Không biết người khác thì sao, chứ đối với riêng tôi, có lẽ mùa xuân là mùa tôi yêu thích nhất, vì chẳng những là mùa hy vọng, mùa đoàn tụ, mùa hoa nở, mùa tình yêu, mùa đất trời và lòng người đều mở hội... vân vân và vân vân đối với mọi người, mùa xuân còn là mùa kỷ niệm đối với riêng tôi nữa.
Những kỷ niệm đẹp nhất thuở ấu thời của tôi hình như đều diễn ra vào mùa xuân, dù buồn hay vui, dù vụn vặt và nhỏ nhặt tới đâu chăng nữa. Nhưng thật sự những kỷ niệm ấy tôi đều thấy không đầu không đuôi, nên cũng chẳng biết bắt đầu kể từ đâu!
Mỗi năm khi Tết sắp đến, một người bạn của ba tôi sẽ biếu và cho xe chở
tới nhà tôi khoảng một chục két nước ngọt do chính hãng của ông sản
xuất, chỉ có hai loại, màu nâu gọi là nước quất hồng bì, màu đỏ gọi là
nước dâu tươi. Tôi nhớ lúc đó tôi chỉ thèm thuồng nhìn trẻ con nhà láng
giềng lê la khắp xóm, na theo cái ly thủy tinh rẻ tiền vẽ bông xanh bông
đỏ, chứa nước xá xị con cọp cũng màu nâu nhưng vị có khác so với nước
quất hồng bì, nước bạc hà màu xanh lá cây đậm mà tươi rói, nước lemonade
trắng không màu nhưng nếm thấy chua chua ngọt ngọt và tê tê đầu lưỡi,
hay một thứ nước ngọt thơm ngon màu vàng tươi cũng của hãng BGI, gọi là
kem soda (cream soda), mà không buồn dòm ngó gì tới hai thứ nước ngọt có
sẵn ê hề trong nhà! Sau Tết, ông bạn quí của ba tôi lại cho xe tới mang
đi chục két nước ngọt ấy, nhưng giờ chỉ còn lại những vỏ chai không nằm
lăn lóc trong những két bằng gỗ phai màu mưa nắng, là kết quả của những
lần họp mặt, những buổi thăm viếng và chúc tết của khối lượng khổng lồ
bạn bè và người quen của ba tôi và gia đình tôi mà thôi! Còn tôi thì rất
hiếm khi đụng đến hai thứ nước ngọt ấy, dù chúng cũng thơm ngon và bắt
mắt không kém nước của hãng Con Cọp! Tuy còn nhỏ, tôi đã có cái tính
đứng núi này trông núi nọ rồi!
Những buổi chiều cận Tết, tôi thường hay lên sân sau lộ thiên trên lầu, và ngồi cạnh những két nước ngọt chất chồng chất đống ấy, để ngắm nhìn trời mây nước, và nghe văng vẳng từ chiếc máy cassette dưới nhà hoặc nhà hàng xóm vọng lên những bản nhạc xuân. Hoặc vào những chiều mùa xuân, anh em chúng tôi thường kéo nhau đi xem phim tại những rạp chớp bóng gần nhà, và khi chiều về, trong ánh ráng chiều buồn man mác của những chiều xuân muộn, trên đường về nhà, chúng tôi mỗi đứa theo đuổi những ý nghĩ, suy tư riêng, tuy còn rất nhỏ, trong khi chân lại đá tung nhũng xác pháo đỏ ối ngập vỉa hè. Khi đi ngang qua nhà ai đó, chúng tôi lại vẳng nghe những khúc hát mùa xuân ấy, tuy hay tuyệt vời nhưng lại buồn da diết (như bài Đám cưới đầu xuân, Đón xuân này nhớ xuân xưa, Nhớ một chiều xuân...), có lẽ vì lúc ấy đang là thời chiến. Giờ đây mỗi khi cho dù chỉ tình cờ nghe lại những bài hát đó, lòng tôi lại dấy lên những cảm giác buồn mênh mang, khó tả, và nước mắt tôi đều tuôn rơi, tiếc nuối một khoảng thời gian vàng son đẹp như giấc mộng trong quá vãng giờ chỉ còn là kỷ niệm, mặc dù tuổi thơ lúc đó đã phải sớm buồn.
Gần Tết, thế nào má tôi cũng đi biếu quà Tết cho bà con họ hàng, mặc dù tôi không biết bà mua chúng lúc nào! Chiều gần tắt nắng, má tôi sẽ vẫy một chiếc xích lô đạp chở ba mẹ con chúng tôi, má tôi, tôi và thằng em Út, tới nhà ông trẻ. Hồi bé tôi rất nhạy cảm và hở chút là hờn dỗi, dù chỉ là vu vơ, vô cớ. Sau khi đã phụng phịu, khóc lóc chán chê ở trong nhà, tôi mới bằng lòng trèo lên chiếc xích lô cao ngất nghểu, nhưng vẫn không chịu ngồi lên ghế nệm, mà ngồi thụp xuống sát sàn xe phía trước, rất gần với mặt đường! Thật là một vị trí ngồi xe xích lô kỳ lạ, có một không hai! Phải công nhận má tôi lúc đó mát tính và hiền ghê nơi, vì bà không hề tỏ vẻ bực bội khi bà và bác xích lô phải kiên nhẫn ngồi ngoài xe đợi tôi hết cơn giận vớ vẩn ban đầu, rồi cũng chẳng la mắng gì khi tôi mặc đầm nhưng ngồi xổm trên xe như vậy! Nhưng con nít mau quên, khi tới nhà ông trẻ và được ông vớt cho một bịch cá bảy màu vô cùng đáng yêu, hay tặng cho một túi chứa hai bé gà con vàng óng, tôi lại vui như tết, và cười nói suốt đường về. Vài ngày sau là ngày tết chính thức, cả gia đình tôi lại đông đủ kéo nhau tới chúc tết ông. Có năm ông đón chúng tôi bằng một viên pháo tự chế to bằng ba, bốn trái pháo đại, tiếng nổ vang trời! Xác pháo như mưa rơi xuống đầu lũ trẻ con chúng tôi như bông giấy confetti, đang đứng ở ngưỡng cửa nhà ông, miệng há hốc trước là vì kinh ngạc, sau vì niềm hứng khởi rộn ràng của ngày tết.
Anh em chúng tôi cũng hay đùa giỡn nhiều hơn khi sắp tết, phần vui vì tết sắp đến, phần vì những ngày cận tết, áp lực bài vở cũng giảm hẳn! Có lần thấy ba tôi đi vắng, anh Hải đã dùng điện thoại để quậy mọi người! Anh giả giọng ông PV bên cạnh nhà tôi gọi cho bạn là ông GH ở khu phố trên, rủ ông GH chiều đi nhậu tất niên! Bốn giờ chiều hôm đó, tôi và anh Hải đã được một trận cười no nê khi ông GH diện đồ láng o, lạch xạch chạy tới trên chiếc xe Vespa, rồi chưng hửng khi thấy ông PV không tỏ vẻ gì nhớ đến lời hẹn rủ đi nhậu ban sáng, nên đã chưởi thề, văng tục tùm lum! Anh Hải còn giả làm người ngoại quốc, gọi điện thoại và nói tiếng Anh với ông bác sĩ bên kia đường, cũng là bà con của chúng tôi, để mời ông ấy tới nhà khám bệnh vì anh bị đau bụng, đi ngoài liên tục vì không quen ăn thực phẩm dự trữ cho dịp tết ; hay vờ đặt mua một cỗ quan tài đắt tiền nhất từ trại hòm cũng gần nhà! Cả hai vụ này anh đều cho họ một số điện thoại bất kỳ mà anh đọc được trong cuốn điện thoại niên giám! Đứng chầu rìa bên cạnh anh, tôi chỉ biết bụm miệng để khỏi phải cười nghiêng cười ngả! Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp lại ông GH, già ơi là già nhưng vẫn còn sống sờ sờ, trong khi anh Hải tôi đã thành người thiên cổ tự bao giờ! Nhiều lúc tôi suýt buột miệng kể cho ông GH nghe câu chuyện anh Hải chọc phá ông tết năm nào, vì dầu sao chúng tôi cũng là chòm xóm, nhưng rồi lại thôi!!
Anh Hải cũng hay chọc phá láng giềng cho vui. Có lần ông Tàu bán khô mực trong xóm đã suýt phát khóc khi anh Hải cứ gặng hỏi ông ta tên một món ăn rất hấp dẫn màu đỏ tươi, được nướng lên như khô mực, ăn kèm với đồ chua và tương ớt trên chiếc xe đẩy của ông. Dù chúng tôi vẫn hay ăn món đó dịp tết khi có nhiều tiền lì xì, nhưng lại không biết tên! Doọc coong dịch! Ông ta trả lời cụt lủn! Nhưng chúng tôi không thể hiểu nổi phiên bản tiếng Việt của ông! Doọc... coong... dịch! Lần thứ hai, ông ta trả lời to tiếng hơn, và kéo dài giọng! Anh Hải nhăn mặt, lúc lắc bàn tay ra dấu không hiểu, và gào to hết cỡ, cái gì ông, ông nói cái gì? Ruột... Con... Vịt! Ông ta cũng gào to không kém. Cả ông Tàu bán khô mực và chúng tôi lần đó đều hết hơi, mệt nhoài sau màn "đấu võ mồm" đó, nhưng ít ra chúng tôi cũng đã biết được tên của món ăn chúng tôi vô cùng yêu thích!
Một lần khác, anh Hải vừa học được một câu tiếng Tàu (nhưng không hiểu nghĩa) bèn ra thực tập liền với ông Tàu bán sữa đậu nành ngay trước cửa nhà tôi, dưới lòng đường. Ngộ tả nị xị à! Anh hồn nhiên vừa nói vừa cười với ông Tàu. Không ngờ ông ấy tỏ vẻ giận dữ ghê gớm, gấp tờ báo tiếng Tàu đang coi lại, đập tờ báo cái rầm lên xe đậu nành, và lớn tiếng xí xa xí xô la mắng anh Hải như té tát, trước sự ngơ ngác của anh, chòi ơi con lít gì mà hõn láo wá chời!... Vừa nói ông vừa đẩy xe đi mất. Từ đó ông không đậu xe bán sữa đậu nành trước cửa nhà chúng tôi nữa! Về sau chúng tôi mới vỡ lẽ, vì câu nói đó nghĩa là, tao đánh mày chết bây giờ! !!!
Gần tết, ba tôi có lẽ bận nhiều việc nên không đưa đón thằng em út của tôi đi học (tiểu học) được, nên cu cậu đành phải cuốc bộ đi, về. Anh Hải, chắc thấy tội tội, mới ra hẹn với cu cậu rằng, anh Hải sẽ thay ba làm tài xế, nhưng với điều kiện cậu bé phải trả công bằng cách nhảy giúp vui, giải khuây cho anh, bắt chước y hệt Hùng Cường, là một ca sĩ nhảy nhạc Twist, A- go- go... rất ăn khách lúc bấy giờ. Dĩ nhiên, cả chúng tôi dù không phải nhọc công làm gì cũng được coi ké! Ba anh em chúng tôi, sau mỗi lần anh Hải làm "nghĩa vụ tài xế", đều ôm bụng cười lăn lóc khi xem cậu út nhà tôi, mặt mày lúc nào cũng khó đăm đăm, nghiêm chỉnh như ông cụ non, phải đền ơn đáp nghĩa anh Hải bằng cách tay chân mình mẩy giựt như kinh phong, miệng la hú, hự ạ cha cha cha... một trăm lần, mà mặt mày vẫn cứ nghiêm trang đạo mạo không hề suy suyển! Dần dà về sau, anh Hải nương tay cho, và cu cậu chỉ phải diễn 50 cú giựt như Hùng Cường, thay vì 100, sau mỗi lần anh Hải phải gò lưng, phồng mang trợn mắt đèo cậu em đi học và về! Nghĩ lại mới thấy trường hợp ông anh quí của tôi giống y như lời khuyên của một danh nhân nào đó, rằng nếu số phận chỉ ban cho bạn một trái chanh, vừa ít ỏi, vừa chua chát, thì bạn phải biết cách khôn khéo tận dụng, và biến trái chanh đó thành một ly nước đá chanh ngọt ngon! Cuộc đời của anh tuy vô cùng ngắn ngủi, nhưng lại tràn ngập tiếng cười, vì anh biết tìm thấy niềm vui trong cuộc sống cho riêng mình, và mang niềm vui đến cho người khác...
Việc mua hoa để chưng tết thời đó đối với chúng tôi hình như không là thông lệ, vì năm có năm không, tùy hứng! Có năm tôi nhớ ba má tôi mua về đầy nhà nào những giỏ cúc đại đóa, cúc kim, cây tắc, và cả hoa cẩm tú cầu màu hồng nữa.Hương hoa cúc năm đó luôn nằm sâu trong ký ức, tới nỗi bất kể mùa nào trong năm, mỗi khi ngửi thấy mùi hoa cúc vừa được tưới xông lên mũi là tôi lại nhớ tới tết! Có năm ba tôi lại chở tôi lên những kiosque ở đường Nguyên Huệ, lựa chọn chán chê rồi rinh về bốn chậu cây kiểng con con xinh xinh, sơn bốn màu khác nhau, đi kèm với bốn móc treo được sơn đồng màu với chậu, được uốn nắn thành hình chiếc thuyền, hình khóa Sol, khóa Fa... Ba tôi giao cho tôi nhiệm vụ mang những cây kiểng con đó ra ngoài balcon tưới tắm mỗi sáng, chờ ráo nước rồi lại rinh vô treo trả lên móc như cũ. Một hôm vì trượt chân té vô vũng nước đọng lại ở balcon, tôi đã làm bể toang mất một chậu! Sợ bị đánh đòn khi ba tôi tra hỏi, tôi đã đổ thừa cho anh Hải đang đứng xớ rớ gần đó, mặc dù cũng có những người khác đang đứng gần đấy! Cho tới bây giơ tôi vẫn tự hỏi tại sao tôi lại làm như vậy, trong khi anh Hải là người anh tôi yêu quí nhất đời! (Tâm lý học ơi, ngươi ở đâu?) Dù gì đi nữa thì lần đó anh Hải đã bị ăn một cái tát oan uổng, trong khi tôi cúi gục đầu ân hận, vì tất cả điều anh đã làm chỉ là xỉa một ngón tay kết tội về phía tôi, khi ba tôi đã đi khỏi! Danh hài Hoài Linh chẳng đã từng nói, "làm anh khó lắm" là gì!
Bây giờ mỗi khi xuân về thấy mấy cô cậu bé xúng xính quần áo mới đi chúc Tết với ba mẹ, hoặc các cậu bé sàn sàn tuổi nhau, quàng vai bá cổ nhau đi chơi tết, rủ nhau đi xem phim, đá banh, chơi game... tôi đều chạnh lòng nhớ tới những mùa xuân đầm ấm trong dĩ vãng, đã lướt qua cuộc đời tôi nhanh hơn cả một cơn gió lốc, và chỉ để lại cái gọi là những dư âm của những mùa xuân cũ! Tôi biết chắc rằng chẳng ai trong số những cô cậu bé đó không cảm thấy tiếc nuối những giây phút vui vầy bên nhau như thế, khi họ trở về già, trong khi đang hưởng những ngày vui sum họp êm đềm trong hiện tại thì họ lại không biết nâng niu, trân trọng, hoặc chẳng buồn để tâm nghĩ ngợi gì! Con người chỉ biết yêu quí, níu kéo những gì họ đã mất, và không còn trong tầm tay với nữa mà thôi!
Trần Thị Phương Lan
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.