Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

HƯƠNG VỊ TUỔI THƠ - Trần thị Phương Lan




Khi hồi tưởng về quãng đời thơ ấu, chắc chắn không ai có thể quên được những món ăn gọi là quà vặt, nhưng lại không vặt vãnh chút nào, vì chúng cứ lẩn khuất sâu trong ký ức, chỉ chờ có dịp được khơi lên là lại vẫn sống động, y như là chúng ta mới ăn ngày hôm qua, hôm kia gì thôi!

Lúc còn nhỏ tôi ở với bác ở dưới Châu Đốc, tuy bác là nhân viên của Ty Thuế Vụ, nhưng chắc rất thanh liêm, nên ngoài lương ba cọc ba đồng ra thì chẳng có gì nữa! Mỗi sáng bác thường thức dậy rất sớm, khoảng bốn giờ, để tập thể dục, nghe tin tức trên radio, và chờ người bán bánh mì đạp xe ngang qua nhà để mua. Nếu chưa dùng ngay, bác đem ủ vào trong bao để lúc tới lúc ăn thì bánh vẫn còn nóng giòn như mới ra lò! Sáng nào cũng vậy, bác đều ăn bánh mì với sữa đặc, hoặc đường cát, trước khi đạp xe đi làm!  Sống một đời công chức thanh bạch và gương mẫu, chưa bao giờ bác trai ăn một món điểm tâm nào khác! 

Chị Tâm chị họ của tôi và tôi, trái lại, mỗi đứa được hai đồng bạc cắc, để mua điểm tâm tùy ý thích. Nói tùy ý cho xôm vậy thôi, chớ thật ra tôi chẳng mua được gì nhiều, vì tôi nhớ như in có một lần tôi đi xa hơn thường lệ một chút để mua quà sáng, chắc vì thức dậy trễ quá nên mấy hàng gần nhà đã bán hết. Cửa hàng này trước đó tôi chưa vô lần nào, phần vì ngại xa, mặt khác chắc trông có vẻ đông khách quá nên sợ chờ tới lượt sẽ lâu chăng. Chỉ nhớ cầm trên tay hai đồng, tôi đã xăm xăm đi tuốt vô mé trong nơi bà chủ quán đang ngồi bán, chỉ để mua hai đồng xôi!, trong khi phải đi ngang qua hàng hàng lớp lớp cơ man những rổ, rá, mẹt, nồi, thúng, khay, thau... bầy la liệt các món ngọt, mặn từ bánh tằm, bánh tằm bì, bánh khoai mì, bánh đậu xanh, bánh chuối hấp, bánh bèo, bánh ướt, bánh lá dừa..., tới các loại chè bà ba, táo xọn, trôi nước, bánh canh ngọt ăn với mè và nước cốt dừa..., còn xôi thì xôi vị, xôi ngũ sắc luôn nha các bạn, và còn những gì gì nữa nhưng tôi không dám nhìn ngang liếc dọc lấy một lần, chỉ sợ mắc công thèm thêm mà không có tiền mua!

Với hai đồng bạc, thường thường mỗi sáng tôi hay mua xôi, vì bánh mì thịt có giá tới ba đồng. Vả lại, anh Tín anh họ tôi nói người ta làm bằng thịt chuột, nhưng thật ra không phải vậy, về sau lớn lên tôi mới biết, rằng khác với khi chế biến ở nhà có đơn sơ và vệ sinh hơn, thịt heo ăn kèm bánh mì ngoài tiệm luôn luôn được nhuộm phẩm màu màu cam tươi cho bắt mắt hơn! Thế là sống năm năm dưới Châu Đốc mà tôi chưa hề nếm thử lấy một lần duy nhất bánh mì thịt Châu Đốc, vì sợ ăn phải thịt chuột!

Xôi Châu Đốc mỗi phần được gói vô khoảng chừng góc tư chiếc lá sen nên khi ăn có vẻ rất thanh khiết. Sau này, ban đầu khi trở lại Sài gòn, tôi thường hay có thói quen so sánh hai nơi, như xôi Sài gòn lại gói bằng lá chuối, rồi còn đựng trong bao nylon hay hộp xốp nữa, có vẻ xô bồ và không thanh tịnh chút nào! Nhưng xôi Châu Đốc bán ngày thường không thể nào so sánh được với xôi đình, nấu bằng nếp thượng hạng và nước  cốt  dừa  thơm  phức  mùi  lá  dứa. Sau buổi cúng đình một năm tổ chức hai lần, mỗi gia đình sẽ chỉ được phát một phần to cỡ bằng bàn tay người lớn, nhưng mà ăn một miếng thôi nha, ta nói, ngon tới độ nhớ suốt đời luôn! Chỉ có một vài loại xôi có thể so sánh được với xôi đình thuở bé về độ ngon, đó là xôi Xiêm, hay xôi sầu riêng.

Hôm nào không thích ăn xôi điểm tâm, tôi sẽ xà vào hàng bánh khọt. Bánh khọt Châu Đốc, (lại so sánh!) không bỏ bột nghệ, chỉ thuần khiết bột và nước cốt dừa ăn mềm mại, béo ngậy. Người bán bánh khọt cũng dùng khuôn to hơn ở Sài gòn, nên hai đồng hình như được bốn cái, con nít cỡ tôi ăn no cành hông.

Nhưng món điểm tâm đặc sản của Châu Đốc mà tôi mê nhứt, đó là bún kèn. Nói đặc sản vì từ hồi lớn lên ở Sài gòn, tôi chẳng hề thấy bún kèn được bán ở đâu khác ngoài Châu Đốc, tới nỗi một lần thèm quá nhớ quá, lại tình cờ vớ được một cuốn sách dạy nấu ăn độc nhất vô nhị có dạy món bún này vừa mới phát hành, tôi đã nấu thử ngay lập tức, nhưng chỉ để cảm thấy một nỗi  thất vọng tràn trề. Cũng cá lóc, tôm khô, rồi thơm bằm nhuyễn, rồi sả, nước cốt dừa, bột cà ri vàng ươm, nhưng sao hương vị năm nào thuở bé cứ mãi hoài lẩn tránh! Hình như những món ăn tuổi nhỏ cứ đeo đẳng dai dẳng trong ký ức, ngọt ngon không gì sánh nổi, chỉ vì nó còn mang cả hương vị tuổi thơ! Mà loại "gia vị" này thì chỉ có cách là úm ba la a thần phù quay trở lại thành một con nhóc mới tìm ra mà thôi! Tôi vừa mới đọc được hai câu thơ trên mạng:

Ai đâu trở lại thời gian trước, 
Nhặt lấy cho ta kỷ niệm đầu

... nghe hay thì hay đấy nhưng sao quen quen, na ná như những câu thơ của Chế Lan Viên trong bài Chiều Xuân:

Ai đâu trở lại mùa thu trước, 
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng!

Dù sao thì hai câu thơ trên cũng diễn tả đúng nỗi lòng của nhiều người đã trưởng thành, thậm chí là già rồi nữa,  nhưng vẫn hoài nhớ tuổi thơ như tôi.

Còn vô số những hàng quà vặt ăn trưa, ăn xế, ăn trừ bữa, ăn tối nữa, hay nhiều khi gặp lúc nào là mua lúc đó, với điều kiện trong túi hoặc trong ống heo còn rủng rỉnh vài đồng bạc cắc!

Buổi trưa nằm ngủ lơ mơ trên bộ ván mà thoáng nghe tiếng rao bánh tai yến, tưởng không có gì buồn hơn. Trưa Châu Đốc rất lặng lẽ, trên trời chỉ có nắng và nắng, vườn bên nhà bác Giáo cây cối xanh um tùm nhưng chẳng có lấy một tiếng chim, ngoài đường không một tiếng xe chạy, không một bóng người, ngoại trừ những người bán hàng rong, như thằng bé bán bánh tai yến đội trên đầu nguyên một mâm xếp những chồng bánh cao nghễu nghện mà vẫn đi tỉnh bơ, không sợ đổ ụp xuống đất! Tôi vẫn thường tự hỏi, không biết thằng bé ấy phải rạc cẳng đi qua bao nhiêu hương lộ thì mới bán hết mẻ bánh ấy, để mang tiền về nhà cho người mẹ tảo tần đã cặm cụi làm ra từng ấy thành phẩm!  Những chiếc bánh tai yến kỷ niệm ấy tuy mộc mạc, dân dã nhưng lại rất ngon và rẻ, mặc dù tôi chẳng biết chúng làm bằng gì.

Có một nhân vật hiếm hoi khác cũng xuất hiện vào buổi trưa ở miền quê thanh vắng ấy, đó là chú bán cà rem. Có đứa trẻ nào mà không mê cà lem sô cô la sữa hột gà, cà rem cây? Tôi dĩ nhiên cũng không là ngoại lệ! Tôi nhớ có lần đang mua thì ngẩng lên thấy từ xa hai anh tôi Hải và Hòa mỗi người xách một bên chiếc giỏ đựng quần áo đang đi tới! Đó là mùa hè, và hai anh tôi trên Sài Gòn về quê chơi! Anh Hòa nói, lần nào về Châu Đốc cũng thấy tôi mặc quần bain de soleil (quần phồng) đỏ, và đang mua cà rem!

Vào những buổi trưa nắng gắt, một lựa chọn khác thay cho cà rem và cũng thú vị không kém, đó là đá nhận, nhưng rất tiếc món giải khát dành cho trẻ thơ này dường như đã bị thất truyền. Đá bào xuống ly được ém chặt, hay nhận xuống để khi trút ra có hình dáng cái ly, được xịt xi rô trái cây màu vàng, đỏ, xanh lá cây tùy theo ý muốn của người mua, và mặt trên sẽ được rót những dòng sữa đặc vòng vèo cho thêm béo. Đá nhận được em bé hào hứng hút cho tới khi phần xi rô màu đã biến mất, chỉ còn trơ viên đá trắng nhách, để lại một cảm giác lạnh đỏ cả tay.

Một gánh quà trưa hầu như ai cũng mê, bất kể con nít hay người lớn, đó là Bông Cỏ, hay sương sa hột lựu nước cốt dừa. Mê vì chẳng những ngon, lại đẹp mắt nữa. Riêng tôi thì lại còn vì vị dầu chuối mê ly khó quên, và cái tên món ăn nghe rất ư là lãng mạn, đượm hương đồng gió nội, làm tôi cứ tưởng được nấu từ những bông cỏ be bé xinh xắn màu tim tím tôi vẫn thường hay bứt trong sân trường!

Chiều mát là lúc những đứa trẻ tỉnh lẻ chúng tôi thường hay lững thững ra trước Ty Thông Tin chơi, nơi đậu xe bán trái cây như cóc đã  tỉa năm, sáu cánh xòe ra như bông hoa cho dễ ăn –, rồi ổi, cà na, mận, xoài tượng, đặc biệt là chùm ruột (bây giờ chẳng thấy bán, có lẽ vì khẩu vị người ta đã thay đổi)... ngâm trong nước đường màu vàng tươi sóng sánh gợi thèm, ăn kèm muối ớt gói trong mảnh giấy báo quấn lại thành một cái quặng nhỏ. Cũng có vài đứa trẻ trạc tuổi tôi ngồi bán những rổ trái trứng cá be bé chín đỏ chỉ nhìn cũng đủ biết là ngọt lừ. Những chiếc rổ này chắc do những  đứa  bé bán  hàng  tự xếp bằng giấy báo như chúng ta xếp giấy Origami. 

Thỉnh thoảng người ta lại thấy một bà bán những trái ớt xanh, đỏ, và cả màu vàng nữa, làm từ đậu xanh, gắn vào cây trông như cây ớt thật, gác lên thành một cái thúng mây, vừa đi vừa rao ngang qua nhà. Lũ trẻ chúng tôi thích mê, vì bánh trông giống ớt thật nhưng ăn không cay chút nào, vừa ngọt ngon mà lại vừa ngộ nghĩnh, ăn tới đâu "hái" tới đó như bứt từ trên cây ớt thật xuống vậy! Cũng có khi bà ấy bán các loại trái cây khác cũng nặn từ đậu xanh như khế, măng cụt, thơm, mãng cầu, trái phật thủ, quít, chuối... với màu sắc bóng bẩy và trông rất giống thật. Lần nọ bà lại bưng cả một mẹt con giống đủ màu sắc, muốn mua con gì có con đó, đặt sẵn trên những mảnh giấy dán dưới đáy, hoặc cả mâm trái cây chưng ngũ quả nữa, nhưng lần này thì không ăn được, vì con giống chỉ để ngắm thôi.

Đầu tháng bác trai mới lãnh lương, chúng tôi sẽ được ăn phở để đổi món. Xe phở đẩy rong tìm khách, và người bán sẽ bưng tô phở vô trong nhà nơi chúng tôi quây quần vừa cười nói vừa thưởng thức món mỗi tháng chỉ được ăn một lần. 

Cũng vào những buổi tối khi trời hơi lành lạnh vì những cơn gió thổi qua lòng đường trống trải vắng bóng người qua lại, một ông già người Tàu lững thững đạp xe bán dạo món mía hấp, với ngọn đèn măng xông cháy leo lét ở góc xe, và một nồi hấp mía thật to, khói tỏa nghi ngút mang theo mùi thơm ngào ngạt. 

Nhưng món ăn vặt dành cho buổi tối mà tôi yêu thích nhất là món tạm gọi là bánh hấp, tương tự như bánh lá mít, nhưng khác ở chỗ bánh lá mít thì bột đã khuấy sẽ được phết lên lá mít và cứ thế mà hấp trong xửng, còn món bánh hấp sẽ được phết vào lá chuối, gói ngay ngắn thành một hình chữ nhật xẹp lép trước khi đem đi hấp, ăn với nước cốt dừa và mè rang. Loại bánh này có vẻ còn hiếm hơn cả bánh lá mơ, và tôi đã cẩn thận tra Google để tìm tên mà vẫn không thấy. Các bạn miền Tây nào biết xin "chỉ giáo" cho nhé!

Vẫn còn một món quà thuở nhỏ tôi không biết tên, và tưởng đã mất tích luôn. Không ngờ bao nhiêu năm sau, tôi mới khám phá ra chính là Bò Bía Ngọt. Mặc dù có đầy rẫy ở Sài gòn, nhưng người bán bò bía ngọt rong ở Sài gòn dùng một hình thức khác hẳn : họ chạy xe đạp, hay xe Honda, và chở theo một cái thùng kiếng to phía sau, dán hoặc sơn hàng chữ Bò Bía Ngọt cũng to không kém; trong khi dưới Châu Đốc, một ông Tàu trung niên sẽ đeo bên vai một thùng sắt tây chứa những thanh kẹo xốp, và xấp vỏ kẹo là những tấm  bánh giống như bánh tráng, nhưng mềm hơn và màu thì trắng đục, tay còn lại ông ta lắc lia lắc lịa một ống nhôm đựng mè đen, nắp có đục lỗ, nghe lắt xắt lắt xắt, như một cách rao hàng, chớ chẳng nói một lời nào để giới thiệu món hàng mình bán.  Hèn chi mà tôi ăn mãi mà cũng chẳng biết món quà tuổi thơ ngon nhớ... tới già đó tên gọi là gì!


Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)