Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

NGỌN CỜ NÚI LAM - Nhật Tiến


NHÂN VẬT :

LÊ LỢI : Áo lụa đỏ, quần đen thắt lưng xanh, giầy đen.

NGUYỄN TRÃI : Áo the đen, quần trắng, đi hài đen, cầm quạt lông.

TRỊNH KHẢ :

LÊ VĂN LINH : Áo võ sinh nâu hay đen, thắt lưng xanh, đỏ, tím, đeo kiếm.

TRẦN NGUYÊN HÃN :

BÔ LÃO : Chít khăn đen, quần trắng, áo thụng xanh, râu bạc, chống gậy.

2 LÍNH : Chít khăn, áo thường dân nâu, chân quấn xà cạp, cầm dáo.


Cảnh Đại Sảnh Đường của LÊ LỢI ở Chí Linh. Trên tường giữa treo 1 ngọn cờ vuông, trên có 4 chữ ĐẠI THIÊN HÀNH HÓA, bên trái là một thanh trường kiếm, bên phải là 1 bộ cung tên. Góc nhà bên trái đặt 1 cái đôn gỗ, trên đặt 1 vạc chạm trổ đựng dầu, bấc đang cháy leo lét. Góc bên phải là 1 bộ bát bửu kê chếch, trên đặt gươm, đao, kích, thương v.v...

Giữa sân khấu là một bàn dài trên phủ khăn gấm. Sau bàn là một chiếc ghế bành phủ da cọp. Phía trước bàn có 2 hàng ghế mỗi bên 2 chiếc. Lùi ra sát sân khấu, phía bên trái có một cái giá lớn, trên gắn bản đồ hành quân ghi các vị trí chiến lược trong mặt trận kháng chiến chống quân Minh.

Mở màn LÊ LỢI đang ngồi ở bàn xem xét giấy má. Xa xa tiếng trống điểm sang canh. Một lát, một lính hầu bước vào.


LỚP I
Lính hầu I LÊ LỢI

LÍNH HẦU I: Khải trình Đại Vương đã quá giờ Ngự thiện. Xin Đại Vương rời gót nghỉ ngơi...

LÊ LỢI: Đã qua giờ gì rồi?

LÍNH HẦU I: Khải trình Đại Vương, đã quá giờ Dậu...

LÊ LỢI: (Bồn chồn) Quái nhỉ. Đã sang Dậu rồi, sao chư tướng chưa tề tựu?

LÍNH HẦU I: Khải trình Đại Vương chư tướng đã tới đủ. Nhưng Hàn Lâm Thừa Chỉ Đại Học Sĩ chưa để cho vào vì Đại Vương chưa ngự thiện.

LÊ LỢI: Không ăn uống gì hết cả, truyền chư tướng vô đây.

(NGUYỄN TRÃI bước vào theo sau là LÍNH HẦU 2 bưng một khay vuông đồ ăn)

LỚP II
Thêm Nguyễn Trãi và Lính Hầu II

NGUYỄN TRÃI: (phe phẩy quạt lông) Đại Vương hao tổn sức lực nhiều quá không nên. Sự nghiệp kháng Minh còn lâu dài, không thể vì nỗi lo âu mà bỏ ăn, bỏ ngủ được. Bay đâu, đem rượu thịt để lên bàn, Đại Vương ngự thiện rồi sẽ bàn tính công việc sau.

LÊ LỢI: (Tiến lại mâm cơm ngắm rồi giật giọng) Thừa Chỉ Học Sĩ. Sao người dám trái lệnh ta! Ai cho thịnh soạn thế này? Ta đã hứa cùng ba quân chia xẻ đói no, nằm gai nếm mật...

NGUYỄN TRÃI: Trình Đại Vương, tấm lòng son sắt của Đại Vương, thần không bao giờ quên lãng. Nhưng xin Đại Vương bớt giận, đấy là theo lời khuyến cáo của Trần ngự y, nếu Đại Vương cứ tiếp tục ăn củ mài để chia xẻ gian khổ với ba quân thì chỉ một thời gian ngắn nữa, ba quân sẽ còn lo lắng hơn bởi vì long thể sẽ bất an. Phàm lo đại sự, thì không nên chấp nê những cái tiểu tiết. Lòng thương yêu  binh sĩ của Đại Vương thế nào, ba quân cũng đã thấy sáng vằng vặc rồi... hà tất...

LÊ LỢI: Ông nói thế không được! Ta đã hứa chia xẻ gian khổ với ba quân thì bất cứ lúc nào, hoàn cảnh nào cũng thế mà thôi. Vả cái khó khăn mới như vậy, có chi đáng kể so với cuộc kháng chiến trường kỳ mà toàn thể quân dân phải chịu đựng. Thôi ta cám ơn tấm lòng của Đại Học Sĩ. Nhưng truyền cho dẹp ngay đi và nhớ lần sau đừng tái diễn cảnh này...

(Hai lính hầu bưng khay ra)


LỚP III:
LÊ LỢI, NGUYỄN TRÃI.

LÊ LỢI: Chư Tướng đến đủ chưa?

NGUYỄN TRÃI: Khải trình Đại Vương đủ cả, Trần, Lê, Trịnh tướng quân đều đã có mặt.

LÊ LỢI: Mời cả vào họp!

NGUYỄN TRÃI: (Giơ tay) Khoan đã, xin Đại Vương cho thần nói riêng trước ít lời. Tin tức mới nhất vừa cho hay Lê Thạch đã từ trần ở Ba Lậm.

LÊ LỢI: (Dậm chân) Thôi, thế thì trời hại thêm ta rồi! (nghiến răng). Khá giận thay quân phản phúc, từ nay ta hết còn tin cậy ở viện binh Lào quốc nữa.

NGUYỄN TRÃI: Bẩm chính như vậy. Sự đời, thiên hạ chỉ phù thịnh chứ ít phù suy. Như thế ta càng rảnh để tự lo liệu lấy đại sự cho mình. Chỉ tiếc Lê Tướng Quân đã ngã ngựa bởi những mũi tên ám toán hèn nhát...

LÊ LỢI: Truyền binh sĩ để tang ba ngày tưởng nhớ Lê Tráng Sĩ. Truyền ban sắc phong Lê Tráng Sĩ làm Kiêu Dũng Phục Quốc Đại Tướng Quân.

NGUYỄN TRÃI: - Xin vâng lệnh.

LÊ LỢI: (đi lại trầm ngâm một lát). Tâm trạng ba quân ra sao?

NGUYỄN TRÃI: Khải trình Đại Vương, sau trận thất bại ở Ba Lậm, tinh thần ba quân rất sa sút. Lại nghe tin cấp báo địch ùn ùn tăng viện ở đồn Khôi Sách sửa soạn một mặt trận tấn công mới, nên sự hoang mang giao động càng thêm mức độ trầm trọng.

LÊ LỢI: (Phất tay) Truyền chư tướng vào họp bàn phương cách đối phó.


LỚP IV:
Thêm Lê văn Linh, Trịnh Khả, Trần Nguyên Hãn.

CHƯ TƯỚNG: Đại Vương vạn tuế... vạn vạn tuế.

LÊ LỢI: Chư tướng ăn vị. (Mỗi người về chỗ ngồi). Tình hình quân quốc đại sự mỗi ngày một thêm nghiêm trọng. Sở dĩ có cuộc gặp gỡ hôm nay là để chư tướng trình bày cặn kẽ tình hình và đưa ra các biện pháp đề nghị đối phó. Lê Tướng Quân! Tình hình lương thực khí giới ra sao?

LÊ VĂN LINH: Khải trình Đại Vương, tình hình rất nguy khốn. Lương thực dự trữ không còn đầy ba vạn hộc, biện pháp đào củ mài ăn thay cơm chỉ kéo dài được trong thời gian ngắn. Trong hàng ngũ ba quân, đã thấy xuất hiện chứng bệnh phù thủng vì thiếu gạo. Bởi vậy, thần e rằng đã đến l1uc phải mở kho lương dự trữ...

LÊ LỢI: (Đập bàn) Không được! Sự nghiệp kháng chiến còn lâu dài, nếu mới chỉ gian khổ có vậy mà đã thoái chí thì làm sao hy vọng có vinh quang. Lương dự trữ còn cần phải gấp trăm ngàn lần hơn nữa, để sửa soạn cho ngày Tổng phản công. Chẳng những thế, kế hoạch tiết kiệm của Thừa Chỉ Đại Học Sĩ bắt buộc vẫn phải thi hành.

LÊ VĂN LINH: Trình Đại Vương thần e rằng Thừa Chỉ Đại Học Sĩ không ra đến ngoài, không nhìn thấy hoàn cảnh thực tế...

NGUYỄN TRÃI: (Phe phẩy quạt lông, cười mỉm). Hoàn cảnh thực tế... Hừ... Hoàn cảnh thực tế ra sao, xin tướng quân cho biết.

LÊ VĂN LINH: Ngài ra lệnh thì dễ, nhưng bắt tay vào thi hành mới thấy muôn ngàn khó khăn, trở ngại. Binh sĩ cơm không có mà ăn, làm sao mỗi đơn vị có thể tiết kiệm để chuyển về kho lương một ngàn hộc cứ mỗi tuần trăng theo lệnh của ngài...

NGUYỄN TRÃI: Tướng quân nên nhớ trận giặc mà chúng ta theo đuổi, không phải chỉ có một công tác trọng đại là giết giặc Minh, nhưng phải là muôn mặt. Lo giết giặc Minh mà không lo sản xuất, không lo kinh tế, không lo nâng cao tinh thần binh sĩ, không lo thu phục lòng dân, thì trọn đời không bao giờ ta có thể tiêu diệt xâm lăng được.

LÊ VĂN LINH: Tinh thần binh sĩ! Đúng lắm, nhưng trong tình thế này, nếu không giải quyết được lương thực thì không có cách gì giữ vững được họ cả. Có thực mới vực được đạo, câu nói nôm na ấy vậy mà đúng. Nay bắt họ nhịn đói ăn củ mài, vì yêu nước, họ gắng chịu! Nhưng họ lấy đâu ra lương thực để cung ứng cho kho tiết kiệm theo lệnh của ngài.

NGUYỄN TRÃI: Dân chúng! Vận động dân chúng để thu hút lương thực.

TRỊNH KHẢI: (chen vào) Tôi đồng ý là dân chúng có khả năng sản xuất ra lúa gạo. Nhưng ích gì đâu. Bây giờ ta đang rơi vào vòng lẩn quẩn. Vì thiếu gạo, nên dấu hiệu bất thường trong hàng ngũ binh sĩ đã xuất hiện. Nhiều đơn vị đã buông lỏng để binh sĩ lấy càn hoa màu của thường dân... Lòng dân vì thế càng xa cách...

LÊ LỢI: (đập bàn) Ở đâu vậy? Nơi nào mà càn rỡ vậy? Chém! Những quân nhân như vậy phải chém mới giữ được kỷ cương.

TRẦN NGUYÊN HÃN: Khải trình Đại Vương, tình hình nguy khốn lắm, nếu làm mạnh, chém mạnh, binh sĩ tất sẽ xôn xao, bởi tình trạng lén lút xâm phạm hoa màu của dân chúng không phải chỉ là một số ít. Theo phúc trình của các địa phương thì không ngày nào là không xảy ra một vụ khiếu nại, nếu chém phải chém cả ngàn người...

LÊ LỢI: Chém một ngàn người chớ chém một vạn người, ta cũng chém! Quân cần ít mà chọn lọc chứ không cần đông mà ô hợp. Nghe chưa!

MỘT TRONG BA TƯỚNG: (đứng dậy) Cúi xin Đại Vương xét kỹ tình hình. Việc chém đầu rất dễ nhưng không phải là biện pháp giải quyết đến tận cùng của gốc rễ.

LÊ LỢI: (đứng bật dậy, đi đi lại lại, bực tức).

NGUYỄN TRÃI: (Phe phẩy quạt lông, tiến lại bản đồ ngắm nghía, trầm ngâm rồi một lát) Lệnh của Đại Vương ban ra là đúng. Phàm cầm quân, mà để quân dưới trướng làm bậy là mầm suy tàn lực lượng nằm ở chỗ đó. Tôi muốn xin chém 100 cái đầu để làm gương!

LÊ VĂN LINH: (Đập bàn) Chém đầu lính mà không thấy khó khăn của lính thì thà chém đầu tôi trước còn hơn.

CHƯ TƯỚNG: (Đứng dậy) Tôi cũng vậy, tôi cũng vậy...

NGUYỄN TRÃI: Ai bảo chư tướng quân rằng tôi không thấy cái khó khăn của lính. Họ làm càn vì họ đói. Nhưng lính mà đói chỉ làm càn là thứ lính không được chỉ huy một cách nghiêm chỉnh, không được dạy dỗ đến nơi đến chốn (dằn giọng) Lỗi đầu tiên là ở các ông!...

TRẦN NGUYÊN HÃN: Tiên sinh trách chúng tôi như vậy thì tiên sinh hãy cho chúng tôi một lời chỉ giáo. Chúng tôi phải làm gì và làm thế nào trong khi tình cảnh đơn vị hết sức là bi đát.

NGUYỄN TRÃI: Phàm là cấp chỉ huy, nắm vận mạng của hàng ngàn binh sĩ, không thể ta chỉ có một cái nhìn vào cái khó khăn của mỗi một phía. Chư tướng quân lo lắng cái khó khăn này mà bỏ rơi những cái khó khăn khác là chưa đạt được tới nghệ thuật chỉ huy. Bởi thế, trước khó khăn nào cũng cần phải có biện pháp giải quyết. Tôi xin hỏi việc binh sĩ làm càn có phương hại đến Đại Nghĩa hay không? (im lặng). Vậy tôi xin chém đầu một số làm gương là để ngăn chặn sự sụp đổ của ngọn cờ ĐẠI THIÊN HÀNH HÓA mà chúng ta đã tốn bao xương máu để gây dựng thanh danh.

TRỊNH KHẢI: Nhưng chém đầu trong tình trạng thiếu thốn này sẽ còn phải chém mãi... chém hoài... rồi lấy quân đâu mà đánh giặc!

NGUYỄN TRÃI: Thì đấy mới là biện pháp để giải quyết cho cái khó khăn thứ nhất. Kể từ nay, tôi muốn rằng dù trong hoàn cảnh đói khổ thế nào, người binh sĩ cũng phải giữ gìn tác phong để thu phục lòng tin cậy của dân chúng.

LÊ VĂN LINH: Còn cái khó khăn thứ hai? Cái khó khăn trọng đại bắt nguồn cho những khó khăn khác...

NGUYỄN TRÃI: Tướng quân muốn nói đến vấn đề lương thực thiếu thốn phải không?

LÊ VĂN LINH: Chính phải!

NGUYỄN TRÃI: Thì nhân dân đã có, nhân dân đã sản xuất, thay vì lấy càn của mọi người, tại sao ta không đặt vấn đề làm cho nhân dân tự nguyện đóng góp. Trong cuộc kháng chiến này, nếu không có sự đóng góp công lao, xương máu của toàn dân thì không bao giờ ta có thể thành công được.

TRẦN NGUYÊN HÃN: Nói thì dễ, nhưng làm mới khó. Làm thế nào cho nhân dân tự nguyện đóng góp. Sự thất bại liên tục của ta từ ngày phất cờ Đại Nghĩa đã khiến cho khí thế LAM SƠN bị lu mờ!

NGUYỄN TRÃI: Lu mờ!... Lu mờ không có nghĩa là tuyệt vọng. Bởi luôn luôn ta có chính nghĩa. Phát huy được chính nghĩa là chiến thắng được lòng dân. Có được lòng dân thì không khó khăn nào ta không vượt qua được.

LÊ VĂN LINH: Tiên sinh nói thì đúng lắm, nhưng làm thế nào lấy được lòng dân đây...

NGUYỄN TRÃI: (Mỉm cười bí hiểm nhìn Lê Lợi)

LÊ LỢI: Điều đó Hàn Lâm Thừa Chỉ Đại Học Sĩ đã lo lắng từ lâu và đã có kế hoạch thực hiện. Chư tướng quân hãy ráng chờ kết quả...


LỚP V
Thêm lính hầu I

LÍNH HẦU I: Khải trình Đại Vương có một Bô Lão ở tận trấn Phú Liệt đòi xin vào yết kiến!

LÊ LỢI: (đưa mắt nhìn Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi khẽ gật đầu) Truyền cho vào.

(Lính hầu I ra)


LỚP VI
Bớt lính, thêm Bô Lão

BÔ LÃO: (Phủ phục) Thánh Thượng vạn tuế! Vạn vạn tuế!...


LÊ LỢI: Xin mời Lão ông an tọa, và đừng xử sự theo lễ nghi tiếp kiến Thiên Tử ta... ta mới chỉ là Bình Định Vương.

BÔ LÃO: Muôn tâu Thánh Thượng thần đã thấy trước ý trời. Trước sau gì thánh thượng cũng lên Ngôi Cửu Ngũ.

LÊ LỢI: Lão căn cứ vào đâu mà nói như vậy?

BÔ LÃO: (Mở túi đeo vai) Muôn tâu Thánh Thượng, thần đã đi qua một giải đường từ Trấn Thượng Hồng về tới Chí Linh, hiện nay không đâu là dân chúng không xôn xao vì tin đồn Thiên Tử xuất hiện. Bằng cớ là đây. (hai tay dâng lên một chiếc lá lớn).

NGUYỄN TRÃI: Ủa! Chiếc lá này có chi lạ?


BÔ LÃO: Sao không lạ? Tiên sinh thử nhìn coi, đọc kỹ coi. Bình sinh lão đây sống trọn 80 năm mà chưa bao giờ trông thấy hiện tượng kỳ dị như thế này. Trải khắp 4 đạo, 15 trấn, từ Thái Nguyên xuống Thiên Trường, từ Tam Giang qua đến Hạ Hồng, Thượng Sách không nơi nào là không thấy lá rụng đầy khe, ngập suối. Mà chiếc nào cũng hiện rõ 4 câu rành rành "LÊ LỢI VI QUÂN, NGUYỄN TRÃI VI THẦN". Vậy đấy có phải là do ý trời đã định vậy hay không?

NGUYỄN TRÃI: (Đón xem, rồi lẩm bẩm) Kỳ dị! Thực là kỳ dị!

LÊ LỢI: Đưa ta coi!

NGUYỄN TRÃI: (Kính cẩn dâng lên)

LÊ LỢI: (Ngắm nghía, lật qua lật lại) Hừ! Kỳ dị... thực là kỳ dị (đưa cho NGUYỄN TRÃI). Hàn Lâm Thừa Chỉ Đại Học Sĩ nghĩ sao?

NGUYỄN TRÃI: (Quỳ xuống) Muôn tâu Thánh Thượng, thật không còn nghi ngờ gì nữa, xin Thánh Thượng hãy thuận theo ý trời lên ngôi Cửu Ngũ để chăm dắt trăm họ ra khỏi ách lầm than, nô lệ...

LÊ LỢI: (Xua tay, lùi lại) Chớ hiểu lầm ý ta. Bình sinh ta cầm quân dựng cờ khởi nghĩa, ấy chỉ vì muôn dân đang rên xiết dưới gót giày tàn bạo của ngoại bang. Đừng buộc ta sánh ngang hàng với phường ham danh, chuộng lợi...

BÔ LÃO: (Quỳ xuống) Lòng Thánh Thượng như sao băng, chí anh hùng ngất cao như núi, oai danh của Thánh thượng đã vượt khỏi non Lam, bao trùm khắp tứ dân thiên hạ. Nếu Thánh Thượng có lên ngôi Cửu Ngũ ấy cũng chỉ vì vâng mệnh trời mà chăm dắt trăm họ.

CHƯ TƯỚNG: (Quỳ xuống) Xin Thánh Thượng hãy nghĩ đến lê dân đang khổ ải mà nhận lãnh trách nhiệm do ý trời đã định.

LÊ LỢI: (Xua tay) Xin chư vị hãy đứng dậy. Nếu chu vị có yêu thương LỢI này thì đừng dồn LỢI Này vào cái thế của phường nhỏ mọn. Trước anh linh tiên liệt, LỢI này xin thề nếu không hoàn tất được sự nghiệp kháng Minh thì quyết không bao giờ nghĩ đến việc lên ngôi trị vì trăm họ. Ý ta đã quyết, xin đừng ép buộc... Bây giờ công cuộc đại sự còn bộn bề, chư tướng quân và lão ông hãy lùi về yên nghỉ để ta còn bàn việc quân cơ với Thừa Chỉ Đại Học Sĩ.

(Chư tướng, bô lão vái chào rồi đi giật lùi trở ra)


LỚP VII
NGUYỄN TRÃI - LÊ LỢI

LÊ LỢI: (Mỉm cười) Thế là kế hoạch của Tiên Sinh đã hoàn thành mỹ mãn. Nay lòng dân ta đã có, ta lo gì không đạt tới thành công.

NGUYỄN TRÃI: (Đứng dậy) Kế mọn đâu làm nên đại sự. Đấy chẳng qua là nhờ hồng phúc của Đại Vương, vả lại cái thành công tuyên truyền ấy mới chỉ là chuyện nhất thời. Việc duy trì và phát triển được thực lực mới là yếu tố quyết định thành bại.

LÊ LỢI: Phải lắm! Đấy là mối bận tâm chính yếu của ta hiện nay. Tình hình quân sự mấy lúc này tuy khả quan nhưng chưa được phát động toàn diện để phô trương thanh thế. Nay nhân đã gây được tín nhiệm trong lòng dân, ta muốn mở cuộc phản công toàn diện để lôi cuốn sự nức lòng của trăm họ, tiên sinh nghĩ có nên chăng?

NGUYỄN TRÃI: (Chỉ vào bản đồ) Không nên, không nên. Xin Đại Vương hãy nhìn lên cuộc cờ hiện tại. Hiện nay thế giặc đang khôi phục lừng lẫy. Trận thất bại của Phương Chính ở Đông Quan chỉ là một bước lùi để triều đình Minh có cơ hội nhảy vọt. 5 vạn quân của Vương Thông đã vào tới Cổ Sở. Phương Chính lại dàn trận ở Sa Thôi. Dọc bờ Nhuệ Giang, quân của Tham Tướng Mã Kỳ trải dài đồn ải tới trên 10 dặm. Như vậy, rõ ra là Mã Kỳ có khả năng quân sự, biết phối hợp hiệu lệnh hành quân để thống nhất hành động. Thế giặc như vậy, nếu ta mù quáng lao vào, lấy sức đấu sức, tôi e rằng mình sẽ nắm trước lấy phần thất bại.

LÊ LỢI: Vậy trước tình thế ấy Tiên Sinh có cao kiến gì không?

NGUYỄN TRÃI: Thần đã suy nghĩ từ nhiều ngày nay. Cái thế của ta hiện nay chưa phải là cái thế chiến đấu trực diện. Bởi vậy, đem lực lượng chủ chốt ra mà đối đầu với địch là tự ý làm tiêu hao lực lượng nòng cốt.

LÊ LỢI: Quân bất năng dụng, tinh thần sẽ bạc nhược, yếu hèn. Vả lại, nếu cứ cố thủ hoài như thế, thanh danh ngọc cờ ĐẠI THIÊN HÀNH HÓA sẽ chẳng mấy chốc mà tiêu mòn.

NGUYỄN TRÃI: Xin Đại Vương đừng nóng nảy. Biết mình biết người trăm trận trăm thắng. Ta đã thấy trước cái thế còn non yếu của quân ta mà đẩy họ vào cuộc phản công toàn diện là mua lấy cái thất bại rõ ràng trước mắt. Nay lòng dân đã bừng bừng nổi dậy, ta nhân đó mà tổ chức thành những lục lượng địa phương rồi sử dụng họ trong nhiệm vụ phá rối và tiêu mòn lực lượng địch. Quân Minh phải chiến đấu xa nhà, địa thế lại không rành rẽ, sẽ chẳng mấy chốc chúng bị bạc nhược rồi mất đi sự bình tĩnh sáng suốt cần yếu của con nhà võ. Chừng đó ta xuất toàn lực lượng chuyển sang cuộc phản công toàn diện thì làm gì mà không nắm lấy phần thắng trong tay.

LÊ LỢI: (Vỗ tay) Cao kiến! Cao kiến! LỢI này nếu dựng được nghiệp lớn thì ấy là nhờ ở công lớn của Tiên Sinh.

NGUYỄN TRÃI: Xin Đại Vương chớ quá lời, thần cảm thấy không xứng đáng với lời khen của Đại Vương. Nếu Đại Vương chấp thuận đường lối của thần, thì xin cho được vạch kế hoạch kháng chiến trường kỳ...

LÊ LỢI: Tiên Sinh cứ trình bày.

NGUYỄN TRÃI: Khải trình Đại Vương, đất Chí Linh là nơi địa linh nhân kiệt. Đã hai lần ta động thủ, hai lần ta phải rút về ẩn náu. Núi ở đây hùng vĩ, rừng ở đây rậm rạp, bốn bề lại có sông sâu án ngữ, thật không có nơi nào tốt hơn để dung dưỡng thực lục.

LÊ LỢI: Ta cũng có ý ấy!

NGUYỄN TRÃI: Mục tiêu hành động của ta cũng phải nhắm vào ba yếu tố, nòng cốt: Đối với nhân dân, nương theo đà tuyên truyền đang ảnh hưởng mạnh mẽ, xin Đại Vương tung đi khắp tứ xứ những tráng sĩ trung kiên để xây dựng những đơn vị hạ tầng, xúc tác nhân tâm, phát động thế du kích để tiêu mòn lục lượng địch.

LÊ LỢI: Ta lĩnh ý!

NGUYỄN TRÃI: - Đối với quân đội chủ lực, phải tổ chức cơ ngũ chặt chẽ hơn, vừa huấn luyện quân sự vừa huấn luyện chính trị, tiêu diệt tư tưởng ỷ lại, sợ khổ, sợ khó, đem lại cho đơn vị một không khí nức lòng vui vẻ, cho họ quên đi những vướng bận thê nhi thường tình.

LÊ LỢI: Ta xin lĩnh ý!

NGUYỄN TRÃI: Còn nhìn sang phía địch, ta không thể chỉ trông vào lực lượng trứng nước của nhân dân mà tin rằng họ làm nên đại cuộc. Phải yểm trợ tích cực cho nhân dân bằng những hoạt động tuyên truyền liên tục, gieo vào lòng địch cái tâm lý rùng rợn, sợ hãi thường trực qua các hoạt động cảm tử khủng bố, cướp phá xe lương, đột kích lẻ tẻ, đồng thời cũng phủ dụ họ buông khí giới để tôn trọng chủ quyền của người nước Nam... Đấy mới là kế hoạch khởi đầu trong nghiệp lớn, nay mai tình thế đổi khác tại hạ sẽ bàn thêm sách lược mới.

LÊ LỢI: Lĩnh ý! Ta xin lĩnh ý!... Những lời của Tiên Sinh đã khiến ta thấy rõ những tai hại trong sự nóng nảy ngông cuồng. (Có tiếng ồn ào ở bên ngoài) Ủa! Không biết có chuyện gì dưới trướng mà ba quân ồn ào quá thế. (Lính I cầm đuốc chạy vào)


LỚP VIII
Thêm lính I

LÍNH I: (Quỳ xuống) Khải trình Đại Vương các Bô Lão thuộc 4 trấn kéo tới càng ngày càng đông, đòi xin yết kiến bằng được Đại Vương.

LÊ LỢI: (Đưa mắt nhìn Nguyễn Trãi).

NGUYỄN TRÃI: Khải trình Đại Vương, lòng dân đang cực kỳ sôi nổi. Xin Đại Vương lên tiếng mấy lời để mọi người thêm nức lòng, hăng chí. (Rút trong tay áo ra một cuộn giấy viết đầy chữ nho) Thần đã thảo sẵn ít lời Hiệu Triệu định trình xin Đại Vương phủ chính rồi phổ biến khắp nhân gian. Tiện đây xin Đại Vương duyệt xét lại rồi cho truyền đọc... (trao giấy cho Lê Lợi rồi quay lại đón lấy đuốc của lính I)

LÊ LỢI: (Cầm cuộn giấy) Truyền chư tướng mời hết Bô Lão vào Đại Nghĩa đường.

LÍNH I: Xin tuân lệnh! (lui ra) (chiêng trống bắt đầu nổi dậy từng hồi, tiếng hò reo mỗi lúc một thêm ồn ào)

LÊ LỢI: (Chậm rãi bước ra gần mé ngoài sân khấu, một chân ghếch lên chiếc đôn quì ở cạnh bản đồ, hai tay trải rộng cuốn giấy trước mặt, mắt nghếch lên đầy vẻ kiêu dũng).

NGUYỄN TRÃI: (Cầm đuốc giơ cao, đứng kề bên)

Sân khấu biến thành một hoạt cảnh trình bày hai nhân vật quan trọng nhất trong thời kỳ kháng Minh đứng cạnh nhau như hai bức tượng oai nghi lẫm liệt biểu dương ý chí đoàn kết, dũng cảm. Trong hậu trường bắt đầu vang lên lời tuyên đọc một đoạn của Bình Ngô Đại Cáo:

Họ Hồ ngang ngược
Lòng người căm hờn.
Quân Minh thừa dịp hại dân
Đảng ngụy manh lòng đem bán nước
Hơ lũ đầu đen trên lửa bỏng
Đẩy phường con đỏ xuống hang sâu.
Dối trời, hại dân gian xảo đủ muôn ngàn lối
Gây binh nhóm loạn trải hai mươi năm
Ta phát tích từ núi Lam Sơn
Náu mình nơi hoang dã
Trước thù lớn làm ngơ không thể
Cùng giặc giã chung sống được sao...

Trong suốt lúc hậu trường lên tiếng đọc thì màn từ từ khép chậm.


NHẬT TIẾN     
1-10-71          

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 14, ra ngày 14-11-1971)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com