Mảnh giấy nhỏ đã đầy đặc những hình vẽ. Tiến bỏ cây viết xuống bàn, ngắm nghía. Tôi cũng ngừng tay viết, hỏi:
– Vẽ cái gì đó Tiến?
Hình như thằng bé không nghe gì. Tôi nhìn vào mảnh giấy: chỉ toàn là đồi núi lồi lõm và chính giữa là một chiếc phi thuyền. Cả một khung cảnh thật khích động. Tôi nao nao nhớ đến cách nay năm năm, những bước chân đầu tiên của con người đã đặt lên nguyệt cầu. Thật thần tiên và cũng thật tàn nhẫn. Thần tiên vì đó là sự thực hiện giấc mơ của người địa cầu: thăm quê hương của chị Hằng. Nhưng cũng thật tàn nhẫn vì từ đó bao nhiêu huyền thoại đã sụp đổ. Trẻ con từ đó không còn tin chuyện cây đa, chú Cuội, chị Hằng, thỏ ngọc trên cung trăng. Mảnh trăng vàng không còn là một cái gì thơ mộng, bí ẩn nữa.
Tiến quay lại, khoe:
– Đẹp không chị?
– Đẹp.
Tiến hớn hở nói:
– Đây là chiếc nguyệt xa do em sáng chế.
Tôi giật mình, rồi cười xòa:
– Kiểu năm nào đây?
– Năm 1984.
Tôi bắt đầu tham dự vào trò chơi của Tiến:
– Tại sao không phải là năm nay?
– Năm nay em mới có mười tuổi, chưa làm phi hành gia được.
– Ghê dữ vậy? Đợi tới hai mươi tuổi làm phi hành gia trẻ nhất thế giới à?
Tiến cười thích thú, và cúi xuống vẽ thêm cái bóng của chiếc nguyệt xa in trên mặt đất lởm chởm.
Tôi không còn hứng để viết nữa, lặng yên ngắm bức họa của Tiến, chợt
nghe một nỗi gì, như là tiếc, hay thương, hay bâng khuâng… làm lòng mình
chùng xuống. Mùa thu! Ừ, mùa thu đã đến từ lâu rồi. Giản dị và gọn gàng
biết bao! Mùa thu ở Sài Gòn không có gió heo may mà chỉ có nắng gắt làm
toát mồ hôi. Không có lá thu rụng mà chỉ có những đốm hoa phượng tả tơi
còn sót lại trên cành cây xanh lá. Ôi mùa thu! Vô vị và lặng lẽ thế
nào! Bao nhiêu lần Trung thu đã đến và các em tôi lớn dần. Mỗi lần phố
sá có một tí màu sặc sỡ vì những chiếc lồng đèn và xóm nhỏ có một tí lửa
đèn cầy bé nhỏ lung linh về đêm, là tôi nhớ đến ngày hai con người đầu
tiên bước chân lên mặt trăng (*). Rồi thôi, tôi lại quên ngay sau đó.
Nhưng hiện giờ, Tiến đang gợi lại. Tôi biết trong cái khô gọn của đời
sống, bao nhiêu ước mơ đã tự nó ươm mầm. Trong cái lặng lẽ của ngày
tháng, một chút gì rực rỡ vẫn tiềm tàng. Nhìn Tiến vẽ mơ ước của mình ra
trang giấy, tôi nghĩ đến đường biểu diễn mơ ước của con người theo thời
gian. Ai lại chẳng thế, phải không? Thuở lên năm có những ý nghĩ vĩ
đại, khi lớn dần thì ước mơ lại nhỏ dần. Một sự biến thiên nghịch chiều?
Tôi cũng vậy, nhưng hy vọng có nhiều cái ngoại lệ. Ồ, nghĩ vẩn vơ quá
đi! Hãy nhìn kìa, cái lá cờ Việt Nam đã bay phất phới một cách rất nặng
nề bên cạnh chiếc nguyệt xa.
*
– E… í… e… í… ò! Dang ra! Xê ra!
Ai cũng giật mình. Nhưng má đã hiểu ra trước. Má cười:
– Rồi! Lại choàng khăn, lại trùm mền nữa rồi!
Quả thật không sai. Thạnh xuất hiện ở cửa phòng, làm ai cũng bật cười. Trên đầu quấn một tấm vải hoa, giắt một cây trâm vàng, người choàng một tấm mền nhỏ. Thạnh để ngón tay trỏ lên má, chạy một vòng biểu diễn. Tôi kêu lên:
– Thạnh, sao cứ giả gái hoài vậy?
– Em đóng “Hồ Quảng” mà!
– Trời!
Tôi không thể nào nhịn cười được. Tiến thì bực mình gắt gỏng:
– Nè, sắp nhập học rồi, sao không chịu ôn bài? Mi mà học dở quá cô đuổi ra, cho đi học trường tư rán chịu.
– Không sợ! Học trường tư cũng được. Thạnh tha hồ mặc áo đẹp. Có anh Tiến mới sợ, nghe má dọa hễ thi rớt thì bắt đi học trường tư phải mặc áo chim cò…
– Rồi sao?
– Rồi… rồi hoảng hồn phải thi đậu vào lớp đệ thất, ha ha….
– Trời ơi! Nói vậy mà cũng nói. Người ta đậu là vì người ta học giỏi.
– Kệ anh Tiến. Thạnh cũng học giỏi vậy. Nhưng Thạnh cũng thích hát Hồ Quảng nữa. Nè, nghe đây…
dang ra… xê ra! E í e í… ò… Như ta đây là….
Tiến vùng vằng tức tối cầm sách vở chạy đi. Còn lại cu Thạnh lúc này đã leo lên giường, một mình thủ nhiều vai. Giọng của Thạnh trong trẻo và gương mặt mủm mỉm trắng hồng khiến không ai có thể giận Thạnh được.
– Bây giờ em đóng vai Na Tra nghen! Lúc này Na Tra đang hiện hồn về nghen! Bớ mẹ… con đã về đây… bớ… mẹ!….
*
Tiến và Thạnh khác nhau một trời một vực. Tiến ít nói, Thạnh líu lo
như chim. Tiến thích ngồi một mình xem sách hoặc vẽ, Thạnh ưa có đông
người để cho cu cậu góp chuyện. Tiến mê Sử ký, Địa lý, Toán và … Thiên
văn, Thạnh khoái xem kịch và… cải lương Hồ Quảng. Tiến thích mặc áo
trắng quần xanh để đi học trường công, Thạnh khoái có khăn áo rườm rà
để… đóng tuồng.
Tôi gọi Thạnh:
– Thạnh nè! Mình là con trai, đi học trường con trai, mà cứ yểu điệu như vậy người ta đuổi qua trường con gái đấy!
Thạnh tháo chiếc khăn xuống, nhoẻn miệng cười:
– Em chơi một tí thôi. Bữa nào đi học, em lại học đàng hoàng.
– Giỏi lắm! Học rồi lớn lên Thạnh sẽ làm gì nào?
– Làm nghề gì hở chị?
– Ừ. Chẳng hạn như anh Tiến đó, anh ấy mơ làm phi hành gia để lên mặt trăng. Còn Thạnh?
– Em cũng mơ lên mặt trăng.
– Thật không?
– Thật chứ! Em sẽ đi đua cùng với anh Tiến.
*
Thạnh đã lên mặt trăng trước Tiến. Một cuộc so tài thầm lặng! Tiến
còn chờ ngày hai mươi tuổi. Nhưng cu Thạnh thì chỉ cần đội lên đầu một
cái vương miện bằng giấy, khoác một tấm chăn, và nhún chân một cái…
Xoèng! Tiếng chiêng trống giả bằng miệng đã nổi lên. Và… “Đường Minh
Hoàng tí hon” đang đứng trên… cung Quảng. Thật là huyền diệu! Thật là
thơ mộng! Trung Thu chưa đến, nhưng tôi nghe xung quanh mình nhiều tiếng
trống múa lân như đã vang dội. A! Ít ra trong cái khô gọn của đời sống,
của thời đại nguyên tử, vẫn còn có những phút giây hay hay như thế. Tôi
vỗ tay khen ngợi Thạnh. Thạnh đang bước trên mặt đất quê hương chị Hằng
– làm bằng mền và gối. Thật êm ái, không âm u lạnh lẽo như mặt đất cung
trăng mà Tiến đã vẽ, như những phi hành gia đã thấy.
Tiến tức lắm. Dù không ghét những trò chơi của Thạnh, nhưng để tỏ ra “ta là người lớn”, Tiến bỏ đi ra sân nhà.
*
Đêm đã xuống thật bình yên. Ở đây mùa thu không vui, không thơ mộng,
nhưng Tiến không phải nghe súng bắn hay bom nổ như ở nhiều nơi mà Tiến
biết qua sách Địa dư, qua tin thời sự. Tiến dõi mắt nhìn lên trời. Tiến
đã thấy trăng ở sau mây. Khích động quá, cái mảnh tròn và sáng rực đó.
Từ lúc năm tuổi đến nay Tiến đã vẽ biết bao nhiêu chiếc phi thuyền. Trái
mơ chưa chín. Nhưng Tiến sẽ lên đó, cắm một ngọn cờ, nhặt vài mẩu đá,
và… và làm gì nữa nhỉ?
– Cho Tiến này!
Tiến ngạc nhiên, rồi sáng đôi mắt lên. Một mẩu đá trong tay chị. Tiến nắm lấy, thắc mắc:
– Đá gì đây, chị?
– Đố Tiến biết.
– Đá mặt trăng, phải không?
– Sai rồi! Đá ở núi Châu Thới, chị nhặt và giữ mấy năm nay. Cho Tiến đó!
Tiến băn khoăn chưa hiểu. Tôi xoa đầu em, nói:
– Tiến biết không, đá này hay hơn đá mặt trăng nhiều. Vì đá mặt trăng được mang về nghiên cứu, nếu có những gì quý giá thì con người cũng khó lòng mà đạt được, vì nó xa xôi quá. Còn đất đá lấy từ nước non mình, đáng được nghiên cứu hơn hết, vì…
Tôi không biết nói sao cho đủ ý. Tiến mới có mười tuổi. Hãy để cho em nuôi trái mơ. Tôi thật bậy khi phá quấy những ý tưởng của em. Nhưng Tiến đã cười, và em tiếp lời tôi:
– Em hiểu rồi! Vì trong đất đá có những giọt dầu hỏa. Em nghe người ta nói vậy, đúng không chị? Nếu biết trong đất đá nước mình có những giọt dầu hỏa, mình sẽ dễ tìm kiếm hơn là tìm kiếm một thứ gì trên mặt trăng, phải không chị?
– Ừ!
Tôi lặng im, và nghe gió thu mát rượi cả lòng. Tiến không còn nhìn mặt trăng nữa, mà say sưa ngắm mẩu đá. Em ơi! Quê hương ta chưa cần có một chiếc phi thuyền, nhưng đang cần rất nhiều dụng cụ, nhiều nhân lực để tìm dầu hỏa. Rồi em sẽ lớn. Rồi các em sẽ lớn nhé! Những ước mơ của chúng ta chắc chắn sẽ nhỏ dần theo ngày tháng – nhưng đến một điểm nào thôi, rồi sẽ ngừng lại, và tiếp tục. Ở đó, giấc mơ thành sự thật. Tiến hiểu gì không?
NGUYỄN THỊ MỸ THANH
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa, số 227, số Trung Thu, ra ngày 1-10-1974)
Bìa của Vi Vi : Hát dưới trăng |