Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

TIẾNG HÚ TRÊN ĐỈNH NON CHÀ HÓC_CHƯƠNG BA




CHƯƠNG BA


Khi mặt trời trườn khuôn mặt đỏ gay lên khỏi rừng lách xanh dày, con trâu của ông Tà Ngớt đã được tắm rửa sạch sẽ dưới suối và đem lên cột ngay ở cổng làng.

Sa Keo uống rượu say mềm, lừ lừ từ phía cuối buôn tiến đến, mở dây đeo một lá bùa vào chiếc sừng trâu rồi dắt trâu đi. Lão cho biết rằng khi mặt trời lên chính giữa đỉnh đầu là đúng giờ hẹn với loài ma quỉ. Lúc ấy con trâu sẽ được lão đưa tới gần sườn giữa đỉnh non Chà Hóc, chỗ khoảng đất cấm. Từ đó, trâu sẽ cứ thế đi vào miệng quỉ như bị một sự cuốn hút lạ lùng.

Ông Tà Ngớt ngồi ở đầu buôn nhìn theo con trâu, đôi mắt đỏ hoe. Con trâu bước từng bước nặng và chậm, thỉnh thoảng vung sừng xua đuổi một cách bực tức những con ruồi lằn đến quấy phá mình.

Qua ngày hôm sau mới thấy Sa Keo lững thững trở về. Tiếng hú đã tắt kể từ hôm lão phù thủy nói với dân làng ngồi bên đống lửa. Bây giờ lão thành kẻ có uy quyền ở Nước Ràng. Lão đòi ăn thịt, uống rượu suốt ngày và ông Bu Then chia cắt mọi người cung ứng khi lão đòi hỏi.

Sau con trâu của Tà Ngớt là đến con trâu của Hơ Râm. Dân làng ngồi chờ đến phiên mình phải dâng nộp, mặt ai cũng buồn như chiếc lá héo. Mặc dầu Sa Keo nhất quyết là con quỉ dữ chưa thể vùng dậy và nó sẽ không phá phách gì cả khi nó còn có mồi ăn, nhưng không ai dám lên rẫy, lên nương. Biết đâu đang cúi lom khom suốt lúa, con quỉ vươn mình dậy được, nhẩy xổ đến nuốt chững đi? Biết đâu một ngày gần đây chẳng phải bỏ làng mà về một nơi nào khác, hết sức xa xôi và nương rẫy đâu còn thấy mặt nữa? Các người già cả ngồi tụ với nhau nói chuyện thì thầm, lo lắng những gì sắp sửa xảy ra, những tiếng thở dài xen lẫn những tiếng run rẩy. Các người trai trẻ ra vào ngơ ngẩn, cảm thấy bất lực trước một tai họa mà họ không sao biết được căn do, thỉnh thoảng trao đổi cho nhau những tiếng tắc lưỡi, những cái liếc nhìn ngao ngán. Lũ trẻ, ban đầu không biết rõ mối hiểm nghèo lớn lao đe dọa dân làng, vẫn còn vui vẻ đùa nghịch nhưng dần dần thấy cha mẹ, bà con ai cũng rầu rĩ, chúng cũng trở thành sợ sệt, lo âu.

Anh Xiu Bân cũng buồn bã không kém. Mỗi sáng anh tìm đến ông Bu Then bày tỏ những điều nhận xét của anh đối với dân làng, nghĩ cách chống chỏi lại con quỉ dữ làm hại đời sống yên lành của buôn.

- Ông Bu Then ơi, không ai còn muốn lên nương, lên rẫy gì đâu. Ai cũng lo sợ đầy ở trong lòng. Ngày kia, trâu heo cũng hết, lúa bắp không còn, lấy gì mà ăn? Quỉ không ăn thịt chúng ta thì chúng ta cũng chết đói cả thôi. Nguy lắm, ông chúa làng à. Phải bảo họ lên nương rẫy, bảo họ làm lụng. Có làm, có ăn mới mong chống được ma quỉ. Không ai lại ngồi đợi cho tai họa rớt xuống đầu mình.

Ông già gật đầu:

- Xiu Bân nói phải, ta cũng biết vậy rồi Xiu Bân ạ. Ta đến bảo từng người mà không ai muốn nghe lời ta nữa. Khi họ bận rộn nghe sự lo âu trong lòng, thì đâu còn có hai tai để nghe người khác dặn dò. Ta đang buồn phiền trong bụng lắm đây.

Xiu Bân suy nghĩ rồi đáp:

- Ngày mai Xiu Bân sẽ rủ những người ít biết sợ hãi cùng nhau lên rẫy. Mình phải đi trước cho những kẻ khác bắt chước đi theo.

Ông Bu Then gật đầu:

- Phải rồi, con người thích bắt chước lắm, phải làm việc tốt để họ còn làm theo ta. Ngày mai Bu Then đi rẫy cùng với Xiu Bân.

Xiu Bân nói tiếp:

- Mỗi tối, Xiu Bân rủ những người nào không muốn ngủ sớm mang dáo, mang nỏ đi rảo quanh buôn để ngăn bớt sự sợ hãi leo vào trong các sàn nhà.

- Phải rồi, làm thế những kẻ ngủ sớm rồi sẽ không ngủ được đâu. Họ sẽ thức dậy để mà bắt chước Xiu Bân.

Sáng ngày, Xiu Bân rủ được ba chàng trai trẻ trong buôn chịu mang cung nỏ, dao rựa đi cùng với anh và ông chúa làng vào rẫy. Đến trưa họ cùng trở về bình yên. Một số những trai trẻ khác, buổi chiều cũng bắt chước họ đi làm, và qua một ngày sau đó, dân buôn lần lượt lên nương, lên rẫy. Tuy vậy, họ không dám ở lại trưa hoặc về quá tối như trước. Vẻ mặt của họ u uất nỗi buồn và sự sợ hãi ám ảnh từ đêm tiếng hú rùng rợn cất lên vang cả núi rừng.

Nhưng sau mấy ngày trời gay gắt nắng, vào một đêm mưa lất phất, cả buôn Nước Ràng bỗng choàng tỉnh giấc. Tiếng hú vọng lại xa xôi, mơ hồ, nghẹn tức như một con người nghẹt thở cố vùng vẫy để cất tiếng kêu than. Ban đầu, giữa một giấc ngủ chập chờn, nhiều người chợt tưởng như mình nghe nó vẳng lại từ trong một giấc chiêm bao. Nhưng không, tiếng hú càng lúc càng hiện rõ hơn, kéo dài một cách thê thảm lạ thường. Ông chúa làng lê mình ra liếp cửa, chong tai ngồi nghe mà rối ruột gan. Tiếng hú quái đản không còn dữ dội như đêm đầu tiên nhưng nghe buồn bã, rầu rĩ, tựa hồ ma quỉ cũng có những nỗi đau phiền như là con người.

Thoáng thấy bóng Xiu Bân hiện rõ trên sàn buôn, ông chúa làng hỏi:

- Xiu Bân đó à? Tiếng hú nghe buồn cái ruột quá đi.

Người trai mẫn cán của buôn Nước Ràng tiến lại dưới chân thang gỗ của ông Bu Then. Anh nói:

- Không giống với tiếng hôm trước, ông chúa làng à.

- Nó nhỏ yếu hơn, nhưng là nó đấy. Ta nghe rõ được cái giọng lồng lộn của nó từ đầu và tiếng kéo dài như khóc khi gần dứt hẳn.

Hai người yên lặng nghe theo tiếng hú quái gở chạy dài ở trên vòm trời lốm đốm sao khuya, luồn qua nóc nhà, lan xuống mặt đất, thấm vào lòng họ một nỗi đau xót lẫn lộn với sự sợ hãi mênh mông.

Hồi lâu ông già Bu Then bảo người trai trẻ đứng dưới chân mình:

- Đi hỏi Sa Keo xem nào, Xiu Bân. Bốn con trâu làng chưa làm no cái bụng quỉ hay sao?

Xiu Bân chậm rãi bước đi. Trong bóng tối mờ, ông thấy tay anh cầm cây dáo dài, chĩa mũi nhọn hoắt về phía đàng trước. Ông già thở dài. Ông thấy thương hại Xiu Bân. Từ hôm nổi lên tiếng hú kinh dị, người trai trẻ ấy đã giúp đỡ ông rất nhiều trong sự săn sóc dân làng. Anh chia xẻ nỗi lo sợ của mọi người, để ý đến việc làm ăn của họ, luôn luôn cầm cây dáo nhọn đi rảo quanh buôn canh chừng giấc ngủ mọi người những khi khuya khoắt. Ít ngủ, ít ăn, đầu óc bận rộn, con người khỏe mạnh và gân guốc ấy dần dần ốm sút hẳn đi. Những lúc lên rẫy lên nương, anh là một kẻ dẫn đầu, và lúc trở về, anh là kẻ đi sau chót. Xiu Bân hòa cuộc đời anh với đời sống của dân làng như là chất muối hòa tan trong nước. Lầm lì, kiên nhẫn, anh như một cây cốc rừng lớn mạnh muốn đương đầu lại giông bão và đem bóng mát của mình che rợp cho nhiều người khác. Ông già tự nhủ: "buôn ta không thiếu những người tốt tươi như thế. Để cho loài ma, lũ quỉ giết hại họ sao? Không đâu, còn thở ngày nào, ta phải lo cho dân làng ngày ấy".

Xiu Bân lẳng lặng đi về cuối buôn, leo lên thang gỗ nhà lão Sa Keo. Trong nhà im lặng, chỉ có bếp lửa thoi thóp chiếu sáng thân hình quái gở của lão đang nằm chèo queo trong một giấc ngủ nặng nề. Anh ngồi xuống bên cạnh lão, sửa lại đám củi cho cháy bùng lên, nhưng lão phù thủy say vùi vẫn không hay biết gì hết. Xiu Bân nhìn quanh ngôi nhà chật hẹp, đồ đạc bừa bãi, ngổn ngang, lổn nhổn những vò rượu cần. Anh muốn đứng dậy đi về nhưng nhớ những lời căn dặn của ông chúa làng nên ngồi nán lại. Từ xa tiếng hú theo ngọn gió lạnh vẫn cứ vọng lại từng cơn, rên rỉ thảm thương như tiếng kêu cứu của con quái vật khổng lồ sắp chết. Đây đó, anh nghe dân làng tỉnh giấc rì rầm, khua động những cơn lo lắng bàng hoàng.

Xiu Bân đặt tay lên người Sa Keo lay gọi. Lão phù thủy ú ớ đôi tiếng, nói lảm nhảm trong cơn mê rồi mới choàng mắt, thao láo nhìn anh. Anh nói:

- Xiu Bân đây mà.

Cặp mắt thao láo đổi thành cái nhìn trừng trừng, lão nói bằng giọng giận dữ:

- Sao mày đến phá giấc ngủ của ta?

Xiu Bân đáp lại:

- Không nghe tiếng hú đó sao?

Lão nghiêng người lại, chong tai nghe tiếng than dài thảm thiết ở trong không khí rồi vừa riu ríu cặp mắt vừa nói bằng giọng mệt mỏi:

- Về đi... Ngày mai ta sẽ tìm hỏi ma quỉ... Ngày mai... Sa Keo...

Rồi lão gục xuống, nằm xoài người ra, phút chốc chìm trong tiếng ngáy dồn dập.

Qua ngày hôm sau, dân làng không ai dám lên nương rẫy. lão phù thủy lại ra đi từ sớm và đến tối mịt mới về. Dân làng xúm xít trên vạt sân buôn, quây tròn lấy lão, đợi lão cho biết về cái tiếng hú bắt đầu vẳng lại từ khuya. Sa Keo lại bảo đốt lửa, đem rượu cần đến. Lần này ánh lửa vừa sáng bừng lên thì lão múa nhảy như điên và nói từng tràng những tiếng kỳ dị mà không một ai hiểu được ý nghĩa là gì. Có lúc lão gào thét lên một cách giận dữ, có lúc lão lại thì thầm như đang nói chuyện với những con người vô hình ở trước mặt mình. Khi lão đã mệt mỏi rồi, mồ hôi ướt đẫm mình mẩy, lão mới dùng lại, thở dốc, cúi xuống nốc rượu ừng ực. Mọi người yên lặng đợi chờ, cố nén lấy sự băn khoăn xáo trộn nơi lòng. Bây giờ thì lão Sa Keo chưa nói, không ai có quyền bắt lão mở mồm. Cuối cùng thì lửa sắp tàn, đêm đã về khuya, lão mới cất giọng khàn khàn bảo với dân làng:

- Con quỉ đang đau yếu nhiều, vết thương làm nó nhức nhối kêu la. Ăn một con trâu không làm cho nó mau lành, nó buộc dân làng phải nộp hai trâu. Sa Keo đã cầu xin nó, nhưng nó không nghe. Không muốn hai trâu thì nộp một người dân làng, nghe rõ được chưa?

Dân làng yên lặng, đưa mắt nhìn nhau. Ông Hơ Râm đứng lên nói bằng giọng buồn rầu:

- Hai con trâu lớn mỗi ngày, lấy đâu mà cung cấp mãi cho loài ma quỉ? Ông Bu Then à, chúng ta rời bỏ nơi này mà đi, đi thật là xa.

Sa Keo lừ mắt nhìn ông Hơ Râm:

- Ta đã bảo rồi. Đi đâu cũng không thoát khỏi ma quỉ.

Xiu Bân chống thẳng cây dáo đứng lên nhìn khắp mọi người, rồi nói:

- Sa Keo bảo con quỉ đang đau ốm. Vậy tội gì ta phải nuôi dưỡng nó để nó mạnh lên, phá hại dân làng? Nó chưa vùng vẫy khỏi ra đỉnh non Chà Hóc, đừng sợ. Hãy cứ để nó chết đi và chúng ta sống yên lành. Từ đây, không ai còn nộp con trâu nào nữa.

Lời nói của Xiu Bân vang lên, đồng thời cũng gieo kinh ngạc cho khắp dân làng. Những tiếng rì rầm nổi dậy. Sa Keo cười lớn, rồi bảo:

- Đừng nói những lời dại dột. Ma quỉ không bao giờ chết. Ma quỉ sống mãi, đời đời. Không chịu mất trâu thì mất mạng người, tùy cái bụng nghĩ dân làng. Ngày mai ta sẽ khỏi đưa con mồi vào núi, ta được nghỉ khỏe ở trong cái nhà.

Lão phù thủy vừa dứt lời thì ông Kiu nói như thét lên:

- Chúng ta chịu mất con trâu chứ không chịu mất con người! Đừng ai nghĩ như Xiu Bân, Xiu Bân đã nói lầm rồi. Chẳng ai chống lại ma quỉ được đâu, Sa Keo nói đúng nhiều lắm, Sa Keo phải cứu dân làng. Dân làng nhớ ơn Sa Keo, thờ cúng Sa Keo.

Một số ông già cũng la lên, hưởng ứng lời của ông Kiu. Phù thủy Sa Keo có vẻ đắc ý, quay bảo mọi người:

- Hãy nói cho ta nghe đi. Nộp trâu hay nộp mạng người?

Nhiều tiếng kêu lên:

- Nộp trâu! Nộp trâu đó thôi!

Giọng nói vang dội như những tiếng than tuyệt vọng. Xiu Bân trợn mắt, không nói năng gì. Và lão Sa Keo cúi xuống nốc rượu, mặt lão đỏ bầm như cục than hầm.

______________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG BỐN