CHƯƠNG XI
Từ
phòng Bạch Xuyến bước ra, Trọng Viễn nhắm hướng căn lều của mụ Phé tiến
bước. Thầy đội kiểm lâm Phạm văn Danh cũng vừa ở đằng mụ trở về. chính
thầy đã chỉ đường cho chàng thanh tra cảnh sát.
Trọng Viễn:
- Ông Danh đi lại thân mật với mụ Phé quá nhỉ?
-
Đi lại thân mật quá thì không đúng. Mụ ấy có tới nhà chúng tôi bao giờ
đâu. Ngay cả nhà các người khác cũng thế. Mụ chẳng đi lại thân thiết với
ai bao giờ. Nhưng chúng tôi vẫn giúp đỡ cho mụ sống qua ngày. Hai vợ
chồng tôi thường tới thăm luôn xem mụ có thiếu thốn gì chăng. Nhất là vợ
tôi, nàng đến thường lắm. Tôi cũng vừa mới ở đằng ấy, bửa cho mụ một ôm
củi trước khi đi khám rừng đấy.
- Mụ Phé bị tàn tật hay sao?
- Vâng! Lâu lâu đổi thời tiết lại bị đau tê thấp ấy mà. Đã ba ngày nay bà ấy không lê đi đâu được một bước.
- Vâng, mấy bữa nay tiết trời ẩm thấp dữ. Cám ơn thầy Danh, xin phép thầy.
Trọng Viễn bước tới gõ cánh liếp cửa nhà mụ Phé.
Bên trong hoàn toàn im lặng.
Chàng
thanh tra cảnh sát lại gõ cửa. vẫn không ai lên tiếng. Trọng Viễn chờ
đợi gần một phút, đoạn nhấc tấm phên tre, bước vào. Được hai bước, chàng
dừng chân, đảo tia mắt một vòng quan sát nơi chốn các ông già bà lão
thường lui tới kể lể than van sự nghèo túng của mình, các nàng thiếu nữ
đào tơ đến để hỏi mấy câu bài phé về đường tình duyên, rồi lại cả những
đấng trượng phu, những bà giàu có sang trọng cũng đã từng đi xe hơi đến
để xem thời vận.
Nhà của mụ Phé có mỗi một gian nhưng
được quét dọn rất sạch sẽ, sắp xếp ngăn nắp đâu ra đấy chứ không dơ dáy
luộm thuộm như nhiều người vẫn tưởng lầm khi căn cứ vào bề ngoài lôi
thôi lếch thếch của mụ. Mớ củi do thầy đội Phạm văn Danh bửa dùm, chất
gọn ghẽ chắc cũng do tay thầy, gần bếp. Trong nhà không một cái mạng
nhện dù là rất nhỏ. Cô Gấm vợ thầy Danh chắc hẳn đã năng tới lui quét
tước hộ. Một cái giường sắt, trên đầu giường dựng một cây thánh giá nhỏ
xinh được lau chùi bóng loáng, ở giữa nổi bật hình tượng Chúa bằng bạc
thật màu trắng sáng.
Đưa mắt ngắm nhìn chung quanh, Trọng Viễn thầm nghĩ:
- "Phù thủy đường rừng có khác, vừa thờ Chúa lại vừa treo cả tranh ác quỷ Sa Tăng".
Mụ
Phé ngồi rúm người trong một chiếc ghế bành bọc da kiểu cổ đã cũ lắm
nhưng còn tốt kế bên bếp lửa. Chắc hẳn chiếc ghế lại do "trên cụ Án"
thải ra.
Chàng trai bước vào, mụ vẫn thản nhiên hai tay chống má, đôi mắt đăm đăm nhìn ngọn lửa trong lò.
Trọng
Viễn cũng giả bộ thong thả đứng ngắm mấy bức tranh vẽ hình thập điện
Diêm La. Chỗ này là cảnh nấu vạc dầu kẻ lừa thầy phản bạn, bức kia vẽ
cảnh quỷ đầu trâu đang khảo tra tội nhân ăn gian nói dối...
Một lúc lâu sau, chàng thanh tra cảnh sát mới hắng giọng lên tiếng hỏi, thay cho lời tự giới thiệu:
- Chắc hẳn bà Phé thích xem những vụ xử án dự kiến những việc thi hành công lý lắm đấy nhỉ?
Lối tiếp khách của mụ Phé thật khó chịu:
- Thích... thích cái gì? Không biết! Đừng đến mà ám người ta! Tôi không thích nói chuyện!
Càng trai hạ giọng ngọt như mía lùi:
-
À, vâng! Bây giờ thì bà không thích, không biết gì hết đâu. Nhưng đôi
khi vui vẻ, bà nói chuyện nghe thú vị lắm, và lại làm... cả thơ nữa. Hay
lắm mà!
Mụ phù thủy khua khua hai bàn tay:
- Phải, phải! Có hứng thì nói, không thì thôi! Ai bắt "bò" tôi được!
- Đúng thế đó bà Phé! Ai bắt "bò" bà được. Nhưng có một vài cái này tôi nhờ bà giảng giải dùm cho.
- Không giảng giải! Không nói gì hết!
Trọng Viễn thầm nghĩ:
- "Mụ này cũng thế! Không nói gì hết!".
Rồi đổi giọng, chàng quyết định lần này phải thật cứng rắn:
-
Này, mụ Phé! Mọi người ở đây đều quý mến mụ, ai cũng tin cẩn mụ hết.
Ngày hôm nay, tôi đến đây không phải là để bắt tội gì mụ. Trái hẳn thế,
tôi biết chắc là mụ không dính líu một chút nào về vụ rắc rối trên cụ Án
Bùi hết.
Tưởng nói thế là có thể vuốt ve, trấn an được
mụ đàn bà kỳ quái, chàng trai không ngờ những lời nói của mình lại có
tác dụng trái ngược hẳn. Mụ Phé nổi cơn thịnh nộ:
-
Biết chắc? Tại sao lại nói là biết chắc? Đừng bao giờ nên chắc chắn vào
cái gì hết cả! Kẻ nào cứ tự hào cho mình là biết chắc, suốt đời chỉ bị
lầm không hà! Cũng tỉ như cậu tin chắc là những câu ngon ngọt của cậu
vừa rồi sẽ khiến được tôi bùi tai đọc thơ cho mà nghe. Ứ, ừ, còn lâu!
Cậu lầm đấy!
- Lầm sao được! Hiện mụ có biết một điều
gì thật mà. Nếu không, tại sao mụ lại đọc và viết được câu thơ báo cho
bà Cầm hay tin thằng Ngây cháu nội bà ấy ở đâu.
- Bộ bài phé cho biết như thế thì tôi cũng cho biết như thế. Mà tôi cũng chưa nói hết kia mà!
- Chưa nói hết! Vậy thì còn cái gì nữa, mụ Phé?
Mụ
phù thủy ngước nhìn Trọng Viễn. Ánh mắt mụ thật dữ dội khiến chàng trai
cũng cảm thấy nhột nhạt. Rồi đột nhiên, mụ cất giọng the thé đọc thơ:
Một đứa ngủ, hai đứa ngủ
Đứa thứ ba rồi cũng chẳng thức lâu.
Chàng
thanh niên sực nhớ lại phát súng đã giết chết con Bão Tố. À, vậy thì ra
con chó yêu quý của chàng là kẻ thứ hai... đi ngủ. Còn đứa thứ ba? Có
thể là... Trọng Viễn chăng?
Chàng trai nhếch môi cười chua chát:
- Mụ Phé! Lần sau chót mụ được gặp cậu Sinh là lúc nào thế?
Sắc diện mụ phù thủy chợt lộ vẻ thích nói chuyện:
- Buổi sáng ngày mười bốn!
Trọng Viễn giật thót mình:
- Sáng ngày 14? Vậy mà mụ không nói cho ai biết cả? Cả nhà cậu ấy đã mất ăn mất ngủ suốt đêm hôm trước ngày ấy đấy!
Mụ già vẫn thản nhiên:
- Có ai thèm hỏi tôi đâu mà nói. Chỉ có cậu, nghề nghiệp bắt buộc nên mới hỏi han rắc rối dữ vậy chứ!
Chàng trai vờ đi như không nghe tiếng câu nói mỉa:
- Mụ gặp cậu ấy ở đâu?
Mụ Phé trả lời gọn:
- Trong rừng!
Chàng thanh tra cảnh sát ngẫm nghĩ:
-
Ồ lạ! Vậy mà thầy đội Danh lại nói là mụ bị ốm tê thấp không ra ngoài
được. Thì ra mụ đã nói dối ông Danh? Lại một kẻ xanh vỏ đỏ lòng!
- Cậu ta làm gì ở trong rừng vậy?
Mụ già đột nhiên đổ quạu:
- Làm sao tôi biết được cậu ấy làm cái gì ở trong đó? Tôi không ưa cái lối tò mò hỏi chuyện người khác.
Trọng
Viễn thu lượm được một tin tức khá bổ ích: Sinh lang thang trong rừng
hồi sáng sớm ngày 14. Vậy không còn phải hoài nghi gì nữa. Chính Sinh đã
bắn chết con Bão Tố.
Nhưng tại sao? Bắn chết con chó khôn ấy với mục đích gì chứ? Chắc hẳn chỉ có rừng xanh mới biết được.
Sinh
hạ sát con chó trinh thám, đồng thời tha mạng sống cho chủ nó vì lẽ cậu
quý tử con quan chưa "đổi nghề" hoàn toàn để biến thành con quỷ khát
máu... và cũng có thể cậu cho rằng Trọng Viễn không nguy hiểm đến nỗi
cần phải loại trừ.
Mụ phù thủy chăm chú nhìn mặt chàng trai dò xét, y như mèo rình chuột vậy.
Trọng Viễn trầm giọng, nghiêm nghị hỏi:
- Mụ Phé! Mụ có quý thằng nhỏ Ngây không?
Mụ Phé gật đầu lia lịa:
- Ồ, ồ, quý, quý lắm chứ! Thằng bé thật là ngoan ngoãn dễ thương!
-
Nếu vậy thì mụ cũng muốn kẻ đã giết nó phải bị trừng phạt. Do đó, mụ
cần nói rõ cho tôi hay. Mụ đã cho bà Cầm biết được nhiều điều bổ ích. Ví
dụ: chỗ tìm ra thi thể thằng cháu nội. Nhưng còn mấy câu sau trong bài
thơ ấy, nghĩa là sao? Mụ định nói gì trong mấy câu ấy?
Mụ Phé có vẻ bực bội:
- Tôi nói hết rồi, hết rồi! Chỉ có thế thôi! Không còn gì khác nữa! Mấy cây bài phé không cho biết gì thêm nữa cả.
Rồi bất ngờ mụ quát rầm lên:
-
À, nhưng mà cậu định làm cái gì mà đến đây hỏi lục vấn dữ vậy? Ai người
ta cần mà vác mặt tới chứ, hở? Đã bảo nói hết rồi, còn cứ hỏi mãi! Muốn
làm gì thì làm đi! Kệ! Không nói gì nữa hết!
- Cho biết chút xíu nữa thôi mà, mụ Phé! Khi gặp cậu Sinh, mụ thấy cậu ấy mặc bộ quần áo gì?
Mụ Phé lại trả lời thật trơn tru:
- Bộ quần áo tây màu nâu, gài một bông hoa gì đó trên túi áo.
Trọng Viễn nghĩ thầm: "Sinh ra đi từ đêm 12, như thế thì bông hoa cũng đã héo hết rồi còn gì!".
- À này mụ! Vì lẽ gì mụ lại nói rằng sẽ tìm thấy cậu Sinh ở trên cao, trong không khí? Thế là sao?
Mụ phù thủy liếc nhanh nhìn trộm chàng thanh niên:
- Mấy cây bài xì tẩy cho tôi thấy rõ một cái "tàu bay".
- Khó tin quá! À, thế ra mụ biết rõ việc cậu Sinh bỏ đi chơi hả?
- Tôi không biết. Có điều mấy cây bài đã "nói" thế.
Trọng Viễn im lặng suy nghĩ: "Hôm nay mụ vẫn chưa chịu nói hết đâu!".
Đồng
thời, chàng thanh tra cảnh sát đối chất lời nói của mụ phù thủy với
những lời khai của thầy đội Phạm văn Danh. Thầy đội kiểm lâm nghe tiếng
phi cơ đêm 12 rạng ngày 13... Mụ Phé lại gặp cậu Sinh sáng hôm 14. Nếu
mụ nói đúng sự thật thì việc máy bay cất cánh chẳng một chút nào liên hệ
tới vụ Sinh biệt tung hết. Nhưng xem ra thì mụ Phé có vẻ muốn cho chàng
tin rằng Sinh đã đáp chuyến phi cơ ấy để đi đâu đó.
À, điều khúc mắc này, sẽ hậu xét. Hiện giờ mụ già đang nổi hứng thích nói chuyện, phải lợi dụng cơ hội tốt này mới được.
- Còn câu này khó hiểu quá: "Chăn chiên hóa sói đổi nghề" là sao hả mụ?
Mụ Phé cười gằn nghe thật ghê rợn. Mụ không trả lời vào câu hỏi mà lại chất vấn ngược lại chàng thanh niên:
- Cậu bảo là khó hiểu?
Trọng Viễn nở một nụ cười xã giao, nhũn nhặn chịu nước lép:
-
Nhìn vào bài xì phé, tôi cứ ù lì chẳng hiểu mô tê gì hết. Trước kia
không "đọc" được bài phé, bây giờ cũng chẳng biết mà rồi về sau chắc hẳn
cũng đến thế mà thôi. Thú thật với mụ là tôi chẳng hiểu gì cả.
Mụ Phé cười sặc lên mai mỉa:
- Trời ơi! Vậy mà cũng học đòi làm cảnh sát! Khặc! Khặc! Khặc!
Trọng Viễn khấp khởi mừng thầm. Chàng linh cảm là mụ Phé sẵn sàng giải nghĩa:
- Vâng mụ nói đúng! Tôi dốt lắm, mụ biết là tôi dốt rồi thì giảng giúp cho tôi đi!
-
Có thế mà cũng không hiểu. Rõ như ban ngày. Này nhé: "Chăn chiên hóa
sói đổi nghề"! Nghĩa là: đáng lẽ phải bao bọc, che chở cho thằng Ngây,
cậu Sinh...
Trọng Viễn tiếp luôn:
- ... lại xuống tay giết chết nó. Có phải thế không, mụ Phé?
Mụ phù thủy lặng im không nói, chỉ khẽ gật đầu.
"Hôm
nay biết được kha khá!" Trọng Viễn thích thú với ý nghĩ thầm kín ấy.
Chàng đứng lên móc vì, rút tấm giấy một trăm đồng đặt lên bàn trước mặt
mụ Phé.
Mụ phù thủy không nói không rằng, đưa hai ngón
tay, móng đen như móng quạ, "gắp" tấm giấy bạc, chìa tới trước mặt
chàng. Tia mắt mụ quắc lên. Chàng thanh tra cảnh sát ý thức được ngay là
không nên ép mụ lấy tiền nữa, chỉ vô ích mà thôi. Chờ dịp khác vậy.
Trong
lòng hớn hở, Trọng Viễn ra ngoài, chân bước nhẹ tênh. Nhưng... nếu
chàng thấy được, mụ phù thủy lúc đó, đang nép mình, ghé mắt qua kẽ phên
thưa ngó theo, sắc diện lộ vẻ thành công đắc thắng, chắc hẳn niềm vui
trong nội tâm chàng trai trẻ sẽ không còn một lý do nào nữa để tồn tại.
_______________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XII