Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018

CHƯƠNG IV_TIẾNG SÁO CHIỀU


IV


Em và Tưởng Dung ngồi chung trong một chiếc xích đu dưới giàn hoa giấy. Một chiếc khác đặt song song bên cạnh, nơi chị Thục Hân đang ngồi đan áo. Chị dường như không để ý đến câu chuyện của chúng em. Chị chăm chỉ đan, chiếc áo len màu xanh đậm, chị dành để tặng ba, ngày mai. Năm nào chị cũng đan áo vào cuối mùa thu để chào đón mùa đông sắp tới.

Tưởng Dung vuốt vuốt mái tóc em:

- Mẹ tao đã kể lại cho ba nghe chuyện anh Minh. Thật kỳ lạ hết sức khi ba nói với mẹ: "Ba mẹ ở gần con mà như cách xa hàng triệu dặm." Mày nghĩ sao, bao nói thế có nghĩa gì?

Em cắn môi:

- Tao cũng như mày, hoàn toàn mù tịt. Sao mày không hỏi thẳng hai bác?

- Có chứ. Nhưng ba mẹ tao không trả lời. Mẹ tao bảo hãy coi như Minh vẫn còn ở ngoài Bắc, hãy coi như không có gì xảy ra.

- Thế có nghĩa là Minh đã vào Nam theo ý hai bác?

- Tao cũng nghĩ vậy. Nhưng theo óc xét đoán của tao, chuyện đó hoàn toàn vô lý.

- Những chuyện vô lý nhất đang xảy ra trên cùng khắp đất nước ta hiện tại.

Tưởng Dung chớp mi im lặng. Em quay nhìn sang chị Thục Hân, hình ảnh chị ngồi đan áo đẹp chi lạ. Nhỏ Khánh có lần bảo chị Thục Hân đẹp không thua bất cứ người con gái đẹp nào mà nhỏ đã gặp. Em nghĩ giá đôi môi xinh xinh kia ngày ngày líu lo ca hát, chuyện trò thì tuyệt vời biết bao. Hình như chị Hân không thiết gì về nhan sắc, chị chỉ mong cái lưỡi đừng trơ trơ cứng mỗi lần phát âm. Thường ta chỉ quí những gì xa vời không với tới. Chính những người câm mới thấy lời nói là quí. Những người mù thì mơ đến đôi mắt sáng. Vả kẻ què cụt mới thấy đôi chân là quan trọng. Em nghe thương yêu lẫn tội nghiệp chị Hân quá đỗi. Giá em câm ba năm cho chị Hân đước nói một ngày!

Tưởng Dung áp mặt vào má em:

- Hiểu ơi!

- Chi hở, Dung?

- Tao vừa được thư anh Du sáng nay.

Em mệt mỏi:

- Thư có gì quan trọng không?

- Anh ấy bảo Dục Mỹ độ này đánh nhau ghê lắm. Ngày đêm đạn bay vèo vèo trên đầu. Anh ấy kể nhiều chuyện buồn cười ghê, mày ạ. Cuối thư anh ấy gửi lời thăm Thục Hiểu.

- Mày có viết thư cho Du nhớ bảo tao chúc anh ấy may mắn... từ đầu đến chân.

- Tao sẽ nhớ.

Tưởng Dung đập vào vai em:

- Ô! Hai con nhỏ Đoan, Khánh đi đâu mà hối hả vậy kìa.

Hai con bé chạy ào về phía chúng em như cơn lốc dữ. Mặt nhỏ Đoan tái mét, môi lắp bắp nói không nên lời. Nhỏ Khánh thở hào hển:

- Thục Hiểu ơi! Anh Triều...

Chị Hân ngước mặt lên, chờ đợi.

Em run lên:

- Anh Triều sao mà mày hốt hoảng thế?

- Anh Triều... chết rồi!

Tưởng Dung nắm tay Kim Khánh giặt mạnh:

- Thật sao Khánh? Mày không lầm người khác chứ?

Chị Hân đứng bật dậy, đôi mắt thất thần. Chị há hốc mồm, đôi môi ú ớ không kêu lên được một tiếng, dù chỉ là một tiếng kêu tuyệt vọng. Nỗi đau hổ của con người Thục Hân là ở đó. Người câm thì không bao giờ biết nói, chỉ có nước mắt trào ra thay lời vĩnh biệt.

Em sững sờ trước một hung tin. Anh Triều chết thật vô lý, nhưng trên đời này những chuyện vô lý vẫn thường xảy ra. Em nghe loáng thoáng tiếng Tưởng Dung hỏi Kim Khánh lý do anh Triều chết. Kim Khánh ngồi phịch xuống sân nhà:

- Anh bị xe đụng trên đường Nha Trang - Cầu Đá, con đường hàng ngày anh đi học. Anh Viễn học cùng lớp với anh Triều đã đưa anh vào nhà thương nhưng không còn kịp nữa.

Chị Thục Hân ôm mặt chạy vào nhà. Chiếc áo len đan dở rơi xuống đất. Em nhìn quanh, mắt nhỏ nào cũng đỏ hoe. Gương mặt Triều hiện ra, lung linh, nhạt nhòa dưới hai hàng mi em đẫm ướt. Em nói từng tiếng chậm chạp, sũng ướt:

- Chúng mình đi mua nhang đèn đến phúng điếu chứ ngồi đây hoài sao?

Cả bọn ngồi thụ động, không nhỏ nào hưởng ứng lời em. Mặt trời đã lặn. Chiều đang xuống. Một ngọn gió thổi qua, lạnh buốt. Gió giao mùa. Mùa đông sắp trở về.

Lúc đưa đám tang anh Triều về, đôi mắt chị Thục Hân đã ráo hoảnh, bờ môi chị se lại, khô khan. Gương mặt chị bình thản đến lạnh lùng. Nhìn vào nét mặt thản nhiên của chị không ai là không thấy được sức chịu đựng quá mức một nỗi khổ đau dồn nén trong tâm hồn. Ba bảo mẹ đưa chị đi dạo mát ở Suối Tiên cho khuây khỏa, chiều hãy về, chị nghe lời ba, không một giây đắn đo. Ngôi nhà vắng mẹ và chị Hân, hình như rộng hơn, trống vắng. Em úp mặt xuống bàn học. Mệt mỏi. Một quyển sách chạm phải tay em rơi xuống đất. Em cúi nhật. Cánh hoa dại ngày nào đã được ép khô rơi ra, màu hoa đỏ bầm như màu máu khô. Bất chợt, em rùng mình. Nước mắt lại ứa ra. Em gọi anh Minh nghèn nghẹn trong cổ họng.

Ba đến bên em không biết từ bao giờ. Phiếu điểm hàng tháng nằm gọn lỏn trong tay ba. Em đưa tay chùi nước mắt, nhưng nước mắt cứ tiếp tục dâng trào. Ba ngồi xuống bên em, bàn tay ba vuốt nhẹ những sợi tóc dài vướng vít quanh cổ em, giọng ba ấm áp:

- Thục Hiểu! Con buồn lắm ư?

Em ngước mặt lên nhìn ba, hai dòng lệ chạy lệch qua hai bên thái dương. Em chỉ vào phiếu điểm trong tay ba:

- Ba! Con xin lỗi ba! Tháng sau con cố gắng hơn.

Ba hôn lên trán em, ba vỗ về:

- Thục Hiểu! Ba không rầy con đâu. Ba biết, con lớn rồi, con cũng có những đổi thay trong tâm hồn.

- Ba!

Ba nhìn thẳng vào mắt em:

- Thục Hiểu! Con đã yêu?

Em ôm cánh tay cứng rắn của ba, gật đầu. Ba cúi xuống, tia nhìn rộng lượng, bao dung:

- Và con đang thất vọng?

- Dạ không, ba. Anh ấy cũng thương con.

- Vậy tại sao con buồn? Hay con có gì khó xử? Con nói đi! Ba tin sẽ giúp được con.

Em khóc trong vùng mắt ba âu yếm. Ba không phải là mẹ để nghĩ rằng em hoài hoài nhỏ bé. Ba hiểu được em, ba hiểu được tâm hồn của đứa con chớm lớn. Em thuật lại cho ba nghe buổi đầu tiên gặp nhau. Em kể ba nghe câu chuyện lạ lùng giữa Minh và gia đình Tưởng Dung. Em không bỏ mất một chi tiết nào. Ba ngồi chăm chú nghe, nét mặt đăm chiêu. Hình như ba suy nghĩ gì lung lắm mà chốc chốc ba lại thở dài. Em kết thúc câu chuyện bằng những tiếng ướt sũng:

- Ba, chắc không bao giờ chúng con gặp lại nhau. Giấc mơ có bao giờ biến thành sự thật không hở ba?

Ba không gật mà cũng không lắc. Ba hỏi từng tiếng chậm rãi, nghiêm nghị:

- Thục Hiểu, con có nhớ bộ y phục cậu ta mặc trong người màu gì không?

Em nhíu mày:

- Dạ để con nhớ lại xem. Màu rêu nhạt... à không, có lẽ là màu xám. Mà cũng không phải nữa ba ạ Gọi nó là màu thời gian thì đúng hơn. Nhưng mà quần áo có liên hệ gì đến câu chuyện hở ba?

Môi ba mím lại:

- Có chứ, con. Con nên nghe lời ba. Hãy quên người ta đi.

- Tại sao vậy ba?

- Tại vì... con không thể thương người ta được.

- con không hiểu được ý ba.

Ba cười buồn:

- Ừ. Có lẽ con không hiểu được. Con chỉ biết dệt mộng đẹp và tưởng rằng đường đời luôn luôn là một con đường hoa êm ái.

- Ba! Ba nghĩ sao về sự trùng hợp của Minh và anh ruột của Tưởng Dung?

Đôi mắt ba quắc lên, sáng rực:

- Không bao giờ có chuyện hai người giống nhau về mọi phương diện như thế ngoại trừ anh em sinh đôi.

Đầu óc em dường như quay tít, mặt mũi tối tăm:

- Vậy theo ý ba, Minh với anh Tưởng Dung là một người?

- Đúng như thế.

- Vô lý ba ơi! Anh Minh của Tưởng Dung còn ở ngoài bắc...

Ba để tay lên đầu em:

- Bốn nắm trước Minh ở ngoài Bắc chứ đâu phải bây giờ?

Em ngây thơ:

- Ba ơi! Biên giới canh chừng cẩn mật lấm ba! Nhất là phía bên kia họ đâu để một người dân nào di cư được hở ba. Không lẽ họ lặn từ bên kia đến bên nay bờ Bến Hải?

Ba thở dài:

- Tội nghiệp con tôi! Thục Hiểu còn ngây khờ lắm.

Ba nói tiếp:

- Dù gì con phải nghe lời ba. Con đừng nhớ đến cậu ấy nữa.

- Làm sao quên được hở ba?

- Không được cũng phải được. Con không thể gặp lại cậu ta ngoại trừ một phép lạ nhiệm mầu.

- Con không tin có một phép lạ hay một bà tiên cứu người lâm nạn khổ đau trên cõi trần tục này.

- Thế thì không bao giờ gặp lại nhau lần thứ hai. May mắn lắm con có thể gặp lại khi cậu ta chết.

Em hoảng hốt:

- Chết! Sao vô lý như vậy được thưa ba?

- Không có gì vô lý và không có gì hữu lý trên đời này.

Em ôm cánh tay ba chặt hơn, khẩn khoản:

- Ba nói với con anh Minh là ai đi ba. Con không hiểu được sự có mặt của anh ở núi rừng Đại Lãnh.

Ba nhìn em, giọng ba chùng xuống:

- Thục Hiểu! Con hãy tin lời ba sắp nói, bởi vì sự xét đoán của ba không sai đâu. Ba không giấu con, mặc dù sự thật sẽ làm con hụt hẫng. Thục Hiểu! Minh đúng là anh ruột của Tưởng Dung Ba rắn giọng Con biết không! Trần Tưởng Minh là một trong số các thanh niên Bắc Việt bị động viên đẩy vào Nam. Con nghe rõ chứ!

Em như người vừa rơi từ trên đỉnh cao xuống một hố thẳm đen ngòm. Mồ hôi rịn ra trên trán em, mồ hôi chảy dài hai bên tóc mai. Trời ơi! Trần Tưởng Minh! Có thể như thế được sao? Em bàng hoàng như vừa trải qua một cơn mơ khủng khiếp. Em nhắm mắt lại cố tưởng tượng sự việc xảy ra chỉ là một cơn ác mộng. Nhưng vô ích. Hai mắt em ráo hoảnh, mở thật to, không chớp. Ba vẫn ngồi bên em, ba theo dõi từng nét biến đổi trên gương mặt em. Ba có biết là em đang nghĩ gì với nét hốt hoảng trên gương mặt tái xanh?

Em nhớ lại buổi chiều hôm ấy, Minh sợ hãi gần như muốn bỏ chạy khi gặp em. Em nhớ in nỗi tuyệt vọng, đau khổ hiện ra trên mặt anh. Trong mắt anh chứa cả một trời u uất. Người thanh niên Bắc Việt khi vào Nam là đã chấp nhận cho đời mình bằng câu "sinh Bắc tử Nam". Có một dân tộc nào đau khổ như dân tộc em không? Em rùng mình với cái tên Trần Tưởng Du, Trung úy Biệt Động Quân. Ừ nhỉ? Biết đâu được một ngày kia Minh và Du sẽ đụng độ nhau ngoài chiến trường!

Em úp mặt xuống đóa hoa khô đỏ như màu huyết đông. Nước mắt em làm nhũn mềm cánh hoa. Em mường trượng đến nụ cười của Minh, em nhớ như tạc vào hồn đôi mắt khác lạ của Minh nhìn em. Chàng cũng có một trái tim trong lồng ngực, và dĩ nhiên không trái tim nào là không biết rung động.

Em ngồi trong tư thế ấy không biết bao lâu mà nghe các cơ quan trong não cơ hồ loãng ra. Em nhắm mắt lại. Em không khóc được nữa, chỉ kêu lên những tiếng Minh nghẹn ngào. Ba đặt bàn tay lên trán em:

- Thục Hiểu! Con đang nghĩ gì?

Em cắn chặt môi:

- Con nghĩ, về hoàn cảnh, số phận của Minh...

Ba vuốt má em an ủi:

- Nếu Minh yêu con, anh ta sẽ tìm một lối thoát...

Đối mắt em hơi sáng lên một chút.

Ba tiếp:

- Minh có thể ra hồi chánh lắm chứ.

Em thở ra nhè nhẹ:

- Chỉ là một hy vọng mong manh.

- Nhưng biết đâu sẽ trở thành sự thật?

Em chợt nhớ đến Tưởng Dung, em gái Minh. Câu chuyện ngày hôm qua Dung kể với em còn vang vang trong đầu óc. Ba mẹ Tưởng Dung chắc cũng nghĩ như ba. "Ba mẹ ở gần con mà như xa xôi hàng muôn dặm". Phải rồi, chỉ có em và Dung là không đoán được Minh là ai thôi. Bởi vì, như ba nói, chúng em chỉ biết dệt mộng đẹp và tưởng rằng đường đời luôn luôn là con đường hoa êm ái. Em đứng bật dậy. Em cần gặp Tưởng Dung trong lúc này. Em xin phép ba:

- Con cần nói cho Tưởng Dung biết, ba ạ.

- Ừ. Con đi cẩn thận nhé.

Em nghe đau nhói ở tim sau câu nói:

- Nhất định số mệnh con dài hơn anh Triều.

Chiếc cady hôm nay chạy chậm rì. Con đường nhựa mát mắt với hai bên là những vườn cây trĩu trái. Những ruộng lúa chín vàng lả ngọn trong gió. Khung cảnh hiền hòa gợi cho ta một cảm giác hòa bình. Em nghe hồn mình dịu lại, như được an ủi khi nhìn hai bên vệ đường. Những con bò hiền lành gặm cỏ bên bờ ruộng. Một đàn vịt bơi lội trong thửa ruộng ngập nước. Đôi mắt em thu tất cả hình ảnh ấy một cách say sưa. Khi dãy núi hiện ra rõ dần trước mắt là đoạn đường cũng thu ngắn lại. Nhà Tưởng Dung nằm êm ả trong vườn cây xanh. Đất ở đây màu mỡ như tên gọi. Cây cối ở đây xanh như màu xanh của núi. Đất Lộc, ai đã đến rồi thì trọn đời không quên.

Em lái xe vô ngõ nhà Dung. Một chiếc xe Jeep nhà binh đang đậu trong sân nhà. Em lầm thầm. Xe của anh Du, có nghĩa là anh Du vừa trở về, sau trận đánh, có nghĩa là anh Du bình an. Tưởng Dung chạy ra bậc thềm. Cô nhỏ reo lên:

- Con này linh gớm. Mới nhắc đã đến.

Em ngồi đối diện anh Du:

- Mừng anh Du bình yên trở về.

Tưởng Dung láu táu:

- Tao lo ghê mày ạ. Tưởng đâu... chàng về, chàng về nay đã cụt tay... chứ.

Em háy Dung;
- Xí. Đồ ăn nói vô hậu.

Du vẫn ngồi trầm tĩnh, lần đầu tiên em thấy Du không vui mừng khi gặp em. An nhìn ra khung cửa chan hòa ánh nắng, giọng anh điềm đạm:

- Anh vừa mới về tới. Nghe Dung báo tin Triều chết, tội thật Hiểu nhỉ. Tiếc quá, phải chi anh về sớm một ngày, anh có thể đi đám tang Triều rồi.

Em hỏi nhỏ:

- Anh Triều chết đột ngột quá hở anh?

- Cái chết nào cũng đột ngột, bất ngờ đối với người chưa muốn chết.

Tưởng Dung bùi ngùi:

- Anh Triều đến với chị Hân thật bất ngờ và ra khỏi đời chị Hân cũng bất ngờ.

- Thôi bỏ qua chuyện ấy đi Dung, Nhắc đến càng thêm buồn.

Tưởng Dung:

- À... mày đến có chuyện gì không?

Em nhớ mục đích của mình lắm chứ. Nhưng có Du ở đây em ngại nhắc đến Minh. Em không muốn Du buồn. Không phải em thích Du mãi đeo đuổi mình như bao người con gái khác thích được người ta đeo đuổi mặc dù không yêu. Em mến Du vì Du là một người đáng mến. Em hông thích gợi lại niềm đau của Du bằng cách nhắc đến một hình ảnh khác đang ngụ trong trái tim em.

- Ê, Hiểu. Tao hỏi sau mày nín khe vậy hở?

Em giật mình:

- Mày hỏi gì cơ?

- Giời ơi! Tao hỏi mày đến có chuyện chi không?

- Bộ có chuyện chi mới đến mày được hả?

- Tại vì bình thường ít khi mày đến mà không có chuyện gì.

Em nói dối thật lưu loát:

- Hôm nay khác. Hôm nay rảnh rỗi tìm mày nói chuyện chơi được không?

- Vậy thì nhất mày rồi. Bây giờ mình xuống nhà dưới làm bánh đãi anh Du nghe.

Cô bé nắm tay Du nũng nịu:

- Anh xuống xem tụi em làm bánh nha. Thục Hiểu làm bánh gateau, bánh trứng nhân dừa ngon tuyệt vời.

Du liền lắc đầu. Tưởng Dung phụng phịu:

- Sao hôm nay anh kỳ cục thể hở? Anh thường bảo thích xem con gái làm bánh mà.

Du vuốt tóc Tưởng Dung, ngọt ngào:

- Em với Thục Hiểu đi trước đi. anh cần bàn với thím một vài chuyện.

Em hơi lạ lùng trước thái độ của Du. Chắc chắn em không có gì làm anh giận. Nhưng thôi, em chả cần quan tâm đến Du. Em định khi vào bếp nơi chỉ có hai đứa, em sẽ nói cho Dung biết về anh Minh. Nhưng em lại ngại ngùng khi nhìn vẻ mặt hí hửng, vui tươi của nhỏ, hay đúng hơn em không muốn mình đem đến một tin buồn trong lúc bạn đang vui.

- Hiểu ơi! Trứng đây này. Mày thích làm món chi?

Em gượng cười:

- Gateau đi.

Cô bé vừa đánh trứng cho thật nổi vừa hỏi em:

- Mày có thấy anh Du bữa nay là lạ không?

Em vờ lắc đầu:

- Không.

- Tại mày không để ý đấy thôi. Từ lúc anh ấy đến tới giờ, hơn ba tiếng đồng hồ, vị chị một trăm tám chục phút, tao chưa thấy anh ấy cười.

- Mày không thấy anh Du cười bởi vì không gì đáng để cười, đâu có lạ lùng chi.

- Sao lại không? Đáng lẽ mày đến chơi, anh ấy phải vui nhiều chứ?

- Tao có đòi hỏi anh ấy phải vui khi gặp tao đâu. Vô duyên.

- Mày không hiểu tao muốn nói gì à?

- Không?

Nhỏ bĩu môi:

- Mày giả vờ hay là mày ngu?

- Mày muốn tao trả lời cái nào, trước hay sau?

Nhỏ đưa bột đã khuấy xong cho em:

- Không muốn cả hai. Tao không thích mày giả vờ hoặc ngu si đần độn.

Em bỏ bột vào soong hấp:

- Vậy thì đừng hỏi.

Nhỏ tát nhẹ vào má em:

- Mày có lối nói chuyện khinh khỉnh đến dễ ghét.

- Ai cần mày thương?

- Không cần thật không?

Em mím môi:

- Thật.

Cô bé ôm vai em:

- Mày không cần tao thương nhưng tao vẫn thương mày nhất nhỏ ạ.

- Xạo!

Nhỏ đổ quạu:
- Tao có bảo tao không xạo đâu.

- Đùa tí mà. Tao tin mày chứ.

- Ai cần mày tin

- Mày không cần tao tin nhưng tao vẫn tin tưởng mày nhất nhỏ a.

Nhỏ bật cười khì. Em cũng cười trong sự hồn nhiên của nhỏ. cô nhỏ bỗng hét lên:

- A, bánh cháy.

Nhỏ hấp tấp nhắc khuôn bánh xuống khỏi bếp lửa.

- Ui da, phỏng tay tao rồi Hiểu ơi!

- Thây kệ mày. Ai biểu lật đật.

- Con khỉ nhỏ. Mày đem bánh lên phòng khách giúp tao đi. Tao rửa tay một tí.

Em bưng đĩa bánh lên phòng khách. Du và mẹ Dung đang ngồi cạnh nhau bàn chuyện. Cả hai người xoay lưng về phía em. Em nghe tiếng mẹ Dung nhão ra, sũng nước:

- Trời oi! Con tôi.

Em quét tia nhìn lên ống sáo trong tay Du, hai chữ Tưởng Khanh thật rõ ràng. Tay chân em run lẩy bẩy. Tim em đập mạnh trong lồng ngực, đầu óc như ngu muội hẳn đi. Mẹ Tưởng Dung nói trong tiếng nấc:

- Ống sáo này của nó, trời ơi, con tôi chết rồi.

Xoảng. Đĩa bánh trên tay em rơi xuống đất. Những vụn vỡ của chiếc đĩa văng tung tóe trên nền nhà. Trời đất như sầm lại, cuồng quay. Em quị xuống. Mẹ Tưởng Dung đỡ em ngồi trên ghế, bà nhìn em qua màn nước mắt:

- Thục Hiểu! Tội nghiệp Thục Hiểu!

Em ôm mặt. Một cái gì nghèn nghẹn ở cổ họng, đau nhói ở ruột gan. Em muốn kêu lên thật to tên Minh nhưng tiếng kêu bỗng biến thành tiếng nấc nghẹn ngào.

Tưởng Dung từ nhà dưới chạy lên, sững sờ trước cảnh tượng trước mắt.

Em hét lên:

- Anh Minh... chết rồi Dung ơi!

Tưởng Dung nhìn chăm chăm vào ống sáo bây giờ nằm trong tay Dung. Cô bé nhìn Du lắp bắp:

- Anh Du... Ống sáo này... của... ai?

Du thở dài:

- Anh lấy trong túi vải của một tên lính Bắc Việt đã chết.

- Trời ơi! Anh Minh.

Cô bé dẫm bừa đôi chân trần lên vụn đĩa vỡ, đến bên em. Một bàn chân Tưởng Dung chảy máu. Máu ướt chân nhòa nhạt trên nền đá hoa. Cô bé áp mặt vào vai em:

- Thục Hiểu! anh Minh là anh ruột của Dung, là một tên Việt cộng.

- Hiểu biết rồi.

- Anh Minh chết rồi, Hiểu ơi, anh Minh chết rồi.

Cô bé khóc thành tiếng. Nước mắt thấm vào vai áo em ươn ướt. Em nghe loáng thoáng tiếng Du thưa với mẹ Dung:

- Xác Minh vẫn còn ngoài Dục Mỹ..

- Còn hở cháu?

Du chua xót:

- Dạ. Xác chết còn để đó. Cháu xin đưa mọi người đến, và xin giấy phép chính quyền cho chú thím chôn cất.

Em, Tưởng Dung vịn tay nhau thất thiểu bước ra xe. Vừa lúc ấy ba Tưởng Dung ở ngoài rẫy về. Bà nắm áo ông khóc ròng:

- Con chết rồi ông ơi! Chết trong trận đánh ngoài Dục Mỹ. Ông đi với tôi ra ngoài ấy nhìn con.

Gương mặt ông nhăn lại, đôi mắt hơi mờ đi. Ông bước lên xe. Ông vẫn mặc bộ đồ bà ba đen đầy bụi bậm. Chiếc xe anh Du chạy vụt đi, em chợt nhớ mọi cánh cửa trong nhà Tưởng Dung chưa kịp khóa lại.

Hai người đàn ông ngồi bằng trước, Du đang chăm chú nghe chuyện tình giữa em và Minh. Em khép hờ đôi mắt, mệt mỏi thực sự. Một màu đen thăm thẳm hiện ra dưới hai hàng mi nhắm nghiền. Em nghe tiếng Minh ấm áp bên tai:

- Anh không chết đâu. Anh vẫn đợi Thục Hiểu hoài hoài trong dãy núi.

- Anh là một tên Việt Cộng?

- Cay đắng là ở chỗ đó. Nhưng anh không ham chém giết. Anh là một người Việt Nam hoàn toàn.

- Và anh có quyền yêu thương.

- Vâng. Anh yêu Thục Hiểu, yêu cha mẹ, họ hàng, yêu luôn đất đai cả hai miền Nam Bắc.

Xe phóng vun vút trên đường. Em mở mắt. Mẩu đối thoại tưởng tượng chấm dứt. Nắng chiều nhạt nhòa dưới hai hàng mi em ướt đẫm. Con đường thật dài, hun hút. Em ngồi yên lặng như một kẻ tham thiền. Xe qua khỏi phố quận Ninh Hoà lúc nào em chả hay, em chỉ hơi giật mình khi Tưởng Dung bấu nhẹ tay em: " Đến nơi rồi Hiểu ạ". Giữa dám dân chúng đứng xem có một vài chuyên viên thu ảnh. Em rợn người trước mười sáu xác chết nằm phơi mình trên khoảng đất trống. Một vài xác bầy nhầy bê bết máu. Một vài xác mất cả tay chân. Em quị chân xuống đám cỏ khi nhìn thấy xác Minh. Em giơ cao ngón tay run run chỉ:

- Đó. Anh Minh đó.

Bà mẹ gào lên, ôi, nước mắt của một người mẹ khóc con sao mà thê thảm quá.

- Đúng nó đây rồi, con tôi. Con đã sống mười tám năm không vòng tay bố mẹ. Bây giờ con chết đi, Trời Phật dun rủi cho bố mẹ chôn cất. Con ơi. Minh ơi.

Bà còn kể lể thật nhiều trong lúc người cha đứng chết sững. Tai em ù đi vì tiếng khóc than thảm thiết. Vài người chung quanh ngơ ngác nhìn.

Chiều đang xuống chậm. Vài sợi nắng rơi yếu ớt trên những thân xác bất động. Anh Du kéo ba Dung lên xe. Họ đi xin giấy phép chôn cất. Anh trao cho em ống sáo: - " Anh thay mặt Minh tặng Hiểu" rồi phóng xe chạy như bay. Em nhìn theo chiếc xe vút đi bỏ lại bên sau đám bụi mù.

Em về đến nhà lúc trời sâm sẩm tối. Phố quận đã lên đèn. Thấp thoáng bóng ba đứng chờ em ngoài ngõ. Em dừng xe bên cạnh ba.

Ông hỏi:

- Sao về muộn thế con?

- Ba!

- Hở? Con vẫn chưa hết khóc ư?

- Ba ơi! Ba nói đúng. con vừa gặp lại Minh lúc hồn anh đã lìa khỏi xác.

Ba hỏi nhanh:

- Con nói sao? Minh chết rồi sao, Hiểu?

Tiếng em khàn đục:

- Dạ. Anh ấy chết ngoài Dục Mỹ. Con vừa ở ngoài đó về đây.

Ba vuốt tóc em:

- Tội nghiệp con tôi.

- Ba!

- Chi, con?

- Chị Thục Hân về chưa ba?

- Rồi. Chị con đang ở ngoài vườn.

Tiếng em vang lên nhẹ như hơi thở:

- Hai chị em sanh cùng một ngày, một giờ, một năm. Bây giờ lớn lên, hai quả tim cùng in vết đìu hiu.

Ba đặt tay lên vai em:

- Con mệt lắm rồi. Vào nhà nghỉ đi, để xe đây ba dắt vào.

Em ngước nhìn ba trong bóng chiều mờ mờ:

- Ba! Con không mệt lắm đâu.

Ba nghiêm nghị:

- Thục Hiểu, nghe lời ba vào nghỉ đi.

Em bỏ chạy ra vườn hoa. Chị Thục Hân đang ngồi im lìm như pho tượng đá. Dáng chị nhỏ nhơi yếu đuối. Khuôn mặt chị nghiêng nghiêng lờ mờ trong trời sẫm. Em đứng sau lưng chị gọi nhỏ:

- Chị Hân!

Chị Thục Hân đứng dậy dang tay đón em. Đưa cho chị Ống sáo của Du tặng, em nấc lên:

- Ống sáo của Minh. Chị biết Minh không?

Chị Hân lắc nhẹ đầu. Em bóp tay chị:

- Tình cảm em dành cho Minh cũng như chị dành cho anh Triều. Chị biết Minh là ai chưa?

Thục Hân gật đầu. Đời chị toàn những cái gật và lắc không thôi.

- Anh ấy thổi sáo hay lắm. Nhưng bây giờ anh ấy không còn nữa. Anh Minh đã chết. Chị biết không, Minh đã chết.

Chị Hân đưa sáo lên môi. Tiếng sáo vang lên, quặn thắt ruột gan.

Bóng tối đang bao trùm mọi vật. Em úp mặt vào mái tóc chị hân. Màu tóc đen như màu trời.

*

Em trở lại Đại Lãnh vào một chiều thứ bảy. Biển xanh như nền trời. Sóng sủi bọt trắng xóa như đám mây nõn ở phía trời xa. Trời chiều nay thật đẹp. Biển chiều nay thật dịu dàng. Em cởi giày. Cát trắng dịu dàng mềm mại dưới gót chân. Gió biển đùa cợt cho tóc em bay. Và áo em bay. Sóng biển hoài hoài một điệu tình ca muôn thuở. Em nghe hồn mình dịu đi một nỗi buồn phiền. Nắng chiều nhạt nhòa, lung linh trên mặt biển. Em nghe hình như biển âu yếu gọi tên em. Em nghe hình như biển vổ về an ủi.

Em đi chầm chậm trên bãi và say sưa nhìn biển như muốn thu hết vẻ đẹp của biển vào trong đôi mắt. Em tiến dần về phía cuối bãi. Những túp lều của ngư dân vẫn nằm buồn tênh như ngày nào. Em cúi xuống nhanh tay bắt gặp một chú còng đang bò trên cát. Em bỏ chú còng trong lòng bàn tay và đến gần chiếc cầu. Chiếc cầu của kỷ niệm bây giờ đã có những người lính gác. Họ mắc võng nằm dưới chân cầu. Em bước qua phía bên kia để vào chốn cũ nhưng bị họ chặn lại. Một người lính hỏi:

- Đi đâu?

- Cảnh trong kia đẹp quá! Tôi muốn vào xem chút, ông cho phép nhé.

- Không được đâu. Vào trong ấy nguy hiểm lắm.

Em nào nỉ:

- Chả sao đâu. Các ông cho tôi vào một tí thôi.

Người lính nghiêm giọng:

- Trong ấy không được an ninh. Bổn phận của chúng tôi là ngăn cản những ai muốn đến đó.

Em đành đứng yên ngâm đôi chân vào dòng suối mát trong. Em nhìn lại núi rừng với nhiều luyến nhớ. Những người lính nhìn em ngạc nhiên. Em không cần để ý. Một cuộc gặp gỡ tình cờ làm chao nghiêng tâm hồn em. Mới có hai tháng mà tưởng chừng như lâu lắm. Mới có hai tháng mà nghe như những sự việc xảy ra đã chìm vào một dĩ vãng mù khơi.

Khi đôi chân bắt đầu tê cứng buốt em quay lung lững thững bước đi, bỏ dòng suối và chiếc cầu nằm lại phía sau. Đại Lãnh chiều nay bắng những tiếng chim Hải âu. Và chỉ có tiếng gió reo vi vút trên ngọn dương xanh rì.

Một dáng người quen thuộc đang đi ngược chiều về phía em, tóc lộng bay trong gió. Em du mắt nhìn. Tưởng Dung. Dung cũng nhận ra em, cô bé chạy ào đến:

- Thục Hiểu!

Em nhìn lên mảnh vải đen nằm buồn phiền trên ngực áo nhỏ.

- Không hẹn mà cả hai đều đến đây nhỉ?

Tưởng Dung nắm tay em:

- Chắc mày đến đã lâu?

- Trước mày.

Dung chớp mắt:

- Thục Hiểu vào thăm lại nơi ấy chưa?

Em lắc đầu:

- Không vào được. Nơi đó bây giờ là vùng cấm địa.

- Buồn nhỉ.

Nhỏ quay đầu lại đi song song với em:

- Tao vẫn còn bàng hoàng khi ba mẹ nắc đến chuyện ấy Hiểu a.

Em không nói, đôi chân vẫn bước đều. Những dấu chân lún sâu trong cát sẽ bị sóng biển lấp bằng. Em mơ màng nghĩ rằng những dấu chân sau lưng là bước chân của dĩ vãng và sóng biển là con sóng thời gian.

- Thục Hiểu!

- Gì hở, Dung?

- Như là một giấc mộng dài phải không Hiểu?

- Giấc mộng vừa đẹp vừa khủng khiếp.

Cô bé chỉ tay về phía biển:

- Mày nhìn biển đi! Biển chiều nay đẹp tuyệt vời.

Giọng em xa xôi:

- Tao nghe như biển đang hát vỗ về nỗi buồn

- Và gió đang thì thẩm kể chuyện vui?

- Hình như vậy.

Chiều đang dần xuống. Bãi biển vằng tanh không một bóng người. Biển chiều êm ả như hồn người. Một chiếc thuyền chài bấp bênh ngoài khơi. Tự dưng em thèm được lênh đênh trên biển. Tự dưng em thèm một chuyến phiêu lưu vô tận.

Tưởng Dung xem đồng hồ tay:

- Mày định về chưa?

- Ừ. Về.

Hai đưa siết tay nhau. Biển xanh thật xanh. Sóng biển cuồn cuộn vỗ vào vờ. Em quay nhìn biển lần cuối. Vẫn không có con chim Hải âu nào trên bãi cát mông mênh. Em chợt nhớ đến bồn câu thơ đã đọc được ở đâu đó.

Gió ca trên bãi gió reo trong hồn
Ầm ì biển hát vỗ về nỗi buồn
Ừ thôi ta về quên loài chim biên
Ừ thơ ta về quên dấu chân hoang...

TUYẾT OANH   
(15-07-1974)  
    

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

CHƯƠNG III_TIẾNG SÁO CHIỀU


III


Em dừng xe trước cổng nhà Tưởng Dung. Anh Du chạy ra:

- Tưởng Thục Hiểu không đến chứ?

- Tại sao không? Hiểu chưa thất hứa với ai bao giờ.

Hai đứa bước song song nhau lên bậc thềm tam cấp. Bờ môi anh Du trổ hoa:

- Tưởng Dung chờ Hiểu ở nhà sau.

- Em cười:

- Ai lại đi tiếp khách ở nhà bếp nhỉ?

Em và Du vào nhà bếp. Mẹ Dung đang ngồi bên cô con gái, hướng dẫn cho cô bé làm bánh. Em vòn tay:

- Chào bác ạ.

Bà cười bảo Tưởng Dung;

- Con mang bánh dọn cho Thục Hiểu và anh Du đi. Để mẹ đúc cho.

- Còn con nhịn hở?

Bà mẹ trợn mắt:

- Ai dám bắt cô nhịn bao giờ?

Tường Dung lè lưỡi. Cô vé mặc chiếc áo bà ba trắng nom thật dễ thương.

Cô bé dọn bánh lên bàn:

- Anh Du chờ Hiểu đến đói meo đó.

- Sao anh không dùng trước?

- Anh Du bảo có Hiểu cùng ăn mới ngon.

- Tỉ như Hiểu không tới?

Du cười nhỏ:

- Nhưng Hiểu đã đến đây rồi.

- Hiểu nói tỉ dụ mà.

Anh Du gắp một chiếc bánh vàng ngậy óng ánh mỡ bỏ vào chén em:

- Nếm thử rồi khen Tưởng Dung một vài câu kẻo hắn buồn.

Em cười:

- Bánh này nếu đem đi thi không nhất thì cũng đứng... thượng hạng.

- Bò con cho tao đi tàu bay giấy hở?

Nhỏ Tưởng Dung như chợt nhớ ra điều gì, nhỏ reo lên nho nhỏ:

- A, anh Du. Anh nghe chuyện tụi em đi coi bói chưa nhỉ?

- Cô cỏ kể đâu mà bảo anh nghe.

Cô bé ríu rít:

- Thì bây giờ kể có sao đâu.

Em ngưng đũa:

- Nhưng cấm nói về tui à nha.

Con bé nheo mắt:

- Cái đó tùy... người nghe, phải không anh Du?

- Anh không có ý kiến.

- Thầy bói nói Thục Hiểu dễ làm mềm lòng những đấng nam nhi.

- Anh biết.

- Và đang có đối tượng.

Đôi má em đỏ bừng. Trong một phút em nghĩ đến một người con trai xa lạ mà gần gũi. Minh. Đôi mắt anh Du nhìn em lạ lùng:

- Chắc thầy bói nói đúng?

Em bối rối:

- Nhỏ Tưởng Dung nói bậy...

Tường Dung vẫn vô tình:

- Thật mà. Thầy bói còn bảo Thục Hiểu rất chung tình.

Anh Du cười buồn, giọng lửng lơ:

- Có lý.

Em xoe tròn mắt:

- Anh cũng tin nữa sao?

- Thục Hiểu tin thì tôi cũng phải tin chứ. Tin để mà buồn.

- Ai bảo với anh là Thục Hiểu tin?

Anh Du nhìn em, tia nhìn xoáy buốt vào hồn:

- Thục Hiểu đừng thương hại anh. Anh đã biết trước, rồi sẽ có một ngày buồn, như hôm nay.

Tưởng Dung không ngờ câu chuyện đổi chiều một cách nhanh chóng như thế. Cô bé vớt vát:

- Em xin lỗi đã nói đùa để anh Du buồn.

Anh Du cười, khô khan:

- Tưởng Dung lại thương hại anh nữa rồi. Chán quá, sao người ta không sống thật với lòng mình thế nhỉ?

Em mím môi:

- Không ai sống hoàn toàn đời mình ngoại trừ những chiến sĩ ngoài mặt trận.

Anh Du im lặng. Cả ba đều im lặng. Đĩa bánh buồn tênh giữa bàn. Không khí trong phòng như loãng ra, ngột ngạt. Em đứng lên:

- Hiểu hơi nhức đầu. Anh Du và Tưởng Dung cứ tiếp tục nhé!

Tưởng Dung:

- Tao đưa mày về phòng:

Tưởng Dung dắt em vào phòng. Cô bé ấn em ngồi xuống giường:

- Mày nằm nghỉ đi. Tao ra ngoài với anh Du.

Tưởng Dung khép nhẹ cửa lớn. Gian phòng bây giờ chỉ còn một mình em, buồn hiu và trống vắng. Em bước đến vàn học nhỏ Dung, định kiếm một truyện nhi đồng đọc để tìm lại hồn mình một chút bình yên. Một quyển Album thật lớn nằm trong ngăn kéo. Chắc hẳn là Album của nhỏ Dung. Bạn bè bảo nhau Tưởng Dung có nhiều hình ảnh đẹp như tài tử xi nê. Em giở từng trang ảnh, những tấm ảnh gia đình thật đẹp. Trang ảnh cuối cùng là hình một chú bé cỡ lên năm. Chú bé đang nhe răng cười, nụ cười ngây ngô dễ thương lạ. Đôi mắt chút bé, nụ cười chú bé hình như đã quen thuộc tự bao giờ. Em ngờ ngợ như có gặp chú bé ít ra cũng một lần. A, Trần Tưởng Minh. Chú bé có nụ cười của Minh, nụ cười vẫn tươi dù đôi mắt u buồn.

Nhỏ Dung bước vào:

- Anh Du về rồi, nhỏ.

Em ngẩng lên:

- Mày lại nói gì để anh ấy buồn?

- Tao nói mày đã có người yêu.

Nhỏ quàng tay qua vai em, tiếp:

- Thà là như vậy, mày ạ. Mà nếu tao không nói Du cũng đoán biết, anh ấy thông minh lắm mà. Mày không yêu thì để anh ấy tìm một lối đi khác khỏi bận lòng nhau.

Em không nói, đôi mắt vẫn nhìn chăm chăm vào chú bé trong album.

Nhỏ Tưởng Dung chỉ vào chú bé:

- Mày biết ảnh ai đây không?

Em lắc đầu. Nhỏ nói:

- Anh Minh của tao đấy!

Em giật mình, lắp bắp:

- Trần... Tưởng Minh.

- A, đúng rồi. Nhà tao ai cũng lót chữ Tưởng cả.

Em nói mà nghe giọng mình run lên:

- Anh Minh bây giờ ở đâu? Sao từ hồi nào đến giờ tao không nghe mày nói có anh trai?

Tưởng Dung bùi ngùi:

- Tao không nói tao có một người anh còn ở ngoài Bắc là gì? Hình này chụp lúc anh ấy năm tuổi, trước khi ba mẹ tao di cư.

Em nhím mày. Anh Minh nào ở ngoài Bắc. Anh Minh nào ở núi rừng Đại Lãnh. Sao lại có sự trùng hợp lạ lùng như thế này? Em chợt nhớ đến hai chữ Tưởng Khanh khắc trên ống sáo của Minh. Em nói:

- Tao nghĩ giá mày tên Khanh, Tưởng Khanh thì đẹp biết bao.

Nhỏ Dung reo lên nho nhỏ.

- A, tên Tưởng Khanh là tên của chị tao. Chị Tưởng Khanh chết lúc lên ba. Tưởng Khanh, tên đẹp ghê hở mày? Nghe ba tao kể, hồi mẹ tao mang thai, ông nội bắt buộc dù trai hai gái đứa bé vẫn mang tên Tưởng Khanh. Không hiểu sao ông nội tao thích tên Tưởng Khanh đến thế.

Em bàng hoàng. Đây không phải là một giấc mơ mà là sự thật. Minh khổng thể nào di cư mà không tìm ra ba mẹ. Em cắn làn môi dưới đến rớm máu mà không cảm thấy đau. Đầu óc em rối loạn. Minh ơi, anh là ai?

Nhỏ Dung đập vai em:

- Nhỏ, môi mi tím ngắt ghế kia?

Em nắm tay Dung, cố làm ra vẻ thản nhiên:

- Dung này, sao hai bác di cư không đem anh Minh theo?

Nhỏ Dung chớp mắt:

- Ba má tao di cư năm 1955, lúc anh Minh vừa lên năm. Ban đầu ba má tao không định vào Nam, nhưng về sau, sống không nổi với chế độ ngoài đó, cả nhả phải lén lút di cư. Lúc ấy đã trễ hạn di cư, không một người nào được vào Nam tự do trong thời gian đó. Vì âm thầm lén lút di cư nên ba tao không thể lo cho cả mẹ tao đã gần ngày sinh và đứa con nhỏ, anh Minh. Thế nên anh Minh phải đi chuyến sau với ông nội.

Nhỏ lặng một chút rồi tiếp:

- Nhưng tao không hiểu vì sao ông nội và anh Minh không vào Nam được.

Em vẫn nhìn chăm chăm vào tấm ảnh. Chú nhỏ giống anh Minh thật, mặc dù tuổi tác đã cách xa. Trần Tưởng Minh, người con trai của một chiều gặp gỡ và anh Minh của Tưởng Dung là hai hay chỉ một người? Khó thể có hai người cùng mang một cái tên và cùng một nếp sống gia đình. Sự trùng hợp này làm đầu óc em hoang mang ghê gớm. Người em yêu vẫn ở xa tầm tay với. Minh là một người mang một vẻ bí mật, bí mật như sự trùng hợp giữa Minh và anh Tưởng Dung. Nhỏ Tưởng Dung nhìn đăm đăm vào mắt em:

- Suy tư gì thế nhỏ?

Em lắc đầu:

- Không.

Nhỏ cười lém lỉnh:

- Nhớ "chàng" hả?

- Mày chỉ được cái nói bậy.

- Tiếc thật. Tao không biết "chàng" là ai, chàng có gì hơn người để lọt vào mắt xanh của mày nhỉ?

Nhỏ ôm vai em dụ khị:

- Nè, Hiểu cho tao biết chút chút đi. "Chàng" tên gì? Bao nhiêu tuổi? Hai người "phải lòng nhau" bao lâu rồi?

Em bĩu môi:

- Mày đừng lái xe cam nhông vô đời tư của thiên hạ chứ.

- Giời ơi. Yamaha ta lái chưa vững, nói chi đến xe cam nhông.

- Vậy thì im mồm đi. Đừng hỏi nữa.

- Khó cạy miệng mày quá.

- Rõ vô duyên. Ai như này, một cũng Viễn, mà hai cũng Viễn.

Cô nhỏ đỏ mặt ngồi im. Nhắc đên Viễn là Dung sợ em ngay. Em đang làm "nhịp cầu tri âm" cho hai người mà. Dù sao nhỏ cũng phải nể người phát thư không công của nhỏ chứ.

Có tiếng xe vào sân nhà, Tưởng Dung reo lên : "A, ba về!" Tưởng Dung nhảy chân sáo ra khỏi phòng. Em cũng lững thững đi sau cô nhỏ. Lúc thưa với ba Dung đi về, môi em chợt run lên. Em vừa nhận ra gương mặt ông giống anh Minh, một nét giống nhau chỉ có được ở hai người: cha và con.

Tiếng sáo của chị Thục Hân buồn đến rủn người, buồn hơn những giọt lệ khóc than, đã đánh thức giấc ngủ trưa muộn màng của em. Từ hôm đi chơi rẫy về, đôi mắt chị Hân luôn luôn ứ đầy nước mắt. Em cắn môi để không bật ra tiếng khóc khi nhìn đôi mắt đẫm lệ của chị. Em đọc được trong nhật ký chị Hân, những nổi khổ đau của cuộc tình tan vỡ. Buổi chiều, ở Đất Lộc, chị Hân gặp ba Triều. Ông ngỡ rằng chị Hân là một người câm và điếc. Ông đâu ngờ chị Thục Hân vẫn nghe được những lời nói tàn nhẫn của ông. Cuộc tình của Triều và chị Thục Hân như chấm dứt từ đó. Và bây giờ chị Hân thổi sáo hay hơn, sầu hơn và đau khổ nhiều hơn.

Giọng sáo của chị Hân bây giờ là giọng sáo của Minh. Minh! Em nhớ Minh khôn tả. Em nhớ Minh đến quên cả sách vở. Em hay đi thẩn thơ trên bãi biển gió reo, nghe sóng biển réo gọi mà mơ hồ tưởng đến Đại Lãnh, nơi em đã gặp Minh. Em thường đi lang thang trên đường phố với một hy vọng nhỏ nhoi là tình cờ được gặp lại Minh. Nhưng hình bóng Minh vẫn tít mù. Em đi tìm Minh như đi tìm một ảo ảnh xa xôi. Làm sao biết được Minh bây giờ ở đâu?

Lúc sau này em thường đến nhà Tưởng Dung nhìn ảnh chú bé giống anh mà khóc thầm. Em vẫn không biết được nhiều hơn những điều em đã biết. Em đã dọ hỏi mẹ Dung rằng có khi nào một gia đình di cư lại gặp nhau không. Bả bảo có thể có, nhưng rồi cũng tìm gặp nhau. Tuy nhiên chuyện đó đối với gia đình bà thì không bao giờ xảy đến. Bốn năm trước khi người bà con còn ở Pháp, chưa đi Mỹ, thường cho bà tin tức họ hàng ngoài Bắc. Gia đình Tưởng Dung đều biết Minh vẫn còn ở ngoài Bắc và ông nội thì đã mất rồi. Thế là không còn lý do gì để em nghĩ rằng người con trai em yêu là anh ruột Tưởng Dung. Nhưng em vẫn thao thức hằng đêm vì sự trùng hợp lạ lùng. Cái tên Tưởng Khanh, tên của một ông nội đặt cho đứa bé còn trong bụng mẹ. Trên đời này có hai ông nội, hai người mẹ, cùng hai anh Minh giống nhau sao? Em như muốn loạn lên bởi thắc mắc giăng trong đầu. Em như muốn điển lên vì mong gặp lại Minh, vì nhớ Minh. Sách vở vẫn nằm buồn tênh hững hờ trong ngăn tủ. Em như người mất hồn. Em có lãng mạn lắm không? Một lần gặp gỡ cho trọn đời nhung nhớ.

Tiếng sáo của chị Thục Hân đã dứt hẳn. Em vẫn hai tay ôm đâu quay cuồng trong nỗi nhớ. Bên ngoài, trời đã tối sẩm. Em không còn để ý thấy gì nữa. Đầu óc em nhức buốt. Cổ họng em khô đắng. Tai em ù đi không nghe được bước chân của mẹ kéo nhẹ nhẹ vào phòng. Mẹ lay em:

- Sao ngủ gục thế này? Hiểu ơi! Dậy ăn cơm con!

Em mở mắt:

- Mẹ! Con chóng mặt quá mẹ ơi!

Mẹ sờ trán em:

- Thục Hiểu đau rồi. Đầu nóng ran thế này.

Mẹ dìu em lại giường:

- Con nằm nghỉ đi nha. Mẹ đi nấu cháo cho con

Em bật khóc:

- Thôi, mẹ.

- Sao lại thôi? Ủa, sao con khóc?

Mẹ vỗ về em:

- Nín đi con! Con sợ bệnh phải nghỉ học hở? Không sao đâu con. Mẹ xin phép nhà trường cho, đừng sợ. Chịu khó uống thuốc mai mốt khỏi mà.

Mẹ đi ra, khép nhẹ cửa phòng. Em úp mặt xuống gối khóc vùi. Mẹ không hiểu được con đâu. Con không còn bé nhỏ để khóc vì sợ bệnh, sợ nghỉ học và sợ viện thuốc đắng ngắt ở cổ họng. Em khóc mà không hiểu vì sao mình khóc. Em ốm rồi. Minh không biết em ốm để đến thăm đâu. Minh ơi! Minh ơi!

Chị Thục Hân đến bên em, cái quạt giấy phất phơ nhè nhẹ. Chị lấy khăn lau nước mắt cho em. Em nắm tay chị, giọng em ướt sũng:

- Chị Hân, chị thổi sáo em nghe đi. Thổi khúc nào buồn nhất.

Chị Thục Hân trố mắt nhìn em ngạc nhiên. Nhưng chị vẫn gật đầu chìu ý em. Tiếng sáo sầu rưng rức. Em nghĩ đến Minh. Hình bóng Minh cứ lởn vởn trong trí. Không dằn được lòng, em run lên:

- Chị ơi, chị thổi sáo giống anh ấy quá.

Chị Hân tròn xoe mắt. Ống sáo buông xuống giường. Chị hôn em. Hai chị em mỗi người có một tâm sự riêng. Nhưng cùng là một tâm sự buồn, như nước mắt.

*

Minh hạ ống sáo xuống. Anh quay nhìn em:

- Hiểu trở lại Đại Lãnh chỉ một mình?

- Vâng.

Minh nhìn ra ngoài khơi sóng sủi bọt trắng xóa:

- Hiểu thấy biển Đại Lãnh thế nào?

- Tuyệt, anh ạ.

- Tuyệt cho những kẻ yêu đời như Hiểu và cũng tuyệt cho người chán đời như anh.

Em cười nhỏ:

- Anh tính tự trầm hở?

- Ừ. Nếu anh chết Hiểu có khóc không?

- Không khóc và cũng không cười.

- Hiểu không thương anh?

Em nghịch ngợm:

- Tại sao Hiểu phải thương anh?

- Tại vì anh thương Hiểu.

Em sung sướng muốn hét lên. Tim em đập rộn ràng trong lồng ngực. Biển vẫn tiếp tục reo vui trên bãi vắng. Mặt biển chiều nay vắng tênh. Hàng dương thầm thì trong gió lộng. Tự dưng em thèm lặn ngụp vào nước biển mát trong. Em muốn dang hai tay, sải hai chân chạy bay trên bờ biển, hét với gió, với nắng, hét thật to rằng em yêu biển vô cùng.

Minh dắt tay em đứng lên. Đôi tà áo trắng xóa bay phần phật quấn quít trong chiều. Minh nói nhỏ vừa đủ cho em nghe. Áo em trắng hơn bọt biển, chắc anh phải làm thơ mất, nhỏ ạ. Em vùng bỏ chạy, Minh đuổi theo. chúng em đuổi bắt nhau trên cát. Một lúc nào đó không còn nghe tiếng bước chân đuổi theo, em quay nhìn lại. Em không thấy bóng dáng Minh đâu. Em chạy ven theo vờ biển. Chiếc đầu Minh đang lặn ngụp ngoài xạ Sóng cuốn thân hình Minh trôi đi, xa mãi. Em thảng thốt gọi, tiếng em át cả tiếng sóng gào: - Minh ơi! Minh ơi! Không một lời đáp lại chỉ có sóng biển ầm ì vỗ vào bở và chỉ có tiếng gió rít trên ngọn dương cao vút. Em chạy bay trên biển. Em hét lên tuyệt vọng: - Minh ơi! Trở về với Hiểu. Minh ơi!

- Hiểu! Hiểu! Mồ hôi ướt đẫm thế này?

Em mở mắt. Tưởng Dung đang ngồi bên cạnh em, bàn tay nhỏ đặt lên trán em, thân ái:

- Mày nằm mơ thấy gì mà gọi mãi tên Minh?

Em ôm ngực:

- Trời ơi! Một giấc mơ kinh hoàng.

Tưởng Dung vỗ về em:

- Thường thường những người bệnh hay nằm mơ thấy toàn là chết chóc, khủng khiếp, đừng sợ, nhỏ.

Tim em vẫn còn đập mạnh, tay chân vẫn còn run rẩy. Em thở ra, giọng nhẹ tênh:

- Tao thấy anh ấy bị sóng cuốn đi.

Tưởng Dung nắm tay em bóp nhè nhẹ:

- Anh ấy tên Minh?

- Ừ.

Tưởng Dung tò mò:

- Sao một tuần nay mày bệnh, tao không thấy anh ấy đến thăm?

Nước mắt em trào ra:

- Anh ấy vừa đến với tao trong giấc mơ. Và anh ấy chết.

- Đừng nói bậy. Giấc mơ đâu phải là sự thật.

- Nhưng tao sợ...

Tưởng Dung nằm xuống bên em:

- Hay là Hiểu với Minh giận nhau?

Em lắc đầu, nước mắt chảy xuống môi mằn mặn:

- Chúng tao có gặp nhau lần nào nữa đâu mà giận.

- Thế chàng đi xa?

- Tao không biết.

- Trời đất. Sao mày lòng vòng thế?

Một ý nghĩ vụt đến trong đầu. Em vùng ngồi dậy:

- Tưởng Dung! Mày giúp tao điều này nhé?

Tưởng Dung gật đầu:

- Điều chi khó mấy tao cũng cố giúp mày, bò con ạ.

Em mỉm cười:

- Mày chở tao ra Đại Lãnh.

Tưởng Dung há hốc mồm:

- Đến Đại Lãnh làm chi?

Em xịu mặt:

- Mày từ chối?

- Tao hứa giúp mày. Nhưng mà đến Đại Lãnh làm chi chớ? Mày nhớ biển thì bãi Nha trang đó.

- Tao có lý của tao. Mày chở tao đến đó nghen?

- Thôi được. Bao giờ đi hở?

- Ngay bây giờ.

Lần nữa, Tưởng Dung thảng thốt:

- Mày điên hả? Mày còn bệnh mà.

- Tao khỏi rồi.

- Ừ, khỏi. Mày đi về có đường đào lỗ chôn luôn.

Em nói trong tiếng thở:

- Tao muốn gặp lại Minh.

- Trời ơi. Tao đã nói rồi. Anh ấy không có trầm mình tự tử ngoài biển đâu mà sợ.

Em muốn bảo với Tưởng Dung là không phải em tìm Minh trong sóng biển chập chùng. Em muốn kiếm Minh ở rừng Đại Lãnh, nơi chúng em đã gặp nhau. Biết đâu Minh còn trở lại nơi đó. Ừ. Biết đâu. Ai ngờ được sự việc xảy ra trong đời mình nhỉ?

Tưởng Dung ôm vai em:

- Mày đừng dại dột. Nằm xuống nghỉ đi, việc gì đến ắt nó phải đến.

- Tao không phải là một người thụ động, phó mặt đời mình cho định mệnh đẩy đưa, đến đâu thì đến.

- Nhưng ít ra cũng đợi mày hết bịnh đã. Đưa mày đi bây giờ chắc bác không đồng ý.

- Tao có xin phép đâu mà bảo mẹ tao đồng ý.

- Tao không dám đưa mày đi lén lút như thế.

- Mày không thương tao?

- Thương mày đặng dẫn mày vào con đường chết à?

Em khóc:

- Mày không hiểu tao.

Tưởng Dung nhìn em ái ngại:

- Được rồi. Tao sẽ đưa mày đi vào ngày mai, ngày mốt khi mày bớt bệnh. Tao nghỉ học để đưa mày đi, chịu chưa hở.

Em gật đầu:

- Cũng được.

- Thôi tao về nghen. Chịu khó uống thuốc cho mau khỏi bệnh.

Em gượng cười vui:

- Thưa cô vâng ạ.

Em ngã người xuống niệm, kéo chăn đến tận cằm.

Tiếng xe của Tưởng Dung nổ dòn rồi xa hút. Nước mắt em chảy dài. Ngày hôm nay là ngày thứ bảy em nằm trên giường bệnh.

Em ngồi thấp thỏm trên ghế. Tưởng Dung hẹn sáng nay đến đón em không biết cô nhỏ có nhớ không. Em đã nói dối với mẹ là Tưởng Dung mời em đến nhà chơi. Mẹ bảo mới khỏi bệnh đi chơi không tốt. Nhưng mẹ vẫn chìu em, những người mẹ thường hay chìu con. Nếu mẹ biết hôm nay em đến Đại Lãnh, em sẽ qua bao đoạn đường đèo thì có lẽ mẹ không chìu em bao giờ. Em hơn thẹn thùng khi phải nói dối với mẹ. Nhưng những ước mong gặp Minh như trong giấc mơ làm hồn em rộn rã. Em tưởng tượng đến gương mặt Minh, sung sướng và ngạc nhiên khi gặp lại em. Em sẽ kể cho Minh nghe về anh Minh của Tưởng Dung. Ôi! Bao nhiêu là việc em sẽ làm.

Em chạy ào ra sân khi xe của Tưởng Dung vừa đỗ lại. Em giấu mặt sau lưng Dung khi con bé vọt xe chạy. Tưởng Dung chở em theo Cải-lộ-tuyến Diên Khánh, nghĩa là chúng em sẽ không phải qua đèo Rù-Rì. Em lim dim mắt tưởng tượng đến những việc sẽ xảy ra. Không đầy ba giờ nữa hoặc em sẽ gặp được Minh hoặc có thể không bao giờ gặp nữa. Xe đang xuống đèo, em không biết ngọn đèo tên gì nữa. Hai bên là núi rừng xanh thẫm. Em cố nén nỗi xót xa khi nhìn về phía bên trái con đường hỏa xa đã rỉ sét, cỏ mọc um tùm. Tưởng Dung hình như cũng nghĩ như em, nhỏ cho xe chạy chậm lại và nói:

- Hiểu thấy không. Con đường sắt chơ vơ buồn chi lạ.

Em áp má vào lưng nhỏ:

- Vâng. Người nào không đau đớn khi nhìn con đườn hỏa xa đìu hiu cỏ dại ắt kẻ đó không còn tình cảm, không có trái tim rung đông.

Tiếng Tưởng Dung nhẹ như hơi gió:

- Tao mơ một ngày nào đó, gia đình tao ngồi trên xe hỏa trở về miền Bắc. Tao sẽ tìm về thôn Trà Bắc nơi có anh Minh, có họ hàng và mồ mả ông bà nội.

Tim em chợt đập rộn rã khi Dung nhắc đến tên anh Minh. Người con trai ấy là anh của Tưởng Dung hay chỉ một trùng hợp tình cờ? Em nghĩ, câu trả lời chắc không còn bao lâu nữa.

Xe đang đi ngang biển Lương Sơn, bãi biển xanh ngát, đẹp tuyệt vời. Tưởng Dung hơi quay đầu lại:

- Tao không thể hiểu được mày. Đại Lãnh vắng hoe bóng người, không lẽ tụi mày làm một cuộc hẹn hò ở đó?

Em nuốt nghẹn ngào:

- Nếu là một cuộc hẹn hò thì sung sướng cho tao biết bao!

- Thật tao không hiểu mày nghĩ gì mà đòi đến đó khi người ta không hẹn.

- Dung, mày không thể nào biết được ý tưởng của tao khi mày với tao không ở cùng một hoàng cảnh.

- Kể cho tao nghe đi Hiểu may ra tao giúp được mày.

Em không nói. Nhỏ Tưởng Dung trầm giọng:

- Hiểu đừng giấu tao nữa. Tao hứa không một kẻ thứ ba nào biết chuyện này, nếu mày muốn.

Em ôm hông nhỏ chặt hơn:

- Tao sẽ kể khi nào tao muốn kể. Nhưng có điều tao muốn nói với mày là tao thương và tin tưởng mày nhất...

-Thua một người.

- Ừ. Dĩ nhiên.

Bãi biển Đại Lãnh bắt đầu từ chân đèo Cỗ Mã và tận cùng ở chân đèo Cả. Nhỏ Tưởng Dung dừng xe. Em xem đồng hổ tay. Khởi hành 7g10 phút và đến lúc 9g50 phút. Đợi Tưởng Dung khóa xe xong, hai đứa nắm tay nhau xuống bãi cát rộng. Biển buổi sáng sóng vỗ nhẹ nhàng. Em dắt Tưởng Dung đi về phía cuối bãi, nơi có con suối nhỏ dịu dàng trôi dưới chân cầu. Nhỏ Tưởng Dung ngơ ngác như tìm kiếm một bóng hình khác. Em mỉm cười một mình. Chàng không có trên bãi đâu. Chàng ở sâu trong núi kia. Tưởng Dung kêu mỏi chân lia lịa. Em đi sát vào nhỏ:

- Đây là con suối đẹp vô danh. Mày muốn theo tao đi ngược chiều dòng suối để vào sâu trong núi không?

Tưởng Dung bậm môi gật đầu. Em chớp mắt:

- Tao sẽ chỉ cho mày xem nơi hai đứa tao gặp nhau.

Tưởng Dung mỉm cười trong khi hai đôi chân vẫn tiếp tục bước sâu vào rừng núi. Em nói thật nhỏ, thật êm:

- Tưởng Dung! Mày có biết tao gặp Minh vào hôm nào không? Hai đứa tao gặp nhau vào buổi tối thứ bảy, đêm cắm trại của trường. Mày còn nhớ hôm đó tui. mày đã đốt đuốc đi tìm tao chứ? Minh là một người đặc biết và bí mật, Dung ạ. Tao không biết một tí gì về anh nhưng tao yêu anh và tao "cảm thấy" dường như anh cũng yêu tao.

- Tao nghi quá. Sao lại có người vào trong thâm sơn cùng cốc như thế này? Hay là mày gặp ma?

Em cười gượng:

- Vậy khi tao vào đây tao cũng là ma sao?

- Nói đùa đấy. Mảy kể tiếp đi. Anh ấy bao nhiêu tuổi? Quê quán ở đâu?

- Tao đã nói tao không biết rõ Minh ngoại trừ cái tên Trần Tưởng Minh và giọng nói đặt sệt Bắc kỳ.

Nhỏ Dung giật mình đứng lại trong một giây:

- Trần Tưởng Minh? Tên giống anh tao?

Em siết tay nhỏ:

- Không những giống tên mà là một trùng hợp kỳ lạ.

- Mày nói gì tao không hiểu?

- Mày sắp hiểu, Dung ạ. Hôm tao gặp Minh lúc anh đang thổi sáo. Giọng anh buồn dễ sợ. Tao đọc được trên ống sáo của Minh có khắc hai chữ Tưởng Khanh. Anh bảo đó là tên của em anh.

Tưởng Dung kinh ngạc:

- Trai hay gái?

- Anh không biết. Anh bảo anh xa ba mẹ lúc mẹ anh đang mang thai. Và một điều đáng ngạc nhiên là ông nội anh có dặn ba anh, dù sinh trai hay gái đứa bé vẫn mang tên Tưởng Khanh.

- Trời ơi, thật thế sao?

- Mày cũng biết Thục Hiểu không bao giờ nói dối.

- Sao hôm tao kể mày nghe chuyện anh Minh mày không nói tao biết?

- Tao còn không tin một chuyện kỳ lạ thế thì nói ra làm sao mày tin được? Tao đã suýt hét lên khi khám phá ra ảnh của anh Minh mày lúc nhỏ hao hao giống anh Minh.

- Sao kỳ lạ thế nhỉ? Bốn năm trước khi người bà con còn ở Pháp, gia đình tao được tin anh Minh vẫn còn ở ngoài Bắc.

Hai đứa vào sâu trong núi. Em dẫn Dung đến nơi em và Minh đã gặp nhau. Rừng núi vằng vẻ, không một bóng người. Khung cảnh rùng rợn đến run người. Em thở ra thất vọng. Nhỏ Dung ngồi tựa vào cây cổ thụ nơi anh Minh đã ngồi. Nhỏ thở hào hển:

- Tao tưởng mình mơ, Hiểu ạ. Một chuyện trùng hợp lạ lùng có một không hai trên quả đất này.

Em chợt nhớ ra điều gì, em run lên:

- Dung ơi, tao thấy Minh rất giống bác trai, một nét giống nhau khó có được nếu không cùng một huyết thống.

Tưởng Dung hai tay ôm đầu. em đến ngồi trên mô phiến đá nhẫn nhụi. Thế là em không còn hy vọng gì gặp Minh. Trước khi vào đây em đã ươm vào lòng một chút xíu hy vọng, một chút thôi nhưng có còn hơn không, còn hơn bây giờ. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu làm mắt em sáng lên một tí. Biết đâu Minh đã trở lại nơi này vào một ngày khác không phải là hôm nay?

Tưởng Dung ngẩng lên nhìn em, cô bé bất chợt hét lên:

- Thục Hiểu! Coi kìa!

Cô bé chạy đến bên em, bàn tay cô nhỏ chỉ vào phiến đá em đang ngồi.

- Mày đọc đi! Nét chữ còn ghi trên đá.

Em mở to mắt nhìn trừng trừng vào hàng chữ viết bằng sơn trắng trên phiến đá nhẫn nhụi. Hình như tim em đập trật nhịp. Và mắt em hoa lên. Những nét chữ trắng nhòa nhạt dưới hai hàng mi ướt đẫm. "Thục Hiểu, người con gái đã đi nhẹ vào đời tôi một buồi chiều. Trần Tưởng Minh". Em khóc sung sướng. Minh ơi, em vừa biết là anh cũng yêu em. Em tin hai tâm hồn cùng hướng về nhau., rồi sẽ có một ngày gặp nhau. Phải thế không, hở anh Minh yêu dấu? Tưởng Dung đặt tay lên vai em:

- Vậy là Minh có trở lại nơi đây.

- Hiểu không quan tâm mấy về điều đó. Hiểu chỉ cần Minh yêu mình là đủ. Thôi, tui. mình về đi Dung...

- Tiếc quá, phải chi mình đem theo hộp sơn và cọ, mình sẽ ghi lại trên phiền đá này. Nếu Minh đến, anh biết Hiểu có tìm anh.

Em cười vui:

- Chúa sẽ giúp hai đứa gặp nhau bởi chúng tao yêu nhau.

- Tao cũng mong như vậy.

Nắng đang nhảy múa trên lá rừng. Chúng em khoác tay nhau từ giã đồi núi. Mặt trời ở ngay trên đỉnh đầu. Em siết tay Tưởng Dung, nụ cười tươi hơn bao giờ hết.

Một tháng trôi qua trong đợi chờ, mong ngóng. Em vẫn không gặp lại Minh. Tưởng Dung đã hai lần đưa em đến Đại Lãnh. Nhưng em không thấy gì khác hơn những điều em đã thấy. Hình bóng Minh vẫn tít mù. Tưởng Dung cũng mong gặp lại Minh không kém gì em. Cô bé thương một người anh không biết mặt và khi biết Minh giống anh nhỏ, Tưởng Dung dành cho Minh rất nhiều cảm tình. Hai đứa nát óc luôn với hai người con trai tên Minh. Hai người không lẽ là một, lại càng vô lý hơn khi họ là hai kẻ xa lạ giống nhau từ nét mặt đến hoàn cảnh gia đình. Nét suy tư hiện trên gương mặt em và Tưởng Dung không làm sao che giấu được hai nhỏ Khánh và Đoan. Tụi hắn bảo Dục Mỹ mấy hôm ni lộn xộn và anh Du đang hành quân ngoài ấy. Tụi nhỏ tưởng đó là lý do để em và Tưởng Dung buồn. Em không thèm cải chính. Mặc, em không cần gì nữa cả. Vị thứ tháng này em sụt quá xa, mười tám, em cũng không thèm buồn. Chúa nhật tới ba về, chắc người sẽ trách em nhiều lắm. Mẹ vẫn vô tình, bà bảo em bị đau nên học lực sút giảm. Mẹ đâu biết những phức tạp trong hồn em, bây giờ.

Em đứng trước gương chải tóc. Chiếc huy hiệu T.H. Diên Khánh nằm nhỏ bé trên cổ áo. Tự dưng bây giờ em không còn thấy mình yêu trường nữa, dù cho em đã là học sinh Diên Khánh gần sáu năm dài. Nhiều người khi xa trường đã rơi biết bao nước mắt. Riêng em, có lẽ em sẽ mỉm cười. Em đang muốn lìa trường, em muốn bay đến một nơi xa hơn. Nhỏ Kim Khánh bảo em kỳ quặc. Túy Đoan cho em "mát". Và nhỏ Tưởng Dung, cô bé bảo đó là một sự thay đổi của một tâm hồn mới lớn. Nhỏ bảo bây giờ mày không thấy yêu thương trường lớp đâu. Khi nào xong hết bảy năm, mày mới nhận ra sự ra đi là một mất mát lớn lao. Em gật đầu. Tạm công nhân lý lẽ của cô nhỏ. Dù sao em cũng là cô bé có một trái tim dễ rung động, một tâm hồn giàu tình cảm nhất trong bốn đứa bọn em.

Nhỏ Tưởng Dung vừa nhảy lên thang gác vừa tru tréo gọi tên em. Em ôm cặp chưa kịp bước ra, cô nhỏ đã ào vào:

- Giời ơi, nhanh lên chứ.

- Mày làm như chạy giặc không bằng.

- Chạy giặc tao còn ít sợ hơn chạy ba vòng quanh sân trường. Tụi con trai nhòm bắt khiếp.

Em cười nói:

- Hôm nay mày chịu khó đến rủ tao đi học quá.

Hai đứa đi xuống nhà dưới Tưởng Dung bảo:

- Dẹp xe mày ở nhà. Tao chở mày đi.

- Sao mày siêng thế hở?

Tưởng Dung lên giọng bí mật:

- Có một chuyện cần kể mày nghe.

Em thưa mẹ, chào chị Hân rồi cùng Tưởng Dung ra ngõ. Em ngồi sau Dung:

- Rồi. Chuyện gì kể nghe!

- Hiểu này!

- Gì?

- Tao vừa kể chuyện anh Minh với mẹ tao.

Em giật thót người:

- Hở? Mày kể?

- Ừ. Mày đừng trách tao không giữ lời hứa với mày. Nhưng ở trường hợp tao, mày cũng làm như thế thôi.

Em nhỏ giọng:

- Tao hiểu mày. Mày cũng thắc mắc như tao đang thắc mắc.

- Hiểu biết không, mẹ tao ứa nước mắt khi nghe câu chuyện.

Em nôn nóng:

- Ý kiến của bác ra sao?

- Bà bảo tội nghiệp Thục Hiểu.

- Chỉ bấy nhiêu thôi?

- Ừ. Bả chỉ nói đước bấy nhiều rồi khóc. Tao rất kỳ lạ trước thái độ của bà. Hiểu ơi, đêm qua tao thấy bà thắp nhanh khấn vái.

- Dung có nghe bác khấn những gì không?

- Tao nghe loáng thoáng có tên Trần Tưởng Minh.

- Chắc bác cầu khẩn được gặp Minh.

- Tao cũng nghĩ như thế.

Câu chuyện chấm dứt bằng tiếng máy xe ngừng nổ ở cổng trường. Nhỏ Kim Khánh chạy ra:

- Đi sớm rứa mấy o?

Tưởng Dung háy Kim Khánh:

- Bày đặt nói giọng Huế trọ trẹ chẳng giống ai. Nhỏ Đoan đâu?

- Hắn đang quét lớp.

- Chà, siêng dữ.

- Giờ cô Hoài Cầm mà.

- Hắn mê cô Hoài Cầm như dân nhậu mê la ve.

- Không phải đâu. Hắn mê cô Cầm như...

- Như... ông Viễn mê bà Tưởng Dung.

Tưởng Dung ký mạnh vào đầu Kim Khánh. Hai đứa đuổi nhau trên hành lang lớp học. Em ôm cặp vào chỗ ngồi. Túy Đoan lau xong bàn ghế giáo sư, hắn đến bên em:

- Hiểu thuộc bài cô Cẩm không?

- Yên chí lớn. Tao không để cho cô Cẩm buồn đâu.

- Nhất mày đấy, con nghé!

Có tiếng kiểng vô lớp. Bọn con gái ngoan ngoãn xếp hàng trước cửa lớp. Lũ con trai bê bối không ngay hàng ngũ, chúng đứng dồn lai. nhau trò chuyện. Túy Đoan cằn nhằn:

- Nam nhi chi mà lắm chuyện thế không biết. Cô Hoài Cầm sắp đến rồi.

Nhỏ Thúy Lan nói:

- Túy Đoan si cô Hoài Cầm quá, coi chừng chàng ghen à nhen.

Đám nữ sinh nhìn qua phía con trai cười khúc khích. Tên Luân quê quá đứng cứng ngắc như Từ Hải. ai cũng biết Luân "để ý" Túy Đoan. Và Túy Đoan, hình như cô nhỏ còn ngây thơ vô tội vạ. Kim Di cố nói thật to cho cả hai bên nghe:

- Hôm trước ta gặp "chàng" chở "nàng" đi vòng vòng ngoài phố.

Mặt Túy Đoan đỏ bừng, lấm tấm những gân máu li ti. Một giọng hát ồm ồm bên con trai nổi lên: "Yêu nhau chưa chắc đã ngồi sau xe. Ngồi sau xe, ngồi sau xe chưa chắc đã là yêu nhau". Đám học sinh cười ồ. Em cũng cười vui với bạn bè. Trong một chút, em quên đi nỗi phiền muộn của mình. Em đang muốn hồn nhiên như bạn bè. Em đang muốn tìm lại hồn mình một chút bình thản, bình thản như những ngày thơ ấu cũ.
___________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

CHƯƠNG II_TIẾNG SÁO CHIỀU


II


Em đi học trễ mười lăm phút. Em vào văn phòng giám thị xin giấy vô lớp. Ông giám thị già mặt khó đăm đăm đang ngôi nơi bàn giấy, cặp kính trắng xệ xuống sống mũi. Em thưa hai ba lần ông mới ngẩng lên. Ông hất hàm:

- Chi đó?

- Thưa thầy, con đi học trễ xin thầy cho con tấm giấy vô lớp.

- Tại sao đi trễ?

- Dạ... tại xe hư.

Ông lắc đầu:

- Mấy cô cậu thì lúc nào cũng xe hư, kẹt xe. đủ thứ hết. Thôi vào lớp đi.

- Toán chán bỏ xừ! Mấy chục cái định lý, công thức loanh quanh hành hạ bộ óc.

- Thế sao mầy hổng đi C? Học làm chi ban B cho khổ?

- Có đi B mới gặp tụi mầy chứ!

- Ừ há. – Tưởng Dung gật gù.

- Tưởng Dung! Thục Hiểu! Im lặng làm bài.

Em rụt vai, ngồi im thin thít, Tưởng Dung cũng cấm khẩu. Em liếc nhìn hai con bé Túy Đoan, Kim Khánh đang say sưa với mấy câu Anh Văn. Em thò tay vào cặp lôi ra bức thư trao cho nhỏ Dung. Con bé nhìn em mỉm cười kín đáo. Anh Viễn ạ, anh khỏi cần lập quán bánh ướt, bánh bèo nữa. Con bé Tưởng Dung đã "lụy" vì anh rồi đấy!

Giờ ra chơi. Bốn đứa ngồi nán lại ở bàn học. Túy Đoan lên tiếng trước:

- Ê, Hiểu! Lúc nãy đi học mày có đọc bản thông cáo trước văn phòng không?

- Mày ngu vừa vừa chứ. Tỉ dụ mày đi trễ như tao, mày dám dừng lại để đọc thông cáo không?

Con bé làm mặt giận:

- Tao hỏi cho biết để kể mày nghe một tin đặc biệt. Mày không biết ơn còn mắng tao nữa.

Em cười cầu hòa:

- Thôi, tao xin lỗi nghe. Có gì kể tao nghe đi.

- Thèm kể.

- Thôi mà.

Tưởng Dung vung tay:

- Con Đoan không nói thì tao nói. Hãy bình tĩnh mà nghe, bò con. Thứ bảy này, trường mình có tổ chức một cuộc cắm trại ở lại đêm tại Đại Lãnh dành cho học sinh đệ nhị cấp. Chương trình gồm có đốt lửa trại, sinh hoạt hiệu đoàn, tắm biển vân vân...

Em vỗ tay:

- Ô! Hoan hô.

Kim Khánh cười:

- Về xin phép bà già đi Hiểu.

- Dĩ nhiên.

Túy Đoan giơ một ngón tay:

- Không có đứa nào trong bọn mình vắng mặt đấy nhé.

Em nắm lấy ngón tay Đoan vừa đưa ra, cười:

- Mày hết giận tao rồi hở?

- Ai thèm giận con nghé.

- Nghé ngọ gì cũng được, miễn mày không giận tao thì thôi.

Nhỏ Khánh đập vai em:

- Ê, bộ tính quên hả? Thư anh Viễn mô rồi?

- Mày lục xét cặp tao đi, nếu có tự nhiên xem.

Nhỏ nhìn em ngờ vực:

- Bộ khi nãy mày "phịa" hở?

- Ai biết đâu á.

Túy Đoan chặc lưỡi:

- Con này, khi không đi tung tin vịt.

Em liếc nhìn Tưởng Dung mỉm cười. Tưởng Dung thì thầm vào tai em:

- Cảm ơn bò con nhiều nhé.

Em đi chầm chậm trên bãi cát. Cát trắng mịn màng dìu dịu dưới gót chân. Gió biển lồng lộng đùa tóc em bay rối tung. Sóng biển vẫn tiếp tục cuồn cuộn vỗ vào bờ. Biển càng về chiều, sóng càng vỗ mạnh. Mặt trời đi khuất và biển có màu xanh thẫm. Một vài con chim Hải âu bé nhỏ dừng chân trên bãi cát rồi lại vỗ cánh bay đi, tít mù. Em bỗng thèm cuộc sống của loài chim biển. Sống với đại dương và chung thủy với đại dương như người tình bé nhỏ.

Em đi mãi, những căn trại càng lúc càng lùi sau lưng. Những túp lều của dân chài nằm hững hờ trên bãi vắng. Em đứng dừng lại dưới một lòng cầu. Hình như chiếc cầu không có tên. Một con suối chảy róc rách ở chân cầu. Nước suối trong vắt dịu dàng trôi ra biển lớn. Một ý nghĩ hiện ra trong đầu em. Em quay nhìn lại những chiếc thuyền đang trôi dập dềnh trên biển chiều. Trời chưa tối hẳn. Em bậm môi thực hiện ý định của mình. Em chui qua phía bên kia gầm cầu. Đôi chân em bước thận trọng ngược chiều dòng suối chảy. Rừng núi hoàng hôn hấp dẫn gợi thèm một chuyến phiêu lưu. Có nhiều hoa dại mọc dọc theo hai bên con suối, thơ mộng như một truyện thần tiên. Núi đồi Đại Lãnh đứng sừng sững hiên ngang. Em leo len một ngọn đồi rồi xuống một thung lũng. Gió rít buồn tênh. Em vô tình đi sâu vào trong dãy núi. Những cụm hoa dại mọc chen trong lùm cây, kẽ đá. Có một cây hoa dại chỉ duy nhất có một đóa hoa đẹp rực rỡ trong trời chiều. Hoa to bằng hai bàn tay, màu đỏ lấm tấm bên trong những nhụy vàng. Em đưa tay ngắt và định đem về khoe bạn bè. Bỗng dưng em nghe đâu đây có tiếng sáo vi vút. Tiếng sáo khi sầu phảng phất, khi ai oán thê lương, âm ba như mang một nỗi tuyệt vọng khôn cùng. Em đi lần theo tiếng sáo. Đôi mắt em bỗng mở to tròn, bày tay như run lên cơ hồ không giữ nổi cành hoa. Một thanh niên đang ngồi dựa lưng vào thân cây cổ thụ, chàng đang thả hồn theo khúc sáo tuyệt vời. Em bước thật nhẹ nhàng như chú bò con dẫm trên cỏ xanh. Tiếng sáo của chàng còn hay và buồn hơn giọng sáo của chị Thục Hân. Em như say sưa, đắm chìm trước một nỗi tuyệt thú bất ngờ, một khung cảnh như truyện thần tiên. Chàng thanh niên tình cờ ngẩng đầu lên. Trên gương mặt hình như có mang vẻ hoảng hốt? Em mỉm cười và khẽ gật đầu chào. Chàng thanh niên nhìn em, đôi mắt lạnh và sắc.

Chàng lắp bắp:

- Cô... cô là ai?

Em cười nhẹ:

- Tôi là người vừa rồi nghe ông thổi sáo.

Đôi mắt sâu của chàng thanh niên tối hẳn lại như màu trời, lúc ấy, giọng Bắc đặc sệt:

- Không, tôi muốn hỏi cô từ đâu đến?

Em tinh nghịch:

- Có cần lắm không?

Người thanh niên bậm môi gật đầu. Nét mặt chàng cương quyết đến lạnh lùng.

- Không có gì đáng để thắc mắc cả. Tôi là một học sinh của trường T.H.D.K. Bạn bè tôi đang cắm trại ở bãi biển Đại Lãnh ngoài kia.

Nét mặt người thanh niên dịu dần. Chàng nhìn em, nụ cười rất dễ thương:

- Cô học lớp mấy nhĩ?

- Mười một.

- Cô bạo dạn quá. Dám vào sâu trong núi một mình.

- Có người còn dạn dĩ hơn tôi.

- Ai? Cô nói ai?

Em cười:

- Ông chứ ai. Ông đến trước tôi không phải ông hơn tôi sao?

Giọng chàng chùng xuống, buồn mênh mông:

- Không đâu cô bé.

- Ông ơi! Ông thổi sáo nữa đi.

- Buồn lắm! Cô bé thích sao?

- Ông thổi sáo hay quá.

- Cám ơn cô bé. À! cô bé có thể cho tôi biết tên không nhỉ?

- Dạ... Hiểu, Thục Hiểu.

- Tên đẹp.

- Còn ông? phải sòng phẳng đôi bên chứ!

- Vâng. Tôi tên Minh, Trần Tưởng Minh.

Minh nhìn đóa hoa trên tay em, anh nói:

- Cả vùng núi Đại Lãnh chỉ có loại hoa này đẹp và hiếm nhất!

- Hiểu hái ngoài thung lũng.

- Tôi biết.

- Thế ông Minh đã thấy nó trước Hiểu?

- Vâng.

- Vậy nó là của ông.

- Nếu tôi là chủ cành hoa này, tôi sẽ tặng nó cho Hiểu!

Ngập ngừng một chút, Minh nói:

- Tôi xin đề nghị: Hiểu bỏ dùm tôi, tiếng ông đi...

Đôi má em nóng bừng:

- Cảm ơn Minh.

Thấy em nhìn đăm đăm ống sáo bằng trúc có khắc chữ Tưởng Khanh, nét khắc thật bay bướm, Minh nói:

- Tưởng Khanh là tên của em tôi đấy!

- Tên đẹp quá! Trai hay gái hở anh?

- Tôi có biết đâu!

Em tròn mắt:

- Sao lạ thế nhỉ?

Giọng Minh bùi ngùi:

- Tôi xa ba mẹ lúc mẹ tôi đang mang thai. Nhưng ông nội tôi có dặn ba tôi, cho dù trai hay gái đứa bé cũng được mang tên Tưởng Khanh.

- Vì sao anh phải xa ba mẹ anh nhỉ?

Minh lắc đầu:

- Đừng hỏi nữa Hiểu, chuyện chẳng vui gì.

Em im lặng. Trong Minh hình như chứa cả một trời u ẩn. Con người Minh mang một vẻ chịu đựng, khắc khổ. Nhưng nhìn anh, em vẫn thấy hiện diện ra trên nét mặt, trên dáng dấp một vẻ hào hùng.

Minh nhìn quanh núi rừng. Trời đã tối sẫm. Những con chim rừng bay về đậu trên cây gọi nhau ríu rít. 

Minh nói:

- Tối rồi. Hiểu về đi kẻo bạn bè mong.

Em ngước nhìn Minh. Trong mắt anh có điều gì khác lạ làm hổn em xao xuyến. Minh đến gần em, nụ cười anh vẫn dễ thương như lúc ban chiều.

- Hiểu nhìn kìa! Sao hôm đã mọc lên rồi đấy.

- Sao hôm chiều nay sáng và đẹp chi lạ.

- Nhưng cũng không bằng đôi mắt Thục Hiểu.

Em như chơi vơi một chút sau câu nói của Minh. Em vụt chạy đi, xa dần đồi núi. Nước suối róc rách như một khúc nhạc êm đềm. Hình ảnh Minh lại hiện sáng trong em, giọng Bắc ngọt ngào dễ mến. Minh ơi! Đôi mắt của Minh, nụ cười của Minh đã tràn ngập trong trái tim em nhỏ bé.

Trần Tưởng Minh. Tên người con trai có chỗ đứng không nhỏ trong trái tim em. anh có nụ cười tươi, rất tươi. Đôi mắt anh sâu hun hút mang một nỗi buồn thầm kín, một cái gì u uất khó diễn tả bằng lời. Em nhớ dáng anh cao, gầy gầy đứng sừng sững giữa núi rừng Đại Lãnh. Em nhớ giọng sáo buồng vương vương một niềm đau xót . Giọng nói của Minh như ru hồn em vào giấc mơ hồng, như rung tim em từng nhịp lao xao. Nữa đêm em chợt bừng tỉnh giấc, ra balcon ngồi bó gối mơ màng như người mộng du. Như đêm nay, em nhớ Minh. Nhớ vô vàn. Minh ơi, còn có dịp nào để gặp nhau? Còn có dịp nào em nghe Minh thổi sáo? Trời ơi, em đã yêu Minh rồi sao? Nếu không thì tại sao em nhớ Minh quá đỗi. Và Minh ơi, phải chăng tình yêu giết lần sự hồn nhiên, bình thản của tâm hồn như là viên kẹo ngọt làm hư hỏng những chiếc răng xinh xinh? Kẹo làm răng hư mà ngươi ta vẫn thích ăn kẹo ngọt. Cũng như tình yêu làm chao nghiêng tâm hồn, thế nhưng người ta cũng vẫn cứ yêu, như em chẳng hạn.

Trời đêm nay thật nhiều sao. Sao đẹp cũng không bần đôi mắt Hiểu. Thật thế sao anh? Anh đã nhìn vào mắt Hiểu để biếng rằng cô bé Thục Hiểu cũng đẹp, như bao người con gái đẹp. Em chống tay vào khúc lan can, đầu óc còn đằm đằm nỗi nhớ. Phố quận về khuya buồn hiu hắt. Tự dưng em thấy cô đơn. Tự dưng em thấy hồn mình trống rỗng. Giá có Minh bên cạnh. Giá em nghe được tiếng sáo của Minh. Chúa ơi, bao giờ con gặp lại chàng.

Em lần bước vào phòng. Ngọn đèn ngủ trên table de nuit tỏa sáng dịu sàng. Cánh hoa dại của một chiều kỷ niệm vẫn còn trong chiếc bình nhỏ xíu. Màu đỏ đã trở thành nâu sẫm trong đêm. Em với lấy quyển nhật ký. hai đêm rồi em giật mình tỉnh giấc và cặm cụi ngồi biên nhật ký. Trang nhật ký bắt đầu bằng tiếng Minh yêu dấu. Trang nhật ký của mối tình đầu chớm nở. Và em thiếp đi lúc trời gần sáng, lúc sao mai ngoài kia bắt đầu mọc.

Một bàn ta mát lạnh đặt nhẹ lên trán em và tiếng mẹ dịu dàng:

- Thục Hiểu! Dậy đi học con.

Em mở bừng mắt:

- Sáng rồi sao mẹ?

Mẹ vuốt tóc em:

- Con mệt lắm ư? Mọi hôm con ưa dậy sớm.

Em mỉm cười trấn an mẹ:

- Con khỏe như voi mà mẹ.

Hai mẹ con ra khỏi phòng, đi xuống lầu. Mặt trời đã lên. Em hấp tấp soạn sách vở, thay áo và đi học ngay. Mẹ buộc em phải ăn một miếng bánh phết bợ Mắc dù đã trễ giờ nhưng em không muốn mẹ buồn. Em nán lại vài phút để ăn xong miếng banh cho mẹ vừaa lòng. Em dắt xe ra khỏi nhà, phóng như bay, nhưng hình như trời không thương kẻ hiền, chiếc xe cà tàng bỗng xục xịch rồi tắt ngủm. Em ngừng xe, loay hoay mãi không xong. Gương mặt ông giám thị hiện ra khó đăm đăm. Em run lên khi nghĩ đến hình phạt chạy ba vòng quanh sân trường. Không có gì quê bằng. Giữa lúc em đang nhăn nhó thì một chiếc xe Jeep ngừng lại. Em ngẩn lên. Anh Du, anh họ của Tưởng Dung, đang nhìn em mỉm cười. Bên cạnh anh, người tài xế tắt máy xe. Anh Du hỏi:

- Sao Hiểu đi học trễ thế này?

Em ngượng ngập:

- Dạ... xe Hiểu hư.

Anh Du xoay qua người lính:

- Chú đưa Thục Hiểu đến trường.

- Còn chiếc xe? Em hỏi.

- Anh sẽ sửa và lái về nhà cho Hiểu. Bây giờ Hiểu đi kẻo trễ.

Anh nhìn em, một cái gì là lạ trong đôi mắt anh:

- Trưa cho phép anh đến đón Hiểu nhé.

Và không đợi em trả lời, người lính phóng xe chạy như bay. Em đến trường vừa đúng giờ vào lớp. Nhỏ Túy Đoan đang trò chuyện với Tuyết Oanh, thấy em vào cô bé quay lại ngay:

- Xe mày đâu?

- Nằm vạ.

- Mày đi bộ đến?

- Xe tao nhõng nhẽo giữa đường. May nhờ anh Du chứ không tao lại hân hạnh trình diện ông giám thị rồi.

Nhỏ Dung quay lại:

- Hở? Anh Du tao hở?

- Chứ còn ai nữa?

- Anh Du tao mớp về phép hở?

- Ai biết đâu, tao gặp ảnh giữa đường.

- Mày gặp anh Du tức là ảnh mới về. Con này ngu.

- Ê, vừa thôi nhẹ Anh họ mày chứ anh tao sao mà tao để ý mới lại cũ.

- Vô duyên!

Nhỏ Kim Khánh:

- Thầy đến kìa. Tắt dùm cái máy phóng thanh đi.

Thầy cho học sinh vào lớp. Tưởng Dung đẩy em bước lên thềm tam cấp, nhỏ thì thầm:

- Mày ác lắm.

- Hở? Tao ác?

- Đừng giả vờ. Anh Du tao Trung úy đàng hoàng chứ bộ đồ bỏ sao?

Em nghe như lỗ tai lùng bùng. Tưởng Dung nói gì vậy nhỉ? À, em hiểu rồi. Em hiểu được ánh mắt anh Du ban nãy. Tình yêu có phải là một sự đuổi bắt? Em chớp mắt. Tội nghiệp cho Du mà cũng tội nghiệp cho em.

Thầy cho cả lớp ngồi xuống mà em vẫn không hay. Kim Khánh kéo tay em:

- Con nhỏ này khùng hở? Ngồi xuống đi!

Hôm nay giờ toán. Thầy đang giảng về phép tịnh tiến. Nhỏ Tưởng Dung ngồi nghe say mệ Môn học "ruột" của nhỏ mà. Em cũng ngồi ngoan để nghe thầy giảng. Nhưng không một lời nào lọt vào tai em. Mấy hôm nay em hững hờ với sách vở, em lạnh nhạt với bút mực. Vì anh đó, Minh biết không? Vì hình bóng anh đã đi nhẹ vào tim em, một chiều...

Chuông rung báo hiệu giờ chơi. Bọn học sinh ùa ra sân khi Giáo sư vừa bước khỏi lớp. Kim Khánh cùng Túy Đoan đi mua xí muội. Em nói với Tưởng Dung:

- Anh Du đem xe tao về nhà. Anh bảo trưa đến đón.

Dung nhìn em:

- Mày gật đầu chứ?

- Không gật đầu mà cũng không lắc đầu.

- Anh ấy không có một chỗ đứng trong trái tim mày sao?

- Tim tao không còn chỗ trống.

Dung tròn mắt:

- Nghĩa là...

- Như mày hiểu.

Dung nắm tay em:

- Mày có thể cho tao biết chút chút được không? Người ấy đến với mày từ bao giờ?

Em mỉm cười:

- Tụi mày thường bảo tao là đứa kín đáo nhất bọn cơ mà.

Nhỏ Đoan, Khanh từ ngoài vào, chúng bỏ vào tay mỗi đứa hai viên xí muội. Túy Đoan cười:

- Tụi mày rù rì chi mà thân mật thế?

Kim Khánh:

- Tưởng Dung chuẩn bị kêu Thục Hiểu bằng chị đi là vừa.

Nhỏ Đoan, Khánh nheo mắt trêu em. Nhưng Tưởng Dung lặng thinh, mặt buồn thiu. Hai con bé tròn xoe mắt nhìn Tưởng Dung ngạc nhiên. Riêng em, em đã hiểu vì sao Tưởng Dung buồn. Và anh Du, một ngày nào đó anh cũng sẽ buồn. Bởi vì anh không có một chỗ nào trong ngăn tim em, dù rất nhỏ nhoi.

Em đang ngồi học mấy thành ngữ Anh Văn thì Triều đến. Em reo lên:

- A, anh Triều.

- Thục Hân đâu rồi em?

Em giả vờ xịu mặt:

- Anh hỏi thăm một mình chị Hân thôi hở?

- Thục Hiểu nữa chứ. Nhưng phải theo thứ tự lớn trước nhỏ sau.

Em cười:

-Tạm tha cho anh lần này. Đố anh biết chị Thục Hân đang làm gì?

- Chắc chấn không phải đang thổi sáo.

- Dĩ nhiên. Vì anh không nghe tiếng sáo.

- Không phải vậy. Anh muốn nói là vì chị Hân chả còn buồn nữa.

Em nhỏ giọng:

- Chị Hân đang viết văn trong phòng.

- Ồ Thục Hân giỏi quá ta.

- Chị ấy vừa viết xong hai cái truyện ngắn tuyệt vời. Đang bắt đầu một truyện dài.

- Anh phải vào xem.

Anh Triều đi rồi, em cúi xuống học tiếp. Đã hơn hai tuần nay chị Thục Hân không còn thổi sáo nữa. Ba mẹ xem anh Triều như một ngươi ân, mặc dù ba mẹ biết trước chị Hân sẽ khổ, sau này. Ba mẹ muốn chị Hân vi được phút nào hay phút ấy. Và anh Triều là người đang đem niềm vui đến cho chị.

Có tiếng xe chạy vào cổng nhà. Em nhìn thấy anh Du đang chở nhỏ Tưởng Dung bằng chiếc Yamaha của nhỏ. Em chạy ra:

- Anh em nhà nhỏ đi đâu lạc đến đây nhỉ?

Du cười:

- Đi tìm nhà cô Thục Hiểu. Phiền cô cho tôi hỏi thăm cô Hiểu.

- Cô Hiểu đi vắng. Ông và cô có nhờ tôi nhắn lại gì không?

Nhỏ Tưởng Dung hét lên:

- Không có đùa nữa. Có mời tao vào nhà không thí nói.

Em vòng tay:

- Dạ xin mời quý vị vào ạ.

Em đặt ly nước trước mặt anh Du:

- Bao giờ thì anh hết phép?

Du nhìn mặt mình trong ly nước:

- Mốt.

Con bé Tưởng Dung xen vào:

- Mai này chủ nhật, chắc mày rảnh chứ nhỉ?

Em lắc đầu:

- Mai ba tao về.

- Mày đón ba buổi sáng, buổi chiều đến nhà tao không được sao?

- Để xét lại.

- Tao muốn mày trả lời dứt khoát được hoặc không.

- Có chuyện gì quan trọng thế hở?

- Mốt anh Du đi về lại đơn vị. Mai này tao làm một bữa bánh xèo gọi là đãi anh. Anh Du muốn có mày đến cho vui.

Em mím nhẹ môi. Không nhận lời chắc chắn anh Du buồn lắm. Và con nhỏ Tưởng Dung có lẽ sẽ giận em. Mà nhận lời thì vô tình em gieo vào lòng anh Du niềm hy vọng. em thương Du và em yêu Minh. Minh thì như cánh chim Hải âu đã bay đi sau một lần dừng chân trên bãi biển. Con chim biển sẽ không bao giờ mỏi cánh. Và Minh, biết bao giờ anh dừng chân lại, cùng em nhìn về một hướng đi trọn đời cho hai đứa?

Nhỏ Tưởng Dung đập vào vai em:

- Sao, mày?

Anh Du tiếp:

- Im lặng tức là chấp nhận hở?

Em thấy tội nghiệp Du quá chừng.

Em gật đầu:

- Vâng. Mai em đến để tiễn anh đi chứ.

Đơ mắt anh Du sáng lên vui mừng. Nhỏ Dung cũng cười thật tươi:

- Mày dễ thương lắm đó, nghé con ạ.

Em đỏ mặt:

- Khi không đi khen ẩu...

Anh Du:

- Dung nó nhận xét đúng đấy chứ.

- Hoa Khôi lớp em mà anh.

- Nói bậy. Đừng thèm tin vào miệng mồm nó, anh Du.

- Không tin cũng không được vì Tưởng Dung nói đúng.

Em vờ quay đi nơi khác để tránh tia nhìn của anh Dụ Em lại nhớ đến Minh. Sao Du không phải là Minh nhỉ? Cho em thôi buồn, cho em thôi nhớ. Em đang bối rối vì ánh mắt thiết tha của Du thì chị Hân bước vào. Chị gật đầu chào Du và Tưởng Dung. Chị cầm giấy bút đến bên em:

- Mẹ đi chợ về chưa, cưng?

- Dạ chưa?

- Tí nữa mẹ về em xin phép mẹ dùm chị nhé. Anh Triều rủ chị đi Đất Lộc.

Em reo khẽ:

- Ô ! Rẫy của anh Triều nhiều chuối và đu đủ lắm cơ.

Anh Triều cũng vào phòng. Anh tươi cười:

- Có Tưởng Dung ở đây nữa nhỉ.

Tưởng Dung giới thiệu:

- Anh Triều, em đã có lần nói với anh. Còn đây là anh Du, anh họ Dung.

Du và Triều bắt tay nhau. Hai người nói chuyện với nhau trong khi chờ chị Hân trang điểm. Lát sau, chị Hân trở ra, chiếc áo dài vàng lấm tấm hoa tím làm nổi bật dáng dấp mảnh khảnh và làn da trắng hồng của chị. Em nghĩ, nếu chị Thục Hân không phải là một cô gái tật nguyền thì có lẽ chị là nàng công chúa diễm lệ nhất thành phố này.

Hai người sánh vai nhau đi ra khỏi nhà. Anh Du nhìn theo:

- Họ hạnh phúc thật.

- Anh Triều yêu chị Hân thật tình hả Hiểu?

- Ừa.

Tương Dung chép miệng:

- Anh Triều hơi lãng mạn.

- Mày nói đúng. Tình yêu của họ không thể tiến tới hôn nhân vì chị Hân dù đẹp đến đâu vẫn chỉ là một cô gái câm

Tưởng Dung bóp tay em:

- Xin lỗi mày. Tao không có ý nói như thế đâu.

Du nhìn vào bình hoa trước mặt nhỏ giọng:

- Thà tật nguyền mà có người yêu tha thiết. Còn hơn anh, thân thể vẹn toàn mà...

- Sao anh bi quan thế?

- Hiểu khuyên tôi phải hy vọng sao?

Em mím môi:

- Hiểu không dám như thế.

- Tôi xây mộng rồi cũng như dã tràng xe cát, tôi biết. Nhưng dã tràng mãi mãi vẫn còn xe cát.

Em lắc lắc đầu. Tiếng nói của Du chìm lỉm trong căn phòng vắng lặng. Ánh mắt của Du nhì em tha thiết. Có một cái gì nghèn nghẹn ở cổ họng. Bời vì em yêu Minh. Bởi vì anh Du không phải là Minh, người con trai của một chiều không thể quên, một chiều đã trở thành kỷ niệm.

Lúc đi chơi về, chị Hân rũ rã như một người ốm yếu nhất vừa dầm phải cơn mưa trái mùa. Chị vào phòng ôm mặt lặng người đi hằng giờ, như pho tượng. Rồi chị khóc như chưa bao giờ được khó. Chắc chắn có điều gì đau đớn lắm đang xoay tròn trong chị. Em không hỏi han, em nghĩ nên đê yên cho chị, khóc được càng tốt, vơi đi bớt nỗi khổ đau. Em ngồi một mình nắn nót biên nhật ký hay đúng hơn là trải những nhớ thương lên trang giấy trắng. Mẹ bảo lúc sau này em có vẻ đằm thắm hơn. Mẹ không ngờ là em đã biết yêu. Dưới mắt mẹ, em là cô bé nhu mì, da non, bấm ra sữa. Mẹ ạ, đôi mắt của Minh, nụ cười của Minh con không bao giờ quên được. Minh là một mẫu người mà em hằng mong gặp và dệt nên từ khi chớm biết mộng mợ Mẫu người như Minh đã được un đúc từ lâu trong tiềm thức. Minh là người đặc biết, một người mà em không tìm thấy được ở Du hay bắt cứ người con trai nào khác. Em yêu Minh ngay từ buổi chiều đầu, trong giây phút gặp gỡ ngắn ngủi cũng vì thế. Minh mới đến với em nhưng như đã quen thuộc tự bao giờ. Em nhớ Minh trên tận cùng nỗi nhớ. Minh là ai? Người con trai giữa rừng núi thâm ủ Người con trai không sống cùn cha mẹ? Trong Minh có một cái gì bí ẩn. Trong Minh, hình như anh hụt chân xuống một hố sâu tuyệt vọng. Minh, người con trai gặp gỡ như một giấc mơ. Một giấc mơ thì không thể đến hai lần. Và Minh, lần gặp gỡ đầu tiên hay cũng là lần cuối?

Đóa hoa dại trên bàn đã bắt đầu héo úa. Những cánh nhỏ rủ xuống, yếu ớt đến tội nghiệp. Những nhụy vàng mỏng manh đã khô queo tự bao giờ. Em vuốt vuốt cánh hoa đặt vào ép giữa trang sách, nâng niu như nâng niu chính kỷ niệm mình. Em khổng thể vứt đi mặc dù cánh hao đã héo tàn. Người ta không thể khùng điên đến độ vứt bỏ một vật đã trở thành kỷ niệm. Nếu tôi là chủ cành hoa này, tôi sẽ tặng nó cho Hiểu. Thế có nghĩa là gì hở anh? Anh có nhớ đến Hiểu như là Hiểu đang nhớ đến anh không?

Màn đêm ngoài kia đang bao phủ. Lại một đêm nữa em thao thức vì Minh.

_____________________________________________________________________
Xem tiếp  CHƯƠNG III