Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2021

CHƯƠNG III_TRONG CẶP NẾN HỒNG

 

CHƯƠNG III

SỢ, BƯỚC ĐẦU CỦA DŨNG CẢM


Tên lạ mặt đảo cặp mắt cú vọ nhìn khắp mọi người, khẩu súng đen sì cầm trong tay vẫn lăm lăm chĩa vào ông giáo.
Y sẵng giọng quát :
- Ai ở đâu ở yên đó ! Lộn xộn là nát óc !
Giọng cứng rắn chuyển sang chế diễu, ngạo mạn :
- Còn nhà mô phạm, giơ thằng hai tay lên !... Cao chút nữa coi ! Hà hà !...
Ông giáo điềm nhiên giơ tay sau khi chặn mảnh giấy chi chít những con số bằng bao thuốc lá để trước mặt.
Cụ Cử vẫn giữ được cái hào khí của nhà nho quắc mắt lên nhìn người lạ mặt. Cụ Hương Cả nét mặt đăm chiêu, ngạc nhiên hơn là sợ sệt. Ông Ba là người đang áy náy hơn hết trong bàn tiệc vì nếu xảy chuyện không hay cho ông giáo thì ông sẽ ân hận suốt đời.
Bà Hai đứng gần đấy cũng lo âu không kém. Hùng đứng chết trân sau lưng người chú, trợn mắt nhìn quân gian, tức giận. Hiền từ nhà dưới vừa bước lên, sững sờ trong một không gian đặc quánh.
Không một cử chỉ. Không một tiếng động...
Ông giáo khẽ nghiêng đầu, đưa mắt cho Hiền. Hiểu ý thầy, cô gái lặng lẽ lùi nửa bước.
- Đứng lại tên lạ mặt quát giật giọng.
Rồi y cười khẩy, hất hàm về phía ông giáo, hỏi bằng một giọng đe dọa pha hài hước :
- Sợ không, nhà giáo ?
Điềm đạm như khi ngồi dạy học, ông giáo mỉm cười, trả lời thật tỉnh :
- Sợ chứ !
- Hà hà ! Hà hà ! Nhà giáo cũng biết sợ à ? Thế thì còn chi là uy tín của nhà mô phạm ? Làm sao lãnh đạo được đời sống tinh thần của bà con trong xóm nữa ? Ha ha, trí thức ! Ha ha, trí thức thuần lương !...
Tiếng cười đã ngạo nghễ, lời nói lại càng cay độc, cố tình làm mất mặt người thất thế.
Vẫn ung dung như khi nhàn rỗi ngồi thưởng thức tách trà, nét mặt thản nhiên và lời nói từ hòa, ông giáo mỉm cười giải thích y như ông vẫn thường giảng bài cho các môn sinh :
- Lầm rồi, chú em ! Chú em nên nhớ kỹ điều này. Đó là : Đối diện với hiểm nghèo, chỉ có độc một phản ứng lành mạnh và khôn ngoan là SỢ. Không biết sợ là vứt đi, là hỏng bét. Đứng trước một nguy cơ thực sự mà tỏ ra vô tư vô lự một cách rồ dại là một thái độ ngu ngốc chứ không phải là một thái độ can đảm.
"Phủ nhận cái sợ đâu phải là một điều hay. Trấn áp cái sợ cũng không phải là một điều hay nữa. Vậy cái gì mới là điều hay ? Điều hay là chuyển biến cái sợ thành ra sự can đảm hay sự dũng cảm cũng vậy.
Tên kia cười khẩy, vặn lại :
- Biến được cái sợ thành sự can đảm ? Dóc hoài ! Đâu ông biến thử coi.
- Từ từ, từ từ, chú em. Đi đâu mà vội ! Để qua giảng kỹ cho mà nghe. Muốn chuyển biến cái sợ thành cái dũng cảm, trước hết phải nhìn thẳng vào sự việc.
"Phải, có nhìn thẳng vào mối nguy, ta mới gạt bỏ được cái "tinh thần kinh hoảng". Kinh hoảng là một trạng thái bệnh hoạn thúc đẩy người ta chạy thục mạng vào ngõ khủng khiếp để sa xuống hố thất vọng.
"Vậy yếu tố thứ nhất của sự dũng cảm là nhìn thẳng vào sự hiểm nghèo.
Nửa như bị lôi cuốn bởi cái giọng trầm và ấm của ông thầy, nửa như muốn dồn người đối thoại vào thế bí, tên lạ mặt hất hàm hỏi :
- Còn yếu tố thứ hai ?
- Ờ, có những ba yếu tố lận. Yếu tố thứ hai là sự kiên trì. Phải kiên nhẫn mới đợi được thời cơ. Phải bền gan mới nắm được phần thắng lợi. Hấp tấp lả hỏng việc.
Tên kia, tay vẫn chong mũi súng, thúc giục :
- Còn yếu tố thứ ba ?
- Yếu tố thứ ba là một yếu tố tối cần thiết cho sự can đảm. Đó là một nguyên động lực mạnh. Mà một nguyên động lực mạnh nhất người ta có thể có là gì nếu không phải là một chính nghĩa. Nói vắn tắt cho chú em dễ hiểu, yếu tố thứ ba của sự dũng cảm là có chính nghĩa.
"Phải có đủ ba yếu tố vừa nói mới tạo ra đủ can đảm để đương đầu và đánh thắng mọi hiểm nguy.
- Ái cha ! Ghê gớm đến thế kia à ? Tên to lớn kêu lên với một giọng cộc cằn pha chế diễu Dũng cảm ! Chính nghĩa !... Thôi, dẹp cái chính nghĩa và cái dũng cảm của ông qua một bên đi. Biết điều, hãy đưa cái giấy kia đây, được không ?
- Được chứ, ăn nhằm gì !
Ông giáo bình thản trả lời và bình thản hạ tay xuống bàn.
Tên kia giật mình vội quát :
- Để đó ! Đưa tay lên !
Hất hàm ra hiệu cho ông Ba Trực, y tiếp :
- Nhờ ông Liên gia trưởng đưa giùm tờ giấy chặn dưới bao thuốc lá.
Cuộc đấu trí vừa chuyển sang một giai đoạn khác. Ông giáo vẫn bình tĩnh trong khi mọi người đang lo mất tờ giấy có những hàng chữ số mà chưa ai biết ý nghĩa. Còn tên kia dĩ nhiên yên trí nắm chắc phần thắng trong tay.
Nhét vội tờ giấy vào túi áo, y còn cắc cớ hỏi với một quyết tâm hạ uy tín nhà giáo cho bằng được :
- Ông đã tuyên bố sợ rồi. Bây giờ ông hãy tuyên bố thua đi, ông giáo.
- Thua làm sao được mà thua !
- Sao vậy ?
- Là vì, đối với tôi, tờ giấy ấy có cũng như không. Có mấy con số, tôi đã thuộc nằm lòng. Bài toán giải lúc nào xong lúc ấy. Đâu có như các chú...
Hơi hoang mang trước câu nói bỏ lửng, y hỏi vặn :
- Dễ thường chỉ có một mình ông giải được, còn chúng tôi chịu bó tay sao ?
- Các chú, nói xin lỗi, hạng răng đen mã tấu các chú đâu đã tới trình độ đặt được mấy cái phương trình rắc rối đó mà hòng giải với không giải...
Cụ Cử dường như là người tin tưởng nhất vào tài gỡ thế cờ bí của ông giáo. Cụ điềm nhiên vuốt râu rồi nâng chén trà lên nhấp.
Cử chỉ này vô tình gợi ý cho ông Ba ngồi bên cạnh. Ấp lòng bàn tay vào thân tách, ông suýt soa rút tay về, tỏ rõ nước trà trong tách còn nóng lắm. Ông nắm tay vào quai tách, xoay xoay mấy cái, mắt đăm đăm chiếu vào mắt ông giáo.
Hiểu ý, ông Bắc khẽ đưa mắt ra hiệu đừng vọng động.
Bỗng từ cuối hẻm vang ra mấy tiếng rao lanh lảnh và kéo dài :
- Kẹo kéo đi... Kẹo kéo đi...
"Mười đồng kẹo kéo...
"Kẹo kéo mười đồng...
"Bà già ăn trẻ lại...
Không phải âm thanh và bài hát quen thuộc của anh chàng bán kẹo ngày ngày vẫn rao trong xóm. Đúng là tiếng trửng giỡn của thằng Lưu, con thứ năm của ông Mười Xe Lam. Bà Hai cau mày, chắc lưỡi ngán cái thằng bé xí xọn trong lúc tinh thần mọi người căng thẳng. Ai nấy lắng tai nghe. Ông giáo mỉm cười độ lượng.
Tiếng rao tiếp tục vang lên :
- Bà già ăn trẻ lại...
"Con gái ăn đắt chồng...
Rồi tiếng thằng bé gắt, mỗi lúc một lớn :
- Không có kẹo kéo năm đồng ? Ơ kìa ! Sao cứ một đứa trong, một đứa ngoài, ép người ta như vậy ? Có xê ra cho người ta bán hàng không nào !...
Tiếng rao lại tiếp tục, thật gần, đến sát ngay cửa :
- Kẹo tôi là kẹo Tiên Rồng...
"Một cốt, một đồng, a a...
Ai nấy lắng tai nghe.
Ông giáo mỉm cười, mắt sáng lên khi nghe y láy lại :
- …A a... Một cốt, một đồng, một miếng, một ngon...
Có tiếng "ối" của thằng bé thét lên. Tiếp theo là tiếng người ngã đánh huỵch một cái, kèm luôn tiếng gỗ ván rơi đổ tung tóe.
Kế tiếp là mấy tiếng huỳnh huỵch vật lộn ngắn ngủi.
Sau chót, một tiếng reo "Rồi, rồi !..." đồng thanh kết thúc đoạn kịch vui diễn cương trong lúc tranh tối tranh sáng ở giữa hẻm.
Ý nghĩa tiếng reo "Rồi, rồi !..." vừa lóe sáng tên lạ mặt chưa kịp giật mình đã thấy tay cầm súng bị bẻ quặt ra đằng sau và khẩu súng bị đoạt mất.
Như cái máy, y đấm thốc tay trái lên. Cú đánh chưa tới đích, chiếc cằm nhẳn nhụi của y đã lãnh một quả đấm mạnh như trời giáng.
Bị tống văng ra phía cửa, y gục xuống, gần bất tỉnh, tai còn nghe như gần như xa tiếng nói nhu hòa của nhà mô phạm :
- Hùng, lấy lại tờ giấy, rồi sao cho thầy một bản nghe. Bản chính, giao chú Ba giữ cho...
Nhanh như chớp, Hùng và Dũng, cậu này là con trai lớn của ông Trực, đã sốc tới hai bên tên lạ mặt, bẻ quặt hai cánh tay y ra đàng sau trong khi ông Ba đã mang từ đâu cái còng gọn gàng và bóng loáng.
Hệt như một người ngái ngủ, tên khủng bố trố mắt ngạc nhiên nhìn ông giáo đang bóc múi cam ăn tráng miệng, vẫn không thể ngờ được rằng con người văn nhã thế kia sao có thể ra tay mạnh và nhanh đến như vậy.
Cằm y hãy còn đau.
Cuộc đấu, y thua còn đau hơn nữa.

______________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG IV

 

Không có nhận xét nào: