh nhiễm phổi,
sốt li bì và thở rất khó khăn.
Ông nói:
-
Tôi muốn đến nhờ xem có ai có thể gọi dây nói mời bác sĩ đến hộ tôi
không? Tôi biết vào lúc bão táp như thế này không phải lắm, nhưng tôi
không biết nhờ ai.
Gia
đình ông Huy Lâm đến đây vào mùa xuân và từ đó gặp rủi ro luôn. Ngựa họ
cũng không có. Trước có hai con, đến cuối mùa hè cả hai đều ốm, rồi lăn
ra chết. Tất cả gia đình hình như chỉ sống về đậu trồng ở vườn.
Mẹ
tôi hỏi tôi có thể đi gọi điện thoại được không ở kho hàng Vũ Độ cách
đây hai mươi cây số, và cách nhà ông Danh Lịch mười cây số. Tôi bằng
lòng đi: tôi biết tất cả các ngọn đồi trong vùng như sờ tay vào túi. Tôi
chiến đấu với gió mới tới được nhà xe để buộc yên ngựa. Mẹ tôi xếp chăn
mền và mang tất cả các thuốc men còn trong nhà đến nhà ông Huy Lâm. Tôi
cưỡi con Sóc-ti đi gọi điện thoại.
Bão
thổi mỗi lúc một mạnh và mãi hai giờ sau tôi mới tới nhà ông Danh Lịch.
Tôi đã nghĩ nên đi thẳng đến Vũ Độ, nhưng ngửi thấy mùi gỗ cháy trong
lò, tôi xuống ngựa vào nhà.
Ông Danh Lịch nằm ở giường. Ông hỏi tôi:
- Cháu đi đâu trong cơn bão này?
Tôi
kể rõ câu chuyện và cho thêm củi vào lò. Ông vội đứng dậy, mặc quần áo.
Giữa lúc này, cơn ho lại nổi, ông phải ngồi nghỉ một lúc. Rồi ông ra mở
tủ lấy mấy chai thuốc bỏ vào một chiếc túi, khoác thêm một áo dạ dầy.
Tôi hỏi ông định đi đâu.
- Bác đến nhà ông Huy Lâm.
Tôi cản ông:
- Nhưng cháu đi tìm bác sĩ bây giờ.
Ông bảo:
-
Hai giờ nữa bác sĩ cũng chưa đến được. Thằng bé đó bị sưng phổi. Tất cả
những bệnh về phổi, bác đều hiểu biết. May ra bác có thể cứu nó. Bão
cực thật, nhưng không trở ngại nào ta không thể vượt qua được. Cháu buộc
yên ngựa giúp bác được không?
Hai
phút sau, chúng tôi đều nhảy lên ngựa, ông Danh Lịch trở lại con đường
tôi vừa qua và tôi thì tiến về phía Vũ Độ. Bác sĩ hứa đi ngay vì bão đã
ngớt. Ông ấy đến nhà chúng tôi vào lúc quá trưa. Tôi dắt ngựa ông vào
chuồng cho nghỉ và buộc yên một con ngựa khác. Khi tôi kể về bệnh thằng
Rốp, ông lắc đầu:
- Ít hy vọng lắm, nhưng ta đã đến đây, ta sẽ đến thăm nó, dù là chỉ đến chứng thực nó chết đi nữa.
Chúng tôi đến nhà ông Huy Lâm. Rốp không chết. Cơn sốt đã rút và thằng bé ngủ yên. Bác sĩ thăm bệnh Rốp và bảo ông Huy Lâm:
- Nếu con ông sống được, đó là nhờ ông Danh Lịch đã đến kịp thời.
Rồi ông kéo ông Danh Lịch ra nói chuyện riêng. Hai người nói nhỏ. Cuối cùng, tôi nghe thấy ông Danh Lịch nói:
-
Thưa bác sĩ, một hai tháng có nghĩa gì? Cuộc đời đã tàn tạ và mỏi mệt,
so với một mầm non tương lai đầy hứa hẹn có gì đâu đáng kể.
Ông ho và vuốt ngực.
Khi chúng tôi đi cả rồi, mẹ tôi mời ông Danh Lịch ở lại đây một đêm.
Ông trả lời:
- Xin cảm ơn bà nhiều lắm, tôi cần phải về. Tôi xem có lẽ cũng chỉ còn đủ thì giờ đến nhà tôi thôi.
Bác sĩ và ông Danh Lịch đi về phía mặt trời lặn.
Mẹ tôi nói:
- Ông ta ốm lắm.
Về đến nhà, một giờ sau ông chết.
Người
ta chôn cất ông ở đồi cát. Một tảng đá lớn đánh dấu nơi an nghỉ ngàn
thu của ông. Nhưng thỉnh thoảng, cát lại xê dịch, và năm sau vào mùa
thu, khi tôi đến chỗ cũ, tôi tìm mãi không thấy tảng đá. Thời gian qua,
cát đã phủ mất mộ chí của ông.
HAL BORLAND
VŨ MINH THIỀU dịch