Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018

CHƯƠNG I_ANH HÙNG SƠN CƯỚC


CHƯƠNG I


Vụ hè năm đó, ông Ngọc Quang, một thương gia ở Sàigòn, đã quyết định đóng cửa hàng một tháng để cùng bà vợ và ba con lên Ban Mê Thuột thăm người em. Luôn dịp, cả nhà sẽ đi cắm trại miền rừng núi.

Hồi niên thiếu, ông Ngọc Quang đã là một “sói già” trong đoàn Hướng Đạo và hoạt động rất hăng say. Nhưng từ khi lập nghiệp, vì mải công chuyện kinh doanh, suốt năm ông không có một ngày nghỉ xả hơi. Với dự định đi cắm trại, ông cảm thấy trong người như trẻ lại đến vài chục tuổi và máu phiêu lưu bỗng bừng dậy trong huyết quản. Bà Ngọc Quang cũng là người giàu tinh thần thể thao, nên đã tán đồng ngay ý kiến của ông . Tuy nhiên, cũng như phần đông các bà mẹ Việt Nam có tính thu va thu vén, bà thấy hơi tiếc rẻ số thất thu trong những ngày tiệm đóng cửa .

Còn ba tí nhau: Việt 13 tuổi, Hằng 12 tuổi và bé Tâm 8 tuổi, khi nghe thấy ba má bàn luận vấn đề trên thì cảm thấy hồi hộp trong lòng. Tuy chúng đã gia nhập các đoàn “Sói con” và “Chim non”, nhưng chỉ được đi cắm trại loanh quanh miền đồng bằng gần thủ đô, chớ chưa bao giờ được đi xa tới vài trăm cây số, hay miền sơn cước như Ban Mê Thuột.

Đối với chúng, cái xứ “Buồn muôn thuở” này không phải hấp dẫn vì phong trào trồng cà phê đầy triển vọng từ mấy năm nay. Mà nó hấp dẫn ở những cái tên như Krong-Ana, B. Đon, B.Trap, B.Ho, M.Drak, v.v… nghe lạ tai và huyền bí vô cùng.

*

Nơi cắm trại cách tỉnh lỵ chừng 10 cây số, ở một vùng rừng núi hoang vu, trên một bờ hồ bao la, thơ mộng. Nếu nói rằng tới đây để “sống với thiên nhiên” thì không có gì đúng nghĩa hơn được nữa .

Sáng hôm đó, nằm trong lều, mắt vẫn còn nhắm, Hằng tát con muỗi đậu trên má, rồi thò tay với chiếc đồng hồ mà mỗi tối nó lấy chiếc kim băng gài lên đường may của vải lều, để lúc nào nó cũng sẵn có giờ phút vừa tầm tay .

- Mới sáu giờ mười lăm... nó lảm bẩm. Nhưng ta chẳng thấy buồn ngủ nữa! Chắc bên ngoài mát mẻ lắm… ta thử ra coi .

Hằng nhảy xuống đất, ra vén cửa lều. Một tia nắng mặt trời lùa vào tận cuối lều và trúng ngay trên mũi Việt. Nó cằn nhằn :

- Cái gì vậy? Hằng đó à? Đứng làm gì thế? Đã tới giờ dậy rồi kia à?

- Không, không anh cứ ngủ nữa đi Hằng đáp Xin lỗi đã làm anh thức giấc, nhưng không phải em chủ tâm. Em không buồn ngủ nữa, nên muốn ra ngoài cho mát.

Tối hôm trước, ông bà Ngọc-Quang đã dặn các con là sáng nay, ông bà sẽ dậy sớm để đi câu cá ở Cầu Mây, phía bờ hồ bên kia.

Thường thường, Việt và Hằng vẫn ngủ đến tám giờ như các trẻ khác ở cái tuổi 11, 12. Còn bé Tâm sẵn sàng nằm kéo gỗ đến tận quá ngọ nếu người ta không nhớ đánh thức bé dậy .

Ông Ngọc-Quang đã dặn các con rằng : “Sau khi ngủ dậy, các con cứ thủng thẳng điểm tâm rồi xuống bờ hồ chơi ở đó, đợi ba má ở Cầu Mây về”.

- Thưa ba, có phải mang điểm tâm của ba má xuống bờ hồ không ạ? Hằng hỏi.

- Khỏi con ạ, ba má sẽ mang theo. Con chỉ cần xách cái làn đựng bữa cơm trưa thôi.

Như vậy là mọi vấn đề đã được xếp đặt thật giản dị và sẽ diễn tiến không có gì trắc trở. Nhưng, khốn thay, lại có chuyện con muỗi… Và nhiều khi, chỉ vì một lý do nhỏ nhặt mà có thể làm xáo trộn những chương trình soạn thảo rất công phu.

Bây giờ con Hằng đã tỉnh ngủ hẳn, nó bắt đầu xuống suối để rửa mặt mũi, chân tay. Thế rồi, giầu óc tưởng tượng, nó tự kể chuyện một mình. Nó là một nàng tiên bị cầm tù và tự an ủi bằng cách soi bóng mình vào giếng nước. Nhưng gió nồm làm lay động tấm gương thiên nhiên đó và đến cả bộ tóc đen của nó cũng không còn thấy rõ dưới bóng nước. Thất vọng, nó bỏ trò chơi đó.

- Thôi, ta đi lên sửa soạn bữa điểm tâm thì vừa! Nó thầm nghĩ.

Xách nước suối về tới lều, nó lấy bếp cồn ra nhóm và cẩn thận để bếp trên một phiến đá xa đám cỏ để tránh hỏa hoạn, như má nó đã thường dặn. Trong khi nó đang cắt bánh thì Việt đã ló ra cửa lều, mắt nhắm mắt mở:

- Anh cũng chẳng ngủ lại được nữa! Thế em đã sửa soạn bữa điểm tâm rồi kia à, hay quá! Thôi để anh pha cà phê cho.

- Anh mà biết pha!

- Có chứ, rồi em coi.

Cà phê và sữa dĩ nhiên là chất bột. Mỗi tay cầm một chiếc hộp, Việt do dự:

- Anh không nhớ rõ tỷ lệ là bao nhiêu nữa. Có phải mỗi thứ một thìa không em?

- Đó, đó, em đã biết mà! Hằng đáp với giọng đắc thắng May mà có em ở đây chứ. Anh cho một thìa nhỏ cà phê, hai thìa lớn sữa… Bây giờ thì rót nước nóng vô… Chết rồi, còn đường để trong giỏ.

- Đó, thì em cũng quên đấy chứ kém gì ta.

Rồi hai đứa ngồi thưởng thức bữa điểm tâm mà chúng thấy có vẻ ngon hơn mọi khi vì chính tay chúng nó làm ra. Ăn xong, Việt vươn vai hỏi:

- Chúng ta làm gì bây giờ nào? Chẳng lẽ ngồi khoanh tay đợi đến giờ xuống bờ hồ!

- Tất nhiên! Anh thấy nên làm gì?

- Hay ta xây một cái lò, để má làm bánh cho bọn mình ăn.

- Nhưng làm gì có bột mà làm bánh?

- Thì ta sẽ xuống quận lỵ mà mua, khó gì!

Gia đình cắm trại này cứ mỗi tuần hai lần xuống quận lỵ bằng thuyền để mua thực phẩm. Vừa mới hôm qua, Việt, Hằng và bé Tâm đã xuống quận cùng ba má.

- Em không thích xuống quận từ khi có cảnh sát ở tỉnh phái về Hằng nói.

- Thì em cũng nghe thấy họ nói đó: họ định lùng bắt một tên tướng cướp đang lẩn trốn trong vùng này.

- Y Blơm ấy à? Anh tin rằng nhân vật này có thật hay sao?

- Tin chứ: tất cả mọi người đều nhắc tới hắn mà. Em còn nhớ nhà phóng viên mà bọn mình đã gặp trong quán đó không ?

- Ông Thanh Tùng ấy à? Cái ông mà khoe rằng mình sẽ đi phỏng vấn được tên tướng cướp trước khi nhà chức trách tóm được hắn. Em thì chẳng tin “một ly ông cụ nào” những lời ông nói. Thế anh?

- Đâu phải chỉ có một mình ông ta nói đến tên cướp. Chính vì Y Blơm mà chính quyền ở đây đã phải xin biệt phái một Đại úy cảnh sát ở tỉnh lỵ về để chỉ huy toán lính hành quân truy nã.

- Dầu sao, anh em mình cũng chẳng nên đá động đến vấn đề này trước mặt bé Tâm. Tính nó đã nhút nhát sẵn.

Hai anh em cả cười.

- Anh này, em có một ý kiến. Bây giờ chúng ta sẽ đi thẳng tới kiếm ba má, chắc ba má sẽ phải ngạc nhiên, anh nghĩ sao?

- Nhưng ba má đã về tới bờ hồ đâu?

- Không phải ở bờ hồ. Em muốn nói đi đến Cầu Mây kia mà.

- Ừ, cũng hay đấy. Nhưng em nghĩ lần theo bờ hồ dễ lắm sao? Làm gì có lối đi. Đúng ra, mình phải băng qua ngọn đồi, rồi xuống thẳng Cầu Mây mới được.

- Anh nói phải đó. Và bây giờ ta phải đánh thức ngay bé Tâm dậy mới được.

- Việc ấy mới khó đấy! Việt cười vang đáp .

- Khỏi lo, em biết cách này hiệu nghiệm lắm cơ.

Hằng vội nướng hai miếng bánh mì thật thơm có phết bơ đàng hoàng và rót một chén cà phê sữa nóng hổi.

- Anh coi nè !

Nói đoạn Hằng bưng bánh và cà phê sữa vào trong lều, tiến lại gần cái nệm cao su bơm hơi trên đó bé Tâm nằm ngủ say sưa. Quả nhiên chẳng mấy chốc, đầu thằng bé đã đụng đậy, hai lỗ mũi nó phập phồng, rồi hai tay nó đưa lên dụi mắt. Nó mỉm cười hỏi :

- Đã đến giờ điểm tâm rồi kia à?

- Thấy chưa anh? Hằng bảo Việt.

Khi được biết dự tính đi bộ tới Cầu Mây với ba má, bé Tâm cũng thích lắm. Chúng sẽ không phải đi bộ nhiều, vì từ Cầu Mây về sẽ được ngồi thuyền với ba má.

- Mình phải mang theo đồ ăn chứ! Bé Tâm nhắc .

- Chúng ta sẽ mang theo cái làn mây đựng bữa cơm trưa mà sáng nay má đã sửa soạn trước khi đi.

- Có nặng quá không?

- Không nặng đâu, chớ lo. Em chỉ cần mang đôi giầy cao cổ, vì phải băng qua đồi.

- Thế có gặp kẻ cướp không?

Việt nghe hỏi vậy chỉ nhún vai làm thinh. Một lát sau cả bọn lên đường.

Lối đi bắt đầu lên dốc, rồi lại xuống đèo tới lòng một cái suối đã cạn nước.

- Ồ thơm quá! Bé Tâm vừa nói vừa hít mùi thơm của các giống hương thảo mọc đầy hai bên lối đi.

Sau một chặng dài, lối đi tách làm hai. Chúng nó bàn nhau đi theo lòng suối, vì như thế sẽ chắc chắn tới bờ hồ. Nhưng chẳng bao lâu, lối đi trở thành khó khăn, những tảng đá lở nằm ngổn ngang bịt kín mất lòng suối, muốn vượt qua phải đi quanh.

- Đi mãi chẳng thấy đến nơi! Bé Tâm thở dài than.

- Đi mãi đâu nào? Việt đáp Mấy giờ rồi Hằng ?

Con nhỏ giơ thay lên xem đồng hồ, nhưng vội kêu lên :

- Khỉ quá, em đã quên đồng hồ ở lều rồi! Nhưng anh này, em nghe thấy tiếng người đi tới, ta thử hỏi thăm đường xem sao.

Vừa lúc đó, lũ trẻ thấy từ một lùm cây trước mặt nhô ra một người đàn bà đi thất thểu, tay dắt một con lừa lưng đeo một chiếc va li lớn.

Bé Tâm đi nép vào với anh chị. Việt tiến lại gần người đàn bà. Con lừa hoảng sợ, kéo dây thừng muốn chạy. Bà già bị ngã chổng kềnh ra đất, để lộ ra hai ống quần sọc. Đồng thời, chiếc khăn quàng tuột xuống để lộ ra một chiếc đầu hói bóng loáng, lơ thơ vài sợi tóc.

- A! bác Thanh Tùng Hằng kêu lên.

- Con nhà Ngọc Quang đây mà! Nhà phóng viên vừa đáp vừa luống cuống ngồi dậy Các cháu đừng nói với ai là gặp bác ở đây nhé! Sẽ mất tất cả đó.

- Thưa bác mất gì ạ? Việt lấy làm lạ hỏi.

- Thì bài phóng sự của bác chứ gì nữa! Ta sắp đạt được kết quả rồi. Tên đó – Các cháu biết là ai rồi chứ hiện đang lẩn trốn ở khu này! Ta đã cải trang để có thể tới gần mà hắn không nghi ngờ! Thế các cháu đi đâu vậy?

- Thưa bác, các cháu muốn đi tới Cầu Mây với ba má Hằng đáp.

- Cầu Mây à? Dễ lắm, các cháu đi về phía tay trái là thẳng xuống đó.

- Thưa có xa lắm không ạ? Bé Tâm hỏi.

- Độ nửa tiếng thôi. Nhưng các cháu phải nhớ kỹ nhé: Không được nói một câu gì về bác, nghe không?

- Các cháu nhớ ạ Việt đáp.

Ba đứa bèn từ giã nhà phóng viên rồi đi theo lối vừa được chỉ dẫn. Nhưng đi quá nửa giờ mà vẫn chẳng thấy bờ hồ đâu.

- Đáng lẽ ban nãy ta phải rẽ tay trái mới phải Hằng nói.

- Em nói đúng, vậy bây giờ mình lộn lại.

- Lộn lại! Bé Tâm rền rĩ kêu.

Đôi mắt van lơn của nó làm Hằng mủi lòng, con nhỏ hiểu rằng em nó đã bắt đầu mỏi mệt.

- Anh Việt này, hay ta leo lên ngọn đồi Hằng đề nghị có lẽ nom thấy bờ hồ và Cầu Mây.

Khi chúng lên tới ngọn đồi, chỉ thấy một mầu cỏ cây như một mặt biển xanh vô tận.

- Thôi đành trở xuống vậy Việt nói.

Vẻ mặt nó lúc này nghiêm trọng quá nên bé Tâm chẳng dám cãi lại và cắm đầu bước theo, miệng im thin thít. Đi thêm một chặng dài, chúng tới một nơi quang đãng.

Việt nói với vẻ thất vọng :

- Chúng ta chưa hề đi qua chỗ này bao giờ.

- Anh Việt ơi Hằng lẩm bẩm hay là chúng ta đã…

Nó sắp nói “bị lạc”, nhưng hai chữ này đã ngừng lại trên môi khi nó trông thấy bé Tâm ngồi cách đó chừng vài thước, đang nhặt một viên sỏi trong giày ra. Dù lo lắng đến đâu, chúng cũng không muốn để lộ cho bé Tâm thấy.

- Bây giờ chúng ta thử tìm phương hướng bằng mặt trời vậy Việt nói Mặt trời đang lên, vậy là nó ở phía đông. Bờ hồ ở phía tây, bên kia.

- Thế nào cũng phải tìm thấy bờ hồ mới được Hằng đáp Bé Tâm buộc chiếc giày xong chưa ?

- Em mệt rồi thằng nhỏ thở dài đápAnh Việt đã nói là không xa mấy kia mà.

- Một đứa con trai đã lớn như em chẳng nên nói là mệt rồi, khi mới đi có… có…

Hằng bỏ dở câu nói, vì nó sực nhớ ra rằng chúng đã đi từ ba tiếng đồng hồ rồi.

- Thế còn xa không hả chị? Bé Tâm hỏi Mà em cũng thấy đói bụng rồi! Nó vừa nói vừa nhìn chiếc làn với đôi mắt thèm thuồng.

Hằng gắt:

- Đã có ba má đâu mà đòi ăn?

Bé Tâm thở dài :

- Vậy thì đi mau lên chứ!

Rồi chúng nó lại tiếp tục đi. Sau một tiếng đồng hồ mà chúng thấy dài như một thế kỷ, Việt quyết định dừng lại nghỉ. Bé Tâm không thể bước đi được nữa, hai đứa lớn cũng đã thấm mệt. Mặt trời đã lên tới đỉnh đầu, cây cỏ lơ thơ không có bóng mát.

- Bây giờ chúng ta ăn cơm đi Hằng đề nghị với giọng cố làm vui vẻ Có lẽ bé Tâm đói lắm rồi nhỉ !

Thằng nhỏ hỏi :

- Nhưng… còn ba má?

Hai đứa lớn thấy lòng se lại, không phải vì bữa cơm, mà vì chúng đoán rằng ba má đang lo sợ khi trở về không thấy chúng đâu cả.

- Chỉ có ba người mà nhiều bánh quá! Bé Tâm nói Để dành đến chốc nữa cho ba má, chị Hằng nhé!

- Ừ, để dành…

Nhưng Hằng không nói thêm “cho ba má”. Nó vừa nghĩ rằng chúng sẽ cần đến những cái bánh này nếu…

Rồi nước mắt nó chạy quanh. Để bé Tâm khỏi thấy, nó chỉ cho bé Tâm ra xem một tổ kiến lớn gần đó. Nó xếp bánh vào làn và nói:

- Anh Việt này, em không dám nói trước mặt bé Tâm, nhưng chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật! Chúng ta bị lạc rồi phải không?

Việt gật đầu:

- Ta chỉ còn một cách: Cứ theo lối trước mặt mà đi về hướng tây.

- Thế mình có thể tới trước khi trời tối không? Hằng nghẹn ngào hỏi.

- Làm sao biết được? Anh đã định rằng nếu trời tối, ta sẽ đặt bé Tâm nằm dưới một gốc thông rồi anh em mình thay phiên nhau mà trông nó. Ở đây không có thú dữ đâu mà sợ.

- Nhưng có Y-Blơm!

Việt bỗng chột dạ. Hôm qua khi nhà phóng viên Thanh Tùng nói đến Y-Blơm, nó còn ước ao muốn gặp tên tướng cướp để xem thế nào. Nhưng nay thì…

Tuy nhiên, nó không muốn tỏ ra sợ hãi. Nó là anh cả, chủ gia đình. Lúc thường ở nhà, nếu có một đôi khi con Hằng tỏ ra bộ hơn nó ở vài điểm, thì trái lại, lúc này, nó cảm thấy em gái nó phải tin tưởng vào lòng can đảm của nó, nên nó không thể làm cho em nó phải thất vọng. Nó quả quyết:

- Chúng ta sẽ không gặp Y-Blơm đâu! Tin sao được lời ông phóng viên! Em không mệt là tốt. Ta sẽ cõng bé Tâm nếu cần. Thôi, đưa chiếc làn mây anh mang rồi chúng ta lên đường.

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II