Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2021

DƯ ÂM MÙA XUÂN CŨ - Trần thị Phương Lan

 

Không biết người khác thì sao, chứ đối với riêng tôi, có lẽ mùa xuân là mùa tôi yêu thích nhất, vì chẳng những là mùa hy vọng, mùa đoàn tụ, mùa hoa nở, mùa tình yêu, mùa đất trời và lòng người đều mở hội... vân vân và vân vân đối với mọi người, mùa xuân còn là mùa kỷ niệm đối với riêng tôi nữa.

Những kỷ niệm đẹp nhất thuở ấu thời của tôi hình như đều diễn ra vào mùa xuân, dù buồn hay vui, dù vụn vặt và nhỏ nhặt tới đâu chăng nữa. Nhưng thật sự những kỷ niệm ấy tôi đều thấy không đầu không đuôi, nên cũng chẳng biết bắt đầu kể từ đâu!

Mỗi năm khi Tết sắp đến, một người bạn của ba tôi sẽ biếu và cho xe chở tới nhà tôi khoảng một chục két nước ngọt do chính hãng của ông sản xuất, chỉ có hai loại, màu nâu gọi là nước quất hồng bì, màu đỏ gọi là nước dâu tươi. Tôi nhớ lúc đó tôi chỉ thèm thuồng nhìn trẻ con nhà láng giềng lê la khắp xóm, na theo cái ly thủy tinh rẻ tiền vẽ bông xanh bông đỏ, chứa nước xá xị con cọp cũng màu nâu nhưng vị có khác so với nước quất hồng bì, nước bạc hà màu xanh lá cây đậm mà tươi rói, nước lemonade trắng không màu nhưng nếm thấy chua chua ngọt ngọt và tê tê đầu lưỡi, hay một thứ nước ngọt thơm ngon màu vàng tươi cũng của hãng BGI, gọi là kem soda (cream soda), mà không buồn dòm ngó gì tới hai thứ nước ngọt có sẵn ê hề trong nhà! Sau Tết, ông bạn quí của ba tôi lại cho xe tới mang đi chục két nước ngọt ấy, nhưng giờ chỉ còn lại những vỏ chai không nằm lăn lóc trong những két bằng gỗ phai màu mưa nắng, là kết quả của những lần họp mặt, những buổi thăm viếng và chúc tết của khối lượng khổng lồ bạn bè và người quen của ba tôi và gia đình tôi mà thôi! Còn tôi thì rất hiếm khi đụng đến hai thứ nước ngọt ấy, dù chúng cũng thơm ngon và bắt mắt không kém nước của hãng Con Cọp!  Tuy còn nhỏ, tôi đã có cái tính đứng núi này trông núi nọ rồi!

Những buổi chiều cận Tết, tôi thường hay lên sân sau lộ thiên trên lầu, và ngồi cạnh những két nước ngọt chất chồng chất đống ấy, để ngắm nhìn trời mây nước, và nghe văng vẳng từ chiếc máy cassette dưới nhà hoặc nhà hàng xóm vọng lên những bản nhạc xuân.  Hoặc vào những chiều mùa xuân, anh em chúng tôi thường kéo nhau đi xem phim tại những rạp chớp bóng gần nhà, và khi chiều về, trong ánh ráng chiều buồn man mác của những chiều xuân muộn, trên đường về nhà, chúng tôi mỗi đứa theo đuổi những ý nghĩ, suy tư riêng, tuy còn rất nhỏ, trong khi chân lại đá tung nhũng xác pháo đỏ ối ngập vỉa hè. Khi đi ngang qua nhà ai đó, chúng tôi lại vẳng nghe những khúc hát mùa xuân ấy, tuy hay tuyệt vời nhưng lại buồn da diết (như bài Đám cưới đầu xuân, Đón xuân này nhớ xuân xưa, Nhớ một chiều xuân...), có lẽ vì lúc ấy đang là thời chiến. Giờ đây mỗi khi cho dù chỉ tình cờ nghe lại những bài hát đó, lòng tôi lại dấy lên những cảm giác buồn mênh mang, khó  tả, và nước mắt tôi đều tuôn rơi, tiếc nuối một khoảng thời gian vàng son đẹp như giấc mộng trong quá vãng giờ chỉ còn là kỷ niệm, mặc dù tuổi thơ lúc đó đã phải sớm buồn. 

Gần Tết, thế nào má tôi cũng đi biếu quà Tết cho bà con họ hàng, mặc dù tôi không biết bà mua chúng lúc nào! Chiều gần tắt nắng, má tôi sẽ vẫy một chiếc xích lô đạp chở ba mẹ con chúng tôi, má tôi, tôi và thằng em Út, tới nhà ông trẻ. Hồi bé tôi rất nhạy cảm và hở chút là hờn dỗi, dù chỉ là vu vơ, vô cớ. Sau khi đã phụng phịu, khóc lóc chán chê ở trong nhà, tôi mới bằng lòng trèo lên chiếc xích lô cao ngất nghểu, nhưng vẫn không chịu ngồi lên ghế nệm, mà ngồi thụp xuống sát sàn xe phía trước, rất gần với mặt đường! Thật là một vị trí ngồi xe  xích lô  kỳ lạ, có một  không hai! Phải công nhận má  tôi lúc đó mát tính và hiền ghê nơi, vì bà không hề tỏ vẻ bực bội khi bà và bác xích lô phải kiên nhẫn ngồi ngoài xe đợi tôi hết cơn giận vớ vẩn ban đầu, rồi cũng chẳng la mắng gì khi tôi mặc đầm nhưng ngồi xổm trên xe như vậy! Nhưng con nít mau quên, khi tới nhà ông trẻ và được ông vớt cho một bịch cá bảy màu vô cùng đáng yêu, hay tặng cho một túi chứa hai bé gà con vàng óng, tôi lại vui như tết, và cười nói suốt đường về. Vài ngày sau là ngày tết chính thức, cả gia đình tôi lại đông đủ kéo nhau tới chúc tết ông. Có năm ông đón chúng tôi bằng một viên pháo tự chế to bằng ba, bốn trái pháo đại, tiếng nổ vang trời! Xác pháo như mưa rơi xuống đầu lũ trẻ con chúng tôi như bông giấy confetti, đang đứng ở  ngưỡng  cửa  nhà  ông, miệng há hốc trước là vì kinh ngạc, sau vì niềm hứng khởi rộn ràng của ngày tết.

Anh em chúng tôi cũng hay đùa giỡn nhiều hơn khi sắp tết, phần vui vì tết sắp đến, phần vì những ngày cận tết, áp lực bài vở cũng giảm hẳn! Có lần thấy ba tôi đi vắng, anh Hải đã dùng điện thoại để quậy mọi người! Anh giả giọng ông PV bên cạnh nhà tôi gọi cho bạn là ông GH ở khu phố trên, rủ ông GH chiều đi nhậu tất niên! Bốn giờ chiều hôm đó, tôi và anh Hải đã được một trận cười no nê khi ông GH diện đồ láng o, lạch xạch chạy tới trên chiếc xe Vespa, rồi chưng hửng khi thấy ông PV không tỏ vẻ gì nhớ đến lời hẹn rủ đi nhậu ban sáng, nên đã chưởi thề, văng tục tùm lum! Anh Hải còn giả làm người ngoại quốc, gọi điện thoại và nói tiếng Anh với ông bác sĩ bên kia đường, cũng là bà con của chúng tôi, để mời ông ấy tới nhà khám bệnh vì anh bị đau bụng, đi ngoài liên tục vì không quen ăn thực phẩm dự trữ cho dịp tết ; hay vờ đặt mua một cỗ quan tài đắt tiền nhất từ trại hòm cũng gần nhà! Cả hai vụ này anh  đều cho họ một số điện thoại bất kỳ mà anh đọc được trong cuốn điện thoại niên giám! Đứng chầu rìa bên cạnh anh, tôi chỉ biết bụm miệng để khỏi phải cười nghiêng cười ngả! Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp lại  ông GH, già ơi là già nhưng vẫn còn sống sờ sờ, trong khi anh Hải tôi đã thành người thiên cổ tự bao giờ!  Nhiều  lúc tôi suýt buột miệng kể cho ông GH nghe câu chuyện anh Hải chọc phá ông tết năm nào, vì dầu sao chúng tôi cũng là chòm xóm, nhưng rồi lại thôi!!    

Anh Hải cũng hay chọc phá láng giềng cho vui. Có lần ông Tàu bán khô mực trong xóm đã suýt phát khóc khi anh Hải cứ gặng hỏi ông ta tên một món ăn rất hấp dẫn màu đỏ tươi, được nướng lên như khô mực, ăn kèm với đồ chua và tương ớt trên chiếc xe đẩy của ông. Dù chúng tôi vẫn hay ăn món đó dịp tết khi có nhiều tiền lì xì, nhưng lại không biết tên!  Doọc coong dịch! Ông ta trả lời cụt lủn! Nhưng chúng tôi không thể hiểu nổi phiên bản tiếng Việt của ông! Doọc... coong... dịch! Lần thứ hai, ông ta trả lời to tiếng hơn, và kéo dài giọng! Anh Hải nhăn mặt, lúc lắc bàn tay ra dấu không hiểu, và gào to hết cỡ, cái gì ông, ông nói cái gì? Ruột... Con... Vịt! Ông ta cũng gào to không kém. Cả ông Tàu bán khô mực và chúng tôi lần đó đều hết hơi, mệt nhoài sau màn "đấu võ mồm" đó, nhưng ít ra chúng tôi cũng đã biết được tên của món ăn chúng tôi vô cùng yêu thích! 

Một lần khác, anh Hải vừa học được một câu tiếng Tàu (nhưng không hiểu nghĩa) bèn ra thực tập liền với ông Tàu bán sữa đậu nành ngay trước cửa nhà tôi, dưới lòng đường. Ngộ tả nị xị à! Anh hồn nhiên vừa nói vừa cười với ông Tàu. Không ngờ ông ấy tỏ vẻ  giận dữ ghê gớm, gấp tờ báo tiếng Tàu đang coi lại, đập tờ báo cái rầm lên xe đậu nành, và lớn tiếng xí xa xí xô la mắng anh Hải như té tát, trước sự ngơ ngác của anh, chòi ơi con lít gì mà hõn láo wá chời!... Vừa nói ông vừa đẩy xe đi mất. Từ đó ông không đậu xe bán sữa đậu nành trước cửa nhà chúng tôi nữa! Về sau chúng tôi mới vỡ lẽ, vì câu nói đó nghĩa là, tao đánh mày chết bây giờ! !!!

Gần tết, ba tôi có lẽ bận nhiều việc nên không đưa đón thằng em út của tôi đi học (tiểu học) được, nên cu cậu đành phải cuốc bộ đi, về. Anh Hải, chắc thấy tội tội, mới ra hẹn với cu cậu rằng, anh Hải sẽ thay ba làm tài xế, nhưng với điều kiện cậu bé phải trả công bằng cách nhảy giúp vui, giải khuây cho anh, bắt chước y hệt Hùng Cường, là một ca sĩ nhảy nhạc Twist, A- go- go... rất ăn khách lúc bấy giờ. Dĩ nhiên, cả chúng tôi dù không phải nhọc công làm gì cũng được coi ké! Ba anh em chúng tôi, sau mỗi lần anh Hải làm "nghĩa vụ tài xế", đều ôm bụng cười lăn lóc khi xem cậu út nhà tôi, mặt mày lúc nào cũng khó đăm đăm, nghiêm chỉnh như ông cụ non, phải đền ơn đáp nghĩa anh Hải bằng cách tay chân mình mẩy giựt như kinh phong, miệng la hú, hự ạ cha cha cha... một trăm lần, mà mặt mày vẫn cứ nghiêm trang đạo mạo không hề suy suyển! Dần dà về sau, anh Hải nương tay cho, và cu cậu chỉ phải diễn 50 cú giựt như Hùng Cường, thay vì 100, sau mỗi lần anh Hải phải gò lưng, phồng mang trợn mắt đèo cậu em đi học và về! Nghĩ lại mới thấy trường hợp ông anh quí của tôi giống y như lời khuyên của một danh nhân nào đó, rằng nếu số phận chỉ ban cho bạn một trái chanh, vừa ít ỏi, vừa chua chát, thì bạn phải biết cách khôn khéo tận dụng, và biến trái chanh đó thành một ly nước đá chanh ngọt ngon! Cuộc đời của anh tuy vô cùng ngắn ngủi, nhưng lại tràn ngập tiếng cười, vì anh biết tìm thấy niềm vui trong cuộc sống cho riêng mình, và mang niềm vui đến cho người khác...

Việc mua hoa để chưng tết thời đó đối với chúng tôi hình như không là thông lệ, vì năm có năm không, tùy hứng! Có năm tôi nhớ ba má tôi mua về đầy nhà nào những giỏ cúc đại đóa, cúc kim, cây tắc, và cả hoa cẩm tú cầu màu hồng nữa.Hương hoa cúc năm đó luôn nằm sâu trong ký ức, tới nỗi bất kể mùa nào trong năm, mỗi khi ngửi thấy mùi hoa cúc vừa được tưới xông lên mũi là tôi lại nhớ tới tết! Có năm ba tôi lại chở tôi lên những kiosque ở đường Nguyên Huệ, lựa chọn chán chê rồi rinh về bốn chậu cây kiểng con con xinh xinh, sơn bốn màu khác nhau, đi kèm với bốn móc treo được sơn đồng màu với chậu, được uốn nắn thành hình chiếc thuyền, hình khóa Sol, khóa Fa... Ba tôi giao cho tôi nhiệm vụ mang những cây kiểng con đó ra ngoài balcon tưới tắm mỗi sáng, chờ ráo nước rồi lại rinh vô treo trả lên móc như cũ. Một hôm vì trượt chân té vô vũng nước đọng lại ở balcon, tôi đã làm bể toang mất một chậu! Sợ bị đánh đòn khi ba tôi tra hỏi, tôi đã đổ thừa cho anh Hải đang đứng xớ rớ gần đó, mặc dù cũng có những người khác đang đứng gần đấy! Cho tới bây giơ tôi vẫn tự hỏi tại sao tôi lại làm như vậy, trong khi anh Hải là người anh tôi yêu quí nhất đời! (Tâm lý học ơi, ngươi ở đâu?)  Dù gì đi nữa thì lần đó anh Hải đã bị ăn một cái tát oan uổng, trong khi tôi cúi gục đầu ân hận, vì tất cả điều anh đã làm chỉ là xỉa một ngón tay kết tội về phía tôi, khi ba tôi đã đi khỏi! Danh hài Hoài Linh chẳng đã từng nói, "làm anh khó lắm" là gì!

Bây giờ mỗi khi xuân về thấy mấy cô cậu bé xúng xính quần áo mới đi chúc Tết với ba mẹ, hoặc các cậu bé sàn sàn tuổi nhau, quàng vai bá cổ nhau đi chơi tết, rủ nhau đi xem phim, đá banh, chơi game... tôi đều chạnh lòng nhớ  tới những mùa xuân đầm ấm trong dĩ vãng,  đã lướt qua cuộc đời tôi nhanh hơn cả  một cơn gió  lốc, và chỉ để lại cái gọi là những dư âm của những mùa xuân cũ! Tôi  biết chắc rằng chẳng ai trong số những cô cậu bé đó không cảm thấy tiếc nuối những giây phút vui vầy bên nhau như thế, khi họ trở về già, trong khi đang hưởng những ngày vui sum họp êm đềm trong hiện tại thì họ lại không biết nâng niu, trân trọng, hoặc chẳng buồn để tâm nghĩ ngợi gì! Con người chỉ biết yêu quí, níu kéo những gì họ đã mất, và không còn trong tầm tay với nữa mà thôi!

Trần Thị Phương Lan     
(Bút nhóm Hoa Nắng)     


Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

MÙA XUÂN THƯ CHO THẦY - Dương Kim Lợi & Hoàng Thị Oanh

 

Thầy kính mến của chúng con,

Thưa thầy, năm cũ sắp qua, một mùa xuân mới lại đến, chúng con kính gởi đến thầy lời cầu chúc thành tâm và tốt đẹp nhất của chúng con. Nhân dịp này, chúng con mong được nói lên những lời biết ơn, những cảm tình, những ý nghĩ đơn sơ của hai học trò rất tầm thường của thầy.

Thưa thầy, thầy là vị giáo sư lý tưởng của chúng con. Vì thầy không những chỉ dạy chúng con trong phạm vi thuần túy của môn học mà thầy còn cho chúng con nhiều lời khuyên, nhiều kinh nghiệm sống ở đời. Thầy đối với chúng con không những chỉ có tình thầy trò mà còn có tình bố con trong nhà. Chúng con kính phục và yêu mến thầy như bố chúng con vậy.

Thưa thầy,

Chúng con càng kính yêu thầy hơn khi thầy đã xử đẹp, đã hành động cao thượng với một đứa học trò xúc phạm thầy. Đáng lẽ chúng con không nên nhắc lại chuyện này, nhưng chủ đích của chúng con là muốn được noi gương đại lượng của thầy. Thưa thầy, trong cuộc sống học sinh ở trường cũng như ở nhà đôi khi chúng con gặp những chuyện đau khổ, bực mình thì chúng con lại nhớ đến hình ảnh cao đẹp của thầy và chúng con quyết noi gương thầy. Tha thứ hết!

Cứ ươm hạt cây yêu thương rồi sẽ nhận được quả lành, phải không thầy? Con vui sướng khi kẻ ấy hồi tâm lại.

Thưa thầy, có những buổi chiều, ngoài trời mưa ào ạt, lớp chúng con đóng cửa lại và co ro vào nhau tìm hơi ấm, thầy đứng trên kia giảng bài khiến chúng con có ý tưởng so sánh:

Thầy là chim mẹ mà chúng con là chim con đang được chim mẹ mớm mồi cho trước khi đủ lông đủ cánh để tự tìm mồi. Thầy đừng cười nhé. Sau này lớn lên ra đời chắc chúng con không còn dịp nào thấy lại hình ảnh ấy nữa, nên bây giờ chúng con chắt chiu kỷ niệm "tổ ấm" này như một hương thơm của cuộc đời học trò. 

- Kính thưa thầy,

Những khi nghe thầy giảng bài, dạy dỗ, con hiểu hoài bão của thầy khi bước chân vào nghiệp giáo. Thầy mong muốn chúng con là những công dân tốt cho quốc gia, xã hội, và bàn tay chúng con sẽ góp phần gây dựng lại một xã hội đổ nát. Bởi vì tuổi chúng con là tuổi trẻ hăng say đầy thiện chí, mà thầy đã qua rồi tuổi ấy. Chúng con mong muốn thực hiện được một phần ngàn hoài bão của thầy. Như vậy chắc thầy cũng mãn nguyện một phần nào?

Thưa thầy,

Ngôn ngữ bất lực, chúng con không thể nào diễn tả được lòng yêu thương, sự kính mến của chúng con đối với thầy. Chúng con chỉ biết nói rằng: chúng con yêu mến thầy với tâm tình con thảo.

Chúng con cầu nguyện cho thầy sang năm mới được mọi sự an lành và hạnh phúc.

Học trò thầy,                  
Dương Kim Lợi và Hoàng Thị Oanh
(Khiết Tâm - Biên Hòa)          

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông Xuân Nhâm Tý, 1972)



Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

NGOẠI VÀ MÙA XUÂN CON TÌM THẤY - Vũ Chinh

 

Như một thường xuyên không thể thiếu vắng được, tôi đã trở về miền quê hương một lần tiếng khóc đầu tiên tôi cất dậy. Miền quê hương nghèo nàn nhưng ngập đầy hương vị của đời sống. Ở đó, một bóng dáng nhân từ như được thắp sáng lên, nhắc nhớ tôi hoài: tôi vẫn còn một liên hệ, một nguồn tin yêu để níu sống.

Thành phố vào những ngày cận Tết ồn ào náo động lạ. Tôi chen lấn một cách bực bội qua những đám đông, những khói bụi, và bây giờ đã ngồi yên thoải mái trên chuyến xe đò đông khách, bỏ lại sau lưng thành phố tôi trú ngụ. Tôi bồng bềnh giữa những cơn gió mát đẩy dạt mớ tóc ngọn xô bồ qua một bên trán. Tôi đã trở về rồi đó. Ngoại ơi! Con đã sắp được bên cạnh ngoại, ngoại kính yêu suốt đời của con.

Tôi thả dọc theo mấy bờ đê xanh um cỏ may, gió sớm phấp phới tươi mát khắp thân thể. Tôi bước vội về mái nhà lụp xụp co ro dưới bóng mát của giàn mướp trổ đầy bông. Tôi sẽ chui vào đó kêu thật to, ngoại ơi, con đã về. Ngoại sẽ ôm chầm lấy tôi, tôi lại được quen thân những hơi hướng nhân ái trong đôi mắt sâu hút đó.

Ngoại tôi đi đâu vắng. Gian nhà đất hiu quạnh làm sao. Tôi thờ thẫn buông mình xuống một chiếc ghế dựa, trước mặt là những khung ảnh hoen mờ bụi, những khung ảnh ghi lại tất cả những khuôn mặt yêu kính của cha mẹ tôi. Cũng có bức ảnh chụp từ lúc tôi mới lên năm. Lúc đó tôi còn bé bỏng quá, trẻ thơ quá. Đôi mắt nai non cứ mở lớn ra. Ôi! Những kỷ niệm thân ái đó tôi không được một lần sống lại. Ngần ấy khuôn mặt đã bỏ xa tôi, bỏ xa hết rồi, chỉ còn khuôn mặt khả kính của ngoại. Tôi bấu víu duy nhất bây giờ một tình thương thôi.

Ngoại bước vào nhà với một nét mừng lớn. Ngoại kêu to:

- Vũ, con về bao giờ?

Và ngoại mở sẵn vòng tay ôm trọn lấy tôi. Tôi sung sướng như chưa bao giờ được sung sướng, tôi lại mân mê đùa nghịch những sợi râu dài trắng bạc. Ngoại xoa xoa tóc tôi, tôi kịp thấy ở ngoại một giọt nước mắt long lanh vo tròn. Ngoại khóc đó sao, ngoại ơi, ngoại đừng khóc làm cháu cũng muốn rớt nước mắt đây.

- Thôi. Buông ngoại ra đi, để ngoại còn đi dọn cơm, từ sáng tới giờ ngoại có ăn gì đâu.

Ngoại đứng lên bước vội vào nhà. Tôi nhìn quanh, nỗi quạnh hiu tỏa rộng khắp nơi. Tôi nào có thấy một đường nét gì chứng tỏ mùa Xuân đã trở về đâu. Mùa Xuân đã bỏ quên, đã thật sự dửng dưng lãnh đạm với chúng tôi rồi sao? Tôi ra phía bụi chuối đứng yên trước những chậu kiểng thời xưa. Gió hây hây du nhè nhẹ những búp non mới nở. Tiếng ngoại gọi tôi vào dùng cơm như một âm thanh duy nhất giữa miền u tịch này. Tôi đưa tay bứt một nhánh bông và quay vào.

Sau bữa cơm ngoại nói:

- Để ngoại ra chợ kiếm mua bậy bạ một vài thứ dành Tết.

- Ngoại tính mua gì đó ngoại?

- Thì bánh trái với những thứ lặt vặt khác.

- Ngoại hổng tính mua bánh tét sao?

- Nấu chứ. Những thứ cần thiết ngoại có sẵn rồi.

- Chừng nào mới nấu ngoại?

- Chiều đến suốt đêm Giao thừa.

- Còn lâu quá. Sao ngoại hổng nấu bây giờ?

- Bây giờ cũng được nhưng không có ý nghĩa và thú vị bằng Giao thừa. Bộ cháu thèm bánh tét lắm hả?

Tôi liếm liếm môi nũng nịu thay câu trả lời. Ngoại khoác vào người một chiếc áo thô đen rồi bước ra ngoài. Tôi nhìn theo bóng ngoại nhỏ dần ở cuối con lộ quanh co.

Buổi chiều ngoại vẫn chưa về. Tôi rời nhà đi sâu vào phía xóm trong. Hồi còn nhỏ tôi thuộc lòng tất cả các ngõ ngách, những địa danh bí hiểm đặc biệt của xứ này. Tôi hãnh diện được biết qua những sự tích của những tên đó cũng như đã cố gắng ấn sâu chúng vào một góc của trí nhớ. Tôi không thể nào quên được tình ngoại thì tôi cũng nguyện sẽ nhớ hoài hoài những hình ảnh và màu sắc quê hương. Thiếu những hình ảnh và màu sắc dân tộc thuần túy đó, quê hương sẽ mất đi rất nhiều ý tình!

- Vũ mới ở Sàigòn về hả?

Tôi giật mình bởi tiếng nói bất ngờ của một thanh niên xa lạ. Tôi trợn mắt ngơ ngác.

- Cha, xa quê hương lâu ngày, cậu Vũ chắc quên hết rồi. Hổng nhớ tôi thiệt sao?

Tôi lắc đầu, trí nhớ rối bung tối mò.

- Tôi là anh Thân đó, Vũ nhớ ra chưa?

- Hả... anh... anh là anh... Thân à?

- Thì tôi đây chứ ai. Cậu Vũ nhà ta bây giờ lớn sộ, coi bảnh trai quá há.

Tôi lắc mạnh tay anh:

- Anh lại bắt chước ngày xưa chọc em nữa.

Anh Thân cười hà hà:

- Sao, chừng nào trở thành cậu Tú đây?

- Năm tới lận, còn lâu mà anh.

- Vũ về đây ăn Tết hả?

- Dạ. Năm nay chắc anh ăn Tết lớn lắm.

- Sao Vũ biết? Ý, coi cái mặt xạo kìa, mắc cỡ hông.

Tôi nhéo thật đau vào tay anh, anh la hoảng lên:

- Ái! Vũ... Vũ hổng ba xạo đâu. Đừng nhéo anh nữa.

Tôi ôm bụng cười ngất. Sau đó anh Thân dẫn tôi về nhà, có thể nói nhà anh chẳng khác gì nhà ngoại tôi mấy. Cũng giàn mướp với bóng mát trước nhà. Cũng những đồ vật thô sơ khiêm nhượng. Nhưng nhà anh không bao giờ vắng tiếng cười đùa của bầy em ba đứa. Anh nói:

- Bây giờ anh chỉ còn có chúng để an ủi. Anh nuôi chúng để gián tiếp nuôi tiếng cười vui đó mãi mãi còn vang vọng bên anh.

Anh Thân dựng cuốc ở góc vách với tay lên tủ lấy xuống hai trái mãng cầu dai, trao hết cho tôi:

- Vũ ăn đi.

- Anh hổng ăn sao?

- Anh ăn hàng ngày thứ đó rồi.

- Nhưng em ghét ăn một mình lắm.

Anh Thân đành phải chiều tôi. Tôi ngồi trên ván bỏ thõng và đu đưa hai chân. Tiếng anh:

- Độ này anh bận nhiều việc nên không qua thăm thường xuyên ngoại Vũ. Không biết lúc này ông chạy xe ngựa có khá lắm không?

Tôi ngẩn ngơ trước lời nói đó:

- Hả? Anh Thân... anh vừa nói gì? Ngoại em chạy xe ngựa à?

- Sao Vũ lại kinh ngạc quá như vậy? Vũ chưa biết việc thay đổi đó hay sao?

Tôi lắc đầu trong giây phút sững sờ. Hai bàn tay tôi đan chặt lấy nhau. Anh Thân không ngừng dò xét tôi. Một lát, tiếng anh kể lể:

- Vũ đi học xa, Vũ có biết đâu trên này ngoại Vũ khổ cực biết là bao. Những thửa ruộng còn lại đã bị chủ nợ chiếm hữu hết. Gia sản không còn gì, nhưng ông nhất định nuôi Vũ ăn học mãi dù bằng phương cách nào. Ông cũng giấu bặt những nỗi khó nhọc cho Vũ an tâm lo học. Dù là người đứng ngoài, anh cũng thấy xúc động trước tình thương bao la đó.

Tôi úp mặt vào lòng bàn tay khóc như đứa trẻ. Thật tôi không ngờ sự việc lại có thể như vậy. Nghĩa là sự học của tôi ở thành phố đã được trả một giá trị quá đắt. Đó là công lao dãi nắng dầm mưa của ngoại. Tôi thấy mình còn trẻ con và vô tình quá, cứ yên vui giữa những vây bọc mong manh vá víu bởi những khổ cực của ngoại mà không cần biết đến để cùng chia xẻ.

- Một hôm ngoại Vũ đến nhà anh, nhờ anh kiếm mướn dùm một cỗ xe ngựa. Anh đã trợn mắt kinh ngạc thì ngoại Vũ cười, có chi đâu mà cháu phải lo, bộ cháu tưởng bác tuổi già làm việc đó không nổi sao. Rồi từ hôm ấy ngoại Vũ bắt đầu mưu sinh bằng cách đưa rước khách từ xóm trên cho tới quận.

Tiếng anh Thân vẫn trầm đều như lời kể lể không cùng ru tiếng khóc tôi. Tôi không biết tại sao mình khóc. Có phải thương ngoại tuổi cao còn khổ nhọc long đong hay vì một chút hối hận, một chút trách móc chính mình.

Như một người anh sẵn sàng vỗ về an ủi đứa em lúc buồn, anh Thân đã đến với tôi bằng tất cả thân ái:

- Vũ! Tại sao Vũ khóc? Anh ước mong Vũ khóc không ngoài lý do Vũ thương mến ngoại, kính trọng vô vàn công lao như trời biển đó. Điều anh cần nhấn mạnh với Vũ: Không có nghề nào xấu đâu, mà dẫu cho nghề đó theo Vũ là xấu đi nữa thì người dám đứng ra nhận lãnh cái hèn mạt để có thể lo chu toàn hay mưu lợi ích cho người thân mình, ta lại càng nên kính trọng họ bội phần.

Anh Thân dìu tôi đứng lên, sự nín thinh của cảnh vật như một vốc nước mát làm tươi dịu hồn tôi. Vừa khi đó, ngoại tôi chạy ùa vào, tôi kịp lau khô những giọt nước mắt, nhảy xổ vào lòng ngoại. Ngoại hôn tôi tới tấp, anh Thân đứng ở một góc nhà vừa uống từng ngụm nước vừa tủm tỉm cười. Anh Thân xin ngoại cho tôi được ở với anh đêm nay. Ngoại hỏi:

- Chi vậy chớ?

Anh Thân cười:

- Dạ để tâm sự bậy bạ cho vui.

Ngoại lắc đầu ôm chặt lấy tôi:

- Ý! Đâu được mậy, làm sao tao có thể xa cháu cưng tao được.

Rồi ngoại đứng lên bồng tôi chạy thẳng về nhà. Anh Thân chạy theo trêu tôi:

- Mắc cỡ lêu lêu, mắc cỡ lêu lêu, ý... lớn rồi còn bắt ngoại bồng.

Tơi đỏ mặt, tự dưng thấy thừa thãi vội úp mặt trốn trong lòng cổ ngoại.

*

Trời chưa sáng hẳn, tôi vừa rửa mặt xong thì có tiếng đập cửa rầm rầm. Tôi và ngoại phóng vụt lại. Tiếng ngoại tôi:

- Ai đó?

- Tôi đây anh Sáu ơi! Mở cửa mau đi.

Ngoại nhanh nhẹn bật tung tấm phên chắn ngang giữa nhà.

Người đàn ông đứng tuổi đưa tay lên ngực, thở dốc từng hồi:

- Anh hỏng hay gì sao?

- Hay gì?

- Nhà thằng Thân bị mọt chê rớt trúng sập nát hết.

Hoảng hốt, tôi lắc mạnh tay bác Ba:

- Trời ơi! Rồi ảnh có sao không bác?

- Cũng hổng biết nữa.

 Ngoại  nắm tay tôi cùng bác ba băng đi. Con đường mòn hun hút bóng sương. Tới nơi, tôi rời tay ngoại rúc vào đám đông. Tiếng khóc của anh Thân chen chúc giữa tiếng xầm xì bàn tán ồn ào. Anh Thân ngồi cúi mặt trước ba xác chết của ba đứa em. Tôi muốn rớt nước mắt trước cảnh tượng đó.

- Thân à! Thôi đứng dậy cho người ta khiêng dọn lại căn nhà đi. Đừng khóc nữa, chuyện đã lỡ rồi cháu.

Anh Thân ngồi yên như pho tượng đá, anh cứ lắc đầu mãi trước lời yêu cầu của ngoại. Rồi anh gào thét, vùng vẫy, kêu la đòi được nghe tiếng cười nói của bầy em ba đứa. Tôi đến bên cạnh, lay nhẹ bờ vai lực lưỡng của anh:

- Anh Thân, nghe Vũ một lần đi. Anh đứng dậy về nhà Vũ nghen.

Tôi dìu anh Thân ra xa. Anh ôm chầm lấy tôi mà khóc:

- Vũ ơi! Thôi còn gì đâu, còn gì đâu nữa hở Vũ! Áo Tết còn trong bọc nhật trình kia mà người bận áo đã ra đi không bao giờ về nữa...

Ngoại tôi đứng ra lo tất cả công việc. Tôi đưa anh Thân về nhà, trông mặt anh thảm hại làm sao. Tôi bảo anh nằm nghỉ lưng một chút trên ván. Anh nghe lời nhưng bắt tôi phải ở bên cạnh.

Tôi cố tâm làm cho anh quên hẳn câu chuyện thương đau đó vì sự đau khổ cùng tột đã khiến anh có những lời nói, những cử chỉ như người loạn trí. Lúc anh cười hăng hắc, lúc anh khóc, gào đòi được gặp em. Tôi phải cố khuyên anh. Có lần tôi bị anh cho hai tát tai nháng lửa và anh trỗi dậy phóng đi.

Tôi phân vân chưa biết phải làm sao thì ngoại tôi trở về. Ngoại nói nhỏ với tôi:

- Ngoại đã lo mai táng cho tụi em thằng Thân rồi. Ngoại nghe đâu nhà chức trách quận hứa sẽ giúp anh Thân về việc dọn cất lại căn nhà đó, còn ty xã hội thì lo vấn đề trợ cấp. Vậy là xong, thằng Thân còn khóc nữa không Vũ?

- Dạ, ảnh làm con sợ từ nãy giờ nè.

- Nó làm gì?

- Ảnh dãy dụa dữ dội và ăn nói giống hệt người điên.

- Nó đang bị khủng hoảng tinh thần mạnh lắm. Khi săn sóc an ủi nó con cũng phải để tâm coi chừng.

Và ngoại đến gần anh Thân. Trước mặt ngoại, anh Thân như sợ và biết nghe lời lắm. Ngoại nói:

- Ráng nằm yên đi cháu. Đừng buồn nữa, hãy coi như không có chuyện gì hết.

Qua ngày thứ hai, anh Thân lại bắt đầu cười, khóc, ăn nói bậy bạ liên hồi. Anh đã mất trí hẳn. Anh hay đi lang thang trên con đường mòn, mỗi chiều, lấy tiền mua bánh kẹo cho trẻ nít rồi cười ha hả. Anh lân la đến nơi sinh sống cũ cầm cuốc đào xới đất một mình. Sau đó anh ngồi bệt xuống một phiến đá bưng mặt khóc. Anh lại hay lê bước trên những con đường đê rách nát đến bên thửa ruộng của mình, đứng hát suốt ngày. Tôi được ngoại bảo đi theo trông chừng. Tôi tính nhát, không dám lại gần anh. Chỉ khi nào anh về nhà, tôi mới hỏi chuyện. Anh vuốt tóc tôi và kêu nhỏ tên một trong ba đứa em xấu số.

Tôi đút vào miệng anh những trái chuối già bóc vỏ, anh ăn một cách ngon lành. Ngoại tôi bỏ tất cả công việc riêng tư, lo chạy chữa cho anh, vì anh không có ai là thân thích ruột rà. Bởi vậy, chỉ còn hai ngày nữa Tết đến mà nhà ngoại tôi trống vắng hiu quạnh như cánh đồng buổi hoàng hôn. Không còn ai có thời giờ để sửa soạn gì nữa...

Một đêm, anh Thân đòi trở dậy đi rong. Ngoại tôi khuyên ngăn thế nào anh cũng đòi đi bằng được. Anh nói:

- Bác hổng biết gì hết. Cháu đi thăm mộ mấy đứa em rồi cháu về. Cháu nhớ chúng quá hà.

Ngoại nắm lấy cườm tay anh:

- Biết vậy rồi. Nhưng bây giờ là đêm, đi sao được. Súng nổ hoài chú không nghe sao? Nguy hiểm lắm.

- Nguy thì nguy chớ, cháu hổng sợ đâu. Hồi má cháu chết má cháu dặn kỹ cháu phải ráng nuôi bầy em, đừng bỏ chúng bơ vơ tội nghiệp. Cháu hổng dám cãi lời má cháu đâu.

- Ừ, cháu biết vậy là tốt lắm. Nhưng cháu nằm xuống ngủ đi, khuya rồi.

Ngoại ấn người anh xuống ván. Anh gạt ngang tay ngoại:

- Bác đi chỗ khác đi. Sao bác cứ ngăn tôi hoài vậy chớ.

Anh Thân bước vội ra ngoài. Ngoại tôi tay cầm đuốc sáng tất tả chạy theo. Cũng may, anh Thân chỉ ra độ mươi thước thì trở về. Anh nói:

- Bác ơi! Cháu quên, em cháu đâu còn sống đứa nào. Cháu xin lỗi bác nghen. À, Vũ ơi, hai đứa mình lên ván ngủ chung nghen.

Tôi nằm cạnh nghe anh kể lể suốt đêm. Tôi cố gợi lại lời khuyên của anh hôm nào. Anh Thân gật đầu:

- Ờ, anh khuyên Vũ vậy đó. Vũ hổng nghe thì thôi. Vũ thử thắp đuốc khắp nơi coi có tìm được một ông ngoại như bác đây không?

- Vũ đâu dám cãi anh hoài hoài mà. Ngược lại anh phải nghe Vũ nghen.

- Nghe lời Vũ hả. Ừ, thì nghe. Nhưng nghe Vũ cái gì chứ?

- Anh nghe lời Vũ, anh đừng đi rong bậy bạ nữa. Anh ở nhà với Vũ đi, rồi Vũ bày trò đánh banh, đá cầu cho anh chơi. Anh chịu hôn?

- Chịu gấp. Anh đá cầu giỏi lắm, Vũ đá hổng lại anh đâu.

Ngoại tôi sung sướng trước thành công trong thời gian kỷ lục đó, luôn miệng khuyến khích tôi hãy cố gắng thêm nữa.

Sáng hôm sau, tôi thức dậy thật sớm. Tôi không nghe buồn gì khi nhìn những tờ lịch rơi dần. Mai là mồng một Tết. Vào lúc nửa đêm nay tiếng pháo sẽ đì đùng vang dội âm thanh. Quê hương khổ đau này lần nữa bừng dậy ôm chầm nàng Xuân, gác lại một bên những tiếng súng thảng thốt, những tiếng đại bác xé rách không khí, những lo âu, những tiếng khóc, những nỗi buồn. Dù sao, trong tôi vẫn còn một chút trẻ con, tôi vẫn nghe nôn nao trong lòng, tôi muốn nhảy dựng lên, hét thật lớn mùa Xuân đã về rồi đó.

Ngoại tôi vừa ra chợ quận. Tôi sửa sang bày biện lại gian nhà. Cũng vẫn những đồ đạc năm xưa đó. Cũng với những tấm phản, những ly tách meo mốc. Ngần ấy biểu tỏ một sự khiêm nhượng tột cùng.

Anh Thân thấy tôi làm việc cũng vui vui liền bước lại gần. Anh nói:

- Cho anh làm phụ với, Vũ nha.

Tôi gật đầu trao cho anh một tấm khăn ướt để lau bàn ghế. Anh làm việc như một người bình thường. Anh bỗng bắt gặp một tấm ảnh trên nóc bồ lúa, anh kêu tôi:

- Vũ ơi! Lại đây anh cho coi cái này nè.

Tôi chạy lại. Anh chìa tấm ảnh ra:

- Vũ biết hình ai đó hôn?

Tôi giả bộ lắc đầu.

- Vũ hổng biết thiệt sao, ngoại Vũ hồi còn trẻ đó.

- A! Ngoại Vũ thiệt hả anh?

- Thiệt mà.

Tôi cầm tấm ảnh làm bộ ngắm nghía kỹ lắm.

- Hồi trẻ bác đẹp trai quá há Vũ.

Rồi anh giật tấm ảnh đó, cho vào túi.

- Anh phải cất kỹ cho bác Sáu coi chơi.

- Bắt ngoại chuộc lại bằng những trái mãng cầu dai nữa chứ.

- Ờ há.

Tôi và anh Thân bật cười thật to. Chỉ một lúc sau gian nhà như sáng sủa hẳn lên. Nắng ngọt ngào ve vuốt mấy tàu chuối xanh mát.

- Cũng ra vẻ Tết đấy chứ, anh Thân há?

Anh Thân gục gặc đầu:

- Đó là cái chắc rồi. Cậu gần... Tú bày biện chứ bộ ai tầm thường sao.

Tôi chu miệng:

- Anh ghẹo em hoài hà.

- Khóc đi, anh dỗ cho.

Anh Thân đã gần như hoàn toàn bình phục. Thật không còn nỗi mừng nào to lớn cho bằng. Tôi cứ ngỡ lúc anh trở lại được là một người bình thường ít nhất cũng phải cần một thời gian khá lâu và phải kiên nhẫn trì chí luôn luôn. Tôi đã sợ tôi không đóng tròn vai người nhắc nhớ quá khứ cho anh. Nhưng, vậy cũng là một điều đáng mừng.

Buổi tối, ngoại, anh Thân và tôi cùng ngồi cạnh nhau trước nồi nấu bánh lửa khói phừng phừng. Anh Thân tíu tít như đứa trẻ vừa biết nói. Ngoại tôi cười luôn miệng, thỉnh thoảng liếc qua tôi như khen công lao tôi bằng những ánh mắt có hai chấm hồng đỏ đó. Tôi như bay lên cao vùng cảm giác thích thú, tôi đã vào miền địa đàng hạnh phúc rồi đó.


Anh Thân chìa cho ngoại tôi xem tấm ảnh. Tiếng ngoại rối rít:

- Cháu kiếm thấy ở đâu vậy? Bác đã bỏ mấy ngày để kiếm mà chẳng thấy nó đâu.

Anh Thân vui vẻ trao trả lại cho ngoại. Tôi xen vô:

- Ngoại được lại tấm ảnh rồi, ngoại phải biếu trả công anh Thân một cái gì chứ.

- Dĩ nhiên. Nhưng bác cho rồi cháu Thân không được mở ra xem ngay nghen.

Anh Thân nhìn tôi gật đầu. Ngoại đưa cho anh một gói giấy gì đó. Tôi náo nức hơn cả anh toan mở ra coi. Anh ngăn lại:

- Hổng được. Đừng cãi lời bác. Năm mới bác cho ăn roi thì xui lắm đó.

Nhưng khi ngoại tôi bước ra sân kiếm củi thì tôi chạy lại giật gói đồ. Giấy bọc bên ngoài rách toang, tiếng anh Thân kinh ngạc:

- Một chiếc áo mới! Của ai đây há?

- Thì của anh chứ ai.

- Hổng phải đâu. Anh lớn rồi còn Tết nhất gì nữa.

Ngoại từ ngoài sân bước vô khoát tay:

- Của cháu đó, bận thử coi vừa hôn.

- Của cháu thiệt hả bác?

- Thiệt mà.

- Cháu cám ơn bác nhiều lắm. Sao bác hổng mua cho Vũ?

- Có chứ sao không.

Tôi chụp lấy vai ngoại:

- Vậy áo mới của con đâu ngoại?

Ngoại chỉ tay về phía nhà trên. Tôi phóng vụt lên. Mùa Xuân con tìm thấy giữa khoảng đêm tối này trên lối bước rải ngập vàng những cánh hoa mai mơn mởn, trong biển trời bồng bềnh tình thương yêu của ngoại. Hãy cho con sống thật tuổi thơ trong màu mắt thân mến đó, cho con bơi lội bì bõm những ngày tháng rực rỡ nắng hồng, cho con sống mãi phút giây đó đi ngoại. Và cả anh Thân nữa. Suốt đời ngoại vẫn như một không cùng của lòng cao cả bao dung.


Vũ Chinh      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Mậu Thân, 1968)



Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

LOÀI VẬT CŨNG ĂN TẾT NHƯ NGƯỜI - Trần Ngọc Kính

 

Khi cái giá lạnh của mùa đông dịu bớt để nhường chỗ cho sự ấm áp của mùa Xuân, loài ếch bắt đầu rời khỏi hang để lên bờ phơi nắng. Sự sống như trở lại với chúng, chúng bắt đầu sinh hoạt bình thường khi chúng ta ăn Tết. Chúng đi bắt muỗi mòng, sâu bọ làm thức ăn bù lại những ngày đói trong mùa đông lạnh, và chúng cũng bắt đầu cất tiếng kêu nỉ non trong các vũng nước ao hồ. Tiếng kêu của ếch là một điệu nhạc êm tai đối với người, và đối với ếch cái, thì đó là tiếng gọi mang tình yêu đến cho chúng.

Những con ếch cái thụ thai trong mùa Xuân và đến mùa hè, khoảng tháng 4 thì chúng tìm nơi ấm áp để đẻ trứng. Vậy, có ai còn nói rằng loài ếch không biết ăn Tết như ta.

Còn loài cá thu thì đến cuối mùa đông chúng cũng rủ nhau từng bầy lội từ biển cả về sông ngòi. Trong cuộc hành trình, dù có gặp trở ngại gian nan thế mấy chúng cũng tìm đủ cách vượt qua để được hưởng xuân tại một nơi nước ngọt ấm áp nào đó. Khi đã chọn được địa điểm, thân thể chúng bắt đầu thay đổi màu sắc để được mặc một bộ đồ mới ăn Tết: bụng đổi thành màu bạc, bên sườn lóng lánh và lưng thì có màu sẫm.

Trái ngược với loài cá thu, đến mùa Xuân loài lươn lại kéo nhau từng đoàn đi từ sông ra biển để du Xuân.

Đến mùa nầy, lúc chúng ta bắt đầu ăn Tết là lúc lươn bắt đầu cổi lớp da vàng để mặc một lớp da màu bạc và trên lưng có màu nâu sẫm hay đen, và chúng lần mò lội ra biển cả để chuẩn bị sanh sản. Lỗ mũi nó phình ra, mắt nó to lớn khác thường, nó bắt đầu nhịn đói và vượt đường xa với vận tốc khoảng 50 cây số mỗi ngày. Sau cuộc hành trình mấy ngàn cây số, hai vợ chồng lươn đẻ ra một bọc trứng ở sâu khoảng 400 mét dưới mặt nước biển rồi bỏ đó và biến mất. Những nhà sinh vật học chịu thua chẳng biết chúng đã chết hay chúng đã đi đâu. Rồi cũng trong mùa xuân, bọc trứng nở thành một đám lươn non tượng hình lá liễu. Chúng lúc nhúc hằng hà sa số, đủ thứ lươn ở các vùng đất khác nhau. Chúng lớn lên sau nhiều tuần lễ và chúng ca bài chia tay, lươn xứ nào lội về xứ ấy. Sự tách đoàn tài tình đến nỗi không ai tìm thấy lươn Mỹ Châu sống ở Á Châu.

Thời kỳ phát triển đầu xuân còn nhiều lạ lùng với các loại cá mình dẹp như cá chim, cá lưỡi trâu. Một chuyện lạ đặc biệt là với các chú cá nầy, mới nở thì hai mắt đều đặn ở hai bên, khi đến mùa Xuân thì một trong hai con mắt nầy sẽ di chuyển lần lên đỉnh đầu và trèo sang nằm một phía với con mắt kia. Cứ như vậy cá nằm ẹp một bên hông, và ngắm nhìn mùa Xuân với hai mắt ở một phía. Chúng lớn dần và đến một mùa Xuân khác lại có sự di cư của con mắt đó trở về vị trí cũ.

Không chịu thua các sinh vật sống dưới nước, loài vật sinh sống trên mặt đất cũng ăn Tết một cách lạ lùng.

Sau giấc đông miên dài tưởng chừng vô tận, các con vật đều bừng tỉnh và choàng dậy khi mùa Xuân đến. Những con gấu, chuột, thỏ... bắt đầu lóp ngóp bò từ hang sâu lên mặt đất và bắt đầu đi kiếm ăn.

Loài bướm cũng rời khỏi kén bắt đầu đi tìm hoa để hút mật. Ở Mỹ có những thành phố, vào khoảng tháng giêng tháng hai dương lịch (vào dịp Tết của ta), các cô cậu học sinh bé bỏng còn tổ chức cả đám rước mừng lớn lao để đón đàn bướm bay về.

Và cũng trong mùa Xuân, những con bướm nầy sau khi đã lớn nhờ mật hoa, vội vàng bay đi tìm nơi đẻ trứng. Những đám trứng bướm muôn mặt như viên kim cương sẽ trở thành sâu sau khoảng thơi gian mười hay mười lăm hôm, đã đánh dấu cho một mùa Xuân của đời bướm. Nói đến chuyện ăn Tết của các loài thú mà không nhắc đến các con thú sống quanh quẩn chung quanh ta là một điều thiếu sót.

Với chó và mèo, các con thú nầy không ăn Tết vào mùa Xuân như ta, mà chúng chỉ ăn Tết vào khoảng tháng bảy tháng tám âm lịch. Đến khoảng tháng bảy, gần đến Trung Thu, ta mà buộc dây mấy con chó hoặc mèo trong nhà thì chúng cũng cắn đứt dây để tìm cách đi chơi.

Còn các loài gà, vịt, heo thì Tết là những ngày chúng sung sướng nhất vì những ngày nầy ít nữa chúng cũng được yên thân không bị người trói chân đem ra chợ.

Đến năm chuột mà không nói đến chuyện anh hai Tý thì cũng là một việc quên đáng trách. Chuột là giống vật ăn Tết quanh năm, lúc nào ta cũng thấy nó vui đùa ríu rít, chạy tung tăng đầu nầy góc kia trong nhà. Và loài chuột có một trí thông minh kỳ lạ, nó có thể suy xét tính toán, và trí nhớ của nó rất thần tình vì nó có thể đi về trên những con đường rất khó khăn khó nhớ.

Giống chuột lại rất mưu mẹo, chuyện tránh các bẫy của người, chuyện đánh cắp trứng gà ở đầu tủ là những chứng minh. Một chú chuột muốn ăn vụng dầu mỡ, nó gặm cho bật nút chai ra rồi nhúng đuôi vào chấm ít mỡ, xong nó quặp đuôi lên miệng và mút một cách thú vị.

Tóm lại, giống vật con nào cũng biết hưởng Xuân, biết ăn Tết như người, xin đừng ai khinh thường chúng không biết gì mà tội nghiệp.


TRẦN NGỌC KÍNH     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Nhâm Tý, 1972)



Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

CHIM HỌA MI CỦA VUA TRUNG QUỐC - Minh Quân dịch

 

Tại Trung hoa vào thời xưa, xưa lắm có một vị hoàng đế rất sang giàu. Cung điện của ông ta đẹp nhất trên thế giới, làm toàn bằng một thứ sứ đặc biệt, rất quí, rất tinh vi và mỏng manh nên người ta phải hết sức thận trọng khi sờ tay đến.

Ngự viên càng đặc biệt : vô vàn là kỳ hoa dị thảo không nơi nào có. Bên cạnh những chiếc hoa đẹp mê hồn có những cái chuông buộc vào luôn luôn gây thành tiếng lanh canh, lanh canh nên không một ai lại gần đó mà không để ý dù kẻ ấy vô tình nhất đi chăng.

Mỗi vật nhỏ tại ngự viên đều được canh giữ cẩn thận và ngự viên lớn rộng cho đến nỗi người canh gác cũng không biết ranh giới nằm ở đâu nữa.

Nếu ta vào vườn, đi bộ một lát sẽ đến khu rừng có nhiều cây to và một cái hồ. Khu rừng kéo dài ra tận bờ bể, nước xanh ngắt và sâu đến độ một chiếc tàu lớn có thể giương buồm lên, ngay dưới tàng cây.

Chính nơi đó là chỗ trú ẩn của một con chim họa mi, con chim có tiếng hót êm dịu, thanh tao cho đến nỗi một anh thuyền chài nghèo khổ đầu tắt mặt tối mà cũng giong thuyền, gác lưới, nằm nghe nó hót trọn đêm!

- Ôi chao! Tuyệt diệu! Anh ta kêu thầm như thế. Rồi, hôm sau bận rộn vì công việc nặng nhọc anh quên bẵng chim đi, cho đến đêm về lại lắng nghe và kêu thành tiếng: "Ôi chao! Tiếng hót sao mà tuyệt diệu!"

Nhiều du khách khắp thế giới đến thăm vương quốc và không ngớt lời ca ngợi những điều trông thấy tại nơi này. Khi trở về gia hương, nhiều học giả mô tả những điều đó trong những cuốn sách dày cộm, họ nhắc nhở đến cung điện, đến kinh đô, đến ngự viên. Song đặc biệt họ không quên chuyện con họa mi trong rừng cây gần bên bờ bể. Nó luôn luôn được coi là vật đáng kể nhất, đáng quí nhất trong những vật quí ở Trung hoa.

Những cuốn sách ấy được phổ biến khắp năm châu, bốn bể và oái oăm thay: một ngày nọ sách vào tận sân rồng, nằm gọn trong tay Hoàng đế!

Ngồi trên chiếc ngai vàng, gật gù một mình, Đức vua hết sức hài lòng khi đọc những trang sách mô tả ca ngợi đô thị mình, cung điện mình và ngự viên mình. "NHƯNG CHIM HỌA MI MỚI LÀ VẬT QUÍ NHẤT TẠI ĐÓ".

Ngài đọc tiếp.

- Thế nghĩa là gì?

Ngài dừng lại, tự hỏi thầm... và nghĩ tiếp:

- Chim họa mi? Tại sao Trẫm không hề hay biết chút gì về nó?? Trời ơi! Một con chim như thế trong đế quốc Trẫm, ngay chính trong ngự viên của Trẫm... mà Trẫm không nghe nói đến. Làm sao Trẫm có thể tưởng tượng được rằng nhờ cuốn sách này Trẫm mới khám phá ra điều đó?

Lập tức, Hoàng đế cho đòi viên quan cận vệ vào hầu ông ta là một người có phẩm tước cao nhất trong đám quân hầu. Tại cung cấm bọn thuộc hạ có điều gì cần nói hoặc hỏi ông thì chỉ được ông ta trả lời gọn gàng, vỏn vẹn có một chữ "p" vô nghĩa!

- Này khanh! Đức vua phán hỏi Trẫm nghe có một con chim lạ lùng kỳ diệu tại đây, con chim đó được coi là quí hơn tất cả mọi vật trong vương quốc rộng lớn của Trẫm, thế mà tại sao chính Trẫm, Trẫm lại không hề nghe nói đến?

- Muôn tâu Bệ hạ, thần chưa từng để ý đến điều ấy, từ trước đến nay chưa hề thấy "nó" đến trình diện ở đền rồng, nếu có...

Viên cận vệ cúi đầu rất thấp tâu vua như vậy. Ngài phán, bằng giọng náo nức:

- Ước gì con chim ấy xuất hiện ngay đêm nay hót lên cho Trẫm nghe xem sao! Cả thế giới dường như đều biết nó, chỉ trừ... một mình Trẫm thì... không!

- Kính tâu Hoàng thượng, từ trước đến nay ngu thần không để ý đến điều đó, nhưng bây giờ thì thần rất quan tâm và xin hứa cố tìm ra nó để... làm vui lòng Hoàng thượng.

Ông ta cương quyết hứa cùng Hoàng đế, bằng một giọng chắc như đinh đóng vào cột gỗ lim. Đức vua hết sức hân hoan.

Thế nhưng mà việc làm không dễ dàng như lời nói. Biết tìm nó ở đâu bây giờ đây? Ông ta chạy nhớn nhác khắp tiền đình, hậu cung, lầu nầy, gác nọ, lên thang, xuống thang, trong ngoài không sót một nơi ; ông ta hỏi người nầy đôi câu, người kia vài tiếng, tuyệt nhiên không một ai biết chút gì tung tích con chim. Viên cận vệ đành sấp ngửa chạy lại bên vua, trình tấu thế này:

- Muôn tâu Hoàng thượng, chuyện này là chuyện hoang đường, bịa đặt, thêu dệt của bọn... nhà văn (và ông ta còn thêm). Xin Hoàng thượng đừng tin bọn chúng, những điều chúng viết đều láo toét.

- Chớ nhiều lời! Vua gằn giọng Không phải là chuyện bịa đâu, cuốn sách nầy của Nhật bản, một ông vua có uy tín tặng ta mà. Ta muốn nghe chim họa mi hót đêm nay, ta nhất định nghe cho kỳ được. Nghe đây: ta sẽ ân thưởng cho nếu ngươi làm ta vừa ý, bằng không, ta sẽ dẵm nát triều đình cả người lẫn vật chẳng sót mống nào nội đêm nay, sau bữa ăn chiều. Nghe rõ chưa?

"Quỉ thần ơi!" Viên cận vệ kêu lên như thế rồi cắm cổ chạy tràn... "Phải tìm cho ra nó, phải tìm cho ra nó...", ông ta nhắc đi nhắc lại một mình bằng giọng lo sợ, "nếu không thì..." Ôi chao! Ông ta không đủ can đảm nghĩ tiếp theo...

Tội nghiệp ông ta! Xưa nay ông ta có biết "chạy" là gì? Ông ta có bao giờ phải chạy? Ông ta lúc nào cũng đủng đa, đủng đỉnh, trên vua dưới ông ta mà lại! Vâng, ông ta chạy lên, chạy xuống khắp các thang lầu, chạy ra, chạy vào khắp tiền đình, hậu cung, các phòng lớn, phòng nhỏ và cả một nửa triều thần cùng chạy với ông ta, bởi một lẽ không một ai trong bọn họ "ước được" nhà vua dẵm nát nghiến ngay sau bữa ăn chiều hết.

Rất nhiều câu hỏi về vụ con Họa mi được đặt ra, những câu hỏi chắc chắn là muôn dân bên ngoài cung cấm đều trả lời được, chỉ trừ bọn họ.

Sau rốt, họ gặp một cô hầu gái trong nhà bếp, bèn hỏi:

- Con bé kia! Mày có bao giờ nghe nói đến con chim họa mi chưa? Có khi nào nghe nó hót không?

- À! Một con chim họa mi hẳn? Tôi biết nó rất nhiều. Vâng? Đúng thế: nó hót được. Mỗi buổi chiều tôi nhặt những thức ăn thừa về cho mẹ tôi, mẹ tôi ốm và nghèo lắm...

- Ta hỏi con họa mi chứ có hỏi đến mẹ mày đâu? Ta đang sốt ruột thế này mà mày dài dòng chi lắm vậy?

- Ta phải nói rõ ràng chứ, vâng? Mỗi chiều tôi mang thức ăn thừa về nhà ở tận phía bở bể kia, hễ khi nào mệt thì tôi ngồi xuống nghỉ trong rừng và tôi nghe nó hót...

- Mày nghe nó hót? Thật không?

- Tôi có biết nói dối bao giờ đâu? Ôi chao là tiếng hót của nó! Mới thánh thót làm sao! Nó hót hay đến nỗi tôi không cầm được nước mắt, tưởng như vừa được mẹ tôi hôn...

- Con bé kia! Mày sẽ được lên chức trong bếp và còn được phép nhìn Đức vua ăn nữa, nếu mày đưa ta đến chỗ họa mi. Có lệnh gọi nó vào triều, ngay tối nay.

- Vâng tôi đưa các ông đi.

Thế là cả bọn kéo nhau vào rừng nơi họa mi thường hót. Một nửa triều đình đi theo. Trong lúc họ đang đi, chợt nghe tiếng con bò cái rống lên.

- Ôi chao! Kinh khủng chưa? Thật là con vật bé nhỏ mà phi thường nhá! Tôi thề là trong đời tôi, tôi chưa bao giờ nghe...

Một tên quân hầu trẻ tuổi kêu lên song cô gái cười ngặt nghẽo, nói:

- Không phải tiếng hót của họa mi đâu, đấy là tiếng con bò...

- Con bò, hử?

- Vâng, con bò! Nó rống đấy ạ! Còn xa lắm mới đến chỗ họa mi.

Một chốc sau trên đường đi cả bọn lại nghe ếch nhái kêu vang lên.

- Eo ơi! Tiếng hót chi mà tuyệt diệu, thật hơn cả tiếng chuông ngân trong đền thờ, nhá!

Viên quan Tư tế nói (một chức tựa như chức tuyên úy trong quân đội ngày nay).

Cô gái cố nén cười, lễ phép thưa:

- Bẩm thượng quan, không phải họa mi hót thế đâu ạ! Đó là tiếng cóc nhái kêu. Nhưng không lâu nữa đâu, cũng sắp đến nơi rồi, ạ!

Cô gái nói dứt thì có tiếng hót trong trẻo vang lên. Cô ta tìm kiếm một lát và chỉ cho mọi người thấy một con chim nhỏ mầu xám đang đậu trên cành.

- Lạ nhỉ? Ta chưa bao giờ nghĩ đến một điều như thế, trông nó có gì là đặc biệt đâu? Trông xấu xí thế kia...

- Họa mi ơi! cô gái ôn tồn nói với con chim bé nhỏ Đức vua cao quí và rộng lượng muốn nghe chim hót đó.

- Tôi rất vui lòng Chim trả lời bằng giọng ngọt ngào.

- Đúng là một cái chuông bằng thủy tinh: Quan cận vệ khen coi coi cái cổ họng bé tí, bé teo thế kia mà... giọng hót mới đặc biệt phi thường làm sao chứ? Ta cam đoan là mi sẽ thành công lớn ở trước sân rồng.

- Tôi sẽ hót cho vua nghe, hẳn?

Bằng giọng thanh tao chim hỏi lại.

- Họa mi ơi! Ta hân hạnh mời mi đến dự dạ hội tại đền rồng trong đêm nay. Mi sẽ làm Đức vua mê say giọng hát của mi.

- Tiếng hót vang trong rừng hay hơn chim nói nhưng nếu vua thích thì tôi vui lòng cùng đi với quí ngài, đến hót cho vua nghe.

*

Cung điện sáng chói trong dịp hi hữu đó, tường và trên sàn nhà sáng rực rỡ dưới hàng nghìn ngọn đèn vàng. Những hoa đẹp nhất, thơm nhất được trang hoàng khắp các phòng. Mọi người đi đi lại lại một cách vội vàng, tiếng chuông khua ran lên vang trong tai cả triều thần.

Giữa phòng khách lớn vua ngồi oai nghi bệ vệ trên chiếc ngai, một cái que bằng vàng đặt bên cạnh ngài trên đó họa mi đang đậu. Cả triều đình họp mặt đông đủ, cả cô gái hầu trong bếp cũng được đứng sau rèm cửa, bấy giờ cô ta đã lên chức "Bếp chính" rồi.

Mọi người đều mặc những y phục sang và đẹp nhất. Ai nấy đều chăm chú nhìn về phía chim đậu trong lúc nhà vua đang ngủ... gật trên ngai vàng.

Bỗng giữa im lặng trang nghiêm đó một tiếng hót trong trẻo, êm dịu vút lên, tiếng hót đánh thức nhà vua và làm mềm cả trái tim khô khan già cỗi... từng giọt, từng giọt lệ nóng trào ra khóe mắt đức vua lăn dài xuống má ngài... Con họa mi vẫn tiếp tục hót, càng phút càng hay hơn, thánh thót hơn, tiếng hát làm mọi người đều xúc động.

Đức vua lấy làm đẹp lòng, phán rằng ngài sẽ ban cho con vật đáng yêu ấy một chiếc vòng bằng vàng để đeo trong cổ, song họa mi từ chối mà rằng:

- Kính tâu Hoàng thượng cao cả, tôi đã được ban thưởng trọng hậu rồi, tôi không dám nhận một ân tứ nào nữa...

- Chim nói sao? Đức vua ngạc nhiên hỏi lại Nào ta đã ban thưởng cho con cái gì đâu?

- Tâu Hoàng thượng, con đã được thấy tận mắt những giọt lệ của ngài, đó không là  một đặc ân sao?

Và chim lại cất giọng êm như nhung, ngọt hơn mật hót lên làm vua và cả đình thần ngây ngất. Các vị phu nhân khen:

- Chao ơi là kỳ diệu, chao ơi là giọng hát phi thường!

Thế rồi các bà uống nước ngọt vào để cố bắt chước tiếng chim song vô ích, tiếng hát của quí phu nhân tầm thường quá.

Bọn quân hầu và tì nữ lấy làm thích thú, bởi các bà là những người khó tính nhất trần đời, chúng hầu hạ cách nào cũng chẳng vừa lòng.

Họa mi quả đã thành công, nó làm cho mọi người đều cảm động.

Họa mi được mời ở lại trong cung, trong một chiếc lồng, được tự do ra vào hai bận ban ngày và một bận ban đêm. Luôn luôn có mười hai tên quân hầu, mỗi người nắm cái dây lụa buộc chân nó nhấc lên để nó dễ dàng đi lại. Được chiều chuộng như thế song chim vẫn có vẻ không vui mấy.

Cả kinh đô đều bàn tán về con chim đặc biệt đó. Nếu hai người gặp nhau trên đường, người nầy nói "Họa" và người kia trả lời "Mi" ngay, như thế có nghĩa là họ rất hiểu nhau và thân nhau đấy!

Đã có đến mười một đứa trẻ sơ sinh được đặt tên là Hoa mi, song không một đứa nào hót được!

Ngày nọ vua nhận được một gói quà, bên ngoài đề hai chữ: "Họa mi".

- Đây hẳn là một cuốn sách mới nói về con chim danh tiếng của ta! Ta lại được thêm một cuốn sách...

Nhà vua nói, song không, không phải là một cuốn sách mà là một con Họa mi nhân tạo rất khéo léo, tinh xảo chẳng khác gì chim thật, đựng trong cái hộp, chỉ khác cái là con vật đó được mang rất nhiều đồ trang sức: kim cương này, hồng ngọc này, thanh ngọc này, trông chói cả mắt.

Lên dây cót, lập tức nó cất giọng lên hót y như chim thật, đuôi vẫy vẫy làm cho bộ lông bằng vàng và bằng bạc ngời lên lóng lánh.

Cái giải lụa cột quanh cổ con vật có hàng chữ thế này: Một con Họa mi "xoàng" của vua Nhật bản để thử so sánh với Họa mi của Đại vương Trung quốc"

Mọi người kêu lên: "Ôi chao! Đẹp ơi là đẹp" và cái gã mang chim giả đến lập tức được cất nhắc lên làm chức: "Người-giữ-chim của Đức vua". Hai chim sẽ cùng hợp ca. Bản song ca mới tuyệt làm sao!

Ai cũng tường thế.

Song khi chúng hót thì mọi người thất vọng ngay, bởi chim thật hót một cách mà chim nhân tạo lại hót cách khác theo sự lên dây của người ta.

- Thế này thì không hỏng nữa Nhạc trưởng nói lần này nhất định hoàn toàn.

Ông ta cho chim giả hót một mình thôi. Quả nhiên, nó thành công y như chim thật vậy và còn hơn là đằng khác, bởi cái bề ngoài đầy những món đồ trang sức chói ngời của nó.

Nó hót đi hót lại ba lần, bốn lần cho đến ba mươi lần liên tiếp mà không... biết mệt. Mọi người đều tỏ ý thích thú muốn nghe  nó hót nữa, song Đức vua bảo rằng đến lượt chim thật hót. Và người ta im lặng chờ nghe. Nhưng chim thật đâu rồi? Thì ra thừa lúc không một ai để ý đến nó, nó đã bay ra cửa sổ, trở về với rừng xanh!

- Thế là nghĩa lý gì? Đức vua phán hỏi.

Cả triều thần đồng thanh tâu rằng con họa mi đó thật vô ơn, vô ơn nhất trong những kẻ vô ơn và còn thêm: "Dù sao, đã có con chim mới đây rồi. Thế rồi con chim nhân tạo lại được lên dây, cất tiếng. Lần thứ ba mươi tư họ nghe hoài một điệu hót mà vẫn không ngờ bởi lẽ không thể nào phân biệt được.

Gã nhạc trưởng đề cao con vật đó cho rằng nó còn quí hơn chim thật vô chừng vì không những chỉ có báu vật bên ngoài mà còn có cả tiếng hót kỳ diệu nữa.

- Kính tâu đại vương nhạc trưởng nói trong lúc con chim thật ta chỉ nghe tiếng hót chứ không biết tại sao còn con vật này thì mọi sự đều ở trong tay ta, chỉ cần lên dây là nó hót ngay, ta tự do xếp đặt, từng bậc từng cung và luôn luôn nó ở cạnh ta, ngay trước mắt ta.

"Quả vậy, quả vậy" mọi người đều nói theo ông ta. Gã nhạc trưởng quyết định chúa nhật tới sẽ mang chim ra mắt công chúng. Nhà vua bảo:

- Phải đấy, mọi người cũng được nghe chim hót nữa. Tuyệt diệu.

Thế là công chúng đều được trông thấy và nghe chim giả hót, họ kêu "ôi chao, ôi chao" và họ giơ những ngón tay trỏ lên giữa không khí, đầu gật gù đánh nhịp một cách thích thú, nhiệt thành!

Chỉ trừ người thuyền chài nghèo khổ kia, khi nghe chim hót anh ta nói:

- Tiếng hót quả là hay, nghe giông giống như chim thật hót, song vẫn kem kém thế nào ấy. Thật tôi cũng không hiểu tại sao lại thế.

Kể từ đó chim giả thay vào chỗ chim thật trước kia, nó ở trong đền vua, cận bên giường ngủ của ngài. Những quà tặng nó bằng vàng khối và những vật trang sức quí khác vương vãi khắp phòng. Nó được phong là "Ca sĩ trưởng".

Gã nhạc trưởng sáng tác hai mươi lăm nhạc khúc kèm lời ca về con vật nhân tạo đó, khúc nào cũng đầy những chữ Trung hoa kỳ bí và mọi người đều nói rằng họ có thể đọc và hiểu tất cả những khúc hát đó, song sự thật họ rất đỗi "gà mờ", họ chẳng hiểu gì tất và họ chỉ có thể dẵm lên những khúc hát đó mà thôi.

Trò hề ấy diễn ra trong suốt một năm ròng.

Đức vua, đình thần và nhiều người Trung hoa khác đều thuộc lòng lời chim hót và ngân nga hót theo vài đoạn. Song ai nấy đều thích nghe con vật hót hơn để dễ hát theo, ngay cả Đức vua cũng vậy.

Thế rồi một buổi chiều, trong khi con vật đang hót đến đoạn hay nhất, nhà vua nằm lắng tai nghe ở trên giường thì một tiếng kêu nho nhỏ "gờ ruyệt" từ trong lồng ngực chim phát ra và tiếp đó "gờ ruyệt, gờ ruyệt" hai ba lần nữa rồi tiếng hót bỗng dừng bặt lại.

Nhà vua nhảy ba bước ra khỏi giường gọi quan ngự y đến khám ngay cho con chim quí, nhưng nào biết nó bịnh gì?

Nhà vua lại gọi người thợ đồng hồ đến. Người này sau khi xem xét kỹ, sửa chữa đủ cách thì con vật lên tiếng trở lại. Song anh ta lưu ý nhà vua rằng cần phải nương tay đối với con chim chứ không vặn bừa như trước được vì lẽ bộ phận bên trong đã lờn rồi và nó không thể hót hay, đúng giọng như trước nữa.

Thật là tin sét đánh! Một cú giáng mạnh vào đầu! Từ bấy giờ con vật chỉ hót mỗi năm vỏn vẹn một lần, rất là khó nhọc.

Tuy thế, gã nhạc trưởng cũng làm một bài luận thuyết ngắn về con chim, dùng toàn những chữ khó và ông ta nói rằng việc làm mình rất đúng, hay hơn bao giờ cả!

*

Năm năm qua, sự đau buồn lan ra khắp nước, bởi vì dân chúng rất quí mến nhà vua mà bây giờ ngài ốm nặng không còn sống được bao ngày nữa. Người kế vị cũng đã chọn sẵn rồi. Ngoài phố, mỗi khi gặp viên quan cận vệ, người ta nhao nhao hỏi thăm sức khỏe Đức vua, song họ không được câu trả lời nào cả ngoài cái lắc đầu và một chữ "P" vô nghĩa kèm theo!

Đức vua nằm trên giường lộng lẫy, ngài gầy gò và xanh lợt. Đình thần nghĩ rằng ngài sắp băng hà nên họ tránh xa ngài, lo theo bên người kế vị mà chầu chực, cúi đầu, quì gối. Bọn quân hầu tán gẫu về điều đó và bọn thị nữ thì lo pha cà phê.

Đại sảnh và các phòng khác, rèm màn đều buông rũ lặng lẽ, chết lịm không một bước chân, hoàn toàn yên tĩnh, yên tĩnh đến lạnh người.

Nhưng ngài chưa chết. Ngài nằm trên chiếc giường lộng lẫy, tuy gầy xanh, nhợt nhạt song vẫn dai dẳng sống, thỉnh thoảng ngài mở choàng đôi mắt mệt nhọc lờ đờ nhìn cái màn nhung có treo những quả tua lủng lẳng trên đầu mình. Ánh trăng chiếu sáng vào phòng qua cửa sổ mở ngỏ và con chim giả đang đứng cạnh ngài.

Ngài thở rất khó khăn, y như có một sức nặng đè lên ngực vậy.

- Hỡi con chim quí kia ơi! Hót lên đi! Ta tặng mày biết bao báu vật, ta cho mày cả chiếc vòng cổ của ta. Hót lên đi! Ta van mày đấy! Hót lên!

Nhưng con chim vẫn đứng yên, lạnh lùng, lặng lẽ vì đâu có ai vặn dây cót, làm sao nó hót được bây giờ?

Đột nhiên, có tiếng hót thánh thót ngân lên bên cửa sổ, đó là tiếng hót của con họa mi thật, đang đậu ở một cành cây bên ngoài. Nó biết rằng vua đang cần nó nên nó vội vàng đến hót cho ngài nghe. Nghe tiếng hót, máu chạy đều trong huyết quản đức vua, sinh lực bừng bừng hồi phục, sắc mặt ngài hồng hào trở lại, tứ chi ngài cũng hết lỏng lẻo, rã rời.

- Cảm ơn ngươi! Cảm ơn ngươi!

Đức vua hổn hển kêu lên vì mừng rỡ và cảm động, ngài nói:

- Ngươi là chim thần, trẫm biết! Ta đã bạc đãi ngươi nhưng ngươi vẫn chẳng nỡ ghét ta, giọng hót của ngươi vẫn hay như cũ trong lúc ta gần kề cái chết thế này, ta biết lấy gì trả ơn ngươi?

- Kính tâu Hoàng thượng, tôi đã được ân thưởng rồi : tôi đã làm ngài khóc nhiều, lần đầu khi nghe tôi hát và tôi không bao giờ quên điều đó. Nước mắt ngài là báu vật quí nhất đối với tôi. Nhưng thôi, ngài hãy ngủ đi, tôi hát cho ngài nghe đây!

Rồi chim lại dịu dàng cất tiếng và đức vua chìm trong một giấc ngủ khoan khoái, bình yên.

Sáng hôm sau mặt trời chiếu qua cửa sổ, ngài tỉnh giấc mạnh khỏe như thường.

- Chim hãy ở đây với ta! Ngươi chỉ hát khi nào ngươi muốn và ta, ta sẽ đập vỡ nát con chim nhân tạo kia thành nghìn mảnh.

- Chớ! Chớ! Tôi van ngài! Ngài hãy giữ con vật ấy như trước nay. Tôi không thể làm tổ và ở luôn trong cung với ngài được, nhưng tôi sẽ đến khi nào thích, mỗi chiều tôi sẽ đứng trên cành kia mà hót hầu ngài, tôi sẽ làm ngài vui và giúp ngài suy nghĩ nữa. Tôi sẽ cho ngài biết những gì tốt và cả những gì xấu mà người ta giấu ngài. Chỉ xin ngài hứa với tôi một điều...

- Hãy nói đi! Ta hứa cả chục điều chứ không chỉ một thôi.

Trong bộ triều phục kềnh càng nhà vua nhảy cẫng lên, giục chim như thế.

- Thưa ngài chim dịu dàng thưa chỉ một điều thôi : xin ngài đừng cho ai hay rằng có một con chim nhỏ biết mọi điều hay dở và có thể kể lại cùng ngài. Xin ngài nhớ hộ cho.


MINH QUÂN           
(dịch truyện The Nightingale 
của Hans Chritian Andersen) 

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 58, ra ngày 1-12-1966)



Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

MÙA XUÂN CỦA TRƯỜNG - Trần thị Phương Lan

 

  





  





Không nắng đâu hơn nắng của trường
Mùa Xuân thèm bánh mứt thơm hương
Mùa Xuân ngự trị trên cây lá
Hỡi nắng trường ơi, nắng của trường

Chim hãy về, mây xanh rất xanh
Bé xem chim nhỏ hót trên cành
Rồi mai mây trắng về đây nhé
Ươm mộng mơ nồng lên tóc xanh

Em dạo bài ca, nhạc khúc buồn
Kêu chim bằng khắp ở muôn phương
Chim hỡi hãy về trên đỉnh tháp
Khi tiếng chuông vang thấu thiên đường

Em ước mơ gì khi dáng Xuân
Nao nao hoa lá cũng ngại ngần
Vì em thơ ấu như chim sẻ
Áo trắng em bay giữa Xuân hồng

Thì hỡi trường ơi, nắng của trường
Một lần nâng lấy chút hương thơm
Rồi mai nắng sẽ nương theo gió
Nắng sẽ vui tươi chẳng giận hờn

                          TRẦN THỊ PHƯƠNG LAN

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Quý Sửu, 1973)





Thứ Hai, 25 tháng 1, 2021

CHƯƠNG XIII, XIV_NHÀ THƠ LÃNG TỬ

 

CHƯƠNG XIII  

HAI NĂM RÕ MƯỜI


Mười lăm phút sau, một chiếc xe lớn của cảnh sát đã chở mọi người tới chân đường dốc Vạn Sinh. Tất cả xuống đi bộ. Tôi đi trước làm hướng đạo cho ông Trưởng Cuộc và bốn nhân viên.

Vừa đặt chân tới bậc thềm ai cũng bàng hoàng sửng sốt trước một quang cảnh thật cảm động : bé Kính thức giấc từ lúc nào, tỉnh táo, đang cười vui với ba má tức ông bà Tám Vinh. Phía sau, áp lưng vào tường, ba kẻ gian phi đứng sừng sững, hai tay chắp lại với nhau, đặt trên đầu. Ca Phi ngồi chồm chỗm trước mặt, theo dõi cử động của từng người.

Ông Trưởng Cuộc và bốn nhân viên cảnh sát ngây người, hết nhìn bọn gian, con Ca Phi, lại đến bé Kính và bốn chúng tôi. Trong lúc đi xe, tôi đã kể chuyện kỹ lưỡng từ đầu tới cuối, các ông vẫn bán tín bán nghi. Nay trước sự thật hiển nhiên, nỗi vui mừng khiến toán nhân viên công lực cảm động không nói nên lời.

Một lúc sau, ông Trưởng Cuộc mới ra lệnh cho nhân viên còng tay ba tên gian phi, bắt ngồi vào một góc nhà, rồi quay ra hỏi bọn tôi :

- Thế ra bốn em đây và con chó khôn ngoan này đã… Tôi không thể ngờ các em lại giỏi giang đến thế. Đường lối các em theo dò ra sao, kể lại tôi nghe. Ngay chính tôi, tôi cũng không nghi cho ai, ngoài gã lang thang.

Bình Trọc nhanh nhẩu trả lời :

- Thưa ông Trưởng Cuộc ! Thật ra cũng là nhờ ông thi sĩ lang thang đấy ạ !

- Ủa ! Em nói sao ?

- Tụi cháu tin rằng ông ta không dính líu một chút nào vào vụ bắt cóc này. Vì thế, bốn đứa cháu mới bàn nhau ra tay tìm kiếm.

- Các em nói cho rõ ra đi !

Ông bà Tám Vinh trong lúc vui mừng quá sức đã bồng bé Kính ra về từ lúc nào. Chúng tôi lần lượt kể cho ông Trưởng Cuộc nghe việc điều tra, hỏi dò tin tức ra sao.

Tâm hắng giọng :

- Thưa ông Trưởng Cuộc ! Cũng nhờ bé Thơ, bạn của chúng cháu đây mà mấy anh em đã theo dò được vết tích của gã này, Tâm chỉ hai Ngữ tên gã là Hai Ngữ. Gã đã có một thời kỳ giúp việc cho ông Nguyễn Mẫn chủ tiệm kim hoàn, sau đó làm cho bác sĩ Bảo, rồi lại có thời gian phụ giúp trồng tỉa trong công viên thành phố nữa.

Một nhân viên cảnh sát tỏ vẻ ngạc nhiên :

- Ông Nguyễn Mẫn chủ tiệm vàng thì tôi biết. Nhưng còn bác sĩ Bảo, không hiểu ông có gì liên hệ tới vụ này.

- Chính ra bọn gian định bắt cóc con bác sĩ Bảo thay vì bé Kính.

- Thật vậy ư ? Do đâu mà các em biết được như thế ?

- Em nhỏ con bác sĩ Bảo trông rất giống bé Kính, sáng nào cũng lên công viên nô đùa. Chị người làm đi theo coi giữ em nhỏ trông lại hao hao giống bà Tám Vinh má bé Kính.

Ông Trưởng Cuộc ngạc nhiên hết sức, không còn biết nói gì hơn, chỉ nhắc đi nhắc lại mãi một câu :

- Không thể ngờ được ! Không thể ngờ được… Sự trùng hợp này tự các em khám phá ra. Tôi không thể ngờ mới chút xíu tuổi đầu mà các em đã làm được công việc của người lớn. Thế rồi, từ chỗ khám phá ra sự trùng hợp ấy, các em lần lần tìm ra được dấu vết bọn kia ?

Bình láu táu :

- Thưa ông Trưởng Cuộc ! Cứ riêng bốn đứa cháu đây thì chưa chắc. Một phần lớn là nhờ con Ca Phi đây. Không có Ca Phi chắc chúng cháu không thể phác giác ra được cái hang…

- Hang ? Hang gì ? Ở đâu ?

- Dạ, cái hang nguyên trước là một cái lò gạch cũ, sau đào dài, sâu thêm ra làm một cái hang để trồng nấm. Bọn gian đem bé Kính giấu tại hang này, ở bên kia bờ sông Biên Hòa, thưa ông Trưởng Cuộc. Thế rồi, nếu không có Ca Phi, chúng cháu cũng chưa tìm ra được cửa một cái cống ngầm xây toàn bằng đá tảng, bên trong khô ráo, ăn thông ra sông Biên Hòa.

- Một cái cống ngầm ?

- Vâng ! Cũng may là cái cống ngầm này bị sụt một quãng, lối đi nghẽn tắc, bọn gian bị chận đường. Nếu không, giờ phút này chắc gì bé Kính đã được cười vui thích thú trong vòng tay mẹ.

Câu chuyện mỗi người nói một câu, không lớp lang thứ tự, thành thử ông Trưởng Cuộc Cảnh Sát cùng các nhân viên chưa biết rõ được từ đầu chí đuôi thế nào.

Toán nhân viên công lực liền nhao nhao lên tiếng yêu cầu chúng tôi kể lại từ đầu. Thế là Tâm đứng ra thuật lại việc dò xét truy lùng bọn gian, từng điểm một. Có chi tiết nào quên, đã có bé Thơ, Bình hoặc tôi bổ túc thêm. Câu chuyện nhờ Tâm trình bày thật rõ ràng, mạch lạc, đã khiến ông Trưởng Cuộc Cảnh Sát và các nhân viên luôn luôn gật đầu công nhận. Không còn một điểm nào đáng nghi ngờ nữa. Các ông nhìn bọn tôi, ánh mắt đượm vẻ trìu mến bao dung xen lẫn niềm kính phục. Nhất là khi Tâm kể tới đoạn chót, lúc chúng tôi bắt quả tang bọn gian phi, đem theo bé Kính, đang khiêng đá dọn lối đi trong cống ngầm ăn thông ra bờ sông, ra lệnh cho Ca Phi và cả bọn liều mạng xông lên bắt giữ chúng, các ông đã sững sờ kinh ngạc hết sức : không có con chó và chúng tôi chỉ chậm chân chút xíu là bé Kính sẽ không còn hy vọng về với cha mẹ nữa. Ông Trưởng Cuộc, tôi đoán chừng cũng là một người cha gương mẫu trong gia đình, ngồi im nghe Tâm kể chuyện, nét mặt cảm động. Giọng ông nói cố làm ra vẻ bình tĩnh cứng rắn, nhưng tôi vẫn nhận được nhiều âm thanh xúc động nghẹn ngào :

- Ngoan lắm ! Giỏi lắm ! Các em can đảm lắm ! Bây giờ tôi và các ông đây tin là thật rồi. Tôi và các ông bạn đồng nghiệp có mặt tại đây thành thực ngợi khen các em và con chó khôn ngoan của các em, nghe !

Đoạn, quay nhìn bọn gian phi đang ngồi gục đầu im lặng nghe chuyện, ông quát lớn :

- Thế nào ? Bọn kia ! Những lời kể tội các người đó đúng hay sai, hả ?

Bọn gian, không tên nào hé răng nói một tiếng. Chúng tiếp tục ngồi im. Ông Trưởng Cuộc và các nhân viên thay phiên nhau hỏi cung. Bốn chúng tôi ngồi chung trên hai cái ghế còn dư, vui vẻ đợi chờ. Thì ra tên đồng bọn của Hai Ngữ tên là Sáu Vạn, nhỏ con hơn, nhưng nét mặt lộ vẻ thâm hiểm hơn Hai Ngữ. Căn nhà sập sệ này, Sáu Vạn đến ở mới được ba tuần nay cùng với người vợ đồng thời là đồng lõa của gã. Như Hai Ngữ, gã cũng đã làm đủ nghề, có một chiếc xe hơi cũ. Chính chiếc xe hơi ấy đã được sử dụng trong việc bắt cóc bé Kính.

Một nhân viên cảnh sát buộc bọn gian phi khai rõ chương trình kế hoạch làm việc phi pháp vừa rồi ra sao. Tên nọ đổ thừa cho tên kia để tránh né phần nào trách nhiệm. Nhưng rồi toán nhân viên công lực cũng biết được : đúng như chúng tôi đã dự đoán, chính Hai Ngữ là người chủ trương việc bắt cóc con trai bác sĩ Bảo để vừa báo được mối thù bị đuổi, vừa được món tiền chuộc. Nhưng vợ Sáu Vạn lại bắt lầm bé Kính. Y thị đã đưa một gói kẹo ra dụ dỗ em nhỏ. Việc lỡ rồi, ba kẻ gian phi đành giữ bé Kính lại làm con tin để đòi tiền chuộc nơi một nhà giàu lớn tại Biên Hòa do Hai Ngữ chọn lựa.

Cảnh sát hỏi tại sao lại phải đưa bé Kính ra khỏi thành phố, giấu giếm tại hang nấm dơ dáy đó thay vì sử dụng cái cống cạn tại đây, trên con đường dốc Vạn Sinh này.

Hai Ngữ :

- Vâng ! Thưa ông Trưởng Cuộc ! Chính tôi đã đưa ra ý kiến ấy vì trước tôi có làm cho tổ hợp trồng nấm nên có sẵn chìa khóa. Nhưng dù thế nào tôi cũng sẽ đem trả thằng nhỏ mà. Do đó mới đem nó trở lại thành phố.

- Đem bằng cách nào ?

- Bằng chiếc xe hơi của Sáu Vạn. Thoạt tiên, tôi ghé về nhà riêng tại ấp Tân Lập lấy một cái túi đựng khoai. Nhưng không kiếm được cái nào lớn. Tôi liền lên đây, con đường Vạn Sinh này, nhờ vợ Sáu Vạn kiếm cho một cái. Rồi tôi trở lại hang nấm. Ở đó, Sáu Vạn đã chờ sẵn, giấu xe hơi vào một chỗ thật kín. Để thằng nhỏ không kêu la được trong khi đi đường, tôi đã cho nó uống thuốc ngủ, đút vào trong túi vẫn dùng đựng khoai tây.

Tới tỉnh, tôi cõng cái túi lên lưng, leo dốc Vạn Sinh rồi tới đây.

- Nhưng tại sao các anh lại không đem thằng bé trả cho người ta ?

Ba tên gian phi đưa mắt nhìn nhau thật nhanh. Người đàn bà lên tiếng :

- Chúng tôi sắp đem nó đi trả, sắp đem trả thật mà. Nhưng phải chờ đêm khuya, khi cả thành phố đi ngủ đã.

Lời nói dối của mụ ta khiến tôi giận sôi lên :

- Thưa ông Trưởng Cuộc. Mụ này nói dối ! Hồi nãy cháu rình trên mái nhà đã nghe rõ hết. Bọn gian định đem em nhỏ đi đâu đó, không phải đem trả đâu !

Người đàn bà đưa mắt nguýt tôi một cái thật dài rồi im bặt. Sáu Vạn có ý muốn thú tội :

- Lỗi do tên Hai Ngữ mà ra cả. Phải không Hai Ngữ ? Khăn bịt mặt của hắn bị tụt đúng lúc thằng nhỏ tỉnh dậy trên con đường đi đến đây này. Nhất định là hắn đã bị lộ diện rồi. Do đó, đem trả thằng bé là một điều rất nguy hiểm. Bởi vậy, chúng tôi quyết định đem nó đi giấu tại một nơi nào đó để có tìm ra được cũng còn lâu.

Hai Ngữ chối cãi :

- Tôi không à nghe ! Tôi không muốn như thế đâu, nghe !

Sáu Vạn nổi giận :

- Xin lỗi ! Anh cũng đã thỏa thuận rồi lại còn “không muốn như thế” gì nữa.

Đoạn, quay nhìn ông Trưởng Cuộc :

- Thưa ông, chúng tôi muốn bỏ trốn kia đấy. Nhưng mỗi ngày qua đi, việc đào tẩu lại thêm một khó. Thời hạn mười hai tiếng đồng hồ cũng vừa hết. Cảnh sát chắc đã bố trí đủ bốn phương tám hướng rồi. Đột nhiên, tôi nhớ ra là ở góc sân nhà này có một cái bể cạn. Khi nhấc tấm vỉ sắt lên, bất ngờ lại thấy một lối đi vào cái cống cạn xây chắc chắn, hướng về phía bờ sông. Tôi chợt có ý nghĩ : theo lối này ra bờ sông, gặp chiếc ghe nào đó, xin quá giang thì có thể thoát được.

Sáu Vạn nói đúng. Khi bị chúng tôi bắt gặp, bọn gian đang trên đường đào tẩu. Nhưng trốn đi đâu? Chúng định đem bé Kính tới nơi nào ?

Người đàn bà nói thêm :

- Chúng tôi có ý định đem thằng nhỏ xuống thuyền. Rồi khi thuyền ghé bến nào đó, chúng tôi sẽ lợi dụng cơ hội, trốn lên bờ, bỏ đi.

Lời khai của thị khiến bốn chúng tôi nổi ốc cùng mình. Nếu chúng không bị chận đứng kịp thời, số phận bé Kính sẽ ra sao ? Càng nghĩ, chúng tôi lại càng giật mình thon thót.

Ý chừng ông Trưởng Cuộc cũng cùng chung một cảm nghĩ nên thấy ông quay nhìn chúng tôi :

- Các em ! Các em ! Việc công ích các em vừa mới thực hiện đây quả thực là phi thường, phi thường ! Tôi… tôi…

Cơn xúc động khiến ông nghẹn ngào chẳng nói nên lời. Ông đứng lên, đưa hai tay nắm tay từng người một rồi đến bé Thơ. Ông nắm hai bàn tay bé Thơ thật lâu, run giọng :

- Con gái tôi cũng lên năm như bé Kính. Tưởng tượng rằng nó lọt vào tay tụi hung thần ác quỷ kia…

Nhưng rồi hình như tự nhận thấy mình đã lộ vẻ yếu mềm, một điều không thích hợp với tinh thần chức nghiệp hiện tại, ông Trưởng Cuộc hướng về bọn gian quát lớn :

- Thế còn số tiền chuộc các anh để đâu ? Nói mau !

Hai gã đàn ông lặng thinh, vờ như không nghe tiếng. Riêng mụ đàn bà, tương đối sáng suốt hơn, biết rằng công việc làm ăn phi pháp đã mười phần thất bại, có giấu giếm cũng chẳng được nào, đành khai thật. Số tiền chuộc hiện để dưới cống cạn trong một cái túi bằng vải vàng. Bình Trọc liền dẫn một nhân viên cảnh sát xuống cống. Chưa đầy ba phút sau, ông này đã đem lên cái túi “ka ki” đầy căng toàn giấy bạc. Một bó lớn toàn giấy năm trăm đồng lòi cả ra miệng túi. Gặp lúc khác, được thấy một túi tiền lớn như vậy chắc hẳn chúng tôi đã vui thích lắm. Nhưng hiện giờ, còn mải nghĩ về bé Kính nên chẳng ai để ý lắm.

Ông Trưởng Cuộc thở ra một hơi thật dài :

- Chà ! Nhiều tiền quá ! Tài sản của cả thành phố chung góp lại giúp ông bà Tám Vinh để chuộc bé Kính đấy.

Thế rồi, trong khi các nhân viên cảnh sát kiểm điểm lại xem số tiền còn đủ như trước không, tôi yêu cầu ông Trưởng Cuộc cho biết món tiền chuộc này đã được giao nạp cho bọn gian bằng cách nào và tại đâu.

- Chính tôi, hiện tôi cũng chưa hiểu rõ cho lắm. Chỉ biết rằng ba má bé Kính và ông Nguyễn Mẫn chủ tiệm kim hoàn đã thân hành đến Cuộc yêu cầu với tôi một điều là : cảnh sát chỉ can thiệp sau khi bọn gian đã trả lại bé Kính. Tôi hứa và đã giữ lời hứa. Nhưng bây giờ thì… thôi, mọi sự rắc rối đã chấm dứt, xong rồi, xong hết rồi.

Bé Thơ sán lại :

- Thưa ông Trưởng Cuộc ! Xong rồi ? Xong hết rồi ? Theo cháu nghĩ thì… còn, vẫn còn chứ ạ ! Bọn bắt cóc đã bị bắt giữ. Vâng, thế là xong rồi. Nhưng… nhưng… còn… còn những người bị tình nghi hiện vẫn bị giam giữ.

Ông Trưởng Cuộc ngạc nhiên :

- Sao ? Em muốn nói cái gì chứ ?

- A… a… cháu… à không ! Không ! Cháu muốn nói : không phải những người bị tình nghi mà chỉ có… có… một người bị tình nghi thôi. Mà người đó lại là “bạn” của chúng cháu.

- Bạn của các em ?

- Vâng ! Ông “chàng híp-pi”, thi sĩ lang thang tóc đỏ, râu đỏ đó, thưa ông Trưởng Cuộc ! Qua cuộc hỏi cung vừa rồi thì liệu ông lang thang có còn bị trách nhiệm gì nữa không ạ ?

- Dĩ nhiên là không rồi ! Có điều là sao anh ta lại dại dột đi lượm cuốn sổ tay của ông Tám Vinh ba bé Kính làm gì, làm tôi và các nhân viên mất công điều tra vô hiệu quả. Và kỳ quái nhất là không hiểu tại sao anh ta cứ im thin thít không chịu cho biết lý do nào đã khiến đương sự luôn luôn có mặt trong công viên gần chỗ các trẻ em chơi.

- Thế bây giờ ông định thế nào về ông ta, thưa ông Trưởng Cuộc ?

- Dĩ nhiên là tôi sẽ trả lại tự do cho anh ta chứ. Bây giờ các em theo tôi về Cuộc để bổ túc lời khai. Sau đó, tôi sẽ dẫn các em xuống nhà tạm giam gặp anh chàng lang thang ấy.

Dứt lời, ông quay nhìn mấy nhân viên đang hì hục cố đóng miệng cái túi đầy giấy bạc mãi mà không được ra lệnh :

- Các anh đưa ba tên kia về Cuộc. Tôi đi bộ về sau.

Tay bị còng, Hai Ngữ, Sáu Vạn và mụ đàn bà riu ríu lên xe cùng với ba nhân viên cảnh sát. Đúng lúc tôi dắt Ca Phi dợm chân bước ra khỏi căn nhà hắc ám, chợt một bàn tay không biết của ai nhẹ đặt lên vai. Khẽ giật mình, tôi quay lại. Tưởng ai, hóa ra ông cảnh sát, bữa gặp tại Cuộc, đã nghi ngờ khả năng của Ca Phi trong việc dò tìm dấu vết gian phi.

- Tôi có lời ngợi khen chú em cùng các bạn. Các chú em giỏi lắm. Nhất là con chó Ca Phi. Này, chú em ! Chú em có muốn bán lại con chó ấy không ? Chúng tôi sẽ trả cho chú em một giá thật cao.

Bán Ca Phi ? Bán con chó yêu quý của tôi ? Không, không bao giờ ! Ngay cả nghĩ, tôi cũng không hề nghĩ đến huống hồ là bán thật. Cho dù các ông ấy có trả cho tôi tất cả số bạc trong cái túi to tướng hồi nẫy, tôi cũng không chịu.

Tôi cúi xuống, ôm cổ Ca Phi, sát mặt nó vào mặt tôi, thích thú ngửi cái mùi giống mùi khói khen khét và nồng ấm của nó :

- Ca Phi ! Ca Phi ! Ca Phi yêu quý ! Không khi nào chúng mình xa nhau hết nghe, Ca Phi ! Chiêm yêu quý Ca Phi quá mà, xa Ca Phi sao được. Nhất là sau cái chiến công oanh liệt vừa rồi.


CHƯƠNG XIV  

ĐIỀU BÍ MẬT CỦA NHÀ THƠ LÃNG TỬ 


Sáng hôm sau, đồng hồ mới điểm bẩy giờ, tôi đã thức giấc, mặc dầu đêm quá ngắn, ngủ chưa đã mắt. Ngồi chừng mấy phút hết ngái ngủ tôi đã nghĩ ngay đến bé Kính.

Hôm qua, chưa kịp để tụi tôi trông rõ mặt, em đã được ba má ôm ấp, bồng bế về nhà. Bé Kính còn nhỏ thế chắc chưa thể nào biết được mối nguy cơ ghê gớm em vừa trải qua. Nhưng ba má em, nhất định là phải sung sướng lắm. Ông bà Tám Vinh vui mừng đến nỗi không ngủ được là cái chắc. Có lẽ suốt đêm, ba má em chỉ loanh quanh lẩn quẩn bên giường đứa con trai duy nhất, ngắm nhìn em say ngủ mà vui sướng đến ứa nước mắt.

Thế rồi, mọi việc tuần tự tái diễn trong trí nhớ : những giây phút nghẹt thở bốn đứa tôi phải trải qua, lúc đột kích bọn gian, bắt giữ chúng trong cống cạn, lúc nhân viên công lực điều tra hỏi cung từng tên một. Nhất là khi từ Cuộc Cảnh Sát đi ra, lúc đó đã vào khoảng nửa đêm, bị chụp hình dưới ánh đèn chớp nhoáng của các phóng viên, ký giả. Tin vui “bé Kính đã trở về” được loan truyền trong toàn thị xã nhanh như một ánh chớp.

Khi bước ra khỏi trụ sở Cuộc, bé Thơ đã cuống quít cả chân tay, đôi lúc lại la lên, hoặc bật cười khanh khách. Tôi có cảm tưởng là toàn thể dân chúng thị xã đều có mặt. Mọi người vây quanh chúng tôi, hỏi han rối rít, các phóng viện giương máy chụp hình, chụp lia lịa. Không riêng gì bé Thơ, tất cả bốn người chúng tôi đều luống cuống, nhưng trong lòng hân hoan không bút nào tả xiết.

Có nhiều người trong đám đông hô lớn :

- Ca Phi ! Ca Phi ! Con chó khôn ngoan Ca Phi đâu ? Cho chúng tôi coi mặt nó một chút !

Chúng tôi định lờ đi làm như không nghe tiếng, nhưng bị la ó dữ quá, bắt buộc phải “khiêng” Ca Phi lên, cho nó đặt hai chân trước, một trên vai Tâm, một trên… đầu tôi. Ba bốn cái máy hình đưa sát tận nơi, thi nhau bấm lách cách khiến Ca Phi ngơ ngác chẳng hiểu người ở đâu mà lắm thế và họ múa may quay cuồng la hét cái gì dữ vậy. Nhưng thấy chúng tôi cười vui thích thú, nó cũng yên lòng, chỉ thè cái lưỡi dài đỏ hỏn ra mà thở hồng hộc, chốc chốc lại rít lên ra điều khoái trá. Nếu tình trạng bủa vây cứ kéo dài như thế, chắc chúng tôi không thể nào mở được lối đi trại cải huấn được. May sao, ông Trưởng Cuộc đã dành cho bốn chúng tôi và Ca Phi một chiếc xe Jeep. Nhờ thế, cả bọn mới đi thoát được.

Tôi nhớ lại lúc bé Thơ, Tâm, Bình, tôi và Ca Phi đến cổng nhà giam, trước bức tường cao trên có dây kẽm gai, rồi đến khuôn mặt ông lang thang khi được trả tự do, xuất hiện trên ngưỡng cửa. Chợt bắt gặp chúng tôi cùng Ca Phi đứng trên vỉa hè, sắc diện ông vụt tươi hẳn lên.

- À, à ! Các cháu ! Các cháu ! À, à…

Tiếng nói tắc nghẹn trong cuống họng, ông đưa hai tay nắm lấy tay chúng tôi, nước mắt ứ đôi mi thâm quầng. Ông cúi xuống hôn hít Ca Phi, hòa lẫn tóc râu với bộ lông đen vàng của nó.

Lúc đó đã một giờ đêm. Bé Thơ hỏi đêm nay ông về đâu.

- Về đâu hả cháu ? Ồ ! Lo gì điều đó ! Chú về đâu cũng được mà. Vào đâu cũng là nhà, ngã đâu cũng là giường được.

Bình Trọc nói ngay :

- Nếu vậy, chú về nhà ương cây trong công viên với tụi cháu đi, chú !

Thi sĩ lang thang cười buồn :

- Về với cháu ! Về nhà ương cây với các cháu ! Các cháu lại chịu hạ mình ngủ chung nhà với một tên lãng tử như chú sao ?

Chúng tôi phải xúm xít vào nói mãi, ông lang thang mới chịu theo về…

Và hiện giờ, ông còn ngủ, nơi kia, trong tận góc nhà xa tít như có ý hết sức giữ gìn để khỏi làm phiền chúng tôi.

Đột nhiên, Tâm vươn vai ngáp một cái thật lớn. Tiếp đó, lại đến Bình đưa hai tay gãi cái đầu trọc. Các bạn tôi thức giấc. Ca Phi chạy lại chào mừng hai người bạn thân của chủ nó bằng cách nhằm đúng hai cái mặt còn ngái ngủ mà liếm thật ngon lành. Ngắm nhìn sắc diện Tâm, Bình, tôi biết ngay là hai người ngủ chưa đã mắt và hiện cũng đang có ý nghĩ như tôi : “đêm ngắn quá nhưng thật yên vui”.

Một lúc sau, ông lang thang cũng thức giấc. Quỳ hai gối trên nệm cỏ khô, ông ta nhẹ nhàng gấp lại tấm mền chúng tôi đã cho mượn để đắp ban đêm. Biết bao tư tưởng vẩn lên trong trí óc khiến tôi đăm chiêu suy nghĩ : Con người kỳ lạ thật ! Tế nhị, chu đáo, cử chỉ nhẹ nhàng, ký ức chứa chất toàn những bài thơ tuyệt tác, sắc diện trí thức thông minh, ngụy trang dưới bộ tóc, trong hàm râu bụi đời đỏ quạch, không hiểu vì đâu ông lại cứ lang thang như một mảnh hồn hoang vất vưởng, đau khổ triền miên, đến nỗi không còn thì giờ mà bảo trọng lấy hình hài thân xác nữa.

Ba chúng tôi chạy lại, vây quanh thi sĩ lang thang, tha thiết mời ông dùng với chúng tôi bữa ăn lót dạ.

Ông ta từ chối :

- Cám ơn các cháu ! Chú không thể nhận lời mời quý hóa của các cháu vì chú không muốn quấy nhiễu các cháu nhiều hơn nữa. Vả lại, chú cần phải đi gấp !

Chợt có tiếng bé Thơ :

- Cái gì ?... Đi gấp ? Chú ghét tụi cháu lắm sao mà đòi đi gấp dữ vậy ?

Thi sĩ lang thang ngẩng đầu âu yếm nhìn bé Thơ và Tường Vi đang bước vào, miệng mỉm nụ cười tươi để lộ hàm răng trắng, đều và đẹp. Ông do dự, ngập ngừng thấy rõ. Đoạn, ông ngồi xuống một khúc cây lớn bằng cái thớt tụi tôi vẫn dùng làm ghế ngồi tạm.

Bé Thơ mừng quýnh :

- Để cháu dọn bữa chú ăn lót dạ. Chú xứng đáng quá mà !

- Xứng đáng ? Chú mà xứng đáng ? Một kẻ không nhà, lang thang, lãng tử…

Bé Thơ giơ tay ngắt ngang :

- Xứng đáng thật chứ còn gì nữa ! Này nhé, nếu chú không có tính tình dễ dàng, yêu quý con nít, chắc gì chúng cháu đã gắng công tìm cách cứu chú và từ chỗ đó mới tìm ra được bé Kính.

Ăn điểm tâm xong, ông lang thang đứng dậy, sửa soạn ra đi, thì ngay lúc đó, trên lối vào nhà ương cây, một thiếu phụ tay dắt một em nhỏ, đang đặt bước đi vào.

Bình Trọc nhanh mắt, nhìn thấy trước, reo lên :

- Kìa, bà Tám Vinh ! Cả bé Kính nữa ! Ồ, thú quá !

Hai mẹ con bà Tám thong thả bước vào. Chưa ngồi yên chỗ, bà mẹ đã cười vui :

- Đêm qua, vui mừng quá đỗi nên vội vã bồng em Kính về nhà. Thành thử quên bẵng mất không có một lời nào cám ơn các cháu và con chó Ca Phi. Bác thành thực xin lỗi các cháu nhé !

Rồi đột nhiên, không một ai ngờ trước được, bà Tám chạy tới nắm tay chúng tôi kéo cho quây tụ lại, rồi giang rộng hai tay, bà ôm choàng lấy cả bọn, nước mắt rưng rưng :

- Suốt đời, không bao giờ hai bác quên ơn các cháu và con chó can đảm có một không hai của các cháu.

Ông lang thang lặng nhìn cảnh tượng đang diễn ra trước mặt, ánh mắt thoáng mờ đi trong một giây.

Bà Tám quay nhìn bé Kính :

- Cả em Kính cũng hết sức cám ơn các anh các chị đấy. Coi kìa ! Thằng nhỏ chắc đã quên hết, chẳng còn nhớ gì đến những phút thập phần nguy hiểm vừa qua nữa.

Bà mẹ nói đúng. Chú bé má phính, đang mải nô đùa với Ca Phi. Hai bắp chân bụ sữa chới với, chới với chỉ rình trèo lên lưng con chó mà cưỡi như cưỡi ngựa. Ca Phi cũng lộ vẻ thích thú vô cùng.

Qua một tiếng thở dài, ông lang thang cất giọng trầm buồn :

- Không hiểu dân chúng trong thị xã suy luận thế nào mà lại đi ngờ cho tôi. Làm sao tôi lại có thể xuống tay bắt cóc một thằng nhỏ đẹp đẽ xinh xắn như thế này được nhỉ ?... Nhưng, nói thực mà nghe, một phần lỗi cũng do tôi. Lẽ ra, tôi nên giải thích, nói rõ lý do tại sao tôi lại có mặt tại Biên Hòa, trong cái công viên này mấy hôm liền như thế. Nhưng… không thể, không thể được ! Trên sức chịu đựng của tôi nhiều quá !

Mọi cái đầu, trừ bé Kính đều quay lại phía ông lang thang, hết thẩy mấy cặp mắt đều ngó ông chăm chú.

Bé Thơ giọng hờn dỗi :

- Ngay cả với chúng cháu, chú cũng không thể nói được, hả chú ?

Lại một nụ cười buồn trên cặp môi khô héo :

- Với các cháu… thì khác. Nhất định là chú phải nói chứ !

Thế rồi, đưa hai tay bồng bé Kính, đặt cho ngồi lên lòng, thi sĩ lang thang kể chuyện đời ông.

“Ngược giòng thời gian, xưa kia, ông có một người chị ruột. Người chị ruột thương yêu, bao bọc ông không khác một vị hiền mẫu, vì ngay từ thuở ấu thơ, hai chị em đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mặc dầu làm việc vất vả, địa vị lại rất khiêm nhường, làm công giữ em cho một gia đình giàu có, bà chị ấy hy sinh tất cả lạc thú của riêng mình để có đủ tiền cho em trai ăn học. Thế rồi, một buổi kia, cách đây 6 năm, đúng 15 tháng tám, một viên đạn lạc, không biết từ đâu bắn tới, bà chị bị trúng đạn chết ngay tại chỗ. Do đó, mỗi năm cứ đúng dịp này, ông trở lại đây, trong cái công viên nơi bà chị thường dẫn đám nhỏ con ông chủ vào chạy đùa nô giỡn và cũng chính là nơi bà ngồi viết thư cho em trai, trên một chiếc ghế đá, gần sát chỗ cây đu, cầu tuột.”

- Đó ! Tất cả bí mật của đời tôi là thế đó. Có thể được chăng là với bất cứ ai tôi cũng nói hết ra ? Liệu người đời có hiểu cho rằng : một niềm đau khổ tuyệt cùng có thể biến đổi một kiếp sống bình thường như muôn ngàn kiếp sống bình thường khác thành một kiếp gió bụi lang thang ! Từ một thanh niên tráng kiện yêu đời, ham sống, tôi đã biến thành một tên lãng tử hay “thi sĩ lang thang” cũng vậy, như các cháu vẫn thường gọi.

Năm ngón tay mềm mại, thuôn dài, ngón tay đặc biệt nghệ sĩ, đưa lên nhẹ xoa đôi má no tròn của bé Kính, nhà thơ lãng tử điềm đạm tiếp theo :

- Bé Kính còn bé quá nên bây giờ chưa hiểu được lời chú nói. Nhưng khi cháu lớn khôn má sẽ giảng giải cho cháu nghe rằng : cháu đã được cứu thoát nhờ tấm lòng mến thương của hai cô gái nhỏ và ba cậu trai trên dưới 15 tuổi đối với một ông già gần như không quen biết gì họ, cũng chẳng phải thân thuộc bà con. Và rồi lúc đó bé mới thấy rằng câu chuyện ngày hôm nay là đẹp, vô cùng đẹp.

Dứt lời, ông lang thang đặt bé Kính xuống, đưa tay túm gọn miệng túi vải, âu yếm nắm tay chúng tôi từng người một, ngả đầu chào bà Tám Vinh, nhẹ xoa làn má phính của bé Kính, vuốt khẽ đầu con Ca Phi rồi bước ra. Đế giày cao su nhẹ vang trên lối đi lát si măng.

Chưa đầy phút sau, bóng dáng nhà thơ lãng tử đã khuất lấp sau hai hàng lệ liễu.

Saigon, ngày 6-07-1974
Mùa mưa.        
NAM QUÂN