Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2017

CHƯƠNG VI, VII, VIII, IX, X_MÁI TÓC HUYỀN


VI

ĐI GẶP THẰNG OÁNH


Thật Đức đã không lầm! Cuộc tìm kiếm của nó đã mang lại kết quả mỹ mãn. Hôm sau, với vẻ mặt đầy bí mật, nó dẫn Cúc tới đường Tự Đức.

Lúc đó vào khoảng 1 giờ trưa. Đi được một quãng, hai đứa rẽ vào một cái sân vắng vẻ, một  bác thợ giầy ngồi tận trong góc sân đang cắm cúi làm việc. Đức bước tới chào bác ta và lễ phép hỏi thăm nhà thằng Oánh ở đâu. Người thợ chỉ vào một tấm cửa ở cuối sân, rồi chẳng nói chẳng rằng, lại cúi xuống làm việc như trước.

Đức băng qua sân, đến gõ cửa trong khi Cúc đứng đợi gần đó, chăm chú theo dõi sự việc.

Nghe tiếng động, một thằng nhỏ đang ngồi nhặt đậu trong nhà quay ra hỏi:

- Ai đó?

- Tôi đây. Tôi muốn hỏi Oánh, có lẽ chính là bồ phải không? – Đức vừa hỏi vừa tiến lại gần.

- Phải, Oánh đây.

- Bồ ra ngoài này cho tôi hỏi một chút được không?

- Được, ra liền.

Thằng bé mở cửa đi khập khiễng ra sân:

- Bồ muốn hỏi gì?

- Tôi có câu chuyện muốn nói với bồ, ra ngoài này đi.

Rồi cả ba đứa – Đức, Oánh và Cúc – đứng dựa vào bức tường ở một góc sân. Đức nói:

- Chúng tớ tới đây để xin bồ giúp cho một “đặc ân”.

Vừa nói, nó vừa gật gật nhìn Thu Cúc. Con bé mỉm cười bẽn lẽn, không hiểu rõ thằng Oánh đóng vai gì trong câu chuyện của chúng nó.

Oánh chính là thằng nhỏ hung hăng mà báo chí đã ca tụng tài “oánh” bốc của nó nhưng lúc này thì nó có vẻ rất hiền lành với nụ cười tươi tắn của Cúc và nó trả lời ngay:

- Một đặc ân à? Cả trăm đặc ân cũng còn được ấy chứ, nếu tớ có thể giúp được các bồ.

Đức mừng rỡ hỏi ngay:

- Vậy à? Câu chuyện như thế này này : Tớ đọc báo thấy bồ có bắt được một con búp bê và bồ đã phải ẩu đả vì nó. Người bạn tớ đây vừa mất một con búp bê, tớ nghĩ có lẽ chính là con búp bê bồ nhặt được nên tớ xin bồ vui lòng hoàn lại cho bạn tớ. Để đền bù, bồ muốn lấy chi tớ cũng sẽ chiều ý bồ hết.

Oánh lắc đầu trả lời:

- Nếu còn con búp bê đó thì tớ sẽ cho các bồ ngay mà chẳng cần lấy chi cả, nhưng tiếc rằng tớ không còn giữ nó nữa.

Đức hoảng hốt kêu lên:

- Thật vậy à?

- Ừ, tớ không còn giữ nó nữa. Nhưng tớ nghĩ con búp bê các bồ đang kiếm có lẽ không phải là con mà tớ nhặt được đâu.

- Sao vậy? – Cúc hỏi dồn – Con búp bê đó có mặc áo đỏ không?

- Có, có mặc áo đỏ. Nó cao độ ba tấc và xấu xí kinh khủng. Tớ không hiểu tại sao nhiều người lại thiết tha với nó như vậy?

- Nhiều người à? Bồ nói sao? – Đức vội hỏi.

- Phải, hai bồ đây và người đàn ông tới đây hồi sáng.

- Người đàn ông? Ai vậy? – Cúc biến sắc hỏi dồn khiến Oánh không muốn đùa nữa, nó nghiêm giọng nói:

- Đây, để tôi kể cho các bồ nghe hết. Sáng nay, một người đàn ông tới đây, nói là đã mất con búp bê đó vì chị người làm đã sơ ý vứt vào sọt rác. Ông ta quí nó lắm vì nó là vật kỷ niệm do con ông ấy để lại trước khi chết. Ông ta bảo tớ đưa cho coi con búp bê đã nhặt được.

- Thế bồ có cho coi không? – Đức bồn chồn hỏi.

- Tớ đã cho coi ngay. Con búp bê trông còn mới nhưng đã mất hết tóc. Thoạt trông thấy, ông ta vội kêu trời… Tớ mới hỏi : “Thế đây không phải con búp bê ông kiếm hay sao?”. Ông ta đáp : “Phải chứ. Đúng con này, nhưng rất tiếc nó đã mất cả tóc rồi. Ta đoán không sai mà!”. Nói xong, ông ta bỏ con búp bê vào túi rồi cho tớ một tờ giấy năm trăm.

- Thế ông đó hình dáng ra sao? – Đức hỏi.

- Ông ta người nhỏ bé, gầy yếu, mặc y phục màu xám… À, ông ta có một cái sẹo ở má bên phải… Nhưng tại sao các bồ lại thiết tha đến con búp bê đó như vậy? Nó chính là của ông ta rồi, tớ tin chắc như thế.

- Không phải! – Đức gân cổ cãi – Tớ chắc chắn con búp bê đó của Cúc đây.

- Nhưng tại sao ông ta lại cho tớ năm trăm? Chuyện này thật là kỳ cục hết sức! – Oánh nói với vẻ mặt suy tư.

Nghe vậy, Cúc không giữ được nỗi ấm ức trong lòng, bèn kể lại tất cả câu chuyện kỳ dị về con búp bê. Khi Cúc dứt lời, thằng Oánh vỗ trán đáp:

- A! Bây giờ thì tớ hiểu tại sao ông ta lại kêu trời khi nhận thấy con búp bê đã mất hết tóc. Chà! Tiếc quá! Giá phải các bồ đến sớm hơn có phải là tốt không! Nhưng tớ còn cái này may ra có thể giúp ích cho các bồ được.

Nói xong, nó khập khiễng trở vào nhà, trong khi Thu Cúc và Đức bàn tán với nhau.

Cúc hỏi:

- Theo ý mày thì người đó là ai?

- Tao chẳng biết nữa, một đồng lõa của bà lão… hay chính là bà lão cũng không chừng… Cái khăn vuông đen che kín mặt bà ta vẫn làm tao nghĩ đến một sự cải trang, mày ạ.

Oánh trở ra khiến hai đứa thôi bàn tán.

- Đây này. Tớ còn mẩu giấy này trong chiếc hộp tớ đựng con búp bê. Không ngờ là cái đồ chơi ấy lại quan hệ đến thế nên tớ cũng chẳng thèm đọc nữa. Nhưng tớ nghĩ nó có thể giúp ích cho hai bồ đó.

Nó đưa ra một mẩu giấy có dính vài sợi tơ, trên đó, Đức và Thu Cúc đọc thấy hàng chữ : “Đường Phan Đình Phùng, số 29 A”. Có lẽ đó là đoạn cuối một câu trong một bức thư.

Như thế chúng ta đã rõ, đó chính là địa chỉ của cô Như Mai!

Đức quay sang nói với Thu Cúc:

- Nếu vậy mái tóc dài của con búp bê đã giấu một bức thư. Hai tên gian phi đã quá hấp tấp khi giựt mớ tóc nên không để ý rằng một mẩu thư còn dính lại đầu con búp bê.

- Phải rồi, thảo nào những sợi tơ này còn dính ở mẩu giấy. Nhưng tao không hiểu tại sao nó lại mang địa chỉ của cô Mai. Ai đã viết thư nhỉ?

- Có lẽ chính cô ấy chứ ai – Đức đáp.

Cúc ngắm nghía lại mẩu giấy một lần nữa và nói:

- Không phải, bữa nọ cô Mai có nhờ tao bỏ một bức thư do chính tay cô viết, tao thấy nét chữ rất thanh, khác hẳn nét chữ của bức thư này.

- Nếu vậy, người viết có thể là một đồng lõa… hoặc một đối thủ của cô.

Cúc nhún vai tỏ vẻ không tin:

- Tao xin nhắc lại cho mày rằng cô Mai chẳng cần dùng đến một mưu mô rắc rối như vậy, vì cô gặp tao mỗi ngày thì cô muốn nói với tao những gì mà chẳng được.

- Phải, mày nói có lý, với điều kiện là cô họa sĩ ở về phía bà lão. Nhưng nếu cô lại ở phía đối phương của mày thì tao e rằng lý luận của mày không đứng vững đâu nhé.

- Thiệt tao không hiểu ra sao nữa – Cúc đáp.

- Để tao nói mày nghe : thí dụ cô Mai thuộc vào bọn đã chiếm đoạt con búp bê. Như vậy, “Đường Phan Đình Phùng, số 29 A” có thể là đoạn cuối của một câu dặn mày nên đề phòng cô ta, như thế này chẳng hạn : “Chớ có tới nhà cô Mai ở đường Phan Đình Phùng, số 29 A”, hoặc một điều gì tương tự như vậy.

Thu Cúc lắc đầu một cách cương quyết:

- Không đâu, Đức ơi, tao không thể nào tin được điều đó. Cô Mai chỉ có thể là một người bạn của tao, không bao giờ mày có thể làm cho tao nghi ngờ cô ấy được.

- Tao cũng muốn tin tưởng như mày vậy. Tao hiểu là mối nghi ngờ của tao đã làm mày buồn. Nhưng ai cũng thấy rõ là các chứng cớ đều tố cáo cô Mai cả. mày đã chứng minh rất đúng rằng không phải cô đã giấu lá thư trong đầu con búp bê, cô ấy gặp mày hàng ngày thì cần gì phải dùng đến biện pháp đó. Nhưng nếu vậy thì tại sao lại có địa chỉ của cô mới được chứ?

- Có thể là một người nào khác…

- Không, không. Chẳng phải ai khác cả, mày chẳng nói với tao rằng cô ấy ở một mình trong căn nhà đó là gì?

- Ừ, mày nói cũng đúng.

Vẻ mặt trầm ngâm, hai đứa yên lặng ra về sau khi cám ơn Oánh rối rít. Bỗng Thu Cúc đề nghị:

- Tao có ý kiến này, Đức à : Tao sẽ đưa mẩu giấy này cho cô Mai coi.

- Ấy, chớ, chớ! Làm vậy rất nguy hiểm.

- Nguy hiểm à? Tại sao? Dù sao đi nữa, mình cũng phải biết rõ trắng đen chứ. Tao chịu không nổi những sự bí mật như thế này rồi! Nhất định tao phải kể cho cô Mai nghe hết ngay chiều hôm nay.

Hai đứa chia tay nhau tại một ngã tư, một đứa về sạp báo, còn một đứa thì rảo bước tới nhà cô Mai.


VII

CÔ MAI NHẬP CUỘC ĐẤU


- Chà! Đôi bàn tay em thật là tuyệt mỹ! – Cô Mai vừa trầm trồ khen, vừa nheo cặp mắt nghệ sĩ ngắm đôi bàn tay của Thu Cúc. Tuy nhiên, sợ mình đã quá lý tưởng hóa bàn tay người mẫu trên bức tranh, cô tiến lại gần Thu Cúc để ngắm nghía kỹ hơn. Không! Chúng đẹp thật, đẹp y như trên bức hình cô đã vẽ ra : đôi bàn tay của Cúc trắng muốt với những ngón tay búp măng dài và thon, trông mềm mại và thanh tú như những bông hoa huệ.

- Thật đúng là đôi tay tiên nữ! – cô Mai vừa nói vừa mỉm cười một cách khôi hài. Rồi với một cử chỉ chan chứa tình thương đã trở thành quen thuộc, cô cúi xuống vuốt ve Thu Cúc.

Buổi vẽ đã chấm dứt, nhưng Cúc chưa vào thay áo vội mà còn đứng trù trừ cạnh cô Mai. Nó cảm thấy khi mặc chiếc áo dài bằng lụa nó can đảm hơn là khi mặc chiếc áo cũ kỹ bạc màu của nó, và nó có thể thố lộ tâm sự với cô Mai một cách mạnh dạn hơn. Trong khi đó, nhà nữ họa sĩ vẫn chăm chú lau chùi bộ bút vẽ.

- Có chuyện chi vậy em? – Cô cất tiếng hỏi – Hình như bữa nay em không vội về thì phải?

Khuôn mặt tế nhị của con bé bỗng bừng đỏ, nó ấp úng:

- Thưa cô, em xin lỗi đã làm rộn cô.

Rồi nó len lén định lui vào sau bức bình phong thay áo, nhưng cô Mai đã vội giữ nó lại.

- Không, em không làm rộn chị đâu. Em hiểu lầm ý chị rồi! Chị rất vui khi được lưu em lại đây càng lâu càng tốt. Nhưng chị chỉ muốn nhắc em là đã hơi trễ để khi về nhà em khỏi bị rầy la đó thôi.

- Em cám ơn cô, em phải về… nhưng trước hết… Trước hết, em phải… em phải nói với cô… Trời ơi, khó quá! – vừa nói, Cúc vừa đưa hai tay lên bưng mặt.

Cô Mai vội đưa tay choàng vai Cúc như một người chị hiền dịu đối với em, và dìu nó ra cùng ngồi xuống đi văng.

- Nào, xem nào – cô nói với giọng nửa nghiêm nửa đùa – em có gì nghiêm trọng muốn thổ lộ với chị đây? Sao em cứ ngần ngừ mãi thế? Bộ em tưởng chị không thể nghe em nói được hay sao?

Trước lòng ưu ái của cô Mai, Cúc thấy phấn khởi lên, vội mạnh dạn đưa ra mẩu giấy thằng Oánh đã cho nó. Cô Mai cầm lấy và đọc to mấy chữ ghi trên đó : “Đường Phan Đình Phùng, số 29 A”. Vẻ ngạc nhiên cực độ hiện lên khuôn mặt khả ái của cô, cô dồn dập hỏi:

- Địa chỉ của chị đây mà? Ai cho em vậy? Thế này là nghĩa lý gì?

Thu Cúc bèn đem đầu đuôi câu chuyện kể cho cô nghe, không thiếu một chi tiết nào. Cô họa sĩ yên lặng chăm chú nghe, nhưng khi cô thấy chắc chắn là miếng giấy này thuộc về bức thư đã giấu trong đầu con búp bê thì cô sửng sốt kêu lên:

- Nhưng sao lại có địa chỉ của chị? Đường Phan Đình Phùng, số 29 A? Sự việc thế nào? Ai đã viết bức thư đó nhỉ?

- Thưa cô, đó chính là điều chúng em thắc mắc. Em nghĩ rằng có lẽ cô biết được điều gì chăng…

- Chị biết? Không, chị chẳng biết mảy may gì cả! Chị không rõ bà lão và hai tên lạ mặt là ai. Chị chưa bao giờ trông thấy con búp bê, cũng chưa hề đọc cái tin trong báo về cuộc ẩu đả giữa hai thằng nhỏ nọ. Tất cả những điều chị có thể nói với em là : chị không liên hệ gì đến chuyện này cả.

Thu Cúc nhận thấy lời nói của cô Mai hết sức quả quyết và thành thực nên nó không còn nghi ngờ gì nữa.

- Chị không liên hệ gì đến chuyện này. – cô Mai nhắc lại – Nhưng dù muốn dù không, chị cũng bị dính líu. Không bao giờ chị nghi ngờ sự thành thực của em, nhưng chị muốn biết chắc rằng em đã nói sự thật đấy chứ?

- Em xin thề với chị là em đã nói sự thật hoàn toàn! – Cúc quả quyết đáp.

- Thôi, em đừng thề, chị rất tin em. Như vậy là một người nào đó đã cho em địa chỉ của chị. Nhưng với mục đích gì nhỉ? Người ta cho em địa chỉ này để khuyên em nên đến nhờ chị giúp đỡ hay trái lại, để ngăn cản em đến nhà chị?

Cô chau mày, lắc đầu chán nản nói:

- Bao nhiêu là câu hỏi nát óc! Chị lo rằng sự bí mật bao trùm quanh con búp bê và mái tóc huyền khó mà sáng tỏ được.

Rồi cô ngồi yên lặng, vẻ mặt suy tư, trong khi Thu Cúc cúi đầu mân mê tà áo, hối hận vì đã gây ra mối lo nghĩ cho cô Mai. Bỗng cô Mai vụt đứng dậy, tươi cười nói:

- A, chị có ý kiến rồi! Chị có quen với một người có thể giúp ta tìm ra cái nguyên nhân vụ này.

- Thưa cô, thật vậy à? – con bé hỏi với một nụ cười chứa chan hy vọng.

- Đó là ông Hùng, một người bạn thân của chị. Ông ta là phóng viên nhà báo, nhưng mấy năm trước, ông ta đã là một thám tử tài ba. Bây giờ mình kêu điện thoại cho ông ấy nhé?

- Vâng, vâng, thưa cô!

Cô Mai liền nhấc máy nói, quay số thật nhanh và đứng đợi. Vài giây sau, cô nói với một giọng rất vui vẻ:

- “Alô! Anh Hùng đấy à? Phải, Mai đây! Ngày mai anh có thể lại thăm Mai được không?... Chiều nay hả? Không được, trễ quá… Vâng, nhưng phải hẹn đích giờ nào chứ, vì tụi này có những mấy đứa gặp nhau cơ… Năm giờ hả? Được lắm!... Việc gì ấy à? Ồ, một chuyện rắc rối và bí mật kinh khủng, vì thế phải cầu cứu đến tài trinh thám của anh đó!”

Cô vừa bỏ máy xuống vừa cười, rồi quay lại nói với Cúc:

- Rồi em xem, anh Hùng sẽ khám phá ra việc bí mật này cho em. May mà chị nhớ đến anh ấy! Vậy mai 5 giờ, nhớ nhé? Rủ cả Đức bạn em tới đây nữa, hắn đã giúp em tận tình, vậy mình không nên mất công để hắn ngồi buồn một chỗ.




VIII

CUỘC ĐỐI THOẠI VỚI NHÀ THÁM TỬ


Hôm sau, khi đồng hồ sắp điểm 5 giờ, Thu Cúc và Đức đã tới gõ cửa nhà cô Như Mai.

Con bé vẫn mặc chiếc áo vải mầu xanh dương mọi khi. Vì dãi dầu mưa nắng, chiếc áo đã ngả sang mầu xanh nhợt nhạt. Đáng lẽ khi tới gặp ông Hùng lần đầu tiên nó phải ăn mặc chỉnh tề hơn một chút, nhưng nó sợ bà Tảo nghi ngờ nên nó đành phải mặc cái áo cũ.

Còn thằng Đức thì đầu chải bóng và mang một chiếc sơ mi trắng tươm tất vẫn dành cho ngày chúa nhật. Nó cũng không quên rửa sạch sẽ hai bàn tay thường ngày vẫn bị đen vì mực báo. Hôm nay trông nó rõ ra một cậu bé khôi ngô, vẻ mặt chân thật và sự thông minh lộ rõ trong cặp mắt sáng của nó.

- Em là Đức phải không? – cô Mai hỏi nó với một giọng thật dịu dàng – Thu Cúc có nói chuyện nhiều về em! Chị rất vui được quen em hôm nay.

- Em xin cám ơn cô đã cho phép em tới đây – Đức đáp một cách rất lễ phép.

- Nhưng chị biết vụ này đã làm em rất bận tâm, cũng như chị vậy. Chị biết em đã hoạt động ráo riết để tìm cách khám phá ra điều bí mật bao trùm con búp bê!

- Vâng, thưa cô đúng thế, em đã làm tất cả những gì em có thể làm được… nhưng cho đến bây giờ, em thấy vẫn chưa nên cơm cháo gì cả.

Cô Mai đảo mắt nhìn quanh với vẻ thắc mắc rồi hỏi:

- Nhưng con Lu đâu? Sao em không cho nó lại đây? Cúc đã kể rằng nó theo em đi khắp mọi nơi kia mà?

- Vâng, thưa cô đúng vậy, nhưng nó không thể vào một biệt thự đẹp đẽ như thế này.

- Không sao đâu, chị rất yêu chó. Lần sau em cứ cho nó lại nhé.

Lúc đó ông Hùng vừa tới, làm ngưng câu chuyện đang có đà giữa ba người. Ông có một thân hình cường tráng, dong dỏng cao, trán rộng và đôi mắt thật sắc. Đức nhận thấy ngay ông là người mà chẳng dễ gì ai qua mặt nổi. Nhà phóng viên trao đổi vài câu chuyện với cô Mai rồi quay nhìn hai đứa nhỏ.

Cô Mai vội nói:

- Mai xin giới thiệu : đây là Thu Cúc và Đức, hai người bạn nhỏ của Mai. Cúc đang bị liên hệ vào một câu chuyện bí mật mà chính Mai cũng gián tiếp bị dính líu. Vì vậy, tụi này muốn nhờ anh giúp một tay. Bây giờ, xin mời anh ngồi xuống ghế, châm một điếu thuốc rồi nghe tụi này trình bày tự sự.

Hùng ngồi xuống, rút một điếu thuốc châm hút, vì ông thường nói nếu không có thuốc lá thì ông không thể chuyên chú vào câu chuyện được. Đáng lẽ Cúc phải vào đề trước, nhưng vì có ông khách lạ, nó thấy sợ sệt nên nó nhờ thằng Đức kể giùm. Thằng nhỏ bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện con búp bê không thiếu một chi tiết nào. Nó mô tả rất đúng những nhân vật trong câu chuyện kỳ dị này : bà lão bán hàng với chiếc khăn vuông đen, hai người bí mật đã đánh cướp Thu Cúc, thằng Oánh cà nhắc, người đàn ông có sẹo bên má phải và con búp bê, vai chánh của câu chuyện này với lá thư bí mật giấu dưới tóc có mang địa chỉ của cô Mai.

Khi Đức kể xong, ông Hùng chau mày và trầm ngâm kéo vài hơi thuốc. Rồi ông vẫy Cúc lại gần nói với một giọng rất ôn tồn:

- Bạn em đã kể lại câu chuyện rất rõ ràng khúc chiết, ta rất khen ngợi. Nhưng ta cần biết thêm một vài chi tiết mà chỉ có em mới có thể nói rõ được. Vậy em có thể nhắc lại từng câu từng chữ những lời bà lão đã nói với em chăng?

- Thưa ông có ạ. – Cúc đáp nhỏ nhẹ.

- Thế bà ấy nói thế nào lúc tới gần bên em? – nhà phóng viên vừa hỏi vừa sửa soạn để ghi trên sổ tay những câu trả lời của con nhỏ. Đó là một thói quen cũ của Hùng khi còn làm thám tử, ông vẫn thường nói rằng không có gì dễ làm sáng tỏ một bí mật hơn là đọc lại những trang khẩu cung sau mấy giờ suy xét.

Thu Cúc ngẫm nghĩ một lát để nhớ lại đúng các lời nói của bà lão trong cuộc đối thoại ngắn ngủi với nó rồi đáp:

- Thưa ông, bà ấy hỏi em : “Cháu có muốn mua một con búp bê không?”

- Thế em trả lời ra sao?

- Thưa ông, em không trả lời gì cả vì lúc đó em rất ngạc nhiên. Rồi bà ta cúi xuống cái giỏ để lục lọi và bảo em rất nhanh : “Cháu vờ chọn một con búp bê đi. Cháu lấy con mặc áo đỏ ấy”. Em ngạc nhiên hỏi : “Sao vậy hả bà?” Bà ta bèn trả lời : “Im đi cháu, đừng hỏi nữa. Bà bị người ta theo dõi nên không thể nói gì hơn. Cháu cứ cầm lấy con búp bê đi. Khi về tới nhà, cháu hãy lật mớ tóc huyền của nó lên, cháu sẽ thấy một vật rất hữu ích bên trong.”

- Lúc đó thì em cầm lấy con búp bê chứ? – Ông Hùng vừa hỏi tay vừa ghi lia lịa trên cuốn sổ.

- Vâng, em đã lấy con mặc áo đỏ. Rồi bà ta nói với em : “ Trả cho bà vài đồng thôi, để nếu có ai rình rập, họ sẽ tưởng rằng cháu mua của bà”.

- Sau khi bà lão đi khỏi, em vội chạy về nhà. Tới Thị Nghè, khi đi qua một quãng đường tối, hai tên lạ mặt xông tới đoạt lấy con búp bê. Lúc ấy vì trời tối quá, em không thể nhận rõ mặt chúng phải không?

- Thưa ông vâng.

- Họ có nói gì với em không?

- Thưa ông, không, họ không nói năng một lời nào cả.

- Nếu em gặp lại bà lão, em có nhận ra được bà ta không?

- Thưa ông, em cũng không biết nữa. Nhưng em tưởng cũng khó có thể nhận ra được, vì chiếc khăn vuông đã che gần kín hết mặt bà ta.

- Nhưng còn tiếng nói của bà ta thì em đã nghe rõ chứ? Nó thế nào?

- Tiếng nói khàn khàn.

- Như tiếng một người hút nhiều thuốc lá phải không?

- Thưa ông, em cũng không rõ. Nhưng em nhận thấy giống như tiếng một người đàn ông. Vả lại, Đức cũng đoán rằng có thể là tiếng nói của một người đàn ông cải trang.

Nhà phóng viên bèn quay lại hỏi thằng nhỏ:

- Căn cứ vào đâu mà em lại phỏng đoán như vậy?

- Thưa ông, em nghĩ rằng một người phải có đủ can đảm mới dám hành động như thế : bà lão thừa biết rằng làm như vậy rất nguy hiểm và bà sẵn sàng chịu đựng các hậu quả xảy ra. Theo ý em nghĩ thì đàn ông thường có sự can đảm đó.

Ông Hùng nhìn thằng nhỏ qua làn khói xanh rồi đáp:

- Theo lý luận thì em nói cũng phải, nhưng ta cần phải thận trọng trong sự suy luận, nếu không ta có thể bị lầm đường. Không hẳn rằng sự can đảm là một đức tính riêng của người đàn ông. Thí dụ như chính ta có quen biết một thiếu nữ hàng ngày chỉ vẽ những nàng tiên và sống với hoa cỏ, nhưng ta chắc rằng cô ấy chẳng hề run sợ khi phải đối phó với một kẻ có khí giới trong tay, hay với một con hổ dữ.

Chàng nói xong mỉm cười nhìn cô Mai, cô quay đi mặt đỏ bừng vì e thẹn. Nhà phóng viên lại tiếp tục hỏi cung, nhưng những câu hỏi ông đặt ra có vẻ như không mang lại mấy ánh sáng cho vụ con búp bê bí mật. Tuy nhiên, ông vẫn ghi chép cẩn thận các câu đáp. Do đó, ông biết rằng Thu Cúc đã sinh tại Nam Vang và sau khi mồ côi, con nhỏ được bà Tảo – chị em họ với ba nó – đưa về sinh sống ở Saigon. Đột nhiên, ông lại hỏi:

- Bà Tảo đối xử với em ra sao?

Con nhỏ ngập ngừng không đáp và cúi mặt nhìn xuống.

- Ta muốn hỏi – ông Hùng nhắc lại – bà là người thế nào? Bà có tốt không? Có thương mến em không?

- Thưa ông, em cũng không rõ. Cô em lúc nào cũng gắt gỏng và mắng em hoài, thỉnh thoảng bà còn đánh đập em và nói rằng bà chẳng lợi lộc gì khi lãnh em về nuôi.

Nhà phóng viên vừa châm điếu thuốc thứ hai vừa hỏi:

- Nhưng, nếu vậy, tại sao bà ta không tìm cách gởi em vào một viện mồ côi nào đó? – Rồi ông đợi câu trả lời với vẻ mặt lo lắng.

Con nhỏ lắc đầu nói:

- Thưa ông, có một lần đã khá lâu, khi em còn đi học, bà giáo em đề nghị với cô em để gởi em vào một hội từ thiện nhờ người ta trông nom cho. Nhưng cô em từ chối…

- Vậy à? – ông Hùng vừa nói vừa trầm ngâm nhìn theo làn khói thuốc – Bây giờ em cho ta biết : thỉnh thoảng cô em có tiếp khách lạ nào ở nhà không?

- Thưa ông không, đúng ra là em chưa thấy ai những lúc em có ở nhà.

- Vậy tức là chưa bao giờ em bất ngờ được nghe thấy những mẩu chuyện, những câu nói… Bà ta có nói gì khi đang mơ ngủ không?

- Thưa ông, không bao giờ. Nhưng vào mùa hè năm ngoái, bà có bị một cơn sốt nặng và ban đêm bà mê sảng. Bà kêu khóc và dãy dụa, bà muốn nhảy xuống giường và đột nhiên em nghe thấy bà nói : “Anh Xuân, anh Xuân! Còn số tiền để về đây thì sao? Tôi chẳng cần gì hơn, anh đã lừa dối tôi!” Khi cô em khỏi bệnh, em đã định hỏi ông Xuân là ai, nhưng em sợ cô em nổi giận nên em lại thôi.

- Bà ta dữ thế kia à? – nhà trinh thám vừa hỏi vừa mỉm cười – Thế còn câu chuyện con búp bê, em có kể lại cho bà ta nghe không?

- Thưa ông, không, em không nói gì cả.

- Tốt lắm! Im lặng là vàng! Ai biết giữ mồm giữ miệng thì khó bị nhầm lẫn. – ông Hùng kết luận và đóng cây bút máy lại.

Khi đó, cô Mai tiến lại đưa cho ông Hùng miếng giấy còn sót lại trên đầu con búp bê.

- Thế còn sự bí mật của địa chỉ này, anh không có ý định khám phá ra hay sao? – cô hỏi với một giọng bồn chồn.

Hùng không đáp, cầm lấy miếng giấy bỏ vào ví rất cẩn thận.

- Anh định làm gì vậy? – cô Mai hỏi.

- Tôi đem về nhà để có thời giờ nghiên cứu.

- Anh có ý kiến gì không?

Một nụ cười bí mật thoáng trên môi Hùng.

- Cô bạn tôi ơi – chàng nói với một giọng khôi hài – thế cô không dám đãi tôi một tách cà phê tuyệt tác mà cô pha rất khéo chăng?

Cô Mai vội vàng đi pha cà phê, vì cô biết rằng nếu Hùng muốn giữ kín một điều gì thì dù có cạy răng chàng cũng không nói.


IX

BÀ TẢO NHẬN MỘT NGƯỜI KHÁCH TRỌ


Ngồi sau quầy hàng, bà Tảo đang mạng một đôi bít tất. Ngôi hàng vặt của bà hôm đó chỉ có lơ thơ vài người khách vào mua.

Mắt đeo mục kỉnh, bà Tảo vừa đan vài mũi vừa chống chỏi với giấc ngủ trưa, vì lúc đó không khí thật yên lặng và hơi oi ả.

Bỗng nhiên, một người đàn ông lạ mặt tiến vào, chào bà hàng và hỏi:

- Thưa bà cho tôi một miếng xà bông thơm.

Bà hàng lục trong cái hộp để trên quầy và lăng xăng hỏi:

- Thưa ông dùng thứ nào? Chanh, xả hay hồng ạ?

Ông khách đáp:

- Tôi cũng chẳng rõ nữa. Thôi, bà cho tôi một bánh xà bông xả cũng được.

Ông khách cầm xà bông rồi trả tiền, không cần mặc cả, nên bà Tảo thấy hả dạ lắm. Bà mỉm cười hỏi khách:

- Thưa ông có cần chi nữa không ạ?

- Thưa không, như vậy là đủ rồi. Hay là bà có thể cho tôi hỏi thăm một chút được không?

- Thưa được ạ.

- Vậy thưa bà, tôi đương muốn kiếm một phòng trọ có đồ đạc. Bà có thể chỉ giùm tôi một phòng trọ nào cho mướn trong xóm này không?

- Một phòng có đồ đạc ạ? Thưa, tôi không thấy có chỗ nào cả. Ông thử qua hỏi văn phòng địa ốc bên trước cửa kia, có lẽ họ giới thiệu được.

Người khách lắc đầu tỏ vẻ không muốn:

- Không, tôi không muốn qua đó. Tôi chỉ cần một phòng trong một căn nhà tĩnh mịch, mà chỉ nhận một mình tôi ở trọ thôi. Tôi có thể trả thêm tiền để có một không khí gia đình. Tôi không còn trẻ trung gì nữa nên cần có tiện nghi trước hết.

- Ông nói phải lắm – bà Tảo trả lời với vẻ chú ý – Thế ông cần phòng đó trong bao lâu ạ?

- Thưa độ một tháng rưỡi thôi.

- Có lẽ ông ở xa tới đây vì công việc.

- Thưa không, tôi tới đây vì lý do sức khỏe. Chẳng là tôi bị bệnh phong thấp, nên cứ đến mùa mưa là bệnh lại tái phát. Vì nhu cầu chữa bênh tôi muốn kiếm một phòng trọ trong một gia đình có thể lo việc nấu ăn và giặt ủi cho tôi luôn thể.

Bà Tảo thấy có cơ làm ăn được nên bà đáp:

- Tôi hiểu lắm, chắc ông muốn kiếm một nhà nào như gia đình chúng tôi chẳng hạn. Không phải dám nói khoe chứ chúng tôi nấu ăn khéo lắm, còn việc dọn dẹp lau chùi nhà cửa là chuyện quá dễ dàng…

- Vậy đúng là nơi mà tôi đang tìm kiếm, nếu bà có thể giúp cho tôi thì tốt quá.

Bà hàng vội chắp tay và nói với một giọng ngọt như mía lùi:

- Ông có thể hỏi bất cứ ai ở khu này, chưa bao giờ tôi cho ai thuê mướn phòng ở và đây là lần thứ nhất đấy ạ.

- Tôi thật cảm động hết sức, nếu bà chấp nhận tức là bà đã giúp tôi giải quyết một vấn đề rất cần thiết. Tôi không có ai quen thuộc ở đây nên chẳng biết tìm hỏi ai khác được.

Thấy tư cách lịch sự của ông khách, bà Tảo rất vừa ý nên, sau một lát suy nghĩ, bà đề nghị:

- Vậy thưa ông, nêu ông ưng ý căn phòng mà tôi đang ở, tôi sẽ nhường lại cho ông, nó giản dị nhưng sạch sẽ, và căn nhà thì yên tĩnh như một giáo đường ấy!

- Thực vậy ư thưa bà? Nhưng tôi đâu dám để bà thiếu phòng ở? – người khách nói – Thôi, xin bà bỏ qua chuyện này, tôi sẽ ráng đi kiếm nơi khác vậy.

- Không ông ơi, điều đó không có gì là quan trọng cả. Tôi xin dẫn ông đi xem phòng ấy ngay bây giờ nếu ông muốn.

- Thưa vâng – người khách vừa đáp vừa tiến ra cửa.

Bà Tảo bèn nhờ một bà hàng xóm trông hộ cửa hàng để bà đi cùng ông khách.

Đi độ mươi bước đã tới nơi, bà Tảo vừa vặn chìa khóa vừa nói: “Như ông đã thấy, căn nhà chỉ có một tầng lầu và tôi là người thuê duy nhất, ông không ngại phải đụng chạm với ai cả”.

Bà mở cửa, đứng né sang một bên và nói rất trịnh trọng: “Xin kính mời ông vào ạ”.

Lối đi thì hơi tối, nhưng căn phòng có một cửa sổ lớn nên rất sáng sủa. Đứng ở cửa sổ nhìn ra, người ta thấy những mái nhà xung quanh, bên trên có vài khóm cỏ mọc và xa xa một mặt hồ nước trắng xóa.

- Thưa ông coi được không ạ? – Bà Tảo hỏi – Ở đây không khí và ánh sáng mặt trời thật là đầy đủ, lại còn trông thấy cả mặt hồ óng ánh như gương nữa.

- Phòng này đẹp lắm – người khách vừa nói vừa nhìn xung quanh, rồi ông ta lại hỏi:

- Thưa, xin lỗi bà, bà ở đây có một mình, thế bà không có gia đình hay sao?

- Tôi có một đứa cháu gái : nó là một đứa trẻ mồ côi mà tôi nuôi dưỡng vì lòng từ thiện. Cháu đi làm cả ngày và tối về nghỉ ở phòng xép cạnh bếp ; như vậy chẳng bao giờ ông phải gặp nó.

- Dà, một cô cháu gái! – người khách nói với vẻ lơ đãng – Cháu bao nhiêu tuổi rồi?

- Thưa cháu 12 tuổi. Nhưng tôi xin nhắc lại là cháu không dám làm phiền gì ông đâu! Xin mời ông đi coi nhà ạ.

Căn nhà này vỏn vẹn chỉ có một phòng của bà Tảo, một phòng xép tối tăm để Cúc ngủ, một căn bếp và một cái sân nhỏ chen vào giữa hai dãy nhà lầu.

- Tôi thấy nhà bà cũng có cả một cái sân nữa, có phải không ạ? – ông khách hỏi có vẻ ngạc nhiên. Bà Tảo vội đáp:

- Vâng, cái sân này, xin để ông dùng luôn, chiều chiều ông ra đây hóng mát thì tuyệt. Ngoài ra, ông chẳng cần chú ý đến các cửa sổ kia : Ngôi nhà bên phải đang sửa chữa, không ai ở cả. Còn nhà bên trái thì chủ thuê đi nghỉ hè vắng, hiện bỏ không, chỉ có một bà già chẳng bao giờ thò mặt ra đến cửa.

- Như vậy được lắm. Nhưng xin bà đừng nghĩ rằng tôi muốn xa lánh mọi người. – Ông khách mỉm cười đáp. Rồi ông hỏi tiếp:

- Xin bà cho biết giá tiền một tháng là bao nhiêu ạ?

Bà Tảo là một con người rất lý tài, nên bà không đáp ngay mà còn ngắm nghía ông khách. Ông trạc độ tứ tuần, vóc người nhỏ bé, má bên phải có một vết sẹo và trông ra vẻ con người “có tiền”. Khi bà Tảo nói giá hai chục ngàn một tháng, ông khách chịu liền và nói:

- Vâng, thưa bà mai tôi sẽ dọn đến và chồng tiền trọ một tháng trước.

Rồi ông bước vào nhà, sau khi nhìn lại cái sân lần chót và nhất là hai cái cửa sổ của nhà bên cạnh.

- Thưa ông, Vâng ; ông tới lúc nào cũng tiện, hoặc ngay chiều hôm nay nếu ông muốn – bà Tảo đáp với vẻ khúm núm.

Sau đó, hai người xuống cầu thang và bà Tảo trở về cửa hàng, mặt mày rất tươi tỉnh. Người khách đi ra một cách vội vàng, men sát bên tường và mũ kéo sụp xuống, hình như sợ có ai nhận ra mình. Khi đi tới đầu đường, hắn ngoảnh lại thì thấy có hai người đang đi theo hắn. Hắn liền nhẩy lên một chiếc tắc-xi và cho tài xế một địa chỉ vu vơ. Xe vừa khởi hành thì hắn nghe phía sau cũng có tiếng xe chạy tới. Hắn biết ngay là hai tên kia đã bám sát nên hắn phải tìm hết cách để bỏ rơi chúng.


X

NGƯỜI KHÁCH TRỌ KHÔNG TỚI.


- Thưa cô, con đã về – Cúc đi bán hàng vừa về chào bà Tảo.

- Ừ, sao mày về trễ vậy? – bà Tảo vừa khâu vừa đáp, mặt không thèm ngửng lên.

- Thưa cô, con cũng về như mọi ngày đấy ạ.

- Thôi câm mồm đi. Lại tao bảo đây, mày có may được cái riềm này vào tấm màn cửa không?

- Thưa cô, được ạ.

- Vậy làm lẹ đi. Khi nào xong, sẽ ăn cơm – bà vừa nói vừa đưa cho con nhỏ một miếng vải ba-tít trắng. Tiếng nói của bà đỡ sẵng hơn mọi ngày và bộ mặt bà cũng đỡ càu cạu : món “áp-phe” bà vừa lãnh buổi trưa ngày nay làm bà tươi tỉnh hẳn lên. Cúc tiến lại dưới bóng đèn ngồi khâu, im thin thít, không dám hỏi tấm màn cửa này để làm gì. Nhưng bà Tảo đã bắt đầu kể cho nó nghe:

- Mày chưa biết chuyện gì à? – Bà nói với một giọng đắc thắng – Kể từ ngày mai nhà ta có một người khách trọ : tao đã cho một ông quí khách, giàu có lớn, từ xa đến đây mướn căn phòng của tao vì lý do sức khỏe.

- Thế ạ, thưa cô – con nhỏ hỏi một cách chăm chú.

- Phải, sáng mai ông ta dọn đến. Vậy mai mình phải dậy thật sớm để lau chùi căn phòng, rồi treo màn cửa và đánh bóng các đồ đạc.

- Thưa cô vâng – Cúc đáp và hỏi thêm – Nhưng thưa cô, cô sẽ ngủ đâu ạ?

- Thì có khó gì! Tao ngủ phòng mày, còn mày vào ngủ trong bếp, có gì mà phải áy náy!

Con nhỏ không đáp, nhưng có lẽ bà Tảo cũng thấy một vẻ bất mãn thoáng qua sắc mặt nó, nên bà hỏi ngay nó với một giọng ví von rất khả ố:

- Có lẽ nàng công chúa không vừa ý chăng, và nàng công chúa không muốn rời khỏi phòng the chăng?

- Thưa cô, con có dám nói gì đâu – con nhỏ đáp, mặt vẫn cúi gầm xuống món đồ khâu.

- Điều đó là dĩ nhiên rồi, vì mày không có quyền bàn cãi gì về những quyết định của tao cả. Ở nhà này tao là chủ, biết chưa?

- Thưa cô vâng.

Hai người tiếp tục khâu vá trong im lặng, và thời giờ trôi qua một cách chậm chạp, buồn bã. Cúc khâu rất cẩn thận, cố gắng cho đường kim mũi chỉ được nhỏ nhắn, đều đặn. Nhưng nó cảm thấy một nỗi buồn vô tả tràn ngập tâm hồn. Để khuây khỏa được phần nào, nó mường tượng lại những sự việc đã xảy ra ngày hôm qua, nhất là những câu hỏi rất tỉ mỉ mà ông Hùng đặt ra. Nhà cựu thám tử có thể vén bức màn bí mật lên chăng? Điều đó chưa ai có thể đoán trước được. Và nó thở dài nhè nhẹ, sợ cô nó nghe thấy.

Khâu màn cửa vừa xong, Cúc đi dọn cơm. Hai cô cháu ăn xong vội thu xếp đi ngủ, vì đêm đã khuya.

Khi nằm xuống giường, Cúc nghĩ đến tối mai nó phải nằm ở một xó bếp, nhưng nó tặc lưỡi với thái độ dửng dưng. Thôi chẳng có gì quan hệ! Tối về nó đã mệt nhoài thì ngủ đâu mà chẳng được. Thật vậy, lúc nó vừa đặt mình xuống thì nó đã ngủ say rồi. Nó mơ thấy con búp bê đi nhè nhẹ tới gần nó, cúi chào nó rồi đưa hai tay lên đầu lật mớ tóc ra. Cúc nhỏm dậy để định bắt lấy nó, nhưng con búp bê đã ù té chạy vừa lắc đầu như có ý bảo nó hãy chịu khó kiên nhẫn ít lâu nữa.

Hôm sau, bà Tảo đánh thức Cúc dậy từ bốn giờ sáng. Con nhỏ bắt tay vào công việc trong lúc hãy còn ngái ngủ. Nó chải, rửa và lau chùi cật lực. Căn phòng bóng lộn như một tấm gương và sau đó Cúc được tẩm bổ bằng một khoanh bánh mì cũ còn thừa từ hôm trước. Trong khi đó cô nó đã mang bày ra giường một chiếc mền thật đẹp, múc một bình nước, sửa soạn một chiếc khăn bông và một bánh xà bông thơm để ông khách dùng. Sau bà ta mở hé cửa sổ, đưa mắt nhìn quanh một lượt và lấy làm đắc ý lắm, rồi bà ta xuống nhà để mở cửa hàng. Một lát sau, Cúc cũng xuống lấy chiếc hộp rồi chào cô nó để đi bán hàng.

Đứng sau quầy hàng, bà Tảo đợi ông khách trọ.

Mong suốt cả buổi sáng, đến khi đồng hồ điểm 12 tiếng mà bà Tảo vẫn chưa thấy ông khách dọn đến. “Chắc chiều nay ông ta mới lại”, bà tự nhủ như thế để nén bớt sự lo âu. Đồng hồ lại đánh 2 tiếng, rồi 3 tiếng, rồi 4 tiếng! bà Tảo đứng ngồi không yên, hết ra cửa ngóng bà lại đi ra đến tận đầu đường, nhưng vẫn chẳng thấy tăm hơi ông khách đâu cả.

Trời đã tối, Cúc về tới nhà, vô tình hỏi thăm ông khách đã tới chưa. Bà Tảo đang bực tức, nhân được dịp này bèn quát lên để trút bớt cơn giận lên đầu đứa cháu vô tội:

- Câm ngay, mày đừng tưởng đã thoát được một cách dễ dàng như thế đâu ; mày vẫn phải nằm dưới bếp, dù người ta tới hay không, hiểu chưa?

Vậy là xong chuyện. Như nó đã biết trước, con nhỏ vừa đặt mình trên manh chiếu rách trải dưới đất là ngủ ngay. Còn bà Tảo thì chẳng làm sao chợp mắt được. “Tại sao hắn nói xạo như vậy? Bà tự hỏi. tại sao hắn làm cho ta tin tưởng là hắn định thuê căn phòng này? Chính hắn đã khẩn khoản và gần như buộc ta phải cho hắn xem nhà đấy chứ! Tại sao hắn lại không lại?” Quá bực mình vì không tìm thấy câu trả lời cho ngần ấy câu hỏi, nên lúc tảng sáng, khi trở dậy, bà vội vơ lấy tấm màn cửa và xé tan tành ra tùng mảnh cho hả giận.

_________________________________________________________________________