Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

CHƯƠNG V_TRONG ĐÊM GIÔNG BÃO


Chương V

KẺ SĂN… HÌNH


Một đôi lần, từ Mương lai bản về Phượng Mô, thay vì theo đường tắt qua Gò Quao, thằng Phú lại chạy theo đường lớn men dọc bìa rừng qua đầu làng Phà-Liêm và Bố-Châm. Như thế, đường về bị kéo dài thêm năm cây số. Nhưng “một bước xa bằng ba bước gần”. Đi đường này, thằng Phú không phải xuống xe dắt bộ lần nào. Xa lại hóa gần là thế.

Về mùa này, đêm dài ra, ngày thu ngắn lại. Mỗi lần Phú ta nán ở nhà bạn hơi lâu một chút, khi về, thế nào nó cũng chạy theo đường cái lớn.

Một hôm, về buổi chiều, trời đã nhá nhem, Phú phóng xe khá nhanh. Con A-Giát cũng phi nước đại, men theo lề đường, sát xe, không thua sút mấy tí. Xe tới Bố-Châm, chạy dọc theo dẫy tường cao bao quanh biệt thự ông Hội đồng Cổn. Có lẽ con A-Giát đã quên, hay là vẫn nhớ nhưng nó cố ý quên đi, người chủ cũ ác độc đã có ý định đem nó đi bắn bỏ chỉ tại đôi mắt đui mù. Đôi mắt nhờ Phú, thằng nhỏ đầy lòng nhân, đã được chạy chữa sáng sủa như trước.

Từ chiếc cầu con bắc qua giòng suối chảy ngang biệt thự, đường đi bắt đầu ngoằn ngoèo khúc khuỷu, rất sẵn ổ gà. Thằng Phú vốn rất cẩn thận, nhưng ở tuổi nó, chú nhỏ nào mà chẳng say mê tốc độ, ưa mạo hiểm, đùa giỡn với nguy cơ. Vả lại, giờ đó, đường vắng hoe, không một bóng người. Xe lên tới đỉnh một cái dốc, thằng Phú trông thấy phía xa xa, thôn Phượng Mô nhà nào nhà ấy đã thấp thoáng ánh đèn. Xuống chân dốc, vòng hết quãng đường cong hình bán nguyệt, chạy chừng hai ba phút nữa là tới nhà. Thằng Phú cứ thế phóng xe, chẳng cần bật đèn.

Xe đổ dốc, sẵn trớn, băng băng chạy theo đường vòng. Bỗng nhiên, một gã đàn ông từ trong rừng xăm xăm chạy ra, nhảy qua một bụi ô-rô đầy gai, lỡ bộ, ngã khụy chân ngay trước xe gắn máy của Phú, cách chừng hai thước. Thắng gấp trong trường hợp hết sức bất ngờ ấy, có may lắm cũng chỉ làm cho sự đụng chạm giảm nhẹ bớt phần nào mà thôi.

Bình tĩnh một cách phi thường, thằng Phú quặt mạnh tay lái. Chiếc xe chồm lên như con ngựa bất kham, băng ngang đường qua lề bên trái. Như có phép mầu, chiếc xe lách vào giữa những thân cây lớn mọc bên lề đường. Phú vẫn đeo vững trên xe, để rồi cả xe lẫn người lao vào một bụi cỏ ràng ràng rậm rạp, lật nghiêng trên đó.

Người đàn ông đã gây ra tai nạn cùng với con chó chạy ùa tới cấp cứu kẻ lái xe gắn máy. Con A-Giát quýnh lên, cúi đầu ngửi mặt chủ đồng thời nhe nanh lừ mắt ngó trừng trừng người lạ lúc đó đang cho thằng Phú đứng lên.

- Chu choa! Tôi cứ đinh ninh là chú em thế nào cũng tông vào cây chứ!

Hai bàn tay và mặt bị cọng cỏ ràng ràng cứng sắc cào trầy trụa, thằng Phú loạng choạng đứng lên, đầu óc còn bàng hoàng ngơ ngẩn. Người lạ săn đón:

- Trời ơi! Em thử giơ hai tay và cựa quậy cẳng chân coi thử nào!

May quá là may! Chú em chỉ bị một phen sợ quá mà thôi. Không bị thương nặng chỗ nào hết. Ấy, từ từ một chút. Dựa vào vai tôi cho vững, chắc bị trật mắt cá quá.

Thằng Phú khẽ thở một hơi dài:

- Không! Không có!

- Em thử đặt cả bàn chân lên mặt đất coi. Nhè nhẹ thôi!

- Dạ, không sao…! May thật!

Bị một cú phi thân vào bụi rậm, ngoài mấy chỗ trầy trụa sơ sài, không còn gì đáng ngại nữa, thằng nhỏ chỉ nghĩ tới cái xe. Bánh trước đụng mạnh lề đường, cong veo thành hình con số tám.

Người đàn ông lạ mặt cười vui vẻ:

- Không sao! Không sao! Chú em cứ yên trí! Tôi sẽ sửa đền em. Có tiệm trên Gia Viễn làm khá lắm. A, em tên gì?

- Dạ, tên Phú.

- Gì Phú?

- Trần Minh Phú!

- Còn tôi tên Thành! Nguyễn Thành! Hôm nay vào rừng đi chơi loanh quanh thế nào lại bị lạc. Tìm mãi mới ra chỗ để xe. Xe máy dầu của tôi để gần đây. Nhà em ở đâu?

- Dạ ở thôn Phượng Mô.

- Xa đây không em?

- Không xa đâu ông. Chưa tới năm trăm thước.

- Vậy tốt lắm, em Phú! Anh đưa em về. Đi bộ tạm được không?

- Dạ, được.

- Thật không đau đớn chỗ nào đấy chứ?

- Dạ thật.

- Vậy thì được. Em ngồi nghỉ chờ tôi một chút, để cột chiếc xe của em vào xe tôi rồi đẩy về tới nhà, nghe!

Con A-Giát từ lúc nào vẫn kèm sát bên chủ, đôi mắt gườm gườm theo dõi từng cử chỉ nhỏ nhặt, để ý từng lời nói nhỏ to của người khách lạ.

- Con chó “bẹc-giê” của em đẹp quá. Tụi này thông minh nổi tiếng đó. Coi, nó ngó tôi kìa. Chỉ tại tôi mà chú em chút xíu nữa bị nguy tai. Nó có vẻ hiểu rõ sự tình đấy nhé.

Tiến lại gần A-Giát, người lạ định làm quen:

- Ngoan nào! “Anh Hai”! Ngoan nhé!

Con chó thôi không gầm gừ nữa nhưng vẫn giữ thái độ xa cách, sẵn sàng từ chối thật phũ phàng một cái vuốt ve, nếu có, từ bàn tay kẻ lạ, mặc dầu người này đã cố lấy giọng hết sức dịu dàng phủ dụ nó.

Tới nhà, khách lạ theo chân Phú vào xin lỗi ông Mẫn, bà Mai vì đã làm phiền, gây lo lắng cho ông bà.

Dì Mai sờ nắn cháu suốt từ đầu đến chân, miệng không ngớt lầu bầu:

- Dì Mai đã căn dặn nhiều lần mà cứ phóng như bay. Thế nào rồi cũng có ngày té gẫy cổ. Cháu không thấy đau đớn ở đâu thật đấy chứ?

- Thật mà, dì Mai! Cháu không thấy đau đớn gì hết ngoài mấy chỗ trầy trụa nầy.

Ông Mẫn rất lịch thiệp nói với khách:

- Nhân tiện mời cậu ở lại dùng với chúng tôi bữa cơm xoàng.

- Cám ơn ông bà có lòng tốt. Vâng, tôi xin nhận, không dám chối từ tấm lòng hiếu khách của ông và bà.

Ông chủ nhà quay bảo em gái:

- Cô Mai! Hâm lại món “si-vê” thỏ đi nhé!

Rồi đẩy hộp thuốc lá lại trước mặt khách:

- Mời cậu lấy thuốc vào ống vố đi. “Ba con năm” trộn với “Bát Tô” đó. Khói đậm đà, ngon lắm. Cậu dùng đi!

- Dạ, xin cám ơn ông!

Người khách trẻ, tên Nguyễn Thành, trạc ba mươi tuổi, dáng điệu cử chỉ nhanh nhẹn, hiên ngang như một nhà lực sĩ. Da mặt hồng hào, mái tóc mượt, mịn, đen nhánh, rẽ chải gọn gàng. Cặp lông mày nét mác, rậm, đồng màu tóc, càng làm nổi bật đôi mắt hơi sâu, tròng mắt nâu lợt, ánh mắt long lanh, tia nhìn nhanh loang loáng. Trên khuôn mặt xương xương hơi dài, nhiều vết nhăn đã xuất hiện, nhất là ở đuôi hai mắt và nơi khóe miệng, gần hai mép. Đặt biệt nhất là một vết thẹo dài màu trắng nhạt, thẳng tắp như một vết chém, chạy từ gò má bên phải xuống tới tận cái cằm vuông.

Ông Mẫn chưa hỏi, khách đã vui vẻ chỉ vết sẹo “khai” ngay:

- Chiến thương đấy, thưa ông! Bác sĩ giải phẫu hãy còn trẻ tuổi, khâu chưa mát tay lắm. Có dịp thuận tiện tôi sẽ đi sửa lại.

Bà Mai dịu dàng:

- Xin mời cậu dùng bữa.

Trên mặt bàn trải khăn trắng, thơm mùi long não, bà Mai đặt ba cái chén kiểu và ba đôi đũa son.

Mỗi khi có khách ăn cơm, bà Mai thủ vai đầu bếp kiêm chiêu đãi viên và chỉ nếm thức ăn dưới bếp cũng đủ no.

Cậu khách tên Thành chiếu cố rất thành thực đến món cá hấp nấm hương và món “si-vê” thỏ ăn với bánh mì nóng.

Phải công nhận bà Mai là một tay hỏa đầu quân xuất sắc. Qua hương cà phê thơm ngát, nóng hổi, khách cảm thấy vô cùng khoan khoái dưới mái nhà ấm cúng của ông Mẫn. Phải chăng những tâm hồn chất phác, hiếu khách một cách chân thực mặc dầu cửa nhà thanh bạch, đã khiến Nguyễn Thành rung động tới tận nội tâm? Cách tiếp đãi càng thực thà trung hậu bao nhiêu lại càng cảm động bấy nhiêu. Chắc hẳn đó là truyền thống tốt đẹp của những người sống tại miền rừng núi, từ bao đời nay, chỉ biết ăn ngay nói thẳng! Và mỗi cuộc ghé thăm của khách miền xuôi là một điều vạn hạnh cho gia đình họ?

Ông Mẫn vui vẻ nói với khách:

- Đó, cậu coi! Chúng tôi sống ở đây ẩn dật có khác gì dã thú rừng xanh, rất hiếm khi rời khỏi hang động.

Nguyễn Thành thân mật nhìn ông chủ nhà qua làn khói thuốc thơm, trầm giọng thốt:

- Nhưng là những cái hang động ấm cúng tuyệt vời. À, mà cũng chưa kịp thưa ông rõ vì lý do nào tôi lại lang thang đặt chân tới vùng này để đến nỗi suýt nữa bị lạc bước trong rừng, không tìm được lối ra. Nghe nói rừng núi tại đây sẵn muông thú lắm, phải không ạ? Đi săn chắc hẳn là vui tuyệt?

- Đi săn? Không được đâu cậu ơi! Lẽ thứ nhứt: Còn lâu mới tới mùa săn. Lẽ thứ hai: các khu vực săn bắn ở đây đều phải mướn trả tiền và có người canh gác cẩn mật lắm.

Một nụ cười để lộ hàm răng đều đặn trắng bóng, làm tươi hẳn khuôn mặt hơi dài hằn nhiều nét ưu tư của người khách trẻ:

- Tôi đi săn nhưng lại không săn bằng súng đạn, không lấy thịt rừng, mà chỉ săn… hình ảnh thôi, thưa ông chủ! Hiện tôi làm việc cho một công ty điện ảnh, phụ trách quay những cuốn phim ngắn, có tính cách tài liệu. Phim và hình là những thứ tôi quý nhất, luôn luôn phải cất cẩn thận trong những cái hộp bằng giấy cứng.

À, thế ra Nguyễn Thành là một chuyên viên nhiếp ảnh thu hình, hiện đang cộng tác với một công ty điện ảnh dưới Saigon. Và nhà chuyên viên ấy hiện có mặt tại thôn Phượng Mô, trong nhà ông Mẫn. Phú ta mê say, háo hức hỏi chuyện:

- Anh định quay phim về những cái gì tại đây?

- “Thế giới loài vật” em ạ. Anh phải quay phim thu thập những hình ảnh sống động có thực về đời sống tự nhiên trong khung cảnh riêng biệt bí mật của các loại dã thú. Sau một phen đi lang thang, chút xíu nữa bị lạc trong rừng, anh mới nhận thức ra rằng chương trình làm việc không dễ dàng như đã lầm tưởng lúc ban đầu. Cần phải có một người thành thuộc mọi đường đi nước bước trong vùng làm hướng đạo mới mong thành công.

Thằng Phú reo lên:

- Em được không?

- Em?

Ông Mẫn khoe đứa cháu cưng:

- Thằng nhỏ này thông thuộc hết mọi đường ngang ngõ tắt trên Gò Quao. Chỗ nào có heo rừng, hươu, nai, hoẵng ở đâu, nó biết cả. Rừng Đen âm u rậm rạp là thế, đối với nó, cũng chỉ là một cái vườn rộng như vườn của nhà.

Thằng Phú thích quá:

- Được đi với anh, em khoái lắm!

Nguyễn Thành khẽ gật đầu:

- Ờ… ờ… em giúp anh được đấy.

Lại tiếng ông Mẫn:

- Được chắc ấy chứ! Hồi này cháu nó nghỉ hè, cũng rảnh rỗi. Cậu cứ để cháu nó làm hướng đạo cho.

Bà Mai đem ra một hộp mứt cà chua và một bình trà sen thật nóng.

Sau một hồi đăm chiêu suy nghĩ, Nguyễn Thành nói với ông Mẫn và bà Mai:

- Tấm lòng hiếu khách của ông và bà Tư đây khiến tôi cảm động hết sức, đồng thời lại đâm ra… hơi bối rối. Tuy nhiên, cũng xin đánh bạo thưa với ông chủ và bà Tư một câu chuyện. Nếu ông chủ và bà Tư bằng lòng thì hay quá. Nhược bằng không được, tôi cũng không dám nài ép. Tôi thấy rằng, nội vùng này, ngoài Gia Viễn ra, không còn đâu có phòng cho mướn nữa. Mà từ đây lên Gia Viễn thì xa quá, đi lại mất nhiều thì giờ. Tôi chỉ cần quay phim thu hình chừng một tuần lễ thôi. Nếu có thể được, xin ông chủ và bà Tư cho tôi ở tạm đây ít ngày để làm việc cho tiện. Vấn đề ăn uống ông chủ và bà Tư đừng ngần ngại gì hết. Tôi sẽ xin chu biện đầy đủ…

Ông Mẫn nhìn em gái:

- Cô Mai nghĩ sao?

- Nếu anh Mẫn bằng lòng thì em thấy không có gì trở ngại cả. Cậu Thành cũng có vẻ dễ tính, ăn uống không khó khăn gì. Có điều, về chỗ ngủ thì chưa biết thu xếp sao cho tiện.

Chưa ai kịp nói gì, thằng Phú đã láu táu nói ngay:

- Trên gác lửng của cháu kìa, dì Mai! Có cái nệm bỏ không đó và chỗ cũng còn rộng chán.

Ông Mẫn tán thành lời cháu:

- Ừ, phải rồi! Cái nệm đó còn mới nguyên, khăn trải và chăn mền cháu Phú cũng ít khi dùng đến. Nó ngủ võng không à.

Cậu khách vui vẻ nhìn thằng Phú:

- Chắc em khoái đi lính thủy lắm?

Ông Mẫn cười vui vẻ:

- Đúng đó cậu! Nó giống tôi!

- Hồi còn ở trong quân ngũ, tôi đã phục vụ ngót hai năm trên một chiến hạm chống thủy lôi. Bị vết thương này cũng vào thời kỳ ấy đấy.

Thằng Phú chỉ lo không được đi theo anh Thành:

- Sao? Anh bằng lòng ở lại đây và cho em đi theo chớ?

- Rồi, rồi…, xong rồi! À, thưa bà Tư! Cám ơn ông chủ và bà Tư nhiều lắm. Đúng như lời bà Tư nói: tính tôi xuề xòa dễ dãi, thế nào cũng được. Vả lại đồ đạc cũng không có gì ngoài chiếc xe máy dầu và một ba lô quần áo, vật dụng chuyên môn. Sáng mai tôi và em Phú khởi sự đi săn hình.

Sau bữa cơm tối, ông Mẫn và đứa cháu cưng không ngồi vào bàn sửa chữa đồng hồ như thường lệ. Hai cậu cháu cùng khách chuyện trò mãi tới gần nửa đêm. Lúc đi ngủ, Nguyễn Thành theo thằng Phú leo cầu thang lên căn gác lửng.

- Phú để anh ngủ võng cho. Để có dịp nhớ lại khi xưa hồi còn ở trên chiếc diệt lôi hạm.

- Anh ngủ trên nệm tốt hơn chứ. Tha hồ ruỗi tay. Em nhỏ người, ngủ võng dễ hơn người lớn.

- Thôi được, tùy em.

Trước khi ru hồn vào giấc ngủ, đèn đóm tắt hết, thằng Phú cùng Nguyễn Thành còn xầm xì nhỏ to mãi. Cậu khách trọ, giọng nói rất hấp dẫn, kể cho Phú nghe chuyện chiếc diệt lôi hạm, nơi anh phục vụ, hồi còn ở hải quân, bị trúng thủy lôi ra sao, Nguyễn Thành và đồng đội được cứu thoát bằng trực thăng như thế nào, sau một đêm bị ngâm mình giữa biển khơi, nước lạnh như băng giá. Khi được giải ngũ, anh chọn nghề phóng viên nhiếp ảnh, chuyên quay những cuốn phim mạo hiểm tại những nơi xa xôi, kỳ bí trên mặt địa cầu: Xứ sở của một giống người lùn, đàn bà có cái cổ dài như cổ hươu sao, rồi giang san của một sắc dân da đỏ chuyên… chặt đầu người tại vùng A-ma-dô-ni và những ông hoàng Ả Rập chỉ thích giải trí bằng cách ngồi trên lưng voi săn bắn hổ.

So với câu chuyện cá nhà táng của cậu Mẫn, chuyện phiêu lưu của anh Thành còn ly kỳ hấp dẫn hơn nhiều.

Nhưng… sự thực, chàng chuyên viên Điện Ảnh chẳng hề có một ngày đặt chân lên diệt lôi hạm hay bất cứ một chiến hạm nào khác. Điều này, thằng Phú làm sao biết được. Đời sống bây giờ thế đấy. Có những người khéo bịa, kể những chuyện thật hay, thật hấp dẫn mà họ đã nghe được ở đâu hoặc đọc trong sách báo chẳng hạn, rồi gài đại tên mình vào làm nhân vật chính. Họ có tài nói như thật khiến người nghe say mê thích thú cũng cứ tưởng là sự thật.

Thằng Phú hân hoan với ý nghĩ sẽ được sống với anh Thành một tuần lễ liền trong căn gác lửng chật hẹp nhưng ấm cúng này. Ngày mai đây, hai anh em sẽ vào rừng quay phim “Thế giới loài vật”. Và nó thiu thiu ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Sáng hôm sau, trời mới rạng đông, hai anh em đã thức giấc. Nguyễn Thành cột chiếc túi da trong đựng máy quay phim vào sau chiếc xe máy dầu kiểu thể thao bóng láng.

Thằng Phú ngắm nghía chiếc xe, tấm tắc khen:

- Xe của anh đẹp ghê. Mấy ông lưu động cũng không có được chiếc xe đẹp và mạnh như cái này.

- Lưu động? Mấy ông lưu động là ai thế hả Phú?

- Mấy ông quan thuế đó anh. Ban lưu động tức là các ông luôn luôn chuyển dịch chỗ nọ chỗ kia trên đường đi để kiểm soát, lùng bắt hàng lậu đó. À, đợi em mấy phút nhé, anh Thành. Quên chưa cho chó ăn và em còn phải sai nó chạy đem lá thư cho người bạn đã.

- Được, được! Anh cũng quên khuấy mất con A-Giát! Em cứ cho nó ăn đi.

Thằng Phú mở cửa vựa rơm. Con chó phóng ra, đứng thẳng trên hai chân sau, đặt hai chân trước lên vai chủ, thè lưỡi liếm lia lịa vào mặt. Đoạn nó vục mõm vào soong cơm trộn thịt, sốc ăn ngon lành, trong khi thằng Phú cột qua vai nó ba cái đai da có bốn cái móc lò so giữ chắc bốn góc của một cái túi vải dầy có “phẹc-mơ-tuya” đàng hoàng. Bên trong túi là một cái bánh bông lan bự do tay bà Mai làm và một lá thơ nhỏ ghi mấy câu vắn tắt:

“Ngày mai Phú sang với Phan. Có nhiều chuyện hay lắm sẽ nói cho Phan nghe”.

Bạn Phan,
Phú.

Nguyễn Thành hỏi thằng Phú:

- Tại sao em lại phải nai nịt con chó kỹ vậy?

Phú bèn kể chuyện bọn người buôn lậu dùng chó “bẹc-giê” Đức tải thuốc lá, quế lậu trên lưng rồi tập cho chúng vượt biên giới ban đêm ra làm sao. Đoạn, nó nói thêm:

- Con A-Giát hiểu ra ngay việc em bảo nó làm. Tức là đóng vai liên lạc viên đi từ nhà sang nhà bạn em là thằng Phan. Bây giờ thì không phải bắt nó nhịn ăn nữa. Cứ mỗi lần được em “đóng yên cương” lên lưng, A-Giát hiểu ngay là nó có nhiệm vụ phi một mạch qua Mương lai bản.

Nguyễn Thành vui vẻ nói giỡn:

- Tụi buôn lậu mà vớ được con chó này dám trả một núi tiền lắm nghe.

- Dám lắm chứ anh. Nhưng A-Giát, ngoài em ra, không chịu tuân lời bất cứ một người nào khác.

- Đúng thế! Nó ghét người lạ lắm! Cứ thấy mặt anh là y như lừ mắt chỉ rình nhe răng ra. Nhưng thấy anh ăn ngủ tại nhà em, ra vào tự nhiên chắc nó cũng phải quen dần rồi bắt bồ vui vẻ chứ.

Từ tám giờ sáng cho đến gần trưa, Phú dẫn Nguyễn Thành vào giữa đám cây rừng hoang dã trong Gò Quao, chụp ảnh quay phim, thu thập được rất nhiều “hình ảnh quý giá để cất vào hộp” theo lời Thành vẫn thường nói.

Nhà ký giả kiêm chuyên viên điện ảnh Thành ngạc nhiên thích thú khi được tai nghe mắt thấy tận nơi, cảnh sinh hoạt bí ẩn rất kỳ lạ của muôn thú chốn rừng xanh.
…………………………………..

Nhà chuyên viên điện ảnh Nguyễn Thành rất hài lòng về kết quả làm việc suốt buổi sáng. Anh ta bảo Phú:

- Sáng mai chúng mình lại tiếp tục. Chiều nay anh có việc cần phải lên Gia Viễn. Nhân tiện chở cái xe gắn máy của em lên cho thợ sửa và xem lại toàn thể bộ máy luôn.

Nhỏ Phú ngẩn người. Nó đang nghĩ đến cuộc vào rừng quay phim rất thú vị sẽ tiếp tục chiều nay. Té ra cậu chàng bị lỡ tàu. Do đó, khi Nguyễn Thành lên xe mô tô, chở theo chiếc xe gắn máy nhằm hướng Gia Viễn trực chỉ, Phú ta buồn tình liền xin phép cậu Mẫn, dì Mai qua Mương lai bản chơi với bạn.

Đến nới, đã thấy Phan đang thủ thỉ chuyện trò với con A-Giát.

- Phú ơi! Mình và A-Giát bắt bồ với nhau thân lắm rồi đó. Thấy không?

- Thì Phú đã hứa với Phan là sẽ luyện cho nó “thân xẻ làm đôi”, cho Phú một nửa, Phan một nữa mà. À, này Phan, có một anh chuyên viên điện ảnh tên Nguyễn Thành đến ở trọ nhà mình bên Phượng Mô đấy. Anh ta chuyên quay phim “Thế giới loài vật”, hay lắm.

Rồi thằng Phú kể lại không sót một chi tiết cuộc gặp gỡ khá đặc biệt giữa anh chuyên viên điện ảnh và nó. Đồng thời, cậu chàng rùng mình nhớ lại giây phút hồi hộp, chỉ chút xíu nữa là tông cả xe lẫn người vào thân cây bên lề đường. Nó ngay thật nói cho bạn biết luôn cả niềm vui thích khi được làm hướng đạo cho “anh Thành” sục sạo trong rừng già trên Gò Quao. Hứng trí quá, thằng nhỏ kết luận:

- Anh ấy chỉ ở chừng một tuần thôi. Trước khi anh rời bỏ Phượng Mô về Saigon mình sẽ đưa anh ấy qua đây để Phan biết mặt, nghe.

Nó không ngờ thằng Phan lại xụ mặt, giọng hờn dỗi:

- Phan cần biết mặt anh ta làm gì?

Thì ra thằng nhỏ bệnh hoạn đã có ý ghen hờn. Lý do: thằng bạn thân nhất đời của nó sắp sửa có một người bạn thân nhất khác.

Thằng Phú vô tình tiếp luôn:

- Anh Thành tử tế lắm Phan ơi! Phú đòi anh ấy chở hai đứa mình đi coi hát xiệc.

Thằng Phan quên ngay giận hờn, reo lên:

- Hát xiệc? Chu choa! Hát xiệc!

- Ừ! Gánh xiệc vĩ đại lắm! Thứ năm này sẽ trình diễn trên Gia Viễn. Xe của Phú bữa đó chắc gì đã sửa xong.

- Vậy làm sao đi?

- Lo gì! Anh Thành sẽ chở hai đứa mình bằng xe máy dầu. Ý chà! Phan sẽ được coi chiếc xe của anh ấy, đẹp vô cùng!

Đã đến lúc đôi bạn tạm biệt. A-Giát đứng kế bên đưa mắt ngó thằng Phú như dò hỏi. Thằng Phan vội bảo bạn:

- Phú cho con A-Giát về với. Coi ánh mắt nó nhìn kìa.

Tới Phượng Mô, bước vào nhà đã thấy ông Mẫn và cậu khách tên Thành đang ngồi nói chuyện tưng bừng.

Trong bữa cơm tối, thằng Phú xin với Nguyễn Thành chở nó và thằng Phan đi coi xiệc trên Gia Viễn vào ngày thứ năm.

- Sẵn lòng, em Phú! Nhưng trước khi đi coi hát xiệc, anh muốn dẫn em đi coi một chầu xi nê đã. Ngày mốt, thứ tư, có phim cao bồi cưỡi ngựa bắn súng hay lắm. Ngựa là anh khoái nhất. Phú nhớ báo tin cho Phan nghe.

- Không được đâu anh! Phan không được phép ra khỏi nhà ban đêm bao giờ.

- Nếu vậy hai anh em mình đi xi nê. Thứ năm hát xiệc ban ngày, sẽ đón Phan đi vậy.

Hôm sau, Nguyễn Thành và thằng Phú lại lang thang vào rừng săn hình. Ngoại trừ hổ báo, hoạt động của gần đủ các loại dã thú lần lượt chui vào ống máy quay phim của chàng chuyên viên điện ảnh.
……………………………………..

Lại một số lượng đáng kể “hình ảnh đẹp để cất kỹ vào hộp”. Trên đường về, Nguyễn Thành và chú bé hướng đạo dừng chân bên bờ một cái ao nước nông. Đôi cò trắng chầm chận đặt bước. Hai cái mỏ màu vàng tươi nhọn hoắt, sẵn sàng mổ xuống rất nhanh, nhấc lên những chú cá tươi nhỏ xinh màu trắng, sáng lấp lánh. Một làn gió thoảng qua. Đám lá trang xòe tròn như cái quạt, dập dềnh trên mặt nước, cùng với mấy bông súng màu tím rung rinh.

Trước phong cảnh nên thơ đẹp như vẽ ấy, nhà chuyên viên điện ảnh đứng lặng thinh, trí óc mơ màng mải mê suy nghĩ điều gì đó.

Vẻ mặt trầm ngâm của “anh Thành” khiến thằng Phú  dù rất muốn cũng không dám cất tiếng hỏi.

Nguyễn Thành, người lính thủy giả hiệu, đang nhớ lại hình ảnh một thằng nhỏ lam lũ làm việc quần quật suốt ngày dưới ánh nắng chói chang trước tia mắt soi mói của một tay tài tử hát xiệc đã về già. Ông tài tử hai tay hai dùi, khua trống, gõ phèng la inh ỏi. Thằng nhỏ, sau khi đi hai ba lượt vòng quanh đám khán giả bình dân, tay cầm chiếc mũ nỉ bạc phếch hứng những đồng bạc cắc, những tấm giấy một chục, hai chục nát nhầu, quay vào chụp lên thân mình gầy ốm chiếc sơ mi đỏ, cái quần đùi xanh. Nó chạy xe giữa “sân khấu”, uốn mình nhào lộn, múa may phụ lực với ông già đang giở trò múa gươm nuốt… lửa.

Biểu diễn xong, bộ áo quần xanh đỏ phải cởi ra, cất đi ngay tức khắc, thằng nhỏ ấy lại lộ nguyên hình với chiếc may ô bẩn thỉu, rách rưới, chiếc quần xà lỏn vá năm sáu mảnh. Được phút nào rảnh rỗi nó lại bị ông già chủ nhân bắt thực hành bài lý thuyết đã học trong những canh khuya: đi ăn xin.

Đói, không cơm ăn, khát, uống nước thiên nhiên. Lỗi lầm dù chỉ là rất nhỏ, lập tức có roi, có vọt. Những nét chính trong đời sống xưa kia là thế đó. Đời sống của thằng bé khốn cùng thiếu vắng tình thương, tuyệt đối không hơi ấm của bàn tay mẹ hiền.

Một đêm kia, thằng nhỏ bỏ trốn. Nguyễn Thành năm ấy mới mười hai tuổi.

Quá khứ đói rét, Nguyễn Thành không thể kể cho thằng Phú nghe. Khóe môi khẽ nhếch nụ cười cay đắng, ánh mắt chợt mờ đi trong một giây, gã trầm giọng thốt:

- Chúng ta về, em Phú!

Tối hôm ấy, trước bàn ăn, Nguyễn Thành ngày thường rất vui tính, nói oang oang, cười ròn khanh khách, suốt bữa cơm không hề hé răng nói một tiếng. Vừa buông bát, buông đũa, uống vội chén nước, chàng chuyên viên điện ảnh đã cáo bệnh rút lui thật sớm lên tầng gác lửng.

Khi thằng Phú rón rén bước lên, trèo vào võng, cậu khách trọ chưa ngủ nhưng cũng vờ nhắm mắt nằm im.

Nhắm mắt nằm im thật là lâu, giấc ngủ vẫn chưa đến. Trong ký ức gã hiện lên rõ rệt túp lều xiêu vẹo rách nát của ông già tài tử. Nguyễn Thành sống lại giờ phút hồi hộp của tuổi mười hai, khi bỏ trốn ông già tham lam mà lại dữ dằn, lao mình trong bóng đêm dầy đặc.

Bên ngoài căn lều rách nát là thế giới mênh mông. Sau cảnh khốn cùng là cuộc đời phiêu lưu.

Và cuộc đời phiêu lưu vô định đã đưa Nguyễn Thành tới bước nào? Cả điểm này nữa, cậu khách trọ cũng không thể nói ra cho thằng Phú biết được.

________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VI