Hai
cha con bác Tư đang dùng bữa cơm đạm bạc chỉ có rau luộc với mắm chưng,
nhưng cả hai ăn như đã quen miệng. Nhất là Hiền, con bác Tư lúc nầy
đang bận rộn với một ý nghĩ, đâu còn rảnh rang để tâm đến sự ngon dở của
thức ăn.
Hình như Hiền có điều gì muốn nói với cha nên thỉnh thoảng ngước nhìn bác Tư, toan mở miệng lại cúi đầu ngần ngại và cơm.
Bác Tư phá sự yên lặng, hỏi con bằng một giọng dịu dàng:
- Hôm nay trong trường có gì lạ không con?
- Dạ không...
Hiền trả lời, như muốn kéo bầu không khí trầm lặng trở về.
Một lúc sau, Hiền chợt buông đũa chén đang ăn dở, như đã thu hết can đảm để bật ra hai tiếng:
- Thưa ba...
- Gì hở con?
Hiền thấy đã đến lúc phải cương quyết bộc lộ cái ý nghĩ quay cuồng trong óc mình, nên run run nói:
- Ba cho con thôi học.
Bác Tư ngây người trợn mắt nhìn con. Rồi tưởng mình nghe không rõ, bác hỏi lại:
- Con nói gì? Con muốn nghỉ học ít bữa hả?
- Dạ không, con xin ba cho thôi học luôn.
Mọi vật như đảo lộn. Hiền chợt biến mất, trước mắt bác Tư chỉ là một đứa trẻ xa lạ.
Bao nhiêu mộng đẹp xây đắp khi nhìn đứa con yêu cắp sách đến trường giờ
đây sụp đổ, như vừa có một trận động đất trong tâm hồn. Bác liên tưởng
đến kiếp sống của bác, con bác muốn sống như cha vậy chăng?
Ngày xưa bác không được đi học, cũng như phần đông các trẻ em nghèo thời
ấy. Lớn lên bác phải đi vác mướn, đạp xích lô, làm việc lao lực mà kiếm
chẳng được bao nhiêu tiền. Khổ nhọc, cay đắng đến liên tiếp, khiến bác
chán ngấy cái nghề nầy. Bác muốn con bác đừng lâm vào hoàn cảnh của bác,
nên mới cho Hiền đi học, mong sao nó đoạt được mảnh bằng tiểu học rồi
cho nó sang học trường bá nghệ. Bác nghe thầy ký ở gần nhà bảo rằng: học
trường ấy ra làm thợ máy, tương lai cũng khá tươi đẹp.
Nhưng bây giờ thì ước muốn của bác tan tành. Con bác sắp sửa rời bỏ lối đi đầy hoa, để dò dẫm bước sang một ngõ tối tăm gai góc.
Bác vụt thấy hình ảnh vợ hiện trước phút lâm chung, và bên tai như còn văng vẳng những lời trăn trối:
- Ông rán lo cho con ăn học, đừng để nó sống cơ cực như mình...
Phải rồi, bác không thể để Hiền làm trái lời mẹ nó được!
Bác cố nén giận, lấy giọng bình thản hỏi con:
- Tại sao con muốn thôi học?
Hiền đã sắp đặt sẵn nên trả lời ngay:
- Thưa ba, con thấy ba một mình phải làm việc mệt nhọc, nên con muốn
thôi học để giúp đỡ chút ít, con sẽ đi bán lặt vặt như tụi thằng Thẹo
vậy...
Bác Tư ngắt lời:
- Thôi, ba biết đó không phải là cái cớ làm con muốn thôi học, mà chỉ tại con lười biếng, thích vui chơi...
- Đâu có ba!
- Để ba nói, con năm nay học lớp nhì rồi, nghe lời ba, rán chịu khó học
vài năm nữa có lâu lắc gì đâu? Còn nhỏ mình chịu cực thì lớn lên được
sung sướng, ủa, mà đi học có cực khổ gì chớ?
- Bị thầy đánh hoài chớ hổng cực!
Bác Tư bật cười:
- Không lẽ tự dưng bị thầy phạt, tại con không chịu học chớ gì.
- Thưa ba, mình nghèo, học cho biết chữ thôi, mong làm thầy thông thầy ký chi ba? Nữa con đạp xích lô như ba cũng được.
- Con không biết, nghề của ba nặng nhọc lắm...
Con chịu được mà ba!
Bác Tư không dằn được sự tức tối nữa, nó dâng lên làm mắt bác đỏ ngầu. Bác đứng bật dậy thét hỏi lần cuối:
- Mầy nhứt định bỏ học phải không?
- Dạ!...
Tiếng "dạ" của Hiền như một lưỡi dao phóng ngập vào tim bác. Bác chồm
tới vung tay tán vào mặt đứa con khờ dại. Nhưng Hiền tránh được, hoảng
hốt xô ghế chạy ra khỏi nhà. Bác Tư xách ghế rượt theo tới ngưỡng cửa,
mới dừng lại quát vói:
- Đi luôn đi, tao cấm mày về nhà. Tao không muốn có thằng con như vậy đâu!
*
Vườn hoa Lạc Hồng nằm bên bờ sông rộng, mỗi khi đêm về lại bừng vui hẳn
lên. Người ta rủ nhau đến để hóng gió mát, ngắm cỏ hoa và say sưa trước
cảnh sông nước mơ màng. Đêm nay vẫn thế, vẫn rộn rịp bóng người, vẫn
vang vang tiếng trẻ cười reo. Bộ mặt của vườn hoa chẳng khác đêm rồi,
giống như một đoạn phim quay đi quay lại nhưng người xem vẫn không biết
chán!
Trái ngược với những hình ảnh vui tươi đó, ở một góc vườn, một cậu bé
ngồi gục đầu ủ rũ trên chiếc băng đá xa khuất ánh đèn màu. Càng trái
ngược hơn là ở lứa tuổi hồn nhiên ấy, đáng lẽ cậu phải tung tăng chạy
nhảy như các bạn đàng kia, lại một mình lặng lẽ ngồi đây. Cội liễu sau
lưng cậu cũng không có dáng buồn đến thế!
Cậu nào hay có một bóng đen nhỏ thó đang rón rén tiến về phía mình. Bóng đen đến sau lưng vồ lấy vai cậu bé kêu to:
- Hiền!
Đúng là Hiền, con bác Tư, lúc ấy giật mình ngẩng lên rồi cũng reo:
- A, Quang!
Đôi bạn thân vừa gặp nhau. Họ cùng học chung lớp. Quang ngồi xuống bên bạn, choàng một tay qua vai Hiền thân mật hỏi:
- Có việc gì mà trông buồn quá vậy bồ?
- Có gì đâu!
Quang rút tay ngồi ngay lại giận dỗi:
- Giấu hén?
- Thôi thì để Hiền nói. Hiền bị ba đuổi không cho về nhà nữa!
- Ủa sao lạ vậy?
- Tại Hiền thấy ba làm việc cực khổ nên xin ổng cho mình thôi học đi bán giúp đỡ...
Quang lặng thinh một chốc rồi hỏi:
- Bây giờ Hiền tính ở đâu?
- Hiền chưa biết nữa!
Quang đứng lên kéo tay bạn:
- Đi lại đàng này nói chuyện ấy với ba má Quang.
Đôi trẻ dắt nhau đến gặp hai ông bà ngồi gần đấy. Hiền cúi chào:
- Thưa hai bác!
- Ờ cháu!
Đó là ông bà Phán, ba má Quang, quen biết ba Hiền trong một trường hợp đặc biệt:
Một hôm bà Phán tình cờ đi xe xích lô của bác Tư. Khi xuống làm rớt trên
xe cái bóp đựng mười mấy ngàn đồng. Lúc sau bác Tư mới trông thấy vội
đem trả lại. Ông bà Phán cảm phục nài ép tặng bác một số tiền, nhưng bác
một mực từ chối. Sau cùng ông bà xin được kết bạn với con người chính
trực đó. Bác Tư nhận lời, nhưng không chịu một sự giúp đỡ nào của ông
bà. Ông bà Phán quí trọng người bạn nghèo của mình lắm.
Nghe xong chuyện của Hiền, ông Phán bảo:
- Thôi cháu hãy lại ở với hai bác, đợi ba cháu nguôi giận rồi về xin lỗi.
Bà Phán tiếp lời:
- Cháu đừng ngại, cứ xem hai bác như ba cháu vậy.
Sau đó, Hiền theo về với ba má Quang. Nhà ông bà rộng rãi, Quang là con
một nên chiếm riêng cả phòng, nay thêm Hiền cũng không thấy chật.
Sáng ra, lúc Quang đi học, ông Phán dặn Hiền, trước khi đi làm:
- Cặp sách cháu để nơi nhà cả rồi. Thôi cứ nghỉ học vài hôm đi! Nhờ thằng Quang xin phép hộ cho.
Từ đấy, Hiền được thong thả ở nhà bạn: Hôm đầu Hiền rất vui thích vì
được tự do bay nhảy, rảnh rang chơi ngoài phố, không phải bó chân trong
lớp học tẻ nhạt. Nhưng mấy hôm sau, Hiền tự nhiên thấy buồn trước những
giờ khắc vô ích chậm chạp trôi qua và lẻ loi giữa muôn người đang làm
việc. Nhìn Quang vui vẻ đến trường, Hiền chợt nhớ lớp học, nhớ thầy, nhớ
bạn lạ! Hiền thấy mình dại dột khi có ý thôi học. Nếu bác Tư không đủ
tiền cấp dưỡng cho con tiến thêm trên quãng đường học vấn, thì ý muốn đó
thật phải lẽ. Nhưng ở đây, như lời bác nói, Hiền muốn thôi học chỉ vì
lười biếng, sợ học bài, sợ làm những bài toán rắc rối đó thôi!
Hiền tự thẹn khi thấy Quang chăm chỉ học hành khiến cha mẹ vui lòng, còn
mình chẳng biết lo xa, làm phiền lòng người cha đáng kính.
Buổi tối thứ năm, kể từ lúc Hiền mới đến nhà ông bà Phán, Quang hớn hở
đem khoe với ba má tấm bảng danh dự, kết quả học tập của mình. Bà Phán
sung sướng ôm con vào lòng, âu yếm nói:
- Con tôi giỏi quá! Tháng nào cũng được bảng danh dự...
Ông Phán thì tươi cười bảo:
- Để tưởng thưởng, chúa nhựt nầy ba sẽ cho con đi xem chiếu bóng.
- Cho Hiền đi với con nha ba?
Quang biết đâu câu nói tốt lành ấy đã làm Hiền đỏ mặt... Nãy giờ Hiền
ngồi gần đấy, theo dõi cảnh gia đình ấm cúng đó lòng rộn lên một niềm
mơ. Hiền ao ước được vui vẻ như bạn...
- Bây giờ con với Hiền đi thăm anh bạn ở xóm dưới nầy, nghe ba má!
- Ừ, có đi thì về cho sớm nhé!
- Dạ, thôi đi Hiền.
Quang lôi bạn đi. Ra đường Hiền hỏi:
- Đi thăm ai vậy?
- Thăm anh Hòa.
- Anh trưởng lớp ấy à? Ảnh đau sao?
- Không, tới đó Hiền sẽ biết. À, lại góc đường đây mình sẽ gặp tụi thằng Dũng cùng nhập bọn đi luôn.
- Có thằng Tạo lé không?
- Có, mà nầy đừng gọi nó thế chứ. Quang không hiểu sao các bạn ưa chọc ghẹo ác quá vậy?
- Có gì, hễ ghẹo nó thì nó rượt cho chạy, chơi trò cút bắt không phải bị
bắt rượt lại ấy mà... Nhưng chuyện đó lâu rồi, lúc rày có trêu chọc
cách mấy nó cũng cười trừ nên tụi Hiền thôi chơi trò đó.
Quả như lời Quang nói, tới góc đường đôi bạn gặp ngay bộ ba Dũng, Sơn, Tạo. Thấy Hiền, Sơn cười to:
- Ủa, tao nghe thằng Quang nói mầy bịnh mà!
Hiền mắc cỡ quá, may Quang đỡ lời:
- Bồ tao mới hết bịnh mà mậy. Thôi đi chớ, tối rồi.
Cũng như Quang, Hòa thuộc nhóm học trò giỏi trong lớp. Anh tương đối lớn
tuổi hơn các bạn nên thầy cho làm chức trưởng lớp. Hòa ở trong xóm lao
động nhà cửa nằm chen chúc nhau. Dũng dẫn cả bọn len lỏi qua các ngõ hẻm
đi gần rã cả chân mới dừng bước trước một gian nhà lá xập xệ nghèo nan
hơn cả ngôi nhà của Hiền. Dũng tiến lên gõ cửa. Có tiếng Hòa hỏi bên
trong:
- Ai đó?
- Dũng và các bạn đây!
Cánh cửa kẹt mở. Hòa hiện ra hỏi:
- Mấy bồ đi đâu tối vậy? Mời vô nhà chơi.
Dũng khều Quang. Quang lật đật vừa móc túi lấy ra một phong bì vừa đáp:
- Thôi, để bác nghỉ. Tụi tôi thay mặt cả lớp đến tặng anh cái nầy rồi đi ngay.
Quang trao phong bì cho Hòa và tiếp:
- Cầm đi anh, bằng không tụi tôi hổng chơi với anh nữa đa! Còn dụng cụ lớp học các bạn hùn tiền mua rồi, anh đừng lo.
Hòa ngạc nhiên:
- Cái gì đây?
- Anh mở ra hẳn biết. Thôi tụi tôi về.
Quang và các bạn quay đi bỏ mặc Hòa đứng mân mê phong bì, nhìn theo ngơ ngác.
Mọi việc diễn ra Hiền không hiểu tí gì. Đợi lúc chia tay với bọn Dũng xong, Hiền hỏi Quang ngay:
- Quang đưa thơ gì cho anh Hòa đó?
- À, bây giờ thì Quang nói rõ đầu đuôi cho Hiền rõ:
Hôm trước thầy có bảo mỗi đứa góp hai đồng giao cho anh Hòa mua dụng cụ
trong lớp. Ảnh lãnh tiền cả mấy bữa mà không thấy mua chi hết trọi.
Thằng Dũng nói ảnh "thụt két", nó quyết đi mét với má ảnh. Nhưng sau đó
Dũng cho hay nó dò hỏi lại thì mẹ anh Hòa bị bịnh nên ảnh lấy tiền của
lớp mua thuốc hết trơn. Hiểu ra các bạn đều cảm động hùn tiền đem tặng
anh Hòa đấy.
- Anh Hòa nhà nghèo đến thế mà vẫn cố gắng học hành giỏi giắn, thật đáng phục quá, Hiền nhỉ?
Hiền không đáp nhưng câu nói đó làm Hiền suy nghĩ rất nhiều.
Đêm ấy, Quang thấy bạn mình trằn trọc không ngủ. Mắt mở thao láo nhìn vào bóng đêm, Hiền như đang đắm hồn trong nghĩ ngợi.
Hôm sau, trời vừa hừng sáng Hiền đã xin ông bà Phán cho về nhà mình. Ra
đường, Hiền đi thật mau như sợ mất đi phút giây gặp gỡ cùng cha, người
cha kính yêu mà Hiền tưởng như mình đã xa cách cả mấy năm trường.
Chẳng mấy chốc, Hiền đến nơi. Thấy cửa đóng kín Hiền lên tiếng gọi:
- Ba ơi!...
Nhưng không một tiếng đáp, yên lặng như chẳng có người. Bỗng chú Năm ở nhà kế bên hỏi vọng sang:
- Thằng Hiền đó hả? Sao hổm rày đi đâu mất để ba mầy bịnh gần chết vậy?
- Trời! Vậy sao chú?
Hiền kêu lên, và vội vã xô cửa bước vào nhà, chập choạng đi trong bóng
tối. Vào buồng, Hiền thấy bác Tư nằm im trên bộ vạc kiền chạy lại ôm lấy
cha, lo lắng hỏi:
- Ba bịnh có sao không ba?
Bác Tư cựa mình yếu ớt hỏi lại:
- Mầy còn về chi đó?
Hiền gục đầu khóc mùi, một lúc lâu mới nức nở nói:
- Xin ba tha tội cho con. Con sẽ cố gắng học hành để ba vui lòng.
Bác Tư bịnh một bịnh không thuốc nào chữa được. Đó là tâm bịnh. Bác nóng
giận đuổi con đi, rồi lại sợ nó lang thang đói khổ. Đau buồn, lo lắng
dày vò làm bác nhuốm bịnh. Bây giờ con bác đã hối hận trở về xin tội,
bỗng nhiên bác thấy khỏe hẳn, như chẳng hề đau ốm bao giờ. Tuy nhiên bác
cũng hỏi gặng:
- Thưa ba lần này nếu con không học hành chăm chỉ, ba từ con luôn đi!
Bác Tư chống tay ngồi dậy, vuốt ve đầu con:
- Ba tin con giữ lời hứa...
- Xin ba nằm nghỉ kẻo mệt.
- Không, ba sung sướng quá tự nhiên thấy bịnh hoạn tiêu tan hết rồi!
Hôm sau Hiền cắp sách đi học và bác Tư cũng chạy xe trở lại khi lành
bịnh. Bác làm việc hăng say, vì thấy lòng vui sướng. Hy vọng ngày xưa đã
trở lại, và lần nầy bác thấy chắc chắn hơn, bởi tháng nào con bác cũng
đem về một bảng danh dự đề bác ngắm mãi ba chữ to đẹp:
Nguyễn-văn-Hiền...
*
- Ông chủ ơi, làm ơn coi giùm chiếc xe mô-bi-lết của tôi, sao nó chẳng chịu chạy vầy nè!
- A, Quang! Dựng đó đi, Hiền sửa liền cho.
- Hiền bảo mấy thằng nhỏ sửa cũng được mà.
- Không, để Hiền làm cho chắc chắn.
Đó chính là đôi bạn Quang-Hiền của chúng ta, giờ đã lớn cả rồi. Tuy hai người ở hai giai cấp khác nhau: Quang giáo sư, Hiền thợ mày, nhưng họ vẫn đối đãi với nhau trong vòng thân mật.
Cả cách xưng hô họ cũng giữ như xưa.
Trong thời gian qua Hiền đậu bằng tiểu học, sang học trường máy, rồi ra làm thợ giúp việc cho một tiệm lớn. Lần lần Hiền có một số vốn khá, liền tự lập một tiệm nho nhỏ sửa các xe mô-tô, mô-bi-lết v.v... Hiền làm việc lành nghề lại vui vẻ nên rất đông khách hàng. Hiền phải mướn thêm mấy đứa nhỏ phụ giúp, và dự định mở rộng cái "xưởng" của mình ra.
Bác Tư ngày nay không phải gò lưng trên chiếc xích lô cũ kỹ. Bác ăn vận bảnh bao, ra vào đọc sách báo, bác có dự lớp bình dân học vụ. Được sống trong sự yên ấm, lòng bác hết sức mãn nguyện.
- Vô đây uống nước cháu Quang.
Nghe tiếng bác Tư vọng ra, Quang đáp lớn:
- Dạ cám ơn bác, để cháu ở ngoài nầy nói chuyện chơi với Hiền.
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 11, ra ngày 25-11-1963)
- A, Quang! Dựng đó đi, Hiền sửa liền cho.
- Hiền bảo mấy thằng nhỏ sửa cũng được mà.
- Không, để Hiền làm cho chắc chắn.
Đó chính là đôi bạn Quang-Hiền của chúng ta, giờ đã lớn cả rồi. Tuy hai người ở hai giai cấp khác nhau: Quang giáo sư, Hiền thợ mày, nhưng họ vẫn đối đãi với nhau trong vòng thân mật.
Cả cách xưng hô họ cũng giữ như xưa.
Trong thời gian qua Hiền đậu bằng tiểu học, sang học trường máy, rồi ra làm thợ giúp việc cho một tiệm lớn. Lần lần Hiền có một số vốn khá, liền tự lập một tiệm nho nhỏ sửa các xe mô-tô, mô-bi-lết v.v... Hiền làm việc lành nghề lại vui vẻ nên rất đông khách hàng. Hiền phải mướn thêm mấy đứa nhỏ phụ giúp, và dự định mở rộng cái "xưởng" của mình ra.
Bác Tư ngày nay không phải gò lưng trên chiếc xích lô cũ kỹ. Bác ăn vận bảnh bao, ra vào đọc sách báo, bác có dự lớp bình dân học vụ. Được sống trong sự yên ấm, lòng bác hết sức mãn nguyện.
- Vô đây uống nước cháu Quang.
Nghe tiếng bác Tư vọng ra, Quang đáp lớn:
- Dạ cám ơn bác, để cháu ở ngoài nầy nói chuyện chơi với Hiền.
Sa Biệt Lưu
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 11, ra ngày 25-11-1963)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.