Thứ Ba, 14 tháng 7, 2020

THẰNG CHÀ - Nguyễn thị Mỹ Thanh


Con đường dẫn vào xóm lầy lội những sình đất. Trời mới mưa xong. Từng vũng nước đục ngầu đọng giữa đường. Tà áo trắng của tôi lấm tấm những vết bùn xám đỏ. Đi ngang đống rác chứa toàn những lon hộp và đồ Mỹ phế thải, tôi bỗng nghe một giọng nói bên tai:
 

- Chị ơi! Cho em một đồng.
 

Tôi quay lại, chạm phải một đôi mắt to, xám trên gương mặt xanh xao của một thằng bé lai da đen. Nó đứng giữa những thùng rác cao nghệu, trên tay cầm một cái lon bơ rỗng. Nó ở trần, chỉ mặc một chiếc quần ngắn cũ rích. Thân hình nó ốm tong teo, nhưng cái bụng thì to ỏng. Đôi mắt nó – phải, chỉ có đôi mắt là đặc biệt – nhìn tôi không chớp, chứa đựng vẻ ngây ngô và rụt rè. Tự nhiên tôi thấy như mình cao sang quá, cách biệt quá đối với đứa bé tội nghiệp này, mặc dầu tôi chẳng có gì cao sang cả. Và tự nhiên tôi muốn phá vỡ sự cách biệt này. Tôi cúi xuống hỏi nó:
 

- Nhà em ở đâu?
 

Thằng bé chỉ tay về cuối xóm:
 

- Kia kìa! Nhà bà Năm Lé đó!
 

Ở xóm này, không ai xa lạ gì bà Năm Lé. Đã trên năm mươi tuổi, bà ta lại nhận nuôi một bầy trẻ năm, sáu đứa, từ sơ sinh đến bốn, năm tuổi. Chúng là con của những người phu xe, những người bán hàng rong nghèo nàn và những người bị liệt vào hàng cặn bã của xã hội. Họ sinh con ra, bỏ một vài trăm bạc gửi cho bà Năm Lé nuôi, rồi để mặc cho bà ta muốn làm gì tùy ý. Chúng không được một sự săn sóc tử tế nào. Bà Năm chỉ cho chúng ăn uống qua loa rồi dồn cả lên một cái giường rộng cho chơi với nhau. Đứa lớn thì ôm chiếc gối chơi “em bé”, đứa nhỏ hơn thì đứng vịn thanh giường, đứa chưa biết ngồi thì nằm ngửa mút chùn chụt chiếc núm vú cao su. Vô phúc cho đứa nào đòi bồng, đòi bú là sẽ bị bà đánh đập, kể cả đứa mới vài tháng cũng bị lãnh những cái tát thẳng tay. Mãi rồi chúng nó không dám quấy rầy nữa. Chúng chơi đùa một mình một cõi, như những bông hoa dại lớn lên vô tình. Mấy tháng trước tôi có thoáng nghe rằng bà Năm mới nhận nuôi một thằng bé lai da đen khoảng bốn tuổi. Không ai biết nó tên gì nhưng vì thấy da nó đen nên bà Năm gọi đại nó là thằng Chà. Mẹ nó giao nó cho bà ta rồi đi biệt, mỗi tuần chỉ đến thăm một lần. Nó chịu những nỗi khổ sở gấp mấy lần bọn trẻ kia, chỉ vì… nó lai da đen. Những đêm khuya vắng hàng xóm thường nghe tiếng bà Năm chửi mắng, đánh đập nó và tiếng nó khóc ré lên xót xa. Tôi chỉ được nghe về thằng Chà chứ chưa bao giờ thấy nó. Bây giờ nó đang đứng trước mặt tôi, dáng dấp trông khốn khổ. Tôi cười với nó:
 

- Em tên Chà phải không?
 

Nó lắc đầu làm tôi ngạc nhiên:
 

- Không, đó là “bà ngoại Năm” kêu thế ấy chứ!
 

- Tên thật em là gì?
 

- Rin-gô.
 

Tôi bật cười. Thằng Chà nói chuyện thật dễ thương, thế mà những người trong xóm lại bảo rằng nó không biết nói. Thật dễ hiểu, vì sống trong nhà bà Năm, chịu đòn roi cả ngày thì thằng bé đâu dám mở miệng nói gì. Hơn nữa, có những đứa nhỏ hai, ba tuổi rồi mà chưa biết nói. Bị hành hạ ngay từ khi còn bé bỏng, chúng như những cây cỏ mọc hoang, không ai cần biết đến sự phát triển của chúng.

Thấy tôi cười, thằng Chà làm mặt thân thiện:
 

- Chị cho em một đồng em mua bánh ăn đi. Hồi trưa ngoại Năm bỏ đói em.
 

- Sao ngoại bỏ đói em?
 

Nét mặt thằng Chà sa sầm, đôi mắt nó chớp nhanh:
 

- Tại má về thăm em, ngoại Năm có gây lộn với má. Rồi ngoại Năm không cho em ăn cơm.
 

Tôi chợt để ý thấy trên lưng thằng Chà hằn mấy vết tím bầm. Hẳn đây là trận roi đòn mà bà Năm đã trút giận dữ lên thân thằng bé vô tội. Tôi kéo nó đến ngồi trước thềm một ngôi nhà đóng cửa.
 

- Sao ngoại gây lộn với má em mà lại đánh em?
 

- Hổng biết!
 

Tôi nghe chua xót trong lòng. Tội nghiệp nó quá! Thằng Chà nhăn mặt, một tay gãi đầu, một tay ôm bụng, miệng kêu đói. Tôi lục trong cặp được mấy đồng bạc, cho cả nó. Nó chụp lấy ngay, lận vội vàng vào lưng quần, đôi mắt to nhìn dáo dác:
 

- Coi chừng ngoại Năm thấy, ngoại Năm đánh chết.
 

Rồi nó đứng phắt dậy, chạy vụt đi. Đôi bàn chân bé nhỏ chạy phăng phăng trên những vũng nước bùn làm bắn tung tóe. Bóng dáng thằng Chà khuất sau khúc quanh ngõ xóm.

*

- Chị ơi!
 

- Gì thế hở Chà?
 

- Sao tụi trong xóm lại trêu em là “chà và ma ní tí te”?
 

Tôi nhìn kỹ mặt thằng Chà. Đôi mắt nó long lanh ướt và thoát ra vẻ tự ti tủi cực. Gương mặt đen đủi, mũi cao và đôi môi dày. Đầu nó to, tóc nó xoắn lại và gần như dính sát vào da. Tự nhiên tôi nghẹn ngào thương xót. Biết nói gì với nó cho nó khỏi thắc mắc và buồn tủi đây? Thằng Chà thấy tôi lặng im lại giục:
 

- Sao vậy chị? Em có phải là “chà và” không chị?
 

- Ơ… Đừng để ý đến tụi nó em à!
 

Thằng Chà không vừa lòng, nó phụng phịu:
 

- Sao tụi nó ghẹo em? Tụi nó bảo em không phải người Việt Nam…
 

- Bậy nào! Em là người Việt chứ!
 

Thằng Chà muốn khóc, nó giơ cánh tay lên ngang tầm mắt:
 

- Sao da em không vàng như da của tụi nó, như của chị, như của má em?
 

Tôi buồn ứa nước mắt, nhưng tôi cố giấu nó:
 

- Này nhé! Em là người Việt, nhưng… em lai da đen.
 

- Da đen… xấu lắm phải không chị?
 

- Ơ…
 

Thằng Chà quay mặt đi. Tôi vội vàng ôm lấy nó, cố tìm trên thân hình nó một đặc điểm để an ủi. Tôi “à” lên, nói với nó:
 

- Này! Chà có biết mục sư King ở Mỹ vừa mới bị ám sát không?
 

Thấy thằng bé ngơ ngác, tôi biết nó không hiểu gì vì nó còn bé quá. Tôi nói thêm cho nó hiểu:
 

- Mục sư King là người da đen mà cả thế giới đều ngưỡng mộ. Đấy, da đen đâu có xấu! Trái lại, họ đẹp và anh hùng nữa!
 

Thấy thằng bé vẫn còn ngơ ngác vì những lời nói và những ý tưởng vượt khỏi khả năng hiểu biết đối với tuổi của nó, tôi bèn nói theo lối khác:
 

- Này Chà, người da đen đẹp lắm. Người da đen có hàm răng tốt nhất, trắng nhất…
 

Bấy giờ đôi mắt thằng Chà mới sáng rực lên, bờ môi rạng rỡ:
 

- Thật hở chị?
 

- Thật!
 

Nó toét miệng ra cười. Hàm răng trắng bóng. Nó hân hoan ra mặt. Tôi vui lây với nó. Nó lại hỏi:
 

- Thế… người da đen còn có gì đẹp nữa không chị?
 

- Còn chứ! Đôi mắt người da đen sáng lắm! Người da đen chơi nhạc hay và học giỏi nữa.
 

- Em… có học giỏi không chị?
 

- Bữa nào Chà đi học, Chà sẽ học giỏi nhất.
 

- Má em về, em xin má cho em đi học…
 

Đôi mắt thằng Chà trở nên mơ mộng. Tôi đoán biết nó đang thêu dệt những ước muốn trong lòng. Nụ hoa hy vọng đang nở, xóa tan bao ý nghĩ tủi buồn hèn hạ trong đầu óc nó. Giá nó được nâng niu chiều chuộng như những đứa trẻ khác, giá nó đừng bị bà Năm đánh đập, giá nó không bị bọn trẻ con trong xóm chọc ghẹo, giá xã hội đừng ruồng rẫy, xua đuổi những đứa trẻ như nó, giá… Tôi thấy thương nó vô hạn.

Chợt thằng Chà như nhớ ra một điều gì, nó bảo tôi:
 

- Í, hôm qua chị cho em miếng kẹo chuối, em chưa ăn.
 

- Sao vậy?
 

- Ngoại Năm biết, cứ nhìn em mãi. Em phải giấu trong gối của con bé Nga. Ngoại Năm mà thấy, ngoại Năm đánh chết. Thôi em về lấy kẹo ăn nghen chị!
 

- Ừ em về đi!
 

Thằng Chà bước chân đi, nhưng nó dừng lại, ngập ngừng hỏi:
 

- Chị! Da đen… có xấu không chị?
 

- Không. Đừng nghĩ da đen xấu nữa nghen em!
 

- Dạ!
 

Thằng Chà chạy đi, vừa chạy nó vừa hát: “Em có nuôi một con chó, trông nó ngoan như con bò, mai nó kêu gấu gấu gấu, trưa nó kêu gâu gâu gâu, tối nó kêu gầu gầu gầu…” Tiếng hát bé nhỏ tan vào không gian….

*

Tôi dừng xe đạp đứng lại vì thấy thằng Chà ngồi gục đầu trên bậc thềm của ngôi nhà trống. Đôi vai nhỏ bé rung nhẹ. Tiếng khóc nức nở yếu ớt phát ra. Tôi dựng xe, đến đỡ nó lên. Gương mặt nó ràn rụa nước mắt.
 

- Chà, sao em khóc vậy?
 

Thằng Chà vẫn tức tưởi không nói. Nó nhìn tôi: đôi mắt tủi cực u hoài. Tôi dỗ mãi, nó mới nói trong giọng nghẹn ngào:
 

- Má em… má em bỏ em đi rồi!..
 

Tôi ngạc nhiên thốt lên:
 

- Sao vậy?
 

- Hổng biết!..
 

- …
 

- Em hết được xin đi học. Má hết về thăm em rồi!
 

- Chà, Chà nín đi! Chắc má đi xa làm việc, chứ má đâu có bỏ em.
 

Thằng Chà lắc đầu:
 

- Không! Má em bỏ em thật mà! Ngoại Năm nói là má đi luôn rồi, không gửi tiền cho ngoại Năm nữa. Vài ngày nữa, ngoại Năm… đuổi em đi… chị ơi!..
 

Tiếng khóc của thằng Chà nghe sao đau đớn buồn tủi quá! Tôi muốn khóc theo với nó. Không còn cách nào dỗ nó. Má nó đành bỏ nó rồi. Tất cả mọi người đều ruồng bỏ nó, kể cả mẹ nó nữa.

Thằng Chà chỉ còn khóc thút thít. Nó đưa bàn tay lấm lem đất bẩn lên chùi quẹt dòng nước mắt. Đôi mi cong còn ướt át. Trông mặt nó thật tội nghiệp. Tôi bảo nó:
 

- Chà leo lên xe chị chở đi mua kẹo ăn.
 

- Thôi – Chà lắc đầu – Em đi đón má cơ!
 

- Ừ thì chị chở đi đón má.
 

Thằng Chà vui mừng leo lên yên xe. Tôi chở nó ra đầu đường. Gió chiều thổi lồng lộng. Thằng Chà thích thú kêu mát. Nó đưa mắt nhìn xe cộ chạy cuồn cuộn và người đi tấp nập. Chừng như nó quên mất chuyện đi đón má, nên nó lại cười nói huyên thuyên…

Cảnh phố xá sẽ cứ vui vẻ nhộn nhịp như thế mãi, nếu không có tiếng súng nổ vang, bất chợt. Từ trên những lầu cao, nhiều họng súng khạc đạn tới tấp. Từ dưới đường, sau gốc cây, nhiều lằn đạn bắn lên. Xe cộ dừng lại. Mọi người chạy xô nhau, la ơi ới. Phố xá hỗn loạn. Tôi bỏ ngã xe đạp, dắt thằng Chà chạy lên lề đường, tìm đến nấp sau những thùng chứa rác cao. Đạn bắn nghe như xé màng tai. Tôi nhìn sang thằng Chà; nó thu mình ngồi như một con mèo ốm. Môi nó run run. Gương mặt nó lộ vẻ khiếp hãi. Tôi trấn an:

- Đừng sợ nghe em! Cứ nấp ở đây, không sao đâu!
 

Thằng Chà bấu chặt tay tôi, không nói. Tiếng đạn ngày càng nhiều và lớn hơn. Nhiều căn nhà nổ bùng lên, cháy đỏ. Lửa phừng phừng. Khói lan rộng mịt mù.

Con đường bây giờ chỉ còn những người lính bồng súng chạy dưới lằn đạn. Nhưng bỗng nhiên, có một người đàn bà không biết từ đâu hớt hải chạy đi tìm chỗ nấp. Bà ta lúng túng nhảy đại xuống một cái hố rác. Thằng Chà chợt la lên thất thanh:
 

- Má!
 

Nó đập mạnh vào tay tôi:
 

- Má em kìa chị! Má em…
 

Người đàn bà ấy là má của thằng Chà. Nó vui mừng quên cả nỗi sợ bên mình. Bất chợt nó đứng lên, nhìn về phía má nó. Tôi kéo nó ngồi xuống:
 

- Coi chừng, em! Đạn còn bay nhiều kìa! Ngồi xuống!
 

- Không! Má ơi!.
 

Thằng Chà giật tay tôi, chạy vụt ra đường. Cả tôi và những người tránh đạn cùng la lên kinh hoàng. Tiếng đạn rít vỡ tai… Tôi thấy chiếc bóng nhỏ bé của thằng Chà chạy xiêu vẹo dưới mưa đạn. Và… tôi đã nghe tiếng rú thê thảm của nó, trước khi nó té quỵ xuống mặt đường.

*

Má thằng Chà ôm mặt khóc nức nở. Bà Năm Lé, vài người hàng xóm, và tôi, có mặt bên giường nó. Không ai nén được tiếng khóc. Bây giờ tiếng đạn không còn bên tai, nhưng thằng Chà thì đang nằm yên trên giường, mình quấn băng ướt đẫm máu. Em ơi! Em ơi! Em đã là sản phẩm, là nhân chứng và nay lại là nạn nhân của chiến tranh nữa! Gương mặt em kia, sao thơ ngây, bình thản quá! Nhưng cuộc đời em sao không bình thản, êm đềm?

Đôi mắt nhắm nghiền đã lâu chợt bừng hé ra. Má thằng Chà thốt lên mừng rỡ. Đôi mắt sáng rực niềm vui. Thằng Chà lắp bắp:
 

- Má! Đừng bỏ con…
 

Má nó òa lên khóc… Đôi mắt đảo quanh, dừng lại ở tôi. Vẻ hân hoan ánh lên trong đó. Tôi đọc được những lời thật tha thiết: “Da đen không xấu há chị!!!”

Và đôi mắt từ từ khép kín cùng lúc với bờ môi nở một nụ cười, trong lúc mọi người đều khóc. Tôi đã thấy thằng Chà cười thật tươi, thật sung sướng – một lần đầu tiên và cuối cùng trong đời.


NGUYỄN THỊ MỸ THANH   

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 93, ra ngày 15-7-1968) 


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com