Khi
cái giá lạnh của mùa đông dịu bớt để nhường chỗ cho sự ấm áp của mùa
Xuân, loài ếch bắt đầu rời khỏi hang để lên bờ phơi nắng. Sự sống như
trở lại với chúng, chúng bắt đầu sinh hoạt bình thường khi chúng ta ăn
Tết. Chúng đi bắt muỗi mòng, sâu bọ làm thức ăn bù lại những ngày đói
trong mùa đông lạnh, và chúng cũng bắt đầu cất tiếng kêu nỉ non trong
các vũng nước ao hồ. Tiếng kêu của ếch là một điệu nhạc êm tai đối với
người, và đối với ếch cái, thì đó là tiếng gọi mang tình yêu đến cho
chúng.
Những con ếch cái thụ thai trong mùa Xuân và đến mùa hè, khoảng tháng 4
thì chúng tìm nơi ấm áp để đẻ trứng. Vậy, có ai còn nói rằng loài ếch
không biết ăn Tết như ta.
Còn loài cá thu thì đến cuối mùa đông chúng cũng rủ nhau từng bầy lội từ
biển cả về sông ngòi. Trong cuộc hành trình, dù có gặp trở ngại gian
nan thế mấy chúng cũng tìm đủ cách vượt qua để được hưởng xuân tại một
nơi nước ngọt ấm áp nào đó. Khi đã chọn được địa điểm, thân thể chúng
bắt đầu thay đổi màu sắc để được mặc một bộ đồ mới ăn Tết: bụng đổi
thành màu bạc, bên sườn lóng lánh và lưng thì có màu sẫm.
Trái ngược với loài cá thu, đến mùa Xuân loài lươn lại kéo nhau từng đoàn đi từ sông ra biển để du Xuân.
Đến mùa nầy, lúc chúng ta bắt đầu ăn Tết là lúc lươn bắt đầu cổi lớp da
vàng để mặc một lớp da màu bạc và trên lưng có màu nâu sẫm hay đen, và
chúng lần mò lội ra biển cả để chuẩn bị sanh sản. Lỗ mũi nó phình ra,
mắt nó to lớn khác thường, nó bắt đầu nhịn đói và vượt đường xa với vận
tốc khoảng 50 cây số mỗi ngày. Sau cuộc hành trình mấy ngàn cây số, hai
vợ chồng lươn đẻ ra một bọc trứng ở sâu khoảng 400 mét dưới mặt nước
biển rồi bỏ đó và biến mất. Những nhà sinh vật học chịu thua chẳng biết
chúng đã chết hay chúng đã đi đâu. Rồi cũng trong mùa xuân, bọc trứng nở
thành một đám lươn non tượng hình lá liễu. Chúng lúc nhúc hằng hà sa
số, đủ thứ lươn ở các vùng đất khác nhau. Chúng lớn lên sau nhiều tuần
lễ và chúng ca bài chia tay, lươn xứ nào lội về xứ ấy. Sự tách đoàn tài
tình đến nỗi không ai tìm thấy lươn Mỹ Châu sống ở Á Châu.
Thời kỳ phát triển đầu xuân còn nhiều lạ lùng với các loại cá mình dẹp
như cá chim, cá lưỡi trâu. Một chuyện lạ đặc biệt là với các chú cá nầy,
mới nở thì hai mắt đều đặn ở hai bên, khi đến mùa Xuân thì một trong
hai con mắt nầy sẽ di chuyển lần lên đỉnh đầu và trèo sang nằm một phía
với con mắt kia. Cứ như vậy cá nằm ẹp một bên hông, và ngắm nhìn mùa
Xuân với hai mắt ở một phía. Chúng lớn dần và đến một mùa Xuân khác lại
có sự di cư của con mắt đó trở về vị trí cũ.
Không chịu thua các sinh vật sống dưới nước, loài vật sinh sống trên mặt đất cũng ăn Tết một cách lạ lùng.
Sau giấc đông miên dài tưởng chừng vô tận, các con vật đều bừng tỉnh và
choàng dậy khi mùa Xuân đến. Những con gấu, chuột, thỏ... bắt đầu lóp
ngóp bò từ hang sâu lên mặt đất và bắt đầu đi kiếm ăn.
Loài bướm cũng rời khỏi kén bắt đầu đi tìm hoa để hút mật. Ở Mỹ có những
thành phố, vào khoảng tháng giêng tháng hai dương lịch (vào dịp Tết của
ta), các cô cậu học sinh bé bỏng còn tổ chức cả đám rước mừng lớn lao
để đón đàn bướm bay về.
Và cũng trong mùa Xuân, những con bướm nầy sau khi đã lớn nhờ mật hoa,
vội vàng bay đi tìm nơi đẻ trứng. Những đám trứng bướm muôn mặt như viên
kim cương sẽ trở thành sâu sau khoảng thơi gian mười hay mười lăm hôm,
đã đánh dấu cho một mùa Xuân của đời bướm. Nói đến chuyện ăn Tết của các
loài thú mà không nhắc đến các con thú sống quanh quẩn chung quanh ta
là một điều thiếu sót.
Với chó và mèo, các con thú nầy không ăn Tết vào mùa Xuân như ta, mà
chúng chỉ ăn Tết vào khoảng tháng bảy tháng tám âm lịch. Đến khoảng
tháng bảy, gần đến Trung Thu, ta mà buộc dây mấy con chó hoặc mèo trong
nhà thì chúng cũng cắn đứt dây để tìm cách đi chơi.
Còn các loài gà, vịt, heo thì Tết là những ngày chúng sung sướng nhất vì
những ngày nầy ít nữa chúng cũng được yên thân không bị người trói chân
đem ra chợ.
Đến năm chuột mà không nói đến chuyện anh hai Tý thì cũng là một việc
quên đáng trách. Chuột là giống vật ăn Tết quanh năm, lúc nào ta cũng
thấy nó vui đùa ríu rít, chạy tung tăng đầu nầy góc kia trong nhà. Và
loài chuột có một trí thông minh kỳ lạ, nó có thể suy xét tính toán, và
trí nhớ của nó rất thần tình vì nó có thể đi về trên những con đường rất
khó khăn khó nhớ.
Giống chuột lại rất mưu mẹo, chuyện tránh các bẫy của người, chuyện đánh
cắp trứng gà ở đầu tủ là những chứng minh. Một chú chuột muốn ăn vụng
dầu mỡ, nó gặm cho bật nút chai ra rồi nhúng đuôi vào chấm ít mỡ, xong
nó quặp đuôi lên miệng và mút một cách thú vị.
Tóm lại, giống vật con nào cũng biết hưởng Xuân, biết ăn Tết như người,
xin đừng ai khinh thường chúng không biết gì mà tội nghiệp.
TRẦN NGỌC KÍNH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Nhâm Tý, 1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.