Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

CHƯƠNG VII_TRONG ĐÊM GIÔNG BÃO


Chương VII

TRONG QUÁN CÀ PHÊ NA-MÂN


Người đàn ông đi dọc theo dẫy tường cao, rảo bước dưới trận mưa năng hột. Tới đầu con phố nhỏ, gã quẹo tay mặt, đi thêm một quãng ngắn, dừng lại trước một quán cà-phê, đưa tay đẩy cánh cửa gió, bước vào.

Trong gian quán khá rộng, sặc sụa mùi khói thuốc, ánh sáng chiếu mờ. Nơi góc tường phía trong, dưới bóng đèn 15 watt đỏ quạch, bốn ông khách ngồi rút xì-phé.

Hai ống tay áo sơ mi trắng rộng thùng thình xắn lên tới khuỷu, chủ nhân đang lúi húi rửa ly tách.

Người mới tới trút bỏ tấm áo choàng bằng da, nước mưa chẩy thành giòng, treo lên mắc áo. Gã lầu bầu khẽ gắt:

- Mưa thối đất thối cát. Dễ ghét lạ!

Tiếng ông chủ quán:

- Mùa mưa mà ông. Ông uống…

- Một ly nhỏ “mác-ten” cổ lùn. Và cho mượn… bàn cờ tướng, nghe ông chủ.

- Xin có ngay.

Khách thoải mái dựa lưng vào ghế êm, nhấm nháp chất rượu tuyệt hảo, bật hộp quẹt máy, châm một điếu xì gà. Bàn cờ tướng đặt trước mặt, gã lơ đãng đẩy tới, kéo lui mấy quân sừng đen trắng, đoạn quơ tay gom tất cả lại thành đống. Đấu thủ của khách đã hẹn gặp mà sao giờ này chưa tới?

- Ly nhỏ nữa, cùng thứ, ông chủ!

Người khách cô độc lộ vẻ nóng ruột, luôn luôn liếc xuống chiếc Rolex trị giá trên trăm ngàn đeo ở cổ tay.

Một tiếng đồng hồ trôi qua kể từ lúc gã bước vào. Cánh cửa gió chợt “két” lên một tiếng ngắn. Kẻ mới tới liếc nhanh một vòng bao quát, bước lẹ tới trước bàn có bộ cờ tướng. Chưa kịp ngồi yên vị, gã đã phát ngôn hơi lớn như cốt ý cho mọi người nghe tiếng:

- Hẹn tái đấu với anh mà lại tới trễ. Mưa gì mà liên tu bất tận, đi mô-tô không thể nào nhanh hơn được. Bực mình quá!

- Anh đã tới. Đó là điều cốt yếu.

- Thế nào? Mọi sự vui vẻ cả chứ, anh Bách?

- Anh biết tên tôi?

- Mới cách đây năm năm, đã quên sao được. Từ ngày đó, tôi cũng thay đổi tên họ nhiều lần. Hiện nay, trên giấy tờ, tôi là Nguyễn Thành. Anh không nhận ra tôi sao?

- Nhận ra chứ! Giọng nói vẫn cho biết anh là Trần-Giang-Vân của ngày nào.

- Trần-Giang Vân! Phải rồi! Sao? Tụi mình lại cộng tác làm một “áp phe” mới?

Gã tên Bách giơ nhẹ bàn tay:

- Khoan! Để ngắm lại chút đã. Thú thực, trông anh, tôi vẫn cứ ngờ ngợ… Da bánh mật khác hẳn ngày…

- Thuốc nhuộm thiếu gì.

- Thế con vết sẹo dài… rồi nét mặt cũng khác hẳn?

- Giải phẫu thẩm mỹ nhan nhản ở Saigon, miễn nhiều “địa”. “Thành rạch mặt”! Hà hà! Tụi nó vẫn gọi tôi là thế đó. Dấu vết của một cuộc thanh toán giang hồ. Xóa đi, dễ ợt. Nhưng cứ để, trông cũng hay hay… Sau khi bị “rạch”, lúc đi khâu, tiện dịp, tôi nhờ họ sửa lại dung nhan luôn.

- Sửa dung nhan? Chi vậy?

- Bị truy nã gắt quá, anh Bách ạ! Thay đổi giấy tờ, căn cước không khó nhưng chưa hiệu nghiệm bằng thay đổi luôn cả đặc điểm nhân dạng.

- Uống gì?

- Giống anh!

- Hai cái nhỏ cổ lùn, ông chủ!... Ở đây khá yên tĩnh, – Bách đưa mắt nhìn thật nhanh ngắm Nguyễn Thành từ đầu đến chân – hồi này anh “lên” lắm nhỉ?

- Thì cũng phải cựa quậy làm ăn tí tỉnh chứ. À, này anh Bách, dịch vụ này bự không?

- Hàng đi trót lọt, mỗi đứa mình sẽ có mười “tê” xài chơi. Tạm biết thế thôi. “Sếp” chưa có nhiều chi tiết.

- Tôi cũng đã đoán ra chút xíu. Đá sỏi hả?

- Ừ, đúng đấy, đá sỏi! Để lát nữa nói kỹ hơn. Bây giờ báo cáo cho tôi biết kết quả việc “quay phim thu hình” ra sao?

- Nhận xét khám phá ra hết các lối đi rồi.

- Tốt! Còn con chó?

Nguyễn Thành không trả lời ngay. Gã nốc một hơi cạn ly rượu mac-ten cổ lùn, nghiền nát mẩu thuốc lá trên cái gạt tàn, móc túi rút điếu khác châm lửa.

Giọng nói Bách hơi nặng:

- Có nghe tôi hỏi gì không thế, anh Thành?

- Rồi, nghe rồi! – Nguyễn Thành nói qua hai hàm răng nghiến chặt – tìm ra con chó rồi, bẹc-giê Đức lớn lắm.

- Tốt! À, này! Có gì rắc rối mà coi bộ…

- Tôi muốn biết: Thu hồi vốc đá sỏi bằng cách nào?

- Đừng nóng! Đừng nóng! Chuyện đâu có đó! Bây giờ cần cho anh biết qua về chi tiết dịch vụ đã, nghe.
…………………………………..

Vốc đá sỏi quý giá gồm hết thẩy 50 viên, ba mươi lăm viên kim cương trắng, viên nhỏ nhất cũng 5 ca-ra, còn lại là bích ngọc và hồng ngọc. Tất cả đựng trong một cái túi nhỏ làm bằng da sấu. Anh và tôi có nhiệm vụ đưa hàng từ Cao Miên qua biên giới, vào Việt Nam.

Nguyễn Thành trầm giọng:

- Bằng cách cột túi đá quý ấy vào cổ chó?

- Đúng như vậy!

- Có cách nào khác không?

Tiếng nói của gã tên Bách sắc và gọn:

- Không.

- Nhưng mà…

Bách gằn giọng, buông từng tiếng một:

- Tôi đã nói không là không!... Ê, ông chủ, hai cái nhỏ cổ lùn nữa.

- Riêng tôi… ba cái!

Nguyễn Thành hút thuốc liên tu bất tận, hết điếu nọ lại tiếp điếu kia. Tinh thần gã căng thẳng, sắc diện gã đăm chiêu cực kỳ khiến Bách cũng phải lấy làm lạ:

- Anh xưa nay vẫn nổi tiếng là can trường lắm mà. Hồi này sao kỳ vậy? Muốn bỏ cuộc chăng? Vả lại, có gì nguy hiểm đâu chứ?

Nguyễn Thành lặng thinh không nói. Trong ký ức gã hiện ra căn nhà sàn giữa đám rừng cây thấp nhỏ, cảnh gia đình sum họp, ngồi chuyện trò đầm ấm dưới ánh đèn treo từ chiếc xà ngang thòng xuống. Cảm động nhất là nét mặt chất phác đôn hậu của ông Mẫn, sắc diện hồn nhiên của thằng Phú ngồi ngẩn ra nghe Nguyễn Thành nói chuyện. Và A-Giát, con chó bẹc-giê tinh khôn vẫn giữ thái độ lạnh lùng xa cách tuy cậu khách trọ đã được hai anh em ông Mẫn và cậu chủ nhỏ của nó quý mến, tiếp đãi thân mật như người nhà.

Tên Bách rút quyển sổ tay và cây viết Bic.

- Anh vẽ sơ đồ tôi coi. Giả thiết đây là biên giới, đây là Gia Viễn và đây là Bố Châm.

- Thôn Phượng Mô ở phía nam.

- Những người chủ con chó ở chỗ nào?

- Đây nhé: Phía đông là rừng Đen, rồi Gò Quao, soải dài qua hẳn phía bên kia biên giới. Tại chỗ này, biên giới đi dọc theo con suối có cái cầu bắc bằng hai thân cây lớn.

- Con chó vẫn đi qua đúng chỗ này trên đường về nhà chủ?

- Phải, đúng chỗ này.

Bách chồm hẳn người trên mặt bàn, hạ thấp giọng thì thào giải thích. Nguyễn Thành lơ đãng ngồi nghe, hai bàn tay đỡ vầng trán nóng bỏng. Chợt, gã cất tiếng, giọng khàn hẳn đi:

- Không được đâu anh Bách ạ! Không được!

- Cái gì lại không được? Hừ!... Tôi nghĩ đúng quá mà. Chú mày có vẻ muốn rút dù hả?

- Không phải thế đâu, anh Bách!

- Bình tĩnh lại đi, Thành ơi! Chú mày nên nhớ: Ở đây, tôi chỉ huy, nghe! Lệnh của sếp đã rõ rệt: Chú bên Việt, tôi bên Miên.

- Nếu tôi từ chối?

Giọng tên Bách thản nhiên, lạnh lùng nghe phát sợ:

- Đừng để tôi nổi giận, nghe chú Thành! Từ chối, tung hê câu chuyện làm ăn là không xong đâu. Chú đâu còn có quyền muốn hay không muốn.

- Tôi đủ khả năng để vẫn có được cái quyền ấy.

- Trước kia thì được. Bây giờ hết rồi. Có phải thế không hả Nguyễn Thành?... À, Trần-Giang-Vân? – Tên Bách gằn giọng, hai hàm răng nghiến lại khiến xương quai hàm gã bạnh lên – “Thành rạch mặt”, rồi khâu, rồi sửa lại dung nhan, nhưng vẫn là Trần-Giang-Vân. Đường đã vạch sẵn, chú cứ việc cất bước, tuân hành lệnh của anh Cả, nếu không…

- Không thì sao?

- Nên nhớ là tụi tôi cầm lỏng tính mạng anh trong tay đấy.

- Các anh nỡ tàn độc như vậy?

Bách cười khẩy:

- Sao lại không nỡ nhỉ?

- Các anh sẽ báo cho cảnh sát bắt tôi?

- Dĩ nhiên! Thế nào, chịu chưa?

Nguyễn Thành xám mặt ngồi im.

Bách búng “pách” hai ngón tay, kêu chủ quán:

- Một ly “uýt-ki” cho người bạn tôi đây, ông chủ.

Hai gã không còn gì để nói nữa, chỉ lạnh lùng ngồi nhìn nhau. Mãi sau, Bách mới lên giọng kẻ cả:

- Vậy xong rồi nghe! Ghi kỹ vào sổ tay đi! Mồng 3 tháng 9, tại nhà Mã-Thiên-Bỉnh. Vượt biên đêm mùng 4. Đem “sỏi” tới nhà họ Mã là việc tôi. Còn chú mày…

- Biết rồi, khỏi nói!

Tên Bách giọng riễu cợt:

- Khá lắm! Biết điều thế là tốt! Ngày 6 lên Saigon lãnh mười “tê” tại đâu, chắc chú mày đã biết. Bây giờ chia tay, nghe! Ra trước đi! Tiền uống để đó tôi thanh toán. May mắn, nghe!

Nguyễn Thành cúi đầu, lầm lũi bước ra, nhảy lên xe máy dầu phóng thẳng một mạch về hướng thị xã. Ở đó, anh ta đã thuê sẵn một phòng trong khách sạn.

Bách vẫy ông chủ quán lại gần:

- Có điện thoại không ông chủ?

- Cuối hàng ba, bên tay trái!

- Cám ơn!

Bách chờ nghe chuông reo ở đầu dây đằng kia.

- A-lô! Lộc hả? Tốt! Đặt 10.000đ đánh con ngựa số 2, độ 4, kỳ đua chủ nhật này nghe! Không nghe rõ à? Tôi nhắc lại: Độ 4… ừ, đúng rồi, độ 4. Rõ rồi hả? Tốt, cúp nghe!

Bằng lời nói chỉ riêng nội bọn hiểu với nhau, gã Bách vừa báo tin cho đồng bọn biết: nội mồng 4 tháng 9, tên đồng bọn ấy sẽ nhận được một kiện hàng rất quý giá, lậu thuế, vượt biên về ban đêm.

_______________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VIII