Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

PHÁT GIÁC BẤT NGỜ - Minh Quân


Lâu quá, không có dịp trò chuyện cùng các bạn, tôi cảm thấy nhơ nhớ thế nào ấy. Moi óc hoài vẫn không thấy nảy ra một câu chuyện gì làm quà sau chuyến đi xa. Tục ngữ ta có câu: "đi xa về nhà nói khoác" nhưng tôi không thích nói khoác. Mình là người trong gia đình Thiếu Nhi, nói khoác nó làm giảm uy tín đoàn thể chúng ta đi. Mà không có chuyện gì nói với nhau thì cũng buồn buồn trong bụng (nói văn chương thì là "bồi hồi tấc dạ" đó nghe quí bạn!)

Thế rồi, đêm qua nhân trăng sáng, chị em tôi bắt ghế ra vườn (cái vườn to hơn chiếc khăn tay một chút chứ không lớn lao chi, nhưng cũng là cái vườn) tán dóc chơi, trong lúc đó, mẹ tôi ngồi trên võng cạnh chúng tôi cứ chốc chốc lại nhắc:

- Nói chuyện hoài, đi đánh răng cho xong đi, kẻo lát nữa lại quên.

Chúng tôi đang vui chuyện nên cứ hẹn lần làm mẹ cáu, mẹ la. Mà mẹ la thì eo ôi, ngán lắm! Tôi cũng tức mình quá: dù gì mình cũng lơn lớn rồi mà tối nào cũng bị nhắc chuyện "đánh răng đi" y như lũ nhỏ lên 10 và chưa kịp thì bị la mắng nhức cả tai. Nào là ăn ở không đúng phép vệ sinh này nọ, nào là lười không đánh răng ngay mỗi tối trước khi đi ngủ thì sẽ bị hư răng, vi trùng làm tổ trong miệng v.v...

Bỗng, trong lúc tức tối đó, tôi sực nhớ ra một người... một người đã lớn mà mà còn ăn ở thua xa chúng tôi. Tôi vùng vằng vùng vằng thầm thôi, chứ vùng vằng ra mặt thì... nguy lắm nghĩ: "Sao mẹ không giỏi la người đó đi coi? Mẹ chỉ bắt ne, bắt nét tụi con thôi. Con nít có thể được đối xử rộng lượng đôi chút chớ..." Tai hại ở chỗ: tôi nghĩ thành tiếng chứ không nghĩ thầm. Mẹ tôi trừng mắt lên:

- Con bảo ai? Mẹ mà sợ đứa nào không dám la rầy khi nó ở dơ?

- Cậu Kh.! Cậu còn ở dơ hơn tụi con nhiều, mà sao mẹ không la coi?

Cậu ở dơ hồi nào? Sao con biết?

- Trời ơi, sao con không biết... Cậu không bao giờ đánh răng buổi tối trước khi đi ngủ, con cho mẹ hay.

(Xin phép bạn, cho tôi mở cái dấu ngoặc giải thích rõ ràng: cậu đây không phải là em ruột mẹ tôi, nhưng cậu là bạn thân của cậu tôi, vì vậy mẹ tôi cũng coi cậu như em bà). Tôi còn nhớ lần đầu cậu gọi điện thoại đến nhà tôi, xưng cậu, kêu chị tôi bằng con rất ngon lành. Chị tôi kể chuyện này cho cả bọn nghe, tụi tôi đều bất bình ra mặt: cái gì? Cái gã thanh niên mặt non choẹt, thấp thua anh Vũ có tới hơn một trăm mi li mét mà dám kêu tụi tôi bằng con, xưng cậu hả? Giỡn hoài! Tụi tôi cũng là hạng chì chớ đâu phải chơi?

Tụi tôi bèn ngầm hẹn nhau, hễ gã ta tới nhà, tụi tôi sẽ hạ nhục chơi, đừng có chòi mòi làm người lớn với tụi này. Chúng tôi còn đang xì xào bàn kế hoạch coi hạ nhục thế nào cho êm thấm thì mẹ tôi đi chợ vừa về.

Mẹ tôi có tính đa nghi, hễ thấy thần dân trong cái quốc gia nhỏ bé da bà cai trị mà tụ họp, trò chuyện là bà để ý liền ý chừng bà sợ tụi tôi âm mưu đảo chánh hay yêu sách chi đây vì vậy bà gạn hỏi hoài, tụi này thì không quen nói dối nên bà biết nguyên do cuộc tụ họp ngay sau khi cởi áo dài. Bà nghiêm mặt nói:

- Tụi con không nên có ý nghĩ đó. Cậu ấy là bạn thân của cậu con, thì các con có bổn phận phải coi như cậu chứ, sao lại...

Nhiều tiếng nhao nhao phản đối:

- Đâu được! Cậu tụi con phải đàng hoàng kia. Cậu gì...

Mẹ tôi gạt ra:

- Đừng có coi mặt mà bắt hình dung. Sao tụi con biết cậu không đàng hoàng? Cậu làm gì không đàng hoàng?

Tụi này bí. Ờ, suy cho cùng thì cậu ấy đã làm gì mà chúng tôi chê không đàng hoàng? chưa có gì hết. Anh Vũ cười đến khục một cái, gân cổ lên:

- Cậu gì trẻ măng, nhỏ xíu.

- Lầm rồi, coi vậy chớ nó hơn ba mươi rồi, con ơi!

- Cậu gì lùn tịt, thua anh Vũ cả tấc...

Minh chen vô bênh vực ý kiến đồng bọn. Mẹ tôi im lặng. À, có vậy chớ. Tụi tôi tuy nhỏ nhưng đến năm đứa, mẹ lớn nhưng một mình. Mãnh hổ nan địch quần hồ, huống chi mẹ tôi đâu phải là mãnh hổ! Đột nhiên, mẹ tôi cười khúc khích. Cái gì vậy? Xưa nay chưa có ai thua trận mà vui bao giờ. Mẹ tôi điềm đạm:

- Tụi con thấy trâu bò nó to lớn ghê, phải không?

- Dạ, con bò thiệt to, con thấy rồi.

Bé út khờ khạo vào tròng quá dễ dàng. Tụi to đầu thì hơi đắn đo chút đỉnh, không vội trả lời câu hỏi. Mẹ đủng đỉnh tiếp:

- Đó, con thấy rồi đó, trâu bò to lớn biết bao nhiêu, mà người ta cứ quất vào mông nó đều đều...

Anh Vũ há miệng ra, nghếch mắt lên chưa hiểu gì hết. Mẹ lại cười:

- Vậy thì, lớn xác chưa hẳn là điều kiện tiên quyết để làm người lớn, hiểu chưa? 

Xấu hổ ghê! Tụi tôi đánh trống lảng:

- Ổng làm nghề gì, hả mẹ?

- Đồng nghiệp của cậu mày đó, nói cho tụi con hay, đừng có khinh thường.


Trời đất ơi! NHÀ GIÁO? Cái ông lùn thua anh Vũ cả tấc, trẻ măng, non choẹt đó mà là nhà giáo? Mà nhà giáo Trung học nữa mới chết người ta chưa? Dám có ngày ông ấy dạy tôi đó nghe! Chết chửa! Thật là đứng trước mặt trời mà không biết chói mắt là gì. Bậy quá sức!

Bắt đầu từ phút đó, tụi tôi hơi gờm gờm con người mà chúng tôi sẽ phải gọi cậu rất là... lễ phép. Mà tụi tôi cứ thắc mắc không hiểu sao cậu tôi, người cao lớn như vậy mà lại kết bạn với một gã trẻ măng như vậy, để làm khổ tụi tôi. Tiếc rằng cậu tôi đổi ra tận ngoài Huế, không làm sao gạn hỏi cho rõ nguyên do.

Thế rồi một bữa kia, cậu Kh. đến. Trông dáng bộ đã thấy... làm sao ấy, chả đứa nào muốn gọi cậu hết, nhưng ngoài cái bộ dạng nhỏ bé, cậu còn mang theo hai quả bưởi to cực đại, một gói giấy kín mít cũng to không kém và nụ cười rất tươi. Cậu bảo chúng tôi:

- Mở cửa cho cậu, lẹ lên! Mẹ đâu?

Bảnh quá ta! Lên giọng quá ta! Tụi tôi cự thầm trong bụng. Cậu điềm nhiên tiếp, không đợi trả lời:

- Tụi con lớn dữ hả! Nè, cậu có đem chuối khô, bưởi vô cho tụi con đó, sướng không? Ưng không? Mẹ đâu?

Cứ sau mỗi câu lại kèm theo hai tiếng "Mẹ đâu?" làm sao ta có thể gây chiến với một kẻ hiếu hòa như thế chớ? Đó, buổi gặp mặt đầu tiên diễn ra như vậy đó và chúng tôi mặc nhiên chấp nhận ông cậu hờ một cách khá vui vẻ, ồn ào.

Hè rồi, trong chuyến đi Đà Lạt, chúng tôi lại gặp cậu. Một bữa, cậu đến nhà trọ chúng tôi vào sáng sớm nói sớm chớ cũng 8 giờ Mẹ tôi vừa đi mua xôi về cho tụi tôi ăn. Mẹ mời cậu nhưng trái với thói quen: hễ gặp mẹ mời gì là cậu ăn ngay, lần này cậu từ chối thẳng thừng:

- Em ăn rồi, thưa chị. Chị với các cháu cứ tự nhiên. Em đến sớm để chở con Hà lên quán cháo vịt đó, chớ sai hẹn, nó lại coi thường ông cậu nhỏ bé thì mệt lắm.

Thế là chúng tôi ăn, cậu ra ban công hút thuốc lá. Rồi cậu chở tôi đi. Tôi ngạc nhiên thấy cậu không chở đến chỗ bán cháo vịt ngay mà chở đến nhà cô T., em họ cậu. Cậu vào đó bảo cô T. bằng giọng kẻ cả y như lần đầu gọi điện thoại cho tụi tôi:

- Này, T., mày giặt ủi mấy bộ quần áo cho anh chưa? Lẹ lên chớ! Anh hết áo quần rồi đó nghe.

- Thôi đi! Cô T. nói Anh cứ đi chơi, diện vô cho cố rồi bắt em giặt ủi hoài. Trời thì mưa dầm.

- Hay! Cái con này, chớ mày là cái gì của tao? Nói coi! Em út gì mà sai... quên, mà nhờ một chút đã la lên như thể là... Con gái mà làm biếng quá đi!

Nói xong, cậu quay sang tôi, cười:

- Con đợi cậu chút nghe! Con!

Không cần tôi trả lời, có vui vẻ hay nhăn nhó đợi, cậu xăm xăm đi vào trong. Tôi đợi đến sốt ruột mới thấy cậu ra. Lần này cậu có vẻ tươi tỉnh hơn và giục tôi lên xe liền. Ngồi sau lưng cậu, tôi hỏi:

- Cậu làm gì nhà trong lâu vậy, cậu?

- À, cậu... đánh răng đó, con à! Phải đánh răng rồi mới ăn cháo vịt chớ.

- Ủa, chớ sáng nay cậu chưa ăn gì hết sao?

- Đâu đã ăn!

- Ủa, vậy sao hồi nãy mẹ mời cậu ăn xôi cậu lại nói dối là ăn rồi?

Lần này cậu "à" to hơn và giải thích:

- Thì còn tại sao nữa: tại cậu chưa đánh răng chớ sao. Chưa đánh răng làm sao ăn. Phải sạch sẽ chớ!

- Hồi hôm cậu quên đánh răng hả?

- Đâu có quên! Sáng mới đánh răng rửa mặt chớ, mà sáng nay lật đật tới...

Thật là cái vòng lẩn quẩn. Nhưng tôi chú ý ở điểm cậu không đánh răng mỗi tối. Như vậy cậu có sạch sẽ thật không? Tôi muốn tiểu di qua loa về sự giữ gìn vệ sinh bộ răng, nhưng lại sợ là vô lễ với cậu, nên thôi. Định bụng sẽ về cho mẹ hay chuyện này một khía cạnh không đàng hoàng của cậu Kh. nhưng sau đó, cháo vịt quá ngon, thịt vịt quá mềm, rồi thì khi về lại mải lo tính toán chuyện đi chơi thác, hôm sau lại bận nghĩ đến chụp hình... rốt cuộc về Sài gòn, tôi quên luôn.

Bây giờ đây, mẹ làm tôi nhớ lại, và tôi kể lại đầu đuôi cho hết cả mọi người nghe. Thành thật mà nói, tôi chỉ muốn nói riêng cho mẹ biết thôi, nhưng tại mẹ làm tôi nổi nóng lên bằng câu này:

- Sao con biết cậu Kh. không vệ sinh? Con cứ có cái tài nói ẩu là nhất...

Đó, tại mẹ phải không, các bạn! Lũ em tôi sau khi nghe hết đầu đuôi liền cười đắc ý:

- Đó, mẹ thấy không! Tụi con đàng hoàng không?

Chị Thu thách mẹ:

- Sao mẹ không la cậu Kh. đi coi! Mẹ dám la không?

- Tao sợ gì! Tao sẽ viết thư cho cậu ấy, bảo nên săn sóc bộ răng. Thật tao không ngờ đó nghe.

Rồi thình lình mẹ tôi quay sang tôi, hỏi:

- Mà con có chắc cậu Kh. không...

- Trời ơi! Con hỏi cậu, cậu trả lời rõ ràng mà!

Sau câu chuyện, chúng tôi bàn nhau coi có nên cất chức cậu đi chăng, bởi vì theo chúng tôi nghĩ cậu như vậy là không được đàng hoàng mấy, phải không các bạn? Nhưng khổ nỗi: số thăm chống đối quá ít, không phải vì lũ này có thể thông cảm dễ dàng chuyện ăn ở kém vệ sinh mà vì đã quen miệng kêu cậu mất rồi.

Và với kinh nghiệm trên, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng: đừng tưởng tất cả người lớn đều hoàn toàn mọi mặt. Đó là một khía cạnh để giới trẻ chúng ta hãnh diện, có phải không quí bạn!

Thôi, thế cũng là có một câu chuyện để làm quà cho các bạn rồi đó, nghe! Các bạn có vui không? Cũng xin các bạn đừng nghi oan là tôi có ý bêu xấu người vắng mặt. Đây là một sự thật mà vô tình tôi tiết lộ đấy thôi.


MINH QUÂN     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 110, ra ngày 5-10-1973)