Các em thân mến,
Một em thiếu nhi đã gởi đến chúng tôi lời thắc mắc của em như sau: Thưa
bác, trong những bức thư chủ nhiệm gởi cho chúng cháu, bác thường hay
khuyên bảo chúng cháu siêng năng để đạt được kết quả mong muốn. Nhưng
cũng trong Thiếu Nhi một số trước lại có bài dậy chúng cháu sắp xếp công
việc để được lười và mong cho chúng cháu được nhàn nhã, nghỉ ngơi. Như
thế, thưa bác, đường lối hay chủ trương của tòa soạn báo Thiếu Nhi có
mâu thuẫn không?
Đọc những lời lẽ trên đây, chúng tôi chợt nhớ lại trong quyển Tôi có thể... nói thẳng với anh hay 52 liều thuốc bổ để an dưỡng tinh thần, ông Phạm Cao Tùng cũng đề cập đến một khía cạnh khác của sự lười biếng với bài: "VẠN TUẾ TÍNH LƯỜI BIẾNG". Chúng tôi xin chép lại nơi đây những lời lẽ của ông Phạm Cao Tùng để các em suy gẫm:
"Theo đạo Thiên Chúa, tính lười biếng là một trong bảy mối tội đầu. Gọi
nó là tội đầu vì nó là một trong bảy tội căn bản có thể khiến cho người
ta phạm nhiều tội khác. Vì lười biếng mới ăn cắp, mới tán tận lương tâm.
Ở nhà trường, ông thầy chỉ ban khen những học sinh siêng năng, chăm học, có ai ban khen những học trò biếng nhác, ham chơi.
Đó là người ta mới nhìn một khía cạnh của tính lười biếng, một khía cạnh
xấu. Thật ra tính lười biếng cũng có mặt tốt của nó. Chính nó là động
lực thúc đẩy con người đến Tiến Bộ. Những phát minh của loài người xưa
giờ phải chăng đều do những người lười biếng vì sợ mất thì giờ, sợ nhọc
sức mà nghĩ ra?
Tổ tiên loài người khi còn ăn lông ở lỗ, muốn uống nước phải chạy ra ven
suối, bờ sông. Về sau, có một ông nào đó rất lười, muốn uống nước mà
không muốn mỏi chân, mới nghĩ ra cách lấy đất đắp, nạn ra những lu,
những hũ để chứa nước, để có thể ngồi tại hang mà vẫn có nước uống.
Nhưng rồi lại có một anh chàng nào khác còn lười hơn ông tổ nói trên,
thấy rằng tuy có cái lu chứa nước nhưng còn phải mỏi vai đi gánh nước đổ
vào lu, nên mới nghĩ ra cách để bơm nước và dẫn nước vào tận nhà.
Cứ theo cái đà ấy mà xét: Chiếc ô tô là sáng chế của người muốn khỏe
chân. Cây bút máy là sáng chế của người sợ mỏi tay chấm bút vào lọ mực.
Cái máy đánh chữ là sáng chế của người lười biếng... viết.
Nói riêng về việc học, những bảng cửu chương, những công thức, những
bảng số đều là công trình của những người lười biếng muốn mau có kết quả
mà sợ mệt mới tìm đường đi tắt.
Như các em thấy, tính lười biếng nếu hiểu theo tính cách ở trên thì
không phải hoàn toàn là một tật xấu. Nếu biết dùng nó cho đúng chỗ thì
rất có thể mang lại cho chúng ta bao nhiêu lợi ích, miễn là để thay thế
sức lao động, ta phải biết suy nghĩ.
Khoa học đắc lực có mục đích là sản xuất thật nhiều mà tốn rất ít (về
tiền bạc cũng như về sức lực), tức là khoa học dạy chúng ta lười biếng.
Nhưng cái lười biếng có thể đưa nhân loại đến một đời sống sung sướng
hơn, sung túc hơn.
Và các em, nếu lười biếng để mà phát minh, để có thể giúp ích cho mình
và cho người đồng loại thì đôi khi chúng ta nên tập lười biếng lắm chứ!
Các em thân mến,
Với ý nghĩ trên, Thiếu Nhi mới khuyên các em nên quí thì giờ hơn tiền bạc, làm gì phải tính sao cho thời giờ tốn ít, kết quả thu nhiều và hãy làm việc cho đắc lực đi để còn nghỉ.
Còn những kẻ không chịu làm việc, thường gọi là kẻ ăn không ngồi rồi
hoặc ngồi chơi xơi nước, những kẻ "việc lớn không làm nổi, việc nhỏ
không thèm làm", thân thể họ yếu ớt vì không vận động, trí tuệ không mở
mang vì không suy nghĩ, họ dễ sinh ra hư hỏng vì nhàn rỗi, những người
đó không giúp ích gì cho gia đình lại còn làm hại cho xã hội.
Thân mến,
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 21, ra ngày 2-1-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.