Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018

CHƯƠNG 4_CHIẾC MAI CUA ĐỐM


4

CHẠM TRÁN BẤT NGỜ


Hai em cứng người vì sợ hãi. Thêm nữa, có mỗi một đường để chạy trốn thì đã tắc nghẽn. Tiếng chân tiến sát cầu thang. Sợ hãi cái gì? Chính các em cùng chưa biết! Nhưng chỉ riêng ý nghĩ phải gặp mặt một người nào đó trong căn nhà hoang lạnh này là đủ khiến các em... dựng tóc gáy.

Lan Trinh nghiến chặt hai hàm răng, thu hết can đảm:

- Dù sao cũng phải lọt thoát khỏi đây đã.

Và hai em buông người, tụt theo lan can cầu thang. Chưa được 5, 6 bậc… đã thấy giữa sàn nhà dưới, xuất hiện một bóng người sừng sững. Lan Trinh buột miệng hét lên:

- Minh Tâm! Anh vào đây làm gì vậy?

Gã con trai cười rộ lên. Tiếp theo tiếng cười khanh khách là câu nói rất quái ác:

- Tôi cũng muốn hỏi hai cô bé câu ấy đấy. Tôi vào đây để hỏi và chờ hai cô bé trả lời!

Lan Trinh vẫn chưa hết hồi hộp; thêm nữa, sự đột nhập của Minh Tâm vào nơi này có vẻ khả nghi quá. Em run giọng:

- Mà sao anh biết được là chúng em đã vào đây?

Minh Tâm không nhịn được cười trước dáng điệu lúng túng của hai cô gái:

- À, đang thả bộ lòng vòng trong rừng thông gần đây, chợt thấy hai em chạy như ma đuổi và lẻn vào đây qua khe mái nhà nên anh vội chạy đến xem các em có cần gì, anh sẽ giúp một tay! Việc gì mà hốt hoảng chạy bán sống bán chết thế hả? Lan Trinh?

Cô bé luống cuống:

- Ơ… a... có gì đâu anh! Chúng em… à, em rủ Bích Thu lên mái nhà kính để… ngắm phong cảnh vậy thôi! Ở trên đó cao, nhìn xa lắm, anh! Và em có ý ngó xem ba em ở đâu đó mà! Anh có gặp ba em không?

Lan Trinh không quen nói dối, một tính xấu em rất ghét, mà nói thật thì lại không dám. Do đó, câu trả lời có vẻ loanh quanh. Minh Tâm cười mỉm:

- Chỉ có thế thôi mà sao phải vội vàng dữ vậy? Có chuyện gì gấp cần nói với bác không? Tôi mới thoáng thấy bác hồi trưa này! Nhưng bác đi ngược về hướng Bắc kia, xa lắm, bây giờ không đuổi kịp đâu!

Lan Trinh bực mình vì mấy câu hỏi tọc mạch chỉ muốn nhảy lên vặn gãy cổ gã thanh niên ranh mãnh. Để trả đũa em cũng tìm cách đánh lạc hướng chú ý của Minh Tâm bằng mấy câu hỏi khó:

- À, thế còn cái xe quý hóa của anh đâu rồi? Mấy hôm nay sao em chẳng thấy đâu cả?

Quả nhiên, gã con trai cũng bị ngẩn người ra thật. Ngập ngừng một lúc gã mới trả lời:

- Lan Trinh tò mò khiếp nhỉ? Nói thực thì anh có ý không muốn để nhiều người trông thấy cái căn nhà lưu động đó nên phải giấu nó hơi kỹ một chút. Ngay dưới đám rừng kế bên biệt thự nhà Lan Trinh chứ đâu... Có điều cần căn dặn hai cô em là chớ nói hở cho ai biết đó, nghe! Nhất là tại tiệm nhà Bích Thu đó, nghe Bích Thu! Trong xe có chăn mùng và nhiều đồ vật của anh quý lắm, tụi lưu manh dò biết được là nó nẫng mất hết thì nguy.

Hai cô gái đồng thanh:

- Anh yên trí! Tụi chúng em sẽ không nói gì hết đâu!

Lan Trinh:

- Thôi, chúng em phải đi tìm ba mới được! Đi Bích Thu! Chốc nữa anh tới ăn bánh uống nước, nghe anh Tâm!

Dứt lời hai người chạy vút ra khỏi ngôi nhà hoang như có ý né tránh những câu hỏi rắc rối của Minh Tâm.

Chàng thanh niên lặng lẽ đứng trông theo. Phút sau, Minh Tâm quay mình bước lên cầu thang...

Phút sau, chàng ta đã đứng trong chóp nhà lồng kính đưa mắt quan sát mấy cái thành cửa sổ. Minh Tâm nhìn chăm chú cái bậu cửa có hai chiếc mai cua lạ nằm song song sát cạnh nhau. Chúm môi huýt nhẹ một tiếng sáo, gã con trai khẽ lẩm bẩm:

- Ừ, chẳng hiểu...

Lan Trinh về tới biệt thự Dạ Lan thì đồng hồ đã chỉ 5 giờ chiều. Bích Thu cũng đã trở về nhà để lo bán hàng cho cô.

Vừa bước chân vào phòng khách, Lan Trinh chợt thấy Minh Tâm ngồi bên ông Lâm. Cả hai, một già một trẻ, đang bàn cãi chuyện gì hăng say lắm. Thoáng thấy bóng em, hai người lặng im tức khắc.

Lan Trinh reo lên:

- A, anh Tâm! Để em đi pha nước anh uống, nghe!

Dứt lời, em đi nhanh xuống bếp. Phút sau, em đã quay lên, bưng một khay đầy bánh bông lan và hai ly cà phê sữa nóng. Đặt khay bánh lên bàn, Lan Trinh liếc nhanh mắt, thấy mặt ông Lâm mất hẳn sắc hồng tươi thường ngày. Giờ đây, coi ông xanh xao, tia nhìn mỏi mệt trĩu nặng ưu tư. Không nhìn đĩa bánh và ly cà phê thơm nóng, ông uể oải đứng lên:

- Thôi hai đứa con ăn bánh uống nước đi! Bác phải đi nằm nghỉ một lúc mới được. Mệt quá! Lúc nào ăn cơm, Lan Trinh gọi ba dậy! Ôi chà! Chắc tại ba lội sình nhiều quá đây mà.

Minh Tâm, Lan Trinh đưa mắt nhìn theo ông Lâm đang đặt những bước chân nặng nhọc đi vào phòng trong.

Lan Trinh khuấy ly cà phê, lo lắng ngó Minh Tâm:

- Có việc gì thế hả anh Tâm? Mệt nhọc đã đành rồi nhưng hình như ba em đang có cái gì lo lắng lắm thì phải! Sao vậy anh?

Minh Tâm ngập ngừng thấy rõ. Gần một phút sau anh mới trả lời:

- Ừ! Nói quách cho Lan Trinh biết cũng chẳng sao. Không trước thì sau, đằng nào rồi em cũng biết. Một chiếc tàu tuần tiễu của cảnh sát mới bị tụi gian phi làm phát nổ đêm qua ngay trong vịnh gần nhà đây này.

- A! Vậy thì đúng rồi! Tiếng nổ lớn lắm đã làm em giật mình thức giấc. Rồi em lại nghe cả tiếng anh đứng trong vườn nói chuyện với ba nữa.

Em… a... em không có ý rình mò lén nghe anh nói chuyện đâu. Song lúc đó nghe nổ, em sợ quá, nên chỉ muốn hỏi anh xem cái gì vậy thôi. Nhưng vì thấy ba em, em lại không dám. Em ngại để ba em rõ là em đã biết vụ đó rồi ba em lại áy náy lo nghĩ thêm mệt ông ra.

Minh Tâm gật đầu:

- Giỏi! Vậy thì Lan Trinh giỏi và ngoan lắm!

Lan Trinh đỏ ửng cả má và hai tai vì câu khen bất ngờ của chàng thanh niên ranh mãnh:

- Có phải vụ tàu nổ đó làm ba em lo lắng không hả anh Tâm?

- Đúng! Lan Trinh thử nghĩ xem, ai mà chẳng lo kia chứ. Riêng phần bác, lại còn một số chim chóc của bác bị hại nữa. Trưa nay, bác đã bắt gặp có tới năm chục con le le lăn lộn bò quyềnh bò quàng trên bãi cát phía vịnh đó. Lông cánh chúng bị bết toàn dầu mazout dính nhằng nhằng không còn bay nổi nữa. Từ xưa đến nay bác vẫn chẳng thường nói là nhờ có chim chóc bắt sâu giết bọ, mùa màng thóc lúa của chúng ta mới đỡ tai hại đó sao. Cho nên bác yêu quý tụi chúng nó lắm. Giờ đây, tụi nó bị như vậy, hỏi sao bác không buồn phiền cho được chứ.

- Nhưng dầu mazout đó ở đâu ra dữ vậy?

- Ở chiếc tàu thủy đi tuần đó chớ còn đâu nữa. Mặt biển dính dầu nhớt không hà! Đàn vịt le lao xuống nước mò ăn như thường lệ nên bị dính hết. Thương hại quá! Chúng cố lết vào tới bãi cát dẫy dụa, nhưng rồi cũng đến chết hết.

Lan Trinh không nén nổi một tiếng thở dài.

- Trời ơi! Tội nghiệp quá hả anh! Tắm rửa cho tụi nó được không anh?

- Chịu, Lan Trinh à! Cả một đám đông lắm mà mazout lẫn nhớt quyện bê bết, sức nào chùi rửa cho xuể. Bác có đem về một con tương đối ít bị dính dầu nhất. Khi anh tới thì thấy bác đang nhúng nó vào một chậu nước nóng cho dầu tan ra. Cũng đỡ được phần nào. Xong, bác lau chùi lông cánh cho khô, đoạn thả nó bay đi. Trời, nếu Lan Trinh được mục kích cái cảnh con chim suýt chết, được cứu sống, vụng về vỗ cánh loạng choạng bay đi. Coi tội nghiệp lắm… Á, đây! Nó đây này!

Lan Trinh ngẩng đầu. Quả nhiên một con chim đẹp đang lượn vòng trên không trung, chốc chốc lại quàng quạc kêu lên những tiếng khàn khàn như để diễn tả sự biết ơn và niềm vui sướng được thoát chết.

Lan Trinh và Minh Tâm quay lại ngồi bên bếp lửa. Chàng thanh niên thích thú nếm những cái bánh ngon, ly cà phê nóng thơm ngát, trong khi cô gái nhỏ lặng yên nhìn ánh lửa nhảy múa rung rinh. Đột nhiên, em cất tiếng nói với người bạn thân của anh mình. Giọng nói chứa đầy sự tin tưởng thân mật như đối với anh ruột vậy:

- Anh Tâm! Câu chuyện hơn năm chục con vịt trời bị chết uổng khiến em buồn ghê vậy đó. Rồi đây chắc còn nhiều cái rắc rối chứ chẳng không đâu, anh!

Minh Tâm nhè nhẹ gật đầu, chép miệng:

- Dám lắm Lan Trinh à! Làm được một lần tụi nó dám tiếp tục làm nữa. Hừ! Tàu vỡ, chim chết, người bị hại... còn, còn nữa, chưa hết đâu!

- Có một chuyện này em muốn cho anh biết, anh Tâm này. Muốn nói, chỉ sợ ba em nghe được, ba em lại lo lắng vô ích. Bích Thu sáng nay mới nghe lỏm được câu chuyện giữa hai người cảnh sát duyên hải...

Rồi em kể lại cho Minh Tâm nghe rành rọt chuyện ánh đèn bấm lén lút từ cồn cát lớn chiếu ra:

- Sao, anh nghĩ sao về chuyện đó? Có thể có một tên gian nào mai phục sẵn ở trong vùng để làm hiệu cho đồng bọn không?

Minh Tâm im lặng không nói một tiếng. Tay cầm miếng bánh, anh chẳng buồn đưa lên miệng. Tia nhìn anh nghiêm hẳn lại, nét mặt lắng đọng suy tư chứng tỏ anh đang tính toán cái gì gay lắm. Một lúc lâu sau, anh mới cất tiếng. Và những câu nói của Minh Tâm khiến Lan Trinh ngẩn người:

- Riêng anh, anh cũng muốn hỏi Lan Trinh một điều. Hồi nãy em và Bích Thu làm cái gì ở ngôi nhà bỏ hoang thế? Nói cho thật, đừng giấu anh đó nghe!

Câu hỏi đột ngột khiến Lan Trinh luống cuống:

- Em... à, em và Bích Thu vào để coi xem mấy cái mai cua đốm trên chóp nhà kính đó ra sao rồi. À, tụi em muốn coi xem nó có đổi chỗ nữa không đó... Chắc về chuyện mai cua này anh chưa biết gì đâu nhỉ. Để em kể lại từ đầu anh nghe, nghe!

Minh Tâm im lặng chăm chú ngồi nghe. Lan Trinh kể lại không sót một chi tiết và nói rõ vì sao em phải cầu cứu đến Bích Thu đặng cùng nhau dò xét tìm kiếm điều bí mật lạ lùng này. Vừa kể, Lan Trinh vừa theo dõi nét mặt của chàng thanh niên, nơm nớp chờ đợi một tràng cười chế riễu, hay ít nhất cũng là một cái bĩu môi, châm biếm tật nhát gan, "bói ra ma, quét nhà ra rác" của cô bé con kháu khỉnh thông minh nhưng lại rất sợ bóng tối.

Vì thế, Lan Trinh tròn mắt ngạc nhiên khi thấy Minh Tâm nét mặt nghiêm nghị, lên tiếng hỏi:

- Ừ! Giả thử nếu đó là một chuyện quan hệ thì em định xử trí thế nào đây, Lan Trinh?

- Tụi em biết làm gì đâu mà anh bảo xử trí với không xử trí? Chúng em chỉ biết rằng chuyện đó có vẻ kỳ quái và... mơ hồ nữa. Hai đứa chỉ biết mỗi một cách là mở to mắt ra mà nhận xét, thấy cái gì khác ý là lập tức báo cho nhà chức trách ngay, chứ còn biết làm gì hơn nữa. Chúng em cũng muốn hỏi ba em xem nên xử trí cách nào nhưng lại ngại ba em thêm lo lắng ưu phiền mà thôi.

Một nụ cười điểm trên môi Minh Tâm làm Lan Trinh càng thêm thắc mắc. Chàng trai thẫn thờ đưa miếng bánh lên miệng cắn, nhai, tia nhìn đăm đăm dán chặt vào một điểm vô hình nào đó trong không gian trước mặt, trí óc như để tận đâu đâu. Bất giác, đôi môi anh ta mấp máy nói với Lan Trinh mà như tự nói với mình:

- Rồi thì em quyết định đem điều khó nghĩ đó nhờ anh giải quyết?

Lan Trinh nôn nóng nói ngay:

- Em chẳng quyết định gì hết á! Có điều thái độ và vẻ mệt nhọc ưu phiền của ba em khiến em lo lắng quá, rồi chuyện đàn vịt trời chết la liệt cũng lại làm em buồn rầu không ít. Em chỉ muốn tìm hiểu cho ra mọi điều bí mật, có vậy thôi hà!

Giọng nói Minh Tâm ôn tồn, êm dịu như ru:

- Thôi được, Lan Trinh có thể yên trí! Em đã tìm đúng người để đỡ cho em gánh nặng rồi đó! Em chú ý nghe anh Tâm nói đây này. Thật tình, em là một cô bé thật giỏi, thật ngoan bây giờ anh mới gặp là một và Bích Thu, cả Bích Thu nữa! Em mười phần thì Bích Thu cũng chín phần chín đấy chứ không kém sút mấy đâu. Rồi! Bây giờ anh Tâm có thể cho các em biết được một điều bí mật. À không, một phần bí mật, thì đúng hơn vì chưa được phép tiết lộ hoàn toàn. Anh hỏi thật nghe Lan Trinh! Em có chịu làm phụ tá cho anh không? Em có chịu giúp anh để thực hiện một công tác rất quan trọng không?

Bất giác, Lan Trinh đỏ bừng hai má khi nghe từ chính miệng con người thông minh tinh quái một câu đề nghị thật hấp dẫn. Tia mắt em sáng lên niềm kiêu hãnh khi được một người như Minh Tâm đặt hết tin tưởng:

- Chịu chứ anh Tâm! Có khó không anh?

Chàng thanh niên bật cười vui vẻ:

- Chẳng có gì là khó cả, Lan Trinh! Chỉ cần em triệt để nghe theo lệnh của anh vậy thôi! Công tác rất quan trọng và tuyệt đối bí mật không thể hở môi tiết lộ cho bất cứ ai được, nghe! Anh chỉ có thể nói sơ cho các em chút xíu được thôi. Và rồi anh biết là các em sẽ có thể giúp anh được nhiều việc lắm. Ngay chính anh, khi nhận công tác này, anh cũng không ngờ là nó lại có một tầm mức quan trọng đến thế. Đến bây giờ thì rõ ràng là nếu không có người phụ tá giúp anh một tay, chắc chắn không thể nào đi đến một kết quả tốt đẹp được. Lan Trinh và Bích Thu đến với anh thật đúng lúc quá.

Hai tay đỡ cằm, khuỷu tay chống lên đầu gối, Minh Tâm đăm đăm nhìn ngọn lửa. Lan Trinh, lòng tràn ngập hân hoan, cố dằn hơi thở mạnh. Lúc sau, tiếng Minh Tâm lại tiếp tục đều đều:

- Anh còn nhớ là đã nói với Lan Trinh anh bận đo đạc họa đồ cả vùng này. Cái đó có thực. Nhưng cũng chỉ là công việc phụ để che giấu nhiều công việc khác quan trọng hơn do ông Đông, chủ biệt thự Dạ Lan giao phó. Điều này tối mật chỉ nói riêng cho Lan Trinh biết thôi đó, nghe. Ông Đông giao phó cho anh việc dò xét một tổ chức buôn lậu ma túy hiện lẩn lút tại vùng này, anh lại có nhiệm vụ phát giác đồng bọn của chúng để phá vỡ tổ chức tai hại này. Vì thế anh có đủ đồ nghề và làm việc ngay tại trong cái xe "sắt rỉ" mà Lan Trinh đã biết đó. Đồng thời lại phải hòa mình với đồng bào tại địa phương hầu thu lượm tin tức nữa. Khổ một nỗi, anh không phải là người địa phương, nên hễ chường mặt ra là bà con cô bác ở đây lại im thin thít không nói chuyện gì nữa. Tâm lý chung của đồng bào nông thôn chất phác thường vẫn vậy.

Lan Trinh tròn mắt ngạc nhiên:

- Làm việc trong chiếc xe cà tàng kín bưng đó? Mà anh làm việc gì trong cái "hòm" đó.

- Phần việc quan trọng nhất đấy, Lan Trinh! Nguyên anh vẫn có khiếu về kỹ thuật thâu và phát thanh. May nhờ một ông cậu anh đậu kỹ sư về ngành truyền tin và ông có một cơ xưởng sửa chữa máy thâu thanh lớn lắm. Kỳ nghỉ hè năm ngoái, anh được ông chỉ dẫn chu đáo, nên đã nắm vững về kỹ thuật thâu và phát thanh. Và anh đã tự tay chế tạo được máy phát thanh với luồng sóng ngắn. Bác Đông ở đây quen thân với cậu anh, khi trông thấy cái máy do anh sáng chế, thích lắm, đã đề nghị với anh đem về vùng này thí nghiệm.

Lan Trinh thực tình chẳng hiểu gì về kỹ thuật phát và thâu thanh nên chỉ cau mày suy nghĩ rồi lên tiếng ngập ngừng:

- À, ừ cái đó hay thật, nhưng em chẳng thấy nó liên hệ gì đến tụi gian phi và những chuyện đồn đại ở đây hết.

- Đây, Lan Trinh nghe cho rõ đây này! Và em phải hứa với anh là không được hở môi tiết lộ với một ai hết nghe, trừ Bích Thu và Bích Thu sẽ cùng làm việc với chúng ta. Bác Đông nghi là hiện nay, tại nơi đây, có một ổ máy phát thanh bí mật liên lạc thường xuyên với một tổ chức buôn lậu ma túy. Tên chuyên viên sử dụng máy, có biệt tài di chuyển rất nhanh. Nhiều lần anh bắt được tin tức của nó truyền qua luồng sóng ngắn, xác định được vị trí đặt máy của nó, nhưng hễ cứ sục vào đến nơi thì nó đã chuồn mất rồi. Và chỗ phát xuất những luồng tin bí mật đó chỉ quanh quẩn trong phạm vi biệt thự Dạ Lan thôi, Lan Trinh à!

Em chợt la khẽ:

- Trời ơi! Vậy hả anh? Anh có nghi cho tên Ngô Kha đó không? Chắc anh còn nhớ là em đã nói với anh có một lần Bích Thu bắt gặp hắn lén lút đột nhập vào vòng rào khu biệt thự rồi chứ?

- Ồ có chứ? Dĩ nhiên là anh đã để ý đến Ngô Kha từ lâu rồi. Nhưng hiện thời thì chưa có bằng chứng gì rõ rệt. Phải công nhận tên này lạ lùng thật. Hắn có ý né tránh anh ghê lắm, coi anh như một người đáng ngại lắm vậy. Nhưng anh theo sát hắn dữ lắm. Lan Trinh có thể yên trí về điểm này.

Câu trả lời của Minh Tâm không thỏa mãn được Lan Trinh một chút nào. Em vẫn nhiều thắc mắc:

- Anh có nghi là hắn liên hệ gì với mấy cái mai cua đốm kia không? Và riêng anh, anh có ý kiến gì về mấy cái đó? Minh Tâm định trả lời thì chuông đồng hồ điểm sáu tiếng. Anh ta đứng phắt lên:

- Trời đất! Vậy mà đã 6 giờ rồi đấy! Anh phải về tiệm Nam Hải gấp, ăn cơm chiều đoạn chui vào trong xe để kịp bắt kỳ phát thanh chiều của bọn gian mới được. Biết đâu chẳng vớ được tin tức quan trọng của chúng. Chuyện này cần phải bàn bạc lại thật kỹ. Sáng mai, em báo cho Bích Thu tới đây. Ba anh em mình sẽ nói chuyện nhiều, và anh sẽ giao công tác cho các em. Thôi anh Tâm đi đã, nghe! Cám ơn Lan Trinh đã cho anh ăn bánh uống cà phê. Cho anh gởi lời chào bác. Em nhớ coi sóc bác cẩn thận nghe! Anh thấy bác có vẻ mệt mỏi lắm đó!

Mấy phút sau, trong gian phòng khách rộng mông mênh, chỉ còn bóng hình lẻ loi của cô bé in đậm nét trên vách tường trắng xóa...
*
Bích Thu nhăn nhó nói với bạn:

- Gọi mình tới gấp có việc gì đó, Lan Trinh? Khi nghe Lan Trinh kêu điện thoại bảo tới biệt thự ngay, Bích Thu đã vội vã giao việc trong tiệm cho thằng Hải, ba chân bốn cẳng chạy tới tìm bạn.

Lan Trinh:

- Này Bích Thu! Từ chiều hôm qua đến bây giờ xảy ra nhiều chuyện lắm! Đây, anh Tâm đã nói qua về công tác bí mật của anh ấy đang phụ trách tại vùng này và anh đang nhờ sự tiếp tay của tụi mình đấy.

Rồi, em tóm tắt rất nhanh mọi điều Minh Tâm đã cho em biết để Bích Thu nghe. Cô bạn chỉ còn biết giương mắt ngạc nhiên, lắng tai nghe chăm chú.

Lan Trinh chấm dứt câu chuyện, giọng em thật vui:

- Bích Thu hiểu hết rồi chứ?

- Chưa hiểu mấy đâu. Vậy thì hai đứa mình phải làm cái gì chứ?

Minh Tâm xen vào:

- Phải làm gì thì anh sẽ nói rõ vì chính Lan Trinh cũng chưa biết đâu. Đây, chỉ có thế này: như hai em đã biết, anh mới chân ướt chân ráo tới vùng này, nên chưa hiểu rõ được tình hình dân chúng tại đây. Việc này chắc không ai có thể bằng được Bích Thu. Em thường thấy họ, tiếp xúc với họ hàng ngày và sống chung với họ nữa. Vậy, nhất định là Bích Thu phải biết rõ mọi người hơn anh và Lan Trinh.

- Ủa, anh nói họ, họ là những ai vậy? Cả cô em, cả thằng Hải và tất cả mà người ở xóm Chài?

- Đúng thế! Tất cả, tất cả, không trừ một ai hết. Anh cần biết thật rõ tính tình của từng người một. Cần biết họ sống ra sao, có đủ ăn không, có cờ bạc hoặc hút sách bê bối gì không và họ thích cái gì, ghét cái gì... Như vậy không phải là anh có ý nghi ngờ bất cứ người nào. Nhưng anh cần phải hiểu biết họ cũng như Bích Thu hiểu họ vậy… Thôi nào, ba anh em, chúng mình lại ngồi nơi bậc hè kia, đó, chỗ đó mát lắm, và Bích Thu đọc cho anh từng tên người mà em biết, đi. Anh có sẵn bút chì và sổ tay đây.

Ba người ngồi yên chỗ xong, Minh Tâm mở quyển sổ nhỏ:

- Hãy tạm để gia đình bà cô em sang một bên. Xét sau! Làm các người khác đã!

- Không, em cũng muốn cho anh biết một vài điều nhận xét về gia đình cô em, may ra có điểm gì bổ ích chăng. Riêng về bà cô em thì có thể nói là một người đảm đang, tề gia nội trợ, buôn bán giỏi mà trung hậu thì có một. Lại có cái nết tốt là rất thương người lỡ bước sa cơ. Thêm nữa, cô em sống ở đây lâu rồi nên thông hiểu hầu hết đồng bào cư ngụ tại đây.

Minh Tâm gật đầu:

- A, điểm đó hay lắm! Cần hỏi thêm gì anh sẽ liên lạc với bà Dần, được lắm. Thế còn chú nhỏ tên Hải thì sao?

Sau một phút ngập ngừng, Bích Thu cho biết:

- Úi chà! Cái thằng Hải này thì khó nói quá, anh Tâm! Nó thì ngoan chỉ phải cái là con một, cô em chiều nên nhõng nhẽo và ngốc nghếch ghê lắm. Mười hai mười ba tuổi đầu rồi đấy, mà ngớ ngớ ngẩn ngẩn, ai nói cái gì cũng nghe. Cô em và em thật khó chịu khi thấy nó cứ bám lấy anh chàng Ngô Kha như cái đuôi vậy đó. Tên Kha này, hừ! Hai cô cháu em vẫn không ưa gì hắn. Nói chuyện là phải hết sức dè dặt đó.

- Khá lắm, Bích Thu! Vừa nói Minh Tâm vừa hí hoáy ghi chép vào sổ tay.

- Nào, bây giờ là tên Ngô Kha! Hắn tới đây được bao lâu rồi?

- Vào hồi trung tuần tháng chín! Hắn bảo từ Nha Trang vào, định xin làm việc tại xưởng ướp cá Bảo Ngư, nhưng mùa này hãng đóng cửa. Hắn điều đình với cô em xin ở trọ để cho tới vụ cá giáp Tết, hãng mở cửa lại thì xin đi làm đó. Y không muốn mất công đi về rồi lại vào nữa, nên xin ở trọ tại đây. Về tên Ngô Kha, em chỉ biết có chừng đó thôi!

- Theo ý Bích Thu thì tên Ngô Kha có vẻ gì là một tay ăn chơi đàng điếm không? Cử chỉ ngôn ngữ của hắn ra sao?

- Không có gì đặc biệt anh à! Ăn nói mềm mỏng lịch sự là đàng khác nữa đó... À, có điểm này hơi lạ một chút. Một hôm có một người đem đồ, bàn chải răng, gương lược, các thứ đến bán cho cô em. Coi bộ tay hàng xách này có vẻ ăn chơi lắm anh. Em thấy y cùng Ngô Kha ngồi uống cà phê chung bàn sầm sì nói chuyện gì lâu lắm. Rồi bận bán hàng, em cũng không còn thì giờ để ý đến hai người đó nữa. Khi quay lại thì họ đã đi đâu mất.

Minh Tâm chợt khẽ kêu "a" một tiếng, ngoáy bút chì ghi thật nhanh: .

- Điểm này hay lắm đây. Rồi sao nữa? Bích Thu thấy thường ngày tên Ngô Kha này hay làm cái gì? Không lẽ cứ ăn xong là lại ngủ?

- À, khi trời mưa thì hắn chơi bi-da, đánh ping-pong, chán rồi lại uống cà phê, đọc báo. Gặp lúc đẹp trời hắn lại đi lang thang ngoài bờ bãi, rừng thông, hoặc rủ thằng Hải ra tắm biển. Em để ý một vài lần thì thấy hắn hay tới nhà ông già Bến, chẳng hiểu để làm gì. À, thằng Hải còn nói chuyện, thỉnh thoảng Ngô Kha hay theo nó ra Bà Rịa cất hàng. Tới tỉnh, trong khi Hải ta bận mua đồ thì tên Ngô Kha bỏ đi vào phòng điện thoại, gọi đi đâu và nói chuyện với ai lâu lắm. Lần nào thằng Hải cũng phải chạy đi tìm hắn rồi mới cùng về đó.

- Chi tiết này cũng lại quan hệ nữa! Rồi! Bây giờ anh em mình xét đến các người khác. Nào Bích Thu! Cho anh biết tình hình toán thầy thợ làm việc tại xưởng ướp cá Bảo Ngư xem sao nào!

- Về mùa mưa này, hãng đóng cửa mà anh! Toán thợ có tới hàng ngàn người nhưng đa số chỉ làm trong vụ cá thôi. Tới đầu mùa xuân là họ đi hết. Có ở lại thì chỉ là một số ít công nhân có gia đình. Họ cư trú trong cư xá của xưởng, vợ con vui vẻ làm ăn lương thiện lắm anh. Trong kỳ không có cá, họ tăng gia trồng trọt chăn nuôi, thu hoạch hoa lợi không ít đâu. Có thể nói là hầu hết đều chăm chỉ làm ăn, không hề chơi bời đàng điếm, cờ bạc rượu chè hút sách gì cả. Bữa nào có thì giờ, anh vô đó chơi, coi vườn tược ruộng rẫy, trâu bò gà vịt của họ, vui mắt lắm. Cô em vẫn mua hàng ngàn trứng gà tươi của họ đấy.

- Thế còn đồng bào chài lưới?

- Đồng bào chài lưới hả anh? Họ còn làm ăn gấp bội lần đám thợ xưởng cá nữa đó. Anh đã thấy những vũng hồ nuôi cá của họ chưa? Những con cá béo ngậy mà cô em vẫn nấu canh chua cho anh ăn cũng đều ở đó mà ra cả đấy. Theo em, thì không ai trong đám đồng bào xóm Chài cũng như toán thợ tại xưởng cá lại có thể là đồng bọn của tụi buôn lậu ma túy được đâu.

Lan Trinh sốt sắng tiếp lời bạn:

- Đúng như Bích Thu nói đó, anh Tâm! Ngay cả chị Ba Thùy làm việc cho nhà em cũng vậy. Hai vợ chồng chị chỉ chăm lo làm ăn. Anh ấy ở nhà chăm sóc đàn heo gà và trông nom mấy cái hồ cá. Chị ấy đi làm kiếm thêm. Anh thấy cái xe gắn máy của chị ấy ngon không? Tụi con chị kháu khỉnh và ngoan lắm anh à! Cũng như toàn thể đồng bào ở đây, anh chị ấy ghét tụi gian phi trộm cắp kinh khủng, coi như ác quỷ cô hồn vậy đó. Nhất là tụi ghiền và buôn lậu ma túy thì khỏi nói. Chị ấy ghê tởm như bệnh dịch vậy.

Minh Tâm lẩm bẩm:

- Nếu vậy thì chỉ còn... ông già Bến! Ừ, sao, Bích Thu! Còn ông già Bến thì sao? Nội đây chỉ có ông ta là làm nhà ở biệt lập một mình một khu à. Bích Thu biết nhiều về ông già này không?

Bích Thu bâng khuâng:

- À, vâng! Cái ông già Bến này thì… em cũng chẳng biết nói sao. Ông ta kể thì cũng hơi khác người thật. Chẳng hiểu ông cư ngụ tại đây từ bao giờ và chỉ câu cá kiếm ăn thôi đó, anh. Biệt tài của ông là câu trai, sò. Hay lắm anh à! Em nghe nhiều người nói ông ấy nhận biết được cả những luồng cát ngầm. Cát dưới nước di động thế nào là có nhiều trai sò giạt vào, chỉ riêng mình ông biết. Tính nết thì hơi kỳ khôi. Nhiều lúc thật dễ thương, nhiều lúc lại hung hăng như… gấu vậy. Cô em kể lại rằng ông ta hơi dở người sau một trận ốm nặng cách đây hai năm đó anh. Đến khi hết bịnh thì ông đâm ra lẩn thẩn và bị điếc đặc vậy đó.

- Ngoài việc câu cá, mò trai ra ông còn làm cái gì thêm để sinh sống nữa không?

- Cái đó thì em không rõ lắm! Có điểm đặc biệt là tuy điếc đặc, ông ta vẫn có thể ngó vào môi người đối thoại mà biết được người đó nói gì kia, anh à!

- Anh biết là ông già Bến này có một chiếc xuồng máy cũ vẫn để tại gian đầu hồi căn nhà xập xệ của ông đó. Gian để xuồng này lúc nào cũng thấy cửa đóng kín mít à!

Bích Thu:

- À, em quên khuấy mất đấy. Cái xuồng cũ ông mua lại của ai từ lâu lắm rồi. To lắm anh, mà máy chạy tốt ghê đi. Về mùa tạnh ráo, ông vẫn phóng ra khơi câu cá thu. Mùa mưa, thì ông ta chỉ quanh quẩn gần bờ, mò trai, câu tôm cua và đôi khi du khách hỏi thuê thì ông ta chở họ chạy loanh quanh ngắm phong cảnh.

Minh Tâm thở một hơi dài thật nhẹ:

- Nếu vậy thì cũng không có gì khả nghi cả. Đã điếc đặc như vậy thì không thể làm cái việc phát thanh, thâu thanh được. Chà! Vậy thì ai đây. Kẻ nào mới đích thực là người phát thanh đi những luồng tin tức bí mật đây? Thôi được, trong khi chờ đợi, anh sẽ để ý theo dõi già Bến kỹ hơn chút nữa.

Dứt lời Minh Tâm gấp sổ lại, cho vào túi.

Bích Thu:

- Thôi, em về được rồi chứ?

- Khoan! Bích Thu! Anh dặn cái này chút xíu đã. Em cần để ý mọi câu chuyện nghe được tại tiệm nhé. Đó, công tác của Bích Thu có chừng đó thôi, nhưng quan trọng lắm đấy, chớ coi thường. Rồi! Bích Thu về đi!

Bạn ra về rồi, Lan Trinh ngồi lại một lúc lâu với Minh Tâm. Em còn nhiều thắc mắc muốn nhờ anh giải đáp:

- Tin tức của Bích Thu vừa cho anh có khá không?

- Cũng chưa có gì đặc biệt lắm. Anh đã hy vọng có thể móc ra được một vài tay khả nghi, vậy mà xét kỹ thì có lẽ cũng chỉ được độ một, cùng lắm là hai tên thôi. Hừ! Bực thật!

- Chắc trong mấy tên khả nghi đó phải có... Ngô Kha?

- … Thực ra, tên này kể cũng đáng ngờ lắm, nhưng ác một điểm là chưa có cái gì rõ rệt hiển nhiên để tóm được tay hắn ở trong bị cả kia chứ.

- Thế cái mai cua đốm Bích Thu tìm được trong túi áo hắn?

- Anh cũng đã nghĩ tới điểm đó rồi! Nhưng đặt một giả thuyết: Ngô Kha hay bất cứ một người nào khác, khi thấy một chiếc mai cua lạ, đẹp lượm lên ngắm chơi xong tiện tay bỏ vào túi rồi... quên bẵng đi, thì em bảo sao?

Lan Trinh gật đầu:

- À vâng, có thể như thế lắm! Nhưng còn anh, anh nghĩ sao về mấy cái mai cua trên thành cửa sổ đó?

Minh Tâm gật đầu khiến mái tóc bồng bềnh dợn sóng tự nhiên rung lên nhè nhẹ:

- Có thể, à... có thể nói chắc chắn là kẻ nào đã dùng mấy cái mai cua gốm đó để làm ám hiệu thông tin cho nhau. Phải công nhận ám hiệu của tụi nó quả là tinh quái, xảo diệu vô cùng vì không một ai lại có thể lưu tâm để ý gì đến mấy cái mai cua vương vãi đó... trừ mấy anh em mình. Vậy thì chúng ta phải chú tâm theo dõi để tìm hiểu bằng được nghe!

- Vâng... kỳ thiệt! Không hiểu tay nào lại có thể dùng cái ám hiệu kỳ quặc ấy được chứ? Thế, đứng trong xe của anh mà cũng không rình rập và phát giác ra được tên nào đã lẻn vào nhà tròn để đặt mai cua sao?

- Bất kể tên đó là ai, làm cách nào đi nữa thì nó cũng phải chờ đêm xuống mới dám hành động. Vì nếu ban ngày mà nó lẻn vào tất nhiên đã lọt vào ống viễn kính của anh rồi. Mà ban đêm thì... chịu, anh phải dò bắt luồng sóng phát thanh bí mật của nó chứ! Thôi được, từ giờ trở đi anh phải để tâm theo dõi riết mới được.

- À, anh Tâm! Thế anh nghĩ sao về ánh sáng đèn bấm chiếu lén lút đêm hôm có tiếng nổ?

- Anh đã nghĩ rất kỹ về cái ánh đèn bí mật này. Có thể nói đó là điểm đáng ngại nhất đấy. Biết đâu chẳng là tia đèn báo hiệu cho một chiếc tàu hoặc xuồng nào đó chở ma túy lãng vãng ngoài khơi. Chúng bấm đèn ra hiệu cho nhau: "Có thể cập bến" hay "không" tùy theo các cuộc hành quân của cảnh sát có được tổ chức hay không vậy.

Hai anh em lại ngồi lặng thinh một lúc lâu. Mãi sau Minh Tâm mới lên tiếng:

- Lan Trinh! Anh có thể nói chắc chắn rằng: nội vùng này đã có một tổ chức buôn lậu ma túy. Và anh có nhiệm vụ phải phá vỡ tụi nó. Bằng cách nào, chính anh cũng chưa biết, vì, tin tức… thì đó, đâu đã có được tin tức gì thật bổ ích đâu?

- Nhiệm vụ nặng nề khó khăn quá! Vậy sao anh không xin thêm người phụ tá?

- Đâu được! Làm như vậy tụi gian phi tất sẽ để ý tìm cách tẩu tán hết thì uổng lắm.

- À, vậy em hiểu rồi… Này, anh! Em nghi có thể những người đi xe hơi từ tỉnh về đây lúc ban đêm, là ở trong tổ chức buôn lậu…

- Anh không tin như vậy đâu. Lan Trinh nghe anh nói: khu biệt thự Dạ Lan này ở một địa thế như một cái bán đảo vậy. Chung quanh toàn ruộng sình, cói lác mọc đầy. Chỉ có một con đường độc đạo đi vào cổng rào. Ban đêm, có xe chạy là thấy liền chứ. Anh để ý từ bữa mới đến tới nay có thấy xe nào chạy ban đêm vào đó đâu. Nhất định là đồng bọn của tổ chức buôn lậu này chỉ ở quanh quẩn đâu đây mà thôi.

Lan Trinh bỗng phì cười:

- Nếu vậy thì ra ban đêm anh không ngủ sao, anh Tâm? Anh cứ đứng chiếu ống nhòm suốt đêm như vậy?

- Ngủ chứ! Chàng thanh niên vui theo cái vui của Lan Trinh nhưng anh chỉ ngủ ban ngày là lúc tụi chúng nó không dám hành động gì hết!

Lan Trinh đứng dậy vươn vai:

- Thôi, em phải về đây!... Chẳng hiểu Bích Thu và em rồi đây có làm được trò trống gì không. Nhưng dù sao chúng em cũng cố gắng để xứng đáng với sự tin cậy của anh. Chúng ta vẫn cứ hy vọng là thế nào cũng có một cái gì đó. Em muốn nói một "cái gì" có lợi cho công tác nặng nhọc của anh đấy, anh Tâm.

Quả như lời Lan Trinh tiên đoán, ít ngày sau, "cái gì" đó đã xảy ra, đã đến một cách thật đột ngột.

Một hôm, trời đã xế chiều, Minh Tâm thả bộ đi về biệt thự Dạ Lan. Anh chợt thấy Lan Trinh đang lúi húi trong bếp, pha nước cam. Minh Tâm lại mỉm cười trêu em là tề gia nội trợ giỏi lắm. Lan Trinh vui vẻ quay lại hỏi xem anh đã khám phá được cái gì lạ không?

- Chưa được cái gì đặc biệt lắm. Hôm qua anh đã mò xuống nhà ông già Bến định để làm quen mà không gặp. Ông ta đi đâu vắng. Lợi dụng cơ hội tốt, anh để ý nhận xét chung quanh thì thấy một điều hơi lạ. Cái gian phụ làm dựa vào phía đầu hồi luôn luôn đóng cửa đó, Lan Trinh biết không? Liếc mắt ngó qua khe ván, anh chẳng thấy cái xuồng máy của già Bến đâu hết. Bên trong trống hốc à!

Lan Trinh buột miệng nói hơi lớn:

- Ủa lạ nhỉ! Về mùa này ông ta vẫn cất kỹ cái xuồng tại đó mà. À… khoan chút anh. À em nhớ ra rồi. Tháng trước, ba em có thuê ông ta chở chúng em đi một vòng quanh vùng nước nông đây này. Em còn nhớ ông già Bến cứ càu nhàu về bộ máy xuồng đã bắt đầu rệu rạo. Và ông có ý định gởi ai đó đem đi làm máy và sơn phết lại mà.

Minh Tâm gật đầu:

- À, ra thế!

Lan Trinh đưa chàng thanh niên lên nhà trên, bật đèn sáng trưng:

- Quái thật! Ba em sao giờ này chưa về kìa? Chắc lại mải mê đuổi theo mấy con chim trời rồi vui chân đi quá xa chăng? Sương xuống dày quá anh à!

Minh Tâm sốt sắng:

- Lan Trinh có cần anh ở lại với em cho vui, chờ bác hay chị Ba Thùy về tới không?

- Vậy thì nhất rồi, nhưng em chỉ sợ làm mất thì giờ, trở ngại công việc của anh. À, hay là em đi chiên cho anh mấy cái trứng gà kẹp bánh mì rồi anh đem về xe mà ăn khỏi tốn công tới tiệm Nam Hải, nghe!

- Tuyệt, cám ơn em!

Hai người đang lúi húi cắt bánh mì, chiên trứng thì chị Ba Thùy về tới. Lan Trinh hỏi ngay là chị có thấy ông Lâm đâu không.

Chị Ba Thùy hốt hoảng:

- Trời đất! Giờ này mà ông chưa về hả cô? Sương mù quá xá tưởng chừng như lấy dao mà xắt được đó. Tôi còn lo chốc nữa khó mà về xóm chài được nữa kìa!

Ruột nóng như lửa đốt, em ngó lên đồng hồ: sáu giờ rưỡi. Không bao giờ ông Lâm lại về trễ đến như vậy. Chắc đã xảy ra sự gì rồi!

Minh Tâm lên tiếng:

- Lan Trinh, anh thấy là cần phải đi tìm bác ngay lập tức. Không thể bảo là bác lạc đường được. Sục sạo ở đây đã quen quá rồi mà. Vậy thì chỉ có thể là bác bị đau bất ngờ hoặc gặp phải tai nạn gì chăng? Đi, chúng ta đi liền đi!… Thường ngày bác hay đi về hướng nào?

- Cách đây chừng hai cây số thôi anh à! Trong một cái vũng thấp, thật rộng, lau sậy mọc um tùm đó. Nhiều khi ba em đi xa hơn nữa nhưng thế nào cũng tạt qua đó rồi mới về nhà. Nơi ấy tiện chỗ nấp mà lại nhiều vịt le xuống ăn và làm tổ lắm.

- Đi theo đường cái tới đó được không? Khỏi phải đi vòng theo bãi mất công!

- Được, được anh! Từ đường cái có một đường mòn tách ra, dẫn thẳng tới vũng đó. Em cũng đã theo ba em đi mấy lần rồi. Nhưng chẳng hiểu sương mù thế này, liệu có mò ra đường mòn ấy được không đây!

- Mặc, cứ đi Lan Trinh! À, chị Ba! Chị làm ơn cho tụi tôi mượn cái xe gắn máy của chị để đi cho lẹ nghe.

- Vâng! Cậu cứ lấy chở cô Trinh đi liền đi. Tôi sẽ ở đây chờ tới khi ông về.

Minh Tâm lấy xe cho chạy từ từ, sau khi căn dặn Lan Trinh cẩn thận để ý tìm ra con đường mòn đi vào vũng vịt trời. Xe gắn máy êm êm tiến vào đám sương trắng đục như sữa, bật đèn sáng quắc mà cũng chẳng nhìn được bao xa. Cả hai đều lo âu hồi hộp.

Đột nhiên Lan Trinh lên tiếng hỏi Minh Tâm:

- Anh Tâm này! Em nhận thấy hình như ba em có vẻ như thích lưu ngụ tại biệt thự Dạ Lan này thật lâu đó anh! Tại sao vậy?

Sau gần hai phút im lặng, chàng trai mới trả lời:

- Đúng đó!... Bác có nhiệm vụ theo dõi khu vực lúc ban ngày! Còn ban đêm là… phần anh!

Lan Trinh có cảm giác như có ai đưa tay bóp mạnh cổ họng em một cái. Tiếng nói em lắp bắp:

- A, vậy thì em hiểu rồi.

Chạy được chừng hai cây số Minh Tâm dừng xe lại. Hai người bước xuống, lom khom cúi tìm bên lề, dấu vết của con đường mòn dẫn tới vũng vịt trời. Không thấy đâu cả. Lan Trinh lẩm bẩm:

- Chắc chúng mình chạy xe đi quá mất rồi đó anh.

- Được! Vậy quay xe trở lại. Lan Trinh đi bộ soi đèn bấm nhìn cho kỹ. Anh dắt xe theo sau. Nhất định phải tìm cho ra.

Soi đèn bới tìm một lúc lâu, đột nhiên Lan Trinh đứng lại, nói lớn:

- Chắc đây rồi, anh Tâm! Đúng vết chân đây rồi. Rành rành trên cát, bên bụi sim dại này anh. Đúng vết chân của ba em đây rồi. Cái đế giày cao su đặc biệt, em nhớ rõ lắm. Vết còn mới tinh chưa khô! Đúng là ba em sau khi đi sục sạo ở một chỗ nào đó khi về lại rẽ vào đây mà.

- Đúng rồi, Lan Trinh! Vũng vịt trời, từ đây vào đó còn xa không?

- Gần lắm anh, chừng 400, 500 thước thôi!

- Được, nếu thế anh cứ để xe nổ máy dựng tại đây. Như vậy, lúc trở ra sẵn có đèn xe soi đường. Em bấm đèn pin soi đường đi trước đi.

Hai người đặt bước mạnh bạo đi vào con đường ngoằn ngoèo uốn khúc quanh các bụi sim, mua, ô-rô, chập chờn trong màn sương trắng đục. Quần áo ướt đẫm sương đêm. Hai người đi tới một đám rừng mọc dại, tàn lá um tùm tỏa rộng che bớt phần nào sương sa, đường đi trông khá rõ nên được nhanh hơn.

Bỗng Minh Tâm khẽ la:

- Ấy, Lan Trinh! Nghe tiếng gì không?

Cô bé dừng chân lắng tai nghe. Tim em đập như tiếng trống làng: trong hơi sương lạnh, trắng đục như sữa loang văng vẳng có tiếng rên rỉ: "Cứu tôi với… Cứu tôi… ôi... ôi… !"
 ______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 5