CHƯƠNG XI
K
V K 3 0
Bữa tiệc chiều nay ở nhà bà Hai cũng giản dị như buổi
họp mặt ở đấy ba hôm trước. Khách quý, ngoài Anh Tư ra, vẫn chỉ có ba vị là cụ
Cử, cụ Hương và ông Giáo.
Bề ngoài, đây chỉ là một dịp để Anh Tư ra mắt mấy bậc
đàn anh trong xóm đã ít nhiều giúp đỡ anh trong việc phục hồi tự do và danh dự.
Nhưng trong thâm tâm, bà Hai thành khẩn cho rằng đây là một cái lễ "trình
cáo" với anh linh ông Hai kết quả tốt đẹp của công trình mà ông đã để hết
tâm cơ vào trong những ngày cuối của cuộc đời.
Từ bức hình ngự trên bàn thờ đèn hương nghi ngút, đôi
mắt nhìn xuống long lanh như tươi cười, như thăm hỏi những người thân vừa ngước
mắt lên trông.
Sau khi giới thiệu người khách mới với ba vị khách
quen, ông Ba khen :
- Anh Tư vẫn quắc thước và vẫn dễ thương chẳng kém chi
ngày trước.
Quả vậy, với gương mặt chữ Dụng, với vừng trán cao, với
đôi mắt sáng ngời luôn luôn nhìn thẳng và nụ cười cởi mở rạng rỡ trên môi,
người khách có tấm thân dong dỏng và nước da sạm nắng này dễ chiếm được cảm
tình của thiên hạ ngay khi mới gặp lần đầu.
Ông giáo Bắc ưa mẫu người này nhất.
Sau một vài câu chuyện xã giao trời mưa trời nắng, ông
giáo ngỏ thẳng vào mắt người đối thoại mỉm cười hỏi :
- Tôi thấy dường như ông Tư có một điều chi áy náy mà
chẳng tiện nói ra, có phải không ạ ?
Ông Tư ngạc nhiên không hiểu sao nhà trí thức mới gặp
lần đầu này lại có tài nhìn thấy rõ gan ruột của mình như vậy. Đang chưa biết
trả lời thế nào cho phải thì nhà giáo đã mỉm cười nói tiếp :
- Sự thực, tài liệu ông Tư đang tìm không có ở trong mớ
giấy tờ kia đâu.
Ông Ba đỡ lời :
- Phải rồi. Tất cả chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Trước khi
đem giao cho cơ quan cảnh sát, tôi đã cẩn thận lập một bản liệt kê. Sau tôi
nghĩ thế cũng chưa đủ nên tôi đưa ra tiệm thuê chụp mỗi thứ một bản để anh Tư
lưu chiếu. Vậy anh Tư cứ soát kỹ tập hồ sơ để lại có bao nhiêu bản sao là bấy
nhiêu bản chính đã giao cho chính quyền.
- Vâng – ông Tư đáp – tôi đã coi đi coi lại, vẫn không
thấy cái tài liệu mà tôi đã căn dặn anh Hai giữ giùm tôi cho thật kỹ.
Ông giáo cười ha hả :
- Ấy chính vì ông Tư dặn đi dặn lại kỹ lưỡng như vậy
nên ông Hai mới không dám để nó chung vào mớ tài liệu kia e có sự lầm lẫn đáng
tiếc !
- Ủa ! Vậy anh ấy còn để riêng ở một chỗ khác nữa sao ?
Ông giáo đáp lửng lơ :
- Chắc vậy !
Cụ Cử và cụ Hương Cả là người ngoại cuộc nên theo dõi
câu chuyện một cách khoan khoái, thầm đoán thế nào hồi kết thúc cũng dành cho
cử tọa một sự ngạc nhiên thích thú. Ông Ba thì áy náy không biết mình có sơ ý
để thất lạc mất tờ nào trong mớ giấy tờ xưa cũ ấy không. Ông nói nửa như để tự
trấn an, nửa như để thanh minh với bạn :
- Tôi coi kỹ lắm. Quyết không để vương vãi mất bản nào
đâu !
Trong khi đó, ông Tư ngẩn ngơ như người mất hồn.
Một nụ cười tinh quái nở trên môi nhà mô phạm.
- Uổng quá ! – nhà giáo chắc lưỡi than – Mất bao nhiêu
công trình, bao nhiêu tâm huyết mới vẽ xong mà nhất thời đánh mất tiêu thì thật là đáng
tiếc !
Nghe nói đến tiếng "vẽ", ông Tư giật nảy
mình, ngó châm bẩm ông giáo, trong lòng nỗi vui mừng rộn rã pha trộn với một
niềm kinh ngạc hoang mang. Không có cách nào tốt hơn là nói thẳng :
- Ông giáo biết ?
- Tôi đoán vậy – ông giáo đáp – Không rõ có trúng không.
Thấy đùa người bạn mới thế là đủ, ông giáo không đợi y
trả lời, nói tiếp :
- Bỡn ông bạn một chút chơi, xin ông Tư đừng giận. Tôi
không đoán đâu. Trái lại, tôi biết rõ. Đó là một tấm bản đồ.
- Phải rồi – ông Tư vui sướng la lên.
- Sao tôi không thấy nhỉ ? – Ông Ba nhẩy nhổm lên tự hỏi
như hỏi một đệ tam nhân.
Cụ Cử vuốt chòm râu bạc trong khi cụ Hương Cả rung đùi
đắc chí y như chính mình sắp truyền cho những người chung quanh một niềm vui
khó tả và khiến cho họ phải vô cùng thán phục.
Ông giáo khẽ quay đầu lại, đảo mắt tìm người sai bảo.
Thấy Hiền đang chạy lăng xăng, ông vẫy lại :
- Anh Hùng đâu ? Kêu anh Hùng lên đây cho thầy bảo,
nghe con.
- Dạ.
Hùng tất tả từ nhà trong bước ra, lại đứng mé sau thầy.
- Thưa thầy kêu con ?
- Ừ. Hôm nọ thầy dặn con cất kỹ khúc nến hồng còn lại
để có việc dùng tới. Bây giờ con lấy mang ra đây cho chú Tư con coi đi.
- Dạ, dạ, để con đi lấy.
Cầm cây nến cháy đỏ hãy còn già nửa, ông giáo ngắm
nghía giây lâu trước khi trao cho ông Tư và nói :
- Câu chuyện cặp nến hồng ra sao, chắc ông Tư đã rõ.
Đây là khúc nến duy nhất còn lại. Bên trên hãy còn tim, nhưng đến dưới chắc có
cái mà ông đang kiếm. Ông thử bửa ra coi. Khéo kẻo rách giấy ở bên trong. Có lẽ
nên lấy dao gọt dần sáp ra thì hơn...
Mọi người reo lên khi thấy lộ ra một mảnh giấy cuộn dài
trong lòng cây nến.
Hai tay run run, ông Tư vuốt cho tờ giấy phẳng phiu,
cặp mắt sáng lên làm rạng rỡ cả khuôn mặt nghiêm trang.
- Đúng rồi ! – ông Tư kêu lên sung sướng – Đúng rồi ! Cảm
ơn ông giáo vô cùng... Thực quả, nếu không tìm được cái này thì cũng khá rầy
rà...
Cử tọa chưa kịp hỏi thêm, ông Tư đã tự ý giải thích :
- Đây là một bản đồ mà tôi trải không biết bao nhiêu
gian nguy mới vẽ được nên. Nhờ nó, bên ta sẽ khám phá ra những nơi chúng chôn
giấu vũ khí, đạn dược. Nếu không, chúng còn khuấy phá liên miên chả để cho ai
yên ổn làm ăn...
Chợt nghĩ lại, ông Tư quay sang hỏi ông giáo Bắc :
- À, mà sao ông giáo biết hay vậy ?
Nhà giáo trả lời khiêm nhượng :
- Có chi đâu mà hay ! Ông Hai đã dặn lại rành rành.
- Ủa ? Anh Hai Trung có dặn ?
- Vâng, trong mảnh giấy giấu trong nửa cây nến không
tim. Chắc ông Ba đã kể cho ông Tư rõ ?
Mọi người bỗng sực nhớ câu chuyện ly kỳ xảy ra ba bữa
trước. Biến cố dồn dập nhanh đến nỗi họ phó mặc các diễn tiến đột ngột nhưng
đầy thích thú lôi cuốn họ đi và làm cho họ quên phứt mảnh giấy đầy chữ số mà
chẳng một ai hiểu nổi ý nghĩa.
Cụ Cử cười ha hả nói :
- Vậy là cái chìa khóa vụ này nằm ở trong mảnh giấy tìm
thấy chiều hôm thứ sáu ở trong cây nến. Có phải vậy không, ông giáo ?
- Thưa cụ, chính thế.
Cụ Hương chắc lưỡi tiếc :
- Chúng tôi thật là mù tịt, chẳng hiểu một chút xíu nào
hết.
Ông Ba thú nhận cái dở của chính mình :
- Chúng tôi mới tệ chứ, thưa các cụ. Bốn năm cha con,
chú cháu mất bao nhiêu thì giờ nghiên cứu, xoay ngược đảo xuôi, tính đi toán
lại, chung quy tắc tị vẫn hoàn tắc tị. Bí mật vẫn hoàn bí mật ! Chúng tôi thật
là quá dở !
Ông Tư tiếp lời :
- Tôi cũng đã được anh Ba cho coi. Cũng cố tìm hiểu
nhưng quả thật bất tài không hiểu nổi.
Cụ Hương Cả nói, giọng nài nỉ :
- Không dám nào, nếu không có gì quá cao siêu, quá khúc
mắc khiến cho người thường không thể lãnh hội được, thì xin ông giáo vui lòng
giảng giải cho chúng tôi được sáng con mắt ra.
Cụ Cử cũng nói thêm vào :
- Phải đấy ! Chả mấy khi gặp được một chuyện lý thú để
nhớ đời ! Giá ông giáo chịu khó cho chúng tôi hiểu được đôi chút thì quý hóa
quá.
Ông giáo vui vẻ và nhũn nhặn đáp :
- Có chi đâu mà các cụ dậy quá lời. Tôi xin trình từ
gốc cho đến ngọn. Chỉ e khi nói ra rồi, các cụ lại la là quá dễ !
Rồi ông nghiêng đầu gọi mấy cô cậu học trò :
- Hùng, Dũng đâu nhỉ ? Cái Hiền, cái Hòa nữa. Ra cả đây
thầy bảo... Nào, các con đã hiểu được đến đâu rồi ?
Mắt nhìn tờ giấy vuốt phẳng phiu để ngay ngắn giữa bàn,
Hùng ấp úng thưa :
- Thưa thầy, chúng con cố đoán mãi chưa ra ạ.
- Thế có nhận xét được điểm nào lạ không ?
- Thưa có. Chúng con nhận thấy con số 30 ở trên cùng lạ
lắm. Nó phù hợp với số chữ số ở mỗi hàng. Nó cũng phù hợp luôn với số các nhóm
chữ số trong tờ giấy.
"Thưa thầy, mỗi hàng có 5 nhóm, mỗi nhóm gồm 6 số,
vị chi một hàng có 30 con số.
"Cả thảy có 6 hàng có 5 nhóm, vị chi tờ giấy bí
mật có tất cả 30 nhóm chữ số.
"Chúng con kết luận : con số 30 là một một điểm bí
mật cần khám phá.
Thầy giáo mỉm cười hỏi :
- Ngoài ra, còn có gì đáng lưu ý nữa không ?
- Thưa thầy, còn. Trước hết là con số đầu của mỗi nhóm
chỉ quanh quẩn từ 0 đến 3 mà thôi.
"Kế đến con số áp chót của mỗi nhóm luôn luôn là
con số 0.
"Sau hết, con số chót của mỗi nhóm thay đổi từ 1
đến 8. Không bao giờ là số 0 cũng như không bao giờ là số 9.
Thầy giáo khen :
- Ừ, các con nhận xét đúng đấy. Nhưng ý nghĩa của những
điểm đặc biệt ấy ra sao, nói thử thấy nghe.
Cả bốn cô cậu cùng đồng thanh :
- Chúng con xin chịu. Nghĩ mãi không ra.
Ông thầy mỉm cười, nhìn lũ học trò, giải thích :
- Các cô, các cậu không nắm vững được thâm ý của tác
giả nên đường quang không chịu đi, lại bước quàng vào đường rậm. Dễ hóa ra khó
là thế !
"Phải biết dụng tâm của ông Hai lưu lại giấy này
là để "chỉ dẫn cho người nhà", chứ không phải để "làm khó những
người xa lạ".
Vậy ta phải nghĩ đến cái "giản dị" thay vì
đến những cái gì "khúc mắc".
"Mấu chốt của những hàng chữ số không phải ở chính
các chữ số ấy, mà ở "nhóm chỉ huy" ở trên đầu tức là ở mấy chữ KVK30
đứng tách hẳn ra ở trên cùng.
"Biết được ý nghĩa của mấy chữ ấy là nắm được cái
chìa khóa của những hàng chữ số theo sau.
"Ta đã biết những khi thừa nhàn, ông Hai thường
hay ngâm nga những quyển truyện bằng thơ như truyện Kiều, truyện Lục Vân Tiên.
"Vậy KVK có thể là Kim Vân Kiều.
Tụi trẻ la lên, giọng hoài nghi :
- Ủa ! Sao lạ vậy thầy ?
- Ủa ! Có chắc vậy không thầy ?
Ông thầy trả lời ôn tồn :
- Thầy vừa nói "có thể", chứ thầy chưa nói là
"chắc chắn". Sau này, phải phối kiểm mới rõ được là đúng hay sai.
"Vì sao thầy lại có cái giả thuyết ấy ? Là vì
truyện Kiều là một áng văn chương đã trác tuyệt, lại bình dân, vừa dễ kiếm, vừa
không có nhiều "thoại" khác nhau như truyện Lục Vân Tiên. Tuy nhiên,
ông Hai cũng cẩn thận ghi năm xuất bản của cuốn truyện ông dùng để cho ta dễ
tra cứu. Quyển truyện Kiều ông Hai dùng in vào năm 1930.
- Đúng rồi ! – Hiền reo lên – Nhà con có quyển Kiều in năm
1930 ở Saigon.
Ông Bắc giải thích tiếp :
- Bây giờ ta xét xem các nhóm chữ số có ý nghĩa ra sao.
Trước hết, thầy công nhận mấy điểm nhận xét vừa rồi của các con rất đúng. Nhưng
điều quan trọng là tìm hiểu xem những đặc điểm ấy nói lên cái gì.
"Mỗi nhóm có 6 số, số đầu lớn nhất là 3, số chót
thay đổi từ 1 đến 8, và số áp chót luôn luôn là 0.
"Nếu ta tách mỗi nhóm ra làm 2 : nhóm trước 4 số
và nhóm sau 2 số, ta sẽ có :
- ở nhóm trước, con số nhỏ nhất là 0001, và con số lớn
nhất là 3204.
- ở nhóm sau, có đủ các số từ 01 đến 08.
"Ta đã biết truyện Kiều có tất cả là 3254 câu, mỗi
câu có 6 hay 8 chữ.
"Suy ra, ta thấy nhóm 4 số trước chỉ thứ tự các
câu trong truyện Kiều và nhóm 2 số sau chỉ thứ tự chữ trong mỗi câu.
Mọi người dường như còn bán tín bán nghi vì không thể
ngờ sự thực lại giản dị quá đến như vậy, mặc dầu ai cũng hiểu ông giáo đã nói
là phải đúng.
Hướng về các vị lão thành trên bàn tiệc, ông Bắc nói :
- Thưa các cụ, bây giờ tôi xin phối kiểm xem giả thuyết
vừa nêu có đúng không.
Quay về phía các học trò, ông thầy bảo :
- Nào, một cô vào trong nhà lấy quyển Kiều ra đây...
Rồi ông phân công :
- Một cậu đọc các con số. Nhớ chia mỗi nhóm ra làm 2
nhóm nhỏ. Đọc nhóm 4 số trước, rồi đến nhóm 2 số sau. Một cậu dò trong truyện,
dò số câu trước, số chữ sau. Được chữ nào, đọc to lên cho cô nào viết ra giấy
để các cụ coi.
"Nào, bắt đầu nghe ! Đọc 4 số trước, 2 số sau...
Hùng đọc :
- 0322
- 04
Dũng dò :
- Câu 322 là : Kẻ nhìn rõ mặt, người e cúi đầu.
"Chữ thứ tư là chữ Mặt. Hoà, viết chữ Mặt đi.
Hùng đọc tiếp :
- 0772
- 03
Dũng lật lật mấy tờ, chăm chú đọc :
- Câu 772 là : Dẫu mòn bia đá dám sai tất lòng.
"Chữ thứ ba là chữ Bia. Ê, viết chữ Bia !
- 0039
- 01
- 39 : Ngày xuân con én... Chữ thứ nhất : Ngày.
- 2197
- 01
- 2197 : Rộng thương cỏ nội hoa hèn. Viết chữ Rộng đi.
Cụ Cử lẩm nhẩm :
- Mặt bia ngày rộng... Chữ thứ 5 là chữ...
Cụ đang nghĩ thì Hùng đã đọc oang oang :
- 1965
- 03
Cụ Cử gật gù nói một mình :
- Có thể là chữ Mở.
Vừa vặn nghe thấy tiếng Dũng đọc :
- Liệu bài mở cửa cho ra. Chữ thứ ba là chữ Mở.
Thấy mình đoán trúng được chữ chót trong câu, cụ già
đắc chí cười vang, rồi cất giọng ngâm :
"Liệu bài mở cửa cho ra,
"Ấy là tình nặng, ấy là ơn sâu.
Cả nhà tủm tỉm cười như cùng vui cái vui tao nhã của
nhà nho.
Hùng, Dũng và Hòa cứ tiếp tục kẻ đọc, người dò, người
thứ ba viết.
Cụ Cử theo thật sát, nhớ vanh vách những chữ đã tìm ra
và thử đoán những chữ kế tiếp. Có chữ đúng, có chữ trật.
Chữ chót câu thứ nhì là chữ Duyên, cụ đoán trúng một
cách dễ dàng. Vả lại có một màn ngâm sang sảng :
"Cũng là phận cải duyên kim,
"Cũng là máu chảy ruột mềm chứ sao ?
Chữ cuối câu thứ tư lại trúng nữa. Lại ngâm :
"… Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông ?
Trò chơi cứ thế tiếp tục, ba người trẻ muốn chạy cho
nhanh, còn cụ già thì muốn ngưng lại giây lát ở những chỗ cụ cho là lý thú.
Nhóm 6 con số chót dò xong, ông giáo đặt ly rượu xuống
bàn, bảo Hòa vừa dừng bút :
- Hòa, đọc lên cho các cụ nghe cả bài thơ đi con.
Hòa vâng lời, hắng giọng đọc :
"Mặt bia ngày
rộng mở
"Đợi khách có cơ
duyên,
"Giấy tờ trong
ruột đá,
"Liệu cứu anh Tâm
Điền.
"Bản đồ riêng dặn
kỹ,
"Lòng nến cất y
nguyên.
Mọi người trầm trồ khen ngợi, nhất là cụ Cử :
- Hay tuyệt! Thật là quá rõ ràng, không thể lầm lẫn vào
đâu được nữa !
Tươi cười, bà Hai góp chuyện :
- Thảo nào ! Sáng hôm qua, ông giáo hỏi tôi về chuyện
tấm bia, tôi cứ thắc mắc không hiểu tại sao ông biết cả những việc nhà tôi làm
khi còn sinh tiền.
Sau mấy phút lưỡng lự, cụ Hương Cả nhờ giải đáp một câu
mà cụ nghĩ mãi không ra :
- Tôi hỏi thế này khí không phải, ông giáo bỏ qua đi
cho nhé : Tại sao ông đoán những hàng chữ số ấy là những câu thơ ?
- Giản dị lắm, thưa cụ. Những chữ số xếp có hàng có lối
làm cho người coi liên tưởng ngay đến một bài thơ. Đây rõ ràng là một bài thơ
năm chữ. Có sáu câu. Tôi tạm đoán vậy rồi tôi phối kiểm lại. Cả bà Hai, cả ông
Ba đều cho biết khi sinh thời ông Hai hay làm thơ vào những lúc thừa nhàn. Vả
lại, thơ là một thể thức bảo đảm nhất khi người trước muốn lưu lại mấy chữ cho
người sau. Thơ có vần, có điệu, có số chữ nhất định, nếu đoán lầm hay thiếu sót,
người ta sẽ thấy ngay.
Cụ Hương lại hỏi :
- Theo ông giáo, ngoài ý nghĩa thông thường ai cũng
hiểu, bài thơ này còn có ý nghĩa nào thâm trầm khác không ?
- Thưa cụ – ông giáo đáp – ý nghĩa thâm trầm bí hiểm thì
không có đâu vì như tôi đã trình bầy, bản tâm của ông Hai là "chỉ
dẫn" cho người sau chứ không phải là che giấu. Cho nên mỗi chữ đều được
chọn lựa để cho có ý nghĩa thật rõ ràng, minh bạch...
Tiện đà, ông giáo bình giảng từng câu cho cử tọa cùng
am hiểu :
- Như câu thứ nhất có 5 chữ : Mặt bia ngày rộng mở. Tôi
quý nhất chữ "Mặt" và chữ "Mở". Nhờ hai chữ ấy, tôi biết
tấm mộ bia có cửa ngầm mở ra được ở phía trước mặt. Vì tấm bia hình hộp có 6
mặt, nếu không nói rõ sẽ mất rất nhiều thì giờ mò mẫm.
"Câu thứ hai, đáng chú ý nhất là hai chữ "cơ
duyên". Nghĩa thông thường của hai chữ này lả Cơ hội và Duyên nợ. Ở đây,
nó còn có nghĩa là Duyên nợ về máy móc. Do đó, hôm qua đi Kiến Hòa, tôi phải cụ
bị mấy món đồ nghề về cơ khí.
"Câu thứ ba nói rõ trong ruột đá chỉ có giấy tờ
chứ không có vàng bạc chi hết. Thâm ý là để tránh mọi hiểu lầm trong trường hợp
không có nhiều người cùng chứng kiến lúc mở tấm bia.
"Câu thứ tư nhấn mạnh đến chữ "Liệu" và
hai chữ "Tâm Điền".
"Là một người từng trải, ông Hai lo thời thế có
chuyện đổi thay, e các giấy tờ để lại có phản tác dụng nếu không cân nhắc trước
khi dùng, nên dặn phải liệu thời mà sử dụng mới cứu được ông Tâm Điền.
"Theo tôi nghĩ, Tâm Điền là do chữ Tư chiết tự mà
ra. Hỏi lại thì ông Ba cho biết có một dạo ông Tư đã dùng bút hiệu ấy thay cho
bút hiệu Anh Tư. Vậy tài liệu cất giấu trong bia đích thực liên quan đến ông
Tư, không còn nghi ngờ gì nữa.
"Đọc câu thứ năm "Bản đồ riêng dặn kỹ"
đủ thấy ngày trước ông Tư đã căn dặn ông Hai cẩn thận đến như thế nào. Bởi lẽ
đó, ông Hai không dám để chung bản đồ vào mớ tài liệu, sợ có sự lầm lẫn đáng
tiếc.
"Còn câu chót "Lòng nến cất y nguyên" ý
nghĩa cũng quá rõ ràng. Ông Hai để lại một cặp nến hồng. Hôm nọ, thắp cúng đã
cháy hết non nửa mỗi cây. Một cây đoạn dưới không tim đã được bửa ra cho chúng
ta thấy mảnh giấy này. Chỉ còn lại một khúc thắp dở đây thôi. Dĩ nhiên, bản đồ
phải nằm yên trong đó.
Cụ Cử gật gù tán thêm :
- Theo ý ngu của tôi, bài thơ có 6 câu mà chia rõ ra
làm 3 đoạn, mỗi đoạn 2 câu riêng biệt.
"Đoạn đầu dành cho người chưa quen biết nhưng là
"khách có cơ duyên". Tác giả nhờ ông khách này mở giùm cái cửa ngầm ở
mặt bia.
"Đoạn thứ hai là lời của ông anh dặn ông em phải
liệu mà cứu người bạn hiền.
"Còn đoạn chót, các cụ nghe có đúng là lời của ông
Hai nói riêng với ông Tư không nào ?
Cả nhà, người lớn cũng như trẻ con, vỗ tay khen nức nở
:
- Thật rõ như ban ngày. Vậy mà nghĩ mãi không ra !
Phút ồn ào trôi qua. Ông Tư ngước mắt lên bàn thờ, đăm
đăm nhìn khuôn mặt đầy đặn của người bạn cố tri và than thở, tiếc thương :
- Anh Hai phúc hậu như vầy mà trời bắt vắn số ! Anh Hai
thương tôi thật hết lòng. Nhưng nếu chúng tôi không có cơ duyên gặp được ông
giáo đây thì chưa chắc giờ này tôi đã có cái diễm phúc được ung dung ngồi đây
hầu rượu các cụ.
Bà Hai trịnh trọng tiếp lời :
- Ở hiền gặp lành mà, anh Tư ! Xưa kia, anh đã cứu giúp
biết bao nhiêu người. Nhờ ơn anh biết bao nhiêu gia đình khỏi phải tan nát. Âm
đức ấy được trời ngó lại mà đền bù cho là xứng đáng lắm !...
Bữa tiệc hôm nay vui, không bị phá đám như buổi họp mặt
ba hôm về trước.
Để tỏ lòng mến trọng người bạn mới, ông giáo Bắc vốn ít
rượu đã đặc biệt "phá lệ" đứng dậy mời mọi người cùng nâng ly mừng
cho sự thành công của người đã một thời gian dài xả thân lo cho sự an nguy của
đồng bào chẳng may bị kẹt ở trong vòng hắc ám.
CHÂN
PHƯƠNG
5/1973
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.