Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

CHƯƠNG VII_BÀI THƠ KINH DỊ


CHƯƠNG VII


Nỗi kinh hoàng do câu nói của chàng trai gây ra lên tới mức khiến bà Án, Tường Vân, cô giáo Bạch Xuyến ngây người như kẻ mất hồn. Ngay đến bà Cầm cũng bàng hoàng sửng sốt, quên bẵng đi được trong giây phút niềm đau khổ đang ray rứt trong lòng.

Bà đứng phắt dậy, hét lớn:

- Sai! Ông nói sai!

Trọng Viễn chiếu tia mắt ngó bà đăm đăm:

- Cái gì sai? Bà bảo tôi nói sai? Cái gì sai mới được chứ?

- Ông nói sai! Đời nào cậu Sinh lại nỡ giết chết cháu tôi!

Chàng thanh niên vẫn điềm đạm buông từng tiếng một:

- Tôi có nói thế đâu. Tôi chỉ nói rằng chiếc khuy này ở trong tay của thằng Ngây. Và chiếc khuy bị dứt đứt khỏi áo vét trong một cuộc giằng co vật lộn. Tôi dám nói chắc như vậy. Lỗ khuy còn dính còn dính cả mấy sợi chỉ rõ ràng mà.

Bàn tay lại được mở ra cho mọi người xem xét chiếc khuy tang vật.

Ánh mắt bà Án mờ đi. Nhưng chỉ một thoáng nhãn quang bà lại quắc lên. Cằm hất cao, bà cất tiếng đanh thép:

- Không! Nhất định không nghi cho thằng Sinh làm bậy như thế được. Bây giờ lại cần hơn hết cả bao giờ, phải tìm cho bằng thấy con tôi dù nó còn sống hay là đã chết. Nếu thằng Sinh còn sống, nó phải tự chứng minh được là mình vô tội. Trường hợp trái lại – Giọng bà Án chợt đổi khác, khàn hẳn đi, nghẹn ngào, ướt sũng, – thì… thì… thi thể của nó sẽ cho chúng ta biết được sự thật. Tôi tin chắc như thế.

Bà Án nói là bà tin chắc như thế. Nhưng Trọng Viễn, chàng lại không tin chắc gì cả. Tuy nhiên, nể lòng bà Án, chiều ý Tường Vân, chàng đành phải hứa cho xuôi:

- Thôi được! Chúng tôi sẽ tìm cho ra, sẽ tìm cho bằng được. Con Bão Tố của tôi đây sẽ giúp tôi một cách đắc lực. Bà làm ơn cho tôi mượn một món đồ gì của cậu Sinh vẫn dùng thường ngày. Một cái quần hay một cái áo gì đó.

Bà Án vẻ mặt phờ phạc, uể oải đứng lên.

Tường Vân lanh lẹ hơn, đã từ phòng Sinh chạy xuống, tay cầm chiếc mũ nồi anh nàng vẫn đội những khi đi săn.

Trọng Viễn đỡ cái mũ từ tay cô gái.

- Cám ơn cô.

- Ông có thể cho tôi đi theo phụ giúp ông một tay?

Chàng thanh tra thoáng rùng mình khi chợt nhớ lại hình ảnh ghê rợn: cái cũi chó, thi thể thằng Ngây. Rồi ngày hôm nay sẽ còn những gì ghê gớm nữa đây?

Chàng từ chối phắt:

- Không được đâu, cô Tường Vân. Tôi biết là cô đang nóng lòng sốt ruột lắm. Có điều, con Bão Tố này chỉ chịu làm việc khi có mình tôi với nó mà thôi. Vả lại, – Trọng Viễn vội vã nói thêm khi nhận thấy cô gái có vẻ ủ rủ, buồn phiền ra mặt – vả lại sự hiện diện của cô ở nhà cần thiết hơn.

Chàng ra dấu cho Tường Vân bằng cách đưa mắt nhìn quanh một vòng trong phòng. Bà Án, bà Cầm thẫn thờ ngồi tại ghế bành, sắc diện nặng trĩu ưu tư nom thật tội nghiệp.

Trọng Viễn không nói ra miệng nhưng Tường Vân cũng đã ý thức được rõ rệt là sự trẻ trung hồn nhiên sống động của nàng tại nơi này là một điều cần thiết để gây lại sinh khí cho mọi người.

Khi không còn ai để ý, Trọng Viễn đưa chiếc mũ nồi tới gần mõm Bão Tố. Con chó to lớn hỉnh mũi ngửi, hít hít đánh hơi, chạy quanh một vòng, đoạn kéo chủ băng xuống đồi, chạy qua một đám ruộng mạ, lao vun vút tới cánh rừng già. Năm phút sau, hai thầy trò đã tới bìa rừng. Trọng Viễn dừng chân, ngập ngừng mấy giây, trước khi bước vào bóng râm mát của những cây vàng tâm vĩ đại, thân to lớn có tới năm sáu người ôm không xuể.

Chàng thanh tra cảnh sát ngẫm nghĩ:

- "Cánh rừng này coi bộ âm u bí hiểm dữ. Biết đâu trong đó lại chẳng có một vài cái bẫy sập đang đợi mình tới nạp mạng đây".

Bão Tố đã mất hút. Động tác nhanh nhẹn của con nghĩa khuyển khiến chàng trai hết cả do dự. Trọng Viễn lớn bước tiến vào. Đi hết một quãng, tới đầu một lối đi lượn vòng, đã thấy con chó đứng sững dưới gốc một cây thông lớn, quay đầu lại nhìn chủ mà sủa "gầu, gầu". Trọng Viễn dấn bước. Đúng lúc đó, một phát súng nổ xé bầu không khí tĩnh mịch, đạn kêu "chíu" một tiếng lướt ngay cạnh tay chàng trai. Con Bão Tố gục xuống chết ngay tại chỗ.

Trọng Viễn nằm sấp, dán người xuống mặt đất, chân tay không động cựa. Bốn bề lại vắng lặng như tờ. Thời gian như ngưng đọng lại. Có tới ba phút sau, Trọng Viễn mới hết sức thận trọng nhúc nhích từng chút một. Chàng nghiêng người từ từ ngóc đầu ngó lại phía sau. Hàng chục giả thuyết hiện lên trong đầu óc sôi sục.

- Hừ! Kẻ địch vô hình đang ẩn nấp tại chỗ nào? Chắc đúng là Sinh rồi! Thì ra câu thơ của mụ Phé nói đúng : "Chăn chiên hóa sói đổi nghề". Sinh đã chẳng là người vẫn bao dung che chở cho thằng Ngây đó sao? Rồi bây giờ Sinh lại giết chết thằng bé! Mà giết để làm gì chứ? Bí mật! Người vừa bắn phát súng không là Sinh thì còn ai vào đấy. Chắc hẳn cậu sợ bị người ta phát giác.

Nghĩ đến đó, Trọng Viễn cảm thấy hơi yên tâm. Bức hình chàng con trai cụ Án Bùi, khuôn mặt chân thật dễ thương hiện rõ trong ký ức chàng thanh tra cảnh sát.

- Quả không phải là một kẻ sát nhân đã hoàn toàn mất hết lương tri. Thì ra "hắn" chỉ nhằm hạ sát con chó mà thôi. Nếu chủ ý giết mình thì hắn đã bắn trúng rồi chứ. À, nhưng tại sao phát súng lại từ phía sau lưng mình bắn tới nhỉ? Trong khi đó, con Bão Tố đang lao đầu chạy về phía trước. "Hắn" sợ con chó sắp phát giác ra cái gì chăng?

Càng nghĩ, Trọng Viễn lại càng thấy đầu óc nóng ran. Con Bão Tố gục chết khiến chàng đau buồn không để đâu hết, không còn đủ sáng suốt để suy nghĩ về công việc nữa. Trọng Viễn chép miệng, lắc mạnh đầu, bò trườn tới gần chỗ con chó yêu quý, áp má xuống mặt cỏ, ghé trán sát vào cái mõm bất động hãy còn hơi ấm của con nghĩa khuyển. Kẻ địch ẩn nấp đâu đó chắc hẳn trông thấy rõ hết”. Nhưng bốn phía vẫn im lìm…

Trọng Viễn liền ngồi phắt dậy, bồng Bão Tố đặt lên vai, quay bước trở ra bìa rừng. Chàng thanh tra cảnh sát lại chép miệng một lần nữa, nghiến răng nghiền ngẫm ý nghĩ gai góc: “Gã sát nhân vẫn nhìn chàng theo dõi. Thân hình chàng và Bão Tố vẫn hiện rõ trước mắt hắn… qua lỗ chiếu môn”.

Trí óc chàng trai lại bắt đầu làm việc:

- Tên sát nhân muốn cản Bão Tố lại, không cho tiến bước. "Hắn sợ con chó tiến bước tới chỗ nào, tới cái gì mới được chứ? Phát súng từ phía sau lưng mình bắn tới. Như vậy có nghĩa là “hắn” đứng nấp ở bìa rừng, lối đi vào. Và ở phía đối diện hắn chắc phải có một tên đồng lõa? Cần lục soát trong rừng một phen nữa mới được.

Trọng Viễn dấn bước tiến về phía biệt dinh cụ Án. Kịp nghĩ lại, chàng rẽ vào nhà bà Cầm đặt xác Bão Tố kế bên thi thể thằng Ngây. Rồi đứng lặng, Trọng Viễn đưa mắt nhìn xác người, xác con vật, trong lòng rưng rưng… Đã chứng kiến rất nhiều cảnh thương tâm não ruột quen lắm rồi. Nhưng trước cảnh tượng giây phút này đây, người và vật nằm sóng sượt bất động, một được che đậy, một lộ liễu, hai nạn nhân ngây thơ vô tội, một thằng bé chưa đủ sức tự vệ và còn một con chó khôn ngoan, chàng thanh tra cảnh sát cảm thấy đau thương tràn ngập trong lòng.

Trọng Viễn băn khoăn tự hỏi:

- Không lẽ tên Sinh này đột nhiên lại biến thành quỹ dữ?

Và chàng quyết định sẽ giữ toàn bí mật. Quấy rộn làm chi mấy người đàn bà yếu đuối chỉ mong sao cho được yên thân. Rồi lỡ ra tai vách mạch rừng…! Biết đâu? Phải dè dặt đề phòng hết sức mới được.

Về tới gần hàng rào sắt mắt cáo, Trọng Viễn thấy ngay bác tài xế tên Giang đứng đó như có ý đợi chờ, miệng phì phèo điếu thuốc lá. Anh Giang, khi trông thấy Trọng Viễn, mỉm một nụ cười thân thiện. Nhưng chàng trai, cơn xúc động chưa hết, lại cảm thấy khó chịu trong lòng, thắc mắc không hiểu bên trong cái thái độ niềm nở này liệu có những ẩn ý gì không? Bác tài giơ ra khoe mẩu thuốc lá lạ Trọng Viễn nhờ kiếm giùm và bác đã khổ công bới tìm đống rác ở cuối vườn.

Chàng thanh tra cảnh sát mân mê nhìn chăm chú mẩu thuốc lá lạ đoạn nói ngay:

- Craven A, thuốc con Mèo!

Sau mấy phút suy nghĩ, Trọng Viễn hạ thấp giọng, hỏi bác Giang:

- Cái cô Duyên má lúm đồng tiền đó có người yêu chưa thế, bác Giang?

Tài xế Giang nheo nheo đôi mắt, mỉm cười hóm hỉnh:

- Cậu cứ hỏi thế! Tôi có theo chân cô ấy đâu mà biết được! Chẳng thấy gì lạ cả, nhưng… các cô gái xuân xanh hơ hớ ấy, có trời mới biết được!

Chàng trai ngầm nghĩ: “Biết đâu người yêu của nàng Duyên lại chẳng là anh chàng phì lủ đang đứng trước mặt mình đây? Phải hỏi cho ra mới được!”

Rảo bước lên phòng riêng, Trọng Viễn gặp ngay chị Duyên trong hàng ba liền dừng chân giữ lại và nói luôn một câu chuyện dựng đứng:

- Tôi vừa nói chuyện với anh chàng Giang của chị đồng thời hay rằng chị biết nhiều chuyện lắm mà chẳng chịu nói gì cả.

Nàng Duyên ngây người ra mấy giây nhưng lấy lại được bình tĩnh rất nhanh:

- Thưa cậu, trước hết xin cậu biết cho rằng Giang không phải “chàng” của tôi. Và nếu một ngày nào đó cần phải tuyển lựa một chàng cho tôi thì người ấy ắt không thể là một người “bồ sứt cạp” như chàng Giang đâu.

Mấy tiếng “bồ sứt cạp”, “chàng Giang”, khóe miệng xinh xinh của chị Duyên nói ra kèm theo ánh mắt nhung quắc lên như có ý bực mình với chàng thanh tra cảnh sát.

Trọng Viễn mỉm cười vui vẻ, lợi dụng ngay nhược điểm tâm lý của người đang đối thoại với mình:

- Tôi chắc rằng chị Duyên thông minh tháo vát sẽ có thể giúp được tôi nhiều lắm. Thế cái đêm thứ ba 12, rạng sáng thứ tư 13 dương lịch ấy, chị thấy ở đây có cái gì khác lạ không, chị Duyên?

Lời khen ngợi đã khiến chị Duyên thích thú. Sau gần một phút ngập ngừng, chị đảo mắt nhìn quanh e ngại. Nhận ra đứng trong hàng ba nói chuyện là điều bất lợi, Trọng Viễn liền đưa chị vào phòng khách đoạn lẹ tay khép cánh cửa lại.

- Sao? Tôi hỏi chị …

- À có điều này cậu! Trong đêm trước buổi cậu Sinh mất tích, khoảng 12 giờ, 12 giờ rưỡi gì đó, tôi thấy cô Tường Lan lên phòng cậu Sinh. Rồi hai chị em cãi cọ chuyện gì to tiếng lắm. Hét cứ rầm lên ấy.

- Chị có nghe rõ vì sao họ cãi nhau không?

- Không cậu ạ! Chỉ nghe cậu Sinh quát lên: “Đồ con gái hư thân! Con gái hư thân!”. Thật là một sự rất lạ. Ngày thường, đối với chị và em gái, cậu ấy vẫn hiền từ lễ phép lắm

- Nhưng chị nghe được những tiếng ấy bằng cách nào?

Sắc mặt chị gia nhân ửng hồng:

- Tôi đứng sau cánh cửa. Nghe rõ ràng cả tiếng bước chân cô Tường Lan lúc đi ra mà.

- Thế chị không ngủ sao?

- Tôi mải xem tiểu thuyết. Nghe tiếng cãi cọ ầm ầm liền đứng dậy, mò ra coi, rồi tôi đi theo hút cô Tường Lan.

- Để làm gì vậy?

Chị Duyên hạ thấp giọng:

- Để xem cô Lan có hẹn hò lén lút với ai không? Té ra có thật cậu ạ. Bà mà biết thì chết. Sao cô ấy lại liều thế không biết. Bà thường hay đe nẹt tôi: “Này Duyên! Không được đi xem hát tuồng chèo đêm hôm tăm tối nghe chưa!... Bà thấy thằng con trai ông cai San cứ nhấp nháy với mày đó! Coi chừng, nghe!”… và… và… ui chao. Ghê lắm cậu ơi! Bà cứ hay mắng tôi là “vô duyên chưa nói đã cười”. Lắm lúc xấu hổ đến chết đi được. Thành thử tôi phải cố làm sao bắt gặp được cô Tường Lan hò hẹn với người yêu để có thể nói thẳng cho bà biết rằng con gái quý của bà cũng chưa chắc hay ho gì hơn tôi đâu, đừng có làm phách.

Trọng Viễn ngó chị gia nhân bằng một cái liếc xéo:

- Vừa rồi, chị nói là nấp sau cánh cửa nghe lỏm chuyện. Vậy chắc chị đã biết vì lý do gì cậu Sinh nổi trận lôi đình cãi nhau với chị cậu ấy chứ?

Chị Duyên nghe chàng thanh niên nói như vậy thì lộ vẻ không bằng lòng , trả lời cấm ca cấm cảu:

- Nghe lỏm chuyện! Việc gì mà tôi phải nghe lỏm chuyện. Trong nhà này mỗi khi có điều to tiếng thì chẳng ai cần phải nấp núp nghe lỏm gì cũng biết được ngay rằng chỉ là chuyện người yêu của cô Tường Lan mà thôi.

- Cô Tường Lan năm nay bao nhiêu tuổi, chị Duyên?

- Hai mươi hai. Cô ấy chỉ thích được kết hôn với một Trung Úy phi công tại trường bay Phủ Đoan gần đây này. Cách chừng hai ba trăm thước thôi cậu ạ.

- Ai ngăn cấm không cho cô Tường Lan kết hôn với ông Trung úy phi công ấy?

- Bà, rồi đến cậu Sinh. Cậu Sinh, không phải là khắc nghiệt, rắc rối gì. Có điều, cậu ấy rất không ưa cái lối tán tỉnh chị hoặc em gái cậu một cách không đứng đắn, nhất là người tán tỉnh ấy lại không phải là con ông cháu cha hoặc con nhà giàu có gì. Trời! Nếu cậu ấy được chứng kiến bữa ông Trung úy phi công tên Dưỡng đích thân đến đây nói chuyện với bà về chuyện xin hỏi cưới cô Tường Lan.

Chị Duyên say sưa nói chuyện. Trọng Viễn lợi dụng ngay ngay giây phút xuất thần của chị gia nhân trong gia đình cụ Án. Chàng giả bộ ngạc nhiên:

- Một ông Trung úy phi công! Kể cũng đã oai lắm rồi đấy chứ!

- Phải, oai lắm! Nhưng xét về gia thế kìa! Hình như anh chàng Trung úy ấy không cha không mẹ, trước kia ở viện mồ côi ra thì phải.

Trọng Viễn cố bình tĩnh đứng nghe, âm thầm suy nghĩ: “Tình hình mỗi lúc lại càng thêm phức tạp. Vậy thì có thể, thay vì là hung thủ phạm tội ác, Sinh lại chính là nạn nhân?... Nhưng, thi thể của thằng Ngây còn nằm chình ình ở trại Con kia chẳng là chứng cớ rành rành buộc tội chàng con trai cưng của cụ Án một cách… hết sức hùng hồn đó sao?”

- Thế cô Tường Lan có bực mình với cậu Sinh lắm không?

- Bực mình chứ sao lại không hả cậu? Có cái là cũng sơ sơ thôi... Vì lẽ, mặc dầu cậu Sinh có ý cản trở, nhưng dạo ấy, hai người, cô Tường Lan, cậu Trung úy Dưỡng vẫn tiếp tục gặp nhau mà.

- Vẫn tiếp tục gặp nhau? Ở đâu hả chị Duyên?

- Lúc thì ở ngoài phố chợ Phú Hộ. Thường thì nhằm các buổi lễ chầu sáng Chúa nhật. Thoáng gặp nhau trong giây lát chừng hai ba phút thôi. Nhưng chừng đó cũng đã đủ để thông báo cho nhau một cuộc hẹn hò vào một ngày giờ, địa điểm nào đó, lâu dài và chắc chắn hơn.

Đột nhiên, chị người làm lắm chuyện chợt im bặt, vẻ mặt lo lắng:

- À, nhưng này cậu! Những điều tôi nói với cậu xin chớ kể lại cho bà nghe, nghe! Tôi cứ thích giữ kín, để dành đó khi nào thuận tiện tôi mới nói cho bà hay kìa.

- Dĩ nhiên là tôi không kể lại cho bà Án nghe đâu. À, hồi nãy chị có nói : "nhưng dạo ấy, hai người, cô Tường Lan và cậu Trung úy Dưỡng vẫn tiếp tục gặp nhau được". Thế bây giờ thì sao? Bây giờ đôi uyên ương không thể gặp mặt nhau được nữa hay sao?

- Đúng thế đó cậu! Cậu Dưỡng đã phải đổi về Hà Nội được một tháng nay rồi kia mà.

- Một tháng nay? Và từ ngày ấy, cậu ta chưa về đây chơi một lần nào hết?

- Có lẽ thế! Từ dạo đó, tôi chưa gặp lại cậu ta một lần nào.

Trọng Viễn ngỏ lời cám ơn cô gia nhân xinh đẹp nhà cụ Án. Nàng Duyên quày quả bước đi, nét mặt "kên, kên" ra cái điều ta đây cũng là một nhân vật quan trọng trong tòa biệt thự giàu có sang trọng này.

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VIII