Thứ Hai, 16 tháng 7, 2018

CHƯƠNG X_KHÁCH LẠ ĐÊM KHUYA


CHƯƠNG X


Cơn bão đe dọa từ mấy ngày nay bỗng nổ bùng. Từ Sàigòn trở về nhà, Khải và Kim Chi phải đạp xe dưới một trận mưa tầm tã và cả hai đều ướt như chuột lột. Vừa về tới nhà, bà mẹ bắt mỗi người phải uống một ly sữa nóng và lấy chăn chùm kín người.

- Cứ ngồi như thế này mãi thì bao giờ hoàn thành pháo bông ? Kim Chi phàn nàn.

Còn Khải thì rất băn khoăn về một vấn đề khác. Khi bước chân vào nhà, cậu thoáng thấy Tín lẻn ra lối cửa kia. Sao nó không lại tường trình với cậu công việc ban sáng ra sao ?

Lúc đó Tín đang lội trong bùn lầy để tìm cái máy ghi âm. Bị mẹ mắng Tín đã quên khuấy chiếc máy. Khi thấy anh về nó mới sực nhớ ra. Nhặt máy lên, nó lấy khăn tay chùi thật khô. Bây giờ chỉ việc đem sang biệt thự Bạch Liên. Tuy nhiên, mọi sự đều phải trông cậy vào chị Tư.

- Làm sao lấy cắp được chìa khóa cổng bây giờ ? Tín thở dài.

May quá, chị Tư đang lúi húi làm bếp, đứng quay lưng ra ngoài. Tiện quá, chẳng phải nói năng gì hết. Tín rón rén bước vào, thò tay với chiếc chìa khóa treo trên cửa bếp, tiện thể lại mượn luôn tờ báo để gói chiếc máy cho đàng hoàng.

Cham Nóp đón tiếp thằng nhỏ với vẻ mặt khó chịu. Tín xin lỗi :

- Tôi đã làm vỡ miếng kính nhà chú, chỉ vì muốn gọi chú ra đó thôi. Chú đừng giận nhé, tôi sẽ đền tiền để mua miếng kính khác. Bây giờ anh tôi sai tôi qua đây để đưa cho bà Mỹ Lệ cái gói này, vì Bích Ngọc đó.

- Bích Ngọc ?

Cham Nóp vội mở cổng, đưa Tín vào phòng khách. Bà Mỹ Lệ và cô bé đang ngồi đan áo cho hội từ thiện. Một chiếc đĩa hát đang quay trên máy nhưng bản nhạc phát ra không gây nổi một chút không khí vui tươi trong căn phòng.

Tín lễ phép trình bày vấn đề và kết luận :

- Thưa bà, anh cháu dặn rằng bà sẽ hiểu rõ đầu đuôi khi cho chạy chiếc máy này. Bà sẽ nghe thấy hai ông nói chuyện với nhau.

Tay run run, bà Mỹ Lệ đỡ lấy chiếc máy.

- Cậu ở đây một lát với Bích Ngọc nhé.. Tôi sẽ trở lại ngay.

Ai cũng đoán biết rằng bà không muốn cho con nhỏ nghe biết những biến cố mà bà vẫn muốn giấu nó từ trước.

Tín vốn xưa nay không thích chơi với con gái, nên lúc này nó tỏ vẻ mặt nhẫn nại. Nó để ý nhìn thì thấy cô bé có bộ mặt rất đẹp nhưng đượm vẻ ưu tư, nên tuy bản tính nghịch ngợm, lúc này nó đã hiền hẳn lại. Nó nghĩ rằng muốn cho cô bé được vui, nó sẵn sàng tặng cô những món đồ chơi mà nó vẫn ưa thích nhất, hoặc rủ cô ra leo trèo mấy cành cây rồi ngồi vắt vẻo ở trên cao, tưởng tượng như mình đi tầu bay vậy.

- Chị có thích trèo tường không ? Tín hỏi, nghĩ bụng tìm ra được một đề tài hấp dẫn để nói chuyện.

Bích Ngọc thú nhận là chưa bao giờ thử trèo tường cả.

- Nếu má chị cho phép, tôi sẽ chỉ cách cho chị.

- Tôi không còn cha mẹ, chỉ còn bà nội và má đỡ đầu thôi.

Không còn cha mẹ ! Tín hiểu tại sao bộ mặt cô bé vắng nụ cười trên môi. Lúc đó bà Mỹ Lệ vừa trở lại với vẻ mặt bối rối :

- Chiếc máy này không chạy. Thế anh cậu có tóm tắt cho cậu biết hai người nói chuyện với nhau những gì không ?

- Thưa bà, anh cháu coi cháu còn bé quá nên không nói gì hết. Cháu chỉ đứng ngoài hành lang và nghe thấy anh chị cháu bàn luận gì với nhau, nhưng cháu không chắc đã hiểu rõ. Có lẽ anh cháu muốn báo tin cho bà biết rằng Cảnh sát sẽ tới đây tối nay.

Bà Mỹ Lệ thất sắc :

- Tối nay hả ?

Bây giờ biết làm sao ? Chắc là bà đang bị theo dõi. Bà mà bước ra tới ngoài thì người ta sẽ cướp mất con nhỏ. Và tai hại nữa là bọn họ vẫn có lý phải trước pháp luật. Thay vì lẩn trốn, sao bà không thu thập tài liệu để trình bày trước tòa án, sao bà không nhắc nhở lá đơn trước ? “Ta như người mất hồn rồi” bà tự nghĩ và cảm thấy vô cùng thất vọng vì đã không làm đầy đủ phận sự.

Có nên chạy trốn không ? Trú ẩn ở đâu ? Và được bao lâu sẽ lại bị khám phá tung tích ?

Bà định kêu Cham Nóp thì chú tài xế cũng vừa vào tới.

- Thưa bà, có lẽ Cảnh sát đến. Con trông thấy chiếc xe lớn và những người xuống xe.

- Chớ có mở cửa. Chú ở đó đợi tôi.

Bích Ngọc trợn tròn mắt hoảng hốt, mọi người đều đứng lặng như những pho tượng trong sự lo lắng chờ đợi. Bỗng chuông reo liên hồi..

- Đừng động tĩnh gì cả, bà Mỹ Lệ lẩm bẩm.

Bà cố ý nói nhỏ, nhưng ngôi nhà ở cuối vườn, tiếng nói không thể lọt ra tới cổng được. Cham Nóp nhận thấy rõ việc từ chối mở cửa sẽ mang lại nhiều hậu quả nên chú nhắc bà bằng tiếng Miên cho được dễ dàng hơn.

- Không, không, bà từ chối, tôi không thể để cho người ta bắt Bích Ngọc.

Chợt hiểu những gì đang đe dọa nó, con nhỏ vội níu lấy bà mẹ đỡ đầu mà hỏi :

- Thưa má, có phải bác Xuân Lộc sắp trở lại đây không ạ ? Má ơi, má giấu con đi, con sợ lắm, má đừng để cho con bị bắt đi, má ơi !

Tiếng chuông lại réo lên từng hồi như đe dọa.

Tín ngẫu nhiên bị vướng víu vào những biến cố bi thảm, nó thấy cổ nghẹn ngào. Vẫn quen một đời sống bình thản trong một gia đình êm ấm, nay bỗng nhiên nó phải mục kích một không khí mới lạ chứa đầy sợ sệt lo âu, nên nó cảm thấy mỗi lúc một hoang mang thêm. Nó thấy mủi lòng trước nỗi thất vọng của con nhỏ.

- Tôi có thể giấu được chị, bây giờ chị qua bên nhà tôi, Tín đề nghị.

Bà Mỹ Lệ phác một cử động mệt mỏi :

- Cậu ơi, họ đứng đầy ngoài cổng thì làm sao mà ra được để qua nhà cậu ?

Nếu là chị Kim Chi đã lý luận như thế thì chắc Tín đã nhún vai chế nhạo. Nó thấy kỳ khôi khi mọi người không qua được lối cổng thì đành chịu chứ không biết ra lối nào.

- Thưa bà, nhưng còn bức tường ? Trèo qua có khó gì ạ ?

- Chắc không bao giờ Bích Ngọc trèo nổi.

- Vâng, thưa bà, chị cũng có nói với cháu ban nãy. Nhưng nếu bắc một chiếc thang thì cũng được chứ ?

- Để tôi đi lấy thang, Cham Nóp sốt sắng đáp.

Nhưng mặc dầu vô kế khả thi, bà Mỹ Lệ vẫn còn áy náy về những sự phiền phức có thể gây ra cho những người lân bang giầu mối từ tâm. Nếu nhà chức trách lùng xét bên nhà ông bà Huy và khám phá ra Bích Ngọc, ông bà sẽ bị truy tố về tội đánh cắp một đứa trẻ.

- Thưa bà, bà cứ để cháu đưa chị ấy sang nhà cháu, chẳng có ai lui tới cả, và nếu cần cháu sẽ giấu chị ấy trong nhà chị Kim Chi, chị ấy có lớn là bao nhiêu và trong nhà cháu thì thiếu gì những chiếc thùng lớn để chị ấy trốn.

Cham Nóp trở lại với hai bàn tay rớm máu, vì đã gỡ dây kẽm gai để mở một lối đi. Chiếc thang đã được dựng lên một chỗ tường dễ leo nhất.

- Đi chị, Tín vừa nói vừa dắt tay Bích Ngọc.

Không thể trông mong gì vào một sự cứu ứng nào khác, bà Mỹ Lệ đành phải nghe theo sáng kiến của cậu bé con và cầu nguyện Trời Phật phù hộ cho cậu.

- Cham Nóp, bà nói, bây giờ chú ra cổng mà điều đình với họ để làm cách hoãn binh, rồi ta sẽ báo hiệu khi nào chú có thể mở cổng cho họ vào.

Đoạn bà chạy tới chỗ cái thang, đỡ cho Bích Ngọc leo lên. Tội nghiệp con bé ! Nó có biết một tí gì về thể thao đâu kia chứ ! Nó cứ víu chặt lấy mỗi nấc thang trong khi Tín đã ngồi vắt vẻo trên đầu tường từ bao giờ và lo lắng không biết con nhỏ có thể lên tới được không.

Cuối cùng, cố gắng mãi, Bích Ngọc mới nắm được hai bàn tay mà Tín thả xuống, và ngoi lên một cách khó nhọc vụng về.

- Bây giờ, chỉ còn việc nhảy sang bên kia là xong, Tín nói rất tự nhiên.

Nhẩy xuống ? Con nhỏ sẽ bị gẫy xương chân là ít. Nên phải chuyển cái thang qua tường sang bên kia để con nhỏ leo xuống thì mới được. Nhưng bà Mỹ Lệ cũng như Tín đều không đủ sức khỏe để mà làm công việc đó. Phân vân một lát, mấy người phải cộng sức với nhau, bà Mỹ Lệ thì đẩy thang, còn Tín và Bích Ngọc thì kéo lên, hai đứa luôn luôn tưởng như sắp bị sức nặng chiếc thang lôi ngã xuống. Cuối cùng, chiếc thang đã nằm ngang trên tường và bây giờ thì hai đứa nhỏ phải tự lo lấy.

Tín bèn đẩy cho chiếc thang rơi xuống bên kia rồi chỉ thoắt một cái nó đã từ trên đầu tường nhẩy xuống đất.

- Cháu không sao cả bà ạ, nó nói cho bà Mỹ Lệ biết và dựng chiếc thang lên tường. Bích Ngọc leo xuống vụng về và bây giờ nó đã đặt chân trên vườn nhà ông bà Huy.

- Không thể để nguyên chiếc thang ở đây, vì cảnh sát có thể tới trông thấy, Tín giảng giải.

Hai đứa nhỏ bèn ì ạch khiêng chiếc thang cồng kềnh tới nhà Tín.

Vừa đi được vài bước, chúng nghe thấy những tiếng hò hét vui mừng từ trong nhà vọng ra : “Ba đã về ! Ba đã về !”

Tín vội bỏ chiếc thang giữa đường đi, rồi vừa kéo Bích Ngọc chạy theo vừa nói :

- Lẹ lên, ba đã về, chị được cứu thoát rồi.

Khi hai đứa bước vào, cả nhà đều ngạc nhiên không hiểu sự gì.

- Thưa ba má, Tín nói, có những người muốn đến bắt chị này nên chị ấy chạy trốn tới đây ạ.

Ông bà Huy từ trước chưa hề nghe nói tới Bích Ngọc và không biết rằng cô bé ở nhà hàng xóm, nên mới đầu đã tưởng đây là một trò chơi mới lạ của cậu con tinh nghịch bầy ra. Nhưng ông bà vẫn không khỏi ngạc nhiên vì xưa nay cậu con có bao giờ chơi với con gái đâu ?

Ông bà chưa kịp hỏi lý do thì Khải đã giải thích :

- Thưa ba má, đây là Bích Ngọc ở biệt thự Bạch Liên bên cạnh ạ.

- A cô bé láng giềng ! Kim Chi thốt lên khi thấy tận mắt cô bé bí mật mà xưa nay Kim Chi vẫn muốn làm quen.

Khải bèn kể lại cho ông bà Huy nghe trong trường hợp nào cậu đã được vào biệt thự Bạch Liên và bị vướng vào những biến cố bi thảm. Rồi cậu kể tiếp cuộc đối thoại mà hai anh em đã thâu được vào máy ghi âm và những lời đe doạ của Xuân Lộc.

- Thưa ba, cậu kết luận, trong khi ba vắng nhà, con không biết hành động ra sao cả.

Câu chuyện vừa rồi có vẻ khó tin. Ông Huy tự hỏi không biết những đứa trẻ có mắc mưu một thiếu phụ khôn ngoan hay không. Ông quá ngay thẳng và quá nhiều kinh nghiệm nên không muốn dính líu vào một vụ không được minh bạch cho lắm.

- Tốt hơn, ông nói, là ta phải báo cho cơ quan cảnh sát biết sự hiện diện của những nhân viên an ninh giả hiệu.

Trong khi ông Huy qua phòng giấy để kêu dây nói, Khải và Kim Chi vội ra ngoài để nghe ngóng tình hình ra sao.

Một chiếc xe hơi lớn vẫn đậu trước nhà bà Mỹ Lệ.

- Chúng mình ra xem đi, Khải quyết định.

Kim Chi vội bước theo anh nhưng hai người đã đụng ngay chiếc cổng khóa kỹ.

Những gì đã xảy ra sau những bức tường bí mật của biệt thự Bạch Liên từ lúc Bích Ngọc và Tín rời khỏi tòa nhà đó ?

Khi Cham Nóp vừa hé cổng thì những tên đồng loã của Xuân Lộc đã hùng hổ xông vào tòa nhà. Hai tên mặt mũi hung tợn vây ngay lấy chú tài xế hỏi dồn :

- Con nhỏ đâu rồi, nói mau !

Cham Nóp làm bộ mặt ngớ ngẩn :

- Đi khỏi rồi, đi khỏi lâu rồi !

- Mày nói láo, chúng tao biết nó còn ở đây.

Cham Nóp bèn lắc lư cái đầu, miệng nói huyên thuyên những tiếng Miên. Bọn kia chẳng hiểu gì cả lại càng tức giận hơn.

Bà Mỹ Lệ thì cố nén sự xúc động, nhưng tiếng nói của bà cũng không khỏi run run khi bà trả lời những câu hỏi của một viên tự xưng là thanh tra An ninh.

- Từ lâu nay, Bích Ngọc không còn ở nhà tôi.

Người kia cất một tiếng cười ngạo nghễ rồi lên giọng doạ nạt :

- Bà có biết sẽ phạm vào tội gì nếu bà không chịu khai sự thật hay không ? Bắt cóc con nít là rũ tù. Chắc không khi nào bà muốn như vậy vì một đứa nhỏ không phải là con bà. Bà chẳng có lợi lộc gì và…

- Tôi chưa bao giờ nghĩ đến lợi của tôi hết. Đứa nhỏ này đã bị khổ hạnh, tôi không thể nào dửng dưng trước cảnh ngộ của nó. Tôi rất vui lòng đón nhận tất cả hậu quả về việc làm của tôi.

- Thế bây giờ nó đâu ? Bà đừng có bướng bỉnh mà không được với tôi.

- Tôi xin nói với ông là tôi không biết.

- À, tôi xin nhắc lại là chúng tôi có quyền lục soát nhà này, vậy chúng tôi sẽ lục soát và sẽ tìm thấy con nhỏ dù bà muốn giấu chỗ nào đi nữa.

Người kia nói với giọng hách dịch đầy tự tin, nhất là bà Mỹ Lệ đã không hề đòi coi lệnh xét nhà hoặc thẻ hành sự.

- Bích Ngọc không có ở đây, bà nhắc lại.

Bỗng tiếng nói của bà thấp xuống như chột dạ. Ban nãy, vì vội đưa con nhỏ chạy trốn, bà đã quên không thu dọn những vết tích của nó. Trên một chiếc ghế bành, người ta còn thấy một con búp bê và một cuốn sách mà vừa đây Bích Ngọc đang đọc dở. Và chỉ cần vào căn phòng cạnh đó là thấy đầy những quần áo và tất cả vật dụng riêng của con nhỏ.

- Chúng tôi đi lục soát bây giờ, viên thanh tra giả hiệu nói, tuy hắn đã thấy bối rối vì các sự việc đã không diễn tiến như hắn đã ước đoán trước. Sự vắng mặt bất ngờ của Bích Ngọc làm hắn đâm ra lúng túng, chẳng biết xử sự ra sao.

Hắn ngoắc tay ra lệnh cho các đồng lõa đi lục soát từng phòng rồi quay lại bà Mỹ Lệ hỏi :

- Thế nào, bà nhất định không chịu khai thật chứ ?

Bà lắc đầu mỏi mệt, ngồi ủ rũ trong chiếc ghế bành.

Viên thanh tra giả hiệu vẫn đứng yên suy nghĩ : “Ông Xuân Lộc sẽ nổi khùng nếu ta làm điều gì sơ xuất trong lúc này. Nhưng tại sao ông ta không dự đoán trước là họ có thể đưa con nhỏ đi trốn, để ông cho ta chỉ thị cần thiết ?”

Bỗng một hồi chuông reo lên, làm biến mất vết nhăn lo lắng trên trán hắn ta. Chắc đây là ông Xuân Lộc, tin chắc ở kết quả của kế hoạch, đang tới đón con nhỏ.

Để chứng tỏ hắn đã thủ trọn vai trò được giao phó, viên thanh tra giả hiệu vội làm vẻ lăng xăng, mở các ngăn kéo, lôi các đồ vật ra quan sát, và không để ý đến những bước chân người đang tiến dồn dập vào nhà.

Một bàn tay đặt nặng chĩu trên vai hắn làm hắn quay lại. Hắn sửng sốt lùi lại mấy bước, làm xô cả cái bàn kê gần đó. Đây không phải là Xuân Lộc mà là một viên chức mặc sắc phục hẳn hòi.. Tên thanh tra giả hiệu đưa mắt nhìn cái cửa ra…xa quá… lại nhìn cái cửa sổ… cũng không thể tới được. Hắn đành thở dài ấp úng :

- Xin ông đừng bắt giam tôi.

- Đi theo ta, viên chức kia ra lệnh.

Tên nọ cúi đầu đi theo.

Ra tới ngoài vườn, hắn thấy đồng bọn đã bị bắt cả, mặt mũi đứa nào đứa nấy cắt không còn được hột máu.

Bọn này đã định chạy trốn nhưng không kịp.

Vì quá xúc động, bà Mỹ Lệ không hiểu gì hết muốn té xỉu.

Vừa lúc đó, bà thấy một ông vẻ mặt đầy thiện cảm tiến vào. Cậu con lớn giống ông như lột, nên bà Mỹ Lệ không chút do dự lên tiếng :

- Thưa ông, chắc ông là thân phụ của cậu Khải, có lẽ ông rất bực mình với chúng tôi vì đã để cậu tham dự vào cuộc phiêu lưu này, và đã gây nhiều phiền phức khi gởi cháu Bích Ngọc sang bên đó. Tôi đã trải qua những cảnh huống quá thống khổ nên vừa rồi tôi đã không ngần ngại nhờ sự giúp đỡ của các cậu nhỏ.

- Vâng, thưa bà, cháu Khải đã kể cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện. Lúc này tôi tới đây, chính là để nói cho bà tin chắc rằng từ nay bà không phải phấn đấu một mình nữa. Bà cần phải trở thành một bà mẹ thực sự của Bích Ngọc.

________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XI