Chương VI
QUẢN RU THEO DÕI
- Cô Mai! Đem cho anh cây
đèn lớn lên đây!
- Anh lại làm việc hả?
- Ừ! Bốn tối liền, chẳng mó
máy vào công việc gì hết, nói chuyện cứ tràn cung mây đi thôi. Trễ hạn, lấy
đồng hồ đâu mà trả cho người ta. Cậu Thành và thằng Phú đi coi xi nê, có về đến
nhà, chắc cũng phải gần nửa đêm. Còn những ba tiếng nữa kia mà.
- Anh định chờ họ về?
- Tôi ít ngủ lắm. Cô Mai
cũng biết thế mà.
Bà Mai quơ cái áo len đan
dở, ngồi xuống chiếc ghế mây trước mặt anh. Mắt chăm chú nhìn mũi kim đan, bà
nói với ông Mẫn:
- Cậu Thành tính nết dễ
thương đấy chứ, phải không anh?
- Và mến trẻ lắm.
- Cậu ấy đi, kể cũng nhớ.
- Nhất là thằng Phú. Nghĩ
thương thằng nhỏ quá. Cứ thui thủi một mình. Cửa nhà vắng vẻ, bốn bên rừng rú
hoang vu, hàng xóm thì ở xa có đến cây số.
Bà Mai giọng buồn buồn:
- Thằng bé cũng chẳng còn ở
nhà bao lâu nữa. Chỉ sang năm là cùng, nếu thi đậu.
- Làm gì mà chẳng đậu. Cô
không thấy nó học đó sao?
- Vậy là thế nào nó cũng
phải về Saigon, hả anh Mẫn?
- Chứ còn gì nữa. Cô cứ hay
nghĩ lẩn thẩn. Con trai con đứa phải để nó đi đó đi đây cho rộng tầm con mắt.
A… con A-Giát vừa lên tiếng rú rít. Có lẽ người quen đó cô. Chắc lại quản Ru.
Đúng là ông quản Ru thật.
- Ghé vào uống với anh chén
nước nóng. Ủa, chỉ có hai anh em ở nhà thôi hả?
- Cháu Phú đi coi xi nê.
- Với tay chuyên viên điện
ảnh? Hôm qua tôi thấy y đi với thằng nhỏ nhà anh trên Gò Quao. Hình như hắn ta
ở đây với anh?
- Ừ, ở hết tuần này.
Viên hạ sĩ quan quan thuế
mỉm một nụ cười khó hiểu:
- Thì ít ra cũng phải thế
chứ. Cũng phải bẩy tám ngày mới đủ thì giờ thăm dò núi rừng biên cương được
chứ. À, này anh Mẫn! Chớ nói cho cậu khách trọ nhà anh biết rằng tôi để ý theo
dõi đường đi nước bước của gã nghe! Nhớ nghe!
- Thiệt hả? Sao vậy? Cậu ta
làm gì mà anh phải theo dõi đường đi nước bước?
- Trên Ty hồi này rảnh rỗi,
tụi tôi có nhiều thì giờ tà tà đi lang thang, ngắm cảnh, xem nai chà biểu diễn
một màn bò qua bãi cỏ, ngắm con cò lặn lội bờ ao, thú lắm… – Quản Ru nghiêm
giọng – đánh cá với anh một ngàn ăn một trăm Nguyễn Thành đang sửa soạn làm ăn
lớn lắm. Và bọn nó khá đông. Tôi nghi gã này là tù vượt ngục, sau vụ buôn lậu
đồng hồ, bị bắt tại Saigon cách đây một năm.
Khuôn mặt, nước da, cái sẹo trên má thì không phải, nhưng khổ người và dáng đi
lại giống quá.
Ông Mẫn ngồi lặng thinh, nét
mặt đăm chiêu. Bà Mai luôn miệng kêu trời. Viên hạ sĩ quan quan thuế trấn an em
gái bạn:
- Có gì mà phải kêu trời,
chị Mai! Miễn rằng ở đây với anh Mẫn và chị, cậu khách hào hoa phong nhã ấy vẫn
tỏ ra lịch sự, hiền khô là được rồi. Tôi cũng rất mong rằng tôi lầm. Tuy nhiên,
trong trường hợp nghi ngờ, đề phòng vẫn là điều cần thiết.
Hai anh em ông Mẫn âm thầm
tự hỏi: “Tại sao quản Ru lại phải tiết lộ nghề nghiệp của ông ta ra như vậy?”.
Và đây là câu trả lời. Quản Ru nghiêm sắc mặt:
- Thằng Phú ở cái tuổi nông
nổi bồng bột, dễ tin người. Nhất là người đó đã khiến được thằng bé phải trầm
trồ kinh ngạc, tôn sùng như một vị anh hùng. Thế mà vị anh hùng ấy lại chịu hạ
mình coi một chú bé con ngang hàng như bạn. Coi chừng đó! Chớ để nó bị gã kia
lôi cuốn, nghe anh Mẫn!
- Lôi cuốn làm cái gì chớ?
Quản Ru khẽ nhún vai:
- Làm sao biết được! Tôi
cũng đang nát óc suy nghĩ về cái chỗ ấy. Rồi lại còn A-Giát nữa. Điều cần là
anh phải ngấm ngầm theo dõi cháu cho thật kỹ. Tuyệt đối không cho nó đi đâu ban
đêm nghe. Thôi, tôi về đây. Có tin gì mới, sẽ cho anh biết thêm.
Viên hạ sĩ quan quan thuế đi
rồi, ông Mẫn lại đeo ống “lúp” lên mắt, cúi đầu làm việc. Bà Mai thắc mắc ngó anh:
- Nghe ông Ru nói, em lo quá
anh Mẫn ạ!
- Lo bò trắng răng. Lão Ru
này chỉ méo mó nghề nghiệp. Hắn đang săn đuổi tụi buôn lậu. Gặp ai lạ mặt cũng
nghi ngờ. Nhưng cô chớ hở môi nói với ai chuyện này nghe. Nhất là thằng cháu
cưng đó.
Bà Mai vào giường đi ngủ.
Ông Mẫn lại ngồi một mình, thản nhiên làm việc.
Từ trên căn gác lửng vẳng
xuống tiếng thì thào nói chuyện thân mật của thằng Phú và cậu khách trọ vừa về.
Thứ năm tới, như đã hứa
trước, Nguyễn Thành chở Phú và thằng Phan lên Gia Viễn coi hát xiệc. Hai chú
nhỏ thích thú vô cùng.
Sáng hôm sau, thằng Phú
“thắng yên cương” cho A-Giát, sửa soạn sai nó qua Mương lai bản. Chợt, Nguyễn
Thành chạy xuống đưa ra một cái hộp khiến nó ngạc nhiên hết sức.
- Phú ơi! Bảo A-Giát đem cái
hộp này qua cho Phan nghe!
- Hộp gì thế, anh Thành?
- Món quà nhỏ tặng Phan.
- Em cám ơn anh Thành nhiều
lắm nghe.
Thằng Phú cảm động khi thấy
chàng chuyên viên điện ảnh đối xử với bạn nó tốt quá.
- Phú quý Phan lắm hả?
- Dạ, em coi nó như em ruột.
Nguyễn Thành cười:
- Và A-Giát cũng là “em
ruột” của Phú luôn. Thế nào? Bữa nay Phú định dắt anh vào rừng quay phim thu
hình món gì nữa đây? Chỉ còn được vui chơi ở đây với em có hai ngày nữa thôi
đó.
- Anh phải về Saigon hả?
- Ừ, anh phải về Saigon!
Tuần lễ có anh Thành ngủ chung
chuyện trò vui vẻ trên căn gác lửng sao cứ vùn vụt trôi qua mau thế? Thằng Phú
buồn rầu nghĩ tới lúc anh phải ra đi.
Nhưng, nếu lúc đó thằng nhỏ
biết được trong thâm tâm anh Thành đang nghĩ gì, chắc hẳn nó sẽ còn buồn rầu
hơn nữa.
Ngoài mặt, Nguyễn Thành có
vẻ thành thực cảm động khi thấy thằng Phú mến anh, theo bám anh như một con chó
con. Nhưng thật ra, chàng chuyên viên điện ảnh đang cảm thấy ân hận, chua xót
trong lòng khi “tình thế bắt buộc” anh phải lợi dụng tính chất hồn nhiên của
thằng bé.
Thuở ấu thơ, Nguyễn Thành
cũng đã là một đứa trẻ ngây thơ trong trắng, ngoan ngoãn dễ thương như Phú.
Nhưng trên cõi đời muôn mặt này có phải đứa trẻ nào cũng may mắn được nuôi nấng
chu đáo, săn sóc yêu thương như trong gia đình cậu Mẫn, dì Mai cả đâu. Hoàn
cảnh sóng gió cuốn trôi, thằng nhỏ Nguyễn Thành đã trở thành Nguyễn Thành của
ngày hôm nay.
Buổi sáng hôm ấy, lúc đưa
cái hộp bên trong đựng quà cho thằng Phú để gởi tặng thằng Phan, trước nụ cười
vui tươi của thằng nhỏ, thiếu chút nữa là cậu khách trọ… hủy bỏ hết, tung hê
hết cả một chương trình kế hoạch hành động đã nghiên cứu tỉ mỉ trong bao ngày
trời.
Nhưng giờ đây thì đã quá
muộn. Có muốn lùi lại cũng không còn được nữa. Chỉ còn hai ngày là tới chủ
nhật. Nguyễn Thành có ý muốn lên đường sớm hơn thời hạn đã định. Ngày mai thứ
sáu, anh sẽ rời khỏi Phượng Mô.
Chợt, thằng Phú vui vẻ reo
lên:
- Em xong rồi, đi đi anh
Thành ơi!
- Bữa nay anh em mình tới
chỗ nào đây, Phú?
- Rừng cấm! Em quen một ông
đội kiểm lâm phụ trách khu đó. Anh sẽ được quay phim thu hình các gia đình nhà
thỏ, thú lắm anh Thành ơi! Tụi thỏ rừng con xinh không thể tả!
Trên đường mòn xuyên qua
rừng Đen, con A-Giát hếch cao mũi đón gió, chạy băm nước kiệu.
Còn cách cái cầu hai cây gỗ
chừng hai chục thước, nó thoáng đánh hơi thấy một mùi quen quen. A-Giát giảm
bớt tốc độ, dựng đứng hai tai nghe ngóng, đoạn xán gần vào một bụi rậm để tiếp
tục di chuyển cho được an toàn hơn.
- A-Giát!
Con chó khẽ giật mình. Cái
mùi ấy. Giọng nói ấy. Ai thế nhỉ? Chưa đầy mấy giây sau, nó đã nhận ra. A-Giát
cúp đôi tai, quật cái đuôi lớn phành phạch vào hai bên hông, vui mừng tiến tới
trước… ông quản Ru.
- Ý! Ý! A-Giát, ngoan lắm!
Lại đây, A-Giát!
Quản Ru, miệng gọi, hai tay
đưa ra vuốt ve con chó:
- Mày được chủ mày chữa cho
lành hai con mắt, tao cũng mừng quá đấy! À, tại chỗ này đây, đã có lần tao vác
khẩu súng hai nòng, lôi mày sềnh sệch… Tội quá hả, A-Giát? Nào! Đưa coi mày tải
cái gì đây?
A-Giát ngoan ngoãn đứng im.
Quản Ru kéo “phẹc-mơ-tuya”
cái rột! Lôi cái hộp ra, ông ta lẹ tay cởi sợi dây gai đỏ buộc chằng chữ thập.
Nắp hộp được nhấc ra.
- À… tưởng cái gì.
Thì ra là hai cái kèn, một
dài, một ngắn, rất xinh, bằng đồng bóng loáng và một cái còi bằng thép mạ kền.
Ông quản Ru đưa còi lên miệng thổi thử. Tiếng “cạp cạp” phát ra y hệt tiếng vịt
kêu. Cái kèn dài để gọi hươu, cái ngắn gọi nai.
- Hai thằng nhỏ dùng mấy cái
này để được xáp lại gần mấy con thịt rừng. Ranh thế! Chắc lại do ý kiến của
thằng Phú đây.
Ông gói lại, để vào hộp, cho
hộp vào trong túi vải. Một cái phát nhẹ nhàng thân mật lên mõm con chó. A-Giát
chụm chân, cong thân mình, nhẩy vút qua bên kia bờ suối, phi nước đại.
Sắc diện bần thần, viên hạ
sĩ quan quan thuế xoay người đi trở lại phía làng Bố Châm. Ông ta lộ vẻ cụt
hứng ra mặt.
Quản Ru hy vọng tìm ra được
gì trong cái túi ấy? Ông lẩm bẩm qua hai hàm răng khẽ nghiến lại:
- Mình cũng ngốc tệ. Nếu quả
thật gã sửa soạn một cú “áp phe” lớn thì việc tải hàng đâu chỉ vỏn vẹn có chút
xíu trên lưng một con chó. Ít ra cũng phải chuyên chở bằng xe hơi chạy phom
phom trên đường cái lớn chứ. Thế nhưng tại sao gã lại để ra hẳn một tuần lễ lên
đây, mò vào rừng thăm thú đường đi nước bước?
Theo ông nghĩ, cậu khách trọ
nhà ông Mẫn, tên Nguyễn Thành, nhất định phải là một tay tổ buôn lậu vào cỡ bự.
Không chừng là tên trùm chóp cũng nên.
Thằng Phan, khi nhận được
hộp quà tặng, vui mừng không để đâu hết. Nó vội viết ít hàng, sai con A-Giát
đem về cho bạn:
“Cám ơn lắm nghe Phú. Nghe tiếng kèn Phan thổi, mấy
con hươu lần mò tìm đến sát tận hông nhà. Liên và Phan núp sau bụi tường vi
cuối vườn ngồi ngắm mãi. Có lần, Phan thổi kèn, bắt chước tiếng gọi của nai
cái. Thế là một con nai chà, sừng đã mọc tới mười nhánh, đẹp lắm, từ trong rừng
mò ra, nhẩy qua rào, vào vườn sau, dẫm nát cả bắp xú của Liên. Trời, con nai
chà, gọi là “hoàng tử của rừng xanh” thật đúng quá. Với đôi sừng mười gạc trên
đầu trông nó hiên ngang đẹp lắm Phú ạ. Phan đang cố làm sao dụ dỗ đem được nó
về nhà nuôi thì thích quá. Hẹn ngày mai. Nghe Phú!”
Bạn thân của Phú,
Phan.
Đọc thơ bạn xong, thằng Phú
tự nhủ:
- Phan viết thơ cám ơn mình.
Nhưng thế nào cũng phải nói cho Phan biết mấy món quà quý giá ấy là của anh
Thành gởi tặng.
Sau bữa cơm tối, Nguyễn
Thành thưa chuyện để ông Mẫn bà Mai biết là ngày mai anh sẽ về Saigon sớm.
Ông Mẫn nhìn cậu khách trọ:
- Tôi tưởng chủ nhật cậu mới
lên đường. Vắng cậu, chúng tôi bâng khuâng nhớ mất mấy hôm. Cậu đi rồi, nhà đã
vắng lại càng thêm vắng.
Bà Mai:
- Cậu ở đây đang vui, thân
mật như người nhà vậy.
Thằng Phú buồn ra mặt:
- Anh Thành nhớ viết thơ cho
em nghe!
Cậu khách nhìn người bạn
nhỏ, không nói gì, chỉ mỉm cười sẽ gật.
Nhưng về sau, Nguyễn Thành
không viết thơ và chẳng bao giờ viết thơ về cả. Và thằng Phú cũng không bao giờ
biết được rằng kẻ đã chia sớt với nó căn gác lửng chật hẹp, đã ngồi cùng bàn ăn
với gia đình nó, đang cố tình che giấu sự hổ thẹn, vì đã phản bội một tấm tình
bằng hữu thiêng liêng có một không hai. Một tình bạn vô cùng quý giá mà lẽ ra
Nguyễn Thành rất xứng đáng được hưởng.
Sáng mai đây, nhà chuyên
viên điện ảnh sẽ ra đi, để không bao giờ trở lại thôn Phượng Mô, không còn dịp
đặt bước chân vào nhà ông Mẫn một lần nào nữa.
Trước ngưỡng cửa, ông Mẫn
ngồi trong chiếc xe lăn, thằng Phú và bà Mai lặng người đứng nhìn theo cậu
khách trọ dễ thương đang lao nhanh trên con đường dốc trên chiếc xe máy dầu
tiếng nổ êm êm. Tới đỉnh dốc, cậu khách dừng xe, ngoảnh lại, phóng tia mắt thu
hình một lần cuối mái nhà sàn ấm cúng thân yêu. Một cánh tay buồn bã giơ lên
trong cái vẫy chào… vĩnh biệt.
________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VII