Hậu Giang, ngày... tháng... năm...
Kính thưa ba,
Con
khóc khi viết thư này gởi lên ba. Vâng, con khóc hoài suốt cả tuần
nay. Con không muốn đi học nữa. Không phải con lười, vì con cũng chả
thích đi chơi. Ba, ba có biết chuyện gì không? Trời ơi, tại sao con
không nói được với ba những gì con nghĩ. Con có nên nói tất cả cho ba
biết không? Chả có ai an ủi con cả. Cả nhà chú Tư đang ngủ. Đèn nhà hàng
xóm đôi cái còn chong. Nhưng con sợ quá, mà không phải con sợ, con xấu
hổ và nhục nhã vô cùng. Ba, ba ơi, tại sao ba lại làm cái nghề đó? Sao
ba không làm một công chức? Sao ba không là một quân nhân? Ba không là
một thương gia, một chủ nhân? Trời ơi, ba chỉ là một bồi nhà hàng. Ba
giấu con, ba không cho con biết nghề nghiệp của ba từ khi con biết chạy,
biết vòi quà. Thế tại sao ba lại không giấu kín dùm con cái nghề hèn
mọn, con không dám nhắc lại cả cái nghề ba đã làm. Ba ơi, nếu ba là con,
nếu ba là đứa trẻ 13 tuổi đầu vẫn thường khoe khoang với bạn mình là ba
tao làm việc ở Sàigòn, tháng tháng về thăm tao, cho tao thật nhiều quà.
Ba tao ăn mặc đẹp ơi là đẹp. Tụi bây không khi nào có được con sơn
dương biết đi như của tao, cái xe hơi kêu thét lên như chiếc xe cứu
thương của bệnh viện khi gặp phải chướng ngại vật. Bao nhiêu đứa bạn
trầm trồ, thán phục. Đôi khi có đứa hỏi con, thế ba mầy làm gì nào? Ba
biết con trả lời làm sao không? Lẽ tự nhiên con chợt lưỡng lự vài giây
(vì thật ra con có biết ba làm gì đâu) nhưng khi nhớ đến cung cách của
ba, con mạnh dạn trả lời, ba tao làm lớn lắm... Trong cái tỉnh lỵ nhỏ bé
này, đứa nào cũng thán phục con hết, ngay cả con của ông quận trưởng
cũng muốn kết thân với con nữa. Con tự hào là con của ba. Con không thua
sút một ai cả. Nhưng ba ơi, có phải con nhìn nhầm không? Không, đúng là
ba kia mà. Ba với chiếc khăn trắng quanh bụng, đang bưng một dĩa đồ ăn
đến một bàn tiệc, ba có nhìn thấy đôi mắt khinh khi của mọi người không.
Ba có nhìn thấy đôi mắt diễu cợt của ai đó chung quanh ba không? Cầm
tấm ảnh bữa tiệc cưới chị thằng Long, con ông quận, con cứ ngỡ mình đã
nhầm. Nhưng con nhầm sao được, khuôn mặt ấy, chiếc mũi ấy, cái miệng ấy,
là ruột thịt, là thân yêu từ mười mấy năm qua. Con chóng mặt, con xấu
hổ, con bực tức. Mặc dù chả đứa nào biết ba cả, nhưng sao con cứ tưởng
chừng như chúng chế nhạo con, khinh khi con. Buổi học hôm đó, tiếp đến
những buổi học hôm sau, con như người mất hồn. Những cử chỉ chìu chuộng
của tụi bạn con thấy như có cả sự thương hại. Nỗi giận hờn từ một đứa
bạn con thấy có cả sự khinh khi. Ba ơi con làm sao chịu được. Con nghỉ
học cả tuần nay rồi. Con nằm lỳ trong phòng suốt ngày. Chú thím Tư đòi
gọi ba về, nhưng con không chịu mà không nói lý do. Con giận cả chú thím
tại sao không cho con biết. Chú thím cứ ca tụng ba là giỏi, cương trực.
Ba ơi, một người cương trực là người phải nhận món tiền thừa sau bữa
cơm của gia đình ai thịnh soạn sao ba? Một người giỏi giang lại đêm đêm
bưng mời đồ ăn cho khách? Con có người cha như vậy? Con không ngờ. Rồi
đây con làm sao mà ngó trông mặt mũi bạn bè. Thế nào cũng có ngày chúng
biết. Mà chúng biết thì... Con muốn trốn nhà đi nơi khác... Bức thư này
là thư cuối cùng con gởi cho ba, con sẽ không có can đảm viết thêm nữa cho ba
đâu. Mà ba cũng đừng về thăm con làm gì. Đừng gởi quà bánh gì cho con
nữa. Ba cũng đừng viết thư gởi cho con, con không nhận đâu.
Có lẽ con sẽ tự kiếm việc làm. Con không cần tiền bạc của ba để nuôi con nữa. Bởi vì ba mà con biết thế nào là nhục nhã.
Kính thư,
Con : VIÊN
*
Sàigòn, ngày... tháng... năm...
Viên con thương của ba
Con
có biết khi bức thư của con đến tay ba thì lòng ba thế nào không? Ba
không giận con, ba không buồn con đâu, nhưng lòng ba đau như muối xát.
Ba giận ba, ba phiền là tại sao ba lại quên mất điều quan trọng đó khi
con đã biết nghĩ, biết suy. Ba cứ ngỡ con vẫn còn bé bỏng lắm, chỉ biết
vòi kẹo, thích mặc quần áo mới, thích được dẫn đi công viên để thênh
thang chạy nhảy. Nhưng con ơi, có lòng cha nào mà không thương con, có
lòng cha nào mà thấy con đã lớn. Con là luôn luôn bé bỏng, cả cuộc đời
vẫn trứng nước đối với ba. Ba nuôi con từ thuở mẹ con qua đời lúc con
lên một tuổi. Vừa thôi sữa mẹ, đã mất tình mẹ, ba nâng niu con như vật
báu trên đời. Có lý nào ba lại để con nhục nhã, khổ đau. Ba thì thế nào
cũng được, ba chỉ tội nghiệp cho con. Sự suy nghĩ của con đã vượt mức
ba không ngờ, nhưng tội của con lại đáng đánh đòn biết bao. Con có quan
niệm thật lạ lùng. Nhưng ba cũng không buồn gì, vì con cũng có lý, lỗi
của ba một phần, ba xa con, không để ý gì đến tâm tình của con cái và
nhất là không giáo dục được con cho thoát khỏi cái ý tứ trưởng giả mà
nhà trường đã nặn vào đầu óc con. Họ chỉ tạo cho con những ấn tượng thật
sâu xa mà không chỉ bảo gì cho học trò những biểu tượng đúng đắn theo
bài học là không có nghề nào xấu cả, mà chỉ có con người làm xấu nghề
đi. Không phải ba tranh luận giành phần hơn cho ba để bênh vực tư thế
bất
lực, kém cỏi của ba. Mà ba muốn cha con ta hiểu nhau nhiều, không phải
chỉ giữa hai người mà xa hơn quanh xã hội, đối với mọi người. Chúng ta
xem nhau như hai người lớn cả nghe con.
Phải,
ba đã làm một nghề thật kém cỏi. Ba nói kém cỏi đây không phải là hèn
hạ. Con phải phân biệt được hai tĩnh từ ấy cho rõ ràng. Bây giờ thì con
đã phân biệt được chứ. Ba làm nghề bồi nhà hàng. Trước kia ba khổ sở vô
cùng khi làm nghề này. Ba khổ sở không phải vì ba nhục nhã như con nói
là nghề bồi nhục nhã. Không, ba khổ sở là vì con, vì tương lai của con.
Ba hiểu rằng nếu con biết được cái nghề này của ba trước khi con đầy đủ
trí khôn, đầy đủ tâm hồn để biết mà không xao gợn rằng nghề nào cũng
đẹp, lúc ấy, ba sẽ làm hại con. Bởi vậy, ba đành xa con mà làm việc. Ba
chọn nghề, không, nghề bồi nhà hàng có gì mà phải chọn con, nhưng chính
đồng tiền, sinh kế, khiến cho một người phải nhận lấy một nghề. Và sau
đó, sẽ thấy yêu nghề, có lương tâm làm việc cho nghề mình nhận không,
thiết tưởng điều ấy là trường hợp chung của phần đông. Ba nhận để có
tiền, nên ba không thấy hối hận hoặc khổ sở. Có gì đâu con, một nghề, dù
là bồi bàn. Thời gian qua, ba lại càng thấy thản nhiên trước cái nghề
ba tưởng là hèn kém. Không đâu con ạ. Ba chính là người nội trợ, là bà
mẹ trong xã hội. Ba nghĩ vậy, địa vị của ba cũng lớn lắm chứ con. Làm mẹ
của tất cả mọi người. Thực khách chỉ là những đứa con của ba, ba chăm
lo cho chúng. Nhìn thực khách tỏ vẻ thèm thuồng trước món ăn ngon, hoặc
là nuốt nước bọt ừng ực khi ngửi thấy mùi thơm của thức ăn trong bếp, ba
nhớ đến con của ba, cũng với gương mặt thèm ăn, cổ họng chuyển động dập
dồn, cánh mũi phập phồng. Trước món ăn ngon mọi người là đứa bé con. Và
chỉ có ba, ba trong cửa hiệu, vì chán ngấy những mùi quen thuộc, ba
bình thản nhìn chúng ăn uống, có khác nào mẹ con ngày xưa, bà nội con
lúc trước, thản nhiên nhường chồng con miếng ngon. Ba kiêu hãnh quá phải
không con. Nhưng sự kiêu hãnh xứng đáng. Con nghĩ gì khi đọc đến những
giòng này. Đấy mới là cái nhìn từ nội tâm ba. Còn nếu nhìn bằng giác
quan, bằng tai, bằng mắt, thì mình vẫn còn cao quý hơn nhiều người khác
nữa con à. Ba nói cái cao quý vượt bực mà mình không ngờ được, không
biết được, không so sánh được nếu không là bồi bàn như ba. Một tài liệu
sống để thấy mình thanh cao và đáng trọng. Tại ba đã nghe biết bao nhiêu
chuyện trái lòng, gai mắt, mà kẻ gây ra chính là các ngài quan cách,
lịch sự, tiền nhiều, chễm chệ bên những dĩa sơn hào hải vị. Càng ăn
ngon, càng uống nhiều, lời nói càng độc ác, tiểu nhân. Một âm mưu, một
trục lợi, một phản bội, một hàm hồ, đều ở từ cửa miệng của những người
đẹp đẽ, sang trọng đó. Có nghe, có biết, có thấy, con mới hiểu được tính
chất cao quý và đáng kính của một kẻ trong sạch. Tiền bạc không đáng
gì, danh lợi cũng chỉ là bề ngoài. Cái công danh thực chính là cái
chất công việc từ hành động và cung cách của một người thợ hay thầy.
Công việc nào cũng như nhau, nói nôm na là ai muốn hoàn thành công việc
cũng phải bỏ sức lao động, người lao tâm, người lao lực, có gì khác nhau
đâu con. Chỉ khác là mình có làm nhục công việc của mình không. Mà
riêng ba, ba không thấy ba đã làm điều gì cho con, cho danh giá nhà mình
bị nhục nhã, dù ba chỉ là một người hầu bàn. Không phải ba ép buộc con
của ba phải vỗ ngực tự xưng, tự hào với địa vị nhỏ bé của ba. Nhưng ba
muốn con trước hết đừng bao giờ rẻ khinh một nghề nào, và con xem đó là
một việc làm như trăm ngàn việc khác phải đổ mồ hôi mới có tiền sinh
sống. Đó là việc làm dĩ nhiên thì lòng mình cũng tự nhiên công nhận,
không thắc mắc, không xao động. Thật bình thường con nhé, con phải giữ
vững được tâm hồn mình cho trong sạch, cho thoải mái cho dù ba là bác
sĩ, kỹ sư hay một người thợ nghèo. Gia tài của ba để lại cho con mai sau
cũng chỉ được vậy. Rán giữ lấy đi con rồi sau này mới thấy lời ba là
đúng.
Ba muốn con đi học trở lại đi. Con phải có đủ chút kiến thức để so đo mọi việc, để đối phó với cuộc đời. Ba thương con lắm và ba cũng không giận con ba đâu. Cuối tháng, ba về nhà, cha con mình lại dắt nhau thăm vườn cây, nương lúa. Ba sẽ kể cho con nghe những câu chuyện thật đẹp và thật vui. Hãy viết thư cho ba để nói những gì con thắc mắc.
Hậu Giang, ngày... tháng... năm...
Ba thân mến,
Con xin lỗi ba. Con đã ăn nói như một đứa con nít không biết suy nghĩ. Ba tha tội cho con nghe ba. Mong ba về thăm con sớm. Ba có nhớ gần đến ngày giỗ má rồi không? Chú thím Tư nhắn ba mua về một ít trầm và hương thơm.
Con không viết nhiều đâu. Con để dành ý nghĩ để nói với ba khi gặp mặt. Kính chúc ba thật khỏe và thật vui.
Hậu Giang một buổi chiều thật êm. Giòng sông hiền hòa gợn sóng lăn tăn theo cơn gió mát từ phía bên kia bờ thổi sang. Những chiếc thuyền không mui dập dềnh trôi theo con nước. Bờ sông sạch sẽ. Sau những cơn mưa to tuần lễ trước, rác rến, bụi bặm được kéo đi hết. Cây cỏ xanh tươi mịn màng. Loài hoa trinh nữ được thể vươn lên tốt tươi, điểm hoa màu tím nhạt. Hoa ngũ sắc chạy dọc theo bờ như một đường viền bằng chỉ màu vụng về. Giữa cái êm mát và bình yên của một buổi chiều tỉnh nhỏ, người ta nghe cả tiếng những bước chân đạp vui trên thảm cỏ căng lá. Hai bóng người. Không, hai cha con mới đúng. Một trung niên, một trẻ thơ dắt tay nhau đi dưới nắng hoàng hôn.
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 116, ra ngày 15-10-1969)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com
Ba muốn con đi học trở lại đi. Con phải có đủ chút kiến thức để so đo mọi việc, để đối phó với cuộc đời. Ba thương con lắm và ba cũng không giận con ba đâu. Cuối tháng, ba về nhà, cha con mình lại dắt nhau thăm vườn cây, nương lúa. Ba sẽ kể cho con nghe những câu chuyện thật đẹp và thật vui. Hãy viết thư cho ba để nói những gì con thắc mắc.
Thương con nhiều
Ba.
*
Hậu Giang, ngày... tháng... năm...
Ba thân mến,
Con xin lỗi ba. Con đã ăn nói như một đứa con nít không biết suy nghĩ. Ba tha tội cho con nghe ba. Mong ba về thăm con sớm. Ba có nhớ gần đến ngày giỗ má rồi không? Chú thím Tư nhắn ba mua về một ít trầm và hương thơm.
Con không viết nhiều đâu. Con để dành ý nghĩ để nói với ba khi gặp mặt. Kính chúc ba thật khỏe và thật vui.
Con của ba,
Viên.
*
Hậu Giang một buổi chiều thật êm. Giòng sông hiền hòa gợn sóng lăn tăn theo cơn gió mát từ phía bên kia bờ thổi sang. Những chiếc thuyền không mui dập dềnh trôi theo con nước. Bờ sông sạch sẽ. Sau những cơn mưa to tuần lễ trước, rác rến, bụi bặm được kéo đi hết. Cây cỏ xanh tươi mịn màng. Loài hoa trinh nữ được thể vươn lên tốt tươi, điểm hoa màu tím nhạt. Hoa ngũ sắc chạy dọc theo bờ như một đường viền bằng chỉ màu vụng về. Giữa cái êm mát và bình yên của một buổi chiều tỉnh nhỏ, người ta nghe cả tiếng những bước chân đạp vui trên thảm cỏ căng lá. Hai bóng người. Không, hai cha con mới đúng. Một trung niên, một trẻ thơ dắt tay nhau đi dưới nắng hoàng hôn.
KIM HÀI
(Sóng Vàng)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 116, ra ngày 15-10-1969)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com