Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

CHƯƠNG I. II_CÔ GIÁO THU TRANG


CHƯƠNG I


- Đào ơi! Đã sửa soạn xong chưa thế? Mười phút nữa ta đi nhé.

- Thưa má vâng ạ. Con sẽ đợi má ngoài này ạ.

Đào và 3 em là Minh, Loan và Quang đang ngồi chơi ngoài vườn tại biệt thự Thu-Phong của ba má thuộc vùng ngoại ô Sàigòn.

- Chị sắp đi đâu với má thế chị Đào? Quang hỏi.

Minh lầu bầu:

- Chị đi đón “cái cô giáo” ý chứ đi đâu!

- Gớm, làm gì mà như là nói đến ông ngáo ộp không bằng!

- Thôi, chị đừng chế nhạo em nữa. Chị thì có cô giáo là phải rồi, chứ em là con trai…

- Chuyện dớ dẩn Đào ngắt Trong các trường nam sinh bây giờ thiếu gì những nữ giáo sư. Thôi em yên chí, cô giáo ấy chắc chắn giỏi hơn em nhiều chứ bộ.

- Có lẽ, nhưng mà rồi lúc nào cô ấy cũng kiểm soát bọn mình thì khó chịu lắm. Bác Hà không đủ trông nom bọn mình rồi hay sao?

- À mà sao Bác Hà lại đến đây thế? Loan và Quang đồng thanh hỏi Ai cần đến Bác?

Đào lừ mắt nhìn hai đứa nhỏ: chúng mới năm bẩy tuổi đầu thì sao được phép phát biểu ý kiến sống sượng như thế?

- Bác đến đây là do má yêu cầu đó chứ Đào đáp và chúng ta chẳng có quyền kêu nài gì hết

- Chà Minh chế nhạo Chưa bao giờ thấy chị phục tùng đến thế!

- Còn em thì chưa bao giờ thấy em lẩm cẩm đến thế! Nhưng mà có gì là khó hiểu: Ba thì sắp xuất ngoại để tham dự một cuộc hội thảo kỹ thuật tại Nhật Bản. Ba sẽ phải vắng nhà trong hai tháng và má sẽ đi cùng. Vì vậy, ba má đã nhờ Bác Hà tới đây coi nhà giúp và tuyển một cô giáo để dạy chúng ta học hành.

- Nhưng mà khó chịu lắm! Minh bướng bỉnh đáp Tất cả những thói quen của tụi mình sẽ phải thay đổi hết.

- Trời ơi! Tưởng là cái gì chứ! Đào cười đáp Dù sao em cũng phải hiểu rằng ba được mời đi dự cuộc hội thảo đó là một niềm vinh dự lắm đấy. Thế em muốn ba trả lời người ta rằng: “Thưa quý ngài, tôi rất tiếc vì con trai tôi không muốn thay đổi thói quen của nó, nên tôi xin kiếu” hay sao?

- Gớm, chị ác quá! Minh lầu bầu.

Bà Hải vừa ở trong nhà đi ra làm ngưng câu chuyện của bốn chị em. Bà rất trẻ trung và vui tính, vừa tỏ ra là một bà mẹ dịu hiền, một nội tướng tài ba và một cộng sự viên đắc lực của ông chồng. Chưa bao giờ những đứa con bị xa cách bà mẹ nên cuộc viễn du sắp tới làm chúng xao xuyến vô cùng.

Đứng nhìn bà mẹ lái xe ra cổng, cậu cũng hiểu như chị cậu rằng cuộc xuất ngoại của ba má rất quan hệ cho tương lai của ba cậu, và cậu cũng nhận thấy thái độ ương gàn của cậu. Nhưng vấn đề cô giáo sắp tới làm cậu khó chịu chỉ là một cái cớ: Thực ra cậu băn khoăn vì một lí do khác hẳn.

Thời gian xuất ngoại hai tháng của kỹ sư Hải sẽ làm chậm trễ việc áp dụng điều phát minh của ông mà báo chí đã nói tới nhưng chưa ai biết rõ chi tiết: Kỹ sư Hải, sau nhiều năm nghiên cứu, đã khám phá ra một công thức thuốc nhuộm có thể cách mạng hẳn kỹ nghệ vải vóc. Những kỹ thuật gia khác có thể lợi dụng hai tháng để tìm tòi ra công thức theo những tài liệu thâu lượm được chăng? Kỹ sư Hải chưa có thời giờ để xin cấp bằng phát minh vì cuộc viễn du của ông quá gấp rút. Và Minh cảm thấy trong dạ quá lo âu.

Nhưng cậu không dám giãi bày tâm sự đó với ai cả. Mới mười ba tuổi đầu, cậu thấy mình còn quá nhỏ để phát biểu ý kiến về công việc của một người tài ba như thân phụ cậu. Bởi vậy, để đỡ ray rứt trong lòng, cậu bèn chọn ngay “cái cô giáo” làm đối tượng kêu ca, rồi dần dần cậu thấy ghét cay ghét đắng cô giáo thật.

Mặc dầu có lời giới thiệu nồng nhiệt về cô giáo của một người quen gia đình ông bà Hải, Minh tưởng tượng ra một hình ảnh không mấy tốt đẹp. Nhưng khi cậu thấy cô giáo từ trên xe bước xuống và tiến tới lũ học trò, bên cạnh chị Đào hớn hở, thì cậu nhận thấy những dự đoán của mình đã sai bét. Dáng người mảnh mai, cô giáo Thu Trang có đôi mắt đen láy rất dịu hiền, với nụ cười bẽn lẽn, bộ tóc cắt gọn. Trông cô rất trẻ so với Đào ở tuổi mười bốn, cô chỉ lớn hơn chút đỉnh.

- Giáo sư tương lai kia hả? Minh ác cảm tự nhủ Trông như một nữ sinh non choẹt!

Tối hôm đó, khi khách lạ đã về phòng, gia đình kỹ sư Hải ngồi bàn tán rất hào hứng. Đào thấy cô giáo “dễ thương quá!”, bà mẹ thì khen cô rất tư cách, ông bố thấy cô rất thông minh. Còn bà Hà, người chị họ kỹ sư Hải lớn tuổi, tận tâm nhưng rất khó tính thì không ngớt lời khen ngợi cô giáo và đó là cuộc chiến thắng vĩ đại của cô.

- Đó, anh Minh coi! Loan ngây thơ nói Cô giáo dễ thương quá đi! Vậy mà anh dám bảo cô sẽ hành tụi mình.

Minh đỏ mặt lừ mắt nhìn em. Cậu tức tối cãi lại:

- Có gì chứng tỏ là cô sẽ không hành tụi mình?

Ông Hải trừng mắt. Bà vợ vội can thiệp:

- Này các con bà dịu dàng nói các con phải rất tử tế với cô giáo Thu Trang nhé. Đặt địa vị các con vào cô, cô mới vào một gia đình xa lạ, xa quê nhà, xa bà mẹ hiền, chắc cô rất hoang mang! Các con phải giúp cô quen dần với nếp sống mới, các con phải chiều chuộng, lễ phép, thân mật với cô, nói tóm lại, các con phải ăn ở với cô như các con mong muốn người khác đối đãi mình khi mình ở vào cùng trường hợp đó.

- Thưa má, cô đau khổ thật ạ? Loan cảm động hỏi.

- Má hy vọng cô sẽ không thấy đau khổ, nhưng chắc cô hơi buồn: cô đã phải xa cách bà mẹ thương yêu…

- Các con phải chăm chỉ học hành Ông Hải nói tiếp như thế cô sẽ được vui lòng. Và trong bất cứ trường hợp nào, các con phải nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình: Đó là hai điều mà ba dặn các con trước khi đi. Nếu các con hứa làm đúng như thế, ba má sẽ được yên tâm nơi ngoại quốc. Ba má có thể tin tưởng như thế không?

- Thưa ba, các con xin hứa ạ! Bốn chị em đồng thanh đáp.



CHƯƠNG II


Một tuần lễ trôi qua kể từ ngày ông bà Hải xuất ngoại. Bọn trẻ rất chăm chỉ học hành và ngoan ngoãn nên cô giáo rất vui lòng. Tối hôm đó, trong khi bà Hà ngồi đọc báo, cô giáo soạn bài vở, Minh làm toán và hai đứa nhỏ ngồi chơi cờ, thì Đào ngồi viết một lá thư dài cho má để kể tin tức ở nhà: Bà Hà không bao giờ gắt gỏng, cả với chị Sáu nấu ăn và anh Sáu làm vườn nữa. Loan và Quang thì rất ngoan ngoãn và Minh, dù một đôi khi cũng có vẻ ưu tư, cũng rất dễ chịu đối với cô giáo.

Tất cả tình hình khả quan đó là do công lao của cô giáo Thu Trang. Cô không nói lớn, nhưng chính sự dịu dàng vô bờ bến của cô đã làm ai cũng phải bắt chước! Lòng kiên nhẫn của cô thật vô biên: cô mỉm cười nghe chuyên bi bô của hai đứa nhỏ, những câu chuyện cà kê của chị Sáu và rất lễ phép nghe theo ý kiến của bà Hà. Đối với Đào và Minh, cô là một người bạn lớn, hơn là một giáo sư: cô cho các em đọc bài, dĩ nhiên, nhưng dưới hình thức một cuộc đối thoại thân mật và hấp dẫn, và các học trò của cô rất ưa thích phương pháp giáo khoa đó.

Nhưng chẳng may mấy ngày trước khi đến đây, cô bị sái tay nên không thể chơi dương cầm cho bọn học trò thưởng thức, cô cũng không dùng được bàn tay mặt để viết thư nên phải đánh máy thư bằng chiếc máy chữ xách tay mà cô mang theo trong hành lý: Cảnh tượng này làm Loan và Quang phải say mê.

Lúc đó đã gần mười giờ đêm, cô giáo giục hai đứa nhỏ đi ngủ.

Bỗng nhiên, tiếng chuông ré lên ngoài hành lang.

- Chuyện chi vậy? Bà Hà chau mày hỏi

- Thưa bác, chắc có người kêu cổng ạ.

Chị Sáu hiện ra, nét mặt dáo dác báo tin:

- Thưa bà, có người kêu cổng ạ.

- Ra mở cổng đi chị Sáu! Đào bảo.

- Thưa cô, mở cổng lúc mười giờ đêm ạ?

Minh hơi biến sắc lẩm bẩm:

- Hay là có điện tín?

Chuông lại reo vang lần nữa. Đào đứng dậy nói:

- Để cháu ra xem ai.

- Đào, cháu đừng có ra bà Hà ngăn lại.

- Hay một tên trộm đấy Quang nói.

- Ngớ ngẩn thế, trộm mà lại báo trước bằng chuông Minh nhún vai nói bác để cháu với chị Đào ra xem ai vậy.

- Không được bà Hà nhắc lại.

- Thưa bà cứ yên tâm! cô giáo Thu Trang bình tĩnh nói để cháu đi ra cùng hai em.

Nói đoạn cô tiến ra cửa, Đào và Minh bước theo, tay bụm miệng cười. Thật là một sự lạ khi cô giáo rạt dịu dàng đó lại có uy quyền như vậy! Không những bà Hà không ngăn cản mà bà còn bước theo bọn trẻ can đảm dám ra đương đầu với người lạ mặt đáng sợ kia! Dĩ nhiên hai đứa nhỏ cũng theo ra, cả chị Sáu nữa, trong khi tiếng chuông vẫn ré lên một cách tuyệt vọng.

Khi ra tới cổng, mọi người trông thấy một chiếc xe hơi đậu bên lề, đèn vẫn bật sáng. Một người đàn ông đang đứng đợi, cất tiếng hỏi cô giáo:

- Thưa cô… tôi xin lỗi đã làm phiền… vì một tai nạn vừa xảy ra!

Ông khách người cao, trông rất chững chạc, mặt mày nhẵn nhụi với chiếc mũi dọc dừa và chiếc cằm cương quyết. Con “Người bảnh trai”, Minh tự nghĩ

Rất vắn tắt, “người bảnh trai” giải thích

- Cách đây vài thước, một thiếu niên đã nhảy vào trước xe tôi. Rất may, tôi có thắng tốt nên không chẹt phải anh ta, nhưng anh ta đã đụng mạnh vào cản xe và ngất đi. Tôi thấy trong nhà có ánh đèn nên đường đột gọi cổng để nhờ cứu cấp.

Đào mở cổng và bước ra gần thiếu niên đang nằm bất động cạnh chiếc xe. Chị Sáu, cô giáo và ông khách lạ xúm vào đỡ nạn nhân lên và khiêng vào trong biệt thự, đặt nằm trên chiếc ghế ở phòng khách. Vóc người tầm thước, trạc 17 hay 18 tuổi, nạn nhân ăn bận sạch sẽ nhưng không chải chuốt.

- Cậu ta vẫn thở cô giáo nói Nạn nhân hình như không mang thương tích gì, quần áo cũng không bị rách.

- Chắc là đầu cậu ta bị đụng mạnh như tôi thấy ban nãy Ông khách nói

- Em đi lấy cho cô chai rượu mạnh đi cô giáo bảo Đào.

Cô đã tỏ ra rất tháo vát và nhanh trí trong trường hợp bất ngờ này: nhờ sự chữa chạy của cô, thiếu niên chợt mở mắt ngơ ngác nhìn chung quanh và mở miệng muốn nói.

- Cậu chưa nên nói năng gì vội! Cô giáo dịu dàng khuyên Cậu hãy uống chút rượu này đi sẽ thấy khỏe ngay.

Rồi cô đưa ly rượu mạnh lên môi nạn nhân

- Thế nào! Cậu thấy khá rồi chứ? Cô mỉm cười hỏi

Không thấy nạn nhân trả lời, cô bèn nhắc lại câu hỏi nhưng cũng vô hiệu. Chủ nhân chiếc xe tỏ vẻ lo lắng:

- Em thấy thế nào? Có đau không?

Thiếu niên ra vẻ hiểu câu hỏi, lẩm bẩm đáp:

- Thưa không, tôi không đau nhưng tôi thấy đầu nặng.

Hắn nhìn ông khách với vẻ mặt ngớ ngẩn rồi lần lượt nhìn mọi người chung quanh, rồi mi mắt hắn bỗng khép lại.

- Trời ơi! Bà Hà thốt lên Cậu ta lại ngất đi kìa!

- Thưa bà, không đâu ạ, chắc cậu ta bị đụng mạnh cô giáo nói Cháu hy vọng cậu ta không bị nội thương nhưng có lẽ nên đưa cậu ta vào bệnh viện.

- Như thế có điều bất trắc không ạ? Vì như cô nói đó, nạn nhân có thể bị thương nặng hơn là ta thấy ông khách nói Chung quanh đây có vị bác sĩ nào không ạ?

- Một bác sĩ? Trời ơi! Vấn đề này thật là rắc rối! Bà Hà than Giờ này thì làm sao mời được bác sĩ?

- Thưa bác được ạ Đào nói Để cháu kêu điện thoại cho bác sĩ Khoa ạ.

Cô bé ra khỏi phòng, một lát sau cô trở vào báo tin:

- Bác sĩ tới ngay bây giờ ạ!

Bà Hà ra vẻ không bằng lòng:

- Sao lại phiền ông ấy làm gì? Bà nói với vẻ bực tức Tôi nghĩ rằng ông …

Bà đang ngập ngừng thì ông khách vội đỡ lời:

- Chết, tôi xin lỗi bà, chưa kịp tự giới thiệu. Tôi là Luận, Kỹ nghệ gia ở Sàigòn.

- Tôi muốn rằng ông Luận đưa ngay cậu này vô bệnh viện để người ta chữa chạy cho.

- Thưa bác, sợ bệnh tình không cho phép mang đi Đào nói

- Sao lại không? Bệnh nhân trông mạnh khỏe đó mà …

Ông Luận nói chen vào:

- Thưa bà, tôi rất ân hận đã gây phiền phức cho quý xá. Xin bà tin rằng tôi rất muốn rời khỏi nơi đây cũng như đem nạn nhân đi. Nhưng tôi tưởng cô cháu gái đã mời bác sĩ tới đây là rất phải: bà sẽ được yên lòng hơn khi biết chắc rằng có thể mang bệnh nhân đi mà không có gì nguy hiểm

- Nhưng cậu này là ai chứ? Bà Hà hỏi với giọng hơi nguôi nguôi.

Bệnh nhân ra chiều hiểu biết những điều xảy ra chung quanh. Hắn mở mắt và có vẻ đang nghe cuộc đối thoại. Cô giáo đã cùng hai đứa nhỏ lên lầu. Ông Luận bèn hỏi nạn nhân:

- Tên anh là gì?

- Nam…

- Nam? Cái gì Nam?

- Nam… Nam…

Thiếu niên chau mày, cúi đầu suy nghĩ rồi ngẩng đầu lên.

- Tôi không rõ! Hắn đáp nhỏ nhỏ Nam… chỉ có vậy!

Bà Hà như hết kiên nhẫn gắt lên

- Anh này muốn giỡn chúng ta phải không? Họ tên mình mà không biết thì lạ kỳ thật.

- Chắc anh ấy phải có giấy tờ Minh nhắc Anh có căn cước không anh Nam?

Câu hỏi này hình như không gây được suy luận gì trong đầu óc hắn.

- Lục trong túi hắn xem nào! Bà Hà quyết định

Đào muốn can ngăn điều đó vì cô cho rằng không nên làm mệt một bệnh nhân mới hồi tỉnh, nhưng bà Hà không chịu: Bà nhìn Nam với vẻ nghi ngờ hơn. Theo lời yêu cầu của bà, ông Luận lục soát các túi của nạn nhân: vô ích. Ngoài một chiếc khăn tay và một cái bóp cũ đựng hai trăm bạc, Nam không có một giấy tờ nào ghi rõ tên và địa chỉ. Bà Hà phát khùng:

- Thật là khó tin. Người này từ đâu đến? Hắn làm gì ngoài đường giờ này? Biết đâu chẳng phải là một tên gian phi nguy hiểm?

Ông Luận nhận xét rằng một tên gian phi thường phải mang khí giới trong người.

- Thế ngộ hắn đã vứt đi sau khi thi hành xong thủ đoạn rồi thì sao? Bà Hà hỏi.

- Nếu vậy thì hắn phải có hơn hai trăm bạc trong người…

- Nhưng mà…

Chợt chị Sáu mở cửa để bác sĩ Khoa vào. Đào và Minh thở ra nhẹ nhõm: Hai chị em đã nhớ lời dặn của ông Hải: “Nên đặt các con vào địa vị của người khác và đối đãi họ như các con muốn người ta đối đãi mình”. Chúng tưởng tượng chính mình được đưa vào một nhà lạ, sau một tai nạn bất ngờ, và bị người ta nghi mình là gian phi… chúng thấy run người lên! Nam không thẻ căn cước, phải…

- Mà chính ta cũng làm gì có thẻ căn cước! Đào tự nghĩ Và nhỡ quên mất tên họ của mình sau khi vừa bị đụng xe gần chết, thì cũng là sự thường, và khổ tâm nữa!

Nam để bác sĩ khám nghiệm và nắn xương cốt, Bác sĩ Khoa ngẩng lên mỉm cười:

- Không bị gãy chỗ nào cả. Đã bị đụng mạnh, vài chỗ bầm tím, thế thôi. Tôi bắt bệnh nhân ngủ luôn 12 tiếng sẽ khỏe

- Như vậy là có thể đưa hắn vào bệnh viện rồi! Bà Hà kết luận

- Thưa bà, đưa vào bệnh viện bây giờ? Trời ơi, để làm chi? Không ai người ta cho nhập viện một đứa trẻ bầm tím vài chỗ! Vả lại, bữa nay hắn đã bị xúc động nhiều rồi, hắn cần được nghỉ ngơi ngay bây giờ. Chắc bà có một chiếc giường cho hắn nghỉ đêm nay chứ ạ?

- Thưa bác sĩ, chúng tôi không thể chứa chấp một kẻ lạ mặt! Bà Hà đáp Chúng tôi chẳng biết hắn tên họ là gì, hắn từ chối không cho một tài liệu gì cả và hắn không có căn cước

- À, bây giờ thằng nhỏ hãy còn bị khủng hoảng tinh thần vì cái tai nạn đó Bác sĩ vui vẻ đáp Mai hắn sẽ nói tất cả mọi điều bà muốn biết.

- Thế ngộ hắn cứ nhất định câm như hến thì sao?

- Khi đó chúng tôi sẽ có biện pháp,thưa bà.

Đoạn bác sĩ quay lại hai đứa nhỏ. Ông biết rõ chúng vì đã chữa bệnh nhiều lần và ông biết có thể tin tưởng được

- Cháu Đào, cháu có thể thu xếp cho thằng nhỏ này tạm trú một đêm không?

Cô bé gật đầu. Chị Sáu đang đứng ngoài ngưỡng cửa vội lên tiếng:

- Thưa có một căn phòng cạnh nhà bếp. Cháu sẽ cho anh này nghỉ trong đó và cháu trông nom giùm, giờ này không nên đuổi người ta ra đường tội nghiệp

- Mai tôi sẽ trở lại ông Luận hứa Thưa bà, tôi thành thực cảm ơn sự giúp đỡ của bà.

Chị Sáu đi sửa soạn một căn phòng, một lát sau quay lại cùng với anh Sáu mắt nhắm mắt mở. Khi họ vào tới phòng khách, bà Hà và cô giáo ra hiệu họ làm se sẽ vì Nam đang ngủ. Anh Sáu nhè nhẹ bế nạn nhân mang đi.

- Tội nghiệp thằng nhỏ! Bà Hà xúc động lẩm bẩm Suýt nữa thì hắn bị cán chết còn đâu! Coi bộ hắn hiền lành quá.

- May quá Đào tự nghĩ lòng từ thiện của bác ta đã mạnh hơn!

Sáng hôm sau, cô bé xuống tìm Nam. Cô thấy hắn đang đi bách bộ ngoài vườn. Hắn dừng lại trước căn nhà mà ông Hải đã cho sửa thành phòng thí nghiệm và lơ đãng nhìn, trong khi Đào vừa đi tới.

- Chào anh Nam! Cô vui vẻ lên tiếng Sáng nay anh có khỏe không?

Cô có cảm tưởng như anh ta không nhận ra cô là ai, mắt nhìn của anh ta tỏ vẻ ngạc nhiên sợ sệt, và trong vài giây cô bé thấy hoảng sợ: Người kia có điên không thế?

- Tối qua anh bị tai nạn cô dịu dàng nói Anh bị đụng cái đầu vào cản xe, anh thấy có đau không?

- Không ạ, Đầu tôi nó kỳ lạ lắm… nặng… Không, không nặng, trống rỗng thì phải hơn. Lạ… lắm.

Hắn ngập ngừng tìm chữ và nói năng rất khó khăn. Đào bèn kể lại chi tiết sự việc tối qua, nhưng không thấy rõ Nam có nhớ lại được hay không: mắt anh ta nhìn cô bé với vẻ lo âu.

- Bác Hà tôi đã hỏi họ tên anh Đào tiếp nhưng lúc đó anh không nhớ ra. Bây giờ anh đã nhớ lại chưa, và địa chỉ của anh ở đâu?

Nam rờ tay lên trán đáp:

- Tôi không biết...

- Anh thử cố nhớ lại xem Đào khẩn khoản Sáng nay chắc bà Hà sẽ hỏi, anh phải trả lời vài câu mới được.

Thiếu niên nhún vai với vẻ thất vọng:

- Tôi biết trả lời cái gì? Tôi chẳng có gì mà nói cả.

- Nhưng mà lạ thật! Anh đã quên mất cả rồi hay sao? Thế anh có nhớ gì về tối hôm qua không?

- Có… Tôi nhớ lờ mờ. Lúc ấy tôi quá mệt.

- Trước đó anh từ đâu đến? Ba má anh hiện giờ ở đâu?

- Tôi không biết… Từ lúc ngủ dậy tới giờ, tôi vẫn cố gắng nhớ lại.

- Thế anh không nhớ được gì sao?

Thiếu niên thở dài:

- Hình như trong đầu tôi có một lỗ trống lớn. Tôi không rõ tôi bị đau làm sao…

Đào từ giã Nam trong lòng ái ngại. Sáng hôm đó, bác sĩ Khoa và ông Luận trở lại biệt thự, gặp bà Hà và Nam trong phòng khách một hồi lâu. Đào lo lắng đứng đợi bên ngoài. Khi hai ông khách ra, cô bé vội chạy tới hỏi:

- Thưa hai ông, tình hình ra sao ạ?

- Đây là một trường hợp mất trí nhớ Bác sĩ Khoa đáp Chúng tôi đặt hết câu hỏi này đến câu hỏi khác nhưng Nam chẳng nhớ gì cả. Cái đụng mạnh đã làm hắn quên hết.

- Tội nghiệp Đào lẩm bẩm Rồi anh ta sẽ ra sao?

- Tôi cũng tự hỏi như vậy! Ông Luận đáp Bác sĩ Khoa không muốn cho Nam vào bệnh viện, ông xét rằng bầu không khí yên tĩnh và thân ái sẽ làm cho hắn chóng bình phục hơn mọi cách chữa chạy khác. Nhưng làm thế nào bây giờ?

- Phải cho hắn làm việc bác sĩ thêm Ở cái tuổi đó, nếu phải ngồi không và chịu đựng, hắn sẽ bị chìm đắm trong nỗi tuyệt vọng.

Theo đề nghị của Đào, bà Hà chấp thuận để Đào viết thư sang xin chỉ thị của ông bà Hải. Trong khi chờ đợi, Nam được tạm lưu lại biệt thự Thu – Phong để giúp đỡ anh Sáu trong công việc vườn tược.

Minh tán đồng ý kiến của Đào, còn cô giáo Thu Trang thì lại có vẻ dè dặt.

- Các em nghĩ phải cô nói thiếu niên kia rất đáng thương, nhưng có một người lạ ở trong nhà mình là một điều bất cẩn.

- Thưa cô, nhưng hắt hủi người ta không tiện.

- Đành vậy. Mong rằng lòng từ thiện của các em sẽ không mang lại những điều rắc rối sau này.

Một tuần sau đã có thư phúc đáp của ông Hải. Ông cho phép Nam lưu lại trong biệt thự, đợi đến khi ông về sẽ giải quyết. Như vậy là Nam được ở thiệt thọ trong căn phòng kế cận phòng anh chị Sáu. Hắn không biết làm thế nào để cám ơn những vị ân nhân của hắn và cắm cúi làm việc suốt ngày ngoài vườn hoặc trong bếp, giúp chị Sáu nhặt rau, rửa bát đĩa.

Nhưng trí nhớ của hắn vẫn không trở lại. Mọi người cũng thôi không hỏi han gì đến hắn nữa, vì điều này vừa vô ích vừa làm cho hắn buồn rầu và thất vọng.

Ông Luận thường lại thăm hắn luôn và mang cho hắn quần áo và các đồ lặt vặt cần thiết. Đào và Minh rất quý mến ông Kỹ-nghệ-gia. Mặt khác ông cũng để công tìm kiếm gia đình Nam, nhưng chẳng có quận cảnh sát hay đài phát thanh nào nghe thấy tiếng người ta tìm kiếm một thiếu niên giống Nam cả.

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III, IV