Thứ Ba, 12 tháng 6, 2018

CHƯƠNG IV_TRONG ĐÊM GIÔNG BÃO


Chương IV

LẠI MỘT MÙA HÈ


Sáng hôm sau, Phú phóng xe gắn máy lên Gia Viễn đi học. Tuần lễ cuối cùng trước khi nghỉ hè. Buổi chiều, khi ra về, vừa qua khỏi cây cầu xi măng, nó gặp ông thú y sĩ đã chữa khỏi mắt cho A-Giát. Trông thấy Phú, ông ta giơ tay vẫy gọi rồi đậu xe lại:

- Cháu Phú! Cuối tháng này nhớ đem chó đến, bác sĩ xem mắt có biến chứng gì không, nghe! Hiện thời nó vẫn khỏe mạnh chứ?

- Dạ, cám ơn bác sĩ! A-Giát ngoan và mạnh lắm.

Chiếc xe hơi bóng loáng sang số phóng vụt đi.

Lúc đó, đã vào khoảng xế chiều. Về đến nhà đã thấy dì Mai thắp xong chiếc đèn treo. Cả nhà ăn cơm tối xong, không có bài phải học, Phú ngồi vào bàn của cậu. Cố đặt hết tâm trí vào việc ráp các bộ phận rời của một chiếc Oméga kiểu nhỏ đàn bà đeo, tư tưởng chú nhỏ vẫn không ngừng bay qua Mương lai bản. Cùng lúc đó, bên Mương lai bản, con A-Giát buồn bã cô đơn trong một căn nhà xa lạ. Dưới gầm giường thằng Phan, nó nằm dài, mõm nghếch lên một trong hai cẳng chân trước duỗi thẳng, đôi mắt phóng nhìn mãi tận đâu đâu, xa lắm…

Hai ngày nữa lại qua đi, tới ngày thứ năm. Khoảng quá trưa, thằng Phú nhẩy lên xe đạp, đạp sang Mương lai bản trả xe cho Liên.

Sang đến nơi, nó giật mình sửng sốt. Không khí trong nhà có vẻ rất khác thường. Mấy phút sau, Phú mới biết lý do: con A-Giát đã bỏ đi đâu mất.

Thằng nhỏ chạy vào phòng bạn.

Phan buồn rũ ra như một tàu lá héo, nhìn bạn:

- Phải ở lại bên này, coi bộ con chó khổ sở quá. Vì thế nó bỏ về bên ấy với Phú rồi.

Đoạn, nước mắt rưng rưng, Phan nói tiếp:

- Rồi cả mấy con thỏ Út Đô, con cáo non, đôi vợ chồng sáo sậu và ngay cả con sóc Chi My này nữa! Phú tưởng chúng nó sung sướng lắm chăng, khi phải sống như tù giam lỏng trong nhà Phan? Chẳng chóng thì chầy, rồi thế nào tụi nó cũng bị lây cái khổ của Phan cho mà xem. Con Chi My què liệt một chân rồi đó, thấy không? Tội nghiệp chúng nó biết chừng nào!

Phú nhìn bạn:

- Phan lại kể lể lôi thôi rồi.

- Lôi thôi gì đâu? Phan nói thật đấy chứ. Phan không muốn tụi nó phải khổ sở nữa. Phú nghe rõ rồi chứ, hả?

Con Liên bước vào từ lúc nào, đưa tay sờ trán anh:

- Anh Phan, thôi, đừng nói nữa mệt, anh Phan! Coi chừng lại lên cơn sốt bây giờ. Nghe lời em đi, chóng ngoan.

Thằng Phan mặt đỏ bừng bừng, nắm tay thằng Phú:

- Phú là bạn rất thân của Phan, có phải thế không? Vì thế Phan mới đặt hết tin tưởng vào Phú. Chúng mình đều biết rằng: trời sinh ra con sáo là để cho nó bay, con sóc để cho nó leo trèo nhẩy múa trên cây, rồi những con thỏ như Út Đô… sinh ra là để chạy đùa tìm hoa quả cây trái mà ăn.

Phan nghẹn lời không nói tiếp được nữa. Một cơn ho như xé phổi khiến nó co rúm toàn thân nằm thở hổn hển trên ghế xích đu.

Thằng Phú vuốt ngực cho bạn, cố giữ giọng nói thật bình tĩnh:

- Phú sẽ làm tất cả những điều Phan muốn.

- Tốt lắm! Vậy thì lát nữa, khi về Phượng Mô, Phú đem hộ Phan tất cả mấy con này, tới rừng Đen, thả chúng nó ra.

Thế là khi đôi bạn tạm biệt, thằng Phú một tay xách giỏ, bên trong con thỏ hung, con sáo non thu mình nép sát bên nhau, tay kia nó xách cái lồng nhốt hai vợ chồng con sáo sậu. Con sóc Chi My, hình như linh cảm thấy có cái gì bất trắc, cố quẫy đạp vuột khỏi tay thằng Phú, nhẩy tưng tưng lên ghế xích đu, rúc cái mõm bé tí vào ngực áo cậu tiểu chủ. Thằng Phan vuốt ve bộ lông mịn, mỉm nụ cười mệt nhọc:

- Con Chi My không chịu đi này Phú. Thôi để nó ở lại vậy.

Thằng Phú, chân đặt lên ngưỡng cửa, sửa soạn lên đường ra về. Chợt, một con vật to lớn, lông đỏ quạch, bùn lấm đầy mình, mồ hôi nhễ nhại, phi qua hàng rào gần cổng vườn, xồng xộc chạy vào như bay.

- A-Giát!

Đúng A-Giát! Con chó lai sói, bốn cẳng chân run bắn lên như chân cầy sấy, bụng hóp vào phình ra theo hơi thở hồng hộc, hai mép bọt trắng nhểu dài, mệt mỏi cùng cực, buông mình nằm phịch trên bậc cửa, ngay dưới chân thằng Phú.

Thì ra, khi trốn khỏi nhà ông Tư Lành, con chó đã phóng thẳng một mạch từ Mương lai bản về Phượng Mô, Tới nơi, nó chỉ thấy có ông Mẫn và bà Mai ở nhà. Phóng vào như một cơn gió lốc, lúc quay ra nó lại phi nhanh như một trận cuồng phong. A-Giát lao vun vút lên đồi sim, chạy xuống con đường đất dẫn lên Gia Viễn, nơi nó đã được thằng Phú dắt tới một lần. Nó băng qua mấy đường phố đông xe cộ, quẹo vào đường Lô Giang, mò đến đúng nhà ông thú y sĩ, đi vào hẳn trong khoảng sân rộng. Đứng trước cửa phòng khám bệnh đóng im ỉm, A-Giát khẽ rít lên… gọi cửa. bên trong im vắng không một bóng người.

Nó lại quay ra, theo đường cũ, cứ thế cắm đầu phi nước đại. Một tiếng đồng hồ sau, A-Giát đã về tới Phượng Mô. Vẫn chưa thấy bóng chủ đâu. Đưa mũi đón gió đánh hơi một hồi, con chó chuyển mình đặt bước theo hướng Gò Quao, dẫn lên Mương lai bản. Và bây giờ… Phú reo lên:

- Phan ơi! A-Giát về đây này!

- Phú thấy không? Nó sục sạo khắp chốn đi tìm Phú đấy. Quá xá thật. Thế là rõ ràng rồi nhé! Rõ ràng là: chó khôn chỉ có một chủ. Và ông chủ của A-Giát là Phú. Thôi, chủ nhật lên nghe, Phú.

- Ừ, chủ nhật.

- Cho A-Giát lên không?

- Nhất định thế rồi.

- Lên sớm nghe!

- Sớm chứ. Phú sẽ đến nơi trước khi Phan ngủ dậy.

Tối hôm ấy, quản Ru lại ghé vào nhậu lai rai la ve, ăn mấy con mực nướng thơm phức với ông Mẫn. Viên hạ sĩ quan quan thuế vui vẻ nói chuyện với thằng Phú:

- Con chó của cháu thế mà lại lành được hai con mắt. Kể cũng thần tình thật. Nhưng nó có trông rõ không hả Phú?

- Dạ rõ, bác Ru!

Ông Ru ngắm nghía con vật, gật gù:

- Ờ, ờ! Lực lưỡng khỏe mạnh như con A-Giát này, nếu được huấn luyện cẩn thận, sẽ trở thành một tay phụ tá đặc lực cho toán lưu động, đồng nghiệp của bác đấy. Cháu biết không? Những con chó nhà nghề trên Ty của bác, khi tuyển chọn, phải lựa những con thật thông minh, chỉ vâng lời có một mình chủ nó mà thôi. Rồi huấn luyện viên ra lệnh cho chó xông tới một người đứng ra làm “con mồi mục tiêu”. Con mồi mục tiêu này phải mang một chiếc “găng” tay bằng da cứng và dầy, che kín đến quá khuỷu tay. Chó được luyện tập từng động tác một. Khi đã quen rồi, con nào con nấy không nhẩy lên cắn cổ người mồi mà chỉ ngoạm rồi giữ chắc lấy cổ tay giữa hai hàm răng sắc nhọn. Người mồi chỉ khẽ động đậy kháng cự là gẫy xương tay ngay lập tức.

Thằng Phú trợn tròn đôi mắt:

- Thế lỡ tên buôn lậu có súng thì sao, hả bác Ru?

- Trường hợp ấy cũng đã được nghiên cứu cẩn thận. Con chó nhà nghề sẽ không chồm đến chộp cổ tay nữa mà nó chỉ chạy quanh con mồi. Vừa chạy vừa thu nhỏ vòng vây hãm, đồng thời đôi mắt rất tinh của nó chăm chú ngó vào tay con mồi, sẵn sàng nằm dán xuống mặt đất thật nhanh để tránh đạn. Bọn buôn lậu cũng dư biết là chúng sẽ hết đường chạy trốn nếu gặp phải một con chó thiện nghệ. Và một khi đã bị “ngậm” vào cổ tay là hết gỡ. Bọn bác chỉ còn mỗi một việc là đến tóm cổ mấy anh hay đi đêm.

Ông Mẫn cho biết thêm:

- Nuôi dậy cẩn thận, chó bẹc-giê có thể tải được tới bốn năm ký hàng trên lưng rồi vượt biên, lẩn tránh hàng rào quan thuế dễ ợt. Nhất là tại vùng này, núi rừng trùng trùng điệp điệp, lau sậy um tùm.

Lại tiếng ông Ru:

- Hồi này tụi ấy cũng ít dùng chó. Họa hoằn lắm thì không kể. Một vài chục tút thuốc lá lậu, ít cân quế quý. Ngày trước, đàn chó của tụi tôi được huấn luyện để đánh hơi tìm thuốc lá và quế. Phương tiện tải hàng, bất kể là người hay chó, hễ chúng phát giác được là tấn công liền. Dạo này, thuốc hút và quế cũng không được giá lắm, nên tụi nó tạm nghỉ.

Phú bị lôi cuốn say mê:

- Huấn luyện cho chó vượt qua lằn mức biên giới? Bác biết nội vùng này ai huấn luyện được hả bác Ru?

- Biết thì chưa biết rõ. Mới nghi ngờ thôi. Hồi năm ngoái một ông bạn đồng nghiệp của bác đã bắn hạ một con chó lài Đức tải hàng nặng đến trĩu cả lưng ấy. Có điều là mười lần thì có đến chín lần, con bốn chân ấy đi thoát, rồi “xuống” hàng ở bên kia biên giới thuộc địa phận Cao Miên tại nhà một gã tên là Mã Thiên Bỉnh.

Ông Mẫn vỗ tay lên mặt bàn:

- Mã Thiên Bỉnh! Gã này tôi biết mà. Đã có thời kỳ gã buôn bán đồ lạc-soong trên Gia Viễn.

- Đúng đấy! Hồi đó hắn ta có một bầy chó “bẹc-giê” đẹp lắm, quý cứ như vàng ấy. Nhưng bây giờ hết rồi, và lại đâm ra ghét chó mới kỳ chứ. Nếu không ghét chó, gã đã chẳng bắt tụi nó tham gia vào cái việc làm nguy hiểm ấy.

Ông quản Ru uống cạn ly la ve rồi kể cho Phú nghe cách huấn luyện chó tải hàng lậu vượt biên giới như thế nào. Phú ta ngẩn người ngồi nghe, ghi nhớ không sót một chi tiết.

- Cháu khoái lắm hả, Phú?

- Dạ cháu thích lắm, bác Ru! Nhưng bác cứ yên trí. A-Giát không đi tải hàng lậu cho ông Mã Thiên Bỉnh đâu, nghe bác Ru.

Viên hạ sĩ quan quan thuế cười vui:

- Thì bác cũng nghĩ như cháu đó!

Ông Mẫn nói giỡn thằng cháu cưng:

- Đừng có nói trước nghe Phú!

Mọi chi tiết về vấn đề huấn luyện chó vừa được nghe ông quản Ru kể khiến thằng Phú nẩy ra một ý định. Trước khi đem ý định ấy ra thực hành, nó sẽ không nói hở ra cho ai biết, ngoài thằng Phan. Thằng bạn tàn tật của nó chắc sẽ vui mừng lắm. Mới nghĩ thế thôi mà thằng Phú đã thấy trong lòng sung sướng vô cùng.

Nó nhớ lại nụ cười gượng của bạn khi thốt ra câu: “Chó khôn chỉ có một chủ!”. Một người làm chủ mà thôi. Điều đó rất đúng. Nhưng riêng thằng Phú thì lại nghĩ rằng: con A-Giát phải có và sẽ có hai người chủ, hay nói đúng hơn, hai người bạn: một ở thôn Phượng Mô và một ở Mương lai bản.

Chủ nhật tiếp đó, khi tới nhà bạn, Phú vui vẻ nói với Phan:

- Phú được nghỉ hè rồi Phan ơi! Suốt buổi sáng nay mình ngồi ráp đồng hồ, làm xong được hai cái rồi. Cậu Mẫn khen quá trời. Kỳ này nhiều thì giờ rảnh, Phú sang với Phan luôn luôn. Chúng mình sẽ phóng xe đi chơi, thú lắm!

- Có cho Phan lên Gia Viễn coi xi nê không?

- Dĩ nhiên là có. Rồi tụi mình lại đi câu nữa. Tiền sửa, ráp đồng hồ, cậu Mẫn trả khá lắm. Phú để dành được nhiều rồi. Chúng mình đem tiền ấy đi mua cần câu máy và các đồ phụ tùng, cái trục cuốn dây câu có cái cần quay quay đó. Rồi Phan coi, thú vị vô cùng.

Sự hiện diện và tinh thần vui nhộn của bạn khiến thằng nhỏ ốm đau lại cảm thấy ham sống. Có thằng Phú bên cạnh, thằng Phan quên hẳn được cái đau đớn trong cơ thể.

- À, và mình còn cho Phan biết một tin mới: mình cần Phan giúp đỡ một tay để huấn luyện con A-Giát.

- Huấn luyện gì?

- Huấn luyện vượt biên tải hàng lậu.

- Ý, thật hả?

- Phú nói giỡn đó, Phan ơi! Thật ra là thế này. Chúng mình hai đứa mà chỉ có một con chó. Vậy phải tập cho A-Giát làm một việc này gay go lắm.

Con Liên bước vào, đem bát nước thuốc cho anh uống:

- Hai anh lại bàn soạn chuyện gì thế?

Phú vẫn say sưa nói với bạn:

- Muốn cho một con chó tải hàng lậu, thuốc lá thơm hay quế chẳng hạn, vượt biên giới từ Cao Miên sang Việt Nam, cần phải có một thứ thúc đẩy, sai khiến được nó chạy thẳng một mạch, vượt hàng chục cây số ngàn trong khoảng thời gian rất ngắn.

- Thứ? Thứ ấy là cái gì?

- “Thứ” ấy là… cái đói. Người chủ của con chó…

- Người chủ của con chó… tức là tên buôn lậu?

- Đúng rồi. Tên buôn lậu, một đêm kia, dẫn con chó qua Cao Miên, đưa vào một căn nhà nào đó, nhốt kỹ lại trong hai hay ba ngày liền.

- Nhốt kỹ trong hai ba ngày liền?

- Ừ! Và không cho ăn gì hết ngoại trừ một đĩa… nước lạnh. Đến khi con chó đói quá, một tên đồng bọn sẽ thả ra sau khi đã nai nịt, cột lên lưng nó một kiện hàng vừa sức nó mang. Thế là con chó phóng chạy như bay, vượt rừng, vượt núi, theo toàn đường tắt để mau về tới nhà chủ, hiện thời có một chậu canh nóng cơm sốt, trộn với thịt béo thơm ngon đang chờ đợi nó.

- À, vậy thì Phan hiểu rồi.

Con Liên bây giờ mới lên tiếng:

- Hiểu rồi! Anh Phan hiểu thế nào? Anh Phú định nói cái gì em chẳng hiểu ra sao hết.

- Phú quyết định như thế này: từ hôm nay trở đi, con A-Giát sẽ là của hai nhà, nhà Phan và nhà Phú, đồng thời nó lại có hai người bạn. Nó thông minh lắm, sẽ hiểu ra ngay là Phú muốn nó làm hộ việc gì. Lúc mới đầu, rất nhiều việc huấn luyện phải gay go… vất vả cho nó lắm đấy.

Con Liên hỏi ngay:

- Gay go, vất vả cho nó lắm là sao, anh Phú?

- Đây nhé: A-Giát sẽ không ăn một miếng gì từ trưa ngày hôm trước. Ở bên này, Liên sửa soan cho nó một tô cơm thật ngon lành.

- Thế bao giờ bắt đầu?

- Chiều nay anh đưa con chó về Phượng Mô, nhốt vào vựa rơm hai ngày liền, không cho ăn gì hết, ngoài một tô nước lạnh.

Thằng Phan chợt la lên:

- Không được! Phan không chịu thế đâu!

Thằng Phú nghiêm sắc mặt nhìn bạn:

- Hôm nay Phú là người có quyền nói: “Tôi đã quyết định như thế!” Phan và Liên chỉ có việc nghe mà thôi. Phú sẽ thả con chó ra chiều thứ ba, lúc sẫm tối. Chưa đầy một tiếng đồng hồ sau, nó đã tới đây rồi. Liên dành sẵn cho nó một tô cơm lớn trộn với thịt thật ngon, nghe.

Con Liên đưa tay vuốt đầu con chó:

- Tội nghiệp A-Giát! Mày sẽ phải trải qua một cuộc thử thách ghê gớm lắm đấy nghe, A-Giát!

Trước cảnh tượng mủi lòng ấy, thằng Phú vẫn giữ sắc mặt điềm nhiên.

Nó bình tĩnh bảo hai bạn:

- A-Giát sẽ tập được thói quen đi lại qua bên Mương lai bản này. Nó sẽ quyến luyến nhà Phan rồi Phan giữ nó ở lại mấy ngày cũng được, một cách thật dễ dàng. – thằng Phú vui vẻ mỉm cười – A-Giát sẽ xả thân ra làm đôi, một nửa cho Phan, một nửa cho Phú.

Thằng Phan cũng vui lây cái vui của bạn, nhưng vẫn không quên vấn đề bao tử của của con chó ngoan:

- Tuy nhiên, khi A-Giát từ bên này trở về Phượng Mô có lẽ Phan không cần bắt nó phải nhịn đói đâu, Phú ạ!

Thế là mọi sự bàn soạn đã xong xuôi. Chỉ còn việc đem ra thi hành.

Tuy rất khổ tâm, thằng Phú vẫn phải nhốt A-Giát trong vựa rơm hai ngày liên tiếp. Thương hại con chó quá! Nó cứ thè dài lưỡi, buồn rầu ngó cái soong đựng toàn… nước lạnh.

Chiều thứ ba, Phú mở cửa vựa rơm. Trước khi thả cho con chó đi, thằng nhỏ máng lên lưng nó một cái túi trong đựng mấy cục đá nhỏ và một lá thơ vắn tắt gởi cho bạn:

“Chuyến thử thách đầu tiên đây.

Nhớ cho kẻ mang thơ này ăn uống thật ngon”.

Bạn của Phan,
Phú.

Cuộc thử thách đầu tiên đã không dễ dàng như thằng Phú tưởng. Con chó cứ đưa mắt ngó chủ, đứng ngây ra một chỗ, không hiểu gì cả. Thằng Phú phải móc cổ dề dẫn nó ra tới tận đầu con đường mòn xuyên qua rừng rậm:

- Đi đi! A-Giát! Đi! Qua nhà Phan! Nhà Phan! Đi!

Con chó chuyển động thân mình đồ sộ, tảng lưng uốn lượn như lưng con beo, chân bước ngập ngừng, chốc chốc lại quay đầu nhìn “bạn”. Nhưng chưa đầy năm phút, cái đói cào cấu bao tử, hun đốt tâm can đã thúc đẩy nó băng mình phóng chạy như bay, nhằm hướng Gò Quao tiến tới.

Non tiếng đồng hồ sau, A-Giát đã đến Mương lai bản, gục đầu trên tô cơm nóng sốt, trộn thịt bạc nhạc bò thơm phức, sốc lấy sốc để. Ấm bụng rồi, nó từ từ tiến lại phía ghế xích đu của thằng Phan, nắm soải thân mình thoải mái.

Thằng Phú nói đúng. A-Giát rất thông minh. Sau một vài lần thực tập, nó đã nhận ra cách thức của cái trò chơi mới mẻ này. Chạy từ Phượng Mô lên Mương lai bản với một kiện hàng đeo trên lưng. Mấy ngày sau, lại từ Mương lai bản trở về Phượng Mô. Đấy, trò chơi mới chỉ có thế thôi. Dễ hiểu quá!

Có điều không dễ là cái mửng bị nhốt hai ngày trong vựa rơm trước mỗi lần qua Mương lai bản. Con A-Giát “sợ” nhất môn thực tập đó.

Ba tuần sau, qua nhiều lần đi đi lại lại, Phượng Mô – Mương lai bản và khứ hồi, thằng Phú áp dụng một phương thức khác: không bắt A-Giát nhịn đói nữa. Con chó tinh khôn cũng nhận ra rằng: trước khi mở cửa vựa rơm thả nó ra, bao giờ thằng Phú cũng cột lên lưng nó một cái sắc.

Cái đuôi lớn vẫy tít lên, ánh mắt long lanh, A-Giát ngoan ngoãn để yên cho chủ nai nịt, “thắng yên cương” lên lưng, trong khi đó nó cứ việc gục đầu “nhậu” cẩn thận, không để sót chút nào, một tô cháo đặc nấu với nước lèo hầm xương bò. Vẻ mặt hân hoan của nó như muốn nói:

- “Tại sao Phú lại cứ bắt tôi phải nhịn đói không được ăn gì cả? Một khi sắc cột lên lưng là tôi biết ngay công việc phải làm là gì rồi mà!”.

Thế rồi, thè lưỡi liếm tay chủ một cái, không cần chờ Phú phải ra lệnh, A-Giát lao mình phóng lên con đường dốc, chạy một quãng xa, rồi rời bỏ con đường đất đỏ, quẹo vào lối mòn xuyên qua rừng rậm. Sáng hôm ấy, Phan và Liên ngạc nhiên khi nhận thấy con chó, không bỏ hẳn tô cơm có thịt ngon béo ngậy, nhưng chỉ ngửi ngửi tợp qua loa một vài miếng rồi thôi.

Thời gian đều đặn trôi.

Một buổi sáng kia, trên Gò Quao, hai viên hạ sĩ quan quan thuế, thả bước tới gần giòng suối có cây cầu bắc ngang bằng hai cây gỗ. Chợt một người khẽ nói với bạn đồng nghiệp:

- Thượng sĩ có nhìn thấy không?

- Nhìn thấy cái gì?

- Một con chó. Kìa, phía tay mặt, chỗ đường vòng kia kìa. A, a, khuất rồi. Ấy, coi chừng! Nó nhô ra bây giờ đó!

Một trong hai nhân viên quan thuế là ông quản Ru. Người bạn đồng nghiệp của ông, mới từ Saigon thuyên chuyển về, trông trẻ hơn ông nhiều lắm. Ông ta rút khẩu súng lục:

- Kia rồi! Trên lưng nó mang một cái sắc có vẻ nặng… A! A!

Con vật bốn chân cúi rạp người phóng chạy như bay. Tới bên bờ suối, nó kìm trớn đứng sững lại, chụm chân, cong mình…

Chợt, có tiếng ông quản Ru quát lớn:

- Đồ khỉ! Làm cái gì thế? Chớ…

Đồng thời, tay ông đập vào bàn tay cầm súng của bạn. Súng nổ, đạn bay lên đập trúng gốc một cây bồ đào.

Ông bạn đồng nghiệp ngơ ngác không còn hiểu ra sao nữa. Ông quản Ru vội giải thích:

- Con A-Giát đấy. Nội vùng này ai cũng biết nó. Chó của thằng nhỏ Phú cháu ruột ông Mẫn Đồng hồ, bạn thân của tôi đấy. Chút xíu nữa thì…

- Nhưng thượng sĩ cũng thấy rõ ràng là nó “tải hàng” mà.

- Thấy, thấy rồi! Có điều, trong cái kiện hàng con A-Giát chuyên chở từ Việt Nam bên này qua Cao Miên bên kia, chỉ có hai hoặc ba kí lô… chì đặc mà thôi.

- Chì đặc? Sao lại kỳ thế?

Quản Ru cười khanh khách:

- Vậy đó! Chì đặc đúc thành mấy chú lính bé bé xinh xinh. Nguyên bên Mương lai bản, có một thằng nhỏ bị tê liệt cả hai chân, tội nghiệp lắm. Suốt ngày ngồi bẹp dí một chỗ, nó chỉ vui sống bằng cách tô điểm dung nhan cho bọn lính chì tí hon. Hơ, hơ! Bây giờ thì hiểu rồi chứ hả, bồ tèo? Thôi, ta về. Ông bạn… khỉ khô!
……………………………………………….

________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V