Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2018

CHƯƠNG VII. VIII_CÔ GIÁO THU TRANG


CHƯƠNG VII


Minh dụi mắt. Ánh sáng mặt trời đã chan hòa khắp căn phòng nhưng cậu vẫn buồn ngủ quá không muốn trở dậy. Cậu lầu bầu:

- Chị để yên cho em ngủ chứ!

Đào cúi xuống lay em thật mạnh:

- Dậy đi em! Trưa lắm rồi và chị không muốn xuống nhà một mình: em có biết là lão Du đã đến không?

- Lão Du? Lão Du nào?

- Thì lão anh họ cô giáo chứ còn ai vào đây nữa! Hắn tới được mười phút rồi, và đang đợi trong phòng ăn đó. Chị Sáu lên mời cô giáo xuống, nhưng cô tỏ vẻ rất khó chịu.

- Thật à?

- Nói là cô sợ hãi mới phải! Cô đã bận y phục xong và bảo chị bếp xuống tiếp hộ lão Du. Phiền chưa? Em dậy đi rồi xuống cùng với chị.

Sự lo lắng của Đào làm Minh phải ngồi nhỏm dậy:

- Được rồi, chị đợi ngoài đó, em mặc quần áo xong rồi ra ngay.

Năm phút sau, hai chị em Đào đàng hoàng bước vào phòng ăn. Bà Hà đã vào trước được vài giây và đang chào hỏi khách.

- Chào ông Du! Biết ông lại chơi, chắc cô Thu Trang mừng lắm. Tiện đây mời ông ở lại dùng điểm tâm với chúng tôi. Cháu Đào đi lấy thêm cái tách đi!

- Thôi tôi xin phép bà ông Du nói với vẻ bồn chồn Tôi chỉ có thể ở lại một phút thôi ạ. Thu Trang làm tôi mất thời giờ quá!

- Thưa ông, cô giáo xuống ngay bây giờ đó ạ Đào nói.

Bà Hà có vẻ hơi khó chịu về thái độ của ông Du, bèn hỏi:

- Tôi mong rằng không phải vì những tin tức chẳng lành mà ông đến thăm sáng nay.

- Thưa bà, tôi rất muốn thưa chuyện với bà, nhưng tôi cần đợi có mặt Thu Trang ở đây.

Đào nhìn Minh: câu chuyện chiếc kim vàng trở lại trong trí nhớ của cô bé. Có phải ngẫu nhiên ông Du đã biết rõ câu chuyện đó và nay ông trách móc gia đình ông Hải vì đã chứa chấp một kẻ ăn cắp hay không?

Vừa lúc đó, cửa phòng mở ra, cô Thu Trang bước vào.

- Chào anh Du cô nói nho nhỏ.

- Chào em! Có lẽ em đã đoán ra lí do vì sao anh tới đây.

- Em… Em không rõ ạ.

Ông Du nhìn cô bằng con mắt hằn học và Đào vội tới đứng bên cạnh cô để bảo vệ cho cô nếu cần. Trông cô Thu Trang lúc đó thật đáng thương hại.

- À, thật không? Em không rõ thật à? Ông Du nhắc lại với giọng mỉa mai Má em đau nặng, bà yêu cầu em về trông nom bà vài ngày, em trả lời là em không thể vắng mặt ở đây được, bà khẩn khoản nhưng vẫn vô hiệu và bây giờ em nói là em không rõ vì sao bà nhờ anh can thiệp! Anh tưởng em thương xót má em hơn thế chứ?

- Em không ngờ sự việc lại ra như thế!

Bà Hà vội lên tiếng:

- Ô kìa! Thế ra bà cụ bị đau à? Thưa ông, nào tôi có biết gì đâu? Có nặng lắm không ạ? Sao không thấy cô Thu Trang nói gì cả?

- Thưa bà, tôi cứ yên chí là bà biết rõ ông Du đáp Tôi lại ngờ rằng bà không cho phép em tôi về.

- Không đời nào chúng tôi lại ngăn cản không cho cô về thăm nom bà cụ. Đó là bổn phận đầu tiên của kẻ làm con! Nhưng tôi xin nhắc lại là tôi không hay biết gì hết. Có lẽ cô Thu Trang không hiểu rằng bà cụ đòi cô về cần kíp như thế!

Mặt tái mét, mắt mở chừng chừng, cô giáo tỏ vẻ bị dao động mạnh. Đào quàng tay ra sau người cô nói:

- Cô đừng buồn. Nếu bà nhà còn có thể viết thư được như thế thì chắc không đau nặng lắm. Nhưng cô phải đi ngay về với bà cụ đi!

Thu Trang nhìn cô học trò với đôi mắt lo lắng làm cô bé não lòng:

- Em lên thu xếp va li đi! Ông Du khô khan ra lệnh Anh sẽ chở đi ngay bây giờ, lẹ lên. Anh vội lắm!

Như người mất hồn, cô Thu Trang tiến ra cửa, Đào quay lại bảo Minh:

- Đi em, chúng ta lên giúp cô giáo thu xếp.

Hai tay run rẩy, cô Thu Trang xếp bừa quần áo, nước mắt cô ràn rụa.

- Thưa cô, cô đừng thất vọng như thế! Đào nói Cô chẳng có lỗi gì vì cô không hiểu rõ đó thôi. Bà cụ sẽ vui lòng biết bao khi thấy cô về nên bà không rầy la cô đâu. Cô đừng sợ.

- Có phải cô lo sợ về má cô đâu? Em Đào…

Bỗng cô ngừng lại và nhìn cô bé với đôi mắt thê thảm, hai tay vặn vào nhau:

- Ôi! Ta rất lỗi lầm đã tới nơi này! Chưa bao giờ ta vào ở một nhà xa lạ… Các em đã rất tốt và rất thương mến ta. Ta đã quấn quýt với các em, vậy mà bây giờ…

- Xin cô đừng buồn ạ! Đào năn nỉ Cô xa các em vài ngày thì có sao đâu? Cô sẽ trở lại đây kia mà!

- Ta không muốn phải xa cách các em vì ta rất lo cho các em. Ta không tin cậy ở Nam cũng như ở ông Luận.

- Nhưng Nam và ông Luận có làm gì hại cho các em đâu? Nhà có người nọ người kia cơ mà!

- Họ không làm hại gì cho các em, nhưng ta chắc chắn rằng Nam được đưa đến đây với một mục tiêu bất chánh, để đánh cắp các tài liệu của ông kỹ sư.

Đào bật cười:

- Nếu vậy thì đáng đời cho hắn: ở đây chẳng có gì đáng giá cả! Cô nên biết rằng ba em không đời nào lại để ở đây những tài liệu quý giá đó.

- Nhưng còn trong phòng thí nghiệm của ông?

- Thưa cô, trong đó có những dụng cụ thông thường và một số hóa chất không nguy hiểm. Trong tủ sắt cũng chẳng có chi hết: chỉ toàn những giấy tờ không quan hệ! Em biết rõ lắm vì ba em đã xếp tủ trước mặt chúng em.

Minh xen vào:

- Thưa cô, xin cô cứ yên tâm, chúng em sẽ để ý đề phòng ạ.

- Phải, phải, các em nên hết sức để ý.

Bỗng Loan từ ngoài cửa nói vọng vào: Ông Du đang hối thúc. Cô Thu Trang vội vã đóng va li, mặc áo, từ biệt Đào và Minh rồi chay xuống nhà.

- Các em không nên xuống bây giờ cô nói Ông Du sẽ cho rằng cô than phiền với các em. Thôi các em ở lại cô đi nhé.

Tiếng cô nghẹn ngào trong cổ.

- Tội nghiệp cô giáo Minh lẩm bẩm.

Người ta tưởng tượng như cô giáo sẽ không bao giờ quay trở lại đây nữa! Kỳ thật…

- Chắc cô quan trọng hóa vấn đề Đào nói chị thấy cô cho rằng Nam là một kẻ ăn cắp, nhưng thực ra cô chẳng biết gì đích xác cả.

- Vâng, em cũng nghĩ như thế. Dầu sao, cô ấy cũng tinh khôn đấy chứ!

Thấy cậu em có bộ mặt nghiêm trọng, Đào giật mình hỏi:

- Thế nào Minh? Em đã trông thấy gì đêm qua thế hả?

Tiếng máy xe hơi nổ trước nhà. Tụi trẻ ghé đầu nhìn chiếc xe của ông Du xa dần, biệt thự trở lại yên tĩnh…Chậm rãi, Minh đáp câu hỏi của chị:

- Đêm qua, Nam đã nói chuyện rất lâu ngoài hàng rào với một người mà lúc đầu em chưa nhận rõ là ai. Họ nói quá nhỏ, em không nghe thấy gì, trừ hai chữ “tài liệu”. Rồi người đàn ông bật lửa hút thuốc, em mới trông rõ mặt.

- Ồ! Nói mau lên em! Người đàn ông đó là ai?

- Ông Luận!

Đào sửng sốt ngồi bệt xuống một chiếc ghế. Cô ấp úng:

- Ông Luận… nhưng tại sao? Tại sao ông đến nói chuyện với Nam lúc đêm khuya như vậy? Ban ngày ông muốn gặp hắn lúc nào mà chả được!

- Phải! Nhưng ban ngày thì chúng ta có mặt ở đó, hay anh Sáu, hay bà Hà. Hình như ông Luận muốn nói chuyện với Nam không có ai dự thính.

- Trời ơi! Đào hoảng hốt kêu lên Như thế nghĩa là gì?

- Như thế nghĩa là cô giáo đã đoán đúng: Nam đã được ông Luận dụng tâm mang đến đây để đánh cắp điều phát minh của ba. Câu chuyện đụng xe mất trí nhớ, đều là chuyện phịa cả! Có thể họ đã mở được cái tủ sắt bằng phương pháp tài tình mà không làm hư ổ khóa không biết chừng!

- Như vậy là họ đã bị lộ tẩy rồi! Rồi đây họ sẽ làm gì nữa?

- Em không hiểu. Tự thấy đã làm hụt một cú, chắc họ sẽ rút lui có trật tự!

- Rốt cuộc, tất cả những chuyện đó chẳng có quan hệ gì nữa. Mặc kệ họ, chưa bao giờ chị nghi ngờ ông Luận trong vụ này! Ông có vẻ ngay thẳng, thành thực như thế, và Nam… nhưng mà này… nếu Nam vào đây với mục đích đánh cắp tài liệu thì cớ sao hắn lại dám ăn cắp đồ vật để người ta nghi ngờ? Vô lý quá!

- Ừ phải… thế mà em không nghĩ ra điều đó! Đáng lẽ hắn phải tỏ ra là con người kiểu mẫu mới phải chứ! Hay hắn muốn kiếm chác một vài mối lợi riêng tư?

- Quá nhỏ nhặt, những mối lợi đó… mà còn nguy hiểm lớn cho hắn ấy chứ! Nếu không có chị em mình thì hắn đã bị bắt giam từ lâu rồi còn gì? Nhưng mà quả là chúng ta đã không biết chọn người! Đào thở dài Thế bây giờ tụi mình phải hành động ra sao?

- Em nghĩ ta phải nên coi chừng, thế thôi. Vài ngày nữa ba về, có thể từ nay tới đó Nam sẽ cao chạy xa bay rồi. Chắc vì cái tin trở về đột ngột của ba mà họ đã gặp nhau đêm qua đó. Em tin vào điều ấy và em chắc sẽ có sự mới lạ sắp xảy ra.

- Nhưng có lẽ nào mình lại để cho Nam tự do trốn đi không bị trừng phạt về tội của hắn? Đào tức tưởi nói Còn ông Luận nữa? Hay ta đi báo cảnh sát bây giờ đi!

Minh không tán thành ý kiến của chị:

- Báo cái gì chứ? Cuộc đối thoại của họ mà em bắt gặp đêm qua ấy à? Có luật nào cấm người ta ban đêm gặp nhau ở ngoài lề đường đâu? Ông Luận đã không tìm cách vô trong vườn nhà mình, hơn nữa ông vẫn tới đây công khai. Không bao giờ trốn tránh, ông đã đến Ty Cảnh sát để hỏi tài liệu về Nam, ông còn đưa cả địa chỉ của ông cho bác Hà. Như vậy kiếm ông có khó gì? Em tưởng nên đợi ba về thì hơn, chị ạ.

- Em nói phải, chúng ta đã lầm lẫn nhiều phen rồi Đào bâng khuâng đáp thì bây giờ ta chẳng nên làm điều gì trật điệu thêm nữa. Nhưng chị đoán là Nam đã trốn mất rồi đó.

- Như vậy còn hơn… Có một kẻ như thế trong nhà mình là một điều chẳng hay ho gì. Nhưng chúng ta phải xuống ăn điểm tâm kẻo bà Hà không biết chúng ta làm gì trên này.

Bà Hà rất áy náy vì sự ra đi đột ngột của cô Thu Trang.

- Rồi sự học hành của các cháu sẽ ra sao? Bà băn khoăn hỏi.

- Thưa bác, không sao đâu ạ Đào đáp.

Cô bé thấy rằng trong tình trạng hiện thời, việc học vấn phải coi là phụ thuộc.

- Thế các đứa nhỏ thì ai dạy chúng học?

- Thưa bác, cháu và Minh sẽ lo điều đó, xin bác cứ yên tâm

Điểm tâm xong, Đào và Minh chay tuốt ra vườn rau, đinh ninh rằng Nam đã chuồn mất. Nhưng không, Nam vẫn còn đó, vừa làm vừa hát hỏng như mọi ngày. Hắn cười chào hai người và nói:

- Còn sáu ngày nữa thì ông bà kỹ sư sẽ về! Cô cậu có biết tôi nghĩ gì không? Phải trang hoàng nhà cửa đầy hoa! Nếu mà dựng lên được ở ngay lối cửa một cái cổng chào thì tuyệt! Cậu Minh giúp tôi cậu nhé!

- Thật là điên cái đầu với vụ này! Đào than vãn với Minh khi hai chị em bước khỏi chỗ Nam Hắn ta lại có vẻ bình chân như vại để chờ đợi ngày ba về, mà chẳng hề sợ sệt gì cả, thế mới lạ chứ!


CHƯƠNG VIII


Ba ngày trôi qua trong sự yên tĩnh tuyệt đối: Đào và Minh học hành rất chăm chỉ và khảo bài cho nhau; Loan và Quang thì ngoan ngoãn hết sức. Còn Nam thì trong những lúc rỗi rãi kết những cành cây để dựng cái cổng chào. Minh thôi không canh gác ban đêm nữa. Hai chị em hồi tưởng những việc đã làm các tuần trước mà phát buồn cười. Họ cho rằng óc tưởng tượng của họ đã tạo ra một câu chuyện huyễn hoặc. Đã đành những đồ vật mất cắp, bức thư hăm dọa tìm thấy trong phòng Đào chứng tỏ đã có một sự gì khác lạ, nhưng nếu bình tĩnh mà xét thì vấn đề cũng không đến nỗi quan trọng cho lắm. Còn ba ngày nữa ông kỹ sư về thì mọi việc sẽ ngã ngũ, bọn trẻ tin tưởng như thế.

Trong khi chờ đợi, họ phải lo tổ chức cuộc tiếp đón dành cho ba má. Hiện giờ còn thiếu hai cây tre dài mà Nam chưa kiếm đâu ra. Hôm đó, anh Sáu lại bắt Nam giúp cả ngày nên hắn phải bỏ cái cổng chào. Minh thấy vậy sốt ruột quá.

- Chẳng biết đến bao giờ mới xong đây! Cậu buồn bã nói Nam thì quá ít thời giờ, còn ta thì chẳng làm được gì khác nếu thiếu hai cây tre.

- Em này! Hay là chúng mình sang kiếm tre ở xóm bên kia? Đào đề nghị Tiệm bán cây chắc phải có tre chứ.

- Vâng, ý kiến của chị hay đó. Chúng mình đi ngay bây giờ nhé!

Loan và Quang cũng nằng nặc đòi đi theo. Bốn người rủ nhau vui vẻ khởi hành.

Một lúc sau, họ đã mua được hai cây tre dài. Cả bọn kéo nhau về đến nửa đường thì bỗng một chiếc xe hơi vượt qua, thắng lại và đậu cách bọn trẻ vài thước. Đào ngạc nhiên nhận ra chiếc xe của ông Du và ông này đã thò đầu ra hỏi:

- A! Các em đấy à! May quá ta gặp các em ở đây, vì ta đang định đến đàng nhà.

Đào cất tiếng chào lấy lệ một câu rồi đứng nghe.

- Ta rất ân hận về cô Thu Trang ông nói tiếp Các em có biết sao không? Khi vừa tới Sàigòn thì cô bị bệnh ruột thừa bộc phát! Có lẽ vì thế mà buổi sáng hôm đó cô không được bình tĩnh và có vẻ kỳ quặc. Chắc là chứng bệnh đang nung. Ta lo sợ cuống quýt, vội đưa cô vào một dưỡng đường và bác sĩ đã mổ ngay tức thì.

- Trời ơi! Khiếp quá! Đào lẩm bẩm Thưa ông, bây giờ cô giáo đã khá chưa ạ?

- Khá lắm, may quá, nhưng cô nhớ các em nên cô cứ trằn trọc không nằm yên được. Vậy tôi tới đây hỏi em Đào xem có thể tới thăm cô giáo được không? Bây giờ tôi có thể chở em tới đó rồi hai giờ sau sẽ đưa em trở về đây, em nghĩ sao? Tôi biết cô giáo thương em hết sức!

- Thưa, còn thân mẫu của cô ra sao ạ?

- Bà khỏe nhiều rồi! Như vậy là rất may, vì phải một thời gian vài tuần Thu Trang mới có thể bình phục được.

- Vậy cháu có thể đi tới thăm cô giáo được.

Loan nắm tay chị hỏi:

- Quang và em có thể đi cùng chị không? Các em cũng nhớ cô giáo lắm.

- Vậy thì tốt quá rồi. Chúng ta cùng đi tất cả cho vui ông Du reo lên Cũng là một cuộc giải trí, hay lắm. Thôi lên xe đi các em!

- Thưa, cháu có thể ngồi trên ghế trước được không ạ? Quang hỏi Trông lái xe cháu thấy thích lắm.

Ông Du chấp thuận. Loan và Quang lên ngồi cả trên ghế trước cạnh ông Du. Còn Minh thì xin thoái thác:

- Thưa ông, cháu xin lỗi không đi được, vì có công chuyện phải làm gấp.

- Không đợi được hai giờ hay sao?

- Thưa không ạ, vả lại nếu bác Hà cháu đợi lâu không thấy chúng cháu về sẽ nóng ruột nên cháu phải về trình bác rõ.

- Thôi thế cũng phải. Cô Đào lên xe đi, lát trở về cậu Minh nhé!

Sau khi khởi hành, cậu bé vác tre về. Nam sẽ rất bằng lòng vì hắn vẫn than phiền là không thể hoàn tất cái cổng chào kịp ngày về của ông bà Hải. Sáng mai thì sẽ có thể dựng cổng chào lên, kết hoa kết lá, rồi căng cả tấm biểu ngữ lên cho nó thêm long trọng.

Minh đi thẳng đến vườn rau thấy Nam đang xới một luống đậu.

- Anh coi này Minh hân hoan lên tiếng chúng tôi vừa mua được ở một tiệm cây! Tuyệt lắm phải không?

- Tuyệt lắm! Nam hớn hở đáp Chúng ta sẽ bắt tay vào công việc ngay bây giờ. Nếu cô Đào cũng giúp được một tay thì chóng xong hơn. Cậu thử hỏi cô xem.

- Chị ấy sẽ giúp khi nào trở về, vì chị vừa đi Sàigòn trên chiếc xe hơi của ông Du, anh họ cô Thu Trang. Cô ấy bị đau.

- Cậu nói ai?

- Cô giáo ấy mà!

- Cô Đào đi cùng với ai?

- Với anh họ cô giáo, cái ông đã lại đây đón cô về từ ba bữa trước ấy mà. Có chuyện gì vậy anh?

Sắc mặt Nam bỗng tái hẳn đi, hắn nhìn Minh với đôi mắt điên dại.

- Họ đi được bao lâu rồi? Hắn hỏi.

- Lối mười lăm phút.

- Chúng ta phải đuổi theo họ lập tức, và báo tin cho ông Luận! Nam nói với giọng hoảng hốt Trong nhà có xe đạp phải không? Cậu đi lấy ngay hai chiếc xe, coi bánh bơm đủ căng, lẹ lên! Tôi đi mặc áo, chỉ hai phút thôi.

- Nhưng anh điên hay sao thế? Minh ngạc nhiên hỏi Chị em tôi đi thăm cô giáo bị đau thì việc gì liên quan đến ông Luận kia chứ?

- Mấy chị em đều đi cả à? Trời ơi! Tôi không ngăn cản được vụ này! Cậu Minh, tôi xin cậu làm giúp tôi điều vừa nói và đừng có thảo luận gì nữa. Tôi sẽ giải thích cho cậu nghe ở dọc đường. Mau lên cậu! Không được chậm trễ một giây phút nào nữa!

Rồi hắn chạy một mạch về phòng. Thấy hành động bất thường của hắn, Minh đành phải nghe theo. Vì hắn đã hứa sẽ giải thích…Cậu bèn vào nhà xe, kiểm tra lại xe đạp của cậu và của ông Hải thấy đều tốt vội mang ra ngoài. Nam ăn vận chỉnh tề như đi xem lễ ngày chúa nhật, cũng vừa ra tới nơi.

- Chúng ta đi thôi, cậu!

Họ vừa lên yên thì bỗng nghe thấy tiếng gọi:

- Minh, Nam, làm gì vậy? Đi đâu thế? Bà Hà đã đứng chặn trước hai người.

- Thưa bà, chúng cháu đi một công chuyện rất gấp Nam đáp nhanh tranh lời Minh Chúng cháu đi tới chỗ cô Đào và các em nhỏ đang đợi ạ.

- Thế bỏ công việc à? Bà nghiêm sắc mặt hỏi.

- Thưa bà, xong cả rồi ạ.

- Nhưng các cháu đi đâu vậy? Bao giờ thì về? À mà này, Minh ơi, bác rất ngạc nhiên về vụ này: người phát thư hôm nay đã mang tới một lá thư gửi cho cô Thu Trang, thư của bà mẹ! Bác biết lối chữ của bà ta… mà thư lại đề ngày hôm qua! Bác không hiểu chuyện gì đã xảy ra mà cụ lại viết thư cho con gái trong khi cô ấy lại đang ở cạnh bà ta. Có tai nạn gì xảy ra chăng?

- Thưa bác, cô Thu Trang đang bị đau ở Sàigòn Minh đáp Chúng cháu vừa được tin ban nãy ạ.

- Đau à? Đau làm sao? Mà sao cháu biết?

Cậu bé đành phải kể đầu đuôi việc gặp ông Du.

- Chúng cháu đi kiếm họ bây giờ cậu kết luận, không nhắc gì đến lũ em đã đi theo ông Du và sự cuống cuồng của Nam khi nghe tin này.

Bà Hà còn tiếp tục nói thêm về điều bất hạnh này. Nam thì bồn chồn và Minh không biết làm thế nào dứt ra để mà đi cho thoát.

- Thôi chúng cháu xin phép bác, cậu nói. Ông Du là người nóng tính, ông sẽ nổi khùng nếu chúng cháu để ông phải đợi lâu ạ.

Lý luận này làm bà Hà phải nghe theo. Bà tránh lối cho hai người lên xe cắm cổ đạp ra đường. Bà gọi theo:

- Đừng có phóng nhanh thế, khéo mà gãy cổ đó!

Nhưng hai người chẳng còn nghe thấy gì cả, còn mải lấy hết gân đạp. Nam lầu bầu:

- Khổ quá, chúng ta vừa mất đúng 15 phút rồi! Vậy là họ đã đi trước ta 25 phút. Trời ơi! Có thể tìm thấy được không?

Chiếc xe lớn của ông Du chạy với tốc độ kinh hồn. Ngồi một mình ở ghế sau Đào nghĩ đến cô Thu Trang. Cô giáo có linh cảm trước về sự gì đã xảy đến chăng? Hay lúc khởi hành cô đã thấy người khó chịu? Tội nghiệp cho cô! Chắc cô sợ lắm khi phải vào một dưỡng đường để chịu sự giải phẫu mà chẳng có ai ở bên cạnh để an ủi cô.

Loan và Quang rất khoái chuyến đi chơi bất ngờ này. Chúng nói năng huyên thuyên, đặt cả trăm câu hỏi, nhưng ông Du chỉ trả lời gióng một. Bỗng câu hỏi của Loan làm cho Đào phải chú ý:

- Ông nói là cô giáo đang ở Sàigòn ạ?

- Phải – ông Du lơ đãng đáp.

- Ông đi con đường này lạ hoắc à! Ba vẫn đưa chúng cháu đi Sàigòn, có bao giờ đi qua đường này đâu?

- Thì đường nào mà không dẫn tới Sàigòn?

Đào nhìn cảnh vật chạy qua trước mắt. Nhiều khi ông Kỹ sư Hải vẫn đưa các con đi học tại Sàigòn bằng xe hơi nên cô bé thuộc lầu đường đi và một vài lối thay đổi, nhưng chưa bao giờ đi qua lối này cả.

- Dưỡng đường không ở trung tâm Sàigòn – ông Du đột nhiên nói – nhưng ở ven đô. Ta đang đi theo con đường gần nhất.

Gần nhất tức là ở lân cận Sàigòn. Đào bèn nhìn trời: cô bé biết tìm phương hướng và không cần phải suy nghĩ lâu, cô bé biết rằng ông Du đang đi xa Sàigòn thay vì đi gần về thủ đô.

- Thế này là nghĩa gì? Cô lo lắng tự hỏi.

Xe vẫn chạy nhanh như gió. Đầu óc cô bé cũng làm việc với nhịp độ tốc hành.

- Hắn định mang chúng ta đi đâu thế này? Tại sao hắn đã nói dối là cô Thu Trang đang ở Sàigòn? Khi người ta nói dối có nghĩa là người ta đang muốn giấu một điều gì gian ác!

Tất cả lòng ác cảm của cô đối với ông anh họ cô giáo đã trỗi dậy và những sự việc khả nghi đã trở lại trí nhớ của Đào: những giọt nước mắt của cô giáo, dáng điệu sợ sệt trước mặt Du, nỗi thất vọng và những lời nói mập mờ của cô trước khi từ giã biệt thự. Có phải cô đã tiên đoán một sự nguy hiểm đang đe dọa lũ học trò? Có phải cô đã biết sự nguy hiểm đó là gì? Có phải ông Du định bắt cóc lũ con ông kỹ sư Hải?

Đào thấy trái tim lạnh toát vì sợ hãi. Lý do của việc bắt cóc không có gì khó đoán! Cô bé đã đọc được những truyện tương tự, người ta bắt cóc trẻ con để đòi tiền chuộc… người ta có thể bắt cóc các con ông Hải, để đòi cái công thức thuốc nhuộm do ông đã phát minh ra.

- Không! Ta điên rồi! Không thể thế được! Má đã có tài liệu rất tốt về cô Thu Trang, do một bà bạn quen thân với gia đình ta cung cấp. Chắc cô Thu Trang không đời nào dám cho vào nhà ta một ông anh họ có những mưu toan hắc ám.

“Chính ông ta đã buộc ta phải tới đây. Ta không thể đuổi ông ta đi… xưa kia ông đã cho ba ta vay rất nhiều tiền… ta rất mang lỗi đã tới đây!”

Những lời nói trên đây, Đào tưởng như cô Thu Trang đang nhắc lại bên tai mình. Lúc trước, cô bé thấy sự thất vọng của cô giáo là có lý, bây giờ nó sáng tỏ một cách ghê rợn! Đào đưa tay lên bóp trán đẫm mồ hôi.

- Làm thế nào bây giờ? Cô cuống quýt tự hỏi Nếu ta không lầm thì chúng ta đang bị kẹt rồi. Minh tưởng rằng chúng ta đang ở Sàigòn và không lo lắng gì cả, rồi nó sẽ làm thế nào để tìm kiếm ra chúng ta? Xin trời phật chỉ bảo cho con!

Bỗng Đào nhớ đến một cuốn truyện đã đọc từ lâu: chuyện của hai người, một tên gian phi đã bắt cóc một người yếu ớt nhưng tinh khôn. Người này đã làm mọi cách để lưu lại dấu vết trên con đường đã đi qua. Đào sẽ bắt chước hắn.

Cô bé nhìn hai bên đường. Khi tới một xóm nhà, Du phải giảm bớt tốc độ. Cô bé bèn thò đầu ra ngoài lấy tay vẫy vẫy, mặt thì làm trò hề. Cô thấy một bà đang đứng trước cửa, ngạc nhiên nhìn cô.

Mỗi khi xe chạy ngang một xóm nhà khác, cô lại diễn lại trò ban nãy. Tới một ngã tư, xe quẹo tay mặt. Lanh lẹ, cô ném chiếc khăn tay xuống vệ đường. Rồi đến đôi dép và đôi vớ của cô cũng được rắc ở các chỗ rẽ khác. Trong khi đó, Du phải chăm chú lái xe nên không hay biết gì cả.

Bỗng xe chạy vào một lối nhỏ gồ ghề.

- Tới nơi rồi Du nói.

Xe vào cổng và đậu ở cuối sân. Một ngôi nhà mới quét vôi hình thước thợ đứng về phía phải trong cùng.

- Các em đi theo tôi ông Du nói Đừng làm ầm nhé!

Đào nhìn xung quanh chẳng thấy một ai. Có lúc cô định chạy trốn. Cô chạy rất mau, có thể ra tới đường cái mà Du không bắt kịp. Nhưng cô lại nghĩ đến các em: Nếu là một vụ bắt cóc, các em cô sẽ ra sao nếu cô bỏ lại chúng lúc này? Vì vậy, cô quả quyết bước theo hai em. Bốn người tiến vào trong nhà, qua một dãy hành lang, lên một cầu thang vắng vẻ. Rồi ông Du mở một cái cửa và nói:

- Các em vào đây đợi tôi một lát, tôi đi hỏi xem liệu cô Thu Trang có thể tiếp các em bây giờ được không.

Rồi ông đi ra, khép cửa lại. Căn phòng sáng sủa, trang hoàng đẹp đẽ. Hai đứa nhỏ ngồi xuống đi-văng. Đào lẳng lặng trở lại cái cửa, nhè nhẹ vặn quả đấm để các em không nghe thấy. Cô đứng lặng người vì cánh cửa đã bị khóa từ bên ngoài và ba chị em cô đã bị cầm tù …

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IX, X