Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

CHƯƠNG MỘT_HOA CƯỜM THẢO


Một


Hoạt đưa tay chùi những giọt mồ hôi lấm tấm ướt chân tóc, trán và hai bên thái dương. Buổi trưa nồng một cách khủng khiếp, Hoạt đã cởi nốt chiếc áo maillot mà vẫn hầu như không chịu nổi. Căn nhà kho tuy cất khá cao ráo nhưng vì lợp tôn nên hơi nóng hắt xuống thật nhiều. Hoạt đưa mắt nhìn ra ngoài sân... nắng trưa trải lớp lớp trên những viên sỏi trải lối đi nhìn xa lóng lánh như những hạt ngọc trai. Cuốn sách trước mặt dày cộm với những hàng chữ chi chít làm Hoạt muốn ríu mắt lại. Cả đêm qua thức để lo cho ngày thi sắp đến, trưa nay Hoạt thèm đánh một giấc nên thân nhưng viễn ảnh ngày thi làm Hoạt tỉnh táo hẳn lại. Trời vẫn không có gió. Hoạt bỗng mơ ước mình có một chiếc quạt máy để những lúc như thế này đỡ khổ. Cái mơ ước của người sinh viên nghèo thật đơn giản và tội nghiệp, chính Hoạt cũng hiểu như thế và tự thương hại mình. Cái nghèo đã ngăn tất cả ý nghĩ manh nha, những mơ ước hình thành. Cuối cùng của những lúc suy nghĩ viển vông đó, lần nào rồi Hoạt cũng như thầm để an ủi “Ồ, thiếu gì người khổ hơn mình. May mà mình còn có một nơi để ở và cơm ăn ngày hai bữa mà lo học...” Thật ra , trước kia cũng có thời gian Hoạt trọ lêu bêu từ căn gác tồi tàn này sang căn nhà lẹp xẹp khác. Thời gian mới đây, dì Hai, bà dì ruột của Hoạt, kiếm được chỗ đi chợ nấu ăn trong nhà này, bà xin chủ cho đứa cháu về ở trong căn nhà kho. Hoạt giữ luôn nhiệm vụ buổi tối gác cửa cho ông bà chủ để kiếm ngày hai bữa . Dù thân phận nghe ra không khá gì nhưng Hoạt vui vì biết chắc mình có nơi ăn chốn ở để học hành. Chỉ còn một năm nữa là Hoạt ra trường. Cứ nghĩ đến ngày mình thành danh , Hoạt thấy nôn nao...

Tiếng chuông gọi cổng làm Hoạt giật mình. Chàng buông vội cuốn sách khoác chiếc áo treo trên móc chạy nhanh ra mở cổng.

Người con gái độ mười bảy mười tám , mặc một bộ đồ thời trang đang ngồi vắt vẻo trên chiếc cady. Thấy Hoạt hì hục kéo hai cánh cửa sắt cho mình vào, cô gái hất mái tóc Françoise Hardy ra sau, gằn giọng:

- Anh làm gì ở riết trong nhà, tôi bấm chuông nãy giờ không ra? Làm đợi nắng muốn chết.

Không cho Hoạt có thời giờ phân trần, cô gái vọt xe vô phía gara. Hoạt nhìn theo với chút ngán ngẩm.

Người con gái đó là Bảo Anh , cô con gái lớn của ông bà Tổng Giám Ðốc mà Hoạt đang làm công. Hoạt công nhận một điều là Bảo Anh có khuôn mặt rất dễ thương nhưng tánh cô bé kênh kiệu và khi người không chịu được. Nhiều lúc thái độ của Bảo Anh làm Hoạt muốn tát cho cô gái con nhà giàu kia một cái rồi ra sao thì ra, nhưng chàng kịp nghĩ. Bảo Anh không bao giò thèm nói chuyện với Hoạt dù chỉ một câu, ngoài những lúc lên giọng chủ nhà với Hoạt . Những ngày đầu đến đây Hoạt bất mãn vô cùng nhưng dần dần chàng quen đi. Hoạt nghĩ, người ta không liên quan gì đến mình, thế thôi.

Hoạt lững thững đi trở về căn nhà kho. Hàng sỏi dưới chân chàng kêu lạo xạo. Người con trai nhìn bóng mình đổ dài trên đường sỏi, nghe một nỗi buồn vô cớ...

Dì Hai từ phía nhà bếp tiến đến bên Hoạt .

- Ði đâu đó cháu?

Hoạt lắc đầu:

- Dạ không. Cháu có đi đâu đâu . Ra mở cổng cho cô Hai.

Dì Hai mỉm cười:

- Cô Hai về hả ? Hèn chi dì nghe tiếng mở cửa.

Hai dì cháu đi về phía nhà kho. Hoạt bỗng nói:

- Cháu sắp đi tí công việc, chắc tối cháu về trễ, có gì, dì coi hộ cửa ngõ cho cháu.

Dì Hai gật đầu:

- Ừ, cháu đi đâu thì đi, để dì lo.

Hoạt bước nhanh hơn vào nhà. Dì Hai nhìn theo bóng đứa cháu trai, thở dài. Dì thấy thương cho thân phận những người trẻ trót sinh vào một hoàn cảnh khó khăn...

*

Hoạt đẩy chiếc xe gắn máy cũ ra khỏi nhà mới cho nổ máy. Hoạt nhớ có lần, chàng đạp máy xe ngay trong vườn, Bảo Anh đứng gần đâu đó mà chàng không hay. Hôm sau Hoạt nghe dì Hai la chàng sao nổ máy xe trong nhà để khói mù trời làm cho cô Hai khó chịu. Từ đó Hoạt cạch luôn cái nết làm kiêu của cô con gái nhà giàu.

Buổi trưa nắng nên đường phố vắng. Hàng cây cao ngủ thiêm thiếp dưới nền trời xanh lơ. Hoạt bỗng thấy yêu đời trong cái cơ cực của mình. Chàng rồ máy xe.

Con đường vào nhà Nghĩa quanh quẹo qua bao nhiêu ngõ hẹp. Nếu không có một đầu óc “vĩ đại” thì đi một lần không ai tài nào có thể lại một lần nữa. Hoạt chạy vòng vo và dừng trước căn nhà vách ván lụp xụp ở gần cuối hẻm. Nghĩa ở đây trọ học với người em gái. Nghĩa học cùng phân khoa với Hoạt còn Thu, em gái Nghĩa, đang học lớp 12C ở một trường Tư Thục lớn. Trước ngày về ở với dì Hai, có thời gian Hoạt đã ở chung với anh em Nghĩa, cùng chia nhau từng miếng bánh khô. Họ thân thiết nhau hơn ruột thịt...

Chiếc xe vừa dừng thì cánh cửa bật mở, một khuôn mặt bù xù với cặp kính dày ló ra:

- Ði đâu giờ này mày?

Nghĩa vừa hỏi bạn vừa mở rộng cánh cửa.

- Ðến mày chớ đi đâu.

Nghĩa cười:

- Cám ơn . Hân hạnh dữ.

Hoạt đẩy xe vào nhà. Căn nhà chật hẹp chỉ vỏn vẹn có cái bàn gỗ lỏng chỏng bốn cái ghế và rất nhiều sách kê dọc hai bên tường. Hoạt đã sống ở đây , thân thuộc gần gũi. Chàng buông người xuống ghế bố của bạn, thở ra.

- Mẹ kiếp. Trưa nóng quá mày ạ. Tao chịu , không tài nào ngủ được.

Nghĩa rùn vai:

- Mày ở đằng đó mà còn kêu nóng, chẳng trách tụi tao ở đây như gà đút lò.

Hoạt thở dài:

- Thôi mày. Tao ở nhà kho nóng bỏ mẹ. Bộ tao ở nhà lầu máy lạnh sao mày?

Nghĩa đến ngồi bên bàn học:

- Lo xong kỳ thi này chưa?

Hoạt lắc đầu:

- Ðại khái thôi.

Chàng nhìn quanh:

- Ủa, Thu đâu ?

- Nó mới chạy loanh quanh đâu đó.

- Qua hàng xóm hả ?

- Chắc vậy.

Vừa lúc đó, một bóng người xuất hiện ở khung cửa. Nghĩa liếc ra:

- Cha, cô này linh dữ, mới nhắc đã về. Phải chi nhắc tiền nhắc bạc mà được vậy chắc tao giàu to rồi.

Thu nhìn Hoạt :

- Thưa anh mới đến.

Hoạt gật đầu. Thu bước ra phía sau , hỏi vọng lên:

- Anh Hoạt dùng nước em rót.

Hoạt xua tay:

- Thôi khỏi, Thu.

Nghĩa la lên:

- Thì mày rót cho tao một ca bự coi. Sao mày hỏi nó không thôi.

Thu cười khúc khích:

- Tại anh Hoạt là khách. Anh Hoạt biết không, anh Nghĩa ảnh kêu nhà này là cái lò sát sinh đó .

Nghĩa bĩu môi:

- Mày cho là không phải à. Tao sợ nó còn nóng hơn một bực là đằng khác.

Thu im lặng bưng lên cho Nghĩa ca nước. Hoạt nhìn mái tóc dài hiền dịu trên bờ vai thiếu nữ... có một cái gì đằm thắm nơi Thu. Thời gian sống ở đây, Hoạt đã thương Thu như một đứa em ruột thịt. Hoạt không có em, không anh chị. Cả gia đình chàng đã chết trong lửa đạn. Chàng đã nghĩ, sau này nếu giầu, Hoạt sẽ lo cho Thu đầy đủ nếu Nghĩa không lo được cho em. Hoạt biết tính Nghĩa lông bông lang bang... thân mình còn lo chưa xong.

Thu chợt hỏi:

- Anh Hoạt làm sao mà thừ người vậy?

Hoạt lắc đầu:

- Không. Có gì đâu.

Thu chợt nhớ đến lá thư gởi cho Hoạt . Cô bé hất mái tóc ra sau, ngước nhìn Hoạt tinh nghịch:

- À, quên chứ, em có món hàng này muốn bán cho anh Hoạt quá mà sợ anh hổng đủ tiền mua.

Nghĩa lườm em:

- Mày chỉ lắm lời. Mày thì có quái gì mà mua với bán.

Thu để một ngón tay lên môi, dọa anh:

- Chứ sao! Chỉ có anh là nói vậy thôi chứ anh Hoạt thì suya là ảnh muốn mua rồi.

Hoạt ngẩn người nhìn Thu. Con bé này chúa là láu lỉnh, chẳng hiểu nó định giăng bẫy gì mình đây. Thu nhìn thái độ ngạc nhiên của Hoạt , tấn công thêm:

- Mà em bảo thật nhe, anh phải đoán đúng là em có cái gì cơ, thì em bán, còn không...

Hoạt mỉm cười:

- Không thì sao?

- Thì còn khuya em mới bán.

Nghĩa quay sang rầy em:

- Thôi mày ơi, đặt điều hoài.

Thu cự lại:

- Anh biết gì chứ.

Nghĩa nhăn mũi trêu em:

- Vừa thôi chứ cô ! Tôi thừa hiểu mà.

Tin rằng anh mình không biết, Thu chu môi:

- Gì? Anh mà nói trúng em cho không anh Hoạt đó, khỏi thèm bán.

Nghĩa hỏi to:

- Thật không?

- Thật.

Hoạt chêm vào:

- Khoan đã! Lấy gì làm bằng chứng là Nghĩa nói trúng thì Thu sẽ cho anh?

Thu đưa tay phải lên cao.

- Quân tử nhất ngôn ạ.

Hoạt cười:

- Quân tử nhất ngôn là quân tử dại. Quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn.

Thu rùn vai:

- Xời ơi, em chì mà.

Nghĩa nháy mắt với Hoạt rồi nói với Thu:

- Ðây, nghe cho kỹ nhé. Có phải mày đang giữ lá thư của thằng Hoạt không ?

Thu hơi giật mình. Cô bé nhìn anh với ánh mắt nghi ngờ. Sáng nay lúc thư đưa đến nhà thì Nghĩa đi vắng cơ mà. Làm sao anh ấy biết? Vậy là mất toi “con tin” để vòi vĩnh Hoạt rồi. Thu hậm hực:

- Ðúng vậy, nhưng sao anh biết?

- Tao là Thánh mà. Bây giờ mày cho không thằng Hoạt đấy nhé.

Thu xịu mặt:

- Thì từ từ đã.

Cô bé xoay người đi vào trong. Hoạt và Nghĩa nhìn theo. Hoạt cười:

- Sao biết mày ?

- Gì mà giấu tao nổi. Nó thì chỉ chờ có thư của mày để vòi vĩnh mày. Tao biết thóp nó quá mà.

Thu trở ra đưa cho Hoạt lá thư. Hoạt không nhìn bì thư và nét chữ cũng đoán ngay được là thư của ai. Chàng nghe một chút gì dường như là nôn nao, là xao xuyến muốn được ở một mình với lá thư. Lá thư mà chàng hiểu là có những giòng chữ nghiêng nghiêng hiền hòa. Hoạt đút lá thư vào túi áo, chàng muốn trở về căn nhà kho ngột ngạt của mình ngay bây giờ. Hoạt đứng lên:

- Thôi tao về.

Nghĩa ngạc nhiên:

- Kìa. Ngồi chơi đã mày. Làm gì mà như ma đuổi vậy.

Tự dưng Hoạt cảm thấy bạn nhìn rõ tâm can mình. Hoạt đâm ngượng. Chàng chống chế:

- Gì đâu. Tao nhức đầu.

Nghĩa cười hì hì:

- Mẹ, còn chối ông là ông “kê” cho vỡ nợ con ạ. Tao biết tỏng tòng tong tim đen của mày.

Hoạt cười trừ:

- Ừ, rồi sao. Thôi tao về.

Chàng quay sang Thu:

- Anh về nghe bé.

Khuôn mặt Thu mang một vẻ gì đó khó giải thích. Ðã nhiều lần Hoạt tình cờ nhìn thấy nét mặt đó nhưng chàng không để ý. Hoạt tặc lưỡi một mình rồi dắt xe ra. Thu bước đến đứng bên ngưỡng cửa khi Hoạt bắt đầu đạp máy. Nét buồn của cô bé làm Hoạt thốt thấy mình có lỗi. Chàng nói một câu vớt vát:

- Sao buồn vậy nhỏ?

Thu vùng vằng:

- Ai thèm làm nhỏ của anh.

Hoạt cười vô tư:

- Ô hay, con bé này hôm nay đến lạ.

Thu dấm dẳng:

- Lạ thì sao mà không lạ thì sao. Em vậy đó.

Nói xong cô bé quay mình vào. Hoạt rồ máy xe phóng đi.

Hoạt có quen một người con gái qua mục kết bạn của một tờ báo Sinh Viên học sinh. Cô bé tên là Ðiềm Chi. Hoạt thấy tên hay hay. Cả hai thư từ qua lại , nhưng chưa hề biết mặt nhau. Chính cả Hoạt lẫn Ðiềm Chi đều muốn thế. Giữa họ tình cảm có một cái gì mang mang mà dễ thương. Chi cho Hoạt biết nàng đang học lớp 12C, và nàng bắt buộc phải nhờ địa chỉ cô bạn vì gia đình nàng rất khó. Phần Hoạt cũng thế. Chàng mượn địa chỉ Nghĩa và mang một cái tên khác. Hoạt lấy tên Hiệp.

Ðiềm Chi viết thư dễ thương. Lời lẽ trong thư đôi khi làm Hoạt thật xúc động. Chi bé bỏng và hiền ngoan như một con mèo bông. Qua lời thư Chi nói về nếp sống, Hoạt đoán Chi là con gái nhà giàu nhưng lời thư khiêm tốn, dịu dàng. Nhiều lúc Hoạt mơ ước, một ngày nào đó chàng và Chi sẽ gặp nhau. Hoạt vẽ vời trong đầu óc mình một cô bé mảnh khảnh, ngoan hiền, không kiêu căng phách lối. Hoạt ghét nhất là hạng con gái ra vẻ “con nhà giàu” như cô con ông chủ ở nhà. Nhiều lúc nhìn Bảo Anh, Hoạt chợt so sánh cô gái kênh kiệu đó với cô bạn nhỏ của mình. So sánh để càng coi thường Bảo Anh và càng quý Ðiềm Chi hơn nữa.

Hoạt mở lá thư:

“ Anh Hiệp ơi!

Mấy ngày hôm nay, Chi tự dưng cảm thấy buồn kinh khủng vậy đó. Chiều hôm qua có nhỏ bạn lại chơi nhà. Nhỏ Thúy Diệu mà Chi nhờ địa chỉ đó anh Hiệp ! Hai đứa ngồi trước thềm nhà, buồn hiu. Ðôi lúc Chi tự hỏi những gì là ý nghĩa của cuộc sống này? Bổn phận? Trách nhiệm? Hay là
một cái gì đó nồng nàn hơn, dễ thương hơn, mà Chi không dám gọi tên? Như tình yêu chẳng hạn.

Anh Hiệp nè, trước sân nhà Chi có
một cây hoa rất đẹp. Không phải là “cây hoa” nữa , mà Chi cũng chả hiểu mình phải gọi nó bằng cây gì? Nó to ghê lắm cơ, theo lời ba mẹ Chi thì nó phải sống hơn hai ba chục năm lận đó anh Hiệp . Hoa nó màu vàng, mỗi lúc có gió mạnh, Chi thấy từng chùm hoa rơi lả tả đẹp quá anh Hiệp ạ. Hôm qua nhỏ Thuý Diệu ngồi với Chi, nó nhìn những cánh hoa rụng rồi hỏi Chi:

- Hoa này là hoa gì mà đẹp quá vậy mày?

Chi lắc đầu:

- Tao cũng không biết! Chắc là cây điệp tây.

Thuý Diệu dẫy nẩy:

- Hổng phải đâu mày ơi! Ðiệp tây khác kìa. Tao biết cây điệp tây mờ.

Chi thắc mắc:

- Hay cây phượng vàng.

Thuý Diệu la lên:

- Ghê, mày ngu như bò ấy. Phượng thì là phượng hồng chứ , sao lại phượng vàng.

- Thì tại nó màu vàng mờ.

Thuý Diệu lắc đầu:

- Sức mấy! À , mà mày có quen anh chàng Hiệp canh nông gì đó, sao mày không hỏi xem hoa này là hoa gì? Dân canh nông suya là biết.

Lúc nghe nhỏ nói vậy, Chi mới nghĩ đến tại sao lâu nay Chi không hỏi anh nhỉ? Anh Hiệp nói cho Chi nghe xem cây hoa ấy là cây hoa gì nhé? Chi thích biết lắm, để mai mốt nhỏ Thuý Diệu khỏi chê Chi quen dân canh nông mà cù lần nữa...”


Hoạt ngừng đọc, bất giác anh nhìn ra sân. Ở sân nhà này cũng có một cây hoa vàng như loại Chi vừa hỏi. Như vậy chắc nhà Chi phải giàu lắm, vì chỉ nhà giàu mới dư đất mà trồng loại cây này. Bỗng Hoạt sợ! Chàng sợ cái giàu của Ðiềm Chi. May mà Ðiềm Chi không có thói kiêu căng như cô chủ nhà này. Càng nghĩ Hoạt càng mến cô bạn nhỏ. Hoạt biết những thiếu nữ con nhà sang trọng, được trưởng thành trong nhung lụa, thường không thoát khỏi tính hợm mình. Riêng Ðiềm Chi có lẽ là một ngoại lệ... Chàng mỉm cười một mình và cúi xuống lá thư.

“... Lâu nay Chi không thích đi chơi nữa anh Hiệp ạ . Dạo trước thỉnh thoảng Chi có đi . Bây giờ Chi chỉ nằm nhà đọc sách và viết thư cho anh thôi. Anh Hiệp thấy Chi có ngoan không nào ? Mà anh phải viết nhiều thư cho Chi kìa ? Chi thấy anh ăn gian Chi nhiều lắm! Chi viết hai, ba lá thư anh mới viết lại một cái. Nhiều lúc Chi nghĩ mà giận anh Hiệp ghê vậy đó.

Chi muốn nói cho anh Hiệp nghe nhiều chuyện lắm cơ, nhưng... thôi để anh giải đáp thắc mắc cho Chi về vụ hoa vàng đã, rồi Chi sẽ viết nhiều hơn với anh.

Thôi Chi dừng. Xin chúc anh Hiệp những lời chúc tốt đẹp nhất của Chi.


Cô bé của anh 
Điềm Chi"   


Bao giờ cũng thế, Chi kết thúc thư bằng mấy chữ "cô bé của anh". Hoạt thương những ý nghĩ đơn sơ, những giòng chữ nhỏ bé của Chi. Hoạt ao ước một ngày nào đó khi chàng ra trường, nắm trong tay một cái gì đó với đời, một mảnh bằng để tạm gọi là thành danh! Chàng sẽ tìm đến Điềm Chi, đối diện, họ sẽ nói với nhau biết bao nhiêu là điều ...

- Hoạt ơi! Hoạt!

Tiếng dì Hai gọi làm Hoạt giật mình. Chàng cất vội lá thư và chạy ra.

- Dì Hai kêu cháu.

Dì Hai vuốt mấy sợi tóc lấm lan trên mặt, chỉ tay vào nhà xe:

- Ừ. Cô Hai kêu cháu trong gara kìa.

Hoạt hơi ngạc nhiên sao hôm nay cô chủ kêu mình sai bảo điều gì ? Hoạt đi về phía nhà xe.

Bảo Anh mặc quần soóc trắng, áo sơ mi ngắn tay màu hồng đang ngồi vắt vẻo trên mũi chiếc Fiat trắng của mẹ nàng. Thấy Hoạt, Bảo Anh chỉ chiếc Cady của mình:

- Anh rảnh không ? Lau giùm tôi chiếc xe này coi.

Hoạt nhíu mày khó chịu vì giọng nói hách dịch của Bảo Anh. Chàng đâu phải là tài xế mà có phận sự lau xe ? Vả lại, thái độ xấc xược của Bảo Anh làm Hoạt muốn tát cho cô ta một cái nhưng chàng nghĩ đến thân phận mình. Hoạt lại im lặng. Chàng dắt chiếc xe đi. Bảo Anh kêu giật:

- Ê! Anh xách nó đi đâu vậy ?

Hoạt đáp ngắn:

- Thưa cô đi rửa.

Bảo Anh kêu lên:

- Kìa, tôi bảo anh lau xe cho tôi chứ tôi có bảo anh rửa xe tôi đâu ? Anh lấy nước lên đây lau.

Hoạt cắn môi trở xuống nhà bếp. Làn khói cay cay bay vướng lên mắt. Hoạt không hiểu khói làm chàng cay hay là sự tủi nhục của một kiếp nghèo làm chàng chua xót! Có lẽ cô con gái quá quắt này đang muốn hành chàng cho bõ ghét! Mà Hoạt co đụng chạm gì đến cô ta đâu ? Giữa hai người là hai thái cực cách xa nhau mà... Hoạt vừa xách xô nước lên nhà xe vừa suy nghĩ. Chàng vẫn không tài nào hiểu tại sao Bảo Anh muốn hành xác mình như vậy!

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG HAI